Pages

Tuesday, December 31, 2013

Chúc Mừng Năm Mới 2014



Chúc quý vị một năm An Khang, Thịnh Vượng, Hạnh Phúc


Sống ở đời



Có ít nhất hai người báo cho tôi tin ca nhạc sĩ Việt Dzũng đã qua đời, trong khi tôi vừa được xem tin từ đài SBTN thông báo.


 Với Việt Dzũng, từ trước tôi chỉ biết anh là ca nhạc sĩ, cộng tác với đài SBTV, với đĩa nhạc Asia.


Nhớ lại lúc ở Việt Nam, trước khi định cư tại Mỹ năm 1991, tôi đã nghe bài hát Một chút quà cho quê hương qua làn sóng của đài VOA, tôi không nhớ lần đầu tiên đó là vào tháng, năm nào. Bài hát cho tôi nhiều cảm xúc, tôi cũng không hiểu nhạc sĩ sáng tác là ai, chỉ biết rằng là một nhạc sĩ ở hải ngoại.

Cho đến khi định cư ở xứ người, lần đầu tiên tôi xem Việt Dzũng và Minh Phượng giới thiệu chương trình ca nhạc của Asia. Sau đó mới biết tác giả Một Chút Quà Cho Quê Hương là Việt Dzũng. 


Thấy có những khi anh trình diễn hoặc làm MC, anh chỉ đứng yên một chỗ, về sau này trong những lần tổ chức “Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh”, mới biết Việt Dzũng phải sử dụng đôi nạng để di chuyển. Một người bình thường hoạt động còn bị nhiều hạn chế, trong khi anh tật nguyền lại hoạt động nhiều lãnh vực như văn nghệ, tham gia các hoạt động xã hội, truyền thông, báo chí, mỗi lãnh vực Việt Dzũng đều thành công.


Sau khi Việt Dzũng nằm xuống, có người cho biết Việt Dzũng là con của bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy. Oái oăm thay! Con của bác sĩ, nhưng anh đã bị chứng sốt tê liệt, nên bị liệt hai chân từ khi còn nhỏ. Bác sĩ Bảy nếu tôi nhớ không lầm, ông nổi tiếng từ năm, sáu mươi năm trước, do thỉnh thoảng ông có viết bài trên báo hay trả lời cho độc giả về vấn đề y tế.

Những cái biết của tôi sau cùng thì nhiều quá! Việt Dzũng là em kết nghĩa của MC Minh Phượng, ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh. Đôi ca sĩ này đã đi nhiều nơi trên thế giới để đem tiếng hát cổ động, đòi hỏi cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.


Đêm Thứ Sáu 27-12-2013, tại Hội trường Đài SBTN đã làm lễ Tưởng niệm Ca nhạc sĩ Việt Dzũng, nhiều MC, ca sĩ đã tham gia, hoặc phát biểu những cảm nghĩ, những kỷ niệm Việt Dzũng đã để lại trong lòng họ, họ nghẹn ngào, nhất là Đỗ Tân Khoa và Thùy Dương.  


Thùy Dương trong chương trình Life Style sau đó, nhiều lần cô nghẹn ngào không thể nói, không thể cầm nước mắt, trong chương trình Tiếng Tơ Đồng, Ngọc Đan Thanh ca hai câu vọng cổ do cô sáng tác nói về Việt Dzũng, cô cũng nghẹn ngào, không cầm được nước mắt.

Lễ viếng tang, mặc dù Cáo Phó xin miễn vòng hoa, nhưng có rất nhiều vòng hoa phúng viếng, gia đình xin miễn phủ quốc kỳ với lý do đó là danh dự cao quý dành riêng cho người Chiến sĩ tử trân ngoài chiến trường, nhưng nhận quốc kỳ đặt trên người của Việt Dzũng. 


Không kể cá nhân rất nhiều đoàn thể đã phúng viếng vòng hoa, đã có mặt thắp nén hương cầu nguyện.


Trong buổi lễ cầu nguyện ở nhà thờ, người có đạo, người không đạo và những người Phật giáo cũng tham dự để góp lời cầu nguyện cho Giuse Gioankim Nguyễn Ngọc Hùng Dũng lúc 10 giờ 30 ngày 30-12-2013 tại nhà thờ Thánh Linh (Holy Spirit Chatholic Church) 



Và đã an táng vào lúc 12 giờ 30 cùng ngày tại Nghĩa trang Chúa Chiên Lành (God Shepherd Cementery). 


