Pages

Wednesday, June 9, 2010

Bụi đường

Năm nay, tôi có dự định du lịch ở Paris, để biết thủ đô của ánh sáng, thăm anh và đứa cháu gái tôi chưa từng gặp, nhưng thân sinh của nhà tôi đã 89 tuổi, lại có bệnh tai biến mạch máu não vài năm trước, nên nhà tôi muốn về thăm, để mai kia cụ có trăm tuổi lòng khỏi hối tiếc vì đã không làm tròn chữ hiếu.

Do vậy, những ngày ở Việt Nam mỗi buổi sáng, nhà tôi ra chợ Bến thành mua thức ăn điểm tâm, thức ăn trong ngày cho gia đình với bốn người thân, tôi chờ đợi ở cửa Tây có dịp quan sát sinh hoạt của những người chạy xe ôm, họ cũng tổ chức thành đội ngũ sắp xếp đón khách, những người già nua, tật nguyền những em học sinh bán vé số để kiếm sống.

Chợ Bến thành, vốn là ngôi chợ do nhà triệu phú Hui Bon Hoa, người ta thường gọi là Chú Hỏa, khởi nghiệp từ nghề mua bán ve chai, ăn cần ở kiệm rồi trở nên giàu có phú hộ, nhưng có người cho rằng ông mua được một vật chi đó đáng giá mà người bán không biết giá trị, mua một rồi bán ra hàng nghìn nên ông mới giàu to. Khi đã giàu rồi ông mới mua đất cất chợ Bến thành, cất nhà thương Sàigòn, cất nhũng dãi phố quanh chợ, xây dinh cơ của gia đình ông phía bến xe bus. Chợ, nhà thương ông hiến cho chính quyền, chánh quyền bỏ chợ cũ dùng chợ mới, phố xá quanh chợ của ông trở nên đắc địa, ông chỉ cho thuê dưới danh nghĩa công ty Hui Bon Hoa. Chợ được xây cất với nhiều mái, có bốn cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc, cửa chính ở hướng Nam là một kiến trúc lầu vuông, bốn mặt có bốn đồng hồ to, nó trở thành biểu tượng cho thành phố Sàigòn, sau Lăng ông Bà Chiểu là biểu tượng của Miền Nam. Những chiếc đồng hồ chợ Bến thành, trường Pétrus Ký, Gia Long, Cao Thắng … thời đó đều không có tên hiệu, vào thập niên 60 đồng hồ chợ Bến Thành được thay thế hiệu Rolex, rồi Longine, nay là hiệu GIMICO.

Có hôm tôi quay lại ngôi trường cũ của mình, trường đã xây dựng lại gần hết, những nhà ngang dãi dọc mái ngói xưa kia, nay trở thành kiến trúc nhiều tầng, bề thế, may thay, người ta vẫn còn giữ lại dãi lầu có cầu thang hình chữ V và chiếc đồng hồ to, tầng dưới là xưởng, trên lầu có lớp học Kỹ Nghệ Họa do thầy Trần Văn Đặng dạy những lớp Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ dù thay hình đổi dạng như thế nào, chỉ nhìn thấy chiếc đồng hồ kia là học sinh Cao Thắng đều nhận ra trường cũ của mình đã qua một thế kỷ đào tạo những con người như Nguyễn Ái Quốc, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Chơn, Chung Tấn Cang, Nguyễn Hùng Trương…

Từ kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa chuyển qua Kinh Tế Thị Trường, những nhà đại phù thủy cộng sản đã Um Ba La Bùm biết bao nhiêu công ốc, dinh thự nhà nước trở thành tài sản của tư nhân, chẳng hạn như tòa hòa giải Sàigòn trở thành một cao ốc nhiều tầng có tên SUN WAH TOWER, mặt sau dinh Gia Long ở đường Lê Thánh Tôn là những cửa hàng, Nha Động Viên của Bộ Quốc Phòng trở thành cửa hàng trong đó có nhà may Sĩ Hoàng, và còn nhiều chỗ khác nữa.

