Pages

Tuesday, June 22, 2010

Thế Sự

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

*

Hồi đó ở trên rừng Cà-Tum, để quên năm, tháng gian khổ, tôi có nhờ người nhà khi thăm nuôi mang theo quyển Kim Túy Tình Từ của Nguyễn Du, đây là một bản Kim Vân Kiều in trong Nam vào đầu thiên niên kỷ 20. Mấy ngày Tết, anh em mượn quyển sách ấy để bói Kiều, tôi còn nhớ trường hợp của nhà thơ Huỳnh Hữu Ủy và của tôi khá đúng.

Một người bạn khác, bác Phạm Ngọc Quỳnh nhờ người nhà mang lên một quyển sách Hán Văn, để “văn ôn võ luyện”, trong trại chỉ có bác và tôi có thân tình với nhau, vì cùng Đội từ Trãng Lớn, chuyển lên rừng cũng ở chung B (Trung đội), nên tôi cũng thường mượn quyển Hán Văn của bác để đọc.

Một hôm đọc đến bài Thạch Hào Lại của Đỗ Phủ:

石 壕 吏

杜 甫

暮 頭 石 壕 村

Mộ đầu Thạch Hào thôn

有 吏 夜 捉 人
Hữu lại dạ tróc nhân

老 翁 踰 牆 走

Lão ông du tường tẩu

老 婦 出 門 迎

Lão phụ xuất môn nghinh

吏 呼 一 何 怒

Lại hô nhất hà nộ

婦 啼 一 何 苦

Phụ đề nhất hà khổ

聽 婦 前 致 辭

Thính phụ tiền trí từ

三 男 鄴 城 戍

Tam nam Nghiệp Thành thú

一 男 附 書 至

Nhất nam phụ thư chí

二 男 新 戰 死

Nhị nam tân chiến tử

存 者 且 偷 生

Tồn giả thả thâu sinh

死 者 長 已 矣

T gi trường dĩ hỷ

室 中 更 無 人

Thất trung cánh vô nhân

惟 有 乳 下 孫

Duy hữu nhũ hạ tôn

孫 有 母 未 去

Tôn hữu mẫu vị khứ

出 入 無 完 裙

Xuất nhập vô hoàn quần

老 嫗 力 雖 衰

Lão ẩu lực tuy suy

請 從 吏 夜 歸

Thỉnh tòng lại dạ quy

急 應 河 陽 役

Cấp ứng Hà Dương dịch

猶 得 備 晨 炊

Do đắc bị thần xuy

夜 久 語 聲

Dạ cửu ngữ thanh tuyệt

如 聞 泣 幽 咽

Như văn khấp u yết

天 明 登 前 途

Thiên minh đăng tiền đồ

獨 與 老 翁 別

Độc dữ lão ông biệt

Trần Trọng Kim đã dịch:

Người Lính Xóm Thạch Hào

Chiều hôm nghỉ xóm Thạch Hào,
Ban đêm có lính xôn xao bắt người.
Treo tường, ông lão trốn rồi,
Vội vàng, bà lão đón mời ngoài hiên.
Lính la dữ dội huyên thiên,
Mụ già kể lễ nổi phiền biết bao!
Lắng nghe mụ nói tình đầu:
“Ba con đi lính ở đâu Nghiệp Thành.
Được thư một đứa tỏ tình,
Chiến trường hai đứa giao chinh bỏ mình.
Kẻ còn là tạm thâu sinh,
Kể chi kẻ khuất đã đành biệt hơi.
Trong nhà nào có một ai,
Có thằng cháu nhỏ chưa rời vú ra.
Quẩn con mẹ nó chưa xa,
Áo quần rách rưới vào ra có gì.
Già này dù sức đã suy,
Cũng xin theo lính cùng về đêm nay.
Hà dương phục dịch gấp ngay,
Việc quan thổi nấu hằng ngày cũng xuôi »
Canh khuya tiếng nói im rồi,
Còn nghe nức nở, tiếng người khóc thương.
Sáng ra khách phải lên đường,
Chỉ cùng ông lão vội vàng chia tay.

Trong trại, nghe những nguời thăm nuôi kể lại: Từ ngày Cộng sản chiếm miền Nam, bắt thanh niên đi lính, gọi là đi nghĩa vụ, chiến trường Tây Nam chống trả bọn Pôn Pốt, nhiều lính miền Nam bỏ ngũ. Do đo, nhiều thanh niên bị gọi đi nghĩa vụ liền tìm cách trốn, cũng như thanh niên trốn quân dịch ngày trước, nhưng cha mẹ của thanh niên nào trốn nghĩa vụ, bị nhà cầm quyền mời đến xã họp, rồi để cho họ ngồi ngoài sân phơi nắng, có chỗ không cho tiếp tế cơm nước, một hình phạt mà con làm, bắt cha mẹ chịu. Tin ấy, với bài Thạch Hào Lại của Đỗ Phủ kia, làm cho tôi xúc cảm nên dịch bài thơ trên.

Dịch xong, tôi ghi vào trong quyển sổ tay là quyển sổ mà tôi dung để ghi công tác hàng ngày, vì giấy khan hiếm, sổ tay ấy cũng chỉ là giấy tập học trò xé ra từng tờ, xếp đôi lại cho nhỏ, rồi lấy kim chỉ may ở gáy, thành sổ tay, trước tiên viết bằng bút chì, sau đó lại viết bút mực hay bút bi chồng lên.

Ngày ra trại, ai cũng vậy, có chi cho được đều cho lại bạn bè như một cái dao đi rừng, một lon Guigoz, một ít đường, bánh … những thứ khác, riêng tư sẽ được mang về, cho nên tôi tin rằng mình đã mang quyển sổ tay về, nhưng từ năm ra trại 1977 đến nay, tôi nhớ chưa từng đọc lại bài thơ mình dịch, đôi lúc tôi cũng tìm kiếm quyển sổ tay nhưng lại không gặp.

