Pages

Thursday, June 10, 2010

Cali nắng ấm tình nồng

Năm ngoái sau khi ở san Jose về, tôi nhận được một tập danh sách anh em cựu học sinh Cao Thắng, do anh Nguyễn Thanh Bình gửi tới, tôi lấy làm tiếc vô cùng, vì đã mất đi dịp gặp lại những người bạn học cũ. Nhờ danh sách đó, vài tháng sau đó, tôi lại nhận được điện thoại của anh Nguyễn Thanh Tòng từ San Jose gọi tới, tôi mừng vô hạn, bởi vì Tòng với tôi ngồi cạnh nhau những năm Ðệ Thất và Ðệ Lục. Từ đó, tôi mong có dịp trở lại Cali, để thăm các bạn học cũ.

Nhớ lại năm 1956, để vào Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng, tôi phải dự thi ở Trường Gia Long với trên 3 ngàn thí sinh, làm bài chỉ trúng có một bài Toán, vậy mà tôi được chấm đỗ với hạng 136, và được xếp vào lớp Ðệ Thất E Trung Học Kỹ Thuật Phan Ðình Phùng, tọa lac tại số 2 Phạm Ðăng Hưng ( Trung Học Kỹ Thuật Phan Ðình Phùng là chi nhánh của Trường Cao Thắng, đặt tạm trong khuôn của Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ, trong đó cũng đang có đặt tạm Trường Quốc Gia Âm Nhạc - sau dời về đường Nguyễn Du, Trường Quốc Gia Kỷ Sư Công Nghệ - sau dời về Phú Thọ ).

Dạy Sử có giáo sư Trần Văn Sơn, chúng tôi đặt cho ông biệt danh là Sùng Lãm, Anh văn giáo sư Phan Hữu Tạt (sau làm Giám Ðốc Trường Quốc Gia Thương Mại), Pháp văn giáo sư Nguyễn Văn Can (Hiệu Trưởng trường tiểu học Ða Kao), nhạc giáo sư ... Khánh, Việt Văn do Bác sĩ Kim dạy, Kỹ Nghệ Họa giáo sư Trần Văn Ðặng, Kỹ Thuật Học với Lê Văn Chịa . . ., có hai Giám thị, một ông rất mập, giống như hình quảng cáo của hảng vỏ xe hơi Michelin, ông là vua phạt ?? Cấm túc ??, ông tên ... Tài, chúng tôi đặt biệt danh ?? Ông Michelin ??. Trường chỉ mở có một niên khóa 1956-1957, sau nhập chung lại với Cao Thắng.

Hồi còn học tiểu học Trường Nam Tỉnh Lỵ Châu Ðốc, tôi thường ngồi dãi bàn cuối, nên vào Trung Học tôi vẫn ngồi ở gần cuối lớp, bàn ấy có Nguyễn Thanh Tòng, Trương Công Phước, còn trong mỗi lớp thì có đến 50 học sinh. Lớp E lúc ấy, bây giờ tôi chỉ còn nhớ Lương Minh Mẫn, Châu Viễn, Nguyễn Văn Ðắc, Nguyễn Văn Hoà, Phan Văn Sĩ, Lý Lạc Long Giang, Phan Tùng, Bùi Văn Chính, Tăng Tấn Tài, Lý Phụng Toàn, Mai Hữu Tâm, Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Văn Lâm... đến Ðệ Ngũ, tôi được chuyển sang lớp D học chung với Hồ Ngọc Thu (con của Giáo sư Hồ Văn Vầy), Nguyễn Phước Châu, Lê Văn Thơm, Dương Văn Thơm, Huỳnh Ngọc Ðiệp, Huỳnh Hữu Trí (con của giáo sư Huỳnh Văn Thức), Võ Hồng Vân, Nguyễn Văn Vận, Nguyễn Ðắc Thận, Nguyễn Văn Nam, Thạch Minh Thông ... Từ Ðệ Tứ cho đến Ðệ Nhị tôi được học ở lớp A, là lớp học sinh giỏi của Trường như Lương Minh Mẫn, Lương Minh Ðạt, Trần Thanh Quang (con của giáo sư Trần Văn Ðặng), Lý Thất (c), Trần Hưng Bang (c), Nguyễn Ðức Chính, Bùi Ngọc Di, Dư Quang Thuấn, Nguyễn Ðắc Thận, Lương Văn Nhơn, Trần Bình Ðức (c), Nguyễn Văn Châu (c), Phạm Minh Luân, Lê Kim Nghĩa, Vũ Duy Dần, Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Kim Biên, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Vận, Trần Văn Xê, Mai Văn Khoa, Nguyễn Ðức Chấn, Nguyễn Hữu Hùng (cụ Lý), Trần Văn Quang, Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Văn Thuận...

