Pages

Thursday, August 31, 2017

Giải trí của người già và trẻ thơ



Ngày xưa, những người già có thú vui giải trí như đàn ông thì uống trà, đàm luận văn chương, thời sự. 

Hoặc giả đánh cờ tướng, đó là thú tiêu khiển của những người từ trung niên trở đi.


Hoặc chơi đá gà, trò chơi nầy, người lớn thường chơi có ăn thua lớn như cờ bạc.


Còn các bà thì vá may, thêu thùa, đan.


Hoặc làm bánh trái.


Nhưng giải trí với nhiều người, họ thường đánh bài Tứ sắc, đây là chơi cờ bạc có ăn thua.


Trẻ con với con gái thường chơi Đánh đủa, thuận tiện ở không gian nhỏ hẹp như ở trong phòng, trong nhà, trên bộ ván.


Không gian rộng hơn, chơi Cò cò.


Chơi nhảy dây.


Con trai chơi bắn bi.


Cướp cờ.


Đá dế


Đá cá Thia thia


Chơi Bông vụ


Chơi Ném Lon


Chơi U


Chơi đá gà với cái gù cỏ chỉ.


Thả diều


Ngoài ra còn nhiều trò chơi khác, chơi tập thể, chơi trong lễ hội, như Bịt mắt bắt dê.


Nhảy bao bố


Đẩy cây.


Trò chơi kéo co


Trò chơi Đập nồi.


Trò chơi Đánh đu


Đánh cờ người.


Có thể nói trò chơi tao nhã nhất là Thả thơ


Ngày nay, thời đại tân tiến, người lớn tuổi cũng như trẻ em, thường chơi một mình với thiết bị điện tử như Truyền hình, Vi tính, Máy tính bảng, nhất là điện thoại thông minh. Họ có thể tiêu khiển thì giờ bất cứ lúc nào và bất cứ chỗ nào miễn họ có thì giờ, hay để tiêu khiển thì giờ với cái điện thoại thông minh.


Trẻ con khoảng 2 tuổi, có thể sử dụng iphone hay ipad để chơi mình ên, không cần đến cha mẹ chăm nom, cũng không cần có bạn cùng chơi.


Thiết bị điện tử ngày nay rất hữu dụng, hầu như ai cũng biết, nhưng mặt trái của nó chúng ta chưa biết hết, học sinh có thể vì nó mà mất nhiều thì giờ chơi hơn học, nó có thể làm hại sức khỏe, trước mắt là nhiều trẻ con phải mang kính.


Dĩ nhiên, người già và trẻ thơ còn có nhiều trò chơi giải trí khác, còn tùy thuộc địa phương và mùa màng, chúng ta ai cũng trải qua tuổi thơ dù ở thành thị hay thôn quê cũng có những trò chơi giống nhau, ở đây chúng tôi chỉ gợi ra một số hình ảnh, còn một số trò chơi khác như thảy lỗ, cúc bắt, hai thiếu niên đá gà với nhau … chúng tôi tìm nhưng chưa thấy có hình ảnh, nên không nêu ra, nhưng bấy nhiêu hình ảnh giúp cho chúng ta nhớ lại một thời thơ ấu trong khung cảnh đất nước thanh bình.

8664310817






Saturday, August 19, 2017

Sự sai lầm khó tránh



Trong một bài viết về lịch sử một tổ chức Thanh niên hiện nay, tôi biết khó tránh khỏi những sai sót về khách quan cũng như chủ quan, cho nên tôi đã viết Khai từ, gần đây, tôi viết hai tập sách về Tân nhạc Việt Nam, mặc dù cố gắng sưu tầm để tránh những sai sót, nhưng không làm sao tránh khỏi, cho nên trước khi vào chi tiết, tôi muốn trình bày lại một chút về nội dung Khai từ:

Khai từ

Khi tôi học Thế giới sử trong những năm Đệ nhị cấp, giáo sư Nguyễn Khánh Nhuần (giáo sư THKT Cao Thắng, định cư ở Seattle, Washington State, đã mất) nói một câu chuyện liên quan tới Sử: “Có một sử gia Pháp, một hôm vào buổi sang, sau khi ăn điểm tâm, ông dùng cà phê thì hết thuốc hút, ông sai một người bồi (người giúp việc trong nhà) đi mua thuốc lá, trong khi chờ đợi, ông bước ra ban-công nhìn xuống sân nhà, có người làm vườn đang tỉa nhánh, cắt lá cây cảnh.

