Pages

Friday, October 30, 2015

Viếng thăm Nhất Nguyên Bửu Tự



Chùa tọa lạc tại Ấp Trung, xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An tỉnh Bình Dương, nói khác đi là chùa nằm trên Quốc lộ 13, cách ngã tư Bình Phước cũng như chợ Lái Thiêu không xa.


Chùa được xây dựng từ năm 1960, do ông Hai Thu cúng dường một khoảnh đất trong vườn nhà ông, để xây dựng nên ngôi chùa lá, do sư Thích Thiện Phước trụ trì đầu tiên, sư là người khai sơn lập môn phái Tịnh độ non bồng, tại Linh Sơn cổ tự trên núi Dinh ở Bà Rịa, sư Thiện Phước viên tịch năm 1986, tại Quan Âm tu viện Biên Hòa.

Trong chánh điện, ngay giữa chùa xây một bệ thờ hình vuông, mỗi cạnh chừng 3 thước, cao 1 thước tôn tượng đức Bổn sư, đối diện là tượng đức Hộ pháp, phía sau là bàn thờ Hậu tổ.


Chùa có Đông lang dùng làm chỗ ngủ nghỉ của chư Tăng và thiện nam, Tây lang dùng để thờ Cửu huyền thất tổ của phật tử, nhà bếp và nơi nghỉ của chư Ni cùng tín nữ.

Gần đây chùa được xây dựng lại khang trang hơn. Đông lang và Tây lang là nơi ngủ nghỉ của chư Tăng, Ni và thiện nam, tín nữ.

Có một căn nhà dành để thờ Cửu huyền riêng, phía sau chùa có tháp của 2 vị tăng, một là Đại Đức trụ trì Thích Vạn Phước, hai là Đại đức Thích Hòa Ái (tục danh Hai Thu, cũng là chủ đất trước kia), ngày nay trụ trì là Đại Đức Thích Thiện Hỷ, thế danh Nguyễn Văn Phẩm, tục danh Tám Phẩm.

Chùa thuộc Giáo hội Tịnh độ tông do ông Đoàn Trung Còn làm Trị Sự Trưởng Ban Chấp Sự Trung Ương, trụ sở lúc mới thành lập năm 1955, đặt tại chùa Giác Hải Phú Lâm Chợ Lớn. Năm 1959, chùa Liên Tông được xây cất xong, giáo hội dời về chùa Liên Tông. Năm 1970, ông Đoàn Trung Còn xuất gia, thọ giới Tỳ Kheo, pháp danh Thích Hồng Tại, ông viên tịch năm 1988, được môn phái Tịnh độ non bồng tôn vinh lên ngôi vị Hòa Thượng. Ông Đoàn Trung Còn là một trong ba nhà Phật học trứ danh thế kỷ thứ 20: Miền Bắc có cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, miền Trung có bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, miền Nam có Thích Hồng Tại Đoàn Trung Còn.

Chùa đặc biệt mỗi năm có khóa “Bách nhật niệm Phật”, khai khóa vào đêm mồng 8 tháng 8 và hoàn mãn vào lễ vía đức A Di Đà ngày 17 tháng 11. Khóa đầu tiên được tổ chức từ năm 1966 đến nay không gián đoạn, mặc dù sau 1975 kinh tế, an ninh, xã hội có khó khăn, nhưng khóa niệm Phật vẫn tiếp tục bình thường.

Mỗi ngày có 12 thời niệm Phật, mỗi thời niệm Phật là 2 giờ, có Tăng hay Ni đảm trách, hướng dẫn phật tử tham dự, liên tục niệm Phật không ngừng nghỉ. Phật tử các nơi về tham dự không phải đóng góp chi cả, có thể dự vài giờ cứ 30 phút ngồi rồi tiếp theo 30 phút đi kinh hành chung quanh bàn Phật, nếu ai có thời giờ dự một đôi ngày thậm chí cả khóa 100 ngày càng quý, cũng không cần phải ghi danh dự khóa, trừ việc trình báo nhà cầm quyền về “Tạm trú, tạm vắng”. Về ăn uống, ngủ nghỉ do chùa cung cấp, thức ăn do phật tử cúng dường.

