Pages

Friday, October 23, 2015

Tham quan khu du lịch Thới Sơn - Cồn Phụng



Được Trắc Dĩ và Phượng mời đi tham quan du lịch Thới Sơn - Cồn Phụng, tôi muốn đi một chuyến cho biết cầu Rạch Miễu đã nối liền thành phố Mỹ Tho với Bến Tre.


Năm 1963, nhân chạy trốn cảnh sát, công an do những vụ tôi tham gia biểu tình thời đó, có lúc theo bạn ra Nha Trang, Ninh Hòa vài tuần, có lúc chạy xuống Bến Tre ở nhà chị tôi tại thị xã, thời đó phải đi bắc Rạch Miễu, chiếc bắc chạy ngang qua mấy cù lao, chạy gần cồn Phụng nên thấy rõ những đài cao, những biểu tượng như quả địa cầu, 9 con rồng uốn khúc quanh các cây cột… là nơi ông Đạo Dừa hành đạo thời đó.

 Ông Đạo Dừa và các môn đệ

Ông Đạo Dừa tên thật là Nguyễn Thành Nam, sanh năm 1910 tại làng Phước Thạnh, tổng An Hòa, quận Châu thành tỉnh Bến Tre, thân phụ ông là Chánh Tổng Nguyễn Thành Trúc. Năm 1928, ông được sang Pháp du học tại tỉnh Rouen, năm 1932 đỗ bằng kỷ sư hóa học rồi về nước. Cuối năm 1935, ông lập gia đình với bà Lộ Thị Nga, họ có một người con gái là Nguyễn Thị Khiêm, Năm 1945, ông lên chùa An Sơn ở vùng Bảy núi tỉnh Châu đốc, quy y trở thành nhà sư Phật giáo, ông hành thiền suốt ngày đêm. 

Năm 1948, ông trở về bến bắc Rạch Miễu ngồi thiền hành đạo, mặc cho khách đi ngang qua lại. Năm 1950, ông trở về quê nhà ở Phước Thạnh, xây đài cao 14 thước để ngồi thiền trên đó. Ông chỉ uống nước dừa mà sống, nên gọi là ông Đạo Dừa, mỗi năm chỉ tắm bằng nước dừa vào ngày Phật đản, ông lấy đạo hiệu là Thích Hòa Bình.

Khoảng năm 1960, ông Đạo Dừa đến cuối Cồn Phụng, dựng lên cơ sở tu hành, lập đài bát quái, đài cao để ngồi thiền, sau ông mua được chiếc xà lan cũ của Mỹ, ông tạo dựng thành thuyền bát nhã, ngày nay những cơ sở của ông vẫn còn, riêng chiếc xà lan, bị nhà cầm quyền địa phương tịch thu, kéo về thị xã Bến Tre biến thành nhà hàng nổi.

Sau 1975, ông vượt biên bị bắt nên phải đi cải tạo một thời gian ở Kinh 5, thuộc Vị Thanh Hỏa Lựu, tỉnh Cần Thơ.

Về sau, ông được người nhà bảo lãnh về, ra trại ông trở lại hành đạo, nhà cầm quyền cho rằng ông phổ biến mê tín dị đoan, trong lần công an kiểm tra, do đệ tử và lực lượng công an níu kéo, ông bị té chấn thương sọ não ngày 12-5-1990, ngày hôm sau qua đời, thọ 81 tuổi. Mộ phần ông được chôn đứng tại xã nhà. Ông là nhân vật trí thức, hành đạo kỳ bí nhất ở Miền Nam vào những năm 1970.

 Mộ ông Đạo Dừa

Trắc Dĩ - Phượng dùng xe nhà, đưa tôi đi tham quan, đây là lần đầu tiên tôi đi trên cầu Rạch Miễu, cầu nầy do kỷ sư Việt Nam thiết kế và xây dựng. Cầu có tổng chiều dài gồm 2 cầu là 2,868 m, trong đó cầu 1 là cầu dây bắt qua Cồn Phụng dài 1,878 m, chiều dài nhịp chính 270 m, chiều cao thông thuyền là là 37.5 m, cho tàu có trọng tải 10,000 tấn qua lại được, cầu 2 nối tiếp theo dài 990 m và 2 bên có đường nối vào cầu, tạo thành chiều dài chung là 8,331 m. Tải trọng cầu là 30 tấn. Tổng kinh phí là 1,400 tỷ đồng. Cầu khởi công xây dựng vào 30-4-2002 và khánh thành vào ngày 19-1-2009.

