Pages

Thursday, February 14, 2019

Socrate



Người ta phân chia triết học Hy Lạp cổ đại thành thời kỳ tiền Socrates, thời kỳ Socrates và thời kỳ hậu Aristotle. Thời kỳ tiền Socrates có đặc trưng là các suy đoán siêu hình học, thường dưới hình thức của các mệnh đề tổng quát có ý nghĩa bao hàm lớn, chẳng hạn "Tất cả đều là lửa", hay "Tất cả đều biến đổi". Các triết gia tiền Socrate quan trọng gồm có Thales, Anaximande, Anaximene, Democrite, Parmenide và Heraclite.

Thời kỳ Socrate được đặt tên để vinh danh nhân vật nổi bật nhất của triết học phương Tây, Socrate, người đã cùng với Platon, học trò của mình, cách mạng hóa triết học qua việc sử dụng phương pháp Socrate, nhờ đó đã phát triển những phương pháp rất tổng quát cho việc định nghĩa, phân tích và tổng hợp. Tuy bản thân Socrate không viết gì, nhưng ảnh hưởng của ông đã được truyền bá qua các tác phẩm của Platon. Các tác phẩm của Platon thường được xem là các tài liệu cơ bản của triết học, vì chúng đã định nghĩa các vấn đề nền tảng của triết học cho các thế hệ sau. Các vấn đề này và các vấn đề khác đã được Aristote tiếp thu, ông là người đã học tại Hàn lâm viện (trường của Platon), ông thường bất đồng quan điểm với những gì Platon đã viết.

Thời kỳ hậu Aristote đã mở đầu với những triết gia như Euclid, Epicure, Chrysippe, triết gia Yếm thế Hipparchia, Pyrrho và Sextus Empirice.

Socrate tiếng Hy Lạp cổ Σωκράτης (469–399 BC). Ông sinh ra tại thành phố Athen, thuộc Hy lạp, và đã sống vào một giai đoạn thường được gọi là hoàng kim của thành phố này. Thời trẻ, ông nghiên cứu các loại triết học thịnh hành lúc bấy giờ của các "triết học gia trước Socrate", đó là nền triết học nỗ lực tìm hiểu vũ trụ thiên nhiên chung quanh chúng ta.

Socrate (469-399 BC)

Sinh trưởng tại Athènes, Scorate là con một người cha là Sophroniscue làm nghề điêu khắc và mẹ là Phaenarete hành nghề hộ sinh.

Như thế, dòng dõi Socrate không phải dòng dõi quý phái mà chỉ là dòng dõi của những thường dân Athènes

Nhờ một di sản nhỏ bé và những phụ cấp của chính phủ, Scorate đã sống một nếp sống rất khiêm tốn, nhưng lại rất độc lập về tinh thần.

Trong thời kỳ thi hành nghĩa vụ quân dịch, ông đã chiến đấu như một bộ binh trong một cuộc chiến tranh Péloponèse. Khi thi hành những nhiệm vụ chính trị bó buộc, năm 406, ông đã được chỉ định giữ chức Thủ tướng chính phủ và chính lúc đó ông đã đứng về phía bênh vực đạo luật chống lại số đông khi họ phẫn nộ đòi hỏi và bắt buộc xử án những tướng lĩnh thuộc trận chiến Arginuses.

Dù được miêu tả như một mẫu người thiếu sức hấp dẫn bề ngoài và có vóc người nhỏ bé nhưng Socrate vẫn cưới Xanthippe, một cô gái trẻ hơn ông ta rất nhiều. Cô ấy sinh cho ông ba đứa con trai Lamprocle, Sophronisce và Menexene.

