Pages

Wednesday, June 15, 2016

Văn Giảng




(1924-2013)

Nhạc sĩ Văn Giảng sinh ngày 12 tháng 5 năm 1924 tại Huế. Xuất thân trong một gia đình trung lưu có truyền thống về âm nhạc; ông nội của Văn Giảng là một nhạc sĩ cổ nhạc, ngay từ bé Văn Giảng đã tỏ ra những năng khiếu về âm nhạc. Ông bắt đầu tập chơi mandoline rồi sau đó đến guitar. Khi viết tình ca, ký tên Thông Đạt, ông đã viết bản Ai về sông Tương nổi tiếng. Ngoài ra Văn Giảng còn những bút danh khác như Nguyên Thông

Văn Giảng từng dạy nhạc ở Huế, rồi ông vào Sài Gòn thi tú tài và tốt nghiệp cử nhân ở đây. Sau khi thi đỗ Anh văn ở Hội Việt Mỹ, Văn Giảng được học bổng sang Hoa Kỳ học âm nhạc tại Hawaii và Bloomington. Tốt nghiệp xuất sắc, ông được học bổng để tiếp tục nghiên cứu bậc cao học âm nhạc. Sau đó Văn Giảng trở về nước và được đề cử làm giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế.

Phần lớn các sáng tác của Văn Giảng thuộc thể loại hùng ca như Thúc quân năm 1949, Lục quân Việt Nam năm 1950, Đêm Mê Linh năm 1951, Quân hành ca năm 1951, Qua đèo năm 1952, Nhảy lửa năm 1953... nhưng ông còn viết tình ca với bút danh Thông Đạt.

Ai về sông Tương được Thông Đạt viết vào năm 1949. Về ca khúc này có một giai thoại: Những năm cuối thập niên 1940 đó, Văn Giảng có chơi thân cùng ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Huế, một số hành khúc của Văn Giảng cũng được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành. Một lần Tăng Duyệt nói đùa ngụ ý rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về những bài tình ca không phải sở trường của Văn Giảng. Văn Giảng nghe như vậy và không trả lời.

Sau đó có bản Ai về sông Tương của Thông Đạt, gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, bản nhạc được nhiều thính giả ưa thích. Tác giả Thông Đạt lần đầu tiên xuất hiện, nổi danh từ đó, nhưng chưa ai biết Thông Đạt là ai ? Sau nhiều lần được nghe bản nhạc trên đài, ông Tăng Duyệt gặp Văn Giảng và hỏi Văn Giảng có biết Thông Đạt, tác giả bài Ai về sông Tương là ai không, và ông muốn tìm mua bản quyền, để xuất bản nhạc phẩm đó, nhưng Văn Giảng tảng lờ đi như không biết.

Một lần hai người bạn là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ tới thăm Văn Giảng, tình cờ nhìn thấy bản thảo của Ai về sông Tương. Nhờ đó Tăng Duyệt mời biết Văn Giảng chính là Thông Đạt, tác giả của bàn tình ca nổi tiếng thời đó.

Bút danh Thông Đạt chính là tên ghép pháp danh Nguyên Thông của ông và Tâm Đạt của người vợ.

Ngoài Thông Đạt, Văn Giảng còn sử dụng Pháp danh  Nguyên Thông khi ông viết những ca khúc về Phật giáo. Dưới bút hiệu này, ông đã sáng tác khoảng vài chục ca khúc, đóng góp không nhỏ cho nền Phật nhạc của Việt Nam. Các bài của ông được thường xuyên hát lên trong các buổi tụng niệm tại các chùa từ Huế vào đến Sài Gòn. Bài Mừng ngày Đản Sanh của ông được dùng làm ca khúc chính thức cho ngày Phật Đản đến tận bây giờ. Nguyên Thông đã được ký dưới những bản Từ Đàm quê hương tôi, Mừng ngày Đản Sanh, Ca Tỳ La Vệ, Vô thường, Hoa cài áo lam.

