Ngày xưa, xa xưa rồi, Khổng Tử được tôn xưng là “Vạn Thế Sư Biểu”, vì ông và những truyền nhân sau này thiết lập định chế cho nền Quân chủ, trong đó đề cao: “Quân, Sư, Phụ”. Đến thời của tôi, nền quân chủ không còn, Mỹ đã đổ quân vào Việt Nam, nền kinh tế phát triển, nhiều người trở nên khá giả, lương Thầy Cô giáo kém, địa vị khiêm nhường. Tuy vậy, xã hội vẫn còn kính trọng nhà giáo, dù không được như xưa. Tết nhất không còn “Mồng Một ngày cha, chồng hai ngày mẹ, mồng ba ngày Thầy”.
Khi tôi đi học thì không đến nổi tệ, nhưng đi thi luôn luôn lận đận. Năm lớp Nhất ở Trường Tiểu Học Châu Đốc, tôi học với thầy Châu Văn Tính, là một thầy giáo danh tiếng, về sau thầy là Hiệu Trưởng Trường Nam, rồi Thanh Tra Hàng Tỉnh. Lớp của Thầy dạy, nào em ông tỉnh trưởng, nào con các thầy giáo cùng học với tôi, cuối năm tôi đứng hạng nhất lớp, hạng nhì là Trần Văn Bé, năm đó thi tuyển vào Đệ Thất Trung Học Thủ Khoa Nghĩa lấy 300 thí sinh, tôi làm trật hết hai bài toán, vậy mà đậu hạng 51, Trần Văn Bé là thủ khoa của năm 1956.
Cũng năm đó, tôi dự thi vào Trường Kỹ Thật Cao Thắng, có 3 ngàn sĩ tử dự thi ở Nữ Trung học Gia Long, tôi chỉ làm trúng có một bài toán, vậy mà đậu hạng 132/250. Khi kỷ sư Cao Thanh Đảnh làm Hiệu trưởng Trung học Kỹ thuật Cao Thắng, ông phân loại, xếp những học sinh giỏi học ở lớp A, rồi B, C … năm Đệ Tứ tôi được xếp vào Tứ A, Tam A, Nhị A niên khóa 1961-1962, xếp hạng cuối năm 4/37 học sinh, năm này tôi thi rớt 2 lần Tú tài 1 kỹ thuật và 2 kỳ Tú tài 1 phổ thông vị chi là 4 lần thi trong 1 năm đều hỏng cả ! Năm đó hình như là năm thi cuối cùng, sau khi thi viết đậu rồi, còn phải thi vấn đáp, tức là giám khảo trực tiếp hỏi thí sinh. Năm 1963 tôi mới thi đậu nên không còn thi vấp đáp nữa.
Nói về thi vấn đáp cũng nên nói về huyền thoại “giáo sư Đặng Sĩ Hỷ”, thời đó có ông Đặng sĩ Hỷ, Cán sự Điện, ông chưa có bằng Tú Tài mà mở lớp luyện thi Tú Tài, lớp học của ông có kết quả, nhiều người thi đậu, ông cũng thi mà cứ rớt hàng năm, vì người ta bảo ông vào vấp đáp là gặp giáo sư Võ Thế Hào, năm nào cũng bị ông Hào đánh rớt. Chuyện thật hư chẳng rõ, nhưng năm 1975 đi Cải tạo chung với giáo sư Võ Thế Hào ở Trãng Lớn, anh em vui miệng hỏi giáo sư, ông chỉ cười đáp: “Huyền thoại mà”.
Cũng trong trại đó, anh Trần Mạnh Du Tổng Giám thị Trung Tâm Chuyên Nghiệp Phan Đình Phùng kể lại khi anh “vào vấn đáp” môn Vạn vật, bị một nữ giám khảo hỏi:
- Trong lá cây có một cái lỗ. Lỗ ấy là lỗ gì ?
Anh ta thấy cô giáo hỏi một câu, mà người không đứng đắn sẽ cho rằng hết sức tục tiểu, anh ta bí, cô giáo sư cho không điểm và trả lời câu hỏi:
- Đó là lỗ khổng.
Gần đây, tôi có đọc bài của giáo sư Cao Huy Thuần, khi ông ta vào vấn đáp ở Hội đồng thi tại Huế trong thập niên 50 thế kỷ 20, bị giáo sư Nguyễn Văn Hai hỏi
- Điện là gì ?
Ông ta không trả lời được, bị không điểm và trượt vỏ chuối kỳ thi đó.
Năm tôi học lại, nhà trường bỏ hai sinh ngữ, chỉ chọn một, ông Giám thị cũ thấy đến hết hạn mà tôi không biết, không nộp đơn, thương tình ông nộp đơn dùm và chọn cho tôi học Anh Văn, được xếp vào lớp Đệ nhị E, theo sự sắp đặt của Trường lớp A giỏi nhất vậy E là dở nhất, thật ra không phải vậy vì là lớp duy nhất, không thể so sánh với các lớp kia, học sinh khiếu nại, nên Hiệu trưởng Cao Thanh Đảnh đồng ý với Giám Học Lê Thanh Vân xếp các giáo sư giỏi dạy lớp này như Cù An Hưng, kỷ sư Quyền tốt nghiệp ở Grenoble dạy ở Cao Đẳng Điện Học, ông Bùi Xiêm … nhờ vậy năm đó tôi học hạng nhì toàn năm, thi đổ Tú tài 1 hạng Bình thứ. Năm Đệ nhất, tôi được xếp hạng 8/39 học sinh.
Đậu Tú tài toàn phần rồi, thi vào Trường kỷ sư Công nghệ năm 1964, các bài thi viết tôi đều dự thi đủ, đến môn thi Kỹ Nghệ Họa vào buổi chiều, sáng tôi đi ăn, đi chơi một chút rồi về nhà ăn cơm, đi nằm nghỉ còn 45 phút đến giờ thi, tôi lấy xe ra chạy, chiếc Vélo Solex sáng ngày tôi đi chơi, nó vẫn chạy bình thường nay không chịu nổ máy, đem lại tiệm sửa xe, họ loay quay cố sửa chữa tháo máy ra, ráp máy vào cũng không chạy, họ chịu thua, nhìn lại đồng hồ đã điểm đúng 1 giờ trưa, giờ mà thí sinh đã vào phòng thi, tôi nghĩ có đi đến cách nào cũng trễ từ 20 đến 30 phút, nên đành bỏ thi.
Mấy hôm sau tôi dự thi vào Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, Trường chỉ tuyển 10 thí sinh, đào tạo 2 năm, để trở thành Giáo sư Chuyên nghiệp Đệ nhất cấp, ra trường hưởng chỉ số lương 380, tôi đậu Dự bị thứ 2. Nhìn danh sách trúng tuyển có nhiều anh cũng đậu vào Kỷ sư Công nghệ, nên tôi làm đơn xin học với tư cách Dự thính, cuối cùng kể luôn cả tôi lớp học chỉ còn có 6 người, nên tôi trở thành sinh viên chính thức, trong đó có anh Nguyễn Văn Bài vừa đậu Kỷ sư Công nghệ vừa đậu Sư Phạm Kỹ Thuật, anh chọn theo học Sư Phạm Kỹ Thuật vì theo Sư Phạm có học bổng một ngàn đồng mỗi tháng. Nếu để đào tạo Giáo sư chuyên nghiệp Đệ Nhị Cấp, sinh viên phải theo học trình 4 năm, ra Trường hưởng chỉ số lương 480.