Socrate tin rằng có một vị thần phù trợ cuộc đời của ông. Hình như chính vị thần ấy một ngày kia đã biến đổi tất cả cuộc đời của ông, nghĩa là trước kia Socrate cũng đã am tường vũ trụ luận của Anaxagore: ông đã chứng kiến và say mê nguỵ luận thuyết. Nhưng không một triết lý nào trong hai triết lý đã thỏa mãn ông. Vũ trụ luận thì không giúp ích gì cho tâm hồn con người; còn ngụy luận thuyết thì tuy có thực hiện được nhiều điều vĩ đại bằng cách nêu lên những tra vấn, thắc mắc nhưng cách thức đặt vấn đề của họ lại đẩy nó lạc vào một kiến thức khác sai lạc hay vào thái độ phủ nhận mọi dữ kiện của truyền thống .

Trước sự thất bại của hai triết lý. Socrate ý thức được sứ mệnh cao cả của mình. Nhưng sứ mệnh này không phải sứ mệnh do một Thượng đế nào uỷ nhiệm ông để truyền đạt cho loài người những sứ mệnh của các vị tiên tri. Trái lại sứ mệnh của ông là chỉ tìm nhân loại tức là chính con người.

Hơn nữa, Socrate còn thú nhận rằng, cũng do ảnh hưởng tiếng nói của các vị thần ấy mà ông đã thi hành một số quyết định cao cả trong đời sống ông như: ông không nên tự biện hộ cho mình, không nên vượt ngục, không nên chấp nhận cái chết đang khi ông còn có thể sống.

Cuộc đời của Socrate hoàn toàn có tính cách công cộng. Buổi sáng ông thường đi dạo và vào vận động trường. Ông xuất hiện ở những công trường mỗi khi có dân chúng tụ họp đông đảo. Ngoài thời gian ấy, trong một ngày ông còn mở nhiều cuộc hội thảo. Ông thường nói nhiều trong các cuộc hội thảo ấy, những ai muốn thì có thể nghe ông".

Không bao giờ ông giảng thuyết một cách long trọng mà chỉ chuyện vãn hay đàm đạo với một hay nhiều đối thoại viên, bất kể tuổi tác, địa vị hay nghề nghiệp. Đời sống ấy là một đời sống đàm đạo với bất cứ ai, với những thợ thủ công cũng như với những nhân vật trong chính quyền, với những nghệ sĩ cũng như với những ngụy luận gia, với những chàng thanh niên cũng như với những bạn bè hay môn đệ.

Những cuộc đàm thoại ấy mang lại một sắc thái mới mẻ, không quen thuộc đối với người Athéniens vì ở đây cuộc đàm đạo luôn luôn có sức mạnh khích động gây băn khoăn và xuyên thấu vào tận đáy sâu của tâm hồn.

Trước kia, đề tài của những cuộc đàm đạo là cách thức sống của người Athéniens tự do, nhưng với Socrate đề tài ấy trở thành một cái gì khác.

Đó là cách thức đưa vào chân lý của Socrate, vì ở đây từ bản chất, chân lý phải xuất hiện và chỉ xuất hiện với cá nhân và cho cá nhân.

Vậy muốn đạt tới sự minh bạch thì cuộc đàm đạo cần phải thực hiện giữa nhiều người, người ta cần tới ông và chính ông cũng tin chắc rằng ông cần tới người ta. Nhưng trước hết là những chàng thanh niên, Socrate muốn giáo hoá.

Đối với Socrate, giáo hoá không phải là truyền đạt một cái gì khác từ ngoại tại, như lối nhà bác học dạy khoa học cho người không biết. Trái lại, theo ông giáo hoá là yếu tố làm cho con người này tiến gần lại với người khác để nhờ sự tiến gần ấy mà họ gặp được sự thật. Các chàng thanh niên trợ giúp ông khi ông muốn trợ giúp họ.

Kết quả sẽ khám phá ra được những khó khăn trong chính những gì xem ra hiển nhiên, gây thắc mắc, bó buộc suy nghĩ thêm, học hỏi cách nghiên cứu, tra vấn và tra vấn mãi không bao giờ trốn tránh trả lời với niềm tin chắc chắn rằng chân lý là yếu tố quy tụ loài người lại với nhau.

