Pages

Wednesday, June 9, 2010

Châu đốc trong trái tim tôi

Từ trước, tôi vẫn nghĩ mình là người Long Xuyên, còn Châu Đốc chỉ là nơi dừng chân một thời gian trong cuộc đời, cũng như những nơi tôi đã sống qua như Ban Mê Thuột, như Sóc Trăng, như Sàigòn. Nhưng ngày nay, dù là Châu Đốc hay Long Xuyên đều thuộc về An Giang, quê hương tôi.

Mấy hôm nay, bỗng dưng tôi có suy nghĩ lại, Châu Đốc thật sự gắn bó với tôi nhiều hơn, chẳng những làng tôi nay thuộc về Châu Đốc, mà ngay tuổi thơ tôi đã đi học ngôi trường đầu đời thuộc làng Bình Mỹ tỉnh Châu Đốc, những năm lớp Nhì, lớp Nhất thuộc Trường Nam Tiểu Học Châu Đốc, cho nên Châu Đốc mới thật sự là quê hương tôi. Vì vậy, tôi muốn viết để ôn lại những gì Châu Đốc còn để lại dấu ấn trong tôi.


Khi tôi lên Châu Đốc đi học lại sau vài năm thất học, khoảng tháng 9 năm 1954, tức là sau Hiệp định Genève 20-7-1054, hình ảnh còn ghi trong tâm trí tôi là những anh lính Pháp, đơn vị cuối cùng tập trung sống trong ngôi nhà ở đường mé sông giữa Bưu Điện và sân quần vợt, hình ảnh lính Pháp ăn bánh mì với Fromage, bánh biscuit thừa thải họ vứt ra vĩa hè, rồi họ rút đi lúc nào tôi cũng chẳng biết, ngôi nhà đó sau được dùng làm cơ sở Quan thuế, còn những đơn vị Pháp ở miền Nam họ rút dần, tập trung về Vũng Tàu, đến năm 1956 đi Trại Hè Vũng Tàu, tôi vẫn còn thấy những đơn vị cuối cùng của quân đội Pháp đồn trú ở đó, chờ ngày lên tàu hồi hương, cáo chung gần chin mươi năm Pháp đô hộ đất nước Miền Nam.


Trong nhà chú tôi có nuôi năm đứa cháu đi học, trong đó có Châu Hòa Nhã, Trương Văn Nhã theo học Thủ Khoa Nghĩa, Huỳnh Bá Khoan, Châu Quang Liêm học lớp Tiếp Liên còn tôi học lớp Nhì Trường Nam Tiểu Học Châu Đốc, chúng tôi đông như vậy nên thường ngày đi tắm ở Cầu Quan.


Cầu Quan là chiếc cầu sắt ở trước tòa Hành chánh Châu Đốc, dinh Tỉnh trưởng cũng nằm chung trong đó.Cầu có hai nhịp, với những trụ cầu bằng ống thép tròn, sườn ghép bằng thép hình chữ L, dài từ bờ ra sông chừng 20 thước, bề ngang chừng 4 thước, mặt cầu ngang bằng mặt đường xe chạy, trên mặt cầu lót ván, cầu có lan can, có trụ đèn, đoạn giữa mỗi bên có một cầu thang bắt xuôi theo thân cầu, ngoài cùng có một lan can cản ngang, hai bên có hai cầu thang bắt thẳng góc với thân cầu, các cầu thang rộng chừng 1,5 thước, các bậc thang làm bằng thép có gân để khỏi trơn trợt. Cầu sơn hắc ín hay sơn đen, có đặc điểm là nước lớn vẫn không ngập mặt cầu, nước ròng vào mùa hè nước vẫn ngập hai cầu thang ngoài cùng.