Trong chương trình, chúng tôi phải học cho ngành chính mình sẽ dạy sau này là 20 giờ tuần, xưởng 8 giờ tuần, Anh Văn 2 giờ, Toán 2 giờ, Cơ học 2 giờ, Thể dục thể thao 1 giờ. Năm cuối cùng chúng tôi học một số giờ về hành chánh, về quyền lợi và bổn phận của giáo chức. Đáng lý ra phải học về Tâm lý giáo dục, nhưng vi lý do gì đó không thấy có dạy.
Trường đặt cơ sở tạm trong Trường Bách Khoa Trung Cấp Phú Thọ, do ông Trần Lưu Cung Giám đốc Nha Kỹ thuật Học vụ làm Giám Đốc Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật được thành lập từ năm 1962, cho đến khi ông làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục mới thôi chức Giám đốc Nha và Ban Cao đẳng Sư Phạm Kỹ thuật. Năm 1972, Ban Sư Phạm Kỹ Thuật dời lên Thủ Đức, trở thành Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật.
Năm 1966, mãn khóa học, có lẽ vì không có nhu cầu nên Trường giữ lại 2 sinh viên để học tiếp chương trình 4 năm. Chúng tôi ra Trường được phân bổ như sau: Anh Nguyễn Văn Bài về Trung học Kỹ Thuật An Giang, anh Lương Văn Nhơn về Trung học Kỹ thuật Vĩnh Long, anh Trịnh Như Tích về Trung học Kỹ thuật Đà Nẳng, tôi đi Trung học Kỹ thuật Y-Út tại Banmêthuột.
Thời đó, các Trường Kỹ thuật đều do viện trợ Mỹ đài thọ như Trường Bách Khoa Trung Cấp Phú Thọ, Trường Kỹ thật Vĩnh Long, An Giang, Đà Nẳng, Nha Trang … Trường Kỹ thuật Y-Út đặc biệt dành riêng cho dân tộc thiểu số, có các Xưởng Nguội, Kỹ nghệ sắt, Kỹ nghệ gỗ, Máy dụng cụ, Cơ khí Ô-tô, có một ký túc xá 200 giuờng dành cho 200 em học sinh theo học gồm người Chăm ở Ninh Thuận, Rhadé ở Đác-lắc, Thái ở Tùng Nghĩa Đà Lạt, các sắc dân Thượng khác ở Công-Tum, Plei-ku …
Các em học sinh được cấp phát đồng phục, 3 bộ/năm, chăn, màn, tiền tàu xe về quê ăn Tết, bãi trường … Ăn uống hàng ngày 3 bửa: sáng, trưa, chiều. Việc tuyển sinh hàng năm do Bộ Sắc Tộc tuyển chọn, lập danh sách gửi tới trường. Về sau khoảng năm 1970, trường có tuyển mỗi năm 50 học sinh người Kinh, chỉ được theo học chế độ như học sinh các trường công lập, nhằm mục đích giúp cho dân địa phương được hưởng nền giáo dục kỹ thuật và phân bổ học sinh Kinh, thiểu số học chung, để nâng cao sự học của các học sinh trong lớp.
Tôi dạy Trường Y-Út bốn năm, trong đó có gần 2 năm đi lính, Trường thay đổi ba ông Hiệu trưởng, trước tiên ông Đống Văn Quang, hình như là giáo viên bổ túc, dạy ở Cao Thắng, tôi không có học với ông nên không rõ ông dạy môn chi, tôi dạy ở đó 1 năm thì ông Quang thuyên chuyển về Sàigòn, năm học sau ông Nguyễn Văn Quán Kỷ sư Công nghệ khóa 10 hay 11, là Phụ tá Hiệu trưởng lên thay, khi tôi biệt phái về tháng 10 năm 1969, thì ông Nguyễn Văn Huệ tốt nghiệp khóa đầu tiên Sư phạm Kỹ thuật đã làm Hiệu trưởng, ông là khóa đàn anh của tôi cùng môn dạy, yêu cầu tôi làm Phụ tá Học vụ kiêm Học sinh vụ, tức là Giám Học kiêm Tổng giám thị, vì tổ chức các trường Kỹ thuật Đệ nhất cấp như vậy, kiêm luôn Phát ngân viên, vì tin cẩn, mến mộ nhau, hay muốn cột chân tôi nơi đó, chức Phụ tá chỉ có Sự Vụ Lệnh của Hiệu trưởng mà thôi, còn Phát ngân viên phải có Nghị Định của Bộ Giáo dục, với chức vụ này, tôi được hưởng 0,04% tổng số tiền phát trong năm, tuy vậy cho đến ngày tôi được thôi giữ chức vụ này, tôi không có được hưởng xu ten nào, có lẽ vì tôi không yêu cầu thanh toán, do nghĩ rằng cũng không là bao.
Một giáo sư Trung Học Đệ Nhất Cấp phải dạy 20 giờ một tuần, môn tôi dạy là Kỹ Nghệ Họa, sau 1975 môn này chia ra làm 3 phần Vẽ Kỹ Thuật, Hình học họa hình và Chế tạo máy.
Lúc đi học, biết các giáo sư dạy theo sách Pháp là Dessin Technique et construction mécanique tác giả ông Norbert, gồm 3 tập. Khi ra dạy thì không có sách cũng đành phải lấy sách Pháp tự dịch ra để dạy. Nhờ khi chúng tôi học hai sinh ngữ Anh, Pháp từ Đệ thất (lớp 6 ngày nay) đến Đệ nhị (lớp 11) và trong thời gian học ở Sư Phạm, mỗi tuần đều phải dịch một bài từ sách, báo khoa học rồi viết ra giấy, in Ditto nộp cho Thầy và các bạn cùng lớp mỗi người một bản. In Ditto cũng gần giống như in thạch hay in bột nhưng khác đi là nó dùng alcohol.
Vì dạy môn Kỹ Nghệ Học không đủ giờ, tôi phải dạy Việt văn, Công dân những môn này có sách giáo khoa nên ít mất thời giờ soạn bài.
Hè năm 1967, lần đầu tiên tôi tham gia vào Hội Đồng Giám Thị kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp Kỹ thuật tại Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ. Đó là Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ ở tại 25 bis Hồng Thập Tự (Nay là Nguyễn Thị Minh Khai), trường ngày xưa gồm luôn cả bót Cảnh sát Quận Nhứt, sau bị Nhật chiếm đóng, rồi Pháp trở lại, cắt phân nữa cho Cảnh sát, trường còn lại một nửa, gồm một căn nhà Hiệu Trưởng 2 tầng, một dãi lớp học 2 tầng, xây dọc theo tường của Tòa Đại Sứ Pháp, một sân chơi, một xưởng nằm gần rào Tòa Đại sứ Mỹ.