Về một số điểm căn bản trong lý thuyết của Socrate như sau:

a. Socrate không chủ trương xây dựng một vũ trụ luận như các triết gia trước ông ví dụ Empédocle và Héraclite, vì theo ông loài người phải để cho thần thánh nhiệm vụ chú ý tới vũ trụ ngoại tại, còn chính con người lại phải chú ý những gì trực tiếp liên hệ với mình. "Hãy tự biết mình!" đó là châm ngôn ghi trên khung cửa đền thờ Delphes và được coi là châm ngôn cho tinh thần nhân bản của Socrate.

b. Nhưng mục đích của Socrate không phải là dạy ta lý thuyết về bản tính con người nghĩa là ông không muốn trình bày cho ta một kiến thức khách quan, ngoại tại mà có lẽ không bao giờ ta sở đắc được.

Trái lại, ông chỉ muốn giúp ta suy nghĩ, gây ý thức cho ta về những tư tưởng ý nghĩ ấy gợi ra.

Lối dạy ấy đã tạo nên cả một nghệ thuật độc đáo gắn liền với tên ông.

Đó là thuật "Sản ý" (maieutique) ông tự thú đã học được ở nghề thực hành hộ sinh của mẹ ông, vì hộ sinh không phải là sinh thay cho người khác mà là giúp đỡ họ để họ sinh dễ dãi và bảo đảm.

Trong lãnh vực tư tưởng cũng vậy, dạy không phải là truyền đạt một tri thức khách quan từ ngoại tại vào trí óc của người khác mà là gợi lên những thắc mắc để người khác t khám phá được chân lý tiềm ẩn trong trí óc và tâm hồn của họ.

c. Khi kêu gọi người khác về những ý thức tư tưởng riêng tư của họ bằng sản ý, thì Socrate còn muốn họ phải hiểu rằng: những gì họ tưởng đã biết, thực sự là những gì họ còn ngu dốt.

Với cuộc sống và phương pháp giáo hoá mới mẻ ấy, dĩ nhiên Socrate đã thành công một cách rực rỡ.

Nhưng chính sự thành công ấy đã tạo nên một sự hiểu lầm và nghi kỵ trầm trọng giữa ông với chính quyền đương thời.

Aristophane trình bày một Socrate say sưa với vũ trụ thiên nhiên học, chăm chú quan sát những hiện tượng xảy ra trên trời, dưới đất; ngoài ra Socrate còn phủ nhận những vị thần của truyền thống và thay vào đó khí trời và mây gió; ông còn dạy cách chiến thắng một cuộc tranh luận và không thâu thù lao sau khi dạy.

Nhưng như vừa trình bày, Socrate đã thực hiện cuộc sống và cách thức trái ngược hẳn với những điều vu khống của Arisophane.

Ngoài Aristophane, phong trào chống đối Socrate cũng đã chớm nở từ nhiều phía khác nhau. Người ta chỉ trích Socrate đã truyền bá thái độ thụ động lười biếng, đã lợi dụng lối giải thích của các thi sĩ để thiết lập những lý thuyết gây tội ác.

Đó là một hình ảnh sai lầm về Socrate, nhưng đã được những kẻ thù xây dựng trên những sự kiện có thực mà đã bị xuyên tạc. Ví dụ lúc thiếu thời Socrate đã am tường vũ trụ thiên nhiên học và ngụy luận thuyết nhưng ông đã bị nghi ngờ là người khởi xướng một phong trào triết lý mới, bị công chúng thù ghét, vì họ không hiểu thế nào là ngụy luận thuyết và kẻ chiến thắng nguỵ luận thuyết.

Quả vậy, không phải Socrate ùa theo Phong trào ngụy luận mà là vì phương thức mới ông nêu ra để vượt ngụy luận và đem lại một đường hướng mới cho tư tưởng, đã là điểm quần chúng không thể chấp nhận.