Chắc chắn là xưa kia người Pháp xây dựng cầu nầy, để quan lại dùng phương tiện đường thủy đi kinh lý hay hội họp. Thời gian đó, có lần tôi thấy một chiếc Thủy phi cơ (máy bay đáp trên mặt nước) đậu ở trên sông, khoảng bến Bắc Tân Châu bên phía Châu Giang. Vì cầu đó để cho các quan sử dụng nên người ta gọi là Cầu Quan. Thời đó, có lẽ đã lâu không bảo quản nên nhiều chỗ bị rỉ sét, vài chiếc nhịp thang đà gảy, mất.


Hàng ngày có nhiều người đến tắm, giặt hầu hết là thanh niên như chúng tôi. Do đó mặc dù ở sân quần vợt có đến hai cái Hồ tắm, nhưng bỏ hoang và ngày nay Cầu Quan này đã được sửa chữa thu gọn lại, còn chừng một phần ba chiều dài cũ.


Có những buổi chiều, sau khi tắm về, ở bờ sông trước Bưu Điện có những xe hàng đậu đó, có những người bốc vác, họ bốc củ sắn trên xe hàng vào cần xé, rồi vác vuống ghe đậu sát bến sông, chúng tôi thường hỏi xin mấy anh bốc xếp, họ lấy cho mỗi đứa một củ sắn, chúng tôi bốc vỏ ăn ngay, sắn mới thu hoạch trong miệt núi chở ra, rất tươi ăn nhiều nước và ngọt lịm.


Còn một địa danh nữa, liên quan đến quan quyền đó là Đường Quan. Đường Quan là con đường đi từ chân núi lên đỉnh núi Sam. Con đường này cách chùa Tây An về phía tay trái chừng non cây số ngàn, về tay phải là Miễu Bà, Lăng Thoại Ngọc Hầu …

Tại đỉnh núi, người Pháp có xây dựng một cơ ngơi được gọi là Pháo đài. Pháo đài ngang chừng 6 thước, dài chừng 14 thước, sàn nhà lót gạch, trên nóc bằng, có hầm. Vì pháo đài đã bị đập phá, tường chung quanh chỗ còn chỗ mất, những khung cửa, cửa sổ siêu vẹo, không thấy có những bức tường ngăn chia phòng ốc.

Ngày nay nghĩ lại, ở đó là pháo đài thì có thể quan sát vào sâu trong đất của Kampuchea, chợ Châu Đốc, vùng kinh đào Mỹ Đức, Nhà Bàn …nhưng thời Pháp đất Nam Việt và Cambodge đều nằm trong Đông Dương, là đất thuộc địa của Pháp thì đâu cần gì Pháo đài, là một cơ sở quân sự dùng để quan sát bảo vệ đất nước. Phải chăng đó là nhà nghỉ mát của Chánh Tham Biện, nên phải xây dựng đường xe chạy từ chân lên đỉnh núi, để vào dịp cuối tuần, quan lại đưa vợ con, bạn bè lên đó nghỉ ngơi, giải trí. Con đường ấy chỉ có quan đi nên người dân trong vùng đặt cho nó cái tên là Đường quan. Thời đó, Đường quan không còn sử dụng đã lâu, nhiều chỗ bị nước mưa chảy xói mòm thành mương, thành rãnh. Chúng tôi thường leo núi từ phía sau chùa Tây An hoặc ngã Bạch Vân Tịnh Xá để lên đỉnh cho mau, nhưng khi đi xuống vì đã mệt mõi nên dùng Đường quan đi xuống, tuy lâu một chút nhưng dễ đi và không nhọc mệt.

Chùa Tây An nằm ngay đường từ Châu Đốc đi vào, từ khi chùa trùng tu lại trong thập niên 60 đến nay, tôi không có viếng chùa cũng là một thiếu sót, trước kia tôi có vào viếng chùa lễ Phật đôi lần, chùa xưa kia chúng ta đi vào là con đường bên hông chùa, bên tay phải là chánh điện, quá khỏi chánh điện vài bước là ngôi mộ của Phật thầy Tây An.