Lúc đó tôi mới được biết rằng, thuở đó thi cử tổ chức như sau: Có một Hội Đồng Giám Thị gồm Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch, Thư ký và những Giám thị, Hội đồng này có nhiệm vụ tổ chức cho thí sinh dự thi, nếu thí sinh đông, phải tổ chức hai, ba địa điểm thì mỗi địa điểm là một Trung Tâm, do một Phó Chủ tịch trách nhiệm. Mỗi phòng thi có 2 Giám thị, ngoài phòng thi có thêm Giám thị hành lang, để tiện liên lạc giữa phòng Hội đồng và các phòng thi, cũng như trông nom về an toàn thi cử.
Trước ngày thi Hội Đồng Giám Thị phải họp để phổ biến chương trình thi, phân công, đánh số Phòng, số ký danh chỗ ngồi của thí sinh. Mỗi buổi thi xong Hội Đồng Giám Thị phải niêm phong các bài thi, từng phòng của thí sinh. Sau khi thi xong, Hội Đồng cũng phải họp, ghi nhận ý kiến, nhận xét của Giám Thị để chuyển về Hội Đồng Giám Khảo.
Hội Đồng Giám Khảo, gồm có Chủ tịch, Phó chủ tịch, Thư ký và các Giám khảo. Hội Đồng tổ chức buổi họp trước khi Giám khảo chấm bài, để phổ biến những điều cần thiết, sau đó Hội Đồng đánh số phách và cắt phách các bài thi, Giám khảo họp theo từng môn để định thang điểm cho bài thi. Mỗi bài thi đều phải qua 2 Giám khảo chấm, điểm cho căn cứ thang điểm đã định. Sau khi bài chấm xong, ráp phách lại, ghi điểm từng môn cho thí sinh vào danh sách điểm của từng Phòng, sau đó cộng điểm lại.
Sau cùng Hội Đồng Giám Khảo họp lại quyết định số điểm thí sinh đậu, thông thường là thí sinh đạt điểm trung bình là đậu, nhưng nếu năm đó đề thi khó, thí sinh đậu ít, Hội Đồng có thể quyết định lấy thấp xuống để cho số đậu tăng thêm. Hội Đồng cũng xem xét những trường hợp gian lận, có thể đi đến đề nghị cấm thi…
Điểm số Trung học thuở đó là 20, khoảng cách của điểm số là ¼, nghĩa là 0, ¼, ½, ¾, 1 … 20, vị chi có tất cả 80, nghĩa là giáo sư có thể cho điểm rất là chi ly.
Hè năm đó, có khoảng 300 giáo chức kỹ thuật, dự một khóa Hội thảo từ 28-7 đến 26-8-1967 tại Trường Kỹ thật Cao Thắng để soạn chương trình học cho tất cả các môn học trong trường kỹ thuật, từ lớp 8 cho đến lớp 12 từ bài học cho đến bài tập thực hành, cũng trong khóa Hội thảo này đã phân công cho một số giáo chức soạn bài giảng dạy để làm tài liệu giáo khoa sau này. Lúc đó, tôi sắp sửa đi dạy nên cũng được tham dự khóa Hội Thảo này. Nhờ khóa Hội Thảo đó mà giáo dục Kỹ thuật Việt Nam có nền tảng, kết quả chất lượng đào tạo khả quan.
Từ trường Y-Út Ban Mê thuột đổi về Sàigòn năm 1970, năm sau tôi có xin đi gác thi ở trường Y-Út, đó là kỳ thi tuyển lấy 70 học sinh vào 2 lớp Đệ Thất, trong khi đó các Trường kỹ thuật trên toàn quốc đều chỉ tuyển vào lớp Đệ ngũ mà thôi. Hội đồng thi do anh Mai Văn Tánh, Hiệu trưởng Trung Học Kỹ Thuật Phước Tuy làm Chủ tịch, tôi làm Thư ký.
Do thầy dạy vở lòng của tôi là thầy Lê Văn Thọ, làm việc ở Phòng Khảo Thí của Nha Kỹ Thuật Học Vụ, nên mỗi năm vào dịp Hè tôi nhờ thầy Thọ cho tôi đi gác thi ở Long Xuyên, để nhân tiện về thăm nhà, hoặc ở tại Sàigòn để dạy các lớp học Hè.
Năm nào đó, tôi đi tham gia Hội Đồng Giám Thị kỳ thi Trung Học Kỹ Thuật ở Trường Kỹ Thuật An Giang, năm đó có một đứa em họ dự kỳ thi này, em này lúc thi vào Đệ ngũ rớt, tôi làm đơn xin Giám Đốc Nha cho em được học, cũng nhờ thầy Thọ cho Hội đồng cứu xét biết, đó là em họ của tôi, ông Giám Đốc Lý Kim Chân chấp thuận. Kỳ thi này tôi cũng làm Thư ký, trong giờ thi Kỹ Nghệ Họa có hệ số 4, tôi xuống phòng thi, thấy cậu em họ cũng như cả phòng vẽ sai, tôi mới chỉ cho em đó bỏ bài sai, tôi vẽ nháp bảo vẽ theo đó, nhưng gần cuối giờ tôi trở lại, tôi thấy cậu ta vẽ hình vẽ cũ, tôi đành bó tay, năm đó em này rớt.
Sau này, có khi tôi muốn tìm hiểu tại sao em ấy lại vẽ bài cũ ? tôi tự tìm câu trả lời cho thỏa đáng: Một là cậu ta không tin tôi mà tôi là giáo sư dạy môn đó. Hai là Giám thị để tôi giúp, nhưng sau khi tôi đi khỏi, Giám thị tịch thu bài tôi chỉ và cho em ấy vẽ lại bài cũ.
Cũng một lần thi Trung học, hình như năm 1972, tôi tham gia Hội Đồng Giám Thị tại Trường Kỹ thuật Cao Thắng và Hội Đồng Giám Khảo cũng đặt tại trường này, kỳ thi đó có em của giáo sư P.C. thi, anh gặp bạn đồng nghiệp, đều gửi gắm nếu gác Phòng có em của anh thi, giúp đỡ dùm. Mặc dù suốt kỳ thi tôi không hề được gác Phòng đó.
Trong kỳ thi này có một chuyện đáng nhớ, đó là phần câu hỏi của môn thi Kỹ Nghệ Họa, đề thi ghi rõ cho phép thí sinh dùng sách “Cẩm Nang” để tra cứu. Sách Cẩm Nang Kỹ Nghệ Họa của ông Bùi Văn Lễ dịch từ quyển Aide Mémoire của Norbert, sách này học sinh dùng để tra cứu các thông số kỹ thuật khi vẽ (thực hành), thí sinh được tham khảo nó để trả lời chẳng khác nào cho phép thí sinh lấy sách ra chép. Sau khi phát đề thi cho thí sinh, tôi lên ngay Phòng Hội Đồng hỏi ông Chủ tịch Nguyễn Hữu Tỵ, ông ta gọi điện về Nha, Nha trả lời: “Đề thi như thế nào, cứ thế cho Thí sinh làm!”