Phương thức mới ấy, như đã nói là ở chỗ Socrate luôn luôn thắc mắc, tra vấn mà không biết mệt mỏi, chỉ đẩy tới những câu hỏi căn bản mà không giải đáp. Thái độ ấy thường gây bối rối, tự ti và yêu sách khắt khe đến mức khai nguồn cho sự bực tức và căm hờn.
Một trong những phản ứng thời danh là của Hippias sau đây với Socrate. Ông ấy nói: "Ông (Socrate) chỉ muốn xâu xé người khác bằng những câu hỏi và đẩy họ vào chân tường. Còn ông không bao giờ ông cho ai là có lý cả, cũng không bao giờ cho ý kiến của ông. Tôi không muốn bị ông chọc tức như thế nữa". (Xénephone)

Không những thế, sự kiên nhẫn còn phát xuất từ hàng ngũ của chính những người bạn thân Socrate cỡ như Alibiade và Critias.

Sự kiện này nằm trong một khuôn khổ chính trị rộng rãi hơn, tức là chiến tranh giữa Hi Lạp và Sparte xẩy ra vào năm 431. Chiến tranh này gây những điều kiện sống khó khăn và tai họa thảm khốc cho tất cả nước Hi Lạp và riêng cho Athènes.

Theo Cresson, các sử gia phân chiến tranh này ra làm ba thời kỳ:

Từ 431 đến 421, khi bại khi thắng. Nhưng mỗi năm trước mùa gặt, các đồng ruộng của Attique và Laconie đều bị tàn phá thành thử người Hi Lạp bị chết đói. Vào năm 421. Nicias ký với dân Sparte một cuộc đình chiến trong vòng năm năm.

Thời ký thứ hai bắt đầu từ năm 521 đến 412; đó là cuộc chinh phạt do Alcibiade điều khiển chống lại xứ Sicile. Nhưng cuộc chinh phạt ấy đã gieo tai họa cho Athènes và thủ lãnh của họ bị lưu đầy.

Thời kỳ thứ ba (từ 421 đến 404) trước hết được đánh dấu bằng sự thất trận của hạm đội Pélopoèse ở quần đảo Aginuses (406). Không những thất trận như thế, Đề đốc Spartiate tên Lysandre, lại thắng trận Oegos-Potamos vào năm 405 và chiếm cứ Athènes năm 404. Rốt cuộc các thành trì bị sụp đổ, những hạm đội bị thiêu huỷ, những thuộc địa bị chiếm đóng.

Đó là những thống kê 40 năm binh đao cho thành Athènes phồn thịnh.

Thảm họa thêm nữa là những kẻ chiến thắng đặt ra một chính phủ gồm 30 bạo chúa. Phần đông là những người Spartiates, nhưng cũng có xen vào một hai người Athénien, trong số có Critias, Théramène, Chariclès.

Nhưng chính quyền ấy chỉ còn tồn tại có tám tháng trời rồi bị Thrasybule đánh đuổi vào năm 403.

Tuy nhiên, theo Xénephon, chính quyền ấy đã gây ra những tội ác tầy trời vì chính vì hành động độc ác của họ mà Socrate đã bị án tử hình.

Khi đứng trong hàng ngũ chính phủ của 30 bạo chúa, Critias được giao trọng trách dự thảo những đạo luật, trong đó có một đạo luật chống lại Socrate, cấm chỉ Socrate không được "dạy nghệ thuật hùng biện" nữa.

Nhưng không những không hàng phục, Socrate còn cương nghị lên án chế độ độc tài của 30 bạo chúa, vì những tội ác của họ như đã giết một số lớn những công dân ưu tú và áp bức một số khác phải tham gia những tội ác của họ.

