Pages

Wednesday, June 9, 2010

Tưởng nhớ chị Nhất Chi Mai

Huỳnh Ái Tông

Năm đó tôi ra trường Cao Ðẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, nhận nhiệm sở ở vùng cao nguyên, trước khi rời xa thành phố thân thương, tôi đã báo và chào từ giả mọi người.

Còn vài hôm nữa lên đường, tôi nhận được phong thư, mở ra nó là tờ bìa của quyển Bông Hồng Cài Áo, chị Cao Ngọc Phượng chủ tịch Tổng hội sinh viên Vạn Hạnh, dùng nó làm thiệp, mời tôi đi ăn bửa cơm chia tay tại quán cơm chay Thanh Lạc Trai, nằm trên đường Trần Quốc Toản, đối diện với Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.

Như đã hẹn, tôi đến đó vào khoảng gần 7 giờ tối thứ Ba, ngày 23 tháng 8 năm 1966. Bửa tiệc chỉ có những người trong Ban Chấp Hành tham dự, nhưng cũng không có đủ mặt, tôi đến nơi thì đã có chị Phượng, chị Nhất Chi Mai, chị Thanh, anh Khôn, chị Uyên giờ chót không đến, anh Phúc lại bận việc đi tỉnh chưa về, chúng tôi ăn uống vui vẻ, tuy nhiên tôi biết tâm trạng của những người còn ở lại hoạt động cho hết nhiệm kỳ, họ sẽ cảm thấy thiếu một cánh tay để hành động, thiếu một mộ bộ óc để góp thêm ý kiến.

Còn tôi, tôi mang mặc cảm như mình là một người trốn chạy trước những khó khăn, áp lực lớn nhất vẫn là chánh quyền, cần phải đương đầu tranh đãu cho quyền lợi chánh đáng của đại đa số dân chúng, họ chỉ muốn được ấm no hạnh phúc, không muốn con em, bạn bè mình phải ra trước lằn tên mũi đạn để bảo vệ cho thứ chiến tranh ý thức hệ , phi nhân bản.

Ðối với Viện Ðại Học Vạn Hạnh thì Thượng Tọa Thích Minh Châu, Viện Trưởng không muốn sinh viên tranh đãu với chánh quyền, người bày tỏ mối quan tâm sợ đại học Vạn Hạnh bị đóng cửa, điều nầy tôi nghĩ nó trái nghịch với đường lối của Viện Hóa Ðạo, TT. Viện Trưởng không có cảm tình với Ban Chấp Hành Tổng hội từ vài tháng sau nầy.

Nghĩ đến công việc chung của Tổng hội, lòng tôi thấy áy náy vô cùng, mặc dù tôi đã báo trước với chị Phượng và các anh chị trong liên danh trước khi ra ứng cử, tôi phải rời khỏi chức vụ trước khi chấm dứt nhiệm kỳ. Khi chấm dứt nhiệm kỳ đầu tiên, tôi không muốn ra ứng cử nhiệm kỳ 2, nhưng anh Khôn đã giới thiệu tôi, chị Phượng mời tôi vào liên danh mặc dù chị và tôi chưa hề biết nhau.

Thuở đó, chị Phượng sau khi tốt nghiệp ngành Lý hóa ở Pháp về dạy ở Ðại Học Khoa Học Sàigòn, do mộ đạo chị đi học thêm ở Phân Khoa Phật Học, còn tôi là Sinh viên Sư Phạm Kỹ thuật đi học thêm ở Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, chúng tôi cùng lý tưởng phụng sự đạo pháp và dân tộc nên đã cùng nhau dấn thân, trong hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn đó.

Anh Ðỗ Văn Khôn, cùng học trường Cao Thắng và đi sinh hoạt ở Gia Ðình Phật Tử Giác Minh với tôi, còn chị Nhất Chi Mai, tôi nghe nói chị là y tá, con của một kiến trúc sư hay nhà thầu khoán, chị Phượng đi làm bằng xe Velo Solex. Còn chị Nhất Chi Mai đi làm, đi học bằng xe Wolwagen, chị Uyên còn là sinh viên thuần túy.

Bửa cơm rồi cũng đi qua, trước khi chia tay, chị Phượng nhân danh Ban Chấp Hành Tổng hội sinh viên Vạn Hạnh, tặng cho tôi nhiều sách của thầy Nhất Hạnh do Lá Bối xuất Bản như Bông Hồng Cài Áo, Nói với tuổi hai mươi, Ảo tượng, Tình người, Ðạo Phật hiện đại hóa, Ðạo Phật đi vào cuộc đời, Tâm ca và tâm ca ( của Phạm Duy ). . . Quyển nào chị Phượng cũng ghi vài dòng ‘’ Quà của T.H.S.V. Vạn Hạnh thân tặng Anh Huỳnh Ái Tông T.M. Ban Chấp Hành ‘’, chị ký tên, riêng quyển Nói với tuổi hai mươi có chữ ký của Thầy Nhất Hạnh.

