Pages

Wednesday, June 1, 2016

Hùng Lân





(1922-1986)

Nhạc sĩ Hùng Lân tên thật là Hoàng Văn Cường, nhưng do nhầm lẫn, giấy khai sinh ghi là Hoàng Văn Hường, sau lại đổi là Hoàng Văn Hương. Ông sinh ngày 23 tháng 6 năm 1922 tại phố Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội, trong một gia đình Công giáo. Ông là người con thứ 4 trong gia đình có 11 anh chị em. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Nhạ, người Phủ Lý, Hà Nam. Cha ông vốn là người họ Nguyễn, tên thật là Nguyễn Văn Thiện, người làng Hương Điền (?), tỉnh Sa Đéc. Vốn ông nội của ông là Nguyễn Minh Châu từ Sa Đéc ra Hà Nội làm việc, mang theo ông Thiện. Sau khi ông Châu trở về Sa Đéc, gửi lại ông Thiện cho một người bạn ở Sơn Tây là Hoàng Xuân Khoát. Về sau, ông Thiện được ông Khoát nhận làm con và cho đổi sang họ Hoàng. Từ đó, ông Thiện và các con sau này đều mang họ Hoàng.

Xuất thân trong gia đình Công giáo, vì vậy từ nhỏ ông đã chịu phép Thanh Tẩy và mang tên thánh Phêrô. Năm 1928, ông theo học tại trường tiểu học Gendreau. Ngay từ năm 8 tuổi, ông đã bắt đầu học nhạc với linh mục người Pháp P. Depautis, còn gọi là Cố Hương và được tuyển vào ban hợp xướng Nhà thờ Lớn Hà Nội. Năm 1931, ông theo học bậc trung học tại trường dòng Lasan Puginier, còn gọi là trường Các sư huynh Dòng Thiện Giáo - Frères des Ecoles Chrétiennes de La Salle. Năm 1934, ông học nhạc dưới sự hướng dẫn của linh mục J. Bouis tại Tiểu chủng viện Thánh Phêrô Hoàng Nguyên ở Phú Xuyên, Hà Đông nay thuộc Hà Nội, rồi sau đó là Đại chủng viện Xuân Bích - Saint Sulpice - ở Hà Nội.

Ngay từ khi còn học nhạc ở Đại chủng viện Xuân Bích, ông và nhóm sinh viên Đại chủng viện Xuân Bích Hà Nội đã nghĩ đến việc sáng tác những bài thánh ca Việt Nam theo thể loại mới. Từ đó, vào tháng 7 năm 1945, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập, do ông làm Đoàn trưởng. Trong suốt thời gian 30 năm, Nhạc đoàn đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, trong đó Hùng Lân cũng có phần không nhỏ. Thời gian này, ông bắt đầu dùng bút danh Nam Hoa, Lâm Thanh để sáng tác nhạc. Năm 1943, ông sáng tác nhạc phẩm Rạng đông, được giải thưởng của Hội Khuyến học Hà Nội. Năm 1944, ông sáng tác bài hát Việt Nam minh châu trời đông, được giải nhất kỳ thi Âm nhạc Toàn quốc trong năm đó. Tác phẩm này sau được Đảng Đại Việt dùng làm đảng ca.

Liên tiếp trong hai năm 1945 - 1946, mẹ rồi đến cha của Hùng Lân qua đời. Ông phải bỏ học để có điều kiện lo lắng cho gia đình vì các em còn nhỏ. Năm 1945, ông nhận dạy học ở trường Kẻ Giảng, nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách Phủ Lý chừng 5, 6 cây số. Trong nhà thờ Kẻ Sở của vùng này, bấy giờ có một cây quản cầm (harmonium) rất tốt và ông thường dùng để sáng tác nhiều bài hát và về sau trở nên nổi tiếng. Cũng trong thời gian này, bút hiệu Hùng Lân ra đời, được ghép từ hai tên của người em thứ năm và thứ tám của ông. Sau đó, ông nhận làm giáo sư dạy âm nhạc tại trường Trung học Nguyễn Trãi Hà Nội.

Năm 1946, ông đã viết một bài hát hưởng ứng với tên gọi Khỏe vì Nước. Bài hát nhanh chóng được phổ biến và trở thành bài hát chính cho phong trào thể dục thể thao. Ngày 26 tháng 5 năm 1946, nhân ngày hội khỏe đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thanh niên và Tự vệ Thủ đô Hà Nội đã trình diễn bài thể dục đồng diễn trên nền bài Khỏe vì Nước. Từ đó, cái tên Hùng Lân trở nên nổi tiếng.

Khi cuộc Kháng chiến chống Pháp bùng nổ ở Hà Nội, ông cũng theo kháng chiến một thời gian. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình, ông đành rời chiến khu trở về Hà Nội tiếp tục dạy học. Năm 1948, ông dạy âm nhạc ở trường Chu Văn An, Hà Nội. Năm 1949, ông cho xuất bản sách dạy âm nhạc khai tâm và sơ đẳng gồm 2 tập, mang tên Cây Đàn Sống được Nhà xuất bản Thế giới Hà Nội ấn hành. Sau đó, ông tiếp tục cho ra đời các bộ sách Giáo khoa Âm nhạc cho lớp Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ. Có thể nói ông là người đầu tiên soạn sách giáo khoa dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông.