Trong thời gian làm nhạc trưởng Đài Phát thanh Huế và giáo sư âm nhạc tại các trường Trung học Hàm Nghi, Quốc Học và trường Sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học, nhạc sĩ Văn Giảng có sáng tác và ấn hành một tập nhạc dành cho thiếu nhi mang tên Hát mà học gồm có 10 ca khúc: Đến trường, Chơi ná, Chê trò xấu nết, Mèo chuột, Tham mồi, Gương sáng Lê Lai, Quang Trung hùng ca, Trăng Trung thu, Chúc xuânTạm biệt.

Cũng trong lãnh vực âm nhạc, nhờ xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, Văn Giảng thích tìm tòi và nghiên cứu nhạc cổ truyền Việt Nam. Năm 1956, ông đã tìm ra phương pháp ký âm cho nhạc sĩ cổ truyền có thể nhìn bài bản mà trình tấu chung với nhạc sĩ tân nhạc và từ đó, ông thành lập ban cổ kim hòa điệu Việt Thanh, ban nhạc đầu tiên trong nước dưới hình thức tân cổ hòa điệu với những nhạc khí tranh, tỳ, nhị huyền, nhị hồ, đàn nguyệt... hoà tấu chung với dương cầm, tây ban cầm, đại hồ cầm...

Trong lĩnh vực này, ông đã hoàn thành tác phẩm độc đáo Ai đưa con sáo sang sông, một bản đại hòa tấu, thời lượng 60 phút, trình diễn bởi các nhạc sĩ cổ truyền. Ông cũng đã soạn nhiều sách giáo khoa về âm nhạc, hoàn thành quyển Kỹ thuật hoà âm dày 350 trang được dùng làm tài liệu dạy âm nhạc ở các trường.
Sau Tết Mậu Thân 1968, cảm thấy sinh sống ở Huế bất an (Tăng Duyệt, bạn thân của ông, bị giết trong biến cố này) nhạc sĩ Văn Giảng vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1969. Ở đó, Văn Giảng dạy nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, tham gia sinh hoạt ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình và soạn hòa âm cho hãng đĩa Asia, Sóng Nhạc.

Cũng trong thời gian này, với bút danh Thông Đạt, ông viết tiếp một số tình khúc khác. Đồng thời, Văn Giảng được Bộ Văn hóa Giáo dục đề cử làm Trưởng phòng Học vụ Nha Mỹ thuật, đảm trách học vấn của các trường Âm nhạc Sài Gòn, Huế và các trường Cao đẳng Mỹ thuật.

Năm 1970, ông được huy chương vàng Giải Văn học Nghệ thuật Quốc gia của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa với tác phẩm Ngũ tấu khúc (Quintet for Flute and Strings). Cùng năm này, ông được chỉ định làm Giám đốc Nghệ thuật điều hành Đoàn Văn nghệ Việt Nam gồm 100 nghệ sĩ tân cổ nhạc và vũ, ban vũ do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách, ban vũ cổ truyền Đại nội Huế do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba điều khiển, để tham dự Hội chợ Quốc tế Expo 70 tại Osaka, Nhật Bản.

Sau 1975, nhạc sĩ Văn Giảng ở lại Việt Nam cho đến năm 1981 ông vượt biên đến đảo Natuna, Indonesia, sau chuyển đến đảo Pulau Galang. Ở đây, trong 6 tháng, Văn Giảng sáng tác một số bài nói lên thân phận của những người lưu vong mà bài đầu tiên là Natuna người tình đầu cùng một số 70 ca khúc khác.

Ngày 20 tháng 5 1982, Văn Giảng định cư tại Úc, ở đây, ông tiếp tục con đường âm nhạc, soạn và xuất bản nhiều sách dạy nhạc viết bằng Việt ngữ và Anh ngữ, sách nhạc lý như cách dùng hợp âm, tự học tây ban cầm, hòa âm, sáng tác, học hát, học đàn... Văn Giảng còn sáng tác thêm nhiều tình khúc được tập hợp thành một số tập, như 12 tình khúc (Tập I), 12 Tình khúc (Tập II).

