Pages

Sunday, July 11, 2021

Những người Mỹ bạn tôi

Gia đình tôi đi định cư ở Mỹ theo diện HO năm 1991. Tôi đi Học tập cải tạo chỉ có 2 năm, 2 tháng, 20 ngày, nhưng tôi được đi diện HO nhiều người không tin như vậy, ngay cả những anh đi HO ở cùng thành phố với tôi.

Có rất nhiều yếu tố để tôi được đi HO, tôi xin nói ngay một là năm 1984 chị tôi cùng gia đình đi Mỹ, trước đó tôi xin đi Pháp do anh tôi bảo lãnh, nhưng về sau anh cho biết là Pháp đã nghèo, đi sang Mỹ tốt hơn và anh ấy nhờ chị tôi bảo lãnh cho tôi đi Mỹ.

Năm 1988, cơ quan ODP của Mỹ gửi thư cho chị tôi báo rằng sẽ phỏng vấn tôi một ngày gần đây, nhưng tôi chờ cho đến năm 1990, có người bảo tôi chờ lâu quá làm đơn khiếu nại gửi sang Bangkok, yêu cầu họ cứu xét, nên tôi làm theo gợi ý nầy và tôi cũng biết đi học tập cải tạo chưa đủ 3 năm sẽ không được đi HO, nên trước đó tôi không hề làm đơn xin đi diện HO, nhưng khi yêu cầu họ cứu xét cho tôi đi theo diện Đoàn tụ (ODP), tôi có nêu lý do là tôi có đi học tập cải tạo 2 năm 2 tháng 20 ngày, sau đó tôi bị quản chế trên 2 năm mới được trả quyền công dân. Tổng cộng như là tôi bị 4 năm. Theo như người bình thường chỉ bị quản chế 6 tháng là được trả quyền công dân. Còn tôi thật ra được về sớm là nhờ một bạn tù giúp tôi, vì bố anh ta nguyên là Sư Đoàn Trưởng Sư Đoàn đang trông coi chúng tôi.

Rồi khi tôi được tạm tha về ngày 16-9-1977, đến ngày 14-10-1977 chưa được 1 tháng, chưa có Hợp Đồng trong tay, tôi được gọi đi làm ở Phòng Thanh Tra Sở Lao Động, do ông Kiến Trúc Sư Nguyễn Hữu Thiện, người chủ trì kiến trúc Thư viện Quốc Gia ở đường Gia Long Sàigòn, Phó Giám Đốc Sở Xây Dựng Tp. HCM, giới thiệu cho tôi đi làm.

Vì tôi đi làm 1 tuần rồi mà chưa có Hợp Đồng trong tay để xin nhập Hộ Khẩu, xin mua gạo theo tiêu chuẩn, nên tôi tìm gặp ông Lâm Tấn Lộc Chánh văn phòng Sở Lao Động, hỏi ông ta về hợp đồng, ông ta vui cười bảo tôi:

- Cháu đã đi làm ở Sở Lao Động là nơi phụ trách về chánh sách, các Sở khác còn phải đem hợp ồng đdến đây duyệt mà ! Đừng lo ! Nhưng để tôi bảo anh Thành Phó Văn Phòng làm Hợp Đồng cho cháu.

Do ông Lộc cho biết như thế, nên sau khi về đủ 6 tháng, đủ tiêu chuẩn xin phục hồi Quyền Công Dân, tôi chẳng thèm gửi đơn xin, vì vậy gần 2 năm sau anh Công an khu vực mang Quyết định phục hồi Quyền Công dân đến nhà giao cho tôi.