 Rất nhiều người ca ngợi, mến yêu, thương tiếc Việt Dzũng, cho người ta thấy sống cho có ý nghĩa, một mai lìa bỏ cõi đời, để lại bao nhiêu thương tiếc cho người khác. Đó mới là điều đáng nói, khó làm. Vậy mà Việt Dzũng đã làm được việc đó.



Wednesday, December 18, 2013

Nhớ về Sàigòn



Tôi trở về nhà được 1 tuần, sau khi ở đó gần hai tháng, cho nên có những lúc tôi nhớ tới thân nhân, bạn bè. Không nhớ sao được khi chúng ta có những kỷ niệm đẹp và biết bao điều chướng tai gai mắt.

Tôi nhớ tới những quán cà phê, cái không khí ấm cúng, thân thiện cùng với bạn bè kể cho nhau nghe những chuyện trên trời, dưới đất, hầu hết đều tránh kể chuyện thời sự chánh trị bởi vì nó có họ tên “Vũ Như Cẩn”, người dân rất thờ ơ với sự sửa đổi Hiếp Pháp năm 2013, có 486 đại biểu thuận, còn 2 đại biểu không nhấn nút điện tử thuận hoặc chống, trong số 2 đại biểu này có Dương Trung Quốc.

Sàigòn có thương hiệu cà phê Starbucks trong khách sạn nằm trên đường Pasteur trước Toà Đô Chánh cũ, tôi không rõ giá bao nhiêu cho ly cà phê đen, tôi uống ở vỉa hè quán “cây tre” trên đường Lạc Long Quân, Tân Bình, quán có ca nhạc trên đường Nguyền Đình Chiểu, Bàn Cờ giá ly cà phê đen từ 10 ngàn đến 70 ngàn, có một lần uống cà phê quán Suối Đá trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đối diện với Viện Pasteur và G coffee tại ngã tư Mạc Đỉnh Chi - Tự Đức ở Đất Hộ, do một người bạn mới quen biết mời, nên tôi không rõ giá cả.

Thường cà phê họ pha đặc quánh, chỉ cần uống một ly đen trước bữa ăn, ngồi vào bàn ăn không muốn ăn vì cảm thấy no ! Màu cà phê đen nhạt hay sậm tùy theo cách rang cho hạt cà phê màu nâu hay đen. Còn muốn cho cà phê đặc quánh chừng 50 năm trước, người ta pha thêm một chút cao khô rang cháy, tán thành bột trộn với cà phê.

Về ăn nhậu thì khỏi chê, năm 2011, thế giới tiêu thụ 182 tỉ lít bia, trong đó Việt Nam tiêu thụ trên 2 tỉ lít. Các nhà máy sản xuất bia tại Việt Nam dự trù Tết Giáp Ngọ 2014 sẽ sản xuất 500 triệu lít bia. Dân số Việt Nam đã đạt 90 triệu vào ngày 1-11-2013 như vậy bổ đồng Tết này mỗi người Việt Nam tiêu thụ chừng 5.5 lít bia !


Dân số Sàigòn theo Cục thống kê vào ngày 1-4-2010 là 7,382,287 người, trên địa bàn 19 quận, huyện: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Tân. Sàigòn chiếm diện tích 2,095.6 cây số vuông, mật độ 3,996 người trên cây số vuông (vào năm 2012 dân số là 7,750,900 người).

Xe gắn máy khoảng 5,6 triệu, không kể có chừng 1 triệu xe ở các tỉnh khác, đem vào Sàigòn sử dụng, trong quí 1 năm 2013, cả nước có 2,033,265 xe hơi, xe đạp rất hiếm, có thể bình quân mỗi người dân Sàigòn sử dụng 1 chiếc xe, cho nên giờ đi làm hay giờ về xe chạy như mắc cửi, nhiều giao lộ có cầu vượt nhưng cũng không giải quyết được nhiều nạn kẹt xe. Người ta tranh nhau luồn lách, cho nên va chạm đưa đến cãi vã, gây ấu đả là thường.