Năm 1963, thi rớt, nhập với Ngô Phước Tường, Bùi Ngọc Di, Hồ Ngọc Ðiển, Huỳnh Ngọc Ðiệp mới chuyển sang lớp Ðệ Nhị 5 học Anh Văn chung lớp với Huỳnh Hữu Lộc, Nguyễn Minh Chiếu, Hoàng Thanh (con của Nghị Sĩ Hoàng Thế Phiệt), Nguyễn Văn Nghĩa, Phan Thành Tưa, Võ Nguyện...

Danh sách của anh Nguyễn Thanh Bình gửi cho tôi, anh đánh máy không bỏ dấu, tên trước, họ sau, có nhiều tên tôi không nhớ người, nhớ mặt vì không học cùng lớp. Ngay anh Bình cũng không học chung, nhưng khoảng năm 1972, anh có ghé trường Nguyễn Trường Tộ, lúc ấy tôi dạy ở đó, anh đứng ngoài sân nói chuyện với vài người bạn, có đưa cho tôi tấm danh thiếp, tôi nhớ anh rất rõ.

Nhiều bạn học cũ, đã đi du học Pháp như Lương Minh Ðạt, Phạm Minh Luân, Hoàng Thanh ..., nhiều người đã nằm xuống cho lý tưởng, cho chính nghĩa của miền Nam như Trần Hưng Bang..., nhiều người đã trải qua năm tháng cải tạo, còn ở lại trong nước hay đã đến xứ tạm dung nầy, cho nên tôi rất mong muốn gặp lại những người bạn học cũ, nghe biết tin tức ai còn, ai mất, và nhất là ôn lại những kỷ niệm thiếu thời.

Nhân ngày Lễ Ðộc Lập và được mời dự một đám cưới ở San Jose, chúng tôi nhận lời dự, để còn có dịp gặp lại anh em.

Sau khi mua vé, trước ngày lên đường chừng 2 tháng, chúng tôi đã gửi điện thư cho anh Nguyễn Thanh Bình biết, thời gian ở San Jose, tôi muốn gặp mặt anh em. Anh Bình liền trả lời sẽ tổ chức buổi họp mặt vào ngày Chủ Nhật 25-6-2000, lúc 10 giờ sáng tại Bayland Nature, thuộc thành phố El Palo Alto. Tôi cũng gọi điện thoại, báo cho Nguyễn Thanh Tòng biết, ngày giờ đến San Jose, và nơi tôi sẽ ở.

Ngày 23-6-2000, tôi đến San Jose, có vợ chồng người quen đón rước tại phi trường. sau khi ăn trưa, tôi gọi điện thoại báo cho Tòng biết, chúng tôi đã đến.

