Pages

Monday, May 23, 2011

Sinh Nhật Của Tôi

Trước Đệ nhị thế chiến, người Nhật không cao lớn, ngay cả khi họ làm bá chủ Đông Nam Á, đoàn quân viễn chinh ấy đều nhỏ con hay lùn, người Việt mình gọi mĩa mai họ là dân “nước cơm chắc”, không rõ từ này ở đâu ra, nhưng mang ý nghĩa là đất nước của người lùn, vậy mà sau khi thất trận một thời gian chừng 30 hay 40 năm, họ đã trở nên cao lớn.
Người Việt ta, trước đệ nhị thế chiến, tuổi thọ của dân ta thường là 60, cho nên người ta lấy khoảng thời gian 60 năm để chỉ cho một đời người. Do vậy ở đất Bắc có nơi 50 hay 55 tuổi người ta đã cho lên lão để được miễn sưu, miễn thuế, mừng lên lão, người ta đưa ra làm lễ ở Đình làng đãi từ quan viên cho đến thứ dân.
Hiếm người sống trên 60 tuổi, do vậy có ai sống đến tuổi 60 trở đi, nhà khá giả làm những lễ mừng cha, mẹ ông bà mình đã sống lâu, khỏe mạnh, thông thường gọi là lễ "Thượng thọ". Người ta chia ra khi làm lễ 60 tuổi gọi là Hạ thọ, 70 tuổi là Trung thọ, 80 tuổi là Thượng thọ. 90 tuổi là Đại thọ, 100 tuổi trở đi là Vạn thọ.
Người ta cũng gọi lễ mừng lúc 60 tuổi là thượng thọ lục tuần, lúc 70 tuổi là thượng thọ thất tuần, lúc 80 tuổi là thượng thọ bát tuần, 90 tuổi là thượng thọ cửu tuần và tròn 100 tuổi thì ăn mừng lớn - gọi là bách tuế hay bách niên chi lão.
Như vậy chứng tỏ ngày xưa tuổi thọ thấp, nhưng cũng không phải không có người sống đến trăm tuổi, cho nên ngày Tết, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ thường chúc: “Sống lâu trăm tuổi”.
Sống lâu và được khỏe mạnh ai ai cũng mong ước, cho nên ngày Tết người ta thường dán câu chúc “Ngũ phúc lâm môn”, tức là ước muốn được 5 cái phúc vào nhà, người Phật tử khi tụng kinh có câu nguyện “Ngũ phúc trùng tăng”, cũng là cầu nguyện cho 5 cái phúc cùng có được nhiều hơn. Năm cái phúc ấy, có nguồn gốc do từ trong thiên Hồng Phạm ở Kinh Thi của Trung Hoa mà ra. Đó là: Thọ (sống lâu), phú (giàu có), an ninh (an lành), du hảo đức (có đức tốt), khảo chung mệnh (sống an vui, chết tốt lành). Sau người ta đặt tên cho dễ nhớ là: Trường thọ, phú quí, khang ninh, hiếu đức và thiện chung.
Hiện nay, chẳng riêng gì Việt Nam trên thế giới đều có tuổi thọ cao, đọc báo chúng ta thấy Cáo Phó hay Phân Ưu, người chết ở vào tuổi 80 là thường, cho nên sinh nhật của tôi vào tuổi 70 hay 71 là chuyện bình thường.
Năm nay vào ngày sinh nhật, tôi không ở nhà do con gái rước đến nhà, để đưa đón thằng cháu ngoại đi học ở University School of Jackson, Tennessee. Trước khi đi, các con ở nhà mừng quà, thiệp.



Ở nhà con gái tôi, trước ngày sinh nhật, nó gọi điện thoại đặt bánh sinh nhật ở Memphis, cách chỗ nó ở đến 80 miles, vì ở đó có người nhận đặt bánh, bánh không quá ngọt như ở những cửa hàng Mỹ, tuy có đắt hơn gắp đôi ba lần, lại phải đi xa để lấy bánh, nhưng nhân tiện đi shopping ở Mall và mua thực phẩm Á đông.
Dù thượng thọ thất tuần, nhung tôi không chủ trương làm chi, con và rể tôi muốn làm cho vui, chúng cũng có quà mừng cho tôi, thiệp chúc tụng và cả nhà quay quần lại chụp ảnh lưu niệm, ăn bánh sinh nhật.


