Pages

Monday, July 14, 2014

Nhà văn trẻ dân tộc thiểu số: Y Việt Sa


Y Việt Sa (1990-20  )

Cây bút trẻ Y Việt Sa, dân tộc Bana, sinh năm 1990, tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kontum. Cha là người Bana-Rơngao, mẹ là người Kinh.

Y Việt Sa đã theo học Khóa 4 Khoa Báo chí tại Đại học Khoa học Xã hội Hà Nội.

Là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Kontum.

Có bài viết đăng trên tạp san Áo trắng, tạp chí Văn nghệ Kontum. Có Trang Facebook cá nhân đăng truyện ngắn, thơ và tuỳ bút.

Đã tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII do Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tuyên Quang, Phú Thọ từ 7 đến 11 tháng 9 năm 2011. Là một trong số ít các đại biểu 9X.

Trích văn:

Quan tòa bất đắc dĩ

Tôi nhận tin nhắn của Hân khi đang ngồi kề cà cùng đám bạn. Men rượu bắt đầu làm đầu óc tôi lâng lâng thì tin nhắn của em làm tôi tỉnh táo ngay:

Bây giờ em đang xếp đồ, đợi vài hôm nữa sắp xếp xong mọi chuyện trong nhà em sẽ đi.

Em đi đâu? – tôi hỏi lại

Thuê nhà ở.

Sao vậy?

Em không có má – Hân trả lời gọn lỏn.  
Mối quan hệ của Hân và mẹ em không phải là không tốt nhưng vì hai cái tuổi không hợp nhau nên chuyện hai mẹ con em giận nhau đã thành cơm bữa. Hân thuộc tuýp người nóng tính, đôi lúc quyết định vội vàng. Còn mẹ em là một người phụ nữ rất cứng rắn trong cách dạy con. Có lẽ hôm nay em vừa bị bà phàn nàn nên mới xảy ra chuyện. 

***

Nhưng Hân ra ngoài thuê nhà ở thật.

Hân là mối tình thứ hai của tôi. Người ta thường bảo mối tình đầu là mối tình đậm sâu nhất trong cuộc đời mỗi con người. Nhưng có lẽ với tôi là ngoại lệ. Trong tôi luôn thường trực hình bóng em. Tôi cũng không thể lý giải tại sao tôi lại yêu em nhiều đến vậy và vì sao tôi lại chọn em khi quanh tôi luôn có rất nhiều những cô gái sẵn sàng sống chết vì tôi. Lần đầu gặp, em đi cùng một người bạn của tôi. Tôi cứ ngỡ em và người ấy yêu nhau nhưng tối đó khi tôi đưa em về từ quán karaoke thì tôi mới biết em đang một mình. Tôi chủ động mời em đi ăn. Không ngại ngần, em nhận lời. Và ngay lúc đó tôi đã ấn tượng với con người của em. Đến khi ngồi vào bàn ăn, không như những cô gái khác, em ăn uống rất tự nhiên và em nói có dịp em sẽ mời tôi đi ăn ở những quán ăn vừa ngon vừa rẻ trong lòng thành phố này.

Hân ăn nói nhỏ nhẹ. Mỗi lần đi chơi cùng em, tôi nhận ra em vừa như là người của đám đông nhưng lại vừa như một người cô đơn. Em vừa mạnh mẽ nhưng cũng vừa như yếu đuối. Em vừa như hòa hợp với tất thảy nhưng cũng vừa như xa cách và  hình như em luôn có thế giới của riêng mình và chỉ những ai em thật sự yêu thương mới có thể bước chân vào cái thế giới mà em đã tạo ra. Hân rất tò mò, điều gì em muốn biết là em phải tìm hiểu cho ra và hỏi tới cùng. Chính vì lẽ đó, nhiều lần em lao vào những đề tài hết sức nhạy cảm và có thể sẽ ảnh hưởng đến công việc của em. Tôi can em nhưng lúc nào em cũng gạt đi “mình sợ gì mà không nói, mình nói sự thật chứ có nói dối đâu mà phải sợ”. Cái tính “thẳng ruột ngựa” và sự liều lĩnh của em làm tôi nhiều lần đau tim. Và lần này cũng vậy. Chẳng lẽ mối quan hệ giữa hai má con em lại căng thẳng đến thế?

Tôi hỏi em và em trả lời một cách điềm nhiên “má không hiểu và luôn cho rằng em làm việc gì cũng dang dở nên em nên em sẽ chứng minh cho má thấy là em không như thế!”.

Phòng trọ của em nhỏ nhưng có đầy đủ các vật dụng cơ bản cho một gia đình. Một cái tủ lạnh nhỏ, một cái tivi, một cái bếp ga và đồ đạc nấu ăn, chén bát đầy đủ.

Sao em không ngồi lại nói chuyện với má?

Em có nói cũng chẳng ích gì đâu. Má lo cho em ăn học, má nuôi nấng em, em không phủ nhận công sinh thành dưỡng dục của má dành cho em nhưng đâu phải vì thế mà má có quyền ngăn cấm em làm những thứ em muốn. Trước đây má bắt em học kinh tế trong khi đam mê của em là viết lách, má bắt em chia tay với mối tình đầu, em cũng đã chia tay. Má là người em rất mực yêu thương và kính nể nhưng không ít lần má làm em đau bởi những câu chuyện đã thuộc về quá khứ. Anh không sống cuộc sống của em nên anh không hiểu đâu.

Hân nói một thôi một hồi rồi nước mắt lã chã rơi xuống.

Tôi thương Hân nhưng tôi cũng thương mẹ em. Những bà mẹ thường như vậy khi cuộc đời của họ quá nhiều đau thương và cuộc sống không êm mượt như nhung mà ngược lại, luôn xù xì như gai mít. Bà đã sinh ra em, nuôi em lớn, cho em đi đây đi đó, cho em ăn học. Bà hà khắc nhưng cũng hết lòng nâng niu, chiều chuộng em. Bởi thế đôi khi trong suy nghĩ của một đứa trẻ - vừa - lớn và cuộc sống chưa có nhiều trải nghiệm như Hân cộng với lúc này, khi em còn đang trong cơn giận thì nói ra những lời đó cũng là điều dễ hiểu. Tôi hiểu em cũng yêu thương bà bởi nhiều lần tâm sự với tôi em bảo khi nói chuyện với má, em tỏ vẻ rằng mình thản nhiên trước những lời má nói nhưng rồi khi chỉ còn em và bốn bức tường, những trở trăn lại rục rịch kéo nhau thức dậy. Em ân hận trước những lời mình nói với má và em nhức nhối đến nghẹt thở.

Tôi đứng cửa giữa, tôi yêu em nhưng cũng không có nghĩa tôi đứng về phía em.

***

Cuộc sống ở ngoài dường như làm Hân cảm thấy thích thú. Mỗi lần tôi ghé thăm là em luôn đón tôi bằng một nụ cười và một tâm trạng thoải mái. Tôi định hỏi em có gọi  về cho má không nhưng lại sợ em không vui nên thôi. Hôm Hân xách balo ra khỏi nhà, má em có điện cho tôi và nói tình hình của Hân. Bà nhờ tôi coi ngó và chăm sóc Hân vì Hân được nuông chiều từ nhỏ, ra sống một mình lại không biết cách chăm sóc bản thân.

Tôi hỏi sao cô không giữ Hân lại? Bà trả lời “cứ để Hân đi cháu ạ, cô có giữ lại thì chỉ càng làm Hân muốn thoát khỏi vòng tay cô thôi. Tuổi trẻ thường như vậy mà”.

Rồi bà cúp máy. Trong giọng nói của bà có điều gì đó rất buồn và ứ nghẹn.

Hân và tôi đi ăn hải sản. Đột nhiên em nói “Hôm nào em sẽ dẫn má đi ăn ở quán này”. Rồi dường như biết mình lỡ lời, em len lén nhìn tôi. Nhưng tôi vẫn tỏ vẻ bình thản và giữ vẻ mặt điềm nhiên như chưa có chuyện gì xảy ra. Hân của tôi là thế đấy! Làm như không có chuyện gì nhưng trong lòng lại đang rối bời. Tôi nghĩ ra một cách để đưa em gần lại với má nhưng tôi chưa kịp thực hiện thì vài tuần sau đã xảy ra một chuyện trước khi lá thư má em nhờ tôi gửi đến được tay em. Lí do là vì công việc bận quá mà tôi quên béng đi.

Hôm đó tôi đang giải quyết một số công việc nội bộ của cơ quan thì em gọi điện cho tôi và nức nở “anh ơi, má em bị ngã, hàng xóm đưa vào bệnh viện rồi”.

Tôi giải quyết công việc một cách nhanh nhất có thể rồi phóng xe xuống phòng trọ của em. Em ra đón tôi với cặp mắt sưng húp và nói với tôi bằng cái giọng khản đặc vì khóc quá nhiều “chở em đến viện”.

Chị gái Hân đang ở đó. Má em đang nằm yên trên chiếc giường trắng toát và hơi thở yếu ớt. Chiếc bình chuyền nước nhỏ từng giọt tong tong. Chân má em đang phải bó bột. Chị gái Hân bảo má hiện giờ yếu lắm. Huyết áp của má đang cao. Má ngã trong lúc đang chà nhà tắm. Hân chỉ nghe nói thế mà nước mắt đã tuôn như mưa. Chị gái Hân bảo em về nhà lấy vài bộ đồ đến cho má. Hân cầm chìa khóa nhà và bước ra ngoài với đôi mắt đỏ hoe.

Em mở cửa nhà. Ngôi nhà sạch sẽ nhưng lạnh ngắt vì không có hơi người. Bàn thờ ba em nhang đèn cũng đã tắt. Em mở tủ lấy ra vài bồ độ rồi bần thần quay ra. Thấy em như vậy, tôi lay lay người em. Em không nói gