Pages

Friday, October 30, 2015

Viếng thăm Nhất Nguyên Bửu Tự



Chùa tọa lạc tại Ấp Trung, xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An tỉnh Bình Dương, nói khác đi là chùa nằm trên Quốc lộ 13, cách ngã tư Bình Phước cũng như chợ Lái Thiêu không xa.


Chùa được xây dựng từ năm 1960, do ông Hai Thu cúng dường một khoảnh đất trong vườn nhà ông, để xây dựng nên ngôi chùa lá, do sư Thích Thiện Phước trụ trì đầu tiên, sư là người khai sơn lập môn phái Tịnh độ non bồng, tại Linh Sơn cổ tự trên núi Dinh ở Bà Rịa, sư Thiện Phước viên tịch năm 1986, tại Quan Âm tu viện Biên Hòa.

Trong chánh điện, ngay giữa chùa xây một bệ thờ hình vuông, mỗi cạnh chừng 3 thước, cao 1 thước tôn tượng đức Bổn sư, đối diện là tượng đức Hộ pháp, phía sau là bàn thờ Hậu tổ.


Chùa có Đông lang dùng làm chỗ ngủ nghỉ của chư Tăng và thiện nam, Tây lang dùng để thờ Cửu huyền thất tổ của phật tử, nhà bếp và nơi nghỉ của chư Ni cùng tín nữ.

Gần đây chùa được xây dựng lại khang trang hơn. Đông lang và Tây lang là nơi ngủ nghỉ của chư Tăng, Ni và thiện nam, tín nữ.

Có một căn nhà dành để thờ Cửu huyền riêng, phía sau chùa có tháp của 2 vị tăng, một là Đại Đức trụ trì Thích Vạn Phước, hai là Đại đức Thích Hòa Ái (tục danh Hai Thu, cũng là chủ đất trước kia), ngày nay trụ trì là Đại Đức Thích Thiện Hỷ, thế danh Nguyễn Văn Phẩm, tục danh Tám Phẩm.

Chùa thuộc Giáo hội Tịnh độ tông do ông Đoàn Trung Còn làm Trị Sự Trưởng Ban Chấp Sự Trung Ương, trụ sở lúc mới thành lập năm 1955, đặt tại chùa Giác Hải Phú Lâm Chợ Lớn. Năm 1959, chùa Liên Tông được xây cất xong, giáo hội dời về chùa Liên Tông. Năm 1970, ông Đoàn Trung Còn xuất gia, thọ giới Tỳ Kheo, pháp danh Thích Hồng Tại, ông viên tịch năm 1988, được môn phái Tịnh độ non bồng tôn vinh lên ngôi vị Hòa Thượng. Ông Đoàn Trung Còn là một trong ba nhà Phật học trứ danh thế kỷ thứ 20: Miền Bắc có cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, miền Trung có bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, miền Nam có Thích Hồng Tại Đoàn Trung Còn.

Chùa đặc biệt mỗi năm có khóa “Bách nhật niệm Phật”, khai khóa vào đêm mồng 8 tháng 8 và hoàn mãn vào lễ vía đức A Di Đà ngày 17 tháng 11. Khóa đầu tiên được tổ chức từ năm 1966 đến nay không gián đoạn, mặc dù sau 1975 kinh tế, an ninh, xã hội có khó khăn, nhưng khóa niệm Phật vẫn tiếp tục bình thường.

Mỗi ngày có 12 thời niệm Phật, mỗi thời niệm Phật là 2 giờ, có Tăng hay Ni đảm trách, hướng dẫn phật tử tham dự, liên tục niệm Phật không ngừng nghỉ. Phật tử các nơi về tham dự không phải đóng góp chi cả, có thể dự vài giờ cứ 30 phút ngồi rồi tiếp theo 30 phút đi kinh hành chung quanh bàn Phật, nếu ai có thời giờ dự một đôi ngày thậm chí cả khóa 100 ngày càng quý, cũng không cần phải ghi danh dự khóa, trừ việc trình báo nhà cầm quyền về “Tạm trú, tạm vắng”. Về ăn uống, ngủ nghỉ do chùa cung cấp, thức ăn do phật tử cúng dường.

Sau khi đi tham quan vườn cảnh ở Bình Dương, trên đường về chúng tôi ghé lại Nhất Nguyên để lễ Phật, cũng để xem khóa Niệm Phật năm nay, nói chung là ngày thường, ngoài Tăng, Ni còn có chừng 50 thiện Nam, tín Nữ dự thời niệm Phật buổi trưa.

Năm ngoái, cũng vào thời khóa Niệm Phật, chúng tôi có ghé qua lễ Phật, nhưng không gặp trụ trì chùa, năm nay ghé gặp ngay Đại đức trụ trì, người đã hướng dẫn chúng tôi vào gặp Sư Sáu, nay là một vị Hòa Thượng, ông trụ trì ở một ngôi chùa tại xã Phước Hòa, huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa, được tông phái chỉ định đặc trách tổ chức “Bách nhật niệm Phật” năm nay.


Cũng là cái duyên chúng tôi gặp lại Sư và Đại đức trụ trì, sau vài chục năm xa cách, nhớ lại trước kia mỗi lần lên Linh Sơn cổ tự đều có gặp Sư, đôi khi ghé chùa Sư trụ trì thăm viếng, được uống chén trà, ăn miếng bánh hay chuối khô do Sư khoản đãi.

Với Đại Đức trụ trì, người ân cần mời chúng tôi nán lại dùng cơm chùa, tiếc rằng chúng tôi phải ra về, Đại đức tặng cho một tràng chuỗi tay, tiện từ cây dâu tằm ăn, còn Sư Sáu tặng cho toàn bộ gia đình chúng tôi mỗi người một tượng Phật nhỏ có sợi dây chuyền đeo vào cổ.

Vào thập niên 1980, chúng tôi đã tham dự trên 10 năm khóa “Bách nhật niệm Phật”, tại Nhất Nguyên Bửu Tự, năm nay tôi ước nguyện một ngày nào đó, sẽ dự vài thời khóa như nhặt cánh hoa rơi, để được thanh thản tâm trí, tưởng nhớ tới chư Tăng như Thích Hòa Ái, Thích Thiện Duyên ... và các đạo hữu như ông Năm thượng thủ, chú Trí, chú Vân, chú Sơn ... phu nhân bác sĩ Chiếu, đã rời xa chốn trần gian cát bụi nầy, an nhiên về tới đất Phật, nhờ có công phu niệm Phật.

Sàigòn 30-10-2015


No comments:

Post a Comment