Pages

Wednesday, June 9, 2010

Tình Lam

Tình Lam

Huỳnh Ái Tông

Tôi muốn tìm tài liệu để làm Trang nhà cho trường cũ của mình, tôi hơi nôn nóng về vấn đề này nên khi về tới Sàigòn, sau khi ngủ một giấc, hôm sau tôi lục tìm tài liệu. Trong đống sách vở không được bảo quản cẩn thận, mối đã gậm nhấm hầu hết sách, sau một, hai cơn mưa nào đó nước ngập tràn vào kho làm ướt sách, tạo môi trường dễ sinh mối, dù năm ngoái tôi đã bỏ sách vào những bao dệt bằng ny-long.

Tôi quý sách, có lẽ chịu ảnh hưởng của nhà văn lão thành Vương Hồng Sễnh, hay nói khác hơn, tôi đã bị mê hoặc vì cuốn Thú Chơi Sách của ông, do nhà xuất bản Tự Do ấn hành năm 1960. Thuở còn đi học, tôi ở trọ nhà họa sĩ Phạm Thăng, có tiền tôi dành dụm chỉ mua sách ở nhà sách Khai Trí, Tự Lực trên đường Lê Lợi hay Đoàn Văn trên đường Lê Văn Duyệt. Sách mới mua về phải rọc từng sắp ở trên đầu sách, dao rọc không được bén quá, vì quá bén rọc sách sẽ không có tí sần sùi, còn nếu dao cùn quá, rọc sách sẽ bị xé từng mảng lớn, cũng không đẹp, lại còn mùi giấy mới, tạo cho người chơi sách một cảm giác lâng lâng dễ chịu, vì ta có một quyển sách mới. Sách ngày trước, mép tay trái là gáy sách, mép tay phải xén máy, mép dưới xén máy, còn mép trên để nguyên, sách nào chưa bị rọc ở trên là sách chưa ai đọc, sách nào bị rọc ở trên là đã có người đọc.

Nhưng người chơi sách không phải chỉ quý sách mới mà thôi, những khi mua được một quyển sách cũ, còn quý hơn nữa, hồi đó tôi bắt đầu sưu tầm tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, có những quyển không còn, tôi phải tìm đến những nơi cho mướn sách, mướn phải đóng tiền thế chân, mướn rồi lấy luôn, cũng như mình đi mua một cuốn sách vậy.

Tôi quý những cuốn sách như Truyện Kiều của Nguyễn Du do nhà xuất bản Văn Học ở Paris ấn hành vào thập niên 50, quyển La Sơn Phu Tử của Hoàng Xuân Hản, quyển Sách Học Chữ Nho của Nhà Xuất Bản Tân Dân ấn hành năm 1936, hay quyển Nho Phong của Nguyễn Tường Tam in lần thứ nhất năm 1926, Nhân Tình Ấm Lạnh của Hồ Biểu Chánh do Tín Đức Thư Xả in năm 1928, vài số Tạp Chí Nam Phong …. vậy mà những sách ấy, nay trở thành đống rác.

Ngày trước chắc là tôi phải tiếc lắm, quên ăn mất ngủ vì chúng, nhưng nay thì tôi chỉ tiếc một chút mà thôi, vô thường mà.

Trong đống giấy vụn ấy, cũng còn vài quyển sách còn sót lại, không làm thức ăn cho mối như Vân Đoài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, Đại Cương Triết Học Trung Quốc của Giản Chi - Nguyễn Hiến Lê, Đại Nam Nhất Thống Chí quyển Trung, Pháp Việt Tự Điển của Đào Duy Anh do nhà Minh Tâm Paris ấn hành. Những tờ điệp quy của nhà tôi và các con, do Hòa Thượng Thích Đức Nhuận truyền giới. Trong đó, tôi cũng tìm được một phong bì đựng tem sưu tầm. Đây là thú tiêu khiển tôi học được ở họa sĩ Phạm Thăng.

Khi cầm phong bì tem sưu tầm trong tay, tôi chợt nhớ ra Trần Đình Hùng đang chơi tem, thế là tôi gọi điện thoại báo cho Hùng, tôi đã về tới Sàigòn, đến thăm tôi chơi và nhận số tem tôi vừa tìm thấy. Năm ngoái tôi đã cho Hùng một số tem có dấu ấn hành ngày đầu tiên.