Lại một lần nữa sinh nhật của mình, tôi dành chút thời gian để hồi tưởng lại những giai đoạn đã qua, những biến cố lớn trong đời minh.
Nhìn lại thật kỷ, tôi thấy trong đời tôi chỉ có chút cố gắng học để lấy bằng Tú Tài I Kỹ thuật, sau khi thi rớt tới 4 keo trong một năm, đó là năm 1961, và tôi cũng có đặt ra cho mình mục tiêu phải lấy được bằng Đại học sau khi đã đi làm trước tuổi 35, cả hai cái đó tôi đều đạt được cùng hạng Bình Thứ, ngoài ra những chức vụ dường như tôi đều bị người ta áp đặt cho mình ở ngoài đời cũng như trong Đạo.
Tôi làm Liên Đoàn Trưởng GĐPT Giác Minh cũng như Đoàn Trưởng Trường Đào Tạo Huynh Trưởng A Dật Đa, vì không có ai nhận, anh em đùn đẩy cho tôi phải nhận. Một lần làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, một lần làm Hiệu Phó đều do hai ông cựu Hiệu Trưởng ngầm đề cử với cấp có thẩm quyền, tôi được chỉ định làm ngoài ý muốn của mình.
Những gì tôi làm từ bưóc đầu, đều không đánh trống, thổi kèn, tôi làm từ những cái nhỏ nhặt xây dựng dần cho đến khi thành công. Chẳng hạn khi tôi làm Bản Tin của Ái Hữu GĐPT Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại, bước đầu chỉ làm có 2 trang đánh máy về sau tôi nâng lên 8 trang ra đều đều mỗi tháng, từ cuối năm 1991 hay đầu năm 1992 cho đến số 87 phát hành năm 2002 là năm thứ 12 thì Ban Chấp Hành giao cho chị Tâm Diệu Dương Thị Mỹ đảm trách, nay hình như Ban Chấp Hành đã giao cho người khác phát hành đến số 127, như vậy nó đã được ấn hành liên tục trong 20 năm, hình như chưa có một Bản Tin hay tờ báo nào của Gia Đình Phật Tử được sống lâu như vậy, đó là nhờ anh chị em luôn luôn quan tâm chăm sóc.
Nguyệt San Phật Học, tôi cũng đứng ra chủ trương làm, trước tiên nó là Bán Nguyệt San 4 trang sau tăng dần 8 trang, đến năm thứ hai được một số anh em định cư cố cựu giúp đỡ tăng lên 32 trang, phát hành ở Mỹ và khắp các quốc gia khác như Canada, Úc, Pháp, Đức và cũng bắt đầu từ đó có Trang Mạng hình thúc y như báo in. Anh em có phưong tiện, kiến thức đã giúp tôi xây dựng vững mạnh và uy tín, tôi chỉ trách nhiệm về bài vở và phát hành, nhưng về sau do công ăn việc làm không thể tham gia nhiều, cho đến số 75 năm 2000, gần như tôi tôi phải đảm trách mọi thứ, trừ vấn đề giữ quỹ. Đây là tờ báo có giấy phép, được Sở Thuế Liên bang nhận là tổ chức bất vụ lợi.
Cho đến năm 2007, báo in đình bản nhưng báo Mạng vẫn tồn tại đều đặn hàng tháng cho đến nay là năm thứ 16, số 202 ra ngày 1 tháng 5 năm 2011. Bên cạnh đó Nguyệt San Phật Học xuất bản một số sách biếu không cho người đọc ở khắp các nước (trừ Việt Nam, vì sách sẽ bị tịch thu), sách thường in dày đến 600 trang.
AHVN do chỉ Hồng Loan khởi xướng, được sự đồng ý của chị Đoàn Thị Kim Cúc, tôi đã liên lạc với một số anh chị để thành lập Ái Hữu GĐPT Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại từ gần cuối năm 1991, về sau anh em tham gia, phát triển rộng lớn phải là công lao của Trưởng Ngô Mạnh Thu quy tụ được nhiều anh, chị, em khác. Mỗi người một tay, một tấm lòng xây dựng, duy trì và phát huy.
Vào năm 1996, tôi bắt đầu thử làm Web trên AOL, nhưng chưa thành công, có lẽ vào giũa năm 1997 tôi mới thật sự làm Web trên các Server miễn phí như AOL, Geogicity, Freeserver … về sau tôi phải mua hosting của server Daddy dùng cho AHVN, Nguyệt san Phật Học, Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, Cao Thắng. Khi kinh tế Mỹ suy thoái sau vụ 911 năm 2001, các server miễn phí hủy bỏ, tuy vậy ngày nay trên Freeserver vẫn còn tồn tại của KT Cao Thắng và AHVN.