Một đêm, tôi tìm bài thơ Tiết Phụ Ngâm của Trương Tịch, tôi nhớ có trong tập Đường Thi của Trần Trọng Kim, tôi tìm khắp năm kệ sách vẫn không thấy, lại thấy một chồng sách cũ, lần lượt lấy ra xem, trong đó có một tập sách mỏng tựa Kỷ niệm Phương danh Pétrus Trương Vĩnh Ký Đại văn sĩ Nam kỳ (1837-1898), quyển Nho Phong của Nguyễn Tường Tam in lần thứ nhất năm 1926, quyển Chinh Phụ Ngâm của Cao Đình Nam in năm 1929, quyển Giấc Mộng Con của Tản Đà in năm 1932, quyển Thú Chơi Sách của Vương Hồng Sễn in năm 1960, quyển Ngồi Tù Khám Lớn của Phan Văn Hùm in năm 1957, quyển Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam in năm 1962 và dưới cùng, mấy cuốn sách Luân Lý Giáo Khoa Thư của Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận lóp Đồng Ấu MORAL (Cours enfantin) in lần thứ năm 1929, Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng LECTURE (Cours Élémentaire), sách đã quá cũ rách mất vài trang, lẫn lộn trong mấy cuốn Giáo Khoa Thư đó, là cuốn sổ tay trong “Trại học tập cải tạo Cà Tum” của tôi.

Cầm trong tay, tôi rất mừng chẳng khác nào gặp lại cố nhân, vì “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, nhưng cũng không khỏi bùi ngùi nhớ lại những ngày khổ cực đắng cay của cuộc đời, sổ tay lâu ngày giấy hoen ố, mực phai, tôi lật từng trang chỗ viết chì, chỗ mực xanh, chỗ mực đỏ, có trang đọc được, cũng có trang không thể đọc, nhưng tôi mừng quá vì tìm thấy bản dịch bài thơ của Đỗ Phủ, đọc rõ nhờ viết bút bi xanh.

Chiều hôm khách trú Thạch Hào
Đến đêm bọn lính ồn ào bắt dân
Vượt tường, ông lão thoát thân
Để bà ra ngỏ một thân đón chào
Một hai chúng nạt ồn ào
Một điều bà lão kêu gào khổ thân
Trước nghe bà kể dần dần
“Ba trai đi lính giữ chân Nghiệp Thành
Một trai thư gửi chẳng lành
Hai trai mới bị chiến tranh lìa đời
Đứa còn thừa sống chơi vơi
Cả hai đứa mất chuyện đời cũng phai
Trong nhà lại chẳng có ai
Duy còn cháu nhỏ hàng ngày dưỡng nuôi
Mẹ cháu dứt sữa nào xuôi
Ra vào quần áo được tươi tốt gì
Già này tuy sức đã suy
Xin cùng mấy chú đêm đi theo về
Hà Lương cấp dịch trọn bề
Vì còn buổi sáng được bề nấu ăn
Đêm trường im bặt nói năng,
Như nghe ấm ức khóc than kiếp người
Rạng ngày khăn gói về xuôi,
Chỉ cùng ông lão ngậm ngùi chia tay
.

Huỳnh Ái Tông
Cà Tum, 28-5-1977

Thời nào cũng vậy, chiến tranh gây ra biết bao đau thương, kẻ chết, người tật nguyền, vợ góa, con côi, mẹ cha sống những ngày còn lại trong nỗi niềm thương nhớ không nguôi. Muốn tránh được chiến tranh, nhân loại cần tránh tranh danh, đoạt lợi. Nhưng biết đến bao giờ mới đạt được điều này !

Louisville, ngày 22-2-2008

Tuesday, June 15, 2010

Ăn giỗ

Anh em từ Việt Nam gửi hình sang, anh em từ nước ngoài về họp mặt nho nhỏ như Nguyễn Công Mạnh, Lê Tuấn Anh tôi để ý không thấy có Lê Văn Đông tức Quyền, tôi nhớ có học chung với Đông, nhưng nay khó nhớ học chung năm nào. Vào học năm 1956, Đệ Thất E, Lục E, Ngũ D, Tứ A, Tam A, Nhị A, Nhị 5, Nhứt 3, có lẽ Đông và tôi học chung từ Đệ Lục hay Đệ Ngũ.

Nhắn với Điển, Đông đi lại khó khăn, nhân nhà có giỗ mời tôi sang chơi, cho nên tôi quyết phải đi gặp bạn. Trước tiên Điển hẹn Thứ Tư sẽ đến chở tôi đi, nhưng hôm gặp ở Quán Lá, Điển lại vẽ bản đồ chỉ đường cho tôi đi, tôi hiểu rằng mình phải tự lo liệu, nên hôm ấy trên đường về tôi mua tấm bản đồ, cả thành phố Sàigòn ngày nay, gồm cả Sàigòn, Gia Định, Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức, Thủ Thiêm, Nhà Bè họ in chung trong một bản đồ cở khổ giấy A2, những đường lớn như Trần Hưng Đạo, Phan Thanh Giản, Hồng Thập Tự, Bạch Đằng (GĐ), Trần Quốc Toản còn đọc được chữ, những đường khác, chữ nhỏ li ti, không kính tôi đành chịu. Dò bản đồ, so bản vẽ của Điển, tôi thấy đường đi cũng dễ tìm.