Tưởng cũng nên nhắc lại những ngày đầu Hùng và tôi quen nhau. Hồi đó, sau khi Học Tập Cải Tạo về vào cuối năm 1977, tôi được thu dụng vào làm tại phòng An toàn lao động của Sở Lao Động thành phố Hồ Chí Minh, đây là phòng có hai chức năng, một là đi thanh tra các xí nghiệp về an toàn lao động, hai là xét duyệt các chánh sách về bảo hộ lao động, vế thứ hai này chẳng hạn như duyệt xét cho những đối tượng ngành nghề nặng nhọc, được mua sữa hộp, thịt heo, quần áo bảo hộ lao động …. Trần Đình Hùng, là công nhân viên của Tổng Công Ty Xăng Dầu Miền Nam, đến chỗ tôi làm việc để xin xét duyệt về chế độ bảo hộ lao động, dĩ nhiên là trong giao dịch Hùng biết tên tôi, nhưng không rõ vì sao Hùng lại biết tôi là Huynh Trưởng GĐPT Giác Minh, nên anh chàng ta hỏi thăm tôi có phải là thành viên Giác Minh không và Hùng tự cho tôi biết anh ta là thành viên Giác Minh, thế là chúng tôi quen nhau từ đó. Thật ra, trước đó tôi không biết Hùng, khi tôi là Đoàn Trưởng Thiếu Niên Giác Minh, Đoàn sinh của tôi gồm có Nguyễn Quốc Hùng, Đào Đức Khiết, Quốc, Tưởng (em của nhạc sĩ Y Vân), Tu, Hoài (em rể Đặng Đình Khiết), Bằng, Thanh Vân, Thạch và Vương Nghiêm , Hùng cũng nhắc cho tôi nhớ vợ Hùng là Vũ Thị Nguy em của Nga, cả hai chị em đều là Oanh Vũ Minh Tâm khi tôi làm Liên Đoàn Trưởng ở đó, sau khi tôi về làm Tổng Thư Ký Ban Hướng Dẫn GĐPT/GHTGBVTMN thì cả hai chị em chuyển sang sinh hoạt ở Giác Minh. Hình như Nhạc Lưu thiếu nữ Minh Tâm cũng về sinh hoạt ở Giác Minh từ đó.

Chính sự quen biết với Hùng từ đó chúng tôi thường đi sinh hoạt ở chùa Vĩnh Nghiêm vào những năm tháng khó khăn nhất, anh chị em các Gia Đình Phật Tử Giác Trí do chị Nguyễn Thị Oanh điều động và GĐPT Giác Long do anh Đặng Văn Nữu điều động, hai Gia đình này đi sinh hoạt gồm cả Huynh Trưởng và Đoàn sinh vẫn mặc đồng phục, Giác Minh chỉ có Phạm Minh Tâm, Lê Dương Mỹ, Hùng và nếu phải kể thêm thì có chị Dương và tôi. Nhắc một chút để chúng ta có dịp ôn lại thời gian khó khăn nhất của Phật Giáo nói chung và của Gia Đình Phật Tử nói riêng, lúc nào cũng có những người trung kiên với Đạo.

Nhân đây cho phép tôi kể thêm một chuyện cá nhân. Hồi Học tập cải tạo trong Sơ yếu lý lịch về mục tôn giáo, nhiều anh theo đạo Phật, nhưng học rất thuộc bài về chánh trị do Angel đã nói: “Tôn giáo là liều thuốc phiện”, nên hầu hết không dám ghi mình theo đạo Phật mà ghi là theo đạo “Thờ cúng ông bà”, tôi thì nghĩ là mình nhiều năm đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, cho nên cứ liều mạng ghi là Phật giáo, khi về đi làm tôi cũng tiếp tục trước sau như một, ghi mục tôn giáo là Phật giáo. Một hôm trước ngày Phật đản, anh Trưởng phòng hành chánh gặp tôi nói:”- Tôi nói riêng cho anh biết, anh đừng nói với ai nghe, theo trong Sơ yếu lý lịch anh ghi theo đạo Phật, vậy đến ngày Phật đản, anh được nghỉ một ngày phép, đến ngày ấy anh cứ nghỉ đi chùa, tôi sẽ chấm công cho anh nghỉ phép có hưởng lương.” Tôi hiểu, anh ta làm theo lệnh của Giám Đốc, một anh cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, có đi Liên Xô học, nay trở về nên hiểu người miền Nam, từ đó khoảng năm 1982, 83 cho đến khi đi định cư ở Mỹ, hàng năm cứ đến Phật đản, tôi đều nghỉ một ngày và đi sinh hoạt GĐPT ở Tổ đình Vĩnh Nghiêm.