Khi xe chạy hết cầu 1, tài xế lái xe xuống cầu, đến địa điểm đón khách tham quan du lịch trên Cù lao Thới Sơn cũng có tên gọi là Cồn Lân, trong tứ quý Long (cồn Tân Long), Lân, Quy (cồn Quy), Phụng (cồn Phụng).



Tại đây có người giới thiệu sơ qua các điểm tham quan, và Trắc Dĩ đã mua vé cho 5 người cùng đi tham quan, gồm 4 người chúng tôi và cả tài xế. 


 Trước tiên là khách được đi xe thổ mộ một quảng đường chừng 1 hay 2 cây số, rồi đi bộ một quảng đường để ra bến sông, đi đò máy tới một điểm thưởng thức mật, phấn hoa, sữa ông chúa, pha với nước trái tắc và nước trà.



Tại đây có thể mua những sản phẩm của ong và những sản phẩm chế tạo từ cây dừa như đủa ăn, vá, bình và tách uống trà, xách tay làm bằng những miếng gáo dừa kết lại với dây nhợ, tham quan nơi làm kẹo dừa, từ khâu lột vỏ dừa cho đến xay cơm dừa, ép nước cốt dừa, thắng kẹo dừa, đổ ra khuôn, gói từng viên kẹo dừa, công đoạn nầy làm bằng thủ công !


Sau khi tham quan một cơ sở sản xuất kẹo dừa, chúng tôi lại đi bộ ra bến đò, để lên đò đi một quảng rạch nhỏ chừng 2 cây số, rạch quanh co hai bên bờ rạch toàn là cây dừa nước rợp bóng và những quày dừa nước phần nhiều còn non.



Mỗi chiếc xuồng dài chừng 5 thước, có thể chở tới 10 người khách, nhưng thường họ chỉ chở 4 hay 5 người, có 2 người bơi ở mũi và lái. Hỏi chúng tôi được biết có tất cả 300 chiếc xuồng, mỗi chuyến đưa khách là 15 ngàn đồng.

Xuồng đi lại tấp nập, có xuồng chở 2, 3 người, có xuồng tới 5, 6 người già, tuy nhiên họ trò chuyện cười đùa vui vẻ, không thiếu xuồng đưa người ngoại quốc.  


Rời xuồng, chúng tôi được chuyển qua đò máy để đến một chỗ xem người ta nuôi Sấu và dùng cơm trưa. Nơi đây cơ sở du lịch tạo vườn cảnh với cây uốn hình Long, Lân, Quy, Phụng, tại đây ngưòi ta vừa dựng xong một ngôi nhà, vật liệu lấy toàn bộ từ cây dừa, nào cột, kèo, trính, đòn tay, đòn dông, lợp mái. 


Rồi chúng tôi đến nhà mát trong khu nầy để dùng cơm, nơi đây có chiếc cầu tre cho khách “trải nghiệm đi qua cầu tre”, tiếc rằng cầu đã gãy một đoạn, nên không đi qua bên kia được, chúng tôi uống nưóc dừa dứa, họ chặt đẹp 35 ngàn một trái, trong khi ở Sàigòn, con gái tôi cho biết chỉ có 10 hay 12 ngàn. 

Rời nơi nuôi cá sấu, chúng tôi đi đò máy tới Cồn Phụng, tham quan nơi ông Đạo Dừa đã hành đạo ngày xưa. 


Thuyền Bát Nhã không còn, những thứ khác vẫn còn nguyên vẹn như 9 con rồng quấn quanh cột, tượng trưng cho sông Cữu Long, phi thuyền Appolo, đài ngồi thiền, đỉnh đấp các mảnh sành với Long, Lân, Phụng đặt trên lưng con Quy, có gắn bia ông Đạo Dừa và người đắp cái đĩnh.


Trong khu nầy có mấy cây chuối kiểng, mỗi quay có đến trăm nãi.


