Pages

Wednesday, August 24, 2011

Tôi làm Phù rể


Lần đầu tiên tôi làm phù rể, năm đó vào khoảng năm 1958, tôi mới mười bảy tuổi, là học sinh ở tỉnh lên Sàigòn học, rồi chơi thân với anh tài xế Xinh, nhà anh ở trong con hẻm cuối đường Duy Tân, anh cưới vợ ở trên Bà Điểm.

Chơi thân với nhau, tôi không hiểu vì sao cùng năm bảy đứa bạn, anh lại chọn tôi? Tôi muốn giúp anh, nhưng trong đám cưới những nghi lễ phải theo phong tục, tôi không hiểu mình phải làm gì và có làm cho vuông tròn vai trò của mình không?

Có những điều người ta thường tin vào những cái “huông”, rơi vào dị đoan, mê tín. Chẳng hạn như mâm trầu cau, trầu phải đếm chẳng chục mà phải hai chục, bốn chục, sáu chục … Cau nguyên một buồng, cũng phải đếm số trái cau trong buồng ấy phải là số chẳng, các mâm lễ vật như rượu, trà, bánh, mứt, trái cây đều phải đủ cặp, đủ đôi.

Những người đi rước dâu đã có gia đình, thì cũng phải là những gia đình đầm ấm, vợ chồng không chắp nối, con cái không bỏ mất đứa nào. Còn nữa, lúc để trầu cau vào mâm, quả hay khi vợ chồng mới “dở mâm trầu”, đều phải giữ kín không cho ai nhìn vào. Đeo nữ trang, lên đèn cúng gia tiên cũng phải lựa cặp vợ chồng đạo đức, sống hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, thậm chí trải chiếu, giăng màn cho cặp tân hôn người ta cũng lựa người để lấy cái “huông”.`

Tôi không biết mình phải làm gì, như thế nào nên hỏi anh Xinh:

- Tôi phải làm gì khi làm rể phụ cho anh?

- Trước tiên, khi đàng trai đến nhà gái, lúc chuẩn mâm quả hàbgng ngũ để đi vào nhà gái, chú mầy bưng khay trầu rượu vào trình, nhà trai đã đến, xin phép vào làm lễ.

- Vào trình và xin phép, phải làm như thế nào anh?

- Khi cậu vào nhà gái, người ta đã chuẩn bị sẵn rồi, cha mẹ cô dâu hay người chủ hôn sẽ ngồi ở cái bàn hoặc bộ ván giữa nhà, cậu đặt khai trầu rượu ở đó, nhà gái thấy cậu đặt đúng chỗ, họ sẽ không nói gì, nếu cậu đặt sai chỗ người ta sẽ chỉ cho cậu đặt đúng chỗ, đó là nơi cha mẹ hay chủ hôn nhà gái. Cũng nói thêm cho cậu biết, sở dĩ gọi là khai trầu rượu vì trong cái khai đó có trầu và rượu, trầu người ta têm vôi sẵn cuốn tròn lại, cau tươi bổ sẵn và thuốc xỉa nữa, những thứ này để trên cái dĩa, hoặc người ta để trong cái hộp thau. Còn rượu người ta đựng trong cái nhạo với 2 hay 4 cái chén chung, những chén chung để trong cái dĩa.

- Khi khai trầu rượu đặt đúng vị trí, nếu trầu đựng trong hộp, cậu dở nắp hộp ra, rồi rót rượu vào tất cả các chung, xong cậu bưng hai tay cái chung rượu, đưa cho người chủ hôn, nếu cậu không biết ai là chủ hôn thì đưa cho người lớn tuổi nhất ở trong bàn hay bộ ván, nếu cậu đưa đúng, người ấy sẽ tiếp ly rượu của cậu, nếu không đúng, người ấy sẽ chỉ cho cậu người chủ hôn, thông thường bên nhà gái chỉ cho cậu biết ai là chủ hôn, để cậu đặt đúng chỗ và mời đúng người, người chủ hôn sẽ uống hết chung rượu đó hoặc chỉ đưa chung rượu lên miệng, nhấp môi rồi đặt chung rượu xuống, khi ấy cậu sẽ nói:

- Kính thưa quý vị, họ nhà trai mang đầy đủ lễ vật đến, xin quý vị cho phép vào làm lễ.

