Pages

Friday, January 31, 2014

Nguyên đán Giáp Ngọ - 2014


Sáng Mồng Một tại nhà


Gia đình với con trai và con gái

 
Với con gái út 


Hai anh em


Cùng nhau di chùa

  
Trong sân chùa


Lễ Phật

 
Ăn bánh, uống trà

Dĩa trái cây

Monday, January 6, 2014

Một mùa Đông khắc nghiệt trên vùng đất Mỹ



Theo dự báo thời tiết, hôm nay 6-1-2014, nhiệt độ xuống âm 100 F, hôm qua con trai tôi cho biết, trường các cháu sẽ đóng cửa, nên sẽ gửi hai đứa cháu nội cho nhà tôi trọn ngày.

Đứa cháu nội gái là chị lớn, năm nay được 11 tuổi, mỗi khi sang ở nhà với chúng tôi, đều thích ăn cháo nấu với Grillers Orginal chay, cho nên sáng sớm nhà tôi đã thức dậy, bắt nồi cháo cho cháu nội sang ăn sáng và cả ngày, cháu vẫn thích thế.

Nhà tôi đợi mẹ các cháu đưa sang, không thấy nên gọi điện thoại hỏi, mẹ cháu cho biết đã xin công ty, được làm việc ở nhà để trông nom các cháu. Biết thế, nhà tôi nhờ tôi mang cháo sang nhà cho chúng ăn. Cẩn thận, nhìn thời tiết trên máy vi tính thấy – 10 F (tương đương với khoảng âm 190 C), tôi trang bị bằng cách mặc ấm, còn đội mũ, mang găng tay.

Ra tới xe, mở khóa được nhưng không mở cửa xe được vì nhiệt độ xuống thấp, cửa xe bị dính lại, thêm cái lạnh giá rét của gió, tôi đành quay vào nhà, ngồi trong nhà nghe gió rít từng cơn.

Nghĩ đến những người nghèo khó, những kẻ không nhà (homeless), họ phải chịu giá rét, khốn khó, không phải chỉ có người lớn mà còn trẻ con. Cho nên mùa Đông một số có phương tiện họ di chuyển xuống phía Nam cho được ấm áp, họ khác nào như những bầy chim di chuyển trốn lạnh, tìm cái ăn.

Không đi đâu được, tôi lang thang trên mạng, đọc được bài của Văn Quang viết về những vụ cướp giật, lọc lừa của vài tài xế Taxi, chủ khách sạn, ngưòi buôn bán … ở Hà Nội, Nha Trang, Sàigòn. Tôi mới từ Sàigòn về chưa đầy tháng nay, những chuyện đó đọc báo có thấy hàng ngày xã hội nhiễu nhương, còn bản thân tôi chỉ bị phiền.

Khi vào Việt Nam bị an ninh cửa khẩu Tân Sơn Nhất giữ hơn nửa giờ, để điều tra về vấn đề an ninh, tôi không liên can, dính dấp tới bất cứ câu hỏi nào, cuối cùng họ hăm dọa tôi nếu tham gia đảng phái, lần tới sẽ không cho về ! Và khi tôi đi ra, nhân viên VietNam Airlines bắt tôi đóng 151 US$ để đổi ra 150 US$, tôi hỏi sao phải đóng thêm 1 US$, cô ta trả lời : “Ở đây thu tiền VN$, nên tính theo hối xuất”. Tôi đáp: “Tôi đóng dollar chớ tôi đâu có đóng tiền Việt Nam”. Cô ta im lặng ghi phiếu cho tôi 150 US$. Trong khi nhận của tôi 151US$ !!!!!!!

Tôi cũng vô tình đọc được mấy bài thơ của Chế Lan Viên, trong tập sách do tôi biên soạn Hai Mươi Năm Văn Học Miền Bắc 1954-1975, không có ai ở gần để chia sẻ, tôi đọc cho nhà tôi nghe, để thưởng thức nhà thơ lớn của Việt Nam ta, nhà thơ tiền chiến, sống ở miền Bắc. Xin mời đọc.