Trong hang động nhân tạo có đặt một bàn thờ, có một nữ đệ tử của ông Đạo Dừa đang hành đạo, vài năm gần đây, bà ta chỉ uống nước dừa mà thôi, tuổi đã ngoài 80, răng rụng cả nhưng trông người vẫn khỏe mạnh.


Sau khi thăm nơi ông Đạo Dừa tu ngày xưa, chúng tôi được hướng dẫn ra đò máy để chạy tới điểm ăn trái cây, và thưởng thức đờn ca tài tử. Do đã hết mùa trái cây, nên họ dọn ra có một dĩa có mấy miếng khóm, một dĩa mấy miếng ổi, một dĩa mấy miếng thanh long, một dĩa mất lát dưa hấu và một dĩa mấy trái chôm chôm. Đó là mấy đĩa ngũ quả.

Sau đó hai người đàn ông ôm nhạc khí ra ngồi đối diện với bàn chúng tôi, một người chơi đàn tranh, người kia chơi đàn guitar, một cô mặc áo bà ba màu hường ra chào khách và hát một bản ngắn hành vân hay lưu thủy tôi không rành, tiế theo một cô mặc ái dài màu vàng trên ngực có thêu hoa nhỏ ca hai câu vọng cổ rồi một anh 3 câu vọng cổ Võ Đông Sơ với Bạch Thu Hà.


Tôi có yêu cầu ca bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sư Sáu Lầu, cô áo hường trở ra ca bản nầy.

Họ ca tuy không hay lắm, nhưng nhắc nhở cho người ta biết truyền thống ca  nhạc miền Nam ngoài cải lương ra, có ca tài tử. Trước hoặc trong thời gian có hát Cải Lương. Cải Lương ra đời sau Ca Ra Bộ, trước Ca Ra Bộ có đờn ca tài tử.

Ở nhà quê, sau những ngày mùa thảnh thơi, buổi trưa hay buổi tối, nhất là buổi tối những người biết đàn như đàn tranh, đàn cò, đàn kìm, đàn độc huyền họ rũ nhau họp lại cùng đàn Nam ai, Nam Xuân, Hành Vân, Lưu thủy hay 6 câu vọng cổ, gọi là hòa đàn. Cũng có khi chỉ 2 hay 3 tay hòa đàn với nhau rồi có một ai đó biết ca, nổi hứng lên ca như vậy thành danh là Đờn ca tài tử, vì họ không phải là đào, là kép, là tay đàn cho gánh hát, họ không phải là người chuyên nghiệp, cho nên họ được gọi là tài tử. 

Đàn ca tài tử thường được tổ chức, có thể họ trải một manh đệm ngoài sân dưới đêm trăng, giữa đệm để bình trà, vài cái chun uống trà, một dĩa bánh in hay bánh ngọt, để cho người đàn, người ca ăn bánh, uống nước giải khát, cả nguời tham dự cũng được mời ăn bánh, uống nước, do chủ nhà khoản đãi. Chủ nhà có thể là người thích nghye hòa nhạc, ca hát, chủ nhà có thể là người đàn hay người ca. Đờn ca tài tủ là thế đó.

Tôi muốn nhà tôi cũng như Dĩ, Phượng tham dự một lần để biết thế nào là đàn ca tài tử. Tuy nhiên nghe thấy, chưa đủ hiểu hết ý nghĩa của nó.

Cô áo dài vàng có lẽ là chủ chốt, có hỏi chúng tôi muốn yêu cầu ca thêm bài nào không. Chúng tôi nghĩ thưởng thức như vậy là đủ, nên cám ơn rồi ra về.

Dĩ thuở nhỏ, có lúc sống ở Lâm Đồng rồi Sàigòn, còn Phượng sống từ nhỏ ở vùng nhà thương Đồn Đất, nay cả hai sống ở Mỹ, nhà tôi cũng gần như vậy, không được sống ở miệt vườn, không có đi xuồng, ngồi đò chạy trên sông. Nên chuyến tham quan nầy đem lại cho họ nhiều hữu ích thực tế.

Chúng tôi lên xe, trời bắt đầu đổ cơn mưa tầm tả, may mắn thay suốt thời gian tham quan, trời nắng giúp cho chúng tôi không bị trở ngại, mọi việc đều vui vẻ, để lại cho chúng tôi nhiều ấn tuợng tốt đẹp.

 Sàigòn 23-10-2015




No comments:

Post a Comment