Quyển Bông Hồng Cài Áo, Lá Bối in lần thứ ba năm 1966, chị Phượng ghi ‘’ Anh chị em T. H. thân mến tặng Tông nhân mùa Vu Lan 66 ‘’, nó đặc biệt vì chỉ riêng quyển nầy, ngoài chữ ký của chị Phượng, còn có chữ ký của chị Thanh, của anh Khôn còn có chữ ký của chị Nhất Chi Mai. Cho nên cả hai quyển sách tôi đều trân trọng gìn giữ.

Lúc chia tay ra về, chị Nhất Chi Mai biết là tôi đi xe Lam đến, nên chị cho tôi quá giang về ngã sáu Sàigòn, ngay tại ngã sáu nơi góc đường Lê Văn Duyệt, chị dừng xe lại cho tôi xuống ở đó, tôi bước xuống xe, tay ôm chồng sách tặng, bước lên lề, nhìn lại xe vẫn còn đèn, tuy cửa xe đã đóng, có lẽ chị muốn kiểm soát xem tôi còn bỏ sót lại quyển sách nào không, rồi chị mới tắt đèn từ từ cho xe chạy. Hình ảnh chị ngồi trong xe, mặc áo dài trắng cao sang, dịu hiền và lịch thiệp, tôi không hiểu vì sao hình ảnh ấy đã ghi đậm nét vào trong tâm tôi.

Tôi đến Ban Mê Thuộc xứ Buồn Muôn Thuở hay Bụi Mịt Trời đó, thỉnh thoảng mới về Sàigòn vào những ngày chủ nhật, tôi không thể nào gặp lại những người trong Tổng Hội, cho đến đầu năm 1968, tôi bị động viên vào Thủ Ðức khóa 27 Sĩ Quan Trừ Bị, một đêm trời mưa lất phất, từ Câu Lạc Bộ trở về trại, tôi đã gặp anh Khoa gần khu Dân sinh trước Tiểu đoàn của tôi, Khoa là một sinh viên Vạn Hạnh và đã từng hoạt động với Tổng hội Sinh viên, anh mừng rở vì gặp lại bạn nơi đó, và cho tôi biết thêm vài chi tiết về sự kiện chị Nhất Chi mai đã tự thiêu, tôi bị xúc động nhiều.

Ðêm thứ Bảy ấy tôi khó ngủ, tôi hồi tưởng lại những ngày sinh hoạt trong Tổng Hội với chị Nhất Chi Mai, chị giữ chức vụ Thủ quỹ, là một trong số những người tích cực ủng hộ những chương trình hoạt động của Thầy Nhất Hạnh thời bấy giờ, tôi có cùng với các chị đi lên chùa Pháp Vân ở Phú Thọ Hòa một lần, tôi có cùng với các chị tham dự lễ xuất gia một đệ tử đầu tiên của Thầy Nhất Hạnh, lễ ấy cử hành vào khoảng 5 giờ sáng.

Sau khi thuyên chuyển về Sàigòn dạy học và đi học lại ở Vạn Hạnh, tôi mới biết Thầy Nhất Hạnh đã bị ở luôn ngoại quốc, được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cử làm đại diện ở hải ngoại, chị Phượng cũng đi ra ngoại quốc để tiếp tục ủng hộ các hoạt động của Thầy.

Khoảng giữa thập niên 80, tôi và anh Nguyễn Văn Quýnh - bào huynh của Thượng Tọa Thích Chân Thiện - đi ăn cơm ở nhà thầy Chính Tiến ra về, chúng tôi ghé vào quán nước ở đường Nguyễn Ðình Chiểu (Phan Ðình Phùng cũ) gần chợ Vườn Chuối, tiếp tục câu chuyện vì lâu ngày mới gặp lại, anh có cho tôi biết : - Cao Ngọc Phượng hiện nay ở Pháp, ta có địa chỉ của chị, ta ghi ra đây cho cậu - anh vừa nói, vừa lấy giấy bút ghi cho tôi - nhưng khi gửi thư, cậu phải đổi họ chẳng hạn như Huỳnh Thị Phượng hay Nguyễn Thị Phượng chi đó, để qua mắt mấy thằng cha kiểm duyệt ở Bưu Ðiện, thư mới đi được.

Tôi gửi thư thăm chị Phượng, chị đã ưu ái gửi cho tôi một thùng thuốc, trong ấy chị ân cần dặn tôi bán vài hộp thuốc, lấy tiền mua gạo cho những người đói khổ chung quanh, thật là tấm từ tâm của chị. Khi đi lãnh thuốc, ở Bưu Ðiện người ta trúc thùng ra, kiểm gắt gao từng thứ, nhưng đến khi ra về tôi mới phát hiện ở đáy thùng chị đã khéo gài quyển Trái Tim Mặt Trời , tôi may mắn được Hải quan nghĩ rằng thùng ấy quá nhỏ - thật ra là cái hộp ‘’ các tông ‘’ nhỏ - chắc không có gì, nhờ vậy tôi mới biết được Thầy Nhất Hạnh thuê tàu chạy ngoài khơi Vịnh Thái Lan để cứu vớt người vượt biển.