Chùa hướng mặt về núi, lưng quay về chợ Châu Đốc, chánh điện trên bệ cao có tượng Phật tổ ngồi nhập định, có lẽ bằng đồng, lâu ngày không lau chùi nên trở màu xám đen, cũng như hầu hết các chùa Mền Nam, trên đầu mỗi tượng đều có để một miếng vải đỏ, cho đến nay tôi vẫn không hiểu về biểu tượng này, chánh điện có vẽ âm u vì thiếu ánh sáng, trang trí toát lên nét cổ kính của ngôi chùa Miền Nam.

Ngôi mộ Phật Thầy nằm bên tay trái cạnh lối đi từ cổng vào, ở đó chỉ xây nền mộ cao hơn mặt đất chừng gang tay, trên nền mộ bằng phẳng, không có xây nấm mộ, đó là biểu trưng đức Phật Thầy muốn để lại cho đời sau, tu cần giản dị hàng ngày niệm Lục Tự Di Đà, chết thì bó chiếu nam với bảy còn nữ với chin miếng vạt tre, bó lại đem chôn, không cần làm đám rình rang, mộ không cần đắp nấm. Chùa đã trùng tu khang trang hơn xưa nhiều, nhưng chắc ngôi mộ đức Phật Thầy vẫn y như cũ.

Còn Bạch Vân Tịnh Xá, phải đi qua khỏi lăng Thoại Ngọc Hầu, qua cua quẹo một đổi thì tới. Tôi không rõ Bạch Vân Tịnh Xá xây dựng từ năm nào, nhưng có trước Bồ Đề Đạo Tràng, cũng do ông Phạm Ngọc Đa xây dựng, đây là một ngọn đồi, trên đỉnh đồi tôn tượng Phật ngồi thiền định lộ thiên, thân gầy da bọc xương, phía sau có con rắng, nó dùng đầu che trên đầu đức Phật, đó là sự tích theo kinh, khi đức Phật ngồi thiền, gặp khi trời mưa một con rắng dùng thân và đầu che mưa cho ngài, ở đó ngoài tượng Phật ra, không có điện thờ hay am thất cả. Từ dưới chân núi, người ta xây cả trăm bực thang để dẫn lên đến chỗ tượng Phật, những người leo núi có thể theo đường này dễ đi hơn là ở khu chùa Tây An. Sau nữa thế kỷ không đến nơi đây, bây giờ tôi không rõ nơi đó đã như thế nào.

Châu đốc còn có Miễu ông Hàn nằm gần kinh Ông Cò, khoảng trước trường Thủ KHoa Nghĩa, bên này kinh có Miễu Cô Hồn, nằm cạnh trường học Tàu, trong thập niên 60, Ban Cúng Tế đã hiến ngôi miếu này cho Tỉnh Hội Phật Học Châu Đốc, để xây dựng ngôi chùa Viên Quang, mặt chùa ngó ra Bồ Đề Đạo Tràng và cách nhau một công viên là Bồn Kèn xưa, nay Bồn Kèn không còn nữa.


Tưởng cũng nên nói một chút về lịch sử ngôi chùa này, vào thập niên 50, Châu đốc tỉnh thoảng tổ chức những buổi thuyết pháp do đoàn Sứ giả Như Lai gồm Đại Đức Huyền Vi, Thanh Từ … Có khi thỉnh Đại Đức Narada đến thuyết pháp ở rạp Lạc Thanh, sau này ở rạp Tân Việt, dần dần những vị đạo tâm đã thành lập Tỉnh Hội Phật Học Châu Đốc khoảng cuối thập niên 50, tổ chức lễ Ra mắt tại rạp Tân Việt, có ông Mai Thọ Truyền Hội Trưởng Hội Phật Học Nam Việt đến dự.