Sau Hiệp định Genève 1954, Hùng Lân di cư vào Nam làm giáo sư âm nhạc của trường Ca vũ nhạc Phổ thông Sài Gòn và cũng là trưởng ban Phát thanh Nha Tổng Giám đốc Thanh niên và Thể thao Sài Gòn. Từ năm 1957, ông là giáo sư dạy môn Ký xướng âm của Trường Quốc gia Âm nhạc Kịch nghệ Sài Gòn. Cùng thời gian đó, ông ghi tên học và tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn chương Pháp tại Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1963.Cùng năm nầy, ông về làm việc tại Trung tâm Học liệu, Bộ Quốc gia Giáo dục.

Năm 1965, ông được bổ nhiệm chức Chủ sự Phòng Phát thanh Học đường, Trung tâm Học liệu, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn. Năm 1967-1968, ông được cử đi tu nghiệp một khóa ngắn hạn tại Hoa Kỳ về ngành giáo dục và truyền thông tại Đại học Syracuse, tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Sau khi trở về Việt Nam, ông đã xây dựng chương trình Đố vui để học do Trung tâm Học liệu phát hình lần đầu vào năm 1969 trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Ông cũng viết khá nhiều nhạc cho nhi đồng, nổi tiếng là những bài Em yêu ai, Thằng Tí sún, Con cò, Ông trăng thu... Tập nhạc Vui ca lên là nhạc Hùng Lân biên soạn cho thiếu nhi. Nhạc sĩ Hùng Lân cũng đã phụ trách chương trình Phát thanh Học đường cho trẻ em, thiếu niên ở đài phát thanh Sài Gòn.

Từ năm 1971 cho đến năm 1975, ông về Trường Sư phạm thuộc Đại học Đà Lạt dạy môn Sư phạm Âm nhạc.

Sau 1975, ông trở về tư gia tại đường Nguyễn Văn Thủ, Tp. HCM. Do có thời gian tham gia kháng chiến nhưng lại trở về, ông thường xuyên gặp phải sự nghi kỵ của nhiều quan chức trong chính quyền mới. Bài hát Khỏe vì Nước của ông một thời gian bị cấm vì là bài hát của "tên phản bội". Tuy nhiên, do uy tín quá lớn của ông và sự can thiệp của nhiều học trò cũ của ông, nên ông không bị làm khó dễ. Ông tiếp tục việc dạy nhạc và nghiên cứu âm nhạc tại tư gia cho đến tận khi qua đời ngày 17 tháng 9 năm 1986. Thọ 64 tuổi.

Ai cũng biết nhạc sĩ Hùng Lân xuất thân từ ngôi trường đạo có tiếng tăm, mang tên Puginier ở phố Gambetta, Hà Nội và được các linh mục Dépaulis và Bouis trực tiếp dạy môn âm nhạc, dĩ nhiên là âm nhạc phương Tây. Thế nhưng, noi gương những người Công giáo tiến bộ lớp trước như thầy Tađê Đỗ Văn Liu, các linh mục Nguyễn Trường Lưu, Hoàng Mai Rĩnh, Nguyễn Văn Huấn v.v…Ông đã lựa chọn cho mình một con đường hoạt động, sáng tác, phục vụ riêng: sử dụng vốn kiến thức và tài năng để làm mới, làm giàu cho kho tàng âm nhạc Việt Nam, đưa tân nhạc Việt Nam vượt thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn “nhạc Tây lời Tây” và “nhạc Tây lời ta”, một phong trào ca hát thời thượng bấy giờ, đặc biệt trong hàng ngũ trí thức tư sản ở thành phố.

Trên Trang Mạng Wikipedia có nhận định về nhạc sĩ Hùng Lân như sau:

Những sáng tác của Hùng Lân thường là các bản nhạc vui trẻ, như “Hè về”, “Xóm nghèo”... Ông rất ít viết các bản tình cảm ủy mị, nhưng cũng để lại một vài bài như “Hận Trương Chi”, “Sầu lữ thứ"...

Ca khúc:

- Cô gái Việt
- Em yêu ai
- Hận Trương Chi
- Hè về
- Khỏe vì nước
- Lên núi Sion
- Lính mới tò te
- Một mùa xuân huyền ảo
- Mùa hợp tấu
- Rạng đông
- Sầu lữ thứ
- Thằng "Tí Sún"
- Tiếng gọi lên đường
- Trăng lên
- Việt Nam minh châu trời đông
- Vườn xuân
- Xóm nghèo
- Cao vời khôn ví (thánh ca)
- Đồng cỏ tươi (thánh ca)
- Một giọt sương (thánh ca)

Tác phẩm:

- Giáo khoa âm nhạc (giải thưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa năm 1952)
- Nhạc lý toàn thư (1960)
- Hỏi và đáp nhạc lý, nhạc hòa âm và nhạc đơn điệu (1964)
- Thuật sáng tác ca khúc, Sư phạm âm nhạc thực hành (1974)
- Tìm hiểu dân nhạc Việt Nam (1970)
- Nhạc ngữ Việt Nam (1971)
- Tìm hiểu dân ca Việt Nam (giải nhất Biên khảo Nghệ thuật, 1972)
- Vui Ca Lên 1 và 2 (1973)
- Nhạc lý tân biên (Di cảo từ 1975 - 1986)

Tài liệu tham khảo:

- Hùng Lân Web: Wikipedia

Ca khúc Hè Về do Ban Hợp Xướng Trùng Dương trình bày

https://www.youtube.com/watch?v=bk3C9oz2JT8


No comments:

Post a Comment