Ra đường, thấy người khác chạy xe bóp còi “chướng tai, gai mắt”, muốn được yên than không nên nhìn họ, không nên phê phán, tôi từng nghe bên tai một thanh niên phát ngôn với người lớn tuổi: “Đ. M. thằng cha già kia nhìn cái gì, muốn tao lấy mũ bảo hiểm đập cho bể đầu không ?” !!!!

Đường xá thì không ổ gà cũng chấp vá, khó mà tìm được con đường êm ái.


 Còn người chạy xe gắn máy thì, chạy xuôi cũng được mà chạy ngược chiều cũng xong, đèn xanh chạy là phải mà đèn đỏ cùng cứ chạy, nói theo ngôn từ Việt Nam ngày nay là “đèn đỏ chạy vô tư” !!! Có bản cấm cũng cứ chạy, nhất là trên cầu vượt Cây gõ phía Phú Lâm.

Còn về ăn uống thì khỏi phải nói, từ trái cây cho đến rau cải hầu hết đều có thuốc tăng trưởng, ăn thức ăn chẳng khác nào đưa hóa chất độc vào người.

Có người cắc cớ hỏi tôi: “Ngày xưa, chừng 50 năm về trước, người ta ăn uống không hề có hóa chất độc, sao tuổi thọ chỉ chừng trên 60, ngày nay ăn uống nhiều chất độc sao tuổi thọ trung bình trên 70 ?”

Tôi chỉ đáp theo sự hiểu biết của mình: “Do ngày nay khoa học tiến bộ, người ta biết chữa trị theo y khoa, nhờ đó kéo dài tuổi thọ, còn hóa chất độc đưa vào thân thể nhiều sanh ra nhiều tật bệnh chẳng hạn như ung thư, viêm gan, tai biến mạch máu não, đột quỵ …” bệnh viện trở nên quá tải.
 


Sàigòn ngày nay có những cao ốc xen lẫn với những căn nhà ổ chuột, nhiều người cố cựu đã bán nhà, mua căn nhà khác khang trang hơn đôi chút, họ có dư chút của nhưng dời xa ra khỏi trung tâm thành phố, năm bảy năm không gặp nhau, tìm thăm họ đã bán nhà dời đi địa chỉ khác rồi, đôi khi mất luôn liên lạc.

Đường xá, số nhà ghi theo từng Phường, cho nên đi tìm nhà không phải dễ dàng, trên đường Lê Văn Sỹ có ngõ hẻm số 331, gần đường Trương Tấn Bửu, nhưng ngõ hẻm số 333 phải qua khỏi Nhà thờ ba chuông, hai số đó thay vì liền nhau, lại cách nhau chừng 2 cây số. Tôi không tìm thấy hẻm 333, phải hỏi thăm một người xe ôm gát xe tại đây, ông ta vui vẻ chỉ dẫn: “Chạy tiếp qua khỏi 2 cây đèn xanh đỏ thì tới”.

Về điện thoại thì cũng hơi rắc rối, số di động có tới 10 hay 11 số, nhưng số để bàn chỉ có 8 số, từ điện thoại di động gọi sang số để bàn phải thêm 08 hay 09, tùy vùng tôi hỏi một người: “Sao điện thoại không thống nhất, dùng 10 số cho tất cả, phải dễ dàng không ?” Được trả lời: “Dùng 8 số cho tiện, khỏi quay nhiều số”. Nhưng bất tiện cho những người không quen dùng, phải quay thêm số 08 hoặc 09.

Sống ở Sàigòn gần 2 tháng, nhưng tôi luôn luôn nhớ về Sàigòn những năm 1960, Sàigòn hiền lành, êm ả như dòng nước chảy xuôi. Đường Lê Lợi đó, đường Tự do đó, đường Nguyễn Huệ đó, nhưng chúng không còn như xưa. Không còn hình ảnh người thiếu nữ đội nón lá, chạy xe Vélo Solex, tà áo dài trắng bay là đà bọc gió…


Lou. 18-12-2013

Gặp lại Lưu Nhơn Nghĩa



Năm nay về Việt Nam, xe tôi đi có chạy ngang qua Tri Tôn một lần, mấy năm trước đi Hà Tiên về xe cũng chạy ngang qua Tri Tôn, mỗi lần như vậy, tôi đều nhớ tới Lưu Nhơn Nghĩa, nhớ tới Trại hè học sinh toàn quốc năm 1956, anh và tôi cùng dự với rất nhiều học sinh Thủ Khoa Nghĩa, Nam, Nữ Tiểu học Châu đốc do Huấn luyện viên Trần Văn Ngà hướng dẫn.