Lúc các Thí sinh làm bài, tôi chỉ nghĩ đơn giản, đề thi cho như vậy, thí sinh muốn lật sách ra xem, phải xin phép Giám thị đi lấy sách, lật sách sẽ mất thì giờ, chép không kịp, trả lời không hết sẽ ít điểm. Nhưng đến khi chấm thi tôi mới biết, không phải vậy, trong 10 câu hỏi, người ta chọn 6 câu sách in sai, Thí sinh không thuộc bài, chép y chang sách, tức là trả lời sai, câu đó không điểm! Phòng Khảo Thí Nha Kỹ Thuật đã giăng một cái bẫy lớn hại biết bao thí sinh học dốt năm đó.
Kết quả em của anh P.C. thi đậu, anh mời hết anh em đồng nghiệp mà anh đã nhờ giúp, đãi một tiệc ở quán Thanh Tuyền, trên đường Nguyễn Cư Trinh, tất cả đều là đồng môn, nhưng sau khi ra trường dạy tứ tán ở các trường kỹ thuật toàn quốc, nhờ Hè đi gác, chấm thi mới gặp nhau.
Lâu ngày gặp lại nhau, ăn thì ít mà nói chuyện thì nhiều, nói mãi không thôi, có người ngại ngồi lâu mới kêu một chai rượu chát đỏ thứ 5 lít cùng nhau uống. Rượu chát dễ uống nhưng khi say thì kéo dài, rồi chúng tôi chia tay, khuya đó tôi ra xe đò về Long Xuyên, tới bến xe Long Xuyên 12 giờ trưa, tôi mới tĩnh hẳn. Còn anh Trần Phác Lạc lái xe cùng vợ con về Tây Ninh, dọc đường tai nạn xảy ra, con trai anh chết, anh bị gãy xương sường nằm viện cả tháng.
Cũng hình như năm 1972 này, tôi tham gia Hội Đồng Giám Thị kỳ thi Tú Tài ở Trường Kỹ Thuật An Giang, năm đó rất đáng ghi vì là mùa “Hè đỏ lửa”, thí sinh thi rớt, cầm bằng như “vất bút nghiên theo việc đao cung”, cho nên thí sinh nổ lực thi, Giám thị bận rộn ngăn ngừa “bùa phép”.
Họp Hội Đồng Giám Thị xong thì được ông Hiệu Trưởng Trần Văn Nên cho biết, ông Phó Tỉnh Trưởng mời tối đi ăn ở quán ăn tôi không nhớ tên, chỉ nhớ địa điểm là trong khuôn viên nhà ông Trường Tiền Son, một viên chức thời Pháp thuộc. Tôi nghe phong thanh, ông Phó có con dự kỳ thi này.
Đến dự hôm đó có ba bàn, bàn của ông Phó Tỉnh Trưởng có anh Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch, anh Trần Văn Nên Hiệu Trưởng, và vài anh giáo sư khác, một anh Phó Chủ tịch ngồi một bàn và tôi ngồi một bàn khác để cho Hội Đồng Thi san xẻ hòa đồng.
Khi vào tiệc, anh em thấy trên bàn ông Phó Tỉnh trưởng có chai rượu ngoại, 2 bàn còn lại chỉ có bia 33, anh em đã hội ý, nên khi hầu bàn hỏi dùng thức uống chi, anh em mỗi người tùy thích, chỉ uống nước ngọt mà thôi.
Sáng sớm hôm sau, anh Chủ tịch Nguyễn Văn Hội tuyên bố trong phòng Hội Đồng Thi:
- Đây là kỳ thi rất quan trọng, để bảo đảm được kết quả tốt, việc cắt đặt Giám thị các Phòng thi do chính tôi phân công mỗi buổi thi.
Tôi hiểu và học được bài học để áp dụng sau này, đáng lẽ ra, là Thư ký tôi có phần vụ phân công các giáo sư làm Giám thị các Phòng, nhưng Chủ tịch muốn phe ta phải gác ở Phòng con ông Phó, không tiện bàn bạc với tôi, anh ta phải tự làm.
Đến ngày thi cuối cùng, họp Hội Đồng Giám Thị, ký biên bản, niêm phong bài thi và hồ sơ xong, tối hôm ấy anh em trong Hội Đồng, cùng nhau đi ăn uống ở một quán nhậu khoảng giữa đường từ thị xã đi bắc Vàm Cống. Lâu ngày tôi quên, nhưng Long Xuyên lúc ấy có vài món đặc sản nổi tiếng ở những quán này.
Đêm ấy, Trường Kỹ Thuật An Giang lấy mấy phòng ở Khách sạn gần đầu cầu Hoàng Diệu, đây là khách sạn lâu đời nhất ở Long Xuyên, nay mới sửa lại đến 3, 4 tầng lầu, mỗi tầng 6, 7 phòng, là một khách sạn sang bậc nhất ở Long Xuyên thời bấy giờ.
Mỗi lần gác thi, anh em ở khách sạn thường tụ tập nhau lại đánh bài, mua vui, một anh ở địa phương đi Chắc Cà Đao tìm hoa hồng về cắm ở phòng, ai đánh bài cứ đánh, ai thưởng hoa, ngắm nguyệt cứ tự nhiên, nghe nói anh Chủ tịch ngắt được một đóa hồng từ quán ăn đem về phòng mình, nên không thấy anh lai vãng chỗ binh “Xập xám”. Tôi thuở nhỏ có người cô dạy đủ cả các-tê, xì-dách, bài cào, tứ sắc, xập xám nhưng tôi không có máu mê cờ bạc, sau này đi Las Vegas ngủ qua đêm mấy lần, chỉ thả bộ ngoài đường xem đèn, vào xòng bài xem qua, chưa hề kéo máy, chưa đóng xu ten nào để thắp sáng ánh đèn nơi đó.
Thi xong khi về, ông Hiệu Trưởng có nhà ở Sàigòn, nên ông lấy xe Trường đưa chúng tôi về, lúc xe xuống bắc Vàm Cống, mấy trẻ bán vé số cứ mời mọc, anh Hội mua 2 vé, tôi cũng mua 2 vé, chúng tôi nhập chung thành công ty cho vui, chẳng ngờ mấy hôm sau tôi dò trúng một vé 20 ngàn và một vé an ủi 500 đồng, tôi hẹn anh Hội ra Tổng Ngân Khố lãnh tiền, rồi ra ngay góc Tổng Ngân Khố có Bia hơi, hai chúng tôi uống hết số tiền lẻ, chia đôi sô tiền trúng giải. Bị quấy rầy phải mua vé số chẳng may nó trúng, đó là số trúng lớn nhất của tôi về vé số Kiến Thiết Quốc Gia. Phải nói là bia hơi lúc đó thật ngon, vì vừa vui trúng số, vừa uống bia, ăn hột vịt lộn!