- Chánh Hội Trưởng: Ông Thông Phán Nguyễn Phan Long

- Phó Hội Trưởng: Ông Huỳnh Bá Nhệ

- Tổng Thư Ký: Ông Lê Quang Điện

- v.v…


Sau khi có khu đất miếu Cô Hồn, Tỉnh hội kêu gọi sự đóng góp của Hội viên để cất chùa, làm trụ sở Tỉnh hội. Vào lúc đó có ông Thầy thuốc Viễn (rất tiếc tôi không nhớ họ, ông là Thú y sĩ, từng là Trưởng ty Thú y Châu Đốc), nghe nói ông không có con, hai ông bà bán căn nhà cúng hết tiền cho Tỉnh hội để xây chùa Viên Quang. Sự việc này làm cho tôi nhớ đến năm 1975-76, lúc học tập cải tạo tại Trảng Lớn, Tây Ninh, tôi có ở chung với Thú y sĩ Trần Hải Đảo, anh ta làm việc ở Ty Thú y Sàigòn, có lần anh ta cho chúng tôi biết:


- Luật lệ không cho phép giết mổ trâu, bò còn khỏe mạnh, giữ những con khỏe mạnh lại để làm ruộng, vì vậy ở lò mổ trâu, bò, người ta phải dẫn trâu, bò đến chỗ chúng tôi để khám xét nó, không con trâu bò nào chịu đi ngang qua cái bàn chúng tôi khám xét, khi chúng bị người ta kéo xô đến, đứng trước chúng tôi con nào cũng như con nấy thấy rõ nó chảy nước mắt, có lẽ nó có linh tính qua chỗ khám xét đó là chúng nó sẽ bị giết.


Chắc ông Thầy thuốc Viễn, từng làm việc ở Chợ Trầu Bò Núi Sam, nơi đó người ta bán trâu bò để làm ruộng, cũng bán những con trâu bò để làm thịt, hẳn ông ta từng thấy chúng chảy nước mắt trước khi bước vào khu vực bị bán để làm thịt. Do đó, ông bà Thầy thuốc Viễn muốn tạo dựng công đức, góp phần tài sản của mình để lập nên ngôi chùa Viên Quang này.


Tôi cũng nhớ tới cuộc đời trâu bò trong một bài Ca dao:


Con trâu ăn cỏ đất bằng,

Uống nước bờ ao.

Ngày nào mầy ở với tao,

Bây giờ mầy chết tao cầm dao xẻ mầy,

Thịt mầy tao nấu linh đinh,

Da mầy bịt trống tụng kinh trong chùa.

Sừng mầy tao tiện con cờ,

Cán dao, cán mát, lược dày, lược thưa.


Trâu bò thật hữu dụng cho con người, sống làm ruộng với nông dân, khi chết da, thịt, xương, sừng đều có công dụng.


Ngày tôi học Châu Đốc, rạp Tân Việt không có, nơi đó là một cái ao đầy lục bình. Châu Đốc chỉ có rạp Lạc Thanh, hát cải lương hay chớp bóng, cuối năm học phát thưởng cũng ở rạp Lạc Thanh này. Căn phố chú tôi ở phía sau rạp Lạc Thanh, có những đêm học khuya đến lúc “thả giàn”, tôi đến rạp để xem cải lương màn chót, thường nghe được vài câu vọng cổ, nghe giới thiệu đêm hát tối mai hay nghe lời chào tạm biệt khán giả, đoàn dọn đi nơi khác.


Châu đốc còn có một con đường có tục danh là “đường rầy xe lửa”, con đường này chạy dọc theo kinh, nối liền kinh Ông Cò và kinh Lò Heo, có lẽ ngày xưa người ta đặt đường “rai” (Rail) để dùng “xe goòng” vận chuyển vật liệu, về sau có nhiều phương tiện, không sử dụng xe goòng, đường rai bỏ đi. Miền Nam chỉ có ba đường xe lửa, đường xuyên Việt là con đường từ Nam ra Bắc, đường Sàigòn - Mỹ Tho vận chuyển hành khách đi Miền Tây, đường Sàigòn - Lộc Ninh vận chuyển cao su và gỗ quý, hai đường sau này đã hủy bỏ vào thập niên 60.