Một hôm, bà thông gia mời chúng tôi đi tham quan thành phố, chúng tôi đã đi Bình Dương ghé thăm cửa hàng sứ gốm Minh Long, là một cửa hàng bán sản phẩm độc quyền sang Pháp, nên chủ nhân Minh Long có nhiều ngoại tệ, xây dựng một cửa hàng đồ sộ nhiều tầng, để trưng bày và bán những sản phẩm của mình, nào là những bộ chén ăn, những bộ đồ trà, độc bình, trang trí nội thất và những đồ chơi cho trẻ con, gồm những bộ Mickey, Tazan, Bạch Tuyết với bảy chú lùn, mỗi hình chừng bằng ngón tay út hay ngón tay cái, bỏ vào trong những cái hộc vuông, có nắp mica đậy lại, có hàng trăm hộp như thế, đủ màu, thoạt trông tưởng chừng như những họp kẹo bày bán trong cửa hàng bánh kẹo, rất hấp dẫn và dành riêng cho trẻ con.

Chúng tôi đã tham quan khu Thảo Điền, là khu nằm dưới chân cầu Sàigòn, nhà cửa là những biệt thự lầu khang trang, chen lẫn với những bãi cỏ, ao rau muống, làng Báo Chí xưa nằm lọt thỏm vào trong lòng khu Thảo Điền, rời khu Thảo Điền, chúng tôi sang Phú Mỹ Hưng, lần này chúng tôi không vào nhà ai hết, nhưng chạy qua nhiều con đường, qua khu Phú gia, Mỹ Tú … , bệnh viện Pháp Việt FV, bệnh viện tim Tâm Đức, có những khu nhà hoàn chỉnh như khu Phú gia, những khu khác đôi chỗ còn đất trống, do chủ nhân chưa xây cất, có những khu đang thi công những cao ốc chung cư và còn có những khu chỉ mới dự kiến như đang làm cầu để nối liền với Phú Xuân Nhà Bè. Nhà cất đẹp nhưng phần vườn cây cảnh cỏ xanh quá nhỏ trở nên chật chội, che chắn tầm nhìn của khoảng trời rộng bao la, tuy nhiên khu vực khá yên tĩnh, trốn tránh được cái ồn ào náo nhiệt, chụp giựt, bất an của thành phố Sàigòn.

Mấy năm qua, tôi muốn có một tấm ảnh của anh Lê Cao Phan, nhờ Trần Đình Hùng dò tìm dùm, lần này Hùng đã giúp tôi tìm được nơi anh Phan trú ngụ. Lâu rồi đọc báo thấy tin anh sống ở Long Hải, vẫn cứ tưởng anh đã an nhàn sống vùng ven biển, hưởng gió mát trăng trong, nghe điệp khúc sóng vỗ đêm ngày, nhưng không ngờ anh sống ở gần cầu Băng Ky số cũ 286B đường Nơ Trang Long Bình Thạnh Gia Định.

Hùng và tôi đến thăm, anh vui vẻ đón tiếp, anh nói về những công trình dịch thuật anh đã, đang và sẽ làm. Truyện Kiều anh đã dịch và chú giải ra Anh, Pháp văn in tại Việt Nam, được cơ quan UNESSCO tài trợ một phần tài chánh, anh đã dịch và xuất bản quyển Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trải, anh đã dịch truyện Kiều ra ngôn ngữ quốc tế Esperento, anh cũng đã dịch Kiều ra Hán văn, đang hoàn chỉnh bản dịch và viết chữ Hán.

Về âm nhạc, trong những bản nhạc thiếu nhi do anh sáng tác từ trước, anh chọn ra 20 bài, đã dịch ra lời Pháp và Anh, đang chuẩn bị nhờ nhạc sĩ Giác An thu âm vào CD để phổ biến ra hải ngoại.

Anh nhắc tới Bs Trương Thìn, Giám đốc Bệnh viện Y học Dân tộc đề xướng, Hội Đồng hương Huế đã tổ chức đêm triển lãm Tranh, trình diễn nhạc của Lê Cao Phan năm 2006, bởi vì chỉ có anh còn lại, còn những nhạc sĩ gốc người Quảng Trị khác một thời với anh như Nguyễn Hữu Ba, Hoàng Thi Thơ, Duy Khánh, Nguyễn Hữu Thiết …đều đã hòa vào tiếng nhạc thiên thu.