- Chẳng may nhà gái bắt lỗi, phải quấy mình phải làm sao ?

- Cậu là rể phụ, lúc đó phải tùy cơ ứng biến, nhưng đừng lo, ngày xưa có khi người ta ra câu đối, cậu phải đối lại, nhưng bây giờ thì không còn như xưa, ai cũng muốn cho hôn lễ tiến hành tốt đẹp, không có trở ngại gì, vậy cậu đừng lo.

- Rồi sao nữa ?

- Nhà gái họ sẽ bảo cho cậu biết là họ đồng ý mời nhà trai vào, như thế cậu lại bưng khay trầu rượu trở ra chỗ đàng trai, cậu sẽ đi đầu, hướng dẫn họ nhà trai đi vào, đương nhiên họ nhà gái sẽ đón tiếp và mời họ nhà trai ngồi, dĩ nhiên chủ hôn nhà gái và nhà trai sẽ ngồi đối diện nhau chỗ trang trọng nhất, cậu đặt khai trầu rượu ở trước mặt chủ hôn nhà trai.

Khi thấy họ an vị xong, cậu lấy nhạo rót rượu vào chung, trong chung có rượu sẵn đừng đỗ bỏ, chỉ cần rót thêm một chút vào, do vậy không bao giờ rót đầy chung rượu, để mỗi lần mình có thể rót thêm một chút, cũng đừng bao giờ đổ chung rượu thừa. Rượu cậu rót đó, ông chủ hôn nhà trai sẽ mời chủ hôn nhà gái uống để xin tiến hành làm lễ.

- Làm lễ như vậy là xong phận sự của tôi rồi phải không ?

- Gần đúng nhưng chưa phải vậy, trong lễ nghi, mỗi lần chủ hôn nhà trai muốn nói điều gì, đều phải theo phép mời rượu chủ hôn nhà gái rồi mới nói, do vậy, cậu luôn luôn phải đứng gần khai trầu rượu, kế ông chủ hôn nhà trai, để khi ông ấy ra dấu hoặc bảo cho cậu biết mà rót rượu vào chung, để ông ấy bưng mời chủ hôn nhà gái.
Như nhớ ra điều quan trọng anh nói thêm cho tôi biết:

- Rể phụ có nghĩa là cậu phụ giúp cho chàng rể, do đó ở nhà gái cũng như khi rước dâu về nhà trai, sau khi lạy bàn thờ ông bà, chàng rể và cô dâu sẽ lạy vừa để tạ ơn, vừa để nhận mình con, cháu, em trong gia đình, lúc đó cậu phải giúp rót rượu bưng hai tay mời, để chú rể với cô dâu lạy.

Trước khi ra về, cậu phải rót rượu cho chủ hôn nhà trai mời nhà gái uống để xin phép rước dâu, sau đó vợ chồng mới, sẽ lạy bàn thờ trước khi rời khỏi nhà gái, cậu chờ cho chủ hôn trai đứng lên, cậu sẽ bưng khai trầu rượu đi về.

- Nhưng mà anh bị “bắt rể” thì sao?
Anh Xinh cười bí mật, tiếp:

- Có khi “chuột sa hũ nếp”, cũng có khi không phải vậy, tôi thì hằng ngày vẫn ở dưới này đi làm, thứ bảy, chủ nhật hay ngày lễ mới về trên ấy mà thôi. Cậu cứ yên chí không có gì khó hết! Nói là cậu phụ tôi, nhưng tôi sẽ nhắc tuồng cho cậu.

Thế là tôi làm Phù rể cho anh Xinh, diễn tiến tốt đẹp, nhưng có chút ngoại lệ vì “nhà gái bắt rể”, nên sau khi làm lễ nhà gái xong, chủ hôn nhà trai xin phép cho đôi tân hôn làm lễ ra mắt nhà trai, sau đó nhà gái đãi khách hai họ.