Kỷ niệm với anh đáng nhớ là Vân với tôi đứng gác cổng ra vào của Trại hè, Nghĩa không có phận sự nhưng ra chỗ chúng tôi trò chuyện cho vui, khi ấy có con chó con lông xù trắng, đốm đen, tôi lấy chân đùa nghịch với nó không sao, nhưng đến Nghĩa bị nó cắn vào đầu ngón chân chảy máu, phải đưa đi bệnh viện Vũng Tàu, rồi hàng ngày phải chích thuốc vào bụng, lúc trại hè giải tán, anh chưa chích đủ thuốc, phải cầm giấy về bệnh viện Châu  Đốc chích tiếp cho đủ 21 liều.

Từ giả nhau năm đó, năm sau tôi lên Sàigòn học, nên không gặp lại Lưu Nhơn Nghĩa, Vân, Điệp, Nam, Năm …

Lần này về Sàigòn, tôi vào nhiều nhà sách khác nhau để tìm tài liệu viết về Văn Học Việt Nam sau 1975, tôi đã vào nhà sách Fahasa ở đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi (Khai Trí cũ), nhà sách Nguyền Văn Cừ trên đường Nguyễn Văn Cừ, nhà sách Nhân Văn trên đường Hòa Bình, Tân Bình và một hôm vào nhà sách Nguyễn Văn Cừ trên đường Hùng Vương ở vòng xoay Cây Gõ, thấy có quyển Như Cánh Chuồn Chuồn của Lưu Nhơn Nghĩa, tôi lấy từ giá sách, lật ra đọc sơ rồi để lại vì không có ý định mua, chỉ muốn đi tìm sách Đường Xa Nắng Mới của Nguyễn Tường Bách, con tôi gọi điện từ Mỹ về nhờ tìm mua.

 

Đến ngày cuối cùng, tối lên máy bay, buổi sáng tôi quyết định trở lại nhà sách mua quyển Như Cánh Chuồn Chuồn, vì tôi vẫn thích đọc sách hơn là đọc trên ebook hay trên mạng, hơn nữa đường bay từ Sàigòn tới Tokyo 6 giờ bay, từ Tokyo tới Dallas 11 giờ bay, ở mỗi phi trường phải chờ đợi 5, 6 giờ có sách đọc vẫn thích hơn là nhìn cảnh “ông đi qua bà đi lại”.

Sách chỉ có 253 trang khổ 13 X 19 cm gồm có 14 truyện, do tôi lật sách ra thấy truyện Bốn năm với trường trung học Thủ Khoa Nghĩa, thoáng nhìn thấy nói tới người Hiệu trưởng đầu tiên là ông Phạm Ngọc Đa, cũng có lien quan tới cây Bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng Châu Đốc, nên tôi đọc trước. Vì vậy, có lẽ nên nói thêm cho rõ phần này.

Theo tôi biết, ông Phạm Ngọc Đa là con ông huyện Phạm Ngọc Thố, thuở thiếu thời học ở trường Chasseloup-Laubat, ra trường năm 1921, làm giáo viên rồi Hiệu Trưởng Thủ Khoa Nghĩa, rồi Hiệu Trưởng Trường Nữ tiểu học Châu Đốc.

Ông là người đầu tiên gia nhập Hội Thông Thiên Học Pháp quốc vào năm 1925, từ đó ông học hỏi, dịch sách để truyền bá Thông Thiên Học tại Việt Nam. Năm 1952, hội Thông Thiên Học Việt Nam được chánh phủ Việt Nam cho phép thành lập, ông Phạm Ngọc Đa là Hội Trưởng, ông Mai Thọ Truyền Phó Hội Trưởng và ông Nguyễn Văn Lượng là Thư Ký.

Năm 1951, ông Phạm Ngọc Đa được hội Thông Thiên Học ở Ấn Độ tặng riêng cho ông một cây Bồ đề, giống từ cây Bồ đề Đạo Tràng Ấn độ, do bà Nguyễn Thị Hai nhân đi sang Ấn Độ học giáo lý Thông Thiên Học mang về.