Sang đến phi trường Bangkok, làm hồ sơ ký giấy nợ tiền vé máy bay, tôi cũng không quan tâm lắm chỉ biết rằng mình đi máy bay mà không mua vé thì có nợ, nay ký giấy nợ để trả sau. Vậy là tốt rồi. Sang tới Mỹ về chỗ định cư, chị tôi thuê sẵn chung cư cho gia đình tôi ở. Vài ngày sau có một anh người Việt làm cho Hội USCC đến chung cư làm hồ sơ cho gia đình tôi. Anh ta báo cho biết tôi được hưởng quy chế của diện HO, được lãnh tiền Welfare … Lúc đó tôi mới biết mình đi theo diện HO, nhưng trên danh sách chuyến bay, gia đình tôi thuộc danh sách B… đi chung với những người HO6, trong đó chỉ có duy nhất một gia đình thuộc danh sách HO7, do một người phụ nữ đứng tên.

Năm 1994, gia đình tôi đi mua nhà có 3 phòng ngủ, 1 phòng tắm, có đủ phòng khách, phòng ăn, nhà bếp và tầng hầm (basement), có thêm phòng ngủ, phòng sinh hoạt gia đình và một quầy rượu, phía sau nhà có cái Deck. Thời giá lúc đó là 64 ngàn.

Cạnh nhà tôi là cập vợ chồng ông Jack Shanoff và bà vợ Diana, bà Diana người gốc ở Pensylvania. Ông Jack có đời vợ trước, có người con trai đã có gia đình và sinh sống ở New Mexico, tôi chưa từng thấy con trai ông Jack đến thăm ông, nhưng người anh của ông là William Schanoff thỉnh thoảng tới thăm, đôi khi Bill cũng qua nhà thăm tôi, tôi cũng có đến nhà thăm Bill đôi lần, ông đã hưu và sống độc thân.

Jack và Diana luôn luôn giúp đỡ chúng tôi, thấy tôi không biết điều chi anh ta hoặc vợ luôn chỉ dẫn cho tôi. Chẳng hạn như có một lần mưa đá, Jack bảo tôi gọi bảo hiễm báo cho họ đến xem sự hư hỏng mái nhà, sau đó bảo hiểm cho biết bị hư hỏng mấy chỗ, họ sẽ đền tiền để sửa mấy chỗ đó. Jack bảo tôi:

- Anh để tôi giải quyết cho! Không thể sửa chữa mấy chỗ như vậy được !

Rồi Jack gọi điện thoại cho hãng bảo hiểm. Cuối cùng họ bằng lòng trả tiền lợp lại cả 2 mái. Jack lại gọi cho người lợp nhà đến lợp lại nhà cho tôi.

Có khi xe Jack hư vào lúc tuyết đổ nhiều, tôi đưa Jack đi chợ mua thức ăn.

Vài năm sau, Jack bán nhà đi ở chung cư, ở được vài năm vợ chồng Jack di chuyển về New Mexico để ở gần con trai, từ đó Jack và tôi không còn liên lạc nữa.

Trước khi bán nhà, Jack kêu tôi bán rẻ chiếc xe của Jack, tôi bảo tôi không có nhu cầu, hôm sau Jack bảo là cho tôi chiếc xe đó, tôi trả lời cám ơn và lập lại mình không có nhu cầu, hơn nữa tôi không thích xe của Jack cồng kềnh, vài hôm sau Jack bán xe cho người lạ.

Lúc làm ở Công ty, khi thì ở Xưởng, lúc ở văn phòng, nhất là khi làm ở Xưởng, tôi không có bạn Mỹ, chỉ có bạn Việt Nam, Thái hoặc Lào hay Campuchea. Nhưng từ khi về hưu, mỗi ngày đi vào trong Mall để đi bộ thể dục, chúng tôi quen với nhiều người bạn Mỹ, vì họ cũng đi bộ thể dục, gặp nhau, đi song hành, hàn huyên nên trở thành bạn.


Trong số bạn đó có Tom với Bill là đôi bạn thường đi chung với nhau, Tom thì mập còn Bill thì ốm và già hơn Tom. Có hôm Tom nói với tôi:

- Tông ! Bill là nhà sản xuất rượu Bourbon. Hôm nào Bill sẽ cho anh uống vài ly Bourbon.

