Pages

Sunday, August 21, 2016

Duy Khánh




(1936-2003)

Ca nhạc sĩ Duy Khánh tên thật Nguyễn Văn Diệp, còn có nghệ danh Tăng Hồng, Hoàng Thanh, sinh năm 1936 tại Làng An Cư - Xã Triệu Phước - Huyện Triệu Phong - Quảng Trị, là con áp út trong một gia đình vọng tộc gốc thuộc dòng dõi Quận công Nguyễn Văn Tường, Phụ chánh đại thần triều Nguyễn. Dòng họ Nguyễn này có vợ của Trung tướng Hoàng Xuân Lãm.

Năm 1952, Duy Khánh đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á tại Huế với bài hát Trăng thanh bình. Sau đó ông chuyển vào Sài Gòn để theo đuổi nghề ca hát.

Vào Sài Gòn, ông bắt đầu ghi âm đĩa nhựa và đi diễn khắp nơi, dần nổi tiếng với tên Hoàng Thanh. Ông trở thành một trong ba giọng nam được yêu thích nhất, cùng với Duy Trác, Anh Ngọc. Thời kỳ này tên tuổi của ông gắn liền với những bài có âm hưởng dân ca và "dân ca mới" của Phạm Duy: Vợ chồng quê, Ngày trở về, Nhớ người thương binh, Tình nghèo, Quê nghèo, Về miền trung... rồi đổi nghệ danh là Duy Khánh. Chữ "Duy" trong Phạm Duy, còn "Khánh" là tên một người bạn thân của ông.

Năm 1964 ông thành hôn với Âu Phùng, một phụ nữ gốc Hoa, sinh ra 2 người con. Về sau hai người đã ly dị.

Năm 1965, ông cùng với nữ danh ca Thái Thanh thu thanh bản trường ca Con đường cái quan của Phạm Duy. Sau đó cả hai người cùng hát trường ca Mẹ Việt Nam. Cho đến nay, hai bản trường ca này vẫn gắn liền với giọng hát Thái Thanh, Duy Khánh.

Ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1959, nhạc ông thường nói về tình yêu quê hương, mang hơi dân ca xứ Huế và được đón nhận nồng nhiệt, ngay từ hai sáng tác đầu tay: Ai ra xứ huế, Thương về miền trung.
Từ những năm cuối thập niên 1960 cho đến năm 1975, Duy Khánh còn lập nhóm chủ trương xuất bản tờ nhạc mang tên 1001 Bài Ca Hay quy tụ được nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ như Trịnh Lâm Ngân, Đỗ Kim Bảng, Duy Khánh, Trúc Phương... Tờ nhạc do nhóm xuất bản được giới mộ nhạc đánh giá cao vì in ronéo bản đẹp và minh họa công phu do chính Duy Khánh chỉ đạo thực hiện.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông bị cấm hát một thời gian dài, sau đó thành lập đoàn nhạc Quê Hương, quy tụ các nhạc sĩ Châu Kỳ, Nhật Ngân, các ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến... 

Giữa thập niên 1980 ông cưới bà Thúy Hoa rồi sống tại Vũng Tàu.

Đến 1988, ông được bảo lãnh sang Hoa Kỳ, tại đây ông tiếp tục ca hát và sáng tác, ông hát độc quyền cho trung tâm Làng Văn, và xuất hiện trên một số cuốn video của trung tâm Asia, sau đó, thành lập trung tâm Trường Sơn tiếp tục ca hát và dạy nhạc cho đến cuối đời.

Trong bài: Duy Khánh - người lính già xa quê hương. Tác giả B.l.u.e đã viết:

Tuy nhiên, ngoài hình ảnh một ca sĩ đầy tài năng và nhiệt huyết dưới ánh đèn sân khấu, Duy Khánh được yêu quý nhất có lẽ là bởi những sáng tác của ông. So với các nhạc sĩ khác, sáng tác của Duy Khánh không nhiều, nhưng hầu như bài nào cũng đều rất đạt; có những bài xứng được liệt vào hàng tuyệt phẩm. Khi nói về Duy Khánh, Phạm Duy từng nhận định: Duy Khánh là nhạc sĩ của quê hương. Quả thật, Duy Khánh chủ yếu viết về tình yêu quê hương, đất nước, về miền Trung gian khó, cằn cội, về xứ Huế thần kinh đẹp lãng mạn nhưng buồn vô ngần.

Ông mất vào 12 giờ trưa ngày 12 tháng 2 năm 2003 tại bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California, thọ 68 tuổi.

Ca khúc:

- Ai ra xứ Huế (cảm tác tAi vô xứ Huế của Phạm Duy, 1964)
- Anh lên rừng núi cao nguyên
- Anh về một chiều mưa
(đồng tác giả với Anh Thy, 1964)
- Bao giờ em quên (1963)
- Biết trả lời sao (1965)
- Chuyện buồn ngày xưa (1962)
- Đâu bóng người xưa (1961)
- Đêm bơ vơ
- Đêm nao trăng sáng
(1959)
- Điệu buồn chia xa (1994)
- Đi từ đồng ruộng bao la
- Đường trần lá đổ
- Giã từ Đà Lạt
(1964)
- Hoài ca (1956)
- Lối về đất mẹ (1965)
- Màu tím hoa sim (thơ Hữu Loan, viết chung với Trọng Khương, 1964)
- Một lần trong đời
- Mưa bay trong đời
(1966)
- Mừng anh chiến sĩ
- Mùa chia tay
(1965)
-  Nỗi buồn 20 (1967)
- Nỗi niềm riêng (1988)
- Nén hương yêu (đồng tác giả với Châu Kỳ, 1964)
- Ngày tháng đợi chờ (1961)
- Ngày xưa lên năm lên ba (đồng tác giả với Trầm Tử Thiêng)
- Người anh giới tuyến (1968)
- Ơi người bạn Sài Gòn (1994)
- Sao không thấy anh về (Thương về miền Trung 2, 1962)
- Sao đành bỏ quê hương (1976)
- Sầu cố đô
- Ta hát trên đỉnh đèo
- Thư về em gái thành đô
(1967)
- Thương về miền Trung (1962)
- Tình ca quê hương (1966)
- Trăm năm bến cũ (1967)
- Trường cũ tình xưa (1969)
- Vùng quê tương lai (1967)
- Xin anh giữ trọn tình quê (1966)

Tài liệu tham khảo:

- Duy Khánh Web: Wikipedia
- B.l.u.e.
Duy Khánh - người lính già xa quê hương. Blog: baomoi.com

Ca khúc Xin giữ trọn tình quê chính tác giả trình bày


https://www.youtube.com/watch?v=X0dJkfaT1EU




No comments:

Post a Comment