Thế là chiều hôm ấy, Thứ hai 4-8-2008, Hùng đạp xe đến thăm, không quên mang theo tặng tôi tạp chí Văn Học Phật Giáo, quyển Gươm Báu Trao Tay của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc một tác giả tôi rất thích đọc. Tôi và Hùng rủ nhau ra quán cà-phê nói chuyện, nhà con rể tôi ở trong con hẻm sâu khu Lò da, đi ra đường Âu Cơ hay Lạc Long Quân đều xa, cho nên chúng tôi ngồi tạm quán nước trong hẻm, mỗi người gọi một ly cà phê sữa, Hùng đưa cho tôi mấy quyển sách như vừa kể, tôi cũng trao cho Hùng phong bì đựng tem. Rồi Hùng bắt đầu hạch hỏi tôi về chuyện lúc anh Võ Đình Cường mất, Hùng có viết một Email trên Vĩnh Nghiêm Groups, Hùng cho biết ký tên rõ ràng là Phúc Thiện Nguyễn Đình Hùng, Email ấy viết rất đàng hoàng, nghiêm chỉnh, tại sao Email của tôi viết lại, gọi Hùng là “Hùng chùa”. Tôi trả lời là vì thấy Hùng có dùng biệt danh ấy, nhưng Hùng cho biết, Hùng không hề dùng biệt danh ấy, đó là do chính Dương Thị Mỹ đã dùng. Tôi nghĩ, mình đã làm điều sai lầm nên nói với Hùng:

- Anh xin lỗi Hùng, một anh tưởng Hùng có dùng biệt danh ấy nên anh dùng vì nghĩ rằng dùng như thế cho nó nhẹ nhàng, hai là để không trịnh trọng hóa vấn đề.

- Còn nữa, anh cho biết rằng, anh gần anh Cường hơn em, trong khi em nhà ở gần anh Cường hơn anh mà, em cũng có gặp, tiếp xúc với anh Cường, vậy thì chưa chắc ai hiểu anh Cường hơn ai ?

- Anh nghĩ gần hay xa không phải ở gần hay ở xa, mà gần đây có nghĩa là những cởi mỡ tâm tình, những đối xử với nhau. Dù sao thì anh cũng phải nói thật lòng là anh xin lỗi Hùng vì đã gọi Hùng là Hùng chùa trên Email Vĩnh Nghiêm Groups.

Hùng nói thêm:

- Năm ngoái, anh và em đến thăm anh Lê Cao Phan, hồi anh Phan đi ngoại quốc, em chụp ảnh, đem ảnh đến tặng cho anh Phan, gặp cả chị Lan Hinh, vậy mà anh Phan gặp lại em, không nhận ra em tí nào.

Nay tôi nghĩ ra, một anh Phan vô tình, hai anh Phan cố ý quên đi, như một sự lãng quên thật sự về chuyện tình cảm lãng mạn của những văn nhân thi sĩ, mà anh còn là họa sĩ, nhạc sĩ nữa.