Tiệc xong, tôi rót rượu để chủ hôn nhà trai xin phép gửi gắm chàng rể lại nhà gái và xin kiếu từ. Cô dâu, chú rể cũng như chủ hôn nhà gái đưa khách ra tận cổng để lên xe.

Sau đó, tôi còn làm phù rể cho nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, nhà văn Nhất Giang và lần sau cùng tôi làm Rể phụ cho Huỳnh Bảo Toàn, con của chú tôi. Lúc tôi vào trình nhà trai đến, khi tôi bưng chung rượu lên thì có người chỉ cho tôi biết chủ hôn là một mệnh phụ, tôi dâng rượu cho bà ấy để trình nhà trai đến và xin được phép vào làm lễ. Sau đó tôi mới biết bà ấy là nội tổ của cô dâu.


Tôi làm phù rể cho chú rể nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu

Ghi lại chuyện phù rể vài chục năm trước ở quê nhà, để nhớ tới phong tục cưới hỏi của ta, ngày nay người ta đơn giản nhiều, ước mong cái hay, cái đẹp của văn hóa được gìn giữ và phát huy.

Tôi làm phù rể cho chú rể nhà báo Nhất Giang và cô dâu Lý Mỹ Bạch


24-8-2011
8664210919

Friday, August 19, 2011

Tìm Sư

Vào rừng tìm kiếm thiền sư,
Vài căn nhà gỗ, suối, rừng với chim.
Cỏ cây hoang vắng im lìm,
Tìm người quen hỏi, “ - Nghe Thầy đi xa!”

Hỏi thăm chùa, “ - Thầy chẳng có chùa!”
Chỉ pho tượng Phật dưới tàng liễu xanh,
“Vi hoa niêm tiếu” một cành.
Phật tâm ngự đó, mĩm cười gió trăng!

Hỏi thăm Thầy trụ nơi nào?
Chỉ ven rừng, có túp lều vải xanh.
Cột giăng đây đó cây cành,
Lều kia khép kín, gỗ khô rụng vài.

Sư không có một mái chùa,
Rừng mênh mông đó, nai, rùa sống chung.
Thênh thang bước rộng ngày dài,
Hóa duyên chẳng rộn, về không bận về.




Wednesday, August 17, 2011

Chuyện Nhà

Ngày thứ bảy, tôi có mấy người khách từ Ohio đến thăm, bạn học trên 50 năm gặp lại, chúng tôi ăn uống, trò chuyện gần 5 giờ mới thả khách ra về, hôm sau Chủ nhật lại đi dự đám cưới, mới tảng sáng Thứ Hai điện thoại reo, bốc lên nghe giọng cô em họ nói :

- Hôm nay anh có đi đâu không? Một chút em sẽ đến thăm, báo trước sợ anh có việc đi, lại không gặp.

Cô ta nói xong lại trao điện thoại cho em, nói với tôi:

- Anh có đi đâu không? Một lát nữa em chở chị Ba sang thăm anh chị nghe!

- Hôm nay không đi đâu hết! Lúc nào tới cũng được.

Tôi có nghe tin cô em Huỳnh Thị Nga, con chú tôi sẽ đi du lịch sang Mỹ, cô ấy sẽ đặt chân tới Mỹ tại New York trưóc, sau đó đứa cháu sẽ rước về ở Maryland mười bửa, nửa tháng, trong thời gian này, có thể cô ta sẽ đến chỗ tôi, để thăm người em ruột là Huỳnh Bảo Toàn, nhân tiện thăm tôi luôn.