Bỗng nhiên ông nghe âm thanh vang dội của hai chiếc xe đụng nhau, ông theo dõi từ khi tai nạn xãy ra, xe cứu thương tới cho đến khi xe cứu thương chạy đi, người hiếu kỳ tan hàng.

Anh bồi mua thuốc về, nại lý do về trễ vì có hai xe đụng nhau tại ngã tư, cạnh nhà, xe cứu thương đến chở một chết một bị thương.

Sử gia không tin anh bồi nên gọi người làm vườn hỏi, anh làm vườn cho biết chính mắt anh ta thấy xe cứu thương tới chở hai người tài xế bị thương đi bệnh viện.

Còn ông, ông nhìn thấy cả hai anh tài xế bị thương, một anh bị thương nhẹ được băng bó tại chỗ, còn anh kia bị thương nặng, được đặt nằm trên băng-ca đưa lên xe cứu thương với một người đi theo.

Sử gia kia kết luận rằng: “Những gì chính mắt mình thấy khác với những gì người khác kể lại, vậy viết những gì mà mình không thấy làm sao bảo đảm đó là sự thật?"

Từ đó Sử gia người Pháp kia bỏ không viết sử nữa. Ông Nguyễn Khánh Nhuần kết luận: “Muốn viết sử cho đúng, phải đợi qua khỏi 50 năm sau, lúc ấy những người trong cuộc, những kẻ liên quan không còn nữa, sự thật mới có thể viết được.”

Cho nên một cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Ông Ngô Đình Nhu, mỗi người viết khác nhau, tại sao bị trói, bị đâm rồi còn bị bắn ? Tại sao có người viết đoàn xe chạy thẳng, có kẻ viết chiếc xe tank tách đoàn, ghé vào Tổng Nha Cảnh Sát, 20 phút sau mới quay ra nhập vào đoàn ?

Ngày xưa ở Trung Quốc, viết sử là một Sử quan viết sự thật ghi lại thịnh suy, hưng vong của một nước. Thời đại ấy có những Sử quan dám đem đời mình để viết cho đúng sự thật, Chẳng hạn như khi Thôi Trữ giết vua Tề, thai sử nước Tề viết: “Thôi Trữ viết vua của mình là Trang Công”. Quan thái sử ấy bị giết, người em lên thay vẫn giữ nguyên câu văn, lại bị giết. Người em kế xin lên thay chức sử quan, cũng viết như vậy không thêm bớt một chữ. Thôi Trữ sợ không dám giết Sử quan nữa.

Lã Bất Vi, được Trang Tương Vương phong là Văn Tín Hầu ăn thuế mười vạn hộ, khi Thủy Hoàng Đế lên ngôi phong làm Tướng quốc, gọi là Trọng phụ. Thời đó ở các nước như Ngụy có Tín Lang Quân, Triệu có Bình Nguyên Quân, Sở có Thân Xuân Quân, Tề có Mạnh Thường Quân, họ đều đua nhau quý trọng kẻ sĩ. Lã Bất Vi có tiền của, muốn như các người kia, nên đón mời các kẻ sĩ trong thiên hạ có đến ba ngàn khách trong nhà, ông nhờ những khách ấy soạn ra những điều mình biết thành tám Lãm, sáu Luận, mười Kỹ gồm trên mười vạn chữ, cho là ghi đủ hết các sự vật trong trời đất, thiên hạ, đặt tên sách là Lã Thị Xuân Thu bày ở chợ Hàm Dương đặt thưởng nghìn lạng vàng cho ai có thể thêm bớt một chữ.