Ai? Tôi!
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi! Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười
1987
Bánh vẽ

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai nhồm nhoàm
(“Prométheé 86”, Văn học và Dư luận, 8-1991)

Ngày 6-12-2013 một cơn bão tuyết ở miền Đông Bắc Mỹ, nay một đợt lạnh lại đến trong ngày 6-1-2014, nhưng theo kinh nghiệm, tháng 2 mới là tháng lạnh nhất của mùa Đông, mong rằng thời tiết sẽ không quá khắc nghiệt, để cho những người nghèo không phải chịu vô vàn khó khăn trong đời sống của họ.

Vài lời dặn dò khi du lịch Việt Nam



Bài đăng trên Thời Báo của Văn Quang

 Hình 1- Các hàng rong vây kín khách du lịch ở Hà Nội

Tôi không rõ bạn đọc bài này vào ngày nào, trước năm 2013 hay đầu năm 2014, nhưng dù vào thời gian nào trên đây, cũng chưa đến Tết Nguyên Đán, xin gọi nôm na là “Tết Ta”. Trong khoảng thời gian từ “Tết Tây” đến “Tết Ta” cách nhau đúng một tháng, rất có thể một số bạn đọc hoặc có người nhà, bạn bè về Việt Nam thăm nhà, ít có bạn về Việt Nam du lịch bởi bạn ở nước ngoài thiếu gì chỗ để đi du lịch. Cho nên hầu hết người nước ngoài gốc Việt về Việt Nam là những cuộc viếng thăm không thể không có. Ví như các con tôi, không thể không về thăm bố. Ví như có cha mẹ, anh em đau ốm hoặc “ra đi”, không thể không về. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, bạn vẫn có thì giờ đi thăm thú một vài nơi, đi tìm lại những kỷ niệm vàng son một thời xa xưa.
Những điều tôi sẽ tường thuật với bạn đọc trong bài này chỉ có ý nhắc nhở bạn về những điều đã và đang xảy ra mà các bạn cần đề phòng trong dịp “Tết Ta” này nếu có việc phải về Việt Nam.
Tôi không có ý nói xấu xã hội mà tôi đang sống. Tôi chỉ nhặt ra những “hạt sạn”, những “bụi bẩn” làm xấu mặt con người và làm hình ảnh xã hội Việt Nam trở nên bất an với toàn thể du khách. Hy vọng từ mỗi con người đến những cơ quan có trách nhiệm với văn hóa dân tộc nhìn rõ từng vấn đề kịp thời chấn chỉnh, đừng để mọi người dân Việt Nam cùng chịu cảnh “mất mặt” như thế nữa.

An toàn để lên hàng đầu
Tôi dùng chữ “chặt chém” trên đây không có nghĩa đen là du khách bị mang ra chặt chém… thành từng mảnh mà chỉ là bị tính giá “cắt cổ” ở mọi nơi, mọi lúc với mọi mánh khóe mà bạn không ngờ tới. Từ chỗ mua vé du lịch đến chỗ mua bán ở vỉa hè và ngay cả trong các cửa hàng, nhất là hàng ăn uống, hàng bán đồ lưu niệm… Nhưng trước hết và trên hết vẫn là chuyện an toàn cho bản thân mình khi đi trên hè phố, ở khách sạn… Bởi ở những mơi đó bạn dễ bị lừa, bị cướp giật, bị hành hung và bị đủ thứ phiền toái nếu không đề phòng cẩn thận. Bài học những năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị, năm nay còn đáng sợ hơn bởi kinh tế suy thoái, thất nghiệp ngày càng nhiều, nên sự liều lĩnh gia tăng, sự “liều mạng cùi” của bọn lang thang đói rách kinh niên, còn ghê gớm hơn, đó là những con nghiện ma túy đến cơn vật vã thì bất cứ chuyện gì cũng dám làm, không sợ cảnh sát, không sợ đám đông, không sợ ai cả vì giản dị là chúng không sợ chết.

Bạn đã từng biết những cô gái đi xe gắn máy loại sang bị côn đồ chặt luôn cánh tay để cướp xe; người đứng đổ xăng giữa chốn đông người, tiền để trong cóp xe cũng bị giựt nhanh như điện.