Tại nơi tạm dung, tôi đã tham gia sinh hoạt thành lập Hội Phật Giáo địa phương, Hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị, cả hai tôi đều giữ chức Tổng Thư Ký và tôi đã từ chức sau một thời gian xây dựng. Do người ta muốn áp đặt, tôi không chấp nhận, họ dã khai trừ tôi ra khỏi Hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị. Về việc này, tôi đã cảnh báo họ đây là việc làm mất đoàn kết, gây chia rẽ trầm trọng trong cộng đồng, họ không tiên liệu được, nên trên 10 sau, cộng đồng người Việt, Phật tử người Việt, Cựu Tù Nhân Chánh Trị, tất cả đều không có tổ chức nào hoạt động vững mạnh, có uy tín.
Tôi bị những chiến hữu của mình hạ độc thủ thì một số anh em khác có địa vị, có học thức giúp tôi phát triển tờ Bán nguyệt san Phật Học thành Nguyệt San, từ phát hành trong thành phố Louisille, bang Kentucky, phát hành rộng ra cả nước và ngoài nước Mỹ, lại áp dụng tiến bộ tin học để làm báo điện tử. Từ đó nhiều vị khác đã tham gia viết gửi bài, trong đó có Bình Anson, Trang chủ BuddhasSana và nhất là giáo sư Nguyễn Văn Hai, nguyên là dân biểu Đệ nhất Cộng hòa, Hiệu Trưởng Trường Quốc Học, Giám Đốc Nha Học Chánh Trung Phần và Cao nguyen Trung Phần, Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Huế đã cộng tác với Nguyệt san Phật Học trong nhiều năm và Nguyệt san Phật Học đã phát hành đến 3 tác phẩm của ông viết về Trung Quán Luận. Cho đến giờ, tôi nghĩ còn nợ ông một bài viết, viết về cuộc đời sóng gió của ông, tuy tôi không hiểu biết ông nhiều, nhưng có những chi tiết đáng ghi. Mỗi lần tôi gặp ông, nghe ông nhiều hơn nói, có hôm nghe ông nói đến 4 giờ lên tục, luôn luôn hấp dẫn dù có khi dược nghe lại đến lần thứ hai.
Tôi nhận ra một điều, bản tánh người Việt ta, ai ai cũng muốn mình là lãnh tụ, mình hơn người, ít ai nhận chịu mình nên làm một người góp bàn tay xây dựng, chịu sự điều khiển của người hơn mình.
Tôi cũng đang nhận ra hình như mình không làm nên đưọc cái gì cho có ý nghĩa về cuộc đời, tôi vẫn đang tìm kiếm, gần cuối đời rồi vẫn chưa thấy!
Trước kia tôi có ý định sau khi hưu, trở về Việt Nam vào chùa thí phát quy y Tam bảo, sớm kệ chiều kinh, nhưng nay thấy không thể sống ở Việt Nam, không phải vì Cộng sản, bởi vì đi tu rồi không phải là Bồ Tát cứu nhân độ thế, thì không có gì ràng buộc nữa, mà vì tu rồi thì ở đâu cũng vậy thôi, sau hai muơi năm sống ở Mỹ hiện thời, nhìn lại Việt Nam khác xa với Việt Nam của lúc tôi đang suy nghĩ ở 20 năm trước.
Một thời công phu kia, bỗng dưng tôi không thấy có tôi, tôi không thấy có thời gian đã qua, hiện tại và tôi cũng không thấy có cái không gian mình đang ở trong đó, cái giây phút ấy nó dài ngắn là bao tôi không đoán định được, chỉ biết đó không là giấc mơ.
Nói về giấc mơ thì một đêm kia, tôi chiêm bao thấy mình đến chùa để Thọ Bát Quan Trai, vị Hòa Thượng trụ trì, y chỉ sư của tôi ngài bảo:
- Lần này chú ở lại đây một tuần mà tu.
Rồi sau đó, vị hòa thượng ấy dẫn tôi ra chỗ hồ nước cạo tóc cho tôi, sau khi ngài cạo xong tóc, tôi thấy có hai ni cô còn rất trẻ đứng gần tôi, mỗi cô hai tay nâng một chiếc y màu vàng cam, tôi nghĩ đó là hai chiếc y hòa thượng trụ trì ban cho, rồi tôi giật mình tĩnh giấc.
Đó là giấc mơ năm tôi tròn 70 tuổi.