Chừng một khắc sau, Tòng đến, khỏi nói là chúng tôi mừng rỡ gặp lại nhau, lần trước chúng tôi gặp nhau tại nhà anh của Tòng khoảng trước năm 1970, ở khu sau Trường Ðại Học Vạn hạnh. Ba mươi năm không gặp nhau, ba mươi năm chiến tranh ác liệt, bom đạn cày xéo da thịt quê hương, chiến sĩ gục ngã, người dân bị chết giũa lằn tên mũi đạn vô tình, vì thù hằn, vì chủ nghĩa, rồi vận nước nổi trôi, tù đày làm cho người ta chết trên rừng dưới cạn, vượt biên tìm tự do người ta chết vì bão to sóng lớn ở biển, vì mìn ở xứ người, cho nên gặp lại Tòng tôi mừng, vì hãy còn đây người bạn ngồi cạnh bên tôi, xưa chúng tôi đặt cho anh biệt danh là Bảy Hổ, phát xuất từ trong một bài học Việt Văn lớp Ðệ Thất do Bác sĩ Kim dạy. Nói đến Bác sĩ Kim, tôi không hiểu tại sao là Bác sĩ ông còn đi dạy giờ, nhưng quả thật ông có tâm hồn văn nghệ, có năng khiếu văn chương, ông đã trích giảng một bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, học sinh chúng tôi thích lắm, nên đã học thuộc lòng, tôi còn nhớ : Mưa bên kia sông, mưa nữa giòng nước, hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao ...

Tòng đưa tôi đến căn nhà nhỏ của anh, gia đình anh gồm có hai vợ chồng và đứa con trai tuổi ngoài 20, chúng tôi ngồi nói chuyện một chốc, Tòng gọi điện thoại cho Nguyễn Phước Châu và Nguyễn Thanh Tâm (Tâm bi-da) tới. Châu đi một mình còn Tâm đi với vợ. Chúng tôi nhắc tới những người bạn như Châu Viễn, Vũ Duy Dần, Bùi Ngọc Di, Võ Duy Khiết ở Santa Ana, Trần Văn Xê, Trần Thái Thông ở Massachusetts.

Khi HO bắt đầu được đi Mỹ, nhiều người thường hay họp chợ tin tức ở trước Dinh Ðộc Lập, phía Bộ Ngoại Giao, trong đó có Tâm bi-da và điểm hẹn là nơi Trần Văn Xê trông nom cửa hàng bán cây kiểng, trên xa lộ gần ngã tư hàng xanh. lại cũng Tâm bi-da, rồi Võ Duy Khiết ... nhắc tới Xê, vì điện thoại mà Xê không hồi âm, có lẽ anh bận đi làm, chớ chưa chắc đã quên anh em.

Tôi nhớ tới người bạn đồng nghiệp Lê Hữu Chính, cũng học Cao Thắng, có địa chỉ ở gần Châu, nên hỏi thăm hoá ra họ đã quen nhau, nay anh dọn đi chỗ khác, Châu cho số điện thoại, tôi gọi tới thăm, anh vốn tánh thật hiền, ít nói, tôi không rõ hiện nay anh ra sao, nên nhờ Châu mời Chính tham gia buổi họp mặt.

Chúng tôi nói chuyện đã lâu, nên đến lúc phải chia tay, vợ chồng Tâm đưa vợ chồng chúng tôi về, tiện thể ghé thăm nhà của anh. Gia đình anh qua đây gồm đủ vợ chồng và con cái, anh phải mua nhà rộng, nay các con ra riêng, chỉ còn hai vợ chồng ở rộng thênh thang. Chồng đi Mercedes vợ đi Toyota Camry, tôi thấy đời sống của vợ chồng Tâm thật an nhàn, hạnh phúc.

Chia tay, chúng tôi hẹn ở buổi họp mặt, Tòng cho biết đã có mời Thầy Phan Hữu Tạt tham gia, Thầy đã nhận lời.

Sáng chủ nhật, Tòng đến đón chúng tôi, đi đến điểm tập trung ở nhà Nguyễn Thanh Bình.

đến nơi đã có anh Trần Văn Cớt (học lớp trên chúng tôi), anh chị Trần Phước Châu, Anh Lê Hữu Chính, trong khi chờ đợi Nguyễn Thanh Tâm và những người khác, anh Bình đưa chúng tôi đi xem vườn hoa, cây ăn trái anh trông chung quang nhà, phía sân trước có hoa hồng, đất ấm Cali trồng hồng rất thích hợp, cây trổ nhiều hoa, hoa lại to lớn, nhiều màu sắc khác nhau, lại có mãn đình hồng và những thứ hoa khác, phải nói là vườn hoa rất nhiều hoa, đẹp mắt. Phía sau và hông nhà, anh trồng hồng, mận và rau thơm, hàng ngày anh bỏ ra nhiều thời giờ để vun vén, vô phân, tưới nước.