Rượu Bourbon là loại rượu mạnh làm từ bắp. Đất ở vùng Kentucky tôi thường thấy trồng bắp và đậu nành, họ trồng như thế nầy, năm nay trồng bắp sang năm trồng đậu rồi sang năm tới trồng bắp cứ thay phiên trồng như thế.

Tôi chưa được uống rượu của Bill thì một hôm Tom cho tôi biết Bill đã qua đời rồi!

Năm 2012, tôi đi về Việt Nam trong thời gian bầu cử ở Mỹ, Tom hỏi tôi có muốn đi bầu cử sớm không, tôi cho biết muốn. Thế là sau khi đi bộ thể dục xong, hắn đưa nhà tôi và tôi đến một nơi gần Dowtown của thành phố Louisville, để chúng tôi bầu cử sớm. Tôi nhớ lần đó nhà tôi và tôi mỗi người đều phải điền tờ giấy, trong đó có ghi lý do vì sao đi bầu cử sớm.

Lúc bầu cử xong, trên đường về, Tom ghé ngang một nghĩa địa gần đó, đưa tôi đến một ngôi mộ, hắn cho tôi biết đó là mộ của vợ hắn và bên cạnh đó có một sinh phần với tấm mộ bia tên của Tom, hắn cho tôi biết rồi hắn sẽ được chôn cất tại đây. Sau khi đi Việt Nam về, tôi vẫn đi bộ tập thể dục nhưng không gặp lại Tom, cho đến một hôm tôi đến Kroger mua thức ăn, gặp lại Tom, chúng tôi chào hỏi nhau. Tôi có hỏi nhà Tom ở đâu, hắn cho biết ở gần đó. Rồi từ đó tới nay tôi chưa gặp lại Tom.

Trong số những người bạn Mỹ quen biết khi đi bộ thể dục có John, hắn không đi bộ thể dục, nhưng hàng tuần hắn vào trong Jefferson Mall đó để lau chùi mấy cái máy bán thức ăn, nước uống rồi hắn ngồi ở bàn ăn trò chuyện với những người Mỹ khác. John gặp tôi luôn bắt tay, chào hỏi thân thiện, có hôm nhà tôi không cùng đi với tôi, hắn hỏi thăm tôi: “Vợ anh đâu rồi ? Chị có khỏe không ?”

Thấy hắn đi xe có gắn bản Chiến Binh Việt Nam, tôi hỏi:

- John ! Khi tham chiến Việt Nam. Anh đóng quân ở đâu ?

- Tôi đồn trú ở phía Bắc Sàigòn !

Tôi đoán không phải là Tân Sơn Nhất. Có lẽ ở Long Bình.

Có cặp vợ chồng người Mỹ kia, bà vợ tên là Barbara. Lúc trò chuyện với nhà tôi, bà ta cho biết thích ăn món chả giò, hình như người Mỹ nào ăn được thức ăn Tàu hay Việt Nam đều thích ăn chả giò. Một hôm nhà tôi hẹn trước rồi chiên khoảng 15 cái chả giò đem cho bà ta.

Mấy hôm sau gặp lại khi đi bộ thể dục bà Barbara dúi vào tay nhà tôi cái Thẻ coffee Starbucks, từ chối cách mấy cũng không được, bà ta cho địa chỉ mời tới nhà chơi. Sau đó, chúng tôi tới nhà bà Barbara vài lần. Hai vợ chồng tiếp đón chúng tôi ân cần. Dần dần hai vợ chồng không còn đi bộ thể dục nữa, chúng tôi cũng không tiện đi ngang ghé thăm.

