Pages

Thursday, November 26, 2015

Thăm bạn



Chiều Chủ nhật 22-11-2015, Đỗ Thọ Bình và Nguyễn Tấn Hưng gặp tôi về chuyện thầy Trần Văn Đặng, trước khi ra về Bình có cho biết anh Trần Phát Lạc nhắn muốn gặp tôi, cho nên hôm nay tôi muốn dành thì giờ đi thăm anh Trần Văn Sáng, Chị Cung Thị Lan Phương và anh Trần Phát Lạc.

Vì đưa nhà tôi đến cửa hàng may y phục gần ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thiện Thuật, nên tôi đi thăm anh Trần Văn Sáng, nguyên Tổng Giám Thị Trung học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ.

Trước 1975, tôi vẫn thường đến thăm anh Sáng, và đi theo quán tính, nhưng 2 năm trước tôi đi tìm nhà anh một lần theo trí nhớ số 311C, nhưng không phải tôi phải vận dụng trí nhớ cuối cùng tôi tìm thăm được anh, năm nay tôi cng nhớ nha anh số 311C, đến nơi nhà đóng kín cửa, hỏi thăm nhà bên cạnh mới biết không phải, tôi lại phải vận dụng trí nhớ vị trí nhà anh với một văn phòng hành chánh của khu vực, nhờ đó lần nầy, tôi tìm được nhà anh ở 311D, người nhà cho biết anh nằm bệnh viện 115, tôi nhờ ghi số phòng để đi thăm.

Hai năm trước sau khi thăm anh Sáng, tôi đi thăm chị Cung Thị Lan Phương, năm nay đi thăm chị, tìm nhà theo trí nhớ cũng bị sai, cuối cùng tôi đứng trước căn nhà sơn màu vàng, nhà đóng cửa, hành lang trước nhà có người bán hàng, trước kia có cái cổng rào, nay đã không còn, tôi hỏi thăm chị bán hàng, chị ấy cho biết chị Cung Thị Lan Phương đã mất cả năm rồi, chồng cũng đã mất, nhà có người con gái ở nhưng không có ở nhà. Trước khi đi, tôi cám ơn chị bán hàng không quên cho chị ấy biết anh Đỗ Xuân Sanh mất đã 10 năm rồi. Không có gì buồn hơn, người mình đi thăm đã không còn nữa, cảm nghĩ như bị lạc lỏng giữa chốn xe cộ tấp nập nầy.

Chị Cung Thị Lan Phương
Sau đó, tôi đến thăm anh Trần Phát Lạc, giáo sư Cao Thắng, anh theo học Sư Phạm Kỹ Thuật, Ban Kỹ Nghệ Họa khóa đầu tiên, nhà anh ở đường số 1 Cư xá Đô Thành, trước khi đi Mỹ, tôi ở đường số 2 trong cư xá nầy.

Anh Lạc và tôi thăm hỏi nhau, trao đổi tin tức về những người bạn, những người đã mất, chúng tôi nói về anh Nguyễn Văn Huệ, nguyên Hiệu Trưởng Trường Kỹ thuật Y-Út Banmêthuột, anh Lạc bỗng dưng hỏi tôi:

- July 4th. kỳ rồi ông có dự không ?

- Mới đó mà anh quên rồi, lúc chụp ảnh chung, anh và tôi ngồi kề bên nhau.

- À! Tôi nhớ ra rồi.

Tôi nhớ tới giáo sư Nguyễn Văn Hội, anh có mặt trong những lần họp mặt của cựu học sinh Cao Thắng, hàng năm tổ chức tri ân Thầy, Cô. Tôi hỏi về anh Hội, nhân tiện anh Lạc gọi điện thoại mời anh Hội tới chơi, nhân có tôi đang ở nhà anh.

Anh Hội cho biết anh sẽ đến ngay, chúng tôi chờ đợi khoảng hơn 20 phút, anh vẫn chưa đến dù nhà anh ở đường Trường Sa, gần cầu Trương Minh Giảng,  anh Lạc gọi điện thoại hỏi thăm, người nhà cho biết anh Hội vừa mới đi, chúng tôi lại phải chờ.

Cuối cùng anh Hội cũng đến, chúng tôi đưa nhau ra quán cà phê gần đó trò chuyện. Tôi nhắc cho anh Hội nhớ, ngày xưa đi gác thi Tú Tài ở Long Xuyên về, lúc qua phà Vàm Cống nhiều người bán vé số mời mọc quấy rầy, chúng tôi mỗi người phải mua mấy tờ vé số, sau đó làm công ty, về Sàigòn cuối tuần xổ số, chúng tôi trúng được một tờ 20 ngàn và tờ kia an ủi 500, tôi giữ vé số nên hẹn anh Hội ra Tổng nha Ngân khố gần cuối đường Nguyễn Huệ lãnh tiền, chia nhau mỗi người được 10 ngàn, còn tiền vé an ủi, chúng tôi ra góc đường uông bia bock, nay gọi là bia tươi và ăn hột vịt lộn làm mồi.

Gần 1 giờ trưa, chúng tôi chia tay, anh Hội nói với tôi:

- Ở trường Nguyễn Trường Tộ có anh Thông, hiền dễ mến, có lần đi gác thi chung với tôi, không rõ nay anh ta ở đâu ?

- Ở Nguyễn Trường Tộ không có ai tên là Thông cả!

- Có mà! Năm đó tôi làm Chủ tịch Hội đồng Giám thị, anh Thông làm thư ký Hội đồng, tôi có đi theo anh ta về nhà quê ăn bữa cơm.

- Anh Hội ơi ! Nguyễn Trường Tộ không có ai tên Thông, chỉ có tôi tên Tông đây và năm đó, anh với tôi về nhà tôi ăn bữa cơm với mắm lóc chiên nhớ chưa ?

- À ! Phải rồi ! Mình đi đò qua bên kia sông, dòng sông đẹp quá !

- Nay người ta bắt cầu sắt qua sông rồi, tiện lợi cho đi lại, nhưng không còn thơ mộng như ngày xưa.

Huỳnh Ái Tông, Nguyễn Văn Hội, Trần Phát Lạc

Chia tay rồi, tôi không hiểu anh Hội nghĩ gì ? Khi anh Lạc báo cho anh Hội là: “Có Huỳnh Ái Tông đang ở nhà tôi, anh có rảnh tới chơi ?” và tôi có nhắc anh chuyện trúng số ngày xưa. Vậy trong anh, tôi là ai ?

Dù đã trưa, tôi đi đến bệnh viện 115 để thăm anh Trần Văn Sáng, tôi nhớ người nhà cho biết anh nằm phòng 414, tôi vào tìm khắp 2 dãi giường nằm, nhìn mặt bệnh nhân, người nào đi khỏi, tôi đọc bảng tên treo trên giường bệnh, không tìm được anh, tôi định ra văn phòng hỏi, tôi nhớ có nhờ người nhà anh Sáng ghi số phòng, tôi móc túi ra đọc, phát hiện mình không cẩn thận đọc mảnh giấy ghi “phòng 417”.

Vào phòng 417, thấy anh Sáng đang nằm, anh thấy có người vào thăm, do mắt kém anh không nhìn ra ai, tôi phải xưng tên mình anh mới biết, thế là anh ngồi lên tiếp chuyện với tôi, anh cho biết trong ngực phải của anh có khối u nằm ngoài gan. Tôi hỏi, anh cho biết mỗi bữa ăn được bát cơm, ngủ đ 5, 6 giờ, trông anh có vẻ ốm hơn lần gặp 2 năm trước, nhưng sắc mặt tươi tỉnh, không phải là người bệnh, nếu anh không mặc bộ quần áo xanh của bệnh nhân.

Có người đàn bà từ ngoài phòng đi lại giường anh, anh giới thiệu đó là vợ anh. Sau khi chào tôi, chị ấy cho biết bác sĩ cần gặp anh nói chuyện. Tôi cáo từ ra về.

Huỳnh Ái Tông, Trần Văn Sáng, chị Sáng

Tiện thể trên đường Thành Thái, tôi ghé thăm anh Lê Xuân Thiệu, Huynh trưởng GĐPT Giác Minh, Giác Hoa, BHD GĐPT Gia Định, đến nhà anh, tôi hỏi một thanh niên trong nhà:

- Có anh Lê Xuân Thiệu ở nhà không cháu ?

- Chú ở đâu mà bây giờ mới hỏi ?

Tôi cảm thấy có gì lạ, không trả lời mà hỏi ngược lại tôi, tôi đáp:

- Tôi ở Mỹ về ghé thăm anh Thiệu.

- Ông Thiệu mất gần cúng giỗ đầu rồi.

- Xin lỗi! Cháu là chi của anh Thiệu

- Dạ! Cháu là con trai thứ 7

- Còn Lê Xuân Thảo đâu ?

- Anh cháu mới đi Mỹ cách đây vài tháng.

- Chị Thiệu có nhà không ?

- Dạ ! Mẹ cháu bị ho nằm bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cũng gần xuất viện rồi.

- Thưa lại cho mẹ cháu biết có chú Tông tới thăm nghe.

- Dạ! Chào chú.

Lê Xuân Thiệu (ảnh năm 1959) 


Rời khỏi nhà Lê Xuân Thiệu, lòng buồn quá, chị Cung Thị Lan Phương, anh Lê Xuân Thiệu, một thời cùng tôi sinh hoại tại chùa Giác Minh, nay đi thăm họ đều đã quá vãng rồi.

Những người bạn một thời, nay kẻ còn người mất, kẻ bệnh hoạn, người nhớ nhớ quên quên. “Thất thập cổ lai hy mà !” Cho nên việc đi lại thăm hỏi nhau là cần thiết. Cô em họ của tôi, năm ngoái đi thăm, còn trò chuyện với nhau, năm nay đi thăm cô ấy đã mất rồi. Người thân kẻ sơ đều như nhau: “sanh, lão, bệnh, tử”, luật vô thường của tạo hóa không ai tránh khỏi.
Sàigòn, 26-11-2015






No comments:

Post a Comment