Sau khi đi tham quan vườn cảnh ở Bình Dương, trên đường về chúng tôi ghé lại Nhất Nguyên để lễ Phật, cũng để xem khóa Niệm Phật năm nay, nói chung là ngày thường, ngoài Tăng, Ni còn có chừng 50 thiện Nam, tín Nữ dự thời niệm Phật buổi trưa.

Năm ngoái, cũng vào thời khóa Niệm Phật, chúng tôi có ghé qua lễ Phật, nhưng không gặp trụ trì chùa, năm nay ghé gặp ngay Đại đức trụ trì, người đã hướng dẫn chúng tôi vào gặp Sư Sáu, nay là một vị Hòa Thượng, ông trụ trì ở một ngôi chùa tại xã Phước Hòa, huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa, được tông phái chỉ định đặc trách tổ chức “Bách nhật niệm Phật” năm nay.


Cũng là cái duyên chúng tôi gặp lại Sư và Đại đức trụ trì, sau vài chục năm xa cách, nhớ lại trước kia mỗi lần lên Linh Sơn cổ tự đều có gặp Sư, đôi khi ghé chùa Sư trụ trì thăm viếng, được uống chén trà, ăn miếng bánh hay chuối khô do Sư khoản đãi.

Với Đại Đức trụ trì, người ân cần mời chúng tôi nán lại dùng cơm chùa, tiếc rằng chúng tôi phải ra về, Đại đức tặng cho một tràng chuỗi tay, tiện từ cây dâu tằm ăn, còn Sư Sáu tặng cho toàn bộ gia đình chúng tôi mỗi người một tượng Phật nhỏ có sợi dây chuyền đeo vào cổ.

Vào thập niên 1980, chúng tôi đã tham dự trên 10 năm khóa “Bách nhật niệm Phật”, tại Nhất Nguyên Bửu Tự, năm nay tôi ước nguyện một ngày nào đó, sẽ dự vài thời khóa như nhặt cánh hoa rơi, để được thanh thản tâm trí, tưởng nhớ tới chư Tăng như Thích Hòa Ái, Thích Thiện Duyên ... và các đạo hữu như ông Năm thượng thủ, chú Trí, chú Vân, chú Sơn ... phu nhân bác sĩ Chiếu, đã rời xa chốn trần gian cát bụi nầy, an nhiên về tới đất Phật, nhờ có công phu niệm Phật.

Sàigòn 30-10-2015


Thursday, October 29, 2015

Tham quan vườn cảnh ở Bình Dương


Ngày 28-10-2015, con rể chúng tôi đưa đi tham quan 2 vườn cảnh ở Bình Dương. Trước tiên chúng tôi được tham quan vườn cảnh KOI Coffee, đây là vườn cảnh trong một quán cà-phê có ba hồ cá koi.


Quán cà-phê xây dựng sát bên đường, có mặt tiền chừng 15 thước, có một ngôi nhà chính với cửa kính chung quanh, ngoài ngôi nhà nầy có những bàn đặt cạnh hồ cá, để khách vừa thưởng thức cà phê, vừa xem cá lội nhởn nhơ.


Có những con cá Koi trắng, ở đầu có đốm tròn đỏ, như biểu tượng lá cờ Nhật Bản, có lẽ vì vậy mà người Nhật nuôi và bán ra nước ngoài, cá koi có những con to lớn có thể có giá trị đến vài ngàn đô.


Vài tháng trước, con rể tôi đã bán cho người chủ quán nầy nguyên một hồ cá koi vài chục con, được gọi là cá Bướm vì nó có vi, kỳ to và dài như cánh bướm.


Trong lúc tôi quan sát, tự dưng đàn cá bướm quay thành một vòng tròn trông rất đẹp mắt.

Chủ quán là một người trẻ, tuổi chừng 30, làm Giám Đốc nhà in bao bì của người Hàn Quốc, trong thời gian tôi tham quan tại đây, anh ta có gặp con rể tôi, hai người bàn chuyện riêng, lịch sự chào hỏi tôi trông người rất bặt thiệp.

Rời nơi đây, chúng tôi đi tham quan một nơi khác, một người chơi Bonsai, có vườn cảnh gồm một nhà mát, cất bằng những cây cột tròn, gỗ quý, mái lợp ngói, có hai gian, bên trong để 1 divan và một bộ ván gõ không có chân ngựa, để trên sàn lát gạch, chung quanh căn nhà nầy là những tượng gỗ chạm trổ Hoàng đế, Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma … và những đá quý, trông rất mỹ thuật.

Trước sân là hồ cá koi, bên hông nhà là hồ cá Tàu, bên tay trái dựa tường là hòn giả sơn có thác nước với những bụi phong lan.


Phía trước sân chính là những chậu Bonsai, bên tay phải một gò đất, trên đó đặt tượng của các vị La Hán, hình như chỉ Thập lục chớ không phải Thập bát La hán, trên tường bên phải cũng như bên trái là hộp kính, chưng bày đá quý.


Khung cảnh nầy chủ nhân tạo cho mình một giang sơn riêng biệt để hưởng nhàn và cũng tạo nên của cải về bộ sưu tầm Bonsai và những vật mỹ thuật trang trí quý giá.

Rời căn nhà mát nầy, chúng tôi tới cửa hàng Bonsai, nơi đây chúng tôi được gặp chủ nhân cửa hàng cũng là chủ nhân ngôi nhà mát, anh ta tuổi khoảng bốn mươi.


Nơi cửa hàng có những cây Bonsai và một ít trang trí nội thất mỹ thuật như tranh, tượng, độc bình …

Ai thích chơi Bonsai, đến gian hàng nầy chắc khó mà rời đi, giá cả phải chăng để cho người ta có thể mua sắm được, làm chủ tác phẩm nghệ thuật Bonsai. Bonsai là cả không gian được thu hẹp, nghệ nhân đã tạo dáng làm cho cây có thân hình đẹp, ưa nhìn giúp cho người ta thả hồn vào một thế giới tràn ngập những mộng mơ.


Sàigòn 28-10-2015


Friday, October 23, 2015

Tham quan khu du lịch Thới Sơn - Cồn Phụng



Được Trắc Dĩ và Phượng mời đi tham quan du lịch Thới Sơn - Cồn Phụng, tôi muốn đi một chuyến cho biết cầu Rạch Miễu đã nối liền thành phố Mỹ Tho với Bến Tre.


Năm 1963, nhân chạy trốn cảnh sát, công an do những vụ tôi tham gia biểu tình thời đó, có lúc theo bạn ra Nha Trang, Ninh Hòa vài tuần, có lúc chạy xuống Bến Tre ở nhà chị tôi tại thị xã, thời đó phải đi bắc Rạch Miễu, chiếc bắc chạy ngang qua mấy cù lao, chạy gần cồn Phụng nên thấy rõ những đài cao, những biểu tượng như quả địa cầu, 9 con rồng uốn khúc quanh các cây cột… là nơi ông Đạo Dừa hành đạo thời đó.

 Ông Đạo Dừa và các môn đệ

Ông Đạo Dừa tên thật là Nguyễn Thành Nam, sanh năm 1910 tại làng Phước Thạnh, tổng An Hòa, quận Châu thành tỉnh Bến Tre, thân phụ ông là Chánh Tổng Nguyễn Thành Trúc. Năm 1928, ông được sang Pháp du học tại tỉnh Rouen, năm 1932 đỗ bằng kỷ sư hóa học rồi về nước. Cuối năm 1935, ông lập gia đình với bà Lộ Thị Nga, họ có một người con gái là Nguyễn Thị Khiêm, Năm 1945, ông lên chùa An Sơn ở vùng Bảy núi tỉnh Châu đốc, quy y trở thành nhà sư Phật giáo, ông hành thiền suốt ngày đêm. 

Năm 1948, ông trở về bến bắc Rạch Miễu ngồi thiền hành đạo, mặc cho khách đi ngang qua lại. Năm 1950, ông trở về quê nhà ở Phước Thạnh, xây đài cao 14 thước để ngồi thiền trên đó. Ông chỉ uống nước dừa mà sống, nên gọi là ông Đạo Dừa, mỗi năm chỉ tắm bằng nước dừa vào ngày Phật đản, ông lấy đạo hiệu là Thích Hòa Bình.

Khoảng năm 1960, ông Đạo Dừa đến cuối Cồn Phụng, dựng lên cơ sở tu hành, lập đài bát quái, đài cao để ngồi thiền, sau ông mua được chiếc xà lan cũ của Mỹ, ông tạo dựng thành thuyền bát nhã, ngày nay những cơ sở của ông vẫn còn, riêng chiếc xà lan, bị nhà cầm quyền địa phương tịch thu, kéo về thị xã Bến Tre biến thành nhà hàng nổi.

Sau 1975, ông vượt biên bị bắt nên phải đi cải tạo một thời gian ở Kinh 5, thuộc Vị Thanh Hỏa Lựu, tỉnh Cần Thơ.

Về sau, ông được người nhà bảo lãnh về, ra trại ông trở lại hành đạo, nhà cầm quyền cho rằng ông phổ biến mê tín dị đoan, trong lần công an kiểm tra, do đệ tử và lực lượng công an níu kéo, ông bị té chấn thương sọ não ngày 12-5-1990, ngày hôm sau qua đời, thọ 81 tuổi. Mộ phần ông được chôn đứng tại xã nhà. Ông là nhân vật trí thức, hành đạo kỳ bí nhất ở Miền Nam vào những năm 1970.

 Mộ ông Đạo Dừa

Trắc Dĩ - Phượng dùng xe nhà, đưa tôi đi tham quan, đây là lần đầu tiên tôi đi trên cầu Rạch Miễu, cầu nầy do kỷ sư Việt Nam thiết kế và xây dựng. Cầu có tổng chiều dài gồm 2 cầu là 2,868 m, trong đó cầu 1 là cầu dây bắt qua Cồn Phụng dài 1,878 m, chiều dài nhịp chính 270 m, chiều cao thông thuyền là là 37.5 m, cho tàu có trọng tải 10,000 tấn qua lại được, cầu 2 nối tiếp theo dài 990 m và 2 bên có đường nối vào cầu, tạo thành chiều dài chung là 8,331 m. Tải trọng cầu là 30 tấn. Tổng kinh phí là 1,400 tỷ đồng. Cầu khởi công xây dựng vào 30-4-2002 và khánh thành vào ngày 19-1-2009.

Khi xe chạy hết cầu 1, tài xế lái xe xuống cầu, đến địa điểm đón khách tham quan du lịch trên Cù lao Thới Sơn cũng có tên gọi là Cồn Lân, trong tứ quý Long (cồn Tân Long), Lân, Quy (cồn Quy), Phụng (cồn Phụng).



Tại đây có người giới thiệu sơ qua các điểm tham quan, và Trắc Dĩ đã mua vé cho 5 người cùng đi tham quan, gồm 4 người chúng tôi và cả tài xế. 


 Trước tiên là khách được đi xe thổ mộ một quảng đường chừng 1 hay 2 cây số, rồi đi bộ một quảng đường để ra bến sông, đi đò máy tới một điểm thưởng thức mật, phấn hoa, sữa ông chúa, pha với nước trái tắc và nước trà.



Tại đây có thể mua những sản phẩm của ong và những sản phẩm chế tạo từ cây dừa như đủa ăn, vá, bình và tách uống trà, xách tay làm bằng những miếng gáo dừa kết lại với dây nhợ, tham quan nơi làm kẹo dừa, từ khâu lột vỏ dừa cho đến xay cơm dừa, ép nước cốt dừa, thắng kẹo dừa, đổ ra khuôn, gói từng viên kẹo dừa, công đoạn nầy làm bằng thủ công !


Sau khi tham quan một cơ sở sản xuất kẹo dừa, chúng tôi lại đi bộ ra bến đò, để lên đò đi một quảng rạch nhỏ chừng 2 cây số, rạch quanh co hai bên bờ rạch toàn là cây dừa nước rợp bóng và những quày dừa nước phần nhiều còn non.