Việt Nam ta có câu “Xa mặt cách lòng”, lâu ngày không gặp, dần dần quên đi, từ hơn năm nay dịch bệnh, tôi cũng không có đi bộ thể dục ở Jefferson Mall, nên không biết John và những người bạn khác như thế nào ? Vì còn những người bạn khác người Đại Hàn, người Ấn độ gặp nhau chỉ Hello ! Hay vẫy tay chào. Hy vọng họ vẫn an lành để sau mùa dịch còn gặp lại tay bắt, mặt mừng, héllo và vẫy tay chào nhau như ngày nào chưa có dịch Coronavirus Vũ Hán vậy.

866411072021

Monday, July 5, 2021

Nhàn Cư

Trong những ngày gần đây, có thì giờ, tôi đọc lại vài tác phẩm của mình, vài bài viết đã lâu ngày thấy có vài điều thích thú và cũng gợi nhớ chuyện xa xưa.

Tôi nhớ năm nào đó ngồi uống cà phê sáng ở khu Chuồng Bò, gần nhà thờ Ba Chuông, nhà văn Dương Nghiễm Mậu có cho biết nhà văn Hồ Biểu Chánh là một nhà văn lớn của Văn chương Miền Nam. Thời đó là thời gian khoảng đầu thập niên 1960, gần như chưa có người nghiên cứu, khám phá về Văn Học Miền Nam thời trước, người đương thời đang ca tụng về Tự Lực Văn Đoàn, về các nhà văn đương thời như Doãn Quốc Sỹ, Vũ Khắc Khoan, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam … Còn các nhà văn như Bà Tùng Long, Dương Hà, Lê Xuyên là những nhà văn Feuilleton thứ yếu.

Chính nhờ sự nhận xét của Dương Nghiễm Mậu đã giúp tôi tìm hiểu về những nhà văn miền Nam, tôi bắt đầu tìm hiểu và có cảm hứng để viết quyển Văn Học Miền Nam, khảo cứu về các nhà văn miền Nam thời tiền phong.

Những quyển sách về Văn học miền Nam tôi đã viết:

- Văn Học Miền Nam (1 quyển)
- Văn Học Miền Nam 1954-1975 (7 quyển)
- Văn học Quốc Ngữ Thời Sơ Khởi (1 quyển)

Tất cả nhừng sách tôi viết đều có đưa lên Mạng cho mọi người đọc, ai muốn có thể in ra do Lulu.com ấn hành.

Thỉnh thoảng có thì giờ, tôi đọc lại những sách, những bài viết của mình, bài nầy bỗng dưng làm tôi tưởng nhớ đến nhà văn Dương Nghiễm Mậu, nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu với những ly cà phê đen ở khu Chuồng Bò cũng có là Lò Heo tại xóm đó.

Mời quý bạn đọc Chương Kết của quyển Báo Chí Nhà Văn Quốc Ngữ Thời Sơ Khởi:

Trước 1975, phải công nhận văn học miền Nam bị coi thường, bởi vì so với lịch sử dân tộc thì lịch sử miền Nam chỉ mới vài trăm năm, trong khi lịch sử Việt Nam có đến hàng ngàn năm, trong đó mảng văn học Việt Nam có đến cả ngàn năm, nào những Lĩnh Nam Chích Quái, Truyền Kỳ Mạn Lục, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung Oán ngâm khúc…., trong khi miền Nam chỉ có Lục Vân Tiên.

Văn chương là gì ? Hiểu theo ngữ nguyên Văn là vẻ đẹp. Chương là vẻ sáng. Văn chương có nghĩa là vẻ đẹp đẽ sáng sủa của một sáng tác, nhưng những nhà văn sơ khởi ở miền Nam, họ không chủ trương sáng tác những bản văn với lời lẽ bóng bẩy, giọng văn êm dịu. Họ cho biết nghĩ ra làm sao, nói như thế nào thì viết như thế ấy.