Sóng gió nổi dậy vào năm 339 BC ba nhân vật tên Anytos, Mélétos và Lycon đệ đơn tố cáo Socrate về ba trọng tội:

1.     Không tin tưởng vào tôn giáo của nhà nước
2.     Nhập cảng những thần mới vào Athènes
3.     Làm trụy lạc thanh niên

Trong nhiều năm trường, không hề thấy Socrate đếm xỉa gì đến những lời vu khống ấy. Trong lúc sinh thời ông đã không viết một bản văn hay một lời nào để biện hộ cho ông và cho những điều ông dạy.

Theo những sử liệu của Laèrce và Xénephon thì nói đến những lời bạn bè khuyên nhủ Socrate hãy tự biện hộ.

Nhưng chỉ thấy cả hai tài liệu ấy nhấn mạnh trên quyết nghị vững chắc của Socrate là ông đã không bao giờ rút lui, lẩn trốn hay chỉ dạy dỗ một số môn đệ nào đó trong bóng tối, trái lại ông luôn luôn xuất hiện ngoài công trường với những đám đông của quần chúng.

Trước sự tấn công của kẻ thù, Socrate chỉ tự biện hộ trong câu ông nói rằng: thần minh đã uỷ nhiệm cho ông sứ mệnh là phải dành cả cuộc đời để tự kiểm thảo chính mình và kiểm thảo kẻ khác.

"Sứ mệnh ấy thần minh đã uỷ thác cho tôi qua những sấm ngôn, những chiêm bao và tất cả những biểu hiện có thể có mà thường thường thần minh sử dụng để tự biểu thị ra với loài người".

Sứ mệnh ấy ông đã chấp nhận, nên ông phải cương quyết ở địa vị đó mà không sợ nguy hiểm hay sợ chết.

"Tôi sẽ thần phục thần minh hơn thần phục các ông; và bao lâu tôi còn hơi thở và sức mạnh tôi sẽ không thôi dò thám chân lý để báo động và soi sáng cho các ông, và tôi sẽ không thôi nói với ý thức của tất cả những ai tình cờ gặp tôi, như thói quen tôi thường làm, nghĩa là tôi sẽ nói với họ rằng hỡi ông bạn, tại sao ông không chú ý đến trí não, đến chân lý và cải thiện tâm hồn ông đến mức tối đa, và tại sao ông lại không ưu tư gì điều ấy cả?"

Trong việc tự biện hộ ấy, Socrate còn phản đối các quan tòa của ông rằng:  "Quý vị tuyên án tôi là quý vị gây tai họa lớn nhất cho quý vị hơn là cho tôi."

Dĩ nhiên họ có thể giết ông, bỏ tù ông, đặt ông ra ngoài vòng pháp luật. Nhiều người coi đó là một tai họa lớn, nhưng Socrate nói: "Còn tôi, tôi không coi đó là một tai họa, nhưng đó là một xảo kế để lên án tử hình cho một người một cách bất công nhất."

Rồi dân thành Athènes sẽ tự nhận lỗi mình khi đã phủ nhận ân huệ của thần minh ban cho họ qua sứ mệnh của Socrate: "Vì nếu quý vị cướp đoạt sự sống của tôi, quý vị sẽ không dễ tìm được một người khác như tôi, vì – tuy điều ấy xem ra buồn cười – đó chính là một ân huệ thần minh ban cho công dân đô thị làm lợi khí sửa sai…, vì tôi không bao giờ ngơi báo động, huấn dụ và tưởng lệ….

Nhưng có lẽ quý vị nội giận mà đánh đập tôi, không khác gì một người đang ngủ say mà bị con mòng chích…. đập chết mòng để rồi say ngủ lại triền miên hơn trong quãng đời còn lại."

Nhưng bây giờ bản án đã tuyên đọc có nên xin các quan toà ân xá bằng nước mắt theo thông lệ không?

Điều ấy không thể quan niệm được, không hợp lý và không hợp đạo: "Vì quan toà không phải được chỉ định để ân xá mà là để xét xử, không phải để tỏ lượng khoan hồng mà là để tuyên án theo luật định."