Năm 1958, vào dịp Tết, lớp học chúng tôi làm báo Xuân, thầy Phạm Văn Luật, giáo sư huớng dẫn Hiệu Đoàn, Thầy vốn là Thầy giáo ở Châu Đốc, biết chú tôi và do đó Thầy bảo tôi :


- Mình là người Châu Đốc, em tìm đề tài, viết một bài về Châu Đốc đi.


Tôi ngại ngùng:


- Thưa Thầy em có biết viết chi về Châu Đốc!


- Hay là để tôi viết thư, em cầm sang Thư Viện Quốc Gia, gặp ông Trụ, ông ấy tìm sách cho em đọc rồi viết.

Đến nước này, tôi đành phải:


- Dạ


Thế rồi Thầy lên văn phòng, ngay hôm đó thầy Luật đưa cho tôi một phong thư, hôm sau tôi mang sang Thư viện Quốc Gia, ngày đó thư viện này ở tòa nhà đối diện Bộ Kinh Tế, nằm cạnh Bộ Quốc Phòng trên đường Gia Long, sau này dời về địa điểm hiện nay, trên nền khám đường Sàigòn cũ. Thư viện nằm trên tầng lầu, hôm tôi đến đó, đưa thư cho người tùy phái, chờ một chốc sau, một người đàn ông tuổi khoảng 50, dáng người hơi ốm một chút, mặc complet xanh đậm, ông ta đến gần gật đầu chào và nói với tôi:


- Em ở đây chờ tôi đi lấy sách một chút.


Tôi chờ đợi và biết đó là ông Lê Ngọc Trụ, đồng tác giả với thầy Phạm Văn Luật tác phẩm Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh, ông còn là tác giả Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị. Chẳng bao lâu, ông Trụ trở ra trao sách cho người tùy phái và dặn ông ta:


- Ghi cho em này mượn sách.


Và nói với tôi:


- Chừng nào xong, em nhớ mang trả lại cho ông này, nhớ nhắc ông ta gạch tên em trong sổ đi, vì đã trả sách rồi.


Tôi chào ông Trụ, đưa thẻ học sinh cho người tùy phái ghi, sau đó nhận cuốn sách đóng bìa cứng màu xanh, gáy mạ chữ vàng. Tác giả: Pétrus Trương Vĩnh Ký, tôi không nhớ rõ tên sách, nhưng đó là cuốn sách địa lý, Trương Vĩnh Ký viết về Châu Đốc, nhất là Thất sơn, đó là sách Pháp văn, tôi chưa có đủ trình độ để thông hiểu Pháp văn, đọc hiểu lõm bõm, nếu tra tự điển sẽ mất nhiều thì giờ, nên sau đó tôi trình bày với Thầy Luật lấy cớ là:


- Thưa Thầy, đặc san của lớp chủ đề Xuân, đã có nhiều bài vở, còn Châu Đốc, Thất Sơn cũng là đề tài đặc sắc, nhưng phải viết trong chủ đề Miền Tây hay về Châu Đốc, An Giang …


Thầy đáp:


- Ờ em nói cũng có lý, nếu có nhiều bài vở rồi thì thôi. À! Mà nhớ đem trả sách cho thư viện nghe!


Bài này viết để tưởng nhớ thầy Phạm Văn Luật, ơn Thầy đã tự làm đơn xin cho tôi học lại năm đệ nhị, cũng để trả phần nào món nợ năm xưa, Thầy bảo, tôi nhận viết bài về Châu Đốc, năm mưoi năm đã trôi qua, tôi muộn màng viết về Châu Đốc của 50 năm cũ, nay bài viết rồi, Thầy đâu có đọc được.

Louisville, sinh nhật thứ 67

Huỳnh Ái Tông

No comments:

Post a Comment