Mỗi chiếc xuồng dài chừng 5 thước, có thể chở tới 10 người khách, nhưng thường họ chỉ chở 4 hay 5 người, có 2 người bơi ở mũi và lái. Hỏi chúng tôi được biết có tất cả 300 chiếc xuồng, mỗi chuyến đưa khách là 15 ngàn đồng.

Xuồng đi lại tấp nập, có xuồng chở 2, 3 người, có xuồng tới 5, 6 người già, tuy nhiên họ trò chuyện cười đùa vui vẻ, không thiếu xuồng đưa người ngoại quốc.  


Rời xuồng, chúng tôi được chuyển qua đò máy để đến một chỗ xem người ta nuôi Sấu và dùng cơm trưa. Nơi đây cơ sở du lịch tạo vườn cảnh với cây uốn hình Long, Lân, Quy, Phụng, tại đây ngưòi ta vừa dựng xong một ngôi nhà, vật liệu lấy toàn bộ từ cây dừa, nào cột, kèo, trính, đòn tay, đòn dông, lợp mái. 


Rồi chúng tôi đến nhà mát trong khu nầy để dùng cơm, nơi đây có chiếc cầu tre cho khách “trải nghiệm đi qua cầu tre”, tiếc rằng cầu đã gãy một đoạn, nên không đi qua bên kia được, chúng tôi uống nưóc dừa dứa, họ chặt đẹp 35 ngàn một trái, trong khi ở Sàigòn, con gái tôi cho biết chỉ có 10 hay 12 ngàn. 

Rời nơi nuôi cá sấu, chúng tôi đi đò máy tới Cồn Phụng, tham quan nơi ông Đạo Dừa đã hành đạo ngày xưa. 


Thuyền Bát Nhã không còn, những thứ khác vẫn còn nguyên vẹn như 9 con rồng quấn quanh cột, tượng trưng cho sông Cữu Long, phi thuyền Appolo, đài ngồi thiền, đỉnh đấp các mảnh sành với Long, Lân, Phụng đặt trên lưng con Quy, có gắn bia ông Đạo Dừa và người đắp cái đĩnh.


Trong khu nầy có mấy cây chuối kiểng, mỗi quay có đến trăm nãi.


Trong hang động nhân tạo có đặt một bàn thờ, có một nữ đệ tử của ông Đạo Dừa đang hành đạo, vài năm gần đây, bà ta chỉ uống nước dừa mà thôi, tuổi đã ngoài 80, răng rụng cả nhưng trông người vẫn khỏe mạnh.


Sau khi thăm nơi ông Đạo Dừa tu ngày xưa, chúng tôi được hướng dẫn ra đò máy để chạy tới điểm ăn trái cây, và thưởng thức đờn ca tài tử. Do đã hết mùa trái cây, nên họ dọn ra có một dĩa có mấy miếng khóm, một dĩa mấy miếng ổi, một dĩa mấy miếng thanh long, một dĩa mất lát dưa hấu và một dĩa mấy trái chôm chôm. Đó là mấy đĩa ngũ quả.

Sau đó hai người đàn ông ôm nhạc khí ra ngồi đối diện với bàn chúng tôi, một người chơi đàn tranh, người kia chơi đàn guitar, một cô mặc áo bà ba màu hường ra chào khách và hát một bản ngắn hành vân hay lưu thủy tôi không rành, tiế theo một cô mặc ái dài màu vàng trên ngực có thêu hoa nhỏ ca hai câu vọng cổ rồi một anh 3 câu vọng cổ Võ Đông Sơ với Bạch Thu Hà.


Tôi có yêu cầu ca bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sư Sáu Lầu, cô áo hường trở ra ca bản nầy.

Họ ca tuy không hay lắm, nhưng nhắc nhở cho người ta biết truyền thống ca  nhạc miền Nam ngoài cải lương ra, có ca tài tử. Trước hoặc trong thời gian có hát Cải Lương. Cải Lương ra đời sau Ca Ra Bộ, trước Ca Ra Bộ có đờn ca tài tử.