Theo hướng dẫn của Điển, Xuống cầu Tân Thuận, gặp ngã tư quẹo trái, gặp ngã tư quẹo phải, chạy một khoảng chừng 300 thước sẽ có Trường Tiểu Học bên tay trái, chạy them một khoảng ngắn nữa sẽ gặpTrường Mầm Non, qua khỏi đó vài căn nhà có con hẻm nhỏ, vào đó hỏi Sáu Đông ai cũng biết. Xem bản đồ, tôi biết nhà của Đông ở trên đường Huỳnh Tấn Phát.

Sáng Thứ Tư, con gái tôi đưa nhà tôi và tôi đi khám mắt ở Bệnh Viện Cao Thắng chuyên khoa Mắt, nằm trên đường Trần Bình Trọng, khoảng giữa Trần Hưng ạo và Nguyễn Trải, sau khi khám, làm kính xong, lấy xe ra vô ý tôi bị mất đà, chân chống xuống nên không đạp thắng, xe ngã tôi nắm tay chịu lại vô tình rồ ga, xe phóng vào một chiếc xe đậu ở bãi, tôi buông tay cho xe ngã, tay chân tôi bị xây xát nhẹ, phải chạy về nhà dung thuốc ngoại khoa xoa bóp máu bầm, xong mới đi qua nhà Đông khởi hành lúc hơn 10 giờ.

Từ Lữ Gia (Khu Đại Học Bách Khoa Phú Thọ), tôi theo đường Nguyễn Tri Phương chạy qua Phú Mỹ Hưng, từ Phú Mỹ Hưng theo lộ xa lộ Nguyễn Văn Linh chạy về phía cầu Tân Thuận, đi đường này rộng, ít xe cộ, có đôi chỗ còn chưa xây cất, hầu hết hai bên đường đều xây cất cao ốc hoặc nhà ngang dãi dọc, tôi phải dừng xe hai lần để hỏi thăm đường Huỳnh Tấn Phát, vì chạy quá xa và có một đoạn đường bị đóng.

Cuối cùng y như lời chỉ dẫn rõ ràng của Điển, tôi vào hẻm hỏi mấy người ngồi trên băng đá, họ cho biết là đúng nhà của Đông và Đông đang ở trong nhà. Tôi đi vào, Đông thấy khách, bước ra đón, tích tắc vài giây, tôi nhận ra Đông, anh ốm hơn xưa nhiều nhưng khuôn mặt, đôi mắt, chân mày làm cho tôi nhận ra anh. Còn Điển, Thới vẫn chưa thấy tới. Đông mời tôi vào phòng khách, ngồi vào bộ ghế xa-lông gỗ quí chạm xa cừ, chứng tỏ chủ nhân ngôi nhà khá giả.

Đông và người nhà mời tôi mấy lần ngồi vào bàn ăn, nhưng tôi xin chờ các bạn tới, một chốc tôi gọi Điển, Điển cho biết có Thới, Lợi, Phát và anh bạn Nguyễn Văn Hiếu từ Canada về cùng đi, và Điển đang tới Cầu Ông Lãnh.


Nguyễn Văn Ngọc (Bách Khoa Khóa 2), Lê Văn Đông, Đinh Bá Phát, Tông

Chừng 10 phút sau Điển với cô bạn tới, Đông mời chúng tôi vào bàn, ngồi vào bàn ăn uống một tuần rượu mới thấy các bạn đến, vài người phải nhường chỗ để bốn ông khách mới tới ngồi cùng bàn, trong bàn này đa số anh em kỹ thuật và đa số làm Xi-măng Hà Tiên, ngoài Heineken ra, em rễ của Đông mời chúng tôi uống hết một chai Hennessy nửa lít.

Thức ăn rất đầy đủ, tôi được dọn một mâm chay nào là gỏi ngó sen, khổ qua hầm dồn tàu hủ, khổ qua kho với tàu hủ, Phát lại thích ăn chay với tôi chớ anh không ăn món mặn, còn phía mặn thì thịt quay, gỏi ngó sen, gà hấp, gà nấu tiêu, lẫu đồ biễn với một đĩa rau nào kèo nèo, bông súng, bông xua đủa, bông kim châm.

Phát, Tông, Thới, Đông, Điển

Sau đó Tám Giả, em rễ Sáu Đông mời chúng tôi đi qua bên kia đường, uống cà phê, đây là quán mới cất chừng 5 năm với cột, kèo trính bằng gỗ sơn vẹc-ni, cột to kính chừng 5 tấc, quán có gác và tầng trệt, chúng tôi lên gác. Tôi ngồi gần anh Nguyễn Văn Hồng, anh học trên một lớp, có quán cà-phê Tam Nguyên rộng 1200 thước vuông tại chợ Thủ Đức, anh mời khi nào có dịp ghé chơi.

Khi ra về, Đông gửi cho mỗi anh một gói quà bánh như phong tục xưa, ở nhà quê sau khi dự đám giỗ về, nhà chủ thường biếu bánh trái, về nhà mở ra xem trong đó có một bánh xôi gất, vài cái bánh ít, một trái bôm, một trái cam, một trái xoài.

Bạn già với nhau, không phải chỉ có ở quán cà-phê mà còn có bên nhau khi giỗ chạp, hỏi cưới. Phong tục chúng ta cần gìn giữ để bảo tồn văn hóa nước nhà, tình bạn chúng ta cần nuôi dưỡng, vun trồng để tuổi già được an vui, trường thọ.