Anh biết một điều tôi chưa từng biết, đó là anh còn chơi được đàn Nguyệt người Nam gọi là đàn Kìm, rồi anh lấy đàn lau bụi, vặn trục lên dây, anh đàn cho Hùng và tôi nghe những bản Văn Thiên Tường, Lưu Thủy, Hành Vân … âm thanh trầm bổng, lúc khoan lúc nhặt, ngón đàn của anh khá điêu luyện. Bổng dưng tôi nhớ tới bài “Thăng Lòng cầm giả ca” của Nguyễn Du.

Anh đã kể chuyện về HT Mãn Giác, Thiện Minh, Trí Quang nhất là thầy Trí Quang cùng tuổi với anh, năm nay đã 84, hai người xưa kia rất thân, nhưng do chuyện anh Văn Đình Hy và chị Tống Tịnh Nhơn mà anh đã xa Thầy.

Thăm anh đã lâu, chúng tôi phải ra về, anh ưu ái đưa ra tận ngoài đường không quản ngại những hạt mưa to. Anh còn hứa sẽ tìm và chắc có để cho tôi một một quyển Kiều anh đã dịch, nhưng đến ngày tôi đi vẫn chưa nghe anh gọi điện thoại tới lấy sách.

Anh Phan thật là một người tài hoa, càng gần càng thấy rõ nét tài hoa ấy phát tiết ra thi, nhạc, họa và anh là người thật là dễ mến.

Chuyến về này, tôi có cầm theo một đĩa CD sách luận giải về Trung Luận của GS Nguyễn Văn Hai để trao cho thầy Tuệ Sỹ, nhà tôi và tôi đến thăm Thầy để trao CD ấy. Khi đến phòng Thầy, nhìn xuyên qua bình phong, tôi thấy có một người đàn bà tóc bạc trắng, ngồi dưới nền gạch còn thầy nằm trên võng, có một thị giả từ phòng Thầy đi ra, tôi nhờ trình lại với Thầy có Phúc Trung xin gặp. Thầy và chị kia ngưng chuyện để Thầy tiếp tôi.

Khi chị ấy bước ra, tôi nhận ngay là chị Xuân Hòa, tôi chào chị, chị ngỡ ngàng hỏi:

- Xin lỗi anh là ai ?

Tôi phải xưng danh tánh Huỳnh Ai Tông của mình, chị nhận ra tôi và còn thêm gốc gác Vĩnh Nghiêm của tôi. Chị thông cảm bước ra để nhà tôi và tôi vào thăm Thầy. Khi tôi bước vào phòng, thầy Tuệ Sỹ cười và nói:

- Anh mà xưng danh là Phúc Trung, làm cho tôi không nhớ là ai !

Trước đây, tôi có nghe quý Thầy ở Louisville nói rằng thầy Tuệ Sỹ có biết tôi, tôi tin rằng Thầy biết tôi qua Pháp danh Phúc Trung, nên tôi đã xưng danh Phúc Trung để gặp Thầy, không ngờ Thầy nhớ tên cúng cơm của tôi.

Tôi trao cho Thầy cái CD của GS Nguyễn Văn Hai viết về Trung Luận, tập 3 với vài nhắn gửi là tập sách còn thiếu: Lời mở đầu, tổng kết và sách tham khảo. Rồi tới giờ cúng Quá đường trong mùa An cư, chúng tôi chào Thầy ra về.

Ra đến sân chùa, không ngờ chị Xuân Hòa còn chờ gặp tôi, thế là chúng tôi tiếp tục thăm hỏi nhau, ở quán nước bên góc sân chùa. Chị Xuân Hòa cho biết một Trại Huyền Trang dành cho các Huynh Trưởng miền Tây, quy tụ trên 30 trại sinh, gặp nhiều khó khăn nhưng có thầy Phó Trụ Trì chùa Giác Nguyên bảo đảm, nên Công An không thể làm khó dễ hơn. Chị cho biết Trưởng Tâm Đăng Nguyễn Văn Pháp đang ở Thị Nghè, nhưng tôi không có dịp đi ngang, ghé thăm anh. Năm, bảy năm trước anh và tôi thường trao đổi Email qua lại.