Ở nhà quê, sau những ngày mùa thảnh thơi, buổi trưa hay buổi tối, nhất là buổi tối những người biết đàn như đàn tranh, đàn cò, đàn kìm, đàn độc huyền họ rũ nhau họp lại cùng đàn Nam ai, Nam Xuân, Hành Vân, Lưu thủy hay 6 câu vọng cổ, gọi là hòa đàn. Cũng có khi chỉ 2 hay 3 tay hòa đàn với nhau rồi có một ai đó biết ca, nổi hứng lên ca như vậy thành danh là Đờn ca tài tử, vì họ không phải là đào, là kép, là tay đàn cho gánh hát, họ không phải là người chuyên nghiệp, cho nên họ được gọi là tài tử. 

Đàn ca tài tử thường được tổ chức, có thể họ trải một manh đệm ngoài sân dưới đêm trăng, giữa đệm để bình trà, vài cái chun uống trà, một dĩa bánh in hay bánh ngọt, để cho người đàn, người ca ăn bánh, uống nước giải khát, cả nguời tham dự cũng được mời ăn bánh, uống nước, do chủ nhà khoản đãi. Chủ nhà có thể là người thích nghye hòa nhạc, ca hát, chủ nhà có thể là người đàn hay người ca. Đờn ca tài tủ là thế đó.

Tôi muốn nhà tôi cũng như Dĩ, Phượng tham dự một lần để biết thế nào là đàn ca tài tử. Tuy nhiên nghe thấy, chưa đủ hiểu hết ý nghĩa của nó.

Cô áo dài vàng có lẽ là chủ chốt, có hỏi chúng tôi muốn yêu cầu ca thêm bài nào không. Chúng tôi nghĩ thưởng thức như vậy là đủ, nên cám ơn rồi ra về.

Dĩ thuở nhỏ, có lúc sống ở Lâm Đồng rồi Sàigòn, còn Phượng sống từ nhỏ ở vùng nhà thương Đồn Đất, nay cả hai sống ở Mỹ, nhà tôi cũng gần như vậy, không được sống ở miệt vườn, không có đi xuồng, ngồi đò chạy trên sông. Nên chuyến tham quan nầy đem lại cho họ nhiều hữu ích thực tế.

Chúng tôi lên xe, trời bắt đầu đổ cơn mưa tầm tả, may mắn thay suốt thời gian tham quan, trời nắng giúp cho chúng tôi không bị trở ngại, mọi việc đều vui vẻ, để lại cho chúng tôi nhiều ấn tuợng tốt đẹp.

 Sàigòn 23-10-2015




Monday, October 19, 2015

Vài tin được quan tâm ở Việt Nam



Vài tháng trước, trên một số trang Mạng Xã hội đã tung tin Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam bị ám sát ở thủ đô Paris Pháp, sau đó phóng viên đài truyền hình SBTN, đã đến một bệnh viện ở Paris tìm hiểu, nơi đây cho biết tướng Thanh có nằm điều trị một thời gian và đã xuất viện. Sau đó, báo chí có đăng tin và hình ảnh tại phi trường Nội Bài, Tướng Phùng Quang Thanh về nước. Tiếp theo đó, có Video clip Đại tướng Phùng Quang Thanh tham dự chương trình "Khát vọng đoàn tụ" ngày 27-7-2015, tổ chức tại hội trường Bộ Quốc Phòng. 

Ngày 17-10-2015, các báo tại Việt Nam đăng tin Bộ Trưởng Phùng Quang Thanh dự cuộc họp không chính thức giữa Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quôc và các Bộ Trưởng Quốc Phòng thuộc khối Asean, trong đó có ảnh Tướng Phùng Quang Thanh đứng vị trí cuối cùng bên phải.

Phùng Quang Thanh và Bộ Trưởng Quốc Phòng các nước Asean và Trung Quốc

Ông cũng tham dự Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 6, do Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh ngày 16-10-2015, năm nay có khoảng 300 viên chức quốc phòng và học giả từ 47 quốc gia tới tham dự. 

Phùng Quang Thanh tại Diễn đàn Hương Sơn

Báo chí Việt Nam đăng tin, nhà nước Việt Nam đã đền bù cho ông Nguyễn Thanh Chấn 7.2 tỷ đồng, tiền đền bù cho thời gian ông bị bắt giam “oan sai” trong 10 năm.