Khi anh chị Thanh Tâm rước Thầy Cô Phan Hữu Tạt đến, anh em liền ra xe đi, từ San Jose đi đến chỗ họp mặt là nữa đoạn đường đi san Francisco. Khi xuống xa lộ, mãi lo nói chuyện, Tòng quên dừng hẳn lại ở bảng STOP, bị cảnh sát chận lại. Tôi nói với cảnh sát là tôi ở xa đến, bị trễ hẹn nên bạn tôi lái xe có rà thắng nhưng không ngừng hẳn. Cảnh sát kiểm tra bằng lái của Tòng, trở lại hỏi có phải bằng lái ở Texas chuyển qua không ? Tòng trả lời không, nhưng tôi lấy làm lạ, tại sao hắn hỏi câu ấy, sau khi đã kiểm tra bằng lái của Tòng (Tòng đến Cali và ở tại Cali mà thôi). Hắn cho đi với lời nhắn nhũ, lần sau phải cẩn thận. Trước đó tôi nghĩ Tòng lấy vé phạt là cái chắc, vậy mà chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không.

Ðến nơi mới biết là chị Bình và chị Cớt phải tới trước để giữ chỗ, chúng tôi chào hỏi nhau, lần lượt kẻ trước người sau đến tham dự có:

Thầy Cô Phan Hữu Tạt
Anh Chị Nguyễn Thanh Bình
Anh Chị Nguyễn Thanh Tâm
Anh Chị Trần Phước Châu
Anh Chị Trần Văn Cớt
Anh Chị Nguyễn Văn Mạnh
Anh Nguyễn Kim Biên
Anh Nguyễn Giụ Hùng ( cụ Lý )
Anh Nguyễn Tấn Thọ
Anh Nguyễn Thanh Tòng
Anh Lê Hữu Chính
Một anh học lớp sau tôi quên tên.
và vợ chồng chúng tôi.

Thầy trò, anh em gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, chuyện vãn rất vui vẻ, thỉnh thoảng cũng có xen tin tức, tình hình chánh trị địa phương. Mạnh rất vui tính, kể lại chuyện xưa, anh đi học còn phải bán báo để kiếm sống, anh đã có đầu óc thương mại lúc còn đi học, anh đã bán những tấm hình chụp bài tập Kỹ Nghệ Họa, nhớ ra hồi đó chính tôi cũng có vài tấm trong ví.


Từ trái qua phải: Lê Hữu Chính, Phùng Kỳ Sương, Trần Phước Châu, Nguyễn Thanh Tâm, Gs Phan Hữu Tạt, Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Giụ Hùng, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Kim Biên, Nguyễn Công Mạnh, Trần Văn Cớt, Huỳnh Ái Tông

Anh kể chuyện khi vượt biên mang theo hài cốt của vợ, bị bắt anh vẫn ôm kè kè bên mình, sau đó anh phải xin báo trãi ra trình cho cai ngục, họ thấy anh trang trọng với hài cốt ấy, nên cho là của Mỹ, bắt anh phải giao cho họ, rồi họ về đến quê anh ở để điều tra.

Anh cho rằng, hồi anh ở Texas, anh em Công binh cũng họp nhau lại rồi làm chánh trị, anh không thích, anh thích anh em Cao Thắng chúng ta quây quần lại, gặp nhau nói chuyện chửi thề thoải mái như truyền thống còn ở trường, đừng nói chuyện chánh trị rồi chia phe, chia nhóm mất vui. Anh mong mõi : " Anh Bình sớm hình thành Nhóm cựu học sinh Cao Thắng, trên khắp nước Mỹ nầy, thỉnh thoảng tổ chức họp mặt cho vui, vì tuổi chúng ta càng ngày càng già, bạn bè càng mất mát đi."