Mấy hôm trước khi trở về Mỹ, tôi phải quay trở lại để chào thầy Tuệ Sỹ, hỏi thăm Thầy có chi cần nhắn gửi cho GS Nguyễn Văn Hai không.

Tôi đến vào buổi trưa, chùa vắng vẻ vì quý Thầy chỉ tịnh trong mùa an cư, tôi phải chờ thăm Thầy, dịp này tôi có dịp quan sát cây Vô Ưu trồng trong sân chùa, đang mùa trổ hoa, mỗi cành một vài hoa nở, một chiếc rơi rụng ở giữa sân, nhặt lên tôi đem đến chỗ đậu xe, chụp một tấm ảnh.

Quá 2 giờ một chút, tôi lên phòng Thầy, bước vào phòng, đã thấy Thầy ngồi trệt trên nền gạch, uống nước sinh tố, cạnh Thầy là chiếc bàn thấp, trên để nghiên mực, thấy cảnh rất Việt Nam, nên tôi xin phép Thầy chụp một tấm ảnh, Thầy dọn dẹp một chút, rồi để thêm giá bút, cho đúng cảnh một Thiền sư ngồi cạnh “văn phòng tứ bửu”.

Chụp ảnh xong Thầy hỏi tôi:

- Tôi đã tặng anh sách chưa ?

- Dạ chưa!

Tôi nhanh chóng trả lời, bởi vì từ trước tới nay Thầy chưa hề tặng cho tôi quyển sách nào, Thầy đứng lên đi nhanh vào trong lấy sách trao cho tôi, một quyển sách bìa cứng có tựa “Huyền thoại Duy-Ma-Cật”, tôi trao đổi với Thầy thêm vài vấn đề về việc in sách của GS Nguyễn Văn Hai, tôi muốn biết để ấn tống một số cho độc giả Nguyệt san Phật Học, và sau này có thể in quyển “Văn Học Miền Nam” của tôi. Hết chuyện, tôi chào từ giả Thầy.

Rời khỏi Già Lam Quảng Hương trời nắng gắt, oi bức của nhiệt đới, tôi chạy xe lần về ghé thăm bác Tôn Thất Liệu, bác nay đã già, ngoài GĐPT Vĩnh Nghiêm ra, bác còn là Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc, trong câu chuyện thăm hỏi, bác nhắc lại những hoạt động năm xưa với những anh chị: Võ Đình Cường, Hoàng Thị Kim Cúc, Hoàng Thị Thảo, Lương Hoàng Chuẩn, Lữ Hồ, Nguyễn Châu, Trần Ngọc Giao, Cao Chánh Hựu, Lê Cao Phan, Lê Vinh, Đoàn Lộc, Nguyễn Khắc Từ, Nguyễn Văn Thục, Nguyễn Hữu Huỳnh, Lan Hinh, Hỷ Khương, Minh Châu … bác đã gợi nhớ đến nhiều chuyện xưa. Trước khi ra về, bác lấy sách Nguyễn Phúc Tộc giản yếu tặng cho tôi, cũng không quên tặng thêm Bản Tin Lam 1/11/2006.

Bác Liệu cũng như Hùng đu cho tôi biết cô Oanh và Tịnh Phúc đều ra Đà Nẳng để chuẩn bị Trại Ngành Thiếu sẽ tổ chức trong dịp Hè này, tôi còn nhớ năm ngoái anh Quýnh đã nói với tôi năm nay sẽ tổ chức Trại Ngành Thiếu tại Đà Nẳng, dự án này đã được Tỉnh Giáo Hội Đà Nẳng hứa sẽ giúp đỡ, năm nay ước mơ Bốn Mươi Năm Trước của anh Quýnh trở thành hiện thực. Bác Liệu tâm sự với tôi: “GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm để cho nó tự đi vào quên lãng, chớ tôi không tuyên bố ngưng sinh hoạt”. Lúc nghe Bác nói, tôi không quan tâm lắm, nhưng nay tôi cảm thấy GĐPT Vĩnh Nghiêm đang lăn vào vết xe năm 1967!