Tôi có ông bà bạn từ nước ngoài về ghé thăm nhà. Bà xã ông đã cố gắng “cải trang” thành bà già nhà quê, xách túi quà cho bà con bằng cái bao ni lông đen ngòm để chứng tỏ đó chỉ là gói hàng tầm thường. Còn ông chồng thì mặc chiếc áo blouson rộng thùng thình trong khi trời nắng nóng. Lúc vào nhà rồi, cần gọi điện thoại, ông mới móc chiếc tablet từ túi áo trong ra dùng. Các thứ vật dụng lỉnh kỉnh như đồng hồ đắt tiền cũng được giấu trong đó. Nhìn có vẻ khôi hài, nhưng tôi hiểu đó là sự cẩn thận không bao giờ thừa. Tôi đề nghị các bạn cũng nên cẩn thận như thế mỗi khi đi trên hè phố từ Sài Gòn đến Hà Nội và ở tất cả những thành phố lớn cùng những địa danh du lịch ở Việt Nam.

Hãy cẩn thận khi bị “dàn cảnh” gây gổ giữa đường
Đây là một “chiêu” không mới nhưng vẫn thường xảy ra. Nếu bỗng dưng bạn bị một anh hay cô nào đó đi xe đụng vào người chút xíu hoặc cũng có thể là đang cùng đi trên hè phố, tức khắc bạn bị ngay “đối phương” la ó ầm ỹ, dùng những lời lẽ tục tĩu côn đồ gây sự. Trò đểu này bây giờ trở thành rất thông dụng. Bạn nóng máu cãi lại là có chuyện ngay. Đó là một kiểu ăn vạ, để rồi bọn đàn anh đàn em xông đến trấn lột “con mồi” đã bị theo dõi từ trước mà không hề hay biết. Bạn hãy bình tĩnh mỉm cười và cho họ biết: “Tôi biết mánh lới của các anh rồi, để tôi gọi cảnh sát đến phân xử”. Cho nên trong máy điện thoại của bạn luôn có số của cảnh sát kể cả cảnh sát cấp cứu. Đây là vài số bạn nên có:

113: Lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh – đây là số điện thoại gọi miễn phí. Có thể quay số 113 từ bất kỳ máy điện thoại nào.

114: Số khẩn chữa cháy hay khi cần cứu hộ cứu nạn.

Chỉ như thế may ra bạn mới có hy vọng thoát ra khỏi bàn tay những kẻ gây sự giả vờ để cướp đoạt tài sản, bạn giằng co sẽ nguy hiểm đến tính mạng là điều rất có thể sẽ xảy ra. Trường hợp bạn chưa kịp gọi cảnh sát thì cố tránh xung đột cãi cọ, hãy để chúng “hoành hành” rồi ngay sau đó vừa tri hô vừa gọi số 113 là tốt nhất.

Đề phòng trộm cắp
Ban Chiến trên VNExpress kể một câu chuyện hài thế này: Một nhà khoa học phái minh ra chiếc máy bắt trộm. Mọi người đều nghi ngờ về hiệu quả của chiếc máy, nhà khoa học bèn mang nó đi thử. Đầu tiên, ông mang nó qua Singapore, trong một ngày chiếc máy bắt được 5 tên trộm. Sau đó ông mang máy qua Trung Quốc, kết quả thật tuyệt vời, chiếc máy bắt được 100 tên trộm. Cuối cùng, nhà khoa học mang chiếc máy thần kỳ sang Việt Nam. Đến cuối ngày mọi người ra kiểm tra xem máy bắt được bao nhiêu tên trộm thì… chiếc máy thần kỳ đã bị trộm lấy mất từ lúc nào không hay!

