Đôi khi,
tôi muốn nhìn lại xem hằng ngày mình đã làm gì ? Đương nhiên ngày nọ công việc
khác với ngày kia, nhưng có những việc thường làm.
Tôi có thói
quen dậy sớm từ khi còn nhỏ, khoảng 4 tuổi vào năm 1945, mẹ tôi sinh cô em út, từ
đó tôi theo cô tôi, nay ngủ nhà nầy, mai ngủ nhà kia, vì đó là thời chiến
tranh, quê tôi thuộc tinh Long Xuyên nằm trên sông Hậu, giáp ranh với tỉnh Châu
Đốc, người dân sống một cổ tới 3 tròng. Ban ngày thỉnh thoảng có quân đội Pháp đi
bố ráp, ban đêm mấy ông Việt Minh hoặc Hòa Hảo, bắt những người họ cho là theo
làm tay sai cho Pháp hay Việt gian, lại còn có trộm cướp, tư thù trả oán.
Cha tôi vốn
là hương chức của Làng, nên cô tôi sợ ngủ ở nhà, giữa đêm có người gõ cửa, bắt
người vô cớ cho đi “mò tôm”, nên tôi theo cô, tối thức khuya nghe người lớn nhắc
chuyện đời xưa, sáng phải dậy sớm, tự xếp mền, gối cho có ngăn nắp, vì ở nhà
người. Những việc làm như thế, tập cho tôi thành thói quen.
Năm 13 tuổi,
tôi đã mồ côi, ở nhà chú đi học, phải thức khuya dậy sớm để học tập chuyên cần,
phải tự giặt giũ quần áo, lớn thêm vài tuổi nữa phải đi xa, lên Sàigòn vào
Trung học ở trọ nhà người quen.
Cho nên tôi
đã phải quen tự lập, thức khuya, dậy sớm. Lại thêm những năm ở quân trường Thủ
Đức, Quân Cụ Gò Vấp và trong trại “cải tạo”.
Hơn nữa, tôi đã đến Mỹ đi làm từ năm 1991 cho đến năm 2009, vị chi là 18 năm.
Về hưu, tôi
đã có thói quen, nên không ngủ thêm, dậy trễ.
Đi làm, tôi
phải thức sớm hơn, nhưng từ khi về hưu mùa Đông cũng như mùa Hè, tôi thức dậy vào
khoảng 6 giờ, làm vệ sinh cá nhân rồi nấu nước pha cà-phê và trà.
Tôi thích
uống cà-phê theo hương vị của Pháp, có thể dùng cà-phê xay sẵn trong gói của hiệu
Starbucks pha phin với sữa đặc có đường, hoặc cà-phê hòa tan của Nescafe rang
theo hương vị của Pháp, pha với sữa bột.
Còn trà,
tôi thích uống trà Oloong 103, tuy nhiên chừng 10 năm trước, trà nầy ướp mật
ong và nhân sâm, nay không còn hương vị ầy nữa, cho nên tôi chọn uống trà
Oloong của hiệu trà Tâm Châu ở Blao hoặc Xí nghiệp Cầu Tre ở Chợ Lớn, hoặc hiệu
Cao Sơn Lâm Đồng, nhưng là loại không ướp
chi cả, bởi vì tôi ngại những loại ướp có thể đã tẩm hóa học, uống có hại cho sức
khỏe.
Nếu muốn
uống cho có mùi, tôi đến cửa hàng Mỹ Tevana mua trà của Nhật, họ chế trà từ những
dược thảo có mùi.
Tôi cũng
pha sẵn chén Yến mạch (Oats).
Những thứ
trên làm xong, tôi uống thuốc trị cao huyết áp, rồi dùng cà phê và trà, sau khi
chấm dứt chén trà thứ ba, tôi bắt đầu buổi công phu sáng.
Từ khi đi
làm, tôi vẫn công phu như vậy, nghĩa là tôi ngồi Thiền vào khoảng 20 phút, trừ
khi Thứ Bảy hay Chủ nhật ngày nghỉ, tôi ngồi lâu hơn khi nửa giờ, khi 1 giờ. Thiền
của tôi chỉ ngồi để tâm thanh tịnh, giữ tâm thanh tịnh bằng cách đếm hơi thở mà
thôi.
Sau thời công phu, tôi ăn chén yến mạch đã pha sẵn, sau đó mở máy vi tính xem thư điện tử hoặc viết thư điện tử cho người thân và bạn bè.
Khoảng 9
giờ, tôi lái xe cùng nhà tôi đến Mall, Mall thường mở cửa vào 10 giờ sáng, cho
khách đi mua hàng hay ăn uống, nhưng trước đó 1 giờ Mall mở cửa cho cho nhân viên
vào dọn vệ sinh, nhà hàng chuẩn bị thức ăn, người đi bộ thể dục nhơn dịp ầy vào
Mall đi bộ.
Đi bộ
trong Mall có cái lợi là mùa Đông ấm, mùa Hè mát nhờ trong đó luôn luôn có máy điều
hòa, hơn nữa người nọ gặp người kia hàng ngày, trước lạ, sau quen chào hỏi,
trao đổi với nhau vài câu chuyện cũng được vui ngày nọ qua ngày kia, nhưng cũng
có cái bất tiện là không tiếp xúc nhiều với ánh nắng để có Vitamin D, giúp ích
cho cơ thể.
Sau đó, chúng tôi trở về nhà sử dụng vi tính để viết bài, dùng cơm trưa, nghỉ ngơi.
Đến 3 giờ,
tôi có thời công phu là tụng kinh, thay phiên ngày tụng Kinh A Di Đà, ngày tụng Phẩm Phổ Môn
kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Sau buổi
cơm chiều, nghỉ ngơi chốc lát rồi tập Vẩy Tay và Dịch Cân Kinh theo Thiếu Lâm Tự
chừng 30 phút.
Cuối cùng
xem tin tức trên TV của đài SBTN ở Dallas hay Boston, WasingtonDC và California.
Thường ngày
của tôi là vậy, tôi đi bộ hay tập Dịch Cân Kinh là để thể dục cho xác thân, còn
sử dụng vi tính để giao tiếp để viết bài chẳng qua là để cho bộ óc làm việc. Cả
hai đều nhằm giư gìn sức khỏe. Tôi ăn chay, ngồi Thiền, tụng kinh cũng nhằm giữ
gìn sức khỏe và cốt tạo được nghiệp lành, góp phần xây dựng cho xã hội ngày càng
tốt đẹp hơn.
866417082017
No comments:
Post a Comment