Năm 1974, Nha thiếu người, Thầy tôi trình Giám Đốc ký Sự Vụ Lệnh cử tôi làm Chủ tịch Hội Đồng Giám Thị Tú Tài 2 kỳ 2 tại Nha Trang, gặp tôi Thầy nói:
- Tao biết mầy bận dạy, mấy ông kia ai cũng đi một lần trong Hè này hết rồi, nên tao trình ông Giám Đốc, mầy chịu khó đi Nha Trang cũng như nghỉ Hè luôn nghe!
Đến nước như vậy, tôi cũng đành phải:
- Dạ!
Một ngày trước khi lên đường, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký của các Hội Đồng Giám Thị đều phải tới Nha dự phiên họp, nghe chỉ thị cần thiết trước khi nhận các phong bì niêm phong đề thi, khuôn dấu Hội Đồng Thi và giấy tờ khác. Trước đó chúng tôi nhận Phiếu Trưng Vận, đã lấy vé máy bay của Hàng Không Việt Nam. Hội Đồng Thi từ Sàigòn ra Nha Trang gồm có anh Nhân Phó Chủ tịch, anh Hảo Thư ký, là giáo sư Trường Kỹ thuật Việt Đức, anh có du học ở Cộng Hòa Liên Bang Đức. Tôi đã trẻ, Nhân cũng tuổi khoảng tuổi tôi còn Hảo thì rất trẻ.
Sáng sớm chúng tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất, trong phòng chờ ra sân bay thì lại thấy Thầy Dung dạy ở Xưởng Điện trường Bách Khoa Trung Cấp cũng ngồi trong phòng chờ đó, hỏi ra Thầy cho biết đi nghỉ Hè ở Nha Trang. Tôi không học với Thầy Dung, nhưng những năm học ở Ban Cao Đẳng Sư Phạm, Ban này nằm trong trường Bách Khoa Trung Cấp nên biết thầy, Nhân cũng như tôi, còn Hảo thì không biết Thầy. Nghe nói thầy Dung là thợ có tay nghề, giúp giáo sư dạy các sinh viên thực tập, nên các sinh viên tôn trọng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, gọi là Thầy.
Những chuyến bay C30 hay C46 tôi từng đi đường Sàigòn Banmêthuột hay Huế, đây là lần đầu tiên tôi đi Boeing 727 của HKVN, nó bay từ Sàigòn ra Nha Trang chỉ mất chừng 20 phút. Ra tới Nha Trang chúng tôi đi ngay về Trường Kỹ Thuật Nha Trang gặp ông Hiệu Trưởng Lại Kim Tỵ nhờ ông cho mượn một cái tủ để đề thi và các hồ sơ niêm phong lại, sau đó nhà Trường hướng dẫn chúng tôi đến một cái phòng ở tạm và Thư viện, nơi đặt phòng Hội Đồng Thi.
Lần này, có một sự kiện hết sức đặc biệt, Nha giao cho tôi một Công điện khẩn, cầm tay, mang ra trao cho ông Hiệu Trưởng trường, để thông báo cho 1 thí sinh của Trường phải có mặt dự thi, vì thí sinh đó không đủ điểm đậu ở kỳ thi lần 1 sau khi Nha hậu kiểm. Trường có trách nhiệm thông báo cho thí sinh, làm phiếu báo danh, bổ túc danh sách thí sinh.
Khi mọi việc đã xong, chúng tôi ra phố ăn trưa rồi trở lại Trường, kiểm tra các phòng ốc để biết chắc việc tổ chức thi đã được tiến hành tốt đẹp. Cho đến buổi chiều vào khoảng 5 giờ, giờ thầy Dung vào trường thăm chúng tôi, ông mời ba anh em chúng tôi đi ăn cơm chiều, đến nơi xa lạ có người quen mời đi ăn còn gì bằng, thế là chúng tôi ba anh em đi với thầy Dung trên chiếc xe Honda N360.
Thầy Dung đưa chúng tôi ra khách sạn, hình như tên là Hương Giang, đó là khách sạn nằm trên con đường kế và song song với đường ven bờ biển. Trong khi chọn, gọi thức ăn thì thầy Dung cho biết, để gọi thêm bạn tới dùng bửa cho vui, thức ăn vừa mới dọn ra, bửa ăn vừa mới bắt đầu thì một người khách lạ tới, thầy Dung giới thiệu:
- Đây là anh Nguyễn Hoàng Minh giáo sư Điện trường Kỹ thuật Nha Trang.
Trong khi nghe giới thiệu, bắt tay chào hỏi nhau, tôi biết rằng từ trước tới nay, tôi chưa hề quen biết Minh, trong Hội Đồng Thi kỳ này cũng không có Minh, trong khi ăn uống chuyện trò vui vẻ, không khí thân mật Minh mới cho biết, anh có người bác ở Đà Lạt có con thi kỳ này, nhờ anh em giúp đỡ.
Tôi hỏi Minh:
- Trước mặt đông đủ anh em, tôi xin hỏi Minh đây là người nhà thật hay thế nào?
- Với anh em, xin hãy tin tôi đây là người nhà, con của bác tôi, vì tôi không có trong Hội Đồng, không quen biết ai trong ba anh, nên tôi phải nhờ đến thầy Dung ra đây để giúp việc này.
Thầy Dung nói thêm vào:
- Tôi cũng không quen biết nhiều về các anh, nhưng Minh nhờ, tôi phải ra đây giúp Minh, bây giờ chúng ta quen biết nhau cả, việc của tôi đã xong, vậy mai tôi về Sàigòn nghe.
Sau khi ăn xong, thầy Dung ở lại khách sạn nghỉ, chúng tôi kéo nhau ra bãi biển thuê ghế bố nằm nghỉ. Tôi nói cho Minh biết:
- Tôi không trực tiếp giúp anh, người giúp anh là các giáo sư Giám thị, anh hãy nhờ họ.
Sáng hôm sau họp Hội Đồng Thi, trước khi kỳ thi bắt đầu mọi việc tiến hành tốt đẹp bước đầu, tôi cũng được biết em thí sinh thi rớt khóa 1 đã được thông báo trên đài Truyền hình Nha Trang. Tôi nhớ tới trường hợp anh Nguyễn Văn Hội ở Hội Đồng Thi Tú Tài Kỹ Thuật tại Long Xuyên nên nói với anh Hảo Thư ký Hội Đồng:
- Mọi việc cắt cử Giám thị chánh, phụ, hành lang để tôi đích thân làm.
Mặc dù là thi khóa 2 nhưng có nhiều thí sinh đã rớt khóa 1, nên lần này có tới 6, 7 phòng thi, cho nên khóa thi cũng rất nhộn nhịp.
Trong khi tổ chức thi, chúng tôi được Trường mời dự tiệc tiễn đưa 2 giáo sư, anh Nguyễn Ngọc Xuân và anh Chuỗi thuyên chuyển đến trường Kỹ thuật Y-Út, anh Chuỗi được đề cử làm Hiệu Trưởng, còn anh Xuân năm 1970 bị thuyên chuyển cùng lượt với nhiều anh em khác, trong một vụ cùng đứng đơn thưa Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Huệ, bị Hiệu Trưởng quật lại, anh Xuân bị thuyên chuyển đi Nha Trang, trong khi ở Banmêthuột anh có garage sửa xe, có đồn điền cà-phê ở Buôn Hô, tôi cũng được chuyển về Sàigòn cùng lượt với các anh.
Lần đó, tôi mừng anh Xuân được trở về nhà, nhưng vài tháng sau lại nghe tin anh đi xe nhà với tài xế, dọc đường đến đồn điền ở Buôn Hô, bị lực luợng Fulro sát hại, đáng tội nghiệp cho anh, bôn ba để trở về nhà, không ngờ lại bị mất mạng.
Những ngày ở Nha Trang, có khi tôi đi một mình ra phố lúc ăn ở hiệu cơm Tây, lúc ở nhà hàng Tàu, hôm ở nhà hàng Tàu gặp Đại Úy Nguyễn Văn Lâm ngành Công Binh, sau này không gặp lại, cũng không nghe anh em Công binh nhắc tới.
Một đêm vào buổi tối, sau khi ăn xong, chúng tôi ra bãi biển nằm nghỉ mát, nghe sống biển vỗ rì rào, thì anh Minh đi tìm chúng tôi, anh nói cho tôi biết:
- Nguy quá! Mấy hôm nay có vài giáo sư canh chừng thằng nhỏ dữ tợn để bắt bùa phép, quan trọng ngày mai thi toán, anh có cách chi, chỉ bảo giúp cho?
Đưa cho tôi tên 3 giáo sư mà anh có thể tin tưởng.
- Họ canh chừng dữ quá thì làm sao?
- Chỉ còn cách là Giám thị Phòng, bắt thằng nhỏ lên bàn giáo sư ngồi làm bài.
Giữa thi viết và thực hành có nghỉ, Minh lấy chiếc Honda đưa chúng tôi đi tắm biển ở Đại Lãnh, biển thật yên lặng và lài ra xa, không như ở Nha Trang bờ biển dốc quá, tiếc rằng cách Nha Trang đến 60 cây số, vì ít du khách nên cũng không có hàng quán. Tôi cho anh em biết hôm sau tôi sẽ đi Cam Ranh thăm gia đình người bạn than, Minh bảo tôi lấy xe đi, tôi từ chối vì bạn tôi sẽ từ Cam Ranh ra đón.
Sau này về Sàigòn có gặp lại Minh, sau năm 1975 vẫn còn gặp Minh ở Sàigòn vẫn vui vẻ chào hỏi nhau, nhưng chưa lần nào Minh nói cho tôi biết thằng nhỏ thi đậu hay rớt, tôi cũng không tiện hỏi. Năm kia về Sàigòn, có người đã cho tôi số phôn của Minh đang ở Vĩnh Long, tôi có gọi thăm, Minh hẹn lên Sàigòn thăm tôi, tôi không đợi có lẻ vì vậy nên không gặp lại.
Trong mấy ngày gác thi, tôi có người bạn cũng ở gần Trường, hình như anh dạy ở Đại học Duyên Hải, đã có hôm mời tôi về nhà dùng bửa cơm tối, món đặc biệt là mực ống dồn thịt chiên dòn, đặc sản Nha Trang, tôi nhớ hàng đêm ra nằm bãi biển thấy có hàng trăm ngọn đèn nhấp nhô trên mặt biển ngoài xa, đó là những người câu mực ban đêm.
Trước đó vào kỳ thi Trung Học Kỹ thuật, có người nhờ tôi giúp cho một em, con của một ông chủ nhà in, trên đường Lê Thánh Tôn gần gần hiệu dầu cù là Matsu, tôi không làm việc này nên không biết, do đó giới thiệu cho anh bạn đồng nghiệp, Lúc ở Nha Trang về gặp anh ở quán cà-phê anh nói:
- Mấy ngày ông đi gác thi, chúng tôi có bửa nhậu để mừng thằng nhỏ thi đậu Trung Học, thiếu có mỗi mình ông. Vậy! Tôi còn nợ ông một chầu, xin hẹn dịp khác nghe.
Nhưng món nợ đó anh không giờ trả được, vì không bao lâu sau miền Nam đã mất, nợ bao nhiêu người ta cũng xóa, huống hồ chi nợ một tiệc rượu uống cho vui.
Sau đó, tôi được cử làm Hiệu Trưởng Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, Sàigòn.
Ông Hiệu trưởng nói với tôi:
- Tôi cử, anh đồng ý nhận, nhất định anh sẽ làm Hiệu trưởng!
Một ông giám thị nói với tôi ở bàn cà phê:
- Chức Hiệu Trưởng trường này có nhiều người chạy chọt, ông đồng ý tôi sẽ chạy trên Bộ cho ông, trả ơn người ta một tiệc rượu tôi đài thọ.
Tôi cám ơn, từ chối sự giúp đỡ. Trong khi đó Nha Kỹ thuật đề nghị Bộ cử tôi làm Xử lý Hiệu Trưởng.
Cuối cùng tôi được Bộ ra Sự Vụ lệnh cử tôi làm Hiệu Trưởng.
Trường đã khai giảng từ trước khi tôi nhận bàn giao, niên học đó ở Trường kỹ thuật Gia Định có gửi về một số học sinh để theo học lớp 10, thuộc Đệ nhị cấp. Anh Tổng Giám thị Trần Văn Sáng, kiểm tra hồ sơ phát hiện có một học sinh nhỏ hơn tuổi qui định.
Trường hợp nhỏ tuổi hơn mà được vào học thì khi thi tuyển vào phải được Nha Kỹ Thuật chấp thuận, hàng năm trước kỳ thi nhập học Đệ ngũ, Nha có một thông báo cho các Trường, những thí sinh nào được chấp thuận miễn tuổi.
Anh Tổng Giám thị đã trình cho tôi xem những chứng từ như: - Thế vì Khai sinh, Văn bằng tiểu học, Thông báo miễn tuổi của Nha, không có tên em này. Để biết chắc hơn, tôi vào phòng Khảo thí của Nha nhờ tìm Thông báo miễn tuổi năm ấy ở Trường Kỹ Thuật Gia Định tuyển sinh vào Đệ ngũ, cũng chỉ thấy có Thông báo miễn tuổi mà Trường chúng tôi cũng có.
Từ đó, tôi suy luận ra, em học sinh đó thi vào với Khai sinh thật, Văn bằng thật, sau khi đậu rồi làm Thế vì khai sanh, làm Văn bằng giả, có sự giúp đỡ của Trường để tráo đổi hồ sơ.
Tôi gọi em học sinh đó vào văn phòng và báo cho biết như vậy, yêu cầu phụ huynh làm đơn xin nghỉ học, rút hồ sơ về. Xem trong hồ sơ cá nhân em này, tôi thấy thân phụ em làm Phó một Ty của Tỉnh Gia Định.