Và Socrate đã chấp nhận bản án, để vào ngồi tù và uống thuốc độc tự tử. Trong thời gian ngồi tù, một biến cố đã trì hoãn bản án được ba mươi ngày. Số là hàng năm, dân Athéneiens có gửi một hạm đội sang Délos. Các bạn hữu của Socrate muốn nhân cơ hội mà cứu nguy cho Socrate, nhưng ông đã không chấp nhận cơ hội may mắn ấy.

Đối thoại Phédon đã thuật lại những chi tiết cuối cùng trước giờ chết của Socrate.

Khi đến giờ uống độc dược, theo công lệ, người ta cởi xiềng xích cho ông. Bà con bạn hữu đươc phép tới để từ biệt và chứng kiến ngày tận số của ông. Nhưng Platon không có mặt.

Vào lúc chiều tà Socrate đã chấp nhận án tòa buộc tử hình bằng ly độc dược!

Cái chết của Socrate là yếu tố thiết định hình ảnh và ảnh hưởng của ông. Ông đã chết như một vị tử đạo chứng minh cho triết lý. Điều đó giúp ta hiểu ra rằng Socrate cũng ước muốn được chết bởi “ông thật sự tin cuộc đời thực của ông sẽ đến sau khi ông chết” Xénophon và Platon đồng ý rằng Socrate có một cơ hội giải thoát và những người tin theo ông có thể đút lót lính coi ngục. Ông chọn ở lại bởi mấy lý do sau:

1.- Ông tin rằng sự trốn chạy là biểu hiện của sự sợ hãi cái chết, bởi ông tin không triết gia nào làm thế.

2.- Nếu ông trốn khỏi Athena, sự dạy dỗ của ông không thể ổn thỏa hơn ở bất cứ nước nào khác như ông đã từng truy vấn mọi người ông gặp và không phải chịu trách nhiệm về sự không vừa ý của họ.

3.- Bằng sự chấp thuận sống trong khuôn khổ luật của thành bang, ông hoàn toàn khuất phục chính bản thân ông để có thể bị tố cáo như tội phạm bởi các công dân khác và bị tòa án của nó phán là có tội. Mặt khác có thể ông bị kết tội vì phá vỡ sự "liên hệ cộng đồng" với Nhà nước, và gây tổn hại đến Nhà nước, một sự trái ngược so với nguyên lý của Sokrates.

Bạn của ông là Criton của Athene chỉ trích ông về việc bỏ rơi những đứa con trai của ông khi ông từ chối việc cố gắng trốn thoát khỏi việc thi hành án tử hình.

Socrate có tư tưởng tiến bộ, nổi tiếng về đức hạnh với quan điểm: "Hãy tự biết lấy chính mình", "Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả”.

Đó là sơ lược những sử liệu về thân thể của Socrate.

Tư tưởng triết học của Socrate được trải rộng trên 4 luận đề trục:

Thứ nhất con người là đối tượng và là đối tượng duy nhất của triết học.

Thú hai cái làm nên sự tồn tại của con người chính là ý thức về sự tồn tại của nó. Sự tồn tại của con người bao giờ cũng mang tính cộng đồng, vì vậy đạo đức là nền tảng của đời sống con người.

Thứ ba đạo đức không phải là cái tự có mà là kết quả của sự tự ý thức mà có được tự ý thức là phải có tri thức, nên tri thức là cốt lõi của đạo đức.

Thứ tư là phương pháp tiếp cận chân lý.