Chỉ là chuyện khôi hài nhưng nhắc nhở bạn cần đề phòng, ngay cả khi để hành lý bên chỗ ngồi. Chỉ cần sơ sảy một chút thôi, hành lý của bạn sẽ “biến mất”. Bạn cần thực hiện đúng câu “vật bất ly thân”. Nhất là khi bạn vào mua hàng, móc bóp trả tiền là có thể đã bị theo dõi hoặc bị giật như cảnh người mua xăng, để tiền trong cóp xe, mở cóp ra lấy tiền là bị giật ngay và kẻ cướp phóng mất dạng. Mời bạn đọc vài thủ đoạn của kẻ cắp ngày nay giữa Hà Nội:

Những chiêu “độc” táo tợn
Ở Hà Nội mới xuất hiện “chiêu cướp” rất táo tợn. Một phụ nữ đi xe máy dừng ở ngã tư lúc đèn giao thông bật đỏ vào lúc 8 giờ sáng thì bị một thanh niên nhảy phắt lên yên xe phía sau gí dao khống chế. Hắn yêu cầu nạn nhân đến khu vực ít người qua lại rồi cướp tài sản, sau đó chuồn mất dạng.

Ngoài thủ đoạn trên, một số tên cướp còn theo dõi những cô gái đi rút tiền ở máy ATM. Một tối tháng 9, chị Lan vừa rời máy ATM ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), ngồi sau xe máy của bạn trai đi về hướng cầu vượt Ngã Tư Sở thì bị một thanh niên áp sát. Bị hắn giật mất chiếc túi, chị Lan chỉ kịp ú ớ la “cướp, cướp”. Cậu bạn đuổi theo, nhưng tên cướp đã mất dạng giữa dòng xe cộ đông đúc…

Ngồi xe hơi cũng bị cướp
Một phụ nữ kể lại: Khi chị dừng xe ở ngã tư Phạm Ngọc Thạch – Chùa Bộc lúc đèn giao thông bật đỏ, một người đàn ông bước đến mở cửa trước của xe chị (vì chị sơ ý đã không chốt bên trong). Hắn mở cửa một cách thản nhiên như người chồng mở cửa xe của vợ để lấy đồ để quên. Chị kể: “Mình bất ngờ, chưa kịp định thần thì thấy túi xách để cạnh ghế lái đã nằm trong tay hắn. Theo phản xạ, mình kéo tay giật lại, nhưng không kịp. Thế là mất tiêu cả số tiền vừa lãnh ở ngân hàng trả lương cho nhân viên”.

Một điều tra viên CA cho biết tình trạng cướp giật tại Hà Nội vẫn là vấn nạn “nổi cộm” với thủ đoạn ngày càng tinh vi và táo tợn. Các tên cướp không chỉ gây án trên đoạn đường vắng mà ra tay ngay cả trên các phố đông người.

Cảnh sát mới có khuyến cáo, không nên đeo vàng, hay trang sức lộ liễu, khiến kẻ gian sinh lòng tham. Đặc biệt, không nên nghe điện thoại khi đang lái xe vì dễ mất tập trung, không quan sát được xung quanh.

Tất nhiên, bạn không bao giờ trưng diện những món trang sức “hàng hiệu”, cần đi ăn cưới, dự tiệc, bạn hãy cất kỹ, chỉ đeo nó khi đến nơi hẹn. Tuy nhiên có một điều khó xử là bạn đang lái xe trên đường thì nghe điện thoại reo.

Bọn cướp giật rất thích điện thoại của các ông bà “Việt kiều”, hầu hết là loại đắt tiền và là hàng thật chính hiệu chứ không phải hàng nhái của Trung Quốc, chúng đã nhiều phen cướp phải loại điện thoại nhái này, đó là lý do chúng theo khách nước ngoài khi nói chuyện trên đường phố. Hạn chế những cuộc gọi càng ít càng tốt. Nếu cần trả lời gấp, bạn nên đứng vào trong một cửa hàng, hoặc đứng trong một góc khuất và để ý những người quanh bạn. Phương tiện tốt nhất để di chuyển ở các Thành phố là đi taxi.

Đi taxi cũng coi chừng taxi “dù”
Ngay từ khi xuống đến phi trường, bạn sẽ phải “đối đầu” với nhiều chuyện phức tạp. Tôi bỏ qua không nói đến chuyện khách “Việt kiều” bỏ ra 10 USD hay hơn nữa để qua “cửa ải” trong và ngoài phi trường. Đó là thứ chuyện từ “muôn năm cũ” nhưng vẫn còn diễn ra… bình thường cho đến nay. Tôi chỉ nói đến về nạn bắt chẹt khách khi bạn gọi taxi.