Trong nhựt trình Nam kỳ số 1, ngày 11-10-1897, trong bài Lời cùng các người coi nhựt trình ta viết như sau:

V việc chữ nghĩa thì dùng những tiếng tầm thường, không dùng những tiếng cao kỳ, dân sự ít hiểu. Chúng ta có ý nói v đu này, là vì nhựt trình Nam Kỳ thì là để mà rao báo những chuyện có ích cho mọi người đu hiểu, không phải là chuyện cao xa đễ cho một ít người thông minh hiểu biết mà thôi. Những người Annam hay chữ nghĩa đã thông hiểu ý tứ chúng ta, thì biết việc rõ ràng, chẳng câu chấp sự chúng ta dùng những tiếng tầm thường, vì các người ấy đã biết là việc làm ích chung cho mỗi một người ...

Cho nên những nhà văn miền Nam khởi từ Nguyễn Trọng Quản cho đến Trần Chánh Chiếu, Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh … văn của họ không đẽo gọt, không quá mượt mà.

Trong hồi ký của nhà văn Bình Nguyên Lộc viết về bà Bút Trà, ông thực lòng khen ngợi khi bà lập tờ báo, chỉ nhằm mục đích chưởi lại những tờ báo đã chưởi bà cho vay nặng lãi, nhưng khi bà ra được tờ Sàigòn Họa Báo, sau đổi tên là Sàigòn Mới , bà không hề chưởi lại họ một chữ nào. Ông đề nghị sẽ cộng tác viết tiểu thuyết cho tờ Sàigòn Mới nhưng bà Bút Trà thẳng thừng từ chối đề nghị của nhà văn Bình Nguyên Lộc với lý do: Tôi chỉ đăng bài mà chị bán cá có đọc cũng hiểu.  Cậu viết khó hiểu, người bình dân không đọc đâu.”.

Có một nhà văn cho biết vào năm 1954, ông ta di cư vào Nam, thấy một người phu xích lô, buổi trưa ghế xe nơi vệ đường có bóng mát, ngồi vào xe, lật tờ báo ra đọc, ông ta hết sức lấy làm lạ, nhưng chắc ông ta còn quên kể thêm, chị bán xôi ở góc ngã tư đường, khi vắng khách kéo tờ báo ở dưới gánh xôi ra đọc.

Đó chỉ là khía cạnh của văn hóa miền Nam, nhờ đó tiểu thuyết feuilleton phát triễn mạnh vào những năm 1930-1970, nhưng chính vì tiểu thuyết feuilleton đã làm cho các nhà phê bình văn học trước kia không để ý đến, có thể họ đã đánh giá chúng không phải là tác phẩm văn chương, mà văn chương vị nghệ thuật hay vị nhân sinh ?

Cho đến nghìn sau dù cho người ta quên hết tất cả những tờ báo ở miền Nam, ở Việt Nam, nhưng không thể nào quên được Gia Định Báo, người ta có thể quên hết các nhà văn Việt Nam nhưng không thể nào quên được Trương Vĩnh Ký nhà văn Miền Nam, nhà văn quốc ngữ tiền phong, và con rể ông cũng là học trò của ông, nhà văn Nguyễn Trọng Quản người viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam.

Mặc dù nhóm Trí Đức Học Xá của Đông Hồ có luyện văn, tuần báo Sống của họ như một thử nghiệm, gặp lúc kinh tế khó khăn hay không được nhiều người ủng hộ, nên chưa đầy năm thì Sống đã chết.

Cho đến nay, văn học miền Nam vẫn còn là mảnh đất trù phú cho những nhà nghiên cứu, những người viết luận án tốt nghiệp sau Đại học, nó cần được khai phá nhiều hơn, để người ta thấy được cái tinh hoa của văn học miền Nam, từ xây dựng nền văn học mới, cho tới kiên cường đấu tranh chống thực dân, hầu mang lại độc lập cho đất nước, ấm no hạnh phúc cho mọi người.


Dương Nghiễm Mậu (1936-1916)


866405072021