Tôi có đi Quan Âm Tu Viện Biên Hòa thăm sư bà Hồng Hoa, Hòa Thượng Giác Quang, một ngày khác nhà tôi, tôi cùng Hùng Nguy đi chùa Linh Sơn Cổ Tự ở núi Dinh Bà Rịa, Sáng sớm ra đi, trời đổ cơn mưa lớn, ra đến nút trời tạnh hẳn, buổi trưa nhà tôi có cúng cửu huyền, có mời một số Tăng, Ni đến thọ Trai nhưng không có cúng trai Tăng. Trên đường về, xe chúng tôi ghé thăm các chùa Bửu Hoa Ni Viện, Long Phước Thọ …, riêng tại chùa Lòng Phước Thọ có cảnh Phật chuyển Phật Chuyển Pháp Luân rất trang nhã.

Ngày Vía Quán Thế Âm, nhà tôi mua hoa quả đi cúng chùa, tôi muốn nhơn dịp đó, trở lại chùa Phước Hòa, đã trên bốn mươi năm, tôi đi rồi không trở lại. Chánh điện vẫn huy hoàng với những tượng Phật do cụ Đặng Như Lan khắc năm xưa, tôi có nghe nói cô Tịnh Anh chị của Đào Đức Khiết, con bác Phán Lai tu ở đó, đã lâu lắm rồi, tôi không gặp cô, muốn nhơn tiện đến chùa lễ Phật, tiện thể thăm cô, nhưng đến nơi hỏi một ni cô trẻ, có lẽ là tri khách, cô ấy trả lời là không biết.

Chùa Phước Hòa, nơi đây một thời gian ngắn tôi là Liên Đòn Phó Xử Lý Thường Vụ Liên Đoàn Trưởng Gia Đình Phật Tử Minh Tâm, những Huynh Trưởng gồm có chị Tuệ Tâm Liên Đoàn Phó, chị Trần Thị Kim Dung (thân mẫu của Sĩ Hoàng), Kha Tâm, Trần Thị Thanh Minh, các Nam Huynh Trưởng có Bá Bằng, Huỳnh Minh Tâm, Lộc, Kiến Tánh, Thanh Mai, nhiều Đoàn sinh tôi còn nhớ như Nga, Nguy, Y, Như …, tôi có nhiều kỷ niệm, và nhất là nơi này đã thành lập nên Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm năm 1964.

Tôi có về Long Xuyên, Châu Đốc mấy ngày, dịp này tôi có chụp ảnh trong khuôn Lăng Thoại Ngọc Hầu, Bồ Đề Đạo Tràng, Đình thờ Chưởng quân Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại chợ Châu Đốc, về nhà tôi chụp ảnh Đình thần Bình Thủy, phủ thờ họ Dương và nhà thờ họ đạo Năng Gù.

Trong khuôn viên Lăng Thoại Ngọc Hầu có mộ của ông của bà và mưòi bốn ngôi mộ của một gánh hát bội. Có lần tôi theo chú tôi và những vị ở Hội Phật Học Vĩnh Lòng, viếng cảnh núi Sam, ghé lễ Phật chùa Tây An Cổ Tự, viếng miễu Bà Chúa Sứ và thăm lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, trong khuôn viên, ngoài mộ của Hai ông bà, còn có 12 ngôi mộ người lớn và 2 ngôi mộ trẻ con, những vị ấy trao đổi với nhau, cho biết đó là mộ của gánh Hát Bội, gồm có đào kép và hai đứa con nhỏ của họ, hoặc họ tự nguyện hoặc họ bị đầu độc chết theo Thoại Ngọc Hầu.