Tôi vào bệnh viện 115, đốt, mỗ nội soi khối u sơ tiền liệt tuyến hôm Thứ năm 7-8-2008, thì hôm sau khoảng 5 giờ chiều Hùng vào bệnh viện thăm. Trong bệnh viện, muốn cho tôi được yên tịnh, con tôi lấy phòng một giường không có, vì những người mỗ thận đã lấy hết rồi, nên con tôi lấy một phòng bốn giường, nhưng chỉ dành riêng cho tôi mà thôi, Hùng vào thăm, nằm lại trong phòng, hai anh em nói chuyện, Hùng đã tỉ mỉ kể cho tôi nghe giai đoạn Dũng đưa Giác Minh sang Việt Nam Quốc Tự, chính Mỹ cũng theo Giác Minh sang sinh hoạt ở đó. Rồi Đặng Đình Khiết và Phạm Minh Tâm thành lập lại Giác Minh, sau dời đến Niệm Phật Đường Khánh Anh trong con hẻm ở đường Trần Quốc Toản xế trụ sở Phong Trào Liên Đới Phụ Nữ. Hùng ở chơi cho đến hơn 8 giờ mới ra về để xem Lễ Khai mạc Olympic Bắc Kinh, vì cái TV trong phòng hình ảnh không được chuẩn.

Sau khi tôi đi Đà Lạt về, buổi sáng bác Tôn Thất Liệu gọi điện cho biết bác đã đi Huế về, muốn đi thăm tôi, tôi trả lời cho bác biết là tôi rất khỏe, đã đi Đà Lạt vì có việc nhờ đến nhờ anh Toàn, xin Bác để tôi nhờ Hùng chở đến thăm Bác.

Tôi gọi điện thoại báo cho Hùng biết. Hôm sau, Hùng chạy xe gắn máy đến để cùng tôi sang thăm Bác, mời Bác đi uống cà phê, chúng tôi đi quanh co trong mấy con hẻm, đến một quán cà phê, thấy có điểm tâm, thế là chúng tôi gọi thức ăn và cà phê, rồi hỏi thăm nhau chuyện GĐPT, chuyện về Hòa Thượng Quảng Độ, Hòa Thượng Thanh Minh, chùa đang xây cất thêm vài phòng ốc, con Bác Liệu là một Kiến Trúc Sư nên đã đến giúp chùa trong việc xem bản đồ, kiểm tra vật liệu, chất lượng xây cất, quý Thầy thỉnh thoảng gửi quà biếu Bác, nếu con trai Bác không đến, Quý Thầy cho người ở chùa mang đến. Thầy Quảng Độ dặn Bác nên tránh đến thăm Thầy, nếu không thật cần thiết phải đến.

Cô Oanh cũng có ý muốn tổ chức anh, chị, em gặp tôi, nhưng bận đi Trại ở miền Trung. Gần đây có người ghét tôi, viết Email riêng cho tôi, Chủ đề: Viết bậy. Nội dung đại khái : “ … về Việt Nam được người ta cho ăn uống rồi viết bậy, Gia Đình Giác Hạnh đã nghỉ sinh hoạt từ lâu, Gia Đình Giác Long cũng nghỉ sinh hoạt từ lâu ….”, nghĩa là hai gia đình đó nghỉ sinh hoạt mà tôi viết là có sinh hoạt. Về vấn đề này, tôi nhớ rõ là tôi có viết bài đăng trên Bản Tin, nói lần ấy tôi về, Bác Liệu có tổ chức anh em gặp tôi tại Phở Hòa, lúc gần ra về, anh chị Liên Đoàn Trưởng GĐPT Giác Hạnh đến tìm gặp anh Nữu, rồi ngay sau đó chia tay nhau, chị Liên Đoàn Trưởng ấy còn đứng chờ tôi tại cửa ra vào, nhờ tôi nói lại với anh Ngô Mạnh Thu, chị ấy có lời xin lỗi anh Thu, còn Giác Long có sinh hoạt hay không, có nhiều hình ảnh trong tập Kỷ Yếu GĐPT Vĩnh Nghiêm do anh Tuệ Linh và tôi đã làm, cũng như ngay trong Trang Web này. Hơn nữa có nhiều người biết về hai Gia Đình này. Không phải tôi sợ người ta chửi, vì về Việt Nam được anh em đãi ăn, năm ngoái tôi đã mời anh chị em Vĩnh Nghiêm ăn ở nhà hàng Cát Tường. Còn năm nay tôi bận.

Tôi có nói với Hùng, tôi bị người ta chửi tôi, Hùng muốn xem những Email ấy, tuy tôi đã giữ lại hết nhưng Tình Lam mà, đáng thương hơn là đáng giận, đáng ghét. Bởi vì người khôn ngoan sẽ không bao giờ làm vậy, người ta phải “Ngọt mật, chết ruồi”.