Ngày 3-11-2009

Sunday, June 13, 2010

Bảy mươi năm nhìn lại cuộc đời



Còn vài hôm nữa đến Tết Canh Dần, Tết mọi người Việt Nam đều được tăng thêm một tuổi, tôi sẽ được 70, không phải như nhà thơ Đỗ Phủ (712-770) nói: Thất thập cổ lai hy (七十古來希: xưa nay 70 tuổi rất hiếm có), mà phải nói theo đức Khổng Tử (551-479 TCN): Thất thập nhi tòng tâm dục, bất du củ (七十而從心欲,不踰矩 : Bảy mươi tuổi làm theo tâm, không ra ngoài lề lối), hơn nữa trong năm nay cũng vừa mới về hưu, cho nên ắt hẳn là lúc thích hợp để nhìn lại cuộc đời của mình, giống như ta đi qua một đoạn đường, nhìn lại để thấy những chông gai và phong cảnh đẹp.

Tôi sinh ra ở Cù lao Năng Gù, làng Bình Thủy, nơi không có danh lam thắng cảnh, không có chứng tích lịch sử nào, khốn nổi mấy anh lơ xe ít học, dốt địa lý nên mới nhầm lẫn đặt tên cho bến Bắc Năng Gù, là bến Bắc chạy từ làng Bình Mỹ trên đường Long Xuyên Châu Đốc, băng qua sông Hậu để xe chạy đến Thánh địa Hòa Hảo, nó không dính líu chi hết đến Cù lao Năng gù. Do vậy mà tên Năng Gù đó được nhiều người biết đến.

Ngày xưa, cù lao ấy nào là tre gai, đế sậy có cọp sinh sống ở đó, một ông họ Dưong, người Việt đầu tiên đặt chân lên đó khẩn hoang lập nghiệp, rồi nhiều người khác đến sinh sống, họ nhớ ơn ông họ Dưong ấy, kiêng tên chỉ gọi là ông Tiền Hiền, ông Tiền Hiền có bài vị thờ trong đình làng. Bà cố tôi họ Dương, cháu chắt ông Tiền Hiền, trong phần đất của bà, có ngôi mộ của ông này. Ông cố tôi là con nuôi của quan phủ hồi hưu Nguyễn Bá Thanh, nhờ vậy mới cưới được con gái nhà họ Dương này.

Đó là bên ngoại của ông thân tôi; còn bên nội, ông nội ông thân tôi, tôi gọi là ông cố, ông vốn là người Hoa, tên ông là Tạ Quới, không hiểu vì sao ông cải họ Huỳnh, quê ở Mỹ Hội Đông, bên kia sông Hậu, sang cù lao Năng Gù lập nghiệp, ông có ba người con trai, ông nội tôi con trưởng nam làm làng chức Hương Quản, ông thứ ba đi lập nghiệp ở Hòa Tú Sóc Trăng cũng làm làng, ông thứ tư lập nghiệp ở Nhà Bàn. Cha tôi cũng làm Hương Quản, Hương sư rồi cách mạng mùa thu, năm đó tôi lên 5 tuổi. Một cuộc đổi đời lớn mà còn lớn hơn năm 1975.

Làng tôi, dòng dỏi tôi những cái đó người đời thường cho là do số mệnh hay định mệnh mà Phật giáo thì cho là Nghiệp, nó là như vậy tôi không có chọn lựa. Nếu có phải do những tác nhân sau này, thì nghiệp ấy dành cho tưong lai mà thôi. Cho nên giáo lý đạo Phật dạy tu để chuyển nghiệp.

Hồi trưóc thời Pháp thuộc, trưòng học rất ít, trường làng chỉ dạy tới lớp ba, học hết trường làng, muốn học lên phải đến trường tỉnh, tuy nhiên có làng có trường học nhưng nhiều làng cũng không có trường. Người Pháp muốn đào tạo một số người Việt có học nên bắt các làng phải cho trẻ con đi học, nhiều làng không có người đi học, người ta phải mướn trẻ con nhà nghèo đi học, thay vì con nhà nghèo phải đi ở đợ, nhờ vậy một ít người con nhà nghèo được đi học, sau làm Thầy Thông, Ký Lục, gia đình trở nên giàu, có quyền, có thế. Do đó, khuyến khích được một số người đi học.

Đệ Nhị Thế Chiến đã xảy ra từ năm 1939, Ý Đức tung hoành ở Âu Châu, Nhật Bản ở Đông Nam Á. Năm Ất Dậu 1945, tại Việt Nam, Nhật đảo chánh Tây, Việt Minh cướp chánh quyền trên tay chánh phủ Trần Trọng Kim. Trong Nam có phong trào Thanh Niên Tiền Phong, các Thầy giáo bỏ trường, bỏ lớp gia nhập Thanh Niên Tiền Phong, thôn quê bất an, trường học đóng cửa, tôi bị thất học từ đó.

Đến năm 1950, dù làng tôi có Trường, nhưng chánh phủ vẫn chưa bổ Thầy giáo về dạy, tôi học tư và năm đó đậu được bằng Sơ Đẳng Tiểu Học, Văn Bằng do ông Trần Bá Chức Giám Đốc Sở Học Chánh Nam Việt ký, như vậy nó có giá trị cỡ nào? Nhưng chỉ dùng nó để vào học lớp Nhì Trường Tỉnh mà thôi!


Vì Đệ Nhị Thế Chiến, nên Việt Nam không thể xuất khẩu gạo, từ năm 1945 đến 1950 ruộng đất, vườn tược bị bỏ hoang hóa, kinh tế sa sút, gia đình tôi cũng ảnh hưởng, tôi không được xuống Trường tỉnh Long xuyên học.

Năm 1954, cha mẹ tôi lần lượt qua đời, anh tôi mới gửi tôi ở nhà chú đi học, chú tôi là Thầy giáo dạy ở Trường Nữ Châu Đốc. Năm đó, trường ở các làng vẫn chưa có nhiều, bạn học đồng lớp với tôi kẻ ở Bình Di, Bắc Nam, Cồn Tiên, Châu Giang, Núi Sam, Mỹ Đức phải đến Trường tỉnh Châu Đốc để học.

