(1924-20 )
Nhạc sĩ Đan Thọ tên thật là Đan Đình Thọ, sinh năm 1924 tại Nam Định.
Trong những năm từ 1936 đến 1942, Đan Thọ theo học chữ và học
nhạc tại trường Saint Thomas D’Aquin do các sư huynh thành lập, trong số có sư
huynh Maurice là người hướng dẫn ông về vĩ cầm. Ngoài ra, ông còn biết sử
dụng nhiều nhạc khí khác như Hạ uy cầm và Tây ban cầm.
Qua năm 1942, ông bắt đầu theo học về hòa âm và sáng tác với các
giáo sư Tạ Phước và Vũ Đình Dự cho đến năm 1945, là năm ông bắt đầu đàn violin
cho phòng trà Thiên Thai của nhạc sĩ Hoàng Trọng, ở Nam Định. Và cùng năm
đó ông lập gia đình với một thiếu nữ Hà Nội mới 16 tuổi, là người vợ đoan
trang và đảm đang của ông cho tới bây giờ, qua sự giới thiệu của chính người em
họ của bà mà ông quen biết trước.
Thoạt tiên, gia đình bên vợ không bằng lòng vì “sợ
ông ấy đánh đàn rồi ông ấy hư, quen nhiều gái“, như chính lời bà Đan Thọ
kể. Nhưng sau trên 70 năm chung sống, tư cách và cuộc sống mực thước của ông đã
phá vỡ được tất cả những e ngại ban đầu đối với một người nghệ sĩ, suốt đời tận
tụy với âm nhạc nhưng luôn luôn giữ được vai trò người chồng và người cha gương
mẫu trong gia đình…
Mặc dù là một nghệ sĩ, nhưng nhạc sĩ Đan Thọ không khuyến khích
các con của ông, gồm 1 trai và 3 gái, theo con đường âm nhạc. Tất cả đều được
ông dạy dỗ rất nghiêm khắc..
Đối với những người trong giới, Đan Thọ còn được coi là một
người nghệ sĩ mẫu mực mặc dù từng lăn lộn hàng chục năm trong một môi trường có
nhiều quyến rũ, nhất là đối với những người có nhiều tình cảm như ông.
Năm 1954, Đan Thọ gia nhập ban quân nhạc Đệ Tam Quân Khu Hà Nội
cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Túc, Nhật Bằng, Văn Phụng, Nguyễn Khắc Cung, Nguyễn
Cầu, Nguyễn Hiền, vv… cho đến khi chia đôi Nam-Bắc vào năm 1954.
Trong thời gian phục vụ trong nhành quân nhạc, ông đã được quân
nhạc trưởng Schmetzler hướng dẫn về kènSau đó ông cùng ban quân nhạc di
cư vào Nha Trang trong cùng năm 1954. Đến khi vào Sài Gòn năm 1956, Đan Thọ lại
tiếp tục theo học kèn với nhạc sĩ Phi Luật Tân Mano Umali.
Với hai nhạc khí sở trường là violin và kèn tenor sax, nhạc sĩ
Đan Thọ từ khi vào Sài Gòn đã liên tục cộng tác với nhiều chương trình nhạc
trên Đài Phát Thanh Tiếng Nói Quân Đội, trên đài Truyền Hình VN và tại các vũ
trường cùng phòng trà ở Sài Gòn.
Ông cũng đã từng là trưởng Ban Nhạc Nhẹ Đài Phát Thanh Quân Đội
trong một khoảng thời gian dài từ năm 56 đến năm 65, gồm các nhạc sĩ nổi
danh như: Xuân Tiên, Xuân Lôi, Văn Ba, Nguyễn Ích và Canh Thân.
Ông và ban nhạc đã từng mang đi biểu diễn ở Bangkok
vào năm 56 và Manila năm 61, gặt hái được nhiều thành công đáng kể.
Nguồn cảm hứng đến với Đan Thọ kể từ khi ông rời nơi chôn nhau
cắt rốn của mình ở miền Bắc để di cư vào Nha Trang với ban quân nhạc. Nỗi nhớ
nhà và một tình quê hương canh cánh bên lòng khi phải rời bỏ quê cha đất tổ đã
khiến ông dâng lên một cảm xúc dạt dào để cùng với người bạn phục vụ trong ban
quân nhạc là Nhật Bằng viết thành hai nhạc phẩm đầu tiên là Bóng Quê Xưa và Vọng Cố Đô tại Nha Trang. Vẫn còn mang nặng tình quê hương,
một thời gian ngắn sau, Đan Thọ lại cho ra đời nhạc phẩm “Tình Quê Hương”, phổ
từ một bài thơ của Phan Lạc Tiếp.
Năm 1956, một thời gian ngắn sau khi vào đến Sàigòn, Đan Thọ đã
trở thành nổi tiếng ngay sau khi ông phổ nhạc từ thi phẩm của Đinh Hùng
mang tựa đề Chiều Tím. Nhạc
phẩm này cho đến nay đã được rất nhiều ca sĩ thuộc nhiều thế hệ ở hải ngọai
cũng như trong nước trình bày. Đó cũng là nhạc phẩm đã gắn liền với tên
tuổi Đan Thọ với âm điệu du dương và tình tứ đã làm say mê bất cứ ai có dịp
thưởng thức.
Chiều Tím cũng còn có thể được coi là một trong những nhạc phẩm đặc sắc
của nền tân nhạc Việt Nam. Trước khi xẩy ra biến cố tháng 4 năm 75, Đan Thọ chỉ
còn viết thêm 2 nhạc phẩm nữa ở trong nước là Mimosa Thôi Nở, phổ thơ Nhất Tuấn và Xa Quê Hương, sọan chung với Xuân Tiên.