Vừa ra đến nơi đón khách quốc tế hoặc nội địa của sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, du khách sẽ gặp rất nhiều “cò” taxi trà trộn giả vờ đón khách đi theo đoàn, khách của công ty để mời khách đi về nội thành. Nếu đi taxi có tên tuổi, niêm yết giá rõ ràng, mức giá đi từ sân bay Nội Bài đến nội thành khoảng từ 300-340 ngàn đồng/chuyến. Nhưng đám “cò” sẽ chào khách với giá rẻ hơn với lý do tiện một công đi đón đoàn nhưng thừa xe nên chỉ lấy từ 200-250 ngàn đồng/chuyến. Có khách đi về phố Thái Hà, bị xin thêm từ 100-150 ngàn đồng viện lý do phải vào ngõ sâu và đây không phải là nội thành?! Thường “con mồi” là khách nói giọng tỉnh khác, khách nước ngoài ham rẻ. Một khi khách đã vào xe, tài xế sẽ tùy tình hình để bắt chẹt.

Điển hình là vụ giữa tháng 8/2013, một nữ du khách người Mỹ đi taxi từ sân bay Nội Bài đến Hà Nội đã bị tài xế ép rút 4 triệu đồng tại cây ATM. Sau ít ngày, cũng một nữ du khách khác bị hai thanh niên cầm biển đón khách chờ sẵn đưa lên xe về nội thành, nhưng trên đường đi họ bắt cô phải rút 600 USD từ cây ATM để trả tiền xe. Đã lên tới cả trăm trường hợp môi giới, dẫn khách bị phát hiện, bàn giao cho CA nhưng một thời gian sau họ lại quay trở lại hoạt động như thường!

Vào đến nội thành, muốn di chuyển đi chỗ này chỗ kia, khách du lịch phải dùng taxi hoặc xích lô. Dư luận vẫn còn nóng chuyện 3 du khách người Pháp bị tài xế taxi, nhân viên khách sạn trên phố cổ Hà Nội lừa đảo, dọa giết, hay một du khách đi xích lô 1,5km phải trả 1,3 triệu đồng.

Taxi “dù” Sài Gòn còn “ác” hơn
Tình trạng taxi dù chặt chém khách, nhất là người nước ngoài, đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Taxi “dù” là loại xe có “nhãn mác” của một công ty lớn nhưng là nhãn hiệu giả. Thú thật với bạn, tôi là người địa phương đi taxi thường xuyên nhưng cũng khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, đâu là taxi xịn, đâu là taxi “dù”, taxi nào là taxi “nhái”. Với khách du lịch nước ngoài và kể cả người ở các tỉnh khác không thể phân biệt được các logo nhái, số điện thoại nhái, kiểu đồng phục của tài xế taxi. Khi kéo được khách lên xe rồi, các lái xe taxi dù tha hồ chặt chém, móc túi trước sự bất lực của hành khách. Cãi nhau với chúng là có cả bọn kéo đến vây kín đe dọa.

Vào tối ngày 25/6/2012, hai du khách người Tây Ban Nha là Jose Angel Matas và Raquel Rvis đón một chiếc taxi ở khu vực chợ Bến Thành (Quận 1) để đi đến chợ Nguyễn Thái Bình (Quận 1). Khoảng cách giữa 2 địa điểm chỉ gần 1 km.

Khi đến nơi, người tài xế taxi đã yêu cầu 2 vị khách này phải trả số tiền là 394.500 đồng đúng theo số tiền đã hiện trên đồng hồ bên trong xe taxi. Khi nêu lên sự thắc mắc vì số tiền cước quá cao, mà khoảng cách lại quá gần, người tài xế đã không thể giải thích gì cho vị khách này.

Sau đó, để cho rõ ràng hơn, tài xế taxi còn lấy ra 1 biên lai của Mai Linh taxi để ghi ra số tiền, đưa cho 2 vị khách theo đúng số tiền đã nói lúc ban đầu. Hai vị khách đành ngậm ngùi đưa số tiền 400.000 đồng cho người tài xế bất lương nói trên. Vì du khách dọa sẽ báo công an với hành vi của người tài xế, nên đã được “thương tình” trả lại 200.000 đồng.