Ông Phạm Ngọc Đa được ông Đặng Văn Lý tỉnh trưởng Châu Đốc cấp cho mảnh đất ngay trung tâm thành phố để trồng cây nầy, đêm trước khi trồng, cây bồ đề bị người ta chặt đứt lìa thân cây, nhưng ban tổ chức dùng dây kẽm giữ cho cây đứng yên trong chậu, đem lên xe hoa diễu hành quanh châu thành trước khi hạ thổ, noi theo tích xưa, người ta dùng sữa tươi tưới cây, về sau gốc cây đâm ra bốn tược, có người cho đó là tượng trưng cho Tứ diệu đế, giáo lý nhà Phật.

Muốn hiểu về Xà Tón hay Tri Tôn, về xã hội người “Tiều” ở vùng Thất Sơn, tưởng nên đọc quyển Như Cánh Chuồn Chuồn của anh, Tôi thích truyện Như Cánh Chuồn Chuồn, anh ghi âm mấy bày trong Kinh Thi, cho tôi biết âm “Tiều” và âm “Hán Việt” là những biến âm rất gần nhau, thứ nữa là một chuyện tình buồn giữa cô nàng Sóc Lếnh (Thục Linh) và chàng Dìn Nghĩ (Nhơn Nghĩa).

Tôi thích đoạn kết của truyện Con Đường Cũ:

Tôi dắt chiếc xe đạp lẫn lộn nhóm học sinh, tìm cách làm quen. Học sinh đi từng nhóm, sử dụng ngôn ngữ "thông dụng" với nhau như tiếng đệm bình thường trong mỗi câu nói, lập đi lập lại nghe ngộp thở.  Dù tôi có thời dùng nó trong lính, nhưng chắc không bao giờ dám dùng trên đường tới trường. Tôi bạo dạn hỏi: "Sao mấy cháu chưởi thề nhiều quá vậy ? ".  Mấy đứa bé nhìn tôi cười vui vẻ, pha trộn chút thái độ sành đời, ngước mặt vén hất, hãnh diện " Học sinh Thủ Khoa Nghiã mà chú ". Máu lính  ngày trước trào lên cổ tôi  bất ngờ, không kềm hãm kịp, " Ê, ĐM mầy, tao cũng Thủ Khoa Nghĩa đây nghe".”

Lưu Nhơn Nghĩa có một bút pháp khá đặc biệt, câu văn ngắn nên không nhẹ nhàng, nhưng cũng không nhát gừng, nó chỉ gãy gọn, làm nên tên tuổi Lưu Nhơn Nghĩa. Tôi đã đọc hết quyển truyện, nghĩ đến anh người tài hoa mệnh đoản.
Louisville 17-12-2013

Tuesday, December 10, 2013

Thăm người quen cũ



Sau khi dự Họp mặt tất niên với các đồng môn Cao Thắng, từ đường Lê Hồng Phong tôi cuốc bộ qua đường Lý Thái Tổ để vào chung cư Nguyễn Thiện Thuật tìm thăm anh Trần Văn Sáng, nguyên Tổng Giám Thị Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ.

Ngày Thứ Sáu 6-12-2013, nhà tôi và tôi đã đến chung cư Nguyễn Thiện Thuật tìm anh ở số 311 Lot D. Căn chung cư đang sửa chữa, hỏi thăm mấy căn nhà khác, chẳng ai biết, có người chỉ nhà tổ trưởng để hỏi thăm, nhưng tiếc thay ông ta đi làm chưa về, tôi nhớ hôm Họp mặt truyền thống NTT-PĐP, tôi có gặp Trần Văn Nhựt, con anh Sáng, tôi có ý định thăm anh nên đã hỏi thăm, Nhựt trả trời “ Dạ! Ba em vẫn còn ở chỗ cũ”. Tôi đinh ninh trong trí chỗ cũ là 311 lot D, nay không tìm được anh, chúng tôi đành phải ra về.

Thứ Bảy 7-12-2013, các em cựu học sinh đến nhà dùng cơm, hỏi Nguyễn Văn Tịnh, anh cho biết 311 lot C, Tịnh còn cho biết thầy Trần Văn Sáng chân yếu, nên không đi đâu.

Cho nên hôm nay Chủ nhật 8-12-2013, nhất định tôi tìm được anh. Quả thật vậy! khi tôi đến nơi, người nhà cho biết anh đang nghỉ trưa, anh được đánh thức dậy để tiếp tôi.