Có người đã phê phán Thầy Nhất Hạnh là theo Cộng Sản, tiếp tay cho Cộng Sản làm mất Miền Nam. Những người ấy họ không hiểu rằng đạo Phật không thể nhìn thấy cảnh giết chóc nhau mà không can thiệp vào, kêu gọi dừng tay, ai cũng biết rằng nếu Thầy theo Cộng Sản thì sách của Thầy chẳng bị liệt vào hàng sách phản động, nếu Thầy theo Cộng Sản hay làm lợi cho Cộng Sản thì Thầy đã được trở về thăm lại quê hương, thăm lại mái chùa xưa.

Chị Phượng còn gửi cho tôi một lần thuốc nữa: một phần cho tôi, một phần giúp những người nghèo khó, một phần đưa cho anh Hiệp ở gần chùa Vạn Thọ, Tân Ðịnh để chuyển thuốc về Huế cho một người nào đó, ra ngoại quốc tôi mới biết chị là Sư cô Chân Không.

Lâu lắm rồi, tôi có đọc qua bài của Linh Mục Chân Tín viết về chị Nhất Chi Mai, gần đây tôi có đọc quyển 50 Năm Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, trong ấy cho biết chị là cô giáo, tôi mới hiểu rằng tôi biết chị quá ít, nhưng giá mà chị là y tá thì mới hợp với tánh tình và tấm lòng quảng đại của chị đối với mọi người, càng xứng hợp với người hành Bồ Tát đạo, tấm ảnh trong sách quá trẻ so với ngày tôi biết chị, là một người đoan trang, diện mạo phúc hậu.

Gần đây, tên của chị hay hình bóng của chị thỉnh thoảng gợi nhớ trong tôi, vào dịp giữa năm trở về thăm quê hương, tôi quyết dành thời gian thăm viếng nơi cuối cùng chị đã giã biệt mọi người.

Tôi cùng đi với nhà tôi đến chùa Từ Nghiêm ở đường Bà Hạt, thỉnh sách và tranh tượng, sau đó tôi hỏi thăm một ni cô về chỗ Nhất Chi Mai đã tự thiêu, ni cô ấy đã sốt sắn đưa tôi lên lầu, ở khoảng sân trống trước Chánh điện mỗi bề chừng 3 đến 4 thước, ở giữa sân có đặt một đỉnh lư hương lớn, ni cô cho biết đó là chỗ Nhất Chi Mai đã tự thiêu để cầu nguyện cho Hoà Bình ở Việt Nam, vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 16-5-1967 ( nhằm ngày khai mạc tuần lễ cầu nguyện Hòa Bình do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức tại chùa Ấn Quang, ngày mồng 8 tháng 4 năm Ðinh Mùi) .

Chỉ chỗ xong, ni cô tiếp tục đưa chúng tôi đi về phía sau Chánh điện. Chúng tôi dừng bước để lễ Phật rồi mới đi theo, ni cô đã đưa chúng tôi đến Tổ đường, nơi đây có ba bàn thờ chính mặt quay về phía sau Chánh điện, bên vách trái đặt một bàn thờ bằng tủ cẩn xà cừ, thờ nhiều vị nữ thánh tử đạo, riêng ảnh chị Nhất Chi Mai lớn nhất, cũng là tấm ảnh in trong sách, chúng tôi đã thắp nhang lạy chị, tôi có cảm nhận chị đã hỏi và nói : ‘’ Tông vẫn khoẻ chớ ? Ðất nước đã có Hòa bình nhưng chưa được Thanh Bình, dân chúng chưa được ấm no và hạnh phúc như chúng ta mong muốn ‘’ .

Khi trở ra để nhìn lại chỗ Nhất Chi Mai đã tự thiêu, bên phía vách tay phải có đặt tượng một vị Kim Cang, tượng đã che khuất một tấm biển đồng, nhìn cho kỹ, tôi đọc được nhiều đoàn thể Phật Giáo đã khắc tên trong bảng nầy, để tưởng niệm thánh tử đạo Nhất Chi Mai, tìm mãi tôi mới thấy được dòng chữ HỘi ÐỒng ÐẠi diỆn sinh viÊn ÐẠi hỌc vẠn hẠnh, tôi nghĩ ước chi dòng chữ nọ được ghi TỔng hỘi sinh viÊn vẠn hẠnh, danh xưng ấy chị Nhất Chi Mai đã kề vai gánh vác, xây dựng làm đẹp bằng cả cuộc đời mình, ai đó đã nở tâm bôi xóa nó, tôi cũng chỉ là một con người còn cả hỷ, nộ, ái, ố. Nhưng chị Mai thì không, chị vẫn nở nụ cười bao dung, cho phép tôi kết thúc bằng những dòng tâm huyết của chỊ :

Con chấp tay quỳ xuống
Xin đức Mẹ Maria
Ðức Quán Thế Âm, Phổ Hiền
Cho con tròn đại nguyện

Xin đem thân làm đuốc
Xin soi sáng u minh
Xin tình người thức tỉnh
Xin Việt Nam Hòa Bình

Ký tên : Nhất-Chi-Mai tự Nhất-Chi Diệu Quỳnh

Ngày 15-1999

No comments:

Post a Comment