Sau đó, Trường hay người nhà của em ấy có nhờ một anh giáo sư Trường Kỹ Thuật Gia Định đến gặp tôi, anh này tôi có biết là giáo sư, nhưng tôi chẳng quen biết gì. Tôi cho anh ta biết rằng, tôi đã quyết định làm lơ đi, để tránh cho Trường Kỹ Thuật Gia Định đã tráo hồ sơ, tránh cho Bà Hiệu Trưởng trường Tiểu Học ở Cư Xá Sĩ Quan kia đã ký một Văn bằng giả. Cuối cùng người nhà em này rút hồ sơ.
Năm 1977, đi học tập cải tạo về, muốn tìm một chỗ làm để khỏi đi “kinh tế mới”, muốn vào Trường thăm anh em, anh Nguyễn Văn Phấn nguyên Giám Học, nay là Trưởng Phòng Học Vụ nói với tôi ráng tìm một chỗ khác làm, đừng xin dạy lại trường cũ khó thở lắm. May thay! Nhạc gia tôi là anh rễ của Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, người thiết kế Thư Viện Quốc Gia, trên miếng đất khám đường Sàigòn cũ, Kiến trúc sư Thiện giới thiệu cho tôi làm ở Sở Lao Động, nơi đây có lúc tôi dạy môn An toàn lao động, cho Trường Lao Động Tiền Lương của Sở Lao Động, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng.
Cuối năm 1979, tôi bị chuyển sang Phân Viện Thiết Kế của Sở Công Nghiệp, đến năm 1982, tôi đang làm Trưởng Phòng Thiết Kế, một hôm tôi được mời lên dự một buổi họp của Sở. Giám Đốc Sở Lê Thành Phụng cho tôi biết, Sở quyết định điều tôi về làm Hiệu Trưởng Trường Công Nghiệp của Sở, nó chính là Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ cũ, mấy ngày sau có quyết định chính thức, sau khi được sự chấp thuận của Ban Tổ Chức Chánh Quyền, Quyền Hiệu Trưởng, ông Trần Minh Chánh, Bí thư Chi Bộ Đảng Trường, tôi Hiệu Phó chuyên môn. Vương Quốc Đạt Hiệu phó chánh trị. Tôi có thể hiểu Lê Thành Phụng muốn nhưng không qua được Ban TCCQ. Dẫu sao một anh học tập cải tạo về, được giữ chức vụ đó cũng chỉ vì họ không có người chuyên môn, cả họ và tôi cũng đành phải vậy, tôi chỉ muốn yên thân có chỗ làm, để khỏi đi kinh tế mới.
Trường có sự mâu thuẩn giữa Hiệu Trưởng Quang và Hiệu Phó Được, nên cả hai bị cho về hưu.
Tôi về Trường trong thời gian ngắn thì Trường Nghiệp vụ của Sở cũng thiếu cán bộ, sáp nhập chung với Trường Công Nghiệp cải danh thành Trường Kỹ Thuật Nghiệp Vụ Thành phố, thêm chị Nguyễn Thị Sáng Hiệu phó nghiệp vụ.
Vài tháng sau, ông Phan Kim Báu nguyên Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ cũ, nay là giáo viên của Trường về hưu, nhà Trường có một tiệc tiễn ông về hưu, tôi mời ông ly rượu và nói:
- Thầy vốn là Hiệu Trưởng của tôi, kính thầy một ly, chúc thầy nhiều sức khỏe.
Ông đáp lại:
- Cám ơn, chúc ông thành công, luôn luôn giúp đỡ anh em.
Từ khi được nghe Giám Đốc Sở, có quyết định điều tôi về Trường, tôi có điều thắc mắc, Trường còn nhiều người khác chẳng hạn như ông Phan Kim Báu cựu Hiệu Trưởng, Phan Đình Du có họ hàng rất gần với ông Mai Chí Thọ và những giáo sư tốt nghiệp Sư Phạm Kỹ thuật như Trần Hưng Bá, Vũ Duy Thuận … sao lại chọn tôi, phải có người đề cử, người đó không phải là Thủ trưởng cơ quan tôi, vì anh ta không muốn tôi đi, gần 30 năm sau, có người nói đó là do ông Phan Kim Báu đề cử, tôi không rõ nhưng tin chắc là như vậy.
Lần thứ nhất, cũng một ông Hiệu Trưởng, lần này cũng một ông cựu Hiệu Trưởng, đẩy tôi vào một chức vụ, tôi không muốn cũng không lựa chọn. Thật ra nếu tôi muốn làm Hiệu Trưởng, năm 1970 khi ở Banmêthuột đổi về Sàigòn, tôi đã gặp ông Lý Kim Chân, ông Chân cho biết Nha muốn chỉ định tôi làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ thuật Kiến Hòa thay cho ông Nguyễn Văn Hoa đi du học ở Hoa kỳ, tôi từ chối. Năm 1973, ông Nguyễn Minh Hoàng Phó Giám Đốc Nha, gọi tôi lên bảo tôi làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ thuật Gia Định ở An Nhơn, thay ông Thịnh, tôi cũng đã từ chối, vì tôi muốn có thì giờ đi học thêm.
Tôi về Trường gần tới ngày thi tuyển sinh, tổ chức thi tốt nghiệp cho hệ Trung Học Kỹ thuật.
Thi tuyển sinh dễ xảy ra chuyện gian lận, nhất là thời kỳ đó các em cần một chỗ học chuyên nghiệp để tránh “Nghĩa vụ quân sự”, nào là mặt trận Tây Nam, nào là mặt trân biên giới phía Bắc. Cho nên không thể nào tránh khỏi được chuyện gian lận trong thi cử. Lần thi đó phải mượn thêm Trường nữ Trung học Lê Văn Duyệt cũ mới có đủ Phòng để tổ chức thi.
Sau khi thi có kết quả, gọi học sinh khám sức khỏe, yêu cầu nộp ảnh để dán vào phiếu khám sức khỏe, làm thẻ học sinh, bấy giờ ở Phòng học sinh vụ phát hiện một thí sinh thi và học sinh đi học không phải là một.
Các kỳ thi tuyển sinh hay lấy văn bằng, trong hồ sơ dự thi, thí sinh phải nộp 2 tấm ảnh bán thân, một tấm người ta dán vào Phiếu Báo Danh, một tấm dán hình của thí sinh vào tờ bìa theo thứ tự số ký danh, họ tên thí sinh của thí sinh trong Phòng thi, gọi nôm na là Tập Bìa Nhận Diện.
Trong phòng thi Giám thị phải nhận diện thí sinh qua Phiếu Báo Danh, hình ở Tập Bìa Nhận Diện và Thẻ Học Sinh, người ta có thể gian lận là làm Thẻ Học Sinh giả hay bóc hình ra dán hình khác vào Thẻ Học Sinh, như vậy 3 tấm ảnh trùng hợp nhau, Giám thị không phát hiện được.