Trông anh, nước da không còn sạm nắng, người có bề thế hơn xưa đôi chút, điều đó chứng tỏ anh thiếu vận động, anh cũng cho biết đi xuống, đi lên thang lầu khó khăn, chỉ khi nào nhớ quán cà-phê mới xuống núi một lần.

Tôi chào anh ra về, đi qua mấy căn nhà, tôi chợt nhớ chưa chụp với anh tấm ảnh, cho những người quen biết, các em cựu học sinh trông thấy dung nhan thầy Tổng Giám Thị, tôi quay lại chụp với anh tấm ảnh.


 Cũng trong khu nầy, tôi nhớ có anh Đỗ Lợi Sanh và chị Cung Thị Lan Phương, tôi quyết định đi thăm, cũng do không nhớ địa chỉ, chỉ nhớ anh chị không ở chung cư, ở căn nhà gần chung cư, thế là tôi đi loanh quanh, cuối cùng tôi thấy có một căn nhà, có hai lớp cửa, lớp cửa ngoài có đặc điểm khác hơn các căn nhà khác, tôi hỏi một người bán chè gần đó, bà ta cho biết đó là nhà của ông Sanh và bà Lan Phương. May quá tôi đã tìm đúng nhà.

Nhà không chuông, cửa ngoài đã khóa, tôi gọi, tôi vổ vào tấm tôn cửa ngoài, không nghe tiếng trả lời. Bên kia đường có người đàn bà còn trẻ, bán hàng ăn đi qua giúp gọi chủ nhà: “- Chị Lan Phương ơi có khách!”

Nhờ vậy, chị hé màn nhìn ra, ngờ ngợ rồi nhận ra tôi, chị vui vẻ mở hai lần cửa mời tôi vào.

Chị hỏi sao tôi biết nhà chị mà đến thăm, tôi cho biết, bốn hay năm năm trước tôi đến thăm vào buổi trưa, sau khi anh chị đi ăn cưới mới về tới nhà. Chị cho tôi biết chắc là lâu hơn, vì sau đó chồng chị, anh Sanh nằm một chỗ trong bảy năm, rồi bỏ chị đi đã 9 tháng rồi.

Tôi thật không ngờ, vậy lần trước tôi thăm anh chị phải 8, 9 năm rồi, hỏi chị sống với cháu nào không ? Chị cho biết với cậu con trai út và chị chỉ trên tường treo ảnh đứa cháu nội của chị chừng 10 tuổi.

Tôi hỏi thăm Đàn, em của chị, tôi nhớ xưa vào những năm 1960, Đàn từ Đà Lạt xuống Sàigòn, có ghé chùa Giác Minh, nhờ đó chúng tôi có quen biết nhau. Chị Lan Phương cho biết thêm Đàn có dạy ở Đại học Harward, nay đã về hưu, các con Đàn đều học ở Harward, nay đã thành đạt cả.

Nhớ lần trước, chị có cho biết về Tôn Thất Sỹ, lần này hỏi lại, chị cho biết anh ta làm việc ở Côn Sơn, sau 30 tháng 4 năm 1975, bị bắt rồi biệt tâm mất tích.

Thăm  chị khá lâu, thấy sức khỏe chị tốt, tuy đi lại hình như có khó khăn, tôi quên hỏi thăm về việc này.


 Nhớ lại ngày xưa, anh Trần Văn Sáng, ông Bùi Khắc Triệu là Giám thị và tôi cứ giờ ra chơi của học sinh là đi ra quán Út Bạch Lan ở đình Tân Kiển tại ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tự Đức uống cà phê, Ông Triệu mất ở Pháp cũng đã lâu. 

Còn chị Cung Thị Lan Phương đẹp người, đẹp nết, giọng dịu hiền có lúc sinh hoạt chung ở GĐPT Giác Minh. 

Ngày nay tuổi mỗi người đều cao, anh Sáng 82, chị Lan Phương 76, sống đếm từng tháng cho nên đi lại thăm viếng nhau, để biết mỗi người vẫn còn hiện hữu, tuổi cao ai cũng sống làm bạn với tật bệnh hàng ngày. Mong cho bạn bè ngày ngày được an vui.
Sg. 8-12-2013