Từ lâu tôi
viết nhằm mục đích giữ cho bộ óc làm việc, như người ta tập thể dục cho thân thể
hoạt động, máu huyết lưu thông, tránh được tật bệnh.
Tuổi cao
thì bộ nhớ kém đi là đương nhiên theo sự lão hóa của cơ thể, nhưng chúng ta có
thể có những phương pháp luyện tập để cho tiến trình lão hóa chậm lại.
Do một sự
kiện xảy ra, làm cho tôi suy nghĩ thêm. Hơn 40 năm trước trong trại học tập cải
tạo, tôi có quen biết một anh tên Trần Công Danh, cũng không phải là bạn thân,
chúng tôi ở trong cùng một K tức là một Khối, Khối có 4 B, mỗi B có 2 C. Mỗi C
tùy thời điểm, có lúc 17, 18 người, có lúc 13, 14 người, nói chung là anh Danh
và tôi ở chung trong Khối chừng 120 người, chỉ thỉnh thoảng gặp nhau chào hỏi vậy
thôi.
Từ ngày
ra trại đến nay tôi chưa hề gặp lại anh ta, cách đây chgừng 5, 7 năm anh ta gửi
lời thăm tôi qua một người bạn. Tôi nhớ họ tên anh ta, khuôn mặt, cử chỉ và giọng
nói. Chừng nửa tháng trước bỗng dung gương mặt anh ta hiện ra trong trí tôi, tôi
nhớ ra anh ta nhưng không nhớ tên là chi. Nhưng tôi nhớ ra họ tên anh ta có được
ghi trong một bài viết, thế là tôi lục tìm được.
Để cho khỏi
quên như trường hợp vài người bạn khác quen biết nhau từ trong trại cải tạo, đôi
khi nhớ tới họ, khuôn mặt họ hiện ra rõ ràng nhưng không thể nhớ được tên chi.
Trường hợp anh bạn nầy tôi tìm cách ghi nhớ, tôi có quen bác kia người ta thường
gọi là bác Phán Danh, lúc tôi đi học thêm ở Trung học Tư Thục Vạn Vạnh, góc đường
Hai Ba Trưng, Yên Đỗ, Sàigòn trường do Đại Đức Đức Nghiệp làm Hiệu Trưởng, có
giáo sư Tào dạy Lý Hóa dễ hiểu, tôi ghi danh học luyện thi Trung Học Đệ Nhất Cấp,
bác Phán Danh lúc đó làm Thủ quỹ kiêm Thu ngân viên, bác đã miễn phí cho tôi, vì
tôi là Đoàn trưởng của con trai bác ở một đoàn thể kia, tôi gắn liền anh Trần Công
Danh trùng tên với bác Phán Danh, tôi dễ nhớ vì đã mang ơn bác, hơn nữa dễ nhớ
vì nhà bác ở trong Cư xá Chu Mạnh Trinh Phú Nhuận, nơi có nhiều văn nghệ sĩ ở
như nhạc sĩ Phạm Duy, bà Tùng Long ….
Tôi kiểm điểm
lại, ngoài việc lão hóa, tại sao mình hay quên những chi tiết đôi khi khá quan
trọng. Theo tôi nghĩ ngày trước khi đi học, phải học thuộc lòng để trả bài, làm
bài, đi thi cho nên phải nhớ, lớn lên vì nhiều chuyện quá, thứ nào cần thuộc lòng
cứ phải thuộc lòng, thứ nào không quan trọng ghi ra sổ tay, không ghi vào bộ não,
ngày nay không ghi vào sổ tay vì phải cần sổ, cần bút, cứ ghi vào máy vi tính, điện
thoại thông minh dầu là quan trọng hay không quan trọng, ra lệnh cho não bộ khỏi
nhớ, dần dần não bộ quen quên, cho nên nó dễ quên đi mọi thứ.
Thỉnh thoảng
nhớ tới Triết học, tôi vẫn nhớ có ông nói vạn vật do nước sinh ta, có ông nói
do lửa sinh ra, nhưng tôi không nhớ ông nào nói cái nào, vì vậy tôi muốn tìm đọc
lại. Đành phải học lại vậy, nhưng trong nhà không có sách Triết Tây, chỉ có Triết
Đông của Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Duy Cần, Yu Dan.
Hồi còn học
ở Trung học kỹ thuật Cao Thắng, tôi không nhớ rõ hình như 6 hay 8 giờ mỗi tuần
cho 2 sinh ngữ: Anh, Pháp. Tôi đã học ở Trung Học 6 năm Pháp văn, còn Anh Văn kể
cả Trung và Đại học 10 năm. Vậy mà 3 lần đi sang Pháp, tôi chưa hề sử dụng được
tiếng Pháp để giao thiệp. Đành phải bập bẹ dùng Anh ngữ để hỏi đường đi Bus, đi
train, uống café, đi chợ !
Tôi lười
gõ computer, chỉ thích tìm bài có sẵn, sửa chữa cho thích hợp, trường hợp không
có bài chữ Việt, phải dùng bài Anh văn nhờ anh Google dịch, nhưng anh ta chỉ dịch
trên trời dưới đất, đọc điếc con rái luôn. Tuy nhiên được cái câu văn đã dịch
khỏi phải gõ máy, nhưng phải sửa chữa cho trơn tru, đúng nghĩa.
Vẫn như bước
đầu, mục đích của tôi là viết vừa để học hỏi vừa để cho não bộ làm việc, có thể
sẽ làm tăng tuổi thọ nhờ vào ban ngày đi bộ, ban đêm tập 12 Thức của Dịch Cân
Kinh và phép Vẫy tay. Mong được vậy.
8664230219
No comments:
Post a Comment