Nhưng khi nhập học phải nộp ảnh thật của người đi học, cho nên so với ảnh người dự thi ở Tập Bìa Nhận Diện sẽ khác nhau, năm đó có trường hợp xảy ra như vậy, khi Phòng Học sinh vụ phát hiện giao cho tôi, tôi gọi em học sinh ấy vào Thư viện, cho em chép một bài thi, xong rồi đưa bài của người thi hộ cho em ấy thấy ngay hai nét chữ khác nhau. Tôi nói cho em ấy biết đây là trường hợp gian lận, nhà Trường không muốn làm ra chuyện, yêu cầu người nhà đến làm Đơn xin nghỉ học, rút hồ sơ.
Việc thi tốt nghiệp hệ Trung Học của các em học sinh tiến hành tốt đẹp, nhưng các em thi xong, vấn đề trở nên rắc rối, vì Trường không có chức năng dạy hệ Trung Học, không được phép của Bộ Giáo dục mà mở ra dạy 2 lớp. Bộ phận Phía Nam của Bộ Giáo Dục, đặt tại Viện Đại Học cũ ở hồ Con Rùa, không chịu thừa nhận, tôi phải chạy lên Sở lên Bộ, xuống xề ca bài ca “con cá nó sống nhờ nước”. Cuối cùng họ chấp thuận danh sách 49 em tốt nghiệp, họ giao cho tôi 49 Văn Bằng, yêu cầu viết sai cái nào, mang lại “một đổi một”.
Sau một năm rưỡi làm việc ở Trường, tôi nhận thấy về giáo dục, người ta đòi hỏi ở một giáo viên, dạy học sinh yếu kém phải đạt trung bình, em trung bình phải đạt giỏi, em giỏi phải giỏi hơn, thầy cô giáo phải đứng lớp, phải dạy theo giáo trình, phải có giáo án … nhưng đồng lương “khiêm tốn”, dạy cho đạt yêu cầu, thầy giáo chỉ có nước đi nằm nghĩa địa, vì bệnh viện luôn luôn có thần dược “xuyên tâm liên” trị bá bệnh.
Nhân cơ quan cũ được nâng cấp thành Công ty, Công ty đề nghị Sở điều tôi về để đáp ứng nhu cầu phát triển. Tôi rất yêu nghề nhưng không cam lòng nhìn thấy học sinh không chăm chỉ, thầy cô giáo không thể uống nước lã, cơm độn “cao lương”, tôi đành trở lại Công ty.
Năm 1984, tại Công ty tôi được Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức mời, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp. Sau đó, Trường mời tôi dạy một số giờ môn Vẽ Kỹ Thuật, mỗi tuần một ngày tôi theo xe lên Trường ở Thủ Đức dạy, chiều theo xe của Trường đưa về. Tôi có giảng dạy một lớp giáo viên tu nghiệp hay học để thăng tiến, họ rất lễ phép, có khi vào lớp trễ phải đứng ngoài cửa, chờ tôi cho phép họ mới vào lớp.
Do tôi có công tác, đem máy ép dừa của nhà máy Trương Văn Bền ở Chợ Lớn xuống lắp cho Xí Nghiệp ép dừa 1 tháng 5 ở Bến Tre, phải đi đi, về về mất thì giờ, tôi phải bỏ dạy, có thể Trường nghỉ rằng tôi đã vượt biên nên bỏ dạy, đó là chuyện bình thường của giáo viên, cũng như những công nhân viên khác thời bấy giờ.
Sang Mỹ định cư, Catholic Charity bảo trợ cho người tị nạn, biết tôi đã dạy học ở Việt Nam, họ tìm cho một công việc làm ở trường Trung học, giúp các em học sinh Việt Nam ở trong lớp học của Thầy, Cô giáo Mỹ, lúc thì ở lớp Nhạc, lúc ở lớp Toán, lúc ở lớp Sử, Địa tùy nhu cầu. Một thời gian lại chuyển tới trường Tiểu học, nơi đây có phòng riêng, hai ba người dạy kèm một số học sinh Việt Nam, một số dạy cho các em biết đọc, viết chữ Việt, dạy làm Toán, dạy làm bài vở của Trường. Làm việc ở Trường lương giờ tuy cao hơn các nơi khác, nhưng so ra, họ tính mỗi ngày chỉ có 6 giờ rưỡi, mỗi năm chỉ có khoảng 180 ngày lương, cho nên tôi đi tìm việc làm khác. Từ hè năm 1992, tôi không còn vướng vào nghiệp nhà giáo nữa, mặc dù tôi rất yêu nghề, bởi vì dạy học được sống gần với tuổi trẻ hồn nhiên.
Tôi khởi nghiệp nhà giáo vào năm 1962, mở một lớp luyện thi đệ thất miễn phí tại chùa Vạn Thọ, Tân Định với các Trưởng GĐPT là chị Hồng Loan, Nguyễn Thị Ngân. Năm sau, tôi dạy lớp Tiếp Liên của Trường Quốc Việt, do cô Tôn nữ Thanh Lan làm Hiệu Trưởng, trường nằm ở dốc cầu Hậu Giang, gần chợ Cây Gõ, dạy được vài tháng, Sinh viên, học sinh biểu tình, các trường bị đóng cửa lên, đóng cửa xuống tôi nghỉ dạy. Sang Mỹ, tôi cũng nghỉ dạy từ một trường tiểu học, chấm dứt nghiệp nhà giáo của mình.
Có một điều lạ, Trường Kỹ thuật Banmêthuột, cũng như Trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, tôi phải đến và đi hai lần, chức vụ Hiệu trưởng gần như tôi phải làm đến hai lần, như là nợ chưa xong phải tiếp tục phải tiếp tục trả.
Tôi cũng có hợp tác với vài giáo sư mở lớp Hè. dạy Toán, Lý Hóa, Kỹ Nghệ Họa. Cũng có dạy ở các lớp luyện thi ở Trường Kiến Thiết, Tân Thịnh, Nhân Chủ, nhiều lúc phải dạy kèm cho các em vào cả ngày Chủ nhật.
Trước 1975, Trường Nguyễn Trường Tộ có một lớp học có một số nữ sinh, sau này Trường Kỹ thuật Nghiệp vụ cũng có nữ sinh, tôi không dạy lớp các em, nên nhiều năm tôi quên bẳng đi, sau này gặp lại ngỡ ngàng vì các em dành cho tôi tình cảm đặc biệt, chân thành và kính trọng.
Cuối đời nhìn lại sự nghiệp nhà giáo của mình, vài quyển sách được in bán, vài cô cậu đã nên danh, cho thấy kết quả chưa có gì để hảnh diện với đời về sự nghiệp nhà giáo của mình. Đôi khi nghe tin một em nghèo khó, lòng thấy bâng khuâng, nghe tin một em lìa đời, thêm một nỗi cô đơn. Điều ước mong lớn nhất của tôi là thấy các em thành đạt, gia đình được hạnh phúc yên vui.
Ngày 2 tháng 8 năm 2011
Bài viết rất hay, cảm phục trí nhớ tốt của thầy. Đọc bài này em mới hiểu thêm về cuộc đời làm thầy giáo của thầy qua các thời kỳ khác nhau.
ReplyDeleteNgô Đình Duy (16 Dec 2014)