Phương pháp tiếp cận chân lý của Socrate là phương pháp truy vấn biện chứng, sau này được gọi là "phương pháp Socrates". Trong phương pháp này, để giải quyết một vấn đề, người ta chia nhỏ vấn đề đó thành một hệ thống các câu hỏi liên tục, liền mạch. Các câu trả lời sẽ dần dẫn đến lời giải cần tìm kiếm. Kết luận nào dẫn tới mâu thuẫn sẽ bị loại bỏ. Phương pháp của Socrate nằm trong 4 bước như sau:

- Thứ nhất là mỉa may, là thủ pháp phản biện đối thủ bằng hằng loạt câu hỏi mỉa mai, châm chích nhằm dồn đối thủ vào thế bí, biết rõ sai sót và nhận ra chân lý.

- Thứ hai là đỡ đẻ, là người dẫn dắt như bà mụ phải biết cách giúp cho đứa hài nhi ra đời trọn vẹn, tốt đẹp.

- Thứ ba qui nạp, tìm ra cái phổ biến đi từ phân tích, đối chiếu, so sách từ những cái riêng rẻ để đạt đến bản chất.

- Thứ tư là xác định hay định nghĩa, tức kết luận vấn đề một cách xác thực, nắm bắt bản chất các sự vật như chúng vốn có trong thực tế, xác định đúng bản chất của đối tượng nghiên cứu.

Câu chuyện dưới đây miêu tả câu chuyện thú vị về triết gia vĩ đại Socrate, khi ông kiểm tra người truyền tin đồn, bằng sự thông thái và trí huệ của mình.

Một ngày nọ, Socrate tình cờ gặp một người quen, người đó nói với ông:

- Socrate, ông có biết tôi mới nghe về một trong những học trò của ông không?

Socrate đáp lại:

- Chờ một lát. Trước khi ông bảo tôi, tôi muốn ông phải vượt qua một bài kiểm tra nhỏ. Nó được gọi là bài Kiểm tra về ba điều.

- Ba điều hả?

- Đúng thế! Trước khi ông nói với tôi về học trò của tôi, hãy dành một lát để kiểm tra điều mà ông đang định nói.

Bài kiểm tra đầu tiên là Sự thật. Ông có hoàn toàn bảo đảm rằng điều ông dự định kể cho tôi là sự thật?

Người đàn ông đáp lại:

- Không. Tôi chỉ nghe nói về nó.

- Thế là ông không thật sự biết liệu nó đúng hay sai. Giờ hãy thử bài kiểm tra thứ hai – Kiểm tra về Lòng tốt. Cái mà ông định kể cho tôi về học trò của tôi là điều tốt phải không?

- Không, trái lại.

Socrate hỏi:

- Vậy thì, ông muốn kể cho tôi cái gì đó xấu về học trò của tôi, thậm chí ông không chắc là nó có thật phải không?

Người đàn ông nhún vai, với một chút xấu hổ. Socrate tiếp tục:

- Nhưng ông vẫn có thể qua, bởi vì còn có một bài kiểm tra thứ ba – sàng lọc về Lợi ích. Điều mà ông muốn kể cho tôi nghe về học trò của tôi, sẽ hữu ích cho tôi không?

Người đàn ông kia đáp lại:

- Không, thật sự là không.

Socrate kết luận:

- Nếu điều ông muốn kể cho tôi không phải là Sự thật, cũng không Tốt mà cũng không Hữu ích cho tôi. Vậy thì tại sao lại kể nó cho tôi?

Người đàn ông cảm thấy bị đánh bại.

Câu chuyện trên cho thấy tại sao Socrate là một nhà hiền triết vĩ đại, được coi trọng trong số các triết gia thời cổ đại. Người ta chọn ông làm tiêu chí của triết học cổ đại vì ông đặt vị trí con người là đối tượng của triết học chớ không phải vũ trụ như những triết gia tiền bối của ông.

Nguồn:

- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ,
- Nguyễn Tiến Dũng, Lịch sử triết học Tây Phương. NXB Tổng Hợp Tp. HCM 2006
- Lê Tôn Nghiêm, Socrate. Quế Sơn Võ Tánh in lần thứ nhất. Sàigòn, 1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.


Valentines Day 2019





 

No comments:

Post a Comment