Nội vụ oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn như sau:

Giữa tháng 8 năm 2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại nhà riêng ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Công an xác định ông Nguyễn Thanh Chấn, sinh năm 1961, hàng xóm với nạn nhân, là thủ phạm nên thực thi lệnh bắt. Đơn kêu oan của ông Chấn không được Tòa án Nhân dân Tối cao chấp nhận, trong phiên phúc thẩm mở tháng 7 năm 2004, Toà án tỉnh Bắc Giang tuyên phạt ông án tù chung thân do “giết người có tính chất côn đồ".

Trong 10 năm ở tù, ông Chấn liên tục gửi đơn kêu oan, vợ ông bà Nguyễn Thị Chiến cũng vác đơn nộp ở nhiều cơ quan công quyền, cho biết thủ phạm thực sự của vụ án là người cùng làng tên Lý Nguyễn Chung. Tháng 7 năm 2013, xem xét đơn của bà, Cục điều tra Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đã vào cuộc.

Ngày 25-10-2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, khai nhận hành vi giết nạn nhân Nguyễn Thị Hoan.

Ngày 4-11-2013, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao tạm tha Nguyễn Thanh Chấn, ngày 6-11-2013 Tòa án Nhân dân Tối cao trong phiên tái thẩm, đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người với mức phạt tù chung thân. Vụ án được điều tra lại do Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, nhận đã giết chị Hoan để cướp 2 chiếc nhẫn cùng 59.000 đồng rồi bỏ trốn.

Công an tỉnh Bắc Giang sau đó thừa nhận "có sai sót trong quá trình điều tra vụ án”. Trước việc ông Chấn tố cáo đã bị nhóm cán bộ điều tra ép cung, dùng nhục hình, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Nhật Luật, nguyên thượng tá, phó công an huyện Việt Yên, Bắc Giang và ông Đặng Thế Vinh, nguyên trưởng phòng 10, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang, để điều tra về hành vi Cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Năm 2014, trong lá đơn gửi Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Thanh Chấn thường trú tại Thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đòi bồi thường tổng cộng 9,3 tỷ đồng.

 Ông Nguyễn Thanh Chấn được tạm tha ngày 4-11-2013

Cụ thể theo đơn, ông yêu cầu khoản tiền bồi thường cho 3.699 ngày bị tù oan hơn 584 triệu đồng.

Trong thời gian 10 năm tù oan, ông Chấn cho biết mình bị bức cung, nhục hình, bị đánh đập, hành hạ. Chính vì thế, ngoài mức quy định của pháp luật, ông và gia đình yêu cầu được bồi thường thêm 2 tỷ đồng để bù đắp thiệt hại về danh sự, nhân phẩm mà ông phải chịu.

Về số tiền bồi thường tổn thất về tinh thần, sức khỏe cho mẹ, vợ và con ông trong những ngày tháng ông chịu oan sai ông Chấn đề nghị được bồi thường hơn 3,6 tỷ đồng.

Về thu nhập thực tế bị mất, ông Chấn yêu cầu được bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Chấn còn yêu cầu tòa bồi thường cho ông tiền thuê luật sư bảo vệ, chi phí trước đây những người trong gia đình ông đi dự tòa, tiền để vợ chồng ông mua thuốc bổ, chi phí vợ ông đi kêu oan, chi phí gia đình thăm nuôi ông tại trại giam, chi phí đón ông về…

Như vậy, sau khi thoả thuận, ông Chấn đã đồng ý nhận số tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng, thấp hơn so với yêu cầu ban đầu.

Đó là sự bồi thường cho người bị oan sai, được ông Nguyễn Hòa Bình Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối cao báo cáo với Quốc hội vào ngày 5-6-2015 và ông chính thức gửi lời xin lỗi những người bị oan sai như sau:

“Là một lãnh đạo ngành, tôi xin lỗi những người bị oan trong thời gian qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hạn chế thấp nhất tình trạng oan sai”

Có lẽ đó là những tin đáng quan tâm trong những ngày qua.

Sàigòn 19-10-2015