Đó là ngòi bút của Tư Mã Thiên viết trong Sử Ký để ghi đậm nét, quyền thế, giàu sang và tính con buôn của Lã Bất Vi, vì ông đã được lãi khi buôn được vua Tần Thủy Hoàng. Nhưng cuối cùng, năm thứ mười đời Tần Thủy Hoàng ông phải uống thuốc tự tử.

***

Tất cả sách tôi viết đều dùng tài liệu trên internet, nhất là trang Bách khoa toàn thư mở, cho nên biết chắc là không làm sao tránh khỏi sai sót, khi viết về Tân nhạc, có những ca sĩ sốt sắn, nhiệt tình cung cấp cho tôi về chi tiết cá nhân như Chung Tử Lưu, Hồ Hoàng Yến …, có người còn giúp cho tôi liên lạc với ca hay nhạc sĩ khác như Thúy Vi, Johnny Dũng nhờ đó tôi có được tài liệu, chi tiết chính xác, nhưng cũng có nhạc sĩ, ca sĩ từ chối, vì họ không muốn cho người ta biết tuổi thật của mình, tôi đành không thể đoán mò, để tránh bị sai lầm.

Tuy nhiên tôi vẫn không thể tránh khi viết về nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, tôi đã dựa vào Video ca khúc Kiếp Hoa do Hương Lan trình bày để đăng vào bài của mình, tác giả youtube đó cho bài Kiếp Hoa là của Nguyễn Văn Tuyên. Thật ra đó là ca khúc Kiếp Hoa của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

https://www.youtube.com/watch?v=m-9v68yP7sI


Sau nầy tôi mới biết ca khúc Một Kiếp Hoa của Nguyễn Văn Tuyên, được Ngọc Hà trình bày trong cuộc Triển Lãm và Hội Thảo từ ngày 6 & 7 tháng 7 năm 2013 tại Little Sàigon, California về báo Phong Hóa, Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã đăng các bản Tân nhạc thời kỳ sơ khởi, từ những năm 1937, 1938, 1939.

Trong phần diễn giải về Tân nhạc của giáo sư Lê Văn Khoa, ca sĩ Ngọc Hà có trình bày bản nhạc Một Kiếp Hoa còn có tên khác là Hoa Tàn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên. 

Thật ra đây là thời kỳ phôi thai của nền Tân nhạc Việt Nam, các nhà khảo cứu đang tìm hiểu bản nhạc của nhạc sĩ nào đã sáng tác đầu tiên. Nhưng dấu ấn rõ ràng là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên là người đầu tiên, đã vận động cho Tân nhạc Việt Nam từ Nam chí Bắc vào năm 1938, và tờ báo Ngày Nay số 122 phát hành ngày 7-8-1938 đã cho đăng bản Một Kiếp Hoa của ông, trước đó số 121, phát hành ngày 31-7-1938 đã cho in bản Bình Minh của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, lời ca của Thế Lữ.

https://www.youtube.com/watch?v=d5_-l4ya6Kw


Một sai lầm khác, khi viết về nhạc sĩ Dzũng Chinh, tôi lấy tài liệu trong bài viết Nhạc sĩ Dzũng Chinh - tác giả "Những Đồi Hoa Sim" đã chết trên đồi hoa sim của nhà văn Phạm Tín An Ninh đăng trên Blog Đàn Chim Việt, vào lúc 1:04 pm, ngày 16-8-2015. Trong bài đó, hình của nhà thơ Lê Anh Xuân tức Ca Lê Hiến em của nhạc sĩ Ca Lê Thuần, con của ông Ca Văn Thỉnh, được cho là hình của nhạc sĩ Dzũng Chinh.

http://old.danchimviet.info/archives/97719/nhac-si-dzung-chinh-tac-gia-nhung-doi-hoa-sim-da-chet-tren-doi-hoa-sim/2015/08

Gần đây có độc giả Doppelpass01 cho biết sự sai lầm đó, tôi đã “níu áo” ông tác giả Phạm Tín An Ninh trên trang Blog: phamtinanninh.com cũng trong bài Nhạc sĩ Dzũng Chinh - tác giả "Những Đồi Hoa Sim" đã chết trên đồi hoa sim đăng ngày 15-8-2015, tôi thấy có ảnh của nhạc sĩ Dzũng Chinh, theo tác giả cho biết, ảnh do người chị ruột của cố nhạc sĩ Dzũng Chinh ở Hoa Kỳ cung cấp.

http://phamtinanninh.com/?p=3066

Dẫn ra những sai lầm trên, chúng tôi muốn nói rõ nguyên do, nhưng dẫu sao đó cũng là sai lầm do chính chúng tôi đã mắc phải, xin nhận lỗi cùng quý độc giả, xin cám ơn quý vị đã cho chúng tôi biết những sai lầm đó và mong được tiếp nhận những sai lầm được phát hiện thêm sau nầy.

Hiện nay, chúng tôi đã sửa chữa xong trên các trang Web, Blog và Sách. Mong sẽ mang lại quý độc giả món ăn tinh thần hữu ích.
8664190817




Thursday, August 17, 2017

Chuyện hằng ngày của tôi



Đôi khi, tôi muốn nhìn lại xem hằng ngày mình đã làm gì ? Đương nhiên ngày nọ công việc khác với ngày kia, nhưng có những việc thường làm.

Tôi có thói quen dậy sớm từ khi còn nhỏ, khoảng 4 tuổi vào năm 1945, mẹ tôi sinh cô em út, từ đó tôi theo cô tôi, nay ngủ nhà nầy, mai ngủ nhà kia, vì đó là thời chiến tranh, quê tôi thuộc tinh Long Xuyên nằm trên sông Hậu, giáp ranh với tỉnh Châu Đốc, người dân sống một cổ tới 3 tròng. Ban ngày thỉnh thoảng có quân đội Pháp đi bố ráp, ban đêm mấy ông Việt Minh hoặc Hòa Hảo, bắt những người họ cho là theo làm tay sai cho Pháp hay Việt gian, lại còn có trộm cướp, tư thù trả oán.

Cha tôi vốn là hương chức của Làng, nên cô tôi sợ ngủ ở nhà, giữa đêm có người gõ cửa, bắt người vô cớ cho đi “mò tôm”, nên tôi theo cô, tối thức khuya nghe người lớn nhắc chuyện đời xưa, sáng phải dậy sớm, tự xếp mền, gối cho có ngăn nắp, vì ở nhà người. Những việc làm như thế, tập cho tôi thành thói quen.

Năm 13 tuổi, tôi đã mồ côi, ở nhà chú đi học, phải thức khuya dậy sớm để học tập chuyên cần, phải tự giặt giũ quần áo, lớn thêm vài tuổi nữa phải đi xa, lên Sàigòn vào Trung học ở trọ nhà người quen.

Cho nên tôi đã phải quen tự lập, thức khuya, dậy sớm. Lại thêm những năm ở quân trường Thủ Đức, Quân Cụ  Gò Vấp và trong trại “cải tạo”. Hơn nữa, tôi đã đến Mỹ đi làm từ năm 1991 cho đến năm 2009, vị chi là 18 năm.

Về hưu, tôi đã có thói quen, nên không ngủ thêm, dậy trễ.

Đi làm, tôi phải thức sớm hơn, nhưng từ khi về hưu mùa Đông cũng như mùa Hè, tôi thức dậy vào khoảng 6 giờ, làm vệ sinh cá nhân rồi nấu nước pha cà-phê và trà.

Tôi thích uống cà-phê theo hương vị của Pháp, có thể dùng cà-phê xay sẵn trong gói của hiệu Starbucks pha phin với sữa đặc có đường, hoặc cà-phê hòa tan của Nescafe rang theo hương vị của Pháp, pha với sữa bột.


Còn trà, tôi thích uống trà Oloong 103, tuy nhiên chừng 10 năm trước, trà nầy ướp mật ong và nhân sâm, nay không còn hương vị ầy nữa, cho nên tôi chọn uống trà Oloong của hiệu trà Tâm Châu ở Blao hoặc Xí nghiệp Cầu Tre ở Chợ Lớn, hoặc hiệu Cao Sơn  Lâm Đồng, nhưng là loại không ướp chi cả, bởi vì tôi ngại những loại ướp có thể đã tẩm hóa học, uống có hại cho sức khỏe.


Nếu muốn uống cho có mùi, tôi đến cửa hàng Mỹ Tevana mua trà của Nhật, họ chế trà từ những dược thảo có mùi.

Tôi cũng pha sẵn chén Yến mạch (Oats).


Những thứ trên làm xong, tôi uống thuốc trị cao huyết áp, rồi dùng cà phê và trà, sau khi chấm dứt chén trà thứ ba, tôi bắt đầu buổi công phu sáng.



Từ khi đi làm, tôi vẫn công phu như vậy, nghĩa là tôi ngồi Thiền vào khoảng 20 phút, trừ khi Thứ Bảy hay Chủ nhật ngày nghỉ, tôi ngồi lâu hơn khi nửa giờ, khi 1 giờ. Thiền của tôi chỉ ngồi để tâm thanh tịnh, giữ tâm thanh tịnh bằng cách đếm hơi thở mà thôi.

Sau thời công phu, tôi ăn chén yến mạch đã pha sẵn, sau đó mở máy vi tính xem thư điện tử hoặc viết thư điện tử cho người thân và bạn bè.

Khoảng 9 giờ, tôi lái xe cùng nhà tôi đến Mall, Mall thường mở cửa vào 10 giờ sáng, cho khách đi mua hàng hay ăn uống, nhưng trước đó 1 giờ Mall mở cửa cho cho nhân viên vào dọn vệ sinh, nhà hàng chuẩn bị thức ăn, người đi bộ thể dục nhơn dịp ầy vào Mall đi bộ.


Đi bộ trong Mall có cái lợi là mùa Đông ấm, mùa Hè mát nhờ trong đó luôn luôn có máy điều hòa, hơn nữa người nọ gặp người kia hàng ngày, trước lạ, sau quen chào hỏi, trao đổi với nhau vài câu chuyện cũng được vui ngày nọ qua ngày kia, nhưng cũng có cái bất tiện là không tiếp xúc nhiều với ánh nắng để có Vitamin D, giúp ích cho cơ thể.

Sau đó, chúng tôi trở về nhà sử dụng vi tính để viết bài, dùng cơm trưa, nghỉ ngơi.



Đến 3 giờ, tôi có thời công phu là tụng kinh, thay phiên ngày tụng Kinh A Di Đà, ngày tụng Phẩm Phổ Môn kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Sau buổi cơm chiều, nghỉ ngơi chốc lát rồi tập Vẩy Tay và Dịch Cân Kinh theo Thiếu Lâm Tự chừng 30 phút.


Cuối cùng xem tin tức trên TV của đài SBTN ở Dallas hay Boston, WasingtonDC và California.


Thường ngày của tôi là vậy, tôi đi bộ hay tập Dịch Cân Kinh là để thể dục cho xác thân, còn sử dụng vi tính để giao tiếp để viết bài chẳng qua là để cho bộ óc làm việc. Cả hai đều nhằm giư gìn sức khỏe. Tôi ăn chay, ngồi Thiền, tụng kinh cũng nhằm giữ gìn sức khỏe và cốt tạo được nghiệp lành, góp phần xây dựng cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
866417082017