Vì nhà tôi đang bệnh cần chăm sóc hàng ngày, tôi không thể bỏ đi, nếu không tôi sang Maryland thăm, để cô ấy dành thì giờ đi đến Washington DC có nhiều chỗ dáng viếng thăm cho biết, nào là Toà Bạch Ốc, điện Capitol, tượng đài Tổng thống Lincoln, bức tường tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, các phòng triển lãm …

Mấy năm trước, có một cậu học trò trước khi đi du lịch ở Mỹ, liên lạc với tôi xin địa chỉ để tới thăm, lúc đó tôi liên tưởng tới một cậu đàn em khác ỏ Đức, có việc sang Cali, cậu ta cũng xin số điện thoại địa chỉ, hẹn đến thăm tôi, nhưng khi cậu ta sang tới Cali rồi mới biết đất nước Mỹ bao la, không phải như các xứ Âu Châu, nước nọ lái xe vài tiếng đồng hồ là tới nươc kia. Do vậy, cả hai đều chẳng có ai tới thăm tôi được như họ muốn.

Vã lại ở chỗ tôi không có gì đáng xem, trừ ngày Derby Day là ngày đua ngựa, ngay cả nữ hoàng Elizabeth có năm cũng đến dự và những Cave khá nổi tiếng.

Gần trưa, Toàn mới chở Nga đến thăm tôi, tuy hai nhà ở rất gần cách nhau chừng mười hay mười lăm phút lái xe, nhưng chúng tôi cũng ít gặp nhau, nhà tôi nấu một nồi Phở Chay đãi Nga và Toàn. Nga từ nhỏ không thích ăn thịt mỡ, sẵn chú tôi ăn chay trường, Nga tiện thể ăn theo, nên không phải vì lý do tôn giáo.

Nga mang sang cho tôi một gói trà tàu và mũ trôm, mặc dù tôi thích uống trà tàu vào mỗi buôi sáng, nhưng gói mũ trôm quí hơn vì ở đây trà tàu mua được, nhất là Trà Vương 103 uống vào vị ngọt thấm dần, còn mũ trôm không có để mua.

Nga và tôi cùng tuổi Tỵ, hồi nhỏ cả hai đều học vở lòng ở Trường làng Bình Mỹ, bên kia sông vì chú tôi dạy trường đó, sau đó cuộc Cách mạng mùa thu 1945 xãy ra, chú tôi về tỉnh Châu Đốc dạy học, Trường làng Bình Mỹ không thầy dạy phải đóng cửa, trường làng Bình Thủy, cũng không có thầy giáo, con của một ông thầy giáo đã về hưu, mượn trường mở lớp dạy tư, Nga và tôi học tư với thầy giáo này, sau đó Nga theo chú tôi lên Châu đốc học, tôi tiếp tục học tư, thi đậu bằng Sơ Đẳng Tiểu Học, nhà không đủ sức cho tôi đi Long Xuyên học, đến năm 1954 tôi mới được lên Châu Đốc ở nhà chú tôi đi học lại, tôi học lớp Nhì thì Nga đã vào Trung Học Thủ Khoa Nghĩa học Đệ Lục hay Đệ Ngũ rồi.

Những lần về Việt Nam, có khi tôi ngủ tại nhà Nga, nhưng ít khi có thì giờ nhắc lại chuyện xưa, chuyện họ hàng, gia đình. Lần này gặp Nga tại nhà tôi, tôi có thì giờ nên hỏi Nga về mấy người trong tấm ảnh Hoa Hậu AnGiang, Nga chỉ biết thêm có một cô đứng cạnh Hoa Hậu và hứa khi về Châu Đốc sẽ tìm hiểu cho biết sau.

Tôi có dịp hỏi Nga về những bạn của cô như Châu Thị Bạch Tuyết, Tùng, Hoa Châu, Hoa Quách, Tuyết Ngọc …

Nga và Toàn nhắc nhau những người ỏ hai dãy phố chạy song song với nhà lồng chợ, đoạn Bar Nam Hiệp, Một bên có thầy Tính.., bên kia có thầy Hỷ, thầy Muôn…

Nga cho biết kinh Lò Heo cũng như kinh Ông Cò đã san lấp rồi, mặc dù Châu Đốc đã phát triễn nhiều, nhưng những căn phố xưa chỉ có thể cơi lầu, cất mới lại, những con đường những căn phố ở trung tâm phố thị và cả người Châu Đôc cũng không thay đổi nhiều.

Môt chút nói về Trường Nữ Tiểu Học Châu Đốc, ngôi trường mà bác Phạm Ngọc Đa làm Hiệu Trưởng, chú tôi dạy ở đó nhiều năm, khoảng năm 1968 Nga cũng được đề cử làm Hiệu Trưởng, nhưng cô tự lượng sức mình không kham nổi, nên từ chối rồi xin chuyển về Bộ Giáo Dục ở Sàigòn.

Một chút nói về Bồ Đề Đạo Tràng, Ban Quản Trị mở rộng, xây cất thêm lầu Chuông, gác Trống tráng nền xi măng, thu hẹp diện tích sống của cây, cây Bồ Đề úa lá, cành khô người ta phải nhờ tới một bộ phận chuyên môn của Tỉnh An Giang lên tìm phương án cứu sống cây, chi phí mất vài chục triệu.

Nghe nhiều người đi du lịch Mỹ tưỏng cũng dễ, hóa ra hai chị em Nga và Diễm cùng xin đi, do giấy mời Họp mặt của cựu học sinh Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, vào phỏng vấn, Mỹ chỉ cho Nga đi, Diễm thì không. Còn cô em dâu của Huỳnh Hữu Chí cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, đưọc giấy mời dự Họp mặt của Trường này, mấy lần xin đi đều bị từ chối, năm nay con gái bảo lãnh du lịch sang Úc, để cho việc xin du lịch sang Mỹ lần sau sẽ dễ dàng hơn.

Do thứ Tư Nga trở về Maryland, để Chủ Nhật về lại New Jersey cho nên tôi gọi điện thoại cho Lê Quang Ngọc Nhẫn, con gái của thầy tôi Lê Quang Điện, nói chuyện với nhau, có thể hẹn trước để gặp nhau, tránh trường hợp July Fourth năm 2010, tối hôm ấy gọi Cellphone cho Nhẫn không đuợc, sáng hôm sau tôi về, không thể hẹn để anh em gặp mặt, thăm hỏi nhau một chút.

Ngày nào còn đi làm, cứ nghĩ khi về hưu có thì giờ sẽ đi chỗ nọ, thăm chỗ kia, nhưng khi về hưu tuổi già, sức yếu tật bênh không hẹn mà tới, nên không thể đi đâu, ngay cả về thăm quê, thăm lại mồ mả ông bà, nơi chôn nhau cắt rốn của mình cũng có khi rất muốn, mà hẹn lần lượt rồi lại qua đi.

Quê hưong đã xa lại càng xa vời vợi.

Thứ Tư 17-8-2011

Huỳnh Bảo Toàn, Huỳnh Thị Nga

Mrs Huỳnh Ái Tông, Huỳnh Bảo Toàn, Huỳnh Thị Nga

Tông, Toàn, Nga

Saturday, August 6, 2011

Sáng nay dậy

Sáng nay dậy nếu thấy mình vẫn sống,
Xung quanh giường chỉ có gối chăn.
Sẽ tự hỏi bạn đời ra sao nhỉ ?
Canh đêm trường nghe tiếng dế, lạnh lùng trăng!

Sáng nay dậy thấy một ngày mới nữa,
Bên cạnh giường không phải người thân
Họ nằm yên chờ đợi ngày tới bửa !
Sống cho tròn một kiếp nhân sinh.

Sáng nay dậy thấy công viên đầy lá,
Đêm đã nằm trên băng đá ngủ yên
Thu lá rụng, Đông về đầy tuyết giá,
Đêm qua ngày
nhìn tứ cố vô thân.

Sáng nay dậy thấy mình vẫn thở,
Mở mắt nhìn, mình vẫn sống bên nhau.
Cám ơn em, ta sống thêm ngày hạnh phúc,
Tuổi cổi cằn không côi cút cuối đời.

8/2011