Còn Nữu, tôi muốn gặp mà không có thì giờ, Nữu đã theo dự khóa Huấn Luyện Đội Chúng Trưởng Ca Diếp II năm 1960 và trúng cách Huynh Trưởng từ Trường Đào Tạo Huynh Trưởng A Dật Đa, nghe đâu Nữu đã bị người ta lường gạt mất một số tiền khá lớn, việc làm ăn trở nên khó khăn, tiếc tôi không có thì giờ thăm Nữu.

Tôi có hỏi thăm Phúc Ân Nguyễn Huy Nghiễn, Hùng cho biết lâu rồi không gặp anh Nghiễn, trong những anh em A Dật Đa, Nghiễn và tôi đã cộng tác với nhau trong công việc đào tạo lâu dài, nào là từ Ca Diếp II cho đến các khóa A Dật Đa, Nghiễn còn đặc biệt tăng cho tôi một tập Copy Tài Liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng A Dật Đa, quyển cuối cùng của tôi có, đã đưa cho Chị Lê Thị Trà khoảng năm 1979 hay 80, vì chị Trà xin tôi để gửi cho Chị Lê Thị Dung cần sinh hoạt trong những ngày đầu trên đất Mỹ, nên tôi quý quyển Copy của anh Nghiễn cho vì anh vừa tốn công vừa tốn của.

Trên đường về, Hùng chở tôi đến nhà sách Trí Tuệ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, gần tháp kỷ niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức, nơi ngã tư đó, hơn năm nay người ta phá cây xăng để xây đài tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức, nhưng nay nó là công trình treo, tức là không tiến thêm bước nào nữa, cho nên không biết đến bao giờ hoàn thành. Nhà sách Trí Tuệ chuyên bán kinh, sách, tranh ảnh, đĩa DVD Phật Giáo, tôi và Hùng lựa mua vài cuốn sách rồi Hùng đưa tôi về nhà.

Khi chia tay, Hùng nói thêm:

- Khi nào rãnh hay cần đi đâu, anh gọi cho em biết nếu tiện anh và em đi thăm Thầy Tuệ Sỹ.

Tôi biết Hùng muốn đưa tôi đi thăm Thầy Tuệ Sĩ, để Hùng có dịp gặp Thầy như đã gặp anh Phan năm ngoái. Lần này, tôi rất muốn đi thăm Thầy Tuệ Sỹ nhưng tôi không thể đi được vì chuyện tôi đứng ra ấn tống sách Nhân Quả Đồng Thời của Giáo sư Nguyễn Văn Hai tại Mỹ, còn Thầy Tuệ Sỹ muốn để Thầy in ở Việt Nam khỏi ấn tống ở Mỹ. Nay sách đã ấn tống ở Mỹ và cũng đã in ở Việt Nam, chuyện này giữa hai vị có điều lấn cấn nhau, tôi ở giữa, nếu gặp Thầy, Thầy hỏi tôi không biết trả lời sao, nếu nói thật, tôi không được phép nói, nếu nói cho Thầy hoan hỷ, tôi phạm giới, thôi thì hãy để cho thời gian phôi phai, năm sau thăm Thầy thì “Cái gì của Cesear hãy trả lại cho Cesear …”

Tôi có thăm Roãn Thái Quyết, một khóa sinh A Dậtt Đa I, gặp nhau tại cửa hàng sửa chữa, bán đồng hồ hiệu TRUNG của anh cạnh nhà hàng Văn Cảnh, gần chợ Bến Thành. Ngồi chơi với anh gần một tiếng đồng hồ, thăm hỏi sức khỏe của nhau, anh và tôi có nhiều kỷ niệm, tôi đi Sĩ Quan Quân Cụ, anh đi Thẩm sát Viên Cảnh Sát, gặp nhau ở miền tận cùng đất nước Cà Mau. sau bao năm tháng chiến tranh, đổi đời, nay ai tuổi cũng cao, gần đất xa trời, có dịp sao lại chẳng thăm nhau ?

No comments:

Post a Comment