Văn Giảng mất ngày 9 tháng 5 năm 2013 ở thành phố Footscray, tiểu bang Victoria, nước Úc. Thọ 89 tuổi. Sau khi rải cốt tro ông trên biển vào ngày 17-5, vợ ông lên cơn đau tim và mất sau khi đưa vào bệnh viện chiều hôm đó.

Trong bài: Người cha đẻ hành khúc “Lục Quân Việt Nam” đã ra người thiên c. Tác giả nhạc sĩ Lê Dinh viết về nhạc sĩ Văn Giảng:

Ngoài một gia sản âm nhạc đồ sộ, từ những hành khúc hùng dũng đến những cung bậc uyển chuyển lả lướt của những bài tình ca qua những điệu nhạc vui tươi yêu đời dành cho thiếu nhi và những ca khúc uy nghiêm về Phật giáo, nhạc sĩ Văn Giảng còn đóng góp trong việc phổ biến âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại với một số lượng đáng kể về sách dạy nhạc viết bằng Việt ngữ và Anh ngữ, chẳng những dành cho thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại mà cho cả người ngoại quốc muốn học hỏi và tìm hiểu về nền âm nhạc Việt Nam.

Ca khúc:

- Chê Trò Xấu Nết
- Chơi Ná
- Chúc Xuân
- Có Thế Thôi
- Đêm Mê Linh
- Đến Trường
- Đoàn Người Phiêu Lưu
- Gương Sáng Lê Lai
- Lục Quân Việt Nam
- Mèo Chuột
- Nam Quan Hận Khúc
- Nhạc Bình Minh
- Nhảy Lửa
- Quan Trung Hùng Ca
- Sầu Ô Thước
- Sĩ Nông Công Thương
- Tạm Biệt
- Tham Mồi
- Thanh Niên! Thanh Niên!
- Thúc Quân (Hồn Quân Reo)
- Trăng Trung Thu
- Bao La Vô Tận
(Nguyên Thông)
- Bờ Mê Bến Giác (Nguyên Thông)
- Buông Xả (Nguyên Thông)
- Đời Sáng Đức Phật (Nguyên Thông)
- Giả Hợp (Nguyên Thông)
- Giòng Sinh Diệt (Nguyên Thông)
- Hãy Tự Giác (Nguyên Thông)
- Mong Tỉnh Ngộ (Nguyên Thông)
- Mừng Ngày Đản Sanh (Nguyên Thông)
- Tâm Bệnh (Nguyên Thông)
- Tìm Đâu Xa (Nguyên Thông)
- Từ Đàm Quê Hương Tôi (Nguyên Thông)
- Vũ Khí Chơn Tâm (Nguyên Thông)
- Ai Về Sông Tương (Thông Đạt)
- Áo Cưới Màu Hoa (Thông Đạt)
- Bàng Hoàng (Thông Đạt)
- Đôi Mắt Huyền (Thông Đạt)
- Hoa Cài Mái Tóc (Thông Đạt)
- Luyến Quê (Thông Đạt)
- Năm Nay Em Mấy Tuổi? (Thông Đạt)
- Thương Tà Áo Bay (lời thơ của Nguyên Đàm) (Thông Đạt)
- Tình Em Biển Rộng Sông Dài (Thông Đạt)
- Tình Thôn Nữ (Thông Đạt)
- Xin Cho Tôi Giấc Mộng Bình Yên (Thông Đạt)
- Xin Đừng Bỏ Nhau (Thông Đạt)
- Xin Lễ Cưới Em (Thông Đạt)

Tác phẩm:

- Hát Mà Học
- 12 tình khúc
(Tập I)
- 12 Tình khúc (Tập II).

Tài liệu tham khảo:

- Văn Giảng Web: Wikipedia
- Lê Dinh.
Người cha đẻ hành khúc “Lục Quân Việt Nam” đã ra người thiên c. Web: batkhuat.net

Ca khúc Ai về sông Tương do Quang Dũng trình bày:

https://www.youtube.com/watch?v=nfK5bBzBYRk








No comments:

Post a Comment