Pages

Monday, November 30, 2015

Du lịch Phú Quốc



Năm nay chúng tôi đi Tour Phú Quốc, Tour nầy Vietravel khuyến mãi 3 ngày 2 đêm chỉ có 2.990.000 VND. Chúng tôi phải có mặt tại Ga Quốc nội Tân Sơn Nhất vào lúc 5 giờ 00 sáng, điểm hẹn là nơi cột số 4.


Nhà ga quốc nội, phía trước có một dãi cột, mỗi cột có đánh số thứ tự trên mỗi cây cột, số không to lắm, chiều cao ước chừng 1 tấc, bề ngang chừng 5 phân, số kẻ trên cao chừng 3 thước, vì chúng ta quen đi tìm bảng nên sẽ không thấy được, do không tìm được, tôi vào lớp cửa bên trong, hỏi thăm một người mặc đồng phục, người đó chỉ dẫn tôi mới tìm ra cột số 4.

Do tôi đến sớm nên phải chờ đúng 5 giờ, hướng dẫn viên du lịch Vietravel mới đến, sau khi rà soát mọi người có mặt đủ, hướng dẫn viên đưa vào quầy vé của hãng hàng không VietJet để làm thủ tục, cân gửi hành lý và nhận vé lên máy bay.

Khi chúng tôi vào phòng chờ đợi, người hướng dẫn hoàn tất trách nhiệm, anh ta không theo đoàn, được biết khi đến Phú Quốc sẽ có hướng dẫn viên địa phương, trách nhiệm đón đoàn Du lịch Phú Quốc chúng tôi gồm có 31 người, trong đó có  1 người sanh năm 1935, bốn năm người tuổi thất "thập cổ lai hy", còn lại tuổi trung niên, có một cậu học lớp 6 và một bé trai sinh năm 2013.

Tôi không nghĩ rằng đường bay quá ngắn, mọi người đều không được mời một ly nước giải khát! Ở Việt Nam trước 1975, tôi từng đi từ Sốc Trăng về Sàigòn và nhiều lần Sàigòn - Banmêthuộc, Sàigòn Nha - Trang hành khách vẫn được mời uống nước giải khát, trên chuyến bay có nhiều khách ngoại quốc, tưởng chúng ta cũng nên tiếp đãi lịch sự theo văn hóa Việt, trà nước làm đầu theo phong cách hiếu khách của người Việt chúng ta.

Phi cơ cất cánh đúng giờ, đáp xuống phi trường Phú Quốc khoảng 8 giờ sáng, sau khi ra khỏi khu vực lãnh hành lý ký gửi, đã có hướng dẫn viên đón tiếp đưa lên xe của hãng và chạy đến làng chài Hàm Ninh để ăn sáng trong một cửa hàng ăn nằm sát mé biển, thục khách có thể vừa ăn vừa nhìn ra biển.



Sau khi ăn xong, chúng tôi đi ra một chiếc cầu đúc rất dài không dưới 200 thước, để chụp vài tấm ảnh kỷ niệm. Đây là bến tàu Hàm Ninh Phú Quốc đi Hà Tiên. 


Lúc trở ra xe, đi ngang qua khu buôn bán của chợ Hàm Ninh, tôi thấy một con chó nằm ngủ, trên lưng có xoáy lông, tôi nhớ ra đây là giống chó săn Phú Quốc. 


Một đoạn đường khá dài đ đi vào làng chài, ngang qua chợ Hàm Ninh đang làm đường, nên sự đi lại bất tiện và phố xá trông chưa được khang trang.

Chợ Hàm Ninh

Sau khi rời làng chài ở chợ Hàm Ninh, chúng tôi được đưa tới Suối Tranh để tham quan, viếng cảnh nơi đây.


Vào mùa nầy suối ít nước, đường đi lên nguồn toàn là đá sỏi to, suối có những tảng đá lớn tạo thành nhiều thác nước, hai bên toàn là rừng, nhưng chỉ là những cây nhỏ, không thấy cây cổ thụ, hai bên đường đi thỉnh thoảng người ta có làm băng ghế gỗ đơn sơ cho du khách ngồi dừng chân.


Có thể nói, suối có nhiều chỗ đẹp, đáng xem, nhưng chắc ít có người leo lên nguồn, theo hướng dẫn viên cho biết, từ ngoài đi vào chừng 1000 thước, sau đó theo suối chừng 600 thước thì đến nguồn.

Nhà tôi và tôi đã đi ngưọc dòng suối khá lâu, khoảng 20 phút, chẳng thấy đi đến đâu, mặc dù đã đi qua nhiều ghềnh đá, có nước chảy như thác nhỏ, do đường đi khá vất vả nên chúng tôi đi lui, chẳng biết nguồn suối còn cách bao xa.

Có khá nhiều người ngoại quốc đi tham quan Suối Tranh nầy, đa số họ là những thanh niên nam nữ, họ thích khám phá phong cảnh Việt Nam ta.  

Sau khi tham quan Suối Tranh, chúng tôi được đưa đi ăn cơm trưa tại nhà hàng Thiên Thanh, bữa ăn đầu tiên trên đảo không gây chút ấn tượng cho khẩu vị của mọi người. Ăn xong xe đưa chúng tôi về khách sạn, chia thành 2 nhóm, nhóm chúng tôi có 22 người ngụ tại Sun & Sea.

Nhận khách sạn rồi nghỉ trưa, buổi chiều đoàn chúng tôi được đưa đi tham quan một nơi làm rượu Sim, tại đây du khách được nếm thử rượu Sim loại có nồng độ nhẹ và nặng là 29 độ, được thử nước mật Sim. Nơi đây bán rượu Sim, rượu nho và phó sản trái Sim là mứt Sim.

Sau đó đoàn được đưa đi viếng chùa Sư Muôn có tên chữ là Hùng Long Tự. Theo một tài liệu ghi:


Chùa có từ năm 1932, ban đầu chùa chỉ là một gian nhà nhỏ một trệt một lầu bằng gỗ, do trụ trì Thiền Sư Giai Minh sáng lập (là người tu từ nhỏ với thế danh là Nguyễn Kim Môn hay Muôn).


Sư Nguyễn Kim Môn (1892-1946), hiệu là Giai Minh, xuất thân từ cán bộ kế toán của ngân hàng Đông Dương. Về sau, ông quyết chí đi tu. Giai Minh đã thử nghiệm cải cách nề nếp tu hành và vận dụng đạo Phật trong tình hình xã hội đương thời.

Năm 1932, ông đi nhiều nơi như đảo Thổ Chu, đảo Hòn Thơm… để truyền đạo, cuối cùng ông dừng chân ở Phú Quốc và dựng chùa.

Tại Phú Quốc, ông được cư dân tín nhiệm và theo học rất đông. Trong thời gian chiến tranh, chùa bị bom đạn tàn phá. Về sau, một đệ tử của ông là sư Minh Út đã cho tu sửa lại chùa như hiện nay.

Phía sau Chùa có một cái giếng ngọt luôn luôn đầy nước ngọt và một cây cổ thụ trên 300 tuổi.


Rời khỏi chùa, chúng tôi đi thăm một vườn tiêu, đây là đặc sản của Phú Quốc, có tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu xanh, vườn tiêu nầy chắc có đến cả ngàn gốc, có khu cho những chùm tiêu xanh, có khu có những dây tiêu vừa mới trồng cho bò lên nọc.


Sau đó, chúng tôi được đưa đi thăm Dinh Cậu, muốn lên dinh phải leo lên 29 bậc thang xây bằng xi măng, Mặt chánh diện nhìn ra biển cả mênh mông. Trong chánh điện có khánh thờ Chúa ngọc nương nương và khánh thờ tượng hai Cậu (cậu Tài và cậu Quý), là những thần nhân bảo vệ ngư dân vùng biển đảo.


Trên những cột điện, có nhng câu liễn đắp nổi như:

Vạn Cổ Anh Linh Thông Tứ Hải.
Chấn phong bình lượng bảo lương dân.

Đa số đi tham quan chung quanh, chụp ảnh khối đá có hình tượng con rùa. 

 
Hàng năm, vào ngày 15, 16 tháng 10 âm lịch, nhân dân mở hội lớn tại dinh, có rất đông người đến tham dự, khi chúng tôi đến thì ngày lễ hội vừa mới xong vài hôm trước, nhưng khu vực nầy có rất nhiều khách tham quan, tm biển.


Chúng tôi đã có thời gian đứng ngắm nhìn trời chiều ở ngoài biển, và chụp vài tấm ảnh lúc mặt trời lặn.


Sau đó, chúng tôi được tranh thủ đưa đi xem một trong những nơi sản xuất nước mắm Phú Quốc, đó là nơi sản xuất nước mắm hiệu Khải Hoàn.



Kết thúc một ngày thăm viếng, chúng tôi đi ăn tại nhà hàng Sông Xanh, đường 30-4, Thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Một bữa ăn seafood thịnh soạn do Tour Vietravel khoản đãi, bù lại bữa cơm trưa tại nhà hàng Thiên Thanh. Ăn xong, xe đưa về khách sạn, ai muốn tham quan chợ đêm ở gần đó, tách đoàn đi riêng. 

 
Nghe nói chợ đêm nhộn nhịp đông vui, chúng tôi cũng đi dạo cho biết,  chợ bán tôm cá tươi, những vật kỷ niệm như ngọc trai và nhiều cửa hàng ăn uống tôm, cá, cua biển thực khách đa số là người ngoại quốc.

 Khi đi chợ đêm về, chúng tôi phải đi Taxi vì nó không nằm trong Tour. Đêm đầu tiên trên đất đảo, ngủ một giấc thật ngon, có lẽ vì quá vất vả khi tham quan Suối Tranh.

Ngày thứ nhì trong Tour 29-11-2015, sau khi ăn sáng tại khách sạn xong, xe đón chúng tôi đi tham quan nơi sản xuất ngọc trai, nơi đây người ta giảng giải về sự sinh sản, nuôi cấy ngọc trai.


Mọi người đi xem cửa hàng ngọc trai, tôi hỏi giá một xâu ngọc trai mắc nhứt là bao nhiêu, được các cô bán hàng chỉ cho thấy là 1.200.000.000 VND (1 tỷ 200 triệu)

 
Rời nơi sản xuất ngọc trai, đoàn chúng tôi được đưa viếng chùa Hộ Quốc, trên đường đi, một người trong đoàn đề nghị tuỳ hảo tâm mọi người đóng góp bồi dưỡng cho hướng dẫn viên Trần Minh Châu và tài xế Lợi của công ty du lịch Vietravel, mọi người vui vẻ hưởng ứng vì hướng dẫn viên và tài xế đều nhiệt tình với đoàn, số tiền đóng góp trên 1 triệu VND.

Chùa Hộ Quốc Phú Quốc trong giai đoạn hoàn tất, hoành tráng có nét tương phản với Trúc Lâm thiền viện ở Đà Lạt. Từ ngoài đường, bước lên 13 bậc thềm mới lên đến Tam quan.


Qua khỏi tam quan là sân chùa, giữa sân chùa trồng một cây Bồ Đề còn nhỏ. Hai bên sân chùa có Đông lang và Tây Lang chưa có bài trí. Chánh điện nằm trên thế đất cao hơn, muốn lên Chánh điện có hai lối đi, mỗi lối đi gồm 63 bậc thang, giữa hai lối đi nầy là một bức tranh đấp nổi. 


Lên đến sân trên, ở giữa sân rộng có trồng cây Bồ Đề còn nhỏ, bên tay phải có lầu chuông, bên tay trái có lầu trống, lầu xây giống nhau có 3 tầng, 12 mái. Tiếp đó, cập theo Chánh điện có tượng chư vị Bồ tát đấp bằng xi măng cao lớn. Chánh điện ở ngoài nhìn vào có 7 gian, 5 khung cửa, bên trong phân lại thành ba gian, gian giữa thụt sâu vào trong, tôn trí tượng đức bổn sư bằng đồng, trên có bức hoành Vạn Đức Từ Tôn. Hai bên có bàn thờ Bồ Tát.


Rời chùa Hộ Quốc, đoàn đi bãi sao (Star beach), nơi đây chúng tôi tắm biển, nhưng chỉ có 5 người tắm, những người còn lại đi dạo theo bờ biển hoặc ngồi trò chuyện trong 3 căn nhà mát.


Sau khi tắm, ăn trưa tại bãi biển do nhà hàng Mỹ Lan phục vụ, bữa ăn tuy không bằng đêm qua tại nhà hàng Sông Xanh, nhưng các món ăn khá ngon miệng.

Ăn xong, xe đưa về khách sạn, buổi chiều được tự do, chúng tôi không muốn đi khu vui chơi giải trí Vinpearl Land. Hướng dẫn viên giúp tổ chức cho chúng tôi đi câu cá, câu mực và ăn tối trên du thuyền.

Mọi người phải đóng góp chi phí thuê du thuyền, chúng tôi gồm 20 người tham gia, đi từ lúc 4 giờ chiều, phần lớn tham gia câu cá, mọi người có thời gian ngắm mặt trời lặn ở mặt biển.


Khi trời tối, mọi người đã đói bụng, được nhà bếp dọn lên cháo cá, cá là những con đã được câu từ chiều, người có một vài con, gom lại thành nhiều, lúc câu được chừng chục con, tôi đếm số con, người chủ du thuyền bảo tôi đừng đếm, người đi câu kỵ đếm vì sau đó cá không cắn câu.


Bữa ăn có thêm cầu gai nướng hoặc ăn sống có nặn chanh, cầu gai do du thuyền cung cấp, tính giá mỗi con là 20 ngàn, nước ngọt hoặc bia ướp lạnh cùng giá 30 ngàn đồng lon, trong nhóm có người mang theo một chai rượu mạnh, họ nhâm nhi thêm đậm đà cho bữa ăn tối.

Sau bữa ăn, một số người câu mực, một số lên tầng trên nằm nghỉ tận hưởng đêm trên biển khơi. Gần 8 giờ tối, du thuyền nhổ neo, trả mọi người về đất liền, có người lấy taxi về khách sạn, có người đi dạo chợ đêm, có người đi uống cà-phê.

 
Sáng ngày cuối cùng, sau khi ăn điểm tâm ở khách sạn, được thông báo chuyến bay bị hoãn 1 giờ, do đó xe đón chúng tôi đi ăn bữa cuối cùng vào lúc 10 giờ.

Bữa ăn chia tay tại nhà hàng Cobia là bánh canh với chả cá. Sau khi ăn xong lên xe, hướng dẫn viên hát một bài tặng mọi thành viên của đoàn. Đó là bài Quê hương là chum khế ngọt của nhà thơ Đỗ Trung Quân do Giáp Văn Thạch phổ nhạc.

Trước khi chia tay, trong khu vực làm thủ tục, mọi người cùng chụp tấm ảnh để làm kỷ niệm.


Nhiều người cho rằng Phú Quốc đẹp, với tôi Phú Quốc đang chuyển mình, nhà hàng, khách sạn, resort đang thi nhau mọc lên, nhà cửa đường phố đang xây dựng như con đường vào bãi sao, đường vào nơi sản xuất ngọc trai, đường ở làng chài Hàm Ninh nơi đang sửa chữa, nơi lộ đất nhỏ hẹp không tu bổ.


Có một điều làm chúng tôi rất khó chịu là tiếp viên hãng hàng không VietJet nhắc nhở hành khách đi trên máy bay: " ... nếu quý khách vi phạm sẽ bị xử phạt..." Đây là vấn đề lịch sự trong giao tiếp, cũng là vấn đề văn hóa. Nói theo thời thượng là "rất phản cảm" và thiếu văn hóa trong giao tiếp thương mại, chắc chắn không có hãng hàng không quốc tế nào dám sử dụng nếu không muốn bị phá sản. 


Nét đẹp mà chúng tôi được hưởng đó là buổi chiều trên du thuyền, ngắm nhìn cảnh hoàng hôn trên biển c và ánh đèn đêm của thị trấn Dương Đông. Một chuyến du lịch ghi lại trong tôi nhiều kỷ niệm, chúng tôi được học hỏi và hiểu biết vđời sống người dân sinh sống v nghbiển. 

Mọi người trong đoàn trước lạ sau quen, quen rồi rất thân thiết nhau. Khi đã chia tay vẫn còn tồn đọng nhiều tình cảm tốt đẹp.





11:55 Ngày 30-11-2015
hiệu đính 2-12-2015
Thêm ảnh của Tuyết Hương 12-12-2015



 



Thursday, November 26, 2015

Thăm bạn



Chiều Chủ nhật 22-11-2015, Đỗ Thọ Bình và Nguyễn Tấn Hưng gặp tôi về chuyện thầy Trần Văn Đặng, trước khi ra về Bình có cho biết anh Trần Phát Lạc nhắn muốn gặp tôi, cho nên hôm nay tôi muốn dành thì giờ đi thăm anh Trần Văn Sáng, Chị Cung Thị Lan Phương và anh Trần Phát Lạc.

Vì đưa nhà tôi đến cửa hàng may y phục gần ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thiện Thuật, nên tôi đi thăm anh Trần Văn Sáng, nguyên Tổng Giám Thị Trung học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ.

Trước 1975, tôi vẫn thường đến thăm anh Sáng, và đi theo quán tính, nhưng 2 năm trước tôi đi tìm nhà anh một lần theo trí nhớ số 311C, nhưng không phải tôi phải vận dụng trí nhớ cuối cùng tôi tìm thăm được anh, năm nay tôi cng nhớ nha anh số 311C, đến nơi nhà đóng kín cửa, hỏi thăm nhà bên cạnh mới biết không phải, tôi lại phải vận dụng trí nhớ vị trí nhà anh với một văn phòng hành chánh của khu vực, nhờ đó lần nầy, tôi tìm được nhà anh ở 311D, người nhà cho biết anh nằm bệnh viện 115, tôi nhờ ghi số phòng để đi thăm.

Hai năm trước sau khi thăm anh Sáng, tôi đi thăm chị Cung Thị Lan Phương, năm nay đi thăm chị, tìm nhà theo trí nhớ cũng bị sai, cuối cùng tôi đứng trước căn nhà sơn màu vàng, nhà đóng cửa, hành lang trước nhà có người bán hàng, trước kia có cái cổng rào, nay đã không còn, tôi hỏi thăm chị bán hàng, chị ấy cho biết chị Cung Thị Lan Phương đã mất cả năm rồi, chồng cũng đã mất, nhà có người con gái ở nhưng không có ở nhà. Trước khi đi, tôi cám ơn chị bán hàng không quên cho chị ấy biết anh Đỗ Xuân Sanh mất đã 10 năm rồi. Không có gì buồn hơn, người mình đi thăm đã không còn nữa, cảm nghĩ như bị lạc lỏng giữa chốn xe cộ tấp nập nầy.

Chị Cung Thị Lan Phương
Sau đó, tôi đến thăm anh Trần Phát Lạc, giáo sư Cao Thắng, anh theo học Sư Phạm Kỹ Thuật, Ban Kỹ Nghệ Họa khóa đầu tiên, nhà anh ở đường số 1 Cư xá Đô Thành, trước khi đi Mỹ, tôi ở đường số 2 trong cư xá nầy.

Anh Lạc và tôi thăm hỏi nhau, trao đổi tin tức về những người bạn, những người đã mất, chúng tôi nói về anh Nguyễn Văn Huệ, nguyên Hiệu Trưởng Trường Kỹ thuật Y-Út Banmêthuột, anh Lạc bỗng dưng hỏi tôi:

- July 4th. kỳ rồi ông có dự không ?

- Mới đó mà anh quên rồi, lúc chụp ảnh chung, anh và tôi ngồi kề bên nhau.

- À! Tôi nhớ ra rồi.

Tôi nhớ tới giáo sư Nguyễn Văn Hội, anh có mặt trong những lần họp mặt của cựu học sinh Cao Thắng, hàng năm tổ chức tri ân Thầy, Cô. Tôi hỏi về anh Hội, nhân tiện anh Lạc gọi điện thoại mời anh Hội tới chơi, nhân có tôi đang ở nhà anh.

Anh Hội cho biết anh sẽ đến ngay, chúng tôi chờ đợi khoảng hơn 20 phút, anh vẫn chưa đến dù nhà anh ở đường Trường Sa, gần cầu Trương Minh Giảng,  anh Lạc gọi điện thoại hỏi thăm, người nhà cho biết anh Hội vừa mới đi, chúng tôi lại phải chờ.

Cuối cùng anh Hội cũng đến, chúng tôi đưa nhau ra quán cà phê gần đó trò chuyện. Tôi nhắc cho anh Hội nhớ, ngày xưa đi gác thi Tú Tài ở Long Xuyên về, lúc qua phà Vàm Cống nhiều người bán vé số mời mọc quấy rầy, chúng tôi mỗi người phải mua mấy tờ vé số, sau đó làm công ty, về Sàigòn cuối tuần xổ số, chúng tôi trúng được một tờ 20 ngàn và tờ kia an ủi 500, tôi giữ vé số nên hẹn anh Hội ra Tổng nha Ngân khố gần cuối đường Nguyễn Huệ lãnh tiền, chia nhau mỗi người được 10 ngàn, còn tiền vé an ủi, chúng tôi ra góc đường uông bia bock, nay gọi là bia tươi và ăn hột vịt lộn làm mồi.

Gần 1 giờ trưa, chúng tôi chia tay, anh Hội nói với tôi:

- Ở trường Nguyễn Trường Tộ có anh Thông, hiền dễ mến, có lần đi gác thi chung với tôi, không rõ nay anh ta ở đâu ?

- Ở Nguyễn Trường Tộ không có ai tên là Thông cả!

- Có mà! Năm đó tôi làm Chủ tịch Hội đồng Giám thị, anh Thông làm thư ký Hội đồng, tôi có đi theo anh ta về nhà quê ăn bữa cơm.

- Anh Hội ơi ! Nguyễn Trường Tộ không có ai tên Thông, chỉ có tôi tên Tông đây và năm đó, anh với tôi về nhà tôi ăn bữa cơm với mắm lóc chiên nhớ chưa ?

- À ! Phải rồi ! Mình đi đò qua bên kia sông, dòng sông đẹp quá !

- Nay người ta bắt cầu sắt qua sông rồi, tiện lợi cho đi lại, nhưng không còn thơ mộng như ngày xưa.

Huỳnh Ái Tông, Nguyễn Văn Hội, Trần Phát Lạc

Chia tay rồi, tôi không hiểu anh Hội nghĩ gì ? Khi anh Lạc báo cho anh Hội là: “Có Huỳnh Ái Tông đang ở nhà tôi, anh có rảnh tới chơi ?” và tôi có nhắc anh chuyện trúng số ngày xưa. Vậy trong anh, tôi là ai ?

Dù đã trưa, tôi đi đến bệnh viện 115 để thăm anh Trần Văn Sáng, tôi nhớ người nhà cho biết anh nằm phòng 414, tôi vào tìm khắp 2 dãi giường nằm, nhìn mặt bệnh nhân, người nào đi khỏi, tôi đọc bảng tên treo trên giường bệnh, không tìm được anh, tôi định ra văn phòng hỏi, tôi nhớ có nhờ người nhà anh Sáng ghi số phòng, tôi móc túi ra đọc, phát hiện mình không cẩn thận đọc mảnh giấy ghi “phòng 417”.

Vào phòng 417, thấy anh Sáng đang nằm, anh thấy có người vào thăm, do mắt kém anh không nhìn ra ai, tôi phải xưng tên mình anh mới biết, thế là anh ngồi lên tiếp chuyện với tôi, anh cho biết trong ngực phải của anh có khối u nằm ngoài gan. Tôi hỏi, anh cho biết mỗi bữa ăn được bát cơm, ngủ đ 5, 6 giờ, trông anh có vẻ ốm hơn lần gặp 2 năm trước, nhưng sắc mặt tươi tỉnh, không phải là người bệnh, nếu anh không mặc bộ quần áo xanh của bệnh nhân.

Có người đàn bà từ ngoài phòng đi lại giường anh, anh giới thiệu đó là vợ anh. Sau khi chào tôi, chị ấy cho biết bác sĩ cần gặp anh nói chuyện. Tôi cáo từ ra về.

Huỳnh Ái Tông, Trần Văn Sáng, chị Sáng

Tiện thể trên đường Thành Thái, tôi ghé thăm anh Lê Xuân Thiệu, Huynh trưởng GĐPT Giác Minh, Giác Hoa, BHD GĐPT Gia Định, đến nhà anh, tôi hỏi một thanh niên trong nhà:

- Có anh Lê Xuân Thiệu ở nhà không cháu ?

- Chú ở đâu mà bây giờ mới hỏi ?

Tôi cảm thấy có gì lạ, không trả lời mà hỏi ngược lại tôi, tôi đáp:

- Tôi ở Mỹ về ghé thăm anh Thiệu.

- Ông Thiệu mất gần cúng giỗ đầu rồi.

- Xin lỗi! Cháu là chi của anh Thiệu

- Dạ! Cháu là con trai thứ 7

- Còn Lê Xuân Thảo đâu ?

- Anh cháu mới đi Mỹ cách đây vài tháng.

- Chị Thiệu có nhà không ?

- Dạ ! Mẹ cháu bị ho nằm bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cũng gần xuất viện rồi.

- Thưa lại cho mẹ cháu biết có chú Tông tới thăm nghe.

- Dạ! Chào chú.

Lê Xuân Thiệu (ảnh năm 1959) 


Rời khỏi nhà Lê Xuân Thiệu, lòng buồn quá, chị Cung Thị Lan Phương, anh Lê Xuân Thiệu, một thời cùng tôi sinh hoại tại chùa Giác Minh, nay đi thăm họ đều đã quá vãng rồi.

Những người bạn một thời, nay kẻ còn người mất, kẻ bệnh hoạn, người nhớ nhớ quên quên. “Thất thập cổ lai hy mà !” Cho nên việc đi lại thăm hỏi nhau là cần thiết. Cô em họ của tôi, năm ngoái đi thăm, còn trò chuyện với nhau, năm nay đi thăm cô ấy đã mất rồi. Người thân kẻ sơ đều như nhau: “sanh, lão, bệnh, tử”, luật vô thường của tạo hóa không ai tránh khỏi.
Sàigòn, 26-11-2015