Năm đầu tiên đi học lại, tôi học Nhì F với Thầy Lê Quang Điện, lớp Nhất tôi học Nhất E với Thầy Châu Văn Tính, Thầy dạy gỉỏi, sau làm Hiệu Trưởng rồi Thanh Tra Hàng Tỉnh Châu Đốc.

Năm tôi học lớp Nhất niên khóa 1955-1956, cuối năm đứng hạng nhất, thi vào Trung Học Thủ Khoa Nghĩa làm trật hết hai bài toán, vậy mà vẫn đậu hạng 51/300 học sinh trúng tuyển.

Năm đó, tôi lại cũng thi tuyển vào Lycée Technique Cao Thắng về sau đổi thành Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng với 3 ngàn sĩ tử, tôi chỉ làm trúng một bài toán, tưởng là rớt nào ngờ đậu hạng 132/250 học sinh trúng tuyển.

Năm học 1961-1962, tôi đứng hạng nhì trên 36 học sinh lớp Đệ Nhị A Cao Thắng, là lớp toàn học sinh giỏi trong 5 lớp Đệ Nhị năm học đó, vậy mà tôi thi rớt luôn 4 kỳ thi tú tài một năm đó, gồm hai lần thi tù tài phổ thông và 2 lần thi tú tài kỹ thuật (trước 1975, nền giáo dục miền Nam đến lớp Đệ Nhị phải thi lấy bằng Tú Tài 1 và sau đó lên Đệ Nhất thi Tú Tài 2, còn gọi là Tú Tài toàn phần, hai bằng Tú Tài này trong một năm tổ chức 2 kỳ, kỳ 1 rớt, được thi lại kỳ hai, khoảng 1960 khi đi thậu đậu các bài viết rồi còn phải vào thi hạch miệng, là giám khảo hỏi trực tiếp thí sinh).

Vì tôi thi rớt, nên phải ở lại học thêm một năm, năm sau thi đậu hạng Bình Thứ, xưa đi thi Văn Bằng đều có xếp hạng: Ưu (18-20 điểm, Bình (16- dưới 18 điểm), Bình Thứ (14- dưới 16 điểm) và Thứ (10- dưới 14 đìểm).

Năm học 1963-1964, tôi đổ Tú tài toàn phần, đi thi vào Trường Kỷ Sư Công Nghệ Phú Thọ, những môn khó khăn như Toán, Lý Hóa, Sinh ngữ tôi đều dự đủ, đến hai môn chót khởi đầu là Kỹ Nghệ Họa một buổi chiều và sáng hôm sau Xưởng, hai môn này đối với học sinh kỷ thuật, là hai môn dễ ăn nhứt, vậy mà tôi bỏ thi vì khi đi thi xe Velo Solex của tôi không nổ máy, thợ sửa không được, trễ giờ thi, tôi đành bỏ cuộc!

Sau đó tôi dự thi vào Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, đến năm 1972 nâng lên thành Phân Khoa Giáo Dục Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức. Trưòng lấy 10 thí sinh, tôi đậu thứ 12 nên xin vào học Dự thính, tháng sau kể cả tôi chỉ có 6 anh theo học, vì số kia đậu vào Trường Kỷ Sư Công Nghệ nên bỏ ngành Sư Phạm. Tôi trở nên sinh viên chính thức.

Năm này anh tôi ở Pháp, định cho tôi du học Pháp, sau anh sợ không đủ lo cho tôi, yêu cầu tôi ở Việt Nam học, mỗi tháng anh cho một ngàn, có người nghe anh tôi không đủ sức cho tôi du học, người ta đồng ý bảo trợ cho tôi du học, tôi nghĩ “thọ ơn người thì dễ, trả ơn mới khó”, đọc tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh thấy nhiều anh học sinh, được nhà giàu nuôi cho du học ở Pháp, sau về trả ơn bằng cách cưới con gái của họ, tôi suy nghĩ ba hôm sau trả lời cám ơn lòng tốt của họ và quyết định ở Việt Nam học với một ngàn của anh tôi cho và một ngàn tiền học bổng.

Do thích cho nên tôi ghi danh học thêm ở Phân Khoa Khoa Học và Nhân Văn của Đại Học Vạn Hạnh vừa mơi mở trong năm 1964.

Học cả hai nơi, tôi không chuyên tâm để học vì nghỉ Sư Phạm học hết năm tháng rồi cũng ra Trường, còn ở Vạn Hạnh học cho biết nên đâu cần phải học gạo, tôi lại sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, tham gia sinh hoạt thành lập Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, Theo Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT ra Huế, Quảng Trị họp, tham dự Đại Hội Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia tại Huế …Nhờ có hoạt động trong Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh như vậy tôi được sinh hoạt chung với Nhất Chi Mai, với Đại Đức Chơn Thiện, sau này lên Hòa Thượng giữ chức Viện Trưởng, Viện Phật Học Huế, Chị Cao Ngọc Phượng, giáo sư Đại Học Khoa Học sau này là Sư Cô Chân Không.

Vì hoạt động như vậy, cho nên khi ra Trường Sư Phạm Kỹ Thuật có 4 người, ngưòi thứ nhất chọn Trường Kỹ Thuật An Giang, vì có vị hôn thê làm ở Bệnh viện Long Xuyên, người thú hai chọn Trưòng Kỹ Thuật Vĩnh Long, tôi thứ ba đành chọn xứ Cao nguyên Ban Mê Thuột, dành cho anh thứ tư Trường Kỹ Thuật Đà Nẳng, còn lại 2 anh được giữ lại học 4 năm. Chúng tôi ra Trường ngạch Giao sư Chuyên Nghiệp Đệ Nhất Cấp, chỉ số lương Tập sự 380.