Tại miền Nam trước biến cố tháng 4 năm 75, trong rất nhiều
năm, bóng dáng Đan Thọ với cây vĩ cầm hoặc với cây kèn saxo đã là một hình ảnh
quen thuộc với những người lui tới các phòng trà và vũ trường về đêm.
Sau năm 75, Đan Thọ cộng tác vơi ban nhạc của Đoàn Kịch
Nói Kim Cương gồm trên 10 nhạc sĩ. Trong đó, ngoài ông còn có những nhạc
sĩ Xuân Tiên, Lâm Thoại Nguyên, Ngọc Chánh, Lê Văn Thiện, Phạm Văn Phúc,
Đài Trang, Đặng Văn Hiền, vv… Ông từng cùng với Đoàn Kịch Nói Kim Cương ra Hà
Nội trình diễn vào năm 1980 trong vòng một tháng với nhiều thành công tốt đẹp.
Trong thời gian còn ở lại Việt Nam, ông đã cùng với ban nhạc này
đi diễn ở nhiều nơi như Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, vv… Cho đến năm
1980 ông quyết định xin nghỉ. Có thể nói đúng hơn là nhạc sĩ Đan Thọ đã không
còn tìm thấy được nguồn vui trong nghệ thuật sau khi ông ngưng cộng tác với đoàn
Kim Cương, để sau đó ông dành cả thì giờ của mình cho gia đình cùng với thú
nuôi chim yến của ông và đã từng đoạt giải thưởng.
Cuối tháng 2 năm 1985, ông rời Việt Nam qua Bangkok rồi được
sang New Orleans, tiểu bang Louisiana vào khoảng đầu tháng 3 cùng năm, do được
con gái bảo lãnh.
Sau đó, Đan Thọ và vợ chuyển sang Calihornia nơi có môi trường
sinh hoạt văn nghệ để sống ở Orange County, nhạc sĩ Đan Thọ với số tuổi lúc đó
đã ngoài 60, nhưng vẫn cùng với vợ xông xáo đi làm. Ông làm việc trong
công ty General Ribbon chuyên hãng sản xuất “ruy-băng” cho máy điện toán.
Vợ ông, sau khi thất bại trong việc khai thác một tiệm ăn, cũng đã vào làm cùng
hãng với ông một thời gian trước khi cả hai ngưng nghỉ sau khi đã tỏ ra là
những nhân viên siêng năng và cần mẫn. Riêng ông, cuối tuần vẫn chơi nhạc tại
vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh.
Khi còn ở trong nước, ông từng hy vọng sau khi ra đến hải ngoại sẽ
tìm lại được hứng thú với những bạn bè cùng thời. Nhưng với cuộc sống
chạy theo kim đồng hồ ở một xã hội máy móc và do sự đòi hỏi của cuộc sống, cả
hai ông bà cũng đã phải trải qua một giai đoạn vất vả với những công việc mưu
sinh.
Đến năm 1995, Đan Thọ chính thức tuyên bố giải nghệ trong một
đêm văn nghệ, tổ chức vào tối 30 tháng 6 tại vũ trường Ritz để đánh dấu quá
trình hoạt động âm nhạc của ông. Vì theo Đan Thọ, sự cống hiến cho âm
nhạc của ông đã quá đủ. Hơn nữa tuổi tác và sức khỏe của ông không còn
cho phép ông đi theo con đường nghệ thuật.
Đến năm 1997, Đan Thọ trở về sống ở New Orleans, nhưng do trận bão Katrina gây ra năm 2005, nên Đan
Thọ di chuyển sang Houston, Texas.
Hai vợ chồng nhạc sĩ Đan Thọ hiện đang hưởng những chuỗi ngày
nhàn hạ, nương tựa nhau trong lúc xế chiều tại Houston với sự thường xuyên liên
lạc hay gặp gỡ con cháu từ Tampa đến Houston.
Trong bài: Đan Thọ (1924): Chiều Tím Trường
Kỳ viết:
Khá nhiều bạn bè nghệ sĩ cùng thời với ông đã
nhắm mắt xuôi tay. Riêng Đan Thọ còn đây trong những buổi chiều tím của
cuộc đời. Chắc hẳn người nhạc sĩ lão thành đang mỉm cười mãn nguyện với
những gì ông đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, trong vai trò một nhạc sĩ
sáng tác và nhất là một nhạc sĩ trình diễn bên cạnh cây vĩ cầm, giờ đây đã im
tiếng. Còn chăng chỉ còn là vang vọng dư âm của những ngày xưa cũ…
Ca khúc:
- Bóng Chiến Y
- Bóng Quê Xưa (Nhật Bằng & Đan Thọ)
- Chiều Tím (thơ Đinh Hùng )
- Dương Cầm
- Mimosa Thôi Nở (thơ Nhất Tuấn)
- Tình Quê Hương
- Vọng Cố Đô (Nhật Bằng & Đan Thọ)
- Xa Quê Hương (Đan Thọ & Xuân Tiên)
- Bóng Quê Xưa (Nhật Bằng & Đan Thọ)
- Chiều Tím (thơ Đinh Hùng )
- Dương Cầm
- Mimosa Thôi Nở (thơ Nhất Tuấn)
- Tình Quê Hương
- Vọng Cố Đô (Nhật Bằng & Đan Thọ)
- Xa Quê Hương (Đan Thọ & Xuân Tiên)
Tài liệu tham khảo:
- Trường Kỳ, Đan Thọ (1924): Chiều tím Web:
dongnhacxua.com
Ca khúc Chiều Tím do ca sĩ Ý
Lan trình bày
No comments:
Post a Comment