Trước đó, ông Jorenson (49 tuổi, quốc tịch Úc) đón một chiếc taxi mang nhãn hiệu giống như của hãng Sài Gòn tourist từ bến tàu cánh ngầm trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1 (Sài Gòn) về sân bay Tân Sơn Nhất với quãng đường hơn 6 km.

Khi tới nơi, ông bị tài xế đòi lấy 6 triệu đồng. Biết bị chém nhưng nhìn vẻ mặt dữ tợn của gã tài xế và đến giờ phải lên máy bay, ông phải vét sạch túi lấy 2 triệu đồng và hơn 100 đô la Úc để trả.

  Hình 2- Nhà hàng Hiệp Ký tại Vũng Tàu bị liệt kê vào “danh sách đen”
Vào bất kỳ hàng quán nào cũng nên hỏi giá trước khi ăn
Đến chuyện vào các hàng ăn càng dễ bị chặt chém hơn. Một khách du lịch từ Sài Gòn ra Hà Nội, đã phải trả hóa đơn cho 4 con ghẹ bé bằng bàn tay kèm hai chai bia tại một quán hải sản vỉa hè phố cổ với giá gần 2 triệu đồng mà chỉ biết ngậm ngùi rút ví vì… quên không hỏi giá trước khi ăn.

Du khách xa lạ, hỏi đường mấy anh xe ôm, bà bán hàng nước, chị bán rong là y như rằng phải mặc cả tiền nong mới chỉ đường. Vị khách này khi hỏi anh xe ôm xem quán bún đậu mắm tôm nào ngon ở gần nhất thì bị yêu cầu: “Chi hai chục ngàn sẽ chỉ rõ ràng bằng bản đồ”. Có nơi khách phải mua hàng mới được chỉ đường.

Ở nhiều nơi du khách nước ngoài chạy thục mạng vì bị “nữ quái” đeo bám xin xỏ, mời mọc, quyết không tha du khách nào ghé thăm.

Bi hài đến nỗi, một đoàn du khách người Đức đã phải tìm cách chạy thục mạng sang đường để tránh khỏi sự đeo bám của đội quân bán hàng rong.

Đấy là chuyện Hà Nội, còn Sài Gòn cũng không thiếu những trò bẫy khách.

Hàng rong “bẫy” du khách ở Sài Gòn
Nạn chặt chém, chèo kéo, đeo bám du khách hoạt động một cách ngang nhiên ở trung tâm Sài Gòn, Hòn ngọc của Viễn Đông. Tôi chỉ nêu vài chuyện điển hình. Chỉ cần dạo quanh các con đường gần Bưu điện Thành phố, Hội trường Thống nhất… khách sẽ nhanh chóng sập bẫy.

Thậm chí mua một trái dừa bên vỉa hè cũng bị tính giá 200 ngàn đồng, trong khi bình thường một trái dừa tươi bán ở vỉa hè giá cao lắm là 25.000 đồng.

Hình ảnh đôi quang gánh con con vài nải chuối, miếng dứa… mang nét độc đáo rất Việt Nam được nhiều du khách yêu thích. Nhưng vì yêu thích, nhiều vị muốn được gánh thử, chụp ảnh lưu niệm, bị tính giá 10-20 USD, sau đó các “gánh” này thoải mái “chặt chém” với giá bán một nải chuối, một túi vài miếng dứa lên tới cả vài trăm ngàn đồng khiến du khách nhăn mặt ngỡ ngàng mà vẫn phải trả đủ.

Nạn “chặt chém” điên đảo ở các di tích Huế, Nha Trang Vũng Tàu, Bãi Cháy…
Thật ra những kiểu chặt chém du khách ở hầu hết mọi nơi đều có cùng một “phiên bản” giống nhau. Ở Huế, các khu di tích được coi là linh hồn của Văn hóa dân tộc, bãi biển Nha Trang – Vũng Tàu – Hạ Long là những nơi nổi tiếng về cảnh đẹp của đất nước cũng không thoát cảnh này.