Ngày 19-6-1967, tôi lập gia đình với nhà tôi hiện nay, Bùi Kim Chi, cựu học sinh Gia Long, nhân viên Tòa Đô Chánh Sàigòn, năm 1968 chúng tôi có con gái đầu lòng, năm 1969 con gái kế, năm 1971, con trai và năm 1973 con gái út.

Khóa 25, 26 tôi đều bị gọi đi trình diện ở Trung Tâm 3 Tuyển Mộ và Nhập Ngủ ở Quang Trung, hai lần đó đều tạm hoãn cho về, lần nào vào cũng gặp Trịnh Công Sơn buổi trưa trải chiếu ngồi dưới hàng cây bả đậu hát nhạc phản chiến, đến khóa 27 cũng tưởng như vậy, nào ngờ đến chiều bị gọi tập trung lên GMC chở thẳng lên Quân Trường Thủ Đức, xuống xe tại bãi của quân trường được phát ngay đầy đủ Quân trang , quân dụng trở thành quân nhân thực thụ kể từ ngày 12-1-1968.

Tám tháng sau ra Trường với cấp bậc Chuẩn Úy, ngày 10-8-1968, xe của quân Trường Quân cụ chở thẳng về Trường Quân Cu ở Gò Vấp, để học một khóa Cơ bản Sĩ Quan Quân Cụ, Ám số chuyên nghiệp 552, sau đó lại học tiếp khóa chuyên ngành Sĩ Quan Quân Xa, Ám số chuyên nghiệp 572.

Giữa tháng 4-1969 ra Trường, tới phiên tôi chọn đơn vị, tôi không biết một Đại Đội Quân Cụ đóng ngay ở Ngã Năm Chuồng Chó, tôi lại chọn vùng IV, rồi được phân bổ về Đại Đội 21 Quân Cụ, đóng tại Sóc Trăng, đúng lúc đó đang cải tổ ngành Tiếp Vận, nên các đơn vị Truyền Tin, Tiếp Vận, Quân Nhu, Quân Cụ xáp nhập lại thành Tiểu Đoàn Tiếp Vận, thuộc Sư Đoàn 21. Nơi đây tôi gặp người bạn học, anh ta có tài đàn, hội họa, nhưng thích uống rượu và tập cho tôi biết uống rượu từ đó.

Sau trận Mậu Thân, tình hình chiến sự vùng IV vẫn chưa yên, tôi được bổ nhiệm Trung đội Trưởng, Trung đội sửa chữa đóng ngay tại thị xã Cà Mau, để yểm trợ Trung Đoàn 32 Bộ Binh của Trung Tá Chung Văn Bông, nghe có người nói ông ta với tôi cùng quê, tôi có được đưa tới trình diện ra mắt ông, và sau đó ngưòi tiền nhiệm có xin cho tôi huy chương tập thể Anh Dũng Bội Tinh của Trung Đoàn. Đây là huy chưong duy nhất, tôi có giấy chứng nhận, nhưng tôi chưa hề mua để mang huy chương này lần nào.

Thời gian ở đây không có việc chi làm, tôi tập lái xe, đem xe ra phi trường Cà Mau tập lái là dễ dàng nhất, phi trường nhỏ và tạm, đường bay lót bằng ghi sắt, thường dùng là trực thăng. Một hôm có một chiếc Cesna, một đại tá Mỹ sắp thuyên chuyển về Mỹ, mướn chiếc ấy bay đến Cà Mau để thăm lại chốn cũ, Chiếc Cesna đáp xuống sân banh, gần dinh Tỉnh trưởng, lúc về không khởi động được, họ phải chạy tới tôi nhờ chiếc Jeep lùn để câu bình 24 volts khởi động phi cơ.

Đơn vị này là cấp số Trung đội, nhưng chỉ có tôi, một Thượng sĩ và 6 anh lính thợ. Tháng sau cấp số Trung đội bổ sung thêm vài anh lính thợ vói xe Wrecker (Xe cẩu) và một xe Jeep, bạn tôi được bổ xuống thay thế cho tôi, tôi được trở về làm Trung đội Truởng Hậu cứ, có xe jeep với tài xế, nhưng tôi chỉ đi ăn cơm và uống bia ngoài đơn vị, nên anh em hạ sĩ quan xin cho tôi một bằng lái quân đội.

Đầu tháng 9 năm 1969, tôi được Sự Vụ Lệnh biệt phái về dạy học lại của Bộ Tổng Tham Mưu, bạn tôi từ Cà Mau lại trở về thay thế tôi. Ông Đại Úy Đại Đội Trưởng Nguyễn Ngọc Sang cũng là cựu học sinh Cao Thắng, nói với tôi: "- Anh ở chơi với anh em vài hôm rồi tôi sẽ ký cho anh nghỉ phép 10 ngày ở Sàigòn với vợ con trước khi trình diện Đơn Vị 3 Quản Trị". Lệnh tôi phải chấp hành, nhưng sợ nhất những ngày cuối cùng đó nhiều người đã bỏ mạng! Những ngày đó bạn tôi Hồ Ngọc Thu và tôi sáng say, chiều xỉn, gần 10 ngày sau tôi mới được làm thủ tục thuyên chuyển về TT Quản Trị 3. Tính ra tôi mặc áo nhà binh 1 năm 9 tháng, ở quân trường 1 năm 4 tháng, ra đơn vị vỏn vẹn chỉ có 5 tháng. Một năm 9 tháng đó, sau này tôi phải đi tù Cộng sản 2 năm 2 tháng 20 ngày.