Giáo sư Phan Hữu Tạt cho rằng anh Mạnh phát biểu rất đúng, và người Pháp có câu chí lý vô cùng: " Mỗi buổi sáng, chúng ta thức dậy là thấy mình, bước tới huyệt mộ thêm một bước nữa " (Rất tiếc, tôi không nhớ câu tiếng Pháp, thầy đã nói).

Rồi Thầy, trò anh em vừa ăn uống, vừa chuyện trò rất vui vẻ. Thức ăn các chị nấu rất nhiều, đặc biệt, biết anh Cớt và chúng tôi ăn chay, nên có chả giò chay, hủ tiếu xào chay, ăn rất ngon. Các anh cũng không quên mang theo một chai rượu mạnh, mỗi người uống một cốc, đủ ấm tình nồng. Mạnh hứa sẽ cho tôi địa chỉ vài anh em ở Texas để liên lạc.

Hơn một giờ trưa, có người bà con đến rước đưa chúng tôi đi San Francisco, tôi phải xin lỗi chào Thầy cô và các anh chị ra đi. Các anh hẹn tuần sau đi San Francisco bằng xe lửa. Lên xe, tôi cho nhà tôi biết cô Phan Hữu tạt là Giáo sư Gia Long, nhà tôi ấm ức vì đã trông thấy quen quen, nên xuống xe, chạy vào hỏi lại mới rõ đó bà Giáo sư Gia Long dạy Lý Hóa.

Hôm sau, tôi đến Santa Ana, có gọi điện cho Bùi Ngọc Di, thấy anh có vẻ thờ ơ và bận rộn, tôi không muốn làm phiền anh, và không muốn gọi tới những người bạn khác, có lẽ Nam Cali có nhiều bạn học cũ hơn, nhưng chưa có ai làm một nhịp cầu, nối bắt qui tụ anh em. Mong việc đó sớm thành.

Chiều thứ bảy, trở lại San Jose, Tòng đã dọn sẳn một bàn thức ăn chờ tôi. Quanh bàn có Lê Hữu Chính, Trần Phước Châu, Nguyễn Văn Nghĩa, chúng tôi nhận ra nhau liền, tôi nhắc lại, năm Ðệ Nhất 3 học chung, Nghĩa khởi động máy dầu cặn, máy trả đập gảy tay Nghĩa. Tôi đứng bên cạnh, nên đưa Nghĩa đi bộ ra nhà thương Sàigòn, và về nhà cho gia đình Nghĩa ở Hòa Hưng, biết tin. Ba mươi sáu năm giờ mới gặp lại. Sau đó lại có thêm anh Phùng Kỳ Xương đến, Châu kể nhiều về chuyện lính tráng và binh chủng Biệt kích của mình. Châu và Chính đưa tôi ra về, Nghĩa và Xương còn ngồi rốt lại.

Hôm sau như hẹn, Tòng đến sớm để đưa chúng tôi ra ga dùng xe lửa đi San Francisco. Tôi đành xin lỗi là cũng dùng xe lửa đi San Francisco, nhưng lại phải đi với chủ nhà và một nhóm bạn khác, tôi hẹn sẽ gặp nhau ở Phố Tàu, Tòng móc ví, bắt tôi phải nhận lấy 2 vé xe lửa. Rồi lái xe đi cho kịp chuyến 7 giờ 30.

Chúng tôi ra ga, đi chuyến 8 giờ 30, phải mất 1 giờ 30 phút mới đến San Francisco. Chúng tôi lấy vé xe bus 15 đi ra bến tàu, lúc xe chạy ngay qua Downtown, tôi trông thấy các bạn đang dừng chân, ngồi ăn trái cây. Lúc trở lại Downtown, không thấy một ai trong nhóm Cao Thắng ấy. Về đến nhà, gọi điện thoại, Tòng cho biết ra phố thất lạc nhau. Tôi xin lỗi không đi chung được với nhau. Tòng cho biết ?? Miễn vui là được rồi ! ??.

Cho tôi nhắn gửi : " Cám ơn Thầy, Cô và tất cả các bạn, đã cho chúng tôi một ngày vui hội ngộ ở công viên và những tình cảm đậm đà, Ước mong ngày tái ngộ ".

No comments:

Post a Comment