Đi thăm Lăng Khải Định giữa cái nắng chang chang 39 – 40 độ C, nhiều du khách đã tấp vào quán giải khát đơn sơ, tranh tre mái lá ngay dưới chân lăng, trước khi leo hàng trăm bậc thang bỏng rát. Họ uống 4 chai nước ngọt, 7 chiếc kem socola ốc quế. Khi tính tiền, chị chủ hàng hét: 360.000 đồng.

Ngay gần đó, chị bán nón, mũ phục vụ du khách cũng hét giá cao ngất ngưởng và miễn mặc cả: nón Huế bằng lá dừa mỏng manh một lớp không quai 40.000 đồng/chiếc; mũ lá 20.000 đồng/chiếc; mũ tắc kè hẹp vành 50.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, những dân bản địa mua nón Huế một lớp 18.000 đồng/chiếc; mũ lá 8.000 đồng/chiếc; mũ tắc kè hẹp vành là 20.000 đồng/chiếc.

Đến Nha Trang thuê khách sạn vào hàng ăn… cần coi chừng giá cả
Một thí dụ như giá phòng niêm yết chỉ từ 70.000-200.000 đồng nhưng khách sạn thu của khách 700.000 đồng/phòng. Phòng không đạt chất lượng, máy lạnh không lạnh, nước yếu, không bảo đảm vệ sinh… khách yêu cầu sửa chữa hoặc đổi phòng nhưng không được đáp ứng.

Khi khách trả phòng để đi thuê khách sạn khác thì bị ép trả tiền 2 ngày trong khi khách mới ở 1 đêm… Không chỉ vậy, khi khách báo cơ quan công an còn bị nhân viên khách sạn lớn tiếng đe dọa…, đó là sự việc xảy ra vào sáng ngày 7/8 tại khách sạn Thanh Thủy (số 96B Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa).

Các báo đã có nhiều thông tin rợn người, tại Bãi Cháy, Đà Lạt, Nha Trang đã có nơi du khách bị đánh đến ngất xỉu. Nạn chặt chém ở Vũng Tàu đã khá nổi tiếng ngay cả với những du khách trong nước. Sở Công Thương Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã phải cho niêm yết “sổ đen” tên 7 cửa hàng giá cả bất thường, giá trên trời giá dưới… địa ngục. Trong đó có cửa hàng Hiệp Ký.



Hình 3- Nội tạng được chất thành đống trên nền gạch, vài người tay cầm vòi xịt, chân đi ủng bám đầy phân, nước thải, dùng hết sức giậm vào đống nội tạng

Món ăn ở Việt Nam nhiễm độc hàng loạt
Sau cùng, xin bàn đến các loại đồ ăn thức uống ở Việt Nam vào lúc này. Đây là “báo động của các cơ quan chức năng”. Tôi xin tóm tắt rất ngắn gọn, còn ăn hay không, tùy bạn.

- Nem chua, giò chả, patê không đạt chất lượng.

- Bên cạnh các loại gia súc, gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm liên tiếp đưa vào Sài Gòn để tiêu thụ thì các loại thực phẩm khác phục vụ cho nhu cầu Tết như bánh kẹo, mứt, hạt dưa,… kém chất lượng cũng chen vào tràn lan và công khai tại các chợ.

- Các mẫu xét nghiệm sản phẩm rau quả, phát hiện hàn the, một loại hóa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm. Riêng các sản phẩm thịt nguội có đến 5 mẫu không đạt, trong đó một mẫu patê không đạt về chỉ tiêu natri benzoat; hai mẫu giò chả, hai mẫu nem chua không đạt về chỉ tiêu natri benzoat và polyphosphate.

- Mứt dừa làm từ dừa phế thải, ô mai lẫn trong khói bụi.

- Thịt ngựa giả thịt bò ở châu Âu.

- Bún, phở chứa chất tẩy trắng huỳnh quang.

- Trà chanh, nước mía vỉa hè nhiễm khuẩn, độc tố kim loại.

- Phù phép thịt heo thối thành thịt bò khô…

Trên đây chỉ là những sự việc đáng buồn không chỉ cho ngành du lịch Việt Nam mà người Việt Nam nào cũng cảm thấy đau lòng. Dường như thời đại này “văn hóa xấu hổ” không còn chỗ đứng.

Văn Quang