Vào đầu tháng 10 năm 1969, tôi trở lại Trường Kỹ Thuật Y Út Ban Mê Thuột tỉnh Darlac. lần này tôi được bổ nhiệm làm Phụ Tá Học Vụ và Học Sinh Vụ, Trưòng Kỹ Thật Đệ Nhất cấp chức vụ này tương đưong với Giám Học kiêm Tổng Giám Thị, tôi cũng được đề cử Phát Ngân viên của Trường, chức vụ này có phụ cấp hình như là 0,04% cho tổng số tiền phát lương.

Niên học 1970-1971, tôi xin chuyển về Sàigòn, được phân bổ về Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, tôi vừa đi dạy, vùa đi học lại ở Đại Học Vạn Hạnh đến năm 1973, tôi lấy bằng Cử Nhân Văn Học Việt Nam, năm 1974 tôi lấy được Chứng chỉ I Cao Học Việt Nam hạng Bình Thứ, sau đó tình hình bất an tôi chưa được tiếp tục học thêm.

Khoảng năm 1970, tôi bắt đầu viết sách để dạy học, dịch từ sách Pháp Dessin Technique et Construction mécanique 2è et 3è Partie, La capitelle, UZÈS, 1964 của Norbert. Bắt đầu là quyển Kỹ Nghệ Họa lớp 9 do nhà sách Chiêu Dương của nhà văn Nhất Giang xuất bản, sau đó tôi soạn quyển Bài Tập Kỹ Nghệ Họa Lớp 9 do nhà sách Khai Trí xuất bản, tiếp theo tôi soạn quyển Kỷ Nghệ Họa lớp 10 bán bản quyền cho nhà sách Khai Trí (chưa in).

Trong thời gian này, tôi khởi sự khảo cứu viết về Văn Học Miền Nam, quyển sách viết về lịch sử cuộc Nam tiến cuối cùng, các văn nhân và tác phẩm của họ, sự hình thành chữ quốc ngữ …

Ngày 10-02-1970, đủ thâm niên, tôi được thăng cấp bậc Thiếu Úy, theo Nghị định số 160/TTM/NĐ ngày 02-3-1970. Ngày 10-2-1972, đủ thâm niên đương nhiên tôi được thăng cấp bậc Trung Úy, nhưng từ khi biệt phái năm 1969, tôi chưa hề mặc lại quân phục, chưa hề sắm lon Thiếu Úy cũng như Trung Úy.

Niên học 1974-1975, tôi được đề cử làm Hiệu Trưởng Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ.

Ngày 30-4-1975, Miền Nam thay chủ đổi ngôi, đến 25-6-1975 tôi bị đi Học Tập Cải Tạo tại Trảng Lớn, năm sau chuyển lên rừng Cà Tum, trong địa phận tỉnh Tây Ninh. Tại đây tôi bị chỉ định làm B trưởng, cho đến 16-9-1977 tôi được tạm tha, có giấy ra trại cho về Phú Hòa An Giang.

Giũa tháng 10 năm 1977, tôi được tuyển vào làm nhân viên tại phòng Thanh tra An Toàn Lao Động thuộc Sở Lao Động, tính ra từ Trại Cải tạo về mới có 28 ngày, tôi đã có việc làm được tuyển vào Kỷ sư Cơ khí bậc 1, lương 63 đồng tháng, phụ cấp mỗi đứa con 5 đồng.

Khoảng cuối năm 1978, tôi bị chuyển về Phân Viện Thiết Kế, thuộc Sỏ Công Nghiệp.

Năm 1981, tôi được đề cử giữ chức Trưởng Phòng Công Nghệ, Phân Viện Thiết Kế, năm này tôi được Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức mời giúp huớng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp, sau đó được mời làm giảng viên, mỗi tuần dạy 6 giờ, tôi dạy được 3 tháng, do công tác lắp đặt máy ép dừa ở Bến Tre, tôi không tiếp tục nữa.

Năm 1982, tôi được Giám Đốc Sở Công Nghiệp đề cử giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Kỹ Thuật Nghiệp Vụ Thành phố, thời đó tôi là một anh chàng ngụy quân nguỵ quyền, làm sao làm Thủ trưởng cơ quan cho được, cho nên Ban Tổ chức chánh quyền thành phố Hồ Chí Minh đồng ý để tôi làm Hiệu phó, đặt anh Bí thư Chi bộ Trường làm Quyền Hiệu Trưởng, đến năm 1984 tôi xin chuyển về cơ quan cũ, giữ chức vụ Trưởng Phòng Kinh Tế Kế Hoạch, khi cơ quan này nâng lên thành Công Ty. Tôi làm việc tại đây cho đến ngày được đi định cư ở Mỹ năm 1991.

Trước tiên tôi xin đi Pháp, cuối năm 1984 chuyển cảnh sang Mỹ, đi diện ODP (Đoàn tụ gia đình), chờ lâu năm 1990 tôi khiếu nại là tôi có bị Cải tạo tập trung 2 năm 2 tháng 20 ngày, cộng thêm 2 năm bị quản chế, vị chi hơn 4 năm, nên cuối cùng phái đoàn Mỹ cho đi diện HO.

Đến Mỹ việc làm trước tiên của tôi là Bilingual Associate cho một trưòng Trung Học rồi Trường Tiểu Học, lương năm đó là $7.20/giò, dạy học thì ngày chỉ có 6 giờ 30 phút, năm chỉ chừng 180 ngày, cho nên $7.20 X 6.5 X 180 =8,424.00/năm=$162.00/tuần (chưa trừ thuế)

Lúc mới qua, thu nhập thấp, tôi xin được tiền trợ cấp, đi học ở Trường Đại Học Cộng Đồng JCC được mấy mùa, học lại những môn như Toán, Lượng Giác không khó chi với người Việt Nam đã có Tú Tài. Tuy nhiên vừa đi làm toàn phần lại đi học nên cũng vất vả, tôi nghĩ có lấy bằng tuổi cũng cao, tìm việc khó thêm, thế là tôi bỏ học thêm.

Tôi tham gia các sinh hoạt Cộng Đồng, thành lập Hội Phật Giáo, Hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị, viết bài cho báo của Cộng Đồng, xuất bản một bán Nguyệt san Phật giáo, do bản tánh của người Việt, thấy kẻ khác hơn mình thì ganh ghét, tôi tự rời bỏ Hội Phật Giáo, còn Hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị, sau khi tôi từ chức Tổng Thư Ký, họ khai trừ tôi với lý do “viết bài có lợi cho Cộng sản”. Tôi cùng 8 anh chị em thành viên Gia Đình Phật Tử Miền Vĩnh Nghiêm thành lập Ái Hữu Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại vào cuối năm 1991, thành viên đa phần ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, mục đích ban đầu giúp anh chị em GĐPT Vĩnh Nghiêm mới định cư, tạo tương thân tương ái, hổ trợ cho sinh hoạt ở quốc nội. Tôi có lập cho AHVN một Trang nhà từ năm 1998. Năm 2004, tôi soạn và anh Tuệ Linh tìm nguồn tài trợ, chúng tôi xuất bản Tập Kỷ yếu Gia Đình Phật Tử Miền Vĩnh Nghiêm.

Dạy học chỉ một năm, tôi bỏ việc, đi làm cho hảng Dobb là hảng làm thức ăn cho hành khách đi phi cơ, thời gian này tôi mua nhà. Sau đó kinh tế Mỹ xuống dốc, làm không có giờ phụ trội, tôi bỏ đi là cho hảng Nhựt, chuyên sản xuất Censor dùng cho xe hơi, tủ lạnh …, chỗ làm xa nhà, tôi lại bỏ việc, đi làm cho hảng sản xuất sữa Dean Food, được mấy tháng vì không chịu nổi lạnh, tôi lại bỏ đi làm hảng sản xuất bánh tráng Mesa Food, thức ăn Mễ, làm gần một năm, có người giới thiệu đi làm cho Fabricated Metals, là công ty chuyên làm sản phẩm cung cấp cho các hảng xe lửa, tôi đầu quân cho hảng này từ 1-8-1994.

Năm 1995, nguyệt san Phật Học vừa in phát không cho độc giả nhiều Tiểu Bang Mỹ, Canada, Úc, Pháp … vừa đưa lên Trang nhà, dùng Phần mềm Publisher, nên in và trên Mạng nội dung và hình thức giống y nhau.

Tại công ty Fabricated Metals, tôi được tuyển làm công nhân, sau lên văn phòng để vẽ AutoCAD, có khi ít việc lại xuống xưởng làm, tôi làm ở công ty này cho đến về hưu 15-5-2009, gần được 15 năm, là nơi tôi làm việc lâu nhất trong đời.

Năm nay, về Sàigòn tôi nhờ một người bạn dàn trang quyển Văn Học Miền Nam dày 600 trang, đây là tác phẩm đầu tay của tôi, tập họp các bài viết từ năm 1972 cho đến 2009 mới hoàn tất, tôi có đưa lên Mạng sách này, nhiều Trang Web đã chọn ra đăng tải một số bài, tôi đang nhờ nhà văn Nhất Giang giới thiệu dùm một nhà xuất bản quen biết để xuất bản.

Đến nay, ba con lớn đều có gia đình, đời sống ổn định, con gái út chưa có gia đình công ăn việc làm cũng ổn, chúng tôi hiện sống với đứa con này.

Nguyệt san Phật học không còn in nữa, nhưng hàng tháng vẫn còn trên Mạng http://nsphathoc.org, Trang nhà Ái Hữu Vĩnh Nghiêm vẫn được cập nhật hàng tuần http://ahvinhnghiem.org, thêm vào đó tôi còn chủ trưong Trang nhà cho Trường Nguyễn Trường Tộ cũ http://trunghockythuatnguyentruongto.org và Trang nhà của cựu học sinh Cao Thắng niên khóa 1956-1957 http://sites.google.com/site/truongkythuatcaothang/home .

Nhìn lại quảng đời đã qua, tôi thấy tôi không có may mắn trong việc học hành và thi cử. không có khiếu về thể thao, văn nghệ, không có tài ăn nói. Đi làm thì luôn luôn bị người ta đặt để vào các chức vụ, lần đầu tôi làm Hiệu Trưởng do ông Phạm Văn Tài đề cử và được chính ông Tổng Trưởng Giáo Dục ký Sự Vụ Lệnh theo đề nghị của ông Tài, trong khi Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học Vụ chỉ đề cử tôi Xử Lý Thường Vụ Hiệu Trưởng. Lần thứ hai, tôi vẫn thắc mắc ai đã đề cử tôi, một nguỵ quân, ngụy quyền lúc đó, Ban Giám Đốc Sở chưa hề biết tôi là ai, cho đến cuối năm nay 2009 sau hơn một phần tư thế kỷ, tôi mới khẳng định được, người đề cử tôi chính là ông Phan Kim Báu, nay đã mất, nguyên Hiệu Trưởng Trường trước ông Phạm Văn Tài.

Điều ước muốn của tôi, nhỏ đi học, lớn đi làm góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, giai đoạn về hưu có thì giờ tu tâm dưỡng tánh chớ không phải hưởng thụ, những gì đã qua tôi nghĩ mình đã làm xong, nhưng chưa thể biết được sở nguyện tôi có thành đạt trong những ngày sắp tới không ? Và ước mong được như lời Khổng tử nói: “Thất thập nhi tòng tâm dục, bất du củ” vậy.

Ngày 25 Tết Canh Dần