Còn Bồ Đề Đạo Tràng, nguyên do ông Chánh Hội Trưởng Thông Thiên Học Quốc Tế, trụ sở tại Ấn độ, tặng một cây Bồ Đề lấy giống từ cây Bồ Đề nơi đức Phật thành đạo cho ông Phạm Ngọc Đa, nguyên Hội Trưởng Sáng lập Hội Thông Thiên Học Việt Nam, do Bà Hội Trưởng Nguyễn Thị Hai mang về. Năm 1952, Ông Phạm Ngọc Đa tặng lại cho thành phố Châu Đốc, ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Lý, lấy một phần đất ngay trung tâm thành phố để trồng cây Bồ Đề, và tổ chức lễ rước cây Bồ Đề từ tư gia ông Phạm Ngọc Đa, diễu quanh thành phố cho dân chúng chiêm ngưỡng trước khi hạ thổ. Nhưng đêm trước lễ, cây Bồ Đề đã bị chặt tận gốc, dự theo tích cũ, người ta tưới sữa tươi, giữ đứng cây Bồ Đề, tiến hành lễ rước và hạ thổ như đã định, sau này cây Bồ Đề lên bốn tược, cho đến nay thành bốn gốc lớn, có người cho đó là biểu hiện của Tứ Diệu Đế. Và ở đó có Hội Bồ Đề Đạo Tràng tụng kinh, niệm Phật và chăm sóc khuôn viên Cây Bồ Đề.

Năm nay 2007, cây Bồ Đề này có dấu hiệu chết, người ta phải thuê những nhà chuyên môn về thực vật xem xét để cứu sống cây này. Sau khi quan sát, họ kết luận do xung quanh tráng xi măng, cây không đủ chất dinh dưỡng, người ta phải đập nền xi măng, cưa hết một gốc cây, nhờ đó, khi tôi đến cây Bồ Đề cành lá trơ trọi, nhưng có vẻ đang hồi sinh.

Sau năm 1975, có người đã báo công, tự nhận mình đã chặt cây Bồ Đề để được nhà cầm quyền tưởng thưởng. Nhưng trong một dịp tôi sáng Virginia, cùng đi với Hồ Văn Phú, đến thăm người quen của tôi, gặp anh Trường con ông giáo Mãng ở Châu Đốc, anh Trường cho biết, con của một ông Đốc Học ở Châu Đốc nói với anh Trường là chính anh ta chặt cây Bồ Đề ấy, lý do vì ông Phạm Ngọc Đa là Hiệu Trưởng Trường Nữ, ông thân anh ta cũng là Hiệu Trưởng một ngôi trường khác, nhưng ông thân anh ta không nổi tiếng, còn ông Phạm Ngọc Đa quá nổi tiếng nhờ có cây Bồ Đề, nên anh ta chặt cho bỏ ghét. Có hai người tự nhận mình đã chặt cây Bồ Đề, nhưng tôi tin sự thú nhận của con ông Hiệu Trưởng kia mới là thủ phạm.

Tại phủ thờ họ Dương, nằm cạnh đình làng, tôi ghé vào đó, gặp hai người con cháu họ Dương, một người tôi gọi là anh Ba tên Còn, anh vẫn nhớ tôi, vừa mới gặp đã hỏi:

- Chú Tông mới về hả ? Vào phủ thờ đi ! Có Tư Giống trong đó.

Nhờ vậy, vào gặp ông Từ tôi nhận ra ngay:

- Chào chú Tư, chú khỏe không ?

- Mầy mới về hả, lâu lắm rồi mới gặp, bửa nay may lại có Ba Còn đây nữa !

- Dạ cháu về hổm nay, ở trên Sàigòn, hôm nay mới về, ghé Phủ thờ để lạy ông bà.

Chú Tư là ông từ, chú đốt nhang cho tôi lạy, chờ tôi lạy xong anh Ba Còn nói:

- Chú có vô Đình lạy ông thần chưa ?

- Dạ thưa anh chưa, vì Đình đóng cửa.

- Để tôi gọi ông Từ mở cửa cho chú vào lạy ông Thần.

Chú Tư Gióng nói với tôi:

- Vào trong Đình mà xem, những gì Bác Ba vẽ hồi trước ngày nay người ta vẫn để làm kỷ niệm.

Anh Ba Còn gọi ông Từ mở cửa Đình rồi anh và tôi vào lạy Thần hoàng, sau đó anh chỉ cho tôi một bài vị thờ trước bàn thờ Thần hoàng, và nói:

- Bài vị Ông Bà của mình đó! Ngày nay được dân làng phong cho là Thần làng, đứng sau Thần hoàng.

Được xem lại những bức tranh cha tôi vẽ vào khoảng năm 1950, tôi thật xúc động nhớ tới cha tôi đã bỏ nhiều công sức để trang trí ngôi Đình này, tranh đã trên 50 năm, vẽ bằng bột màu pha a dao, nay đã mờ nhưng vần còn rõ nét.

Gia đình tôi và gia đình Chú Tư Gióng bà con hai bên họ Dương và họ Huỳnh, do vậy mà hai gia đình có quy định cách xưng hô: Bên gia đình tôi người thứ hai và thứ ba, gánh họ Dương gọi bằng anh, chị; ngược lại những người thứ tư trở đi, gọi gánh họ Dương bằng Cậu, Dì hay Cô Chú. Vì cha tôi thứ ba, nên ông thân chú Tư Gióng gọi cha tôi bằng anh, chú Tư Gióng gọi cha tôi bằng bác. Anh Hai tôi gọi ông thân chú Tư Gióng bằng Chú, còn tôi thứ sáu, nên gọi ông thân chú Tư Gióng đó bằng Ông. Cho nên khi gia đình tôi và gia đình chú Tư Gióng này gặp nhau, chào hỏi, người ngoại cuộc sẽ cho chúng tôi là người dưng, nhưng thật ra bà con họ hàng rất gần.

Sàigòn ngày nay có quá nhiều xe cộ, người ta đi lại như dệt cửi, đường có nhiều đèn giao thông, nhưng mà nhiều, rất nhiều người chạy xe không cần những ngọn đèn kia, đèn xanh cũng chạy mà đèn đỏ cũng chạy, có người nói với tôi: Dân số Sàigòn ngày nay là 8 triệu dân, chắc con số này không sai với sự thật là bao nhiêu.

Tôi cố tìm thăm thầy giáo Lê Văn Thọ dạy tôi lớp Đồng Ấu, năm nay Thầy đã 89 tuổi, trông Thầy vẫn còn khỏe, đi lại bình thường, nhưng Thầy đã quên ít nhiều, bệnh quên của người già là vậy, tôi ngồi nói chuyện với Thầy và con của Thầy cũng là bạn học vở lòng với tôi, thắm thoát mà đã trên 60 năm rồi, tóc đã bạc, răng đã rụng. Chúng tôi ngồi bên nhau, nói ít nhưng nhớ nhiều những chuyện trẻ thơ.

Bốn tuần trôi nhanh, đi chỗ nọ, tới chỗ kia, Sàigòn luôn để trong lòng tôi nhiều kỷ niệm, nhất là tuổi thanh xuân, tôi đã học, đã chơi, đã lớn lên tại đất Sàigòn, đã trải qua những thăng trầm của đất nước, những khóc cười cho cuộc đời mình, nhiều chuyện vui buồn tôi khó quên, nhứt là tôi đọc suốt đêm 31-10-1963 quyển Yêu của Chu Tử và những ngày cuối tháng tư năm 1975 quyển Lối Thoát Cuối Cùng của nhà văn Gheorghiu do Lá Bối in năm 1968, quyển sau này làm cho tôi quyết định chọn theo Lối Thoát Cuối Cùng, để rồi phải trả giá trên hai năm học tập cải tạo trong rừng già Cà Tum, mấy năm ăn độn bo bo, tôi không muốn giữ hận thù trong lòng mình, nhưng tôi khó cầm nước mắt mỗi khi nhớ đến trạm Tân Hương, người ta tịch thu từng bao gạo nhỏ, những bao gạo gói ghém biết bao tình cảm của kẻ nọ biếu người kia trong thời buổi tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa! Tôi bị mất ở đó hai bao cát gạo, của không mấy nhưng tình cảm biết bao, sáng sớm đưa ra xe đò về thành phố, anh tôi bảo: “Họ có lấy thì thôi, còn như đem về được, cho mấy đứa nhỏ nó ăn. Ở đây gạo anh dư giả, trên ấy mấy cháu lại thiếu ăn ! Bày đặt ra chi cái cảnh ngăn sông cấm chợ này ? Chỉ làm khổ cho dân mà thôi !”

18-8-2007

No comments:

Post a Comment