(1923-1995)
Nhạc sĩ Văn Cao tên
thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923 tại Lạch Tray nay
là phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, nhưng quê gốc ở thôn
An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình
viên chức, cha của Văn Cao vốn là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng. Thuở nhỏ,
Văn Cao hoc ở trường tiểu học Bonnal, sau lên học trung học tại trường dòng
Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc. Năm 1938, khi mới 15 tuổi, vì gia
đình sa sút, Văn Cao bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc Thành chung. Ông
làm điện thoại viên ở sở Bưu điện tại Hải Phòng, nhưng được một tháng thì bỏ
việc.
Cuối thập niên 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời. Ở Hải Phòng khi
đó tập trung nhiều nhạc sĩ tiên phong như Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý... Văn
Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ
Nhuận... và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là Buồn tàn thu vào năm 16 tuổi. Cùng nhóm Đồng Vọng, Văn Cao còn sáng
tác một số ca khúc hướng đạo vui tươi khác như Gió núi, Gò Đống Đa, Anh em khá cầm tay. Cũng trong thời gian
ở Hải Phòng, Văn Cao làm quen với Phạm Duy, khi đó là ca sĩ trong gánh hát Đức
Huy. Phạm Duy chính là người đã hát "Buồn tàn thu", giúp ca khúc trở
nên phổ biến. Năm 1940, Văn Cao có một chuyến đi vào miền Nam. Ở Huế, Văn Cao
đã viết Một đêm đàn lạnh trên sông Huế,
được coi là bài thơ đầu tay.
Năm 1942, nghe theo lời khuyên của Phạm Duy, Văn Cao rời Hải
Phòng lên Hà Nội. Ông thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant - nay là 45 Nguyễn
Thượng Hiền - và theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Văn Cao
còn làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu
thuyết Thứ Bảy. Năm 1943 và 1944, Văn Cao hai lần xuất hiện trong triển lãm
Salon Unique tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội với các bức tranh sơn
dầu: "Cô gái dậy thì", "Sám hối", "Nửa đêm". Đặc
biệt tác phẩm "Cuộc khiêu vũ những người tự tử" (Le Bal aux suicidés)
được đánh giá cao và gây chấn động dư luận. Tuy được báo chí khen ngợi, nhưng
tranh của Văn Cao không bán được. Ông trải qua một thời gian dài ở Hà Nội trong
thiếu thốn. Cùng bạn bè, Văn Cao thường phải đứng bán các tác phẩm của mình
trên các đường phố Hà Nội, Hải Phòng.
Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý, một Việt Minh mà ông đã
quen biết trước đó. Vũ Quý thuyết phục ông tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu
tiên là sáng tác một hành khúc. Văn Cao đã sáng tác ca khúc đó trong nhiều ngày
tại căn gác số 171 phố Mongrant, nay là phố Nguyễn Thượng Hiền, quận Hai Bà
Trưng, Hà Nội và đặt tên cho tác phẩm là Tiến
quân ca. Tiến quân ca được in
trên trang văn nghệ của báo Độc Lập
tháng 11 năm 1944. Ngày 13
tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh
đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm
quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn Cao làm phóng viên và
trình bày cho báo Lao động.
Năm 1946, Văn Cao được cử cùng Hà Đăng Ấn chuyên chở vũ khí và
tiền vào mặt trận Nam Bộ. Sau đó chính thức được mời tham gia Hội Văn hoá Cứu
quốc và được bầu là Ủy viên Chấp hành, Văn Cao hoạt động ở liên khu III, phụ
trách tổ điều tra của công an Liên khu và viết báo Độc Lập. Đầu năm 1947, ông được cử phụ trách một bộ phận điều tra
đặc biệt của công an Liên khu 10 ở biên giới phía bắc. Tại đây ông được giao
nhiệm vụ kết nghĩa với vua Mèo để lập ra một phòng tuyến bảo mật chống sự tràn
sang của quân Trung Hoa Quốc dân Đảng khi thua trận. Ở Lào Cai, Văn Cao còn mở
một quán bar để làm địa điểm theo dõi. Tháng 3 năm 1948, Văn Cao được kết nạp
Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1949, Văn Cao thôi làm báo Văn Nghệ chuyển sang phụ trách Đoàn Nhạc
sĩ Việt Nam. Thời kỳ này, ông tiếp túc sáng tác các ca khúc nổi tiếng khác như Làng tôi năm 1947, Ngày mùa năm 1948, Tiến về Hà
Nội năm 1949... và đặc biệt là Trường
ca Sông Lô năm 1947.
Năm 1952, Văn Cao sang Liên Xô nghiên cứu âm nhạc. Theo Hoàng
Văn Chí thì chuyến đi này làm Văn Cao "thất vọng về chủ nghĩa cộng
sản". Trần Gia Phụng thì miêu tả một cậu bé thổi sáo bằng hai mồm. Một cái
được vẽ từ cách nhìn thẳng, một cái được vẽ bằng cách nhìn nghiêng. Làm nền,
phía sau cậu bé là đông nghịt những con người trong một tiết tấu đầy chuyển
động của nhịp chiến tranh. Bức tranh này cùng với bức Cây đàn đỏ vẽ một
người bộ đội ôm "Cây đàn chủ nghĩa" mà Văn Cao gửi tham gia Triển lãm
Hội họa ở Liên khu III, ông bị quy kết: hình thức lai căng, nội dung thì có vấn
đề về tư tưởng.
Sau hiệp định Genève 1954, Văn Cao hồi cư về Hà Nội, làm việc
cho Đài Phát thanh, nhưng rất ít sáng tác. Năm 1955, ông cầm bút trở lại, viết
bài cho đặc san Giai Phẩm. Tháng 2 năm 1956, bài thơ Anh có nghe không
được đăng trên Giai phẩm mùa Xuân.
Bài thơ này bị Xuân Diệu đánh giá là "lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt,
tuy nhiên công chúng cũng hiểu nó muốn nói gì". Văn Cao cùng các nghệ sĩ
của hai tờ báo Nhân Văn và Giai Phẩm khi đó chủ trương đòi hỏi tự
do văn nghệ, sáng tác. Đến tháng 12 năm 1956 thì cả hai tờ báo đều bị đình bản.
Như những nghệ sĩ khác của nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, tuy có muộn
hơn, đến tháng 7 năm 1958, Văn Cao phải đi học tập chính trị. Tên tuổi của Văn
Cao hầu như không còn xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ ở Hà Nội. Những năm
sau đó, Văn Cao kiếm sống bằng nhiều công việc, như viết nhạc không lời cho các
truyện phim và truyện kịch, trang trí sân khấu cho các đoàn kịch, vẽ quảng cáo
các báo, vẽ nhãn diêm... Các tác phẩm của ông, cũng như các ca khúc lãng mạn
tiền chiến khác, không được trình diễn ở miền Bắc, trừ bài quốc ca. Giai đoạn
này, Văn Cao hầu như không còn sáng tác. Đến cuối năm 1975, Văn Cao viết Mùa
xuân đầu tiên, nhưng ca khúc bị phê bình là không đi đúng đường lối của
Đảng, không phục vụ cho Cách mạng, vì thế bản nhạc mới phát hành đã bị tịch
thu. Nhưng các chương trình Việt Ngữ tại Moskva vẫn cho trình bày bài hát, và
nhờ vậy Mùa xuân đầu tiên đã không bị lãng quên. Văn Thao, người con
trai của Văn Cao, tiết lộ tiếp rằng: "Nhưng cũng thật bất ngờ, không hiểu
bằng con đường nào, trong cái năm 1976 ấy Mùa xuân đầu tiên được in ở
nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 Rúp. Văn Cao phải viết
giấy uỷ quyền qua sứ quán để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con
gái: "Con cứ lấy mà tiêu, ở nước
mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu."
Năm 1981, Việt Nam phát động phong trào cả nước thi sáng tác
quốc ca nhưng sau đó không công bố kết quả, cuộc thi cũng không được nhắc lại.
Bài Tiến quân ca vẫn là quốc ca của Việt Nam.
Cho đến cuối thập niên 1980, nhờ chính sách Đổi mới của Tổng bí
thư Nguyễn Văn Linh, các tác phẩm của Văn Cao cùng những nhạc sĩ tiền chiến
khác được biểu diễn trở lại.
Năm 1989, tạp chí National Geographic đã đăng một bức ảnh của
nhạc sĩ Văn Cao đang ngồi trầm tư bên chiếc đàn dương cầm của ông. Chính tấm
hình này sau đó đã tạo cảm hứng để nhà soạn nhạc đương đại người Mỹ Robert
Ashley sáng tác nên bản solo cho piano mang tên Van Cao's Meditation vào
năm 1992, dù rằng cho đến tận khi Văn Cao qua đời năm 1995, Robert Ashley vẫn
chưa một lần gặp mặt tác giả của Tiến quân ca.
Ngày 10
tháng 7 năm 1995, sau một thời gian mắc bệnh ung thư phổi, Văn Cao mất tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội. Thọ 72 tuổi.
So với hai nhạc sỹ Việt Nam nổi tiếng khác là Phạm Duy khoảng
1000 ca khúc và Trịnh Công Sơn với 600 ca khúc, Văn Cao sáng tác không nhiều.
Sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao được chia làm hai mảng chính: tình ca và hùng ca.
Ngoài ca khúc, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc dành cho piano như Sông
Tuyến, Biển đêm, Hàng dừa xa... tổ khúc giao hưởng Anh bộ
đội cụ Hồ...
Trong giai đoạn sáng tác đầu tiên, giống như những nhạc sỹ tiền
chiến khác, Văn Cao viết các nhạc phẩm trữ tình, nhưng ít ảnh hưởng bởi chủ
nghĩa lãng mạn Pháp mà mang nặng âm hưởng phương Đông. Từ ca khúc đầu tay Buồn
tàn thu, Văn Cao đã sử dụng ngũ cung để viết về một hình ảnh quen thuộc
trong nghệ thuật châu Á: người phụ nữ đan áo ngồi chờ đợi. Sau Buồn tàn thu,
ông còn viết hai ca khúc khác về mùa thu là Thu cô liêu và Suối mơ.
Trong đó Suối mơ vốn là một đoạn của bản Trương Chi 1 được Văn
Cao phát triển thêm và cùng Phạm Duy hoàn tất. Bản Trương Chi nổi tiếng
sau là Trương Chi 2.
Bên cạnh đề tài mùa thu, Văn Cao cũng viết hai ca khúc nổi tiếng
khác về mùa xuân là Cung đàn xưa và Bến xuân. Nhạc phẩm Bến
xuân có sự tham gia của Phạm Duy, nhưng về sau Văn Cao viết lại lời mới cho
ca khúc này và đặt tên Đàn chim Việt. Ngay từ những ca khúc đầu tiên,
Văn Cao đã giành được thành công. Buồn tàn thu được biểu diễn trên các
sân khấu hát rong và trên Đài Phát thanh Sài Gòn trong những năm 1944-1945, lúc
tân nhạc còn mới phôi thai nên trở nên phổ biến. Suối mơ, Bến xuân
được Phạm Duy đánh giá là cực điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc Việt Nam.
Nhưng hai tình khúc của Văn Cao được đánh giá cao hơn cả là Thiên
Thai và Trương Chi. Bản Thiên Thai được nhà xuất bản Tinh Hoa
ở Huế in năm 1944, Văn Cao tự nhận mình là "Người sông Ngự", ghi: "Ảnh
hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi
với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người sông Ngự đã lạc mất cảm xúc
rồi!". Lời bài hát được đề là của Văn Cao, Hoàng Thoái và Phạm Duy cho
rằng Hoàng Thoái là bí danh của Đỗ Hữu Ích, một người bạn của Văn Cao. Sử dụng
ngũ cung để viết về một câu chuyện cổ, Thiên Thai có tới 94 khuông nhạc,
vừa mang tính trường ca, vừa mang tính nhạc cảnh. Năm 2001, khi phim Người
Mỹ trầm lặng được thực hiện, Thiên Thai được sử dụng làm nhạc nền
của bộ phim. Giống như Thiên Thai, Trương Chi cũng dựa trên tích
chuyện cổ nhưng không phải là một truyện ca mà manh tính tự sự. Ca khúc này còn
một đoạn lời nữa mà các ca sĩ thưởng không trình diễn: Từ ngày trăng mơ nước
in thành thơ, Lạc loài hương thu thoáng vương đường tơ.... Hình ảnh Trương
Chi trong bài hát cũng thường được so sách với hình ảnh của chính Văn Cao.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết về Văn Cao:
Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông
hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều
giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà
đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những
thân phận riêng tư....
Ca khúc
- Anh em khá cầm tay
- Buồn tàn thu (1939)
- Thiên Thai (1941)
- Đêm sơn cước
- Đêm xuân
- Gió núi
- Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang (1941)
- Bến xuân (viết chung với Phạm Duy năm 1942),
- Đàn chim Việt (tác giả đổi lời mới)
- Suối mơ (viết chung với Phạm Duy)
- Thu cô liêu (1942)
- Cung đàn xưa (1942)
- Gò Đống Đa (1942)
- Trương Chi (1943)
- Tiến quân ca (1944)
- Hải quân Việt Nam (1945)
- Không quân Việt Nam (1945)
- Công nhân Việt Nam
- Bắc Sơn (1945)
- Chiến sĩ Việt Nam (1945)
- Làng tôi (1947)
- Ngày mai
- Thăng Long hành khúc ca
- Tiến về Hà Nội
- Tình ca Trung du
- Trường ca sông Lô (1947)
- Ngày mùa (1948)
- Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1950)
- Dưới ngọn cờ giải phóng (1962)
- Ta đi làm con suối (những năm 1970)
- Mùa xuân đầu tiên (1976)
- Buồn tàn thu (1939)
- Thiên Thai (1941)
- Đêm sơn cước
- Đêm xuân
- Gió núi
- Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang (1941)
- Bến xuân (viết chung với Phạm Duy năm 1942),
- Đàn chim Việt (tác giả đổi lời mới)
- Suối mơ (viết chung với Phạm Duy)
- Thu cô liêu (1942)
- Cung đàn xưa (1942)
- Gò Đống Đa (1942)
- Trương Chi (1943)
- Tiến quân ca (1944)
- Hải quân Việt Nam (1945)
- Không quân Việt Nam (1945)
- Công nhân Việt Nam
- Bắc Sơn (1945)
- Chiến sĩ Việt Nam (1945)
- Làng tôi (1947)
- Ngày mai
- Thăng Long hành khúc ca
- Tiến về Hà Nội
- Tình ca Trung du
- Trường ca sông Lô (1947)
- Ngày mùa (1948)
- Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1950)
- Dưới ngọn cờ giải phóng (1962)
- Ta đi làm con suối (những năm 1970)
- Mùa xuân đầu tiên (1976)
Tài liệu tham khảo:
- Văn Cao Web: Wikipedia
Ca khúc Thiên Thai do
ca sĩ Ánh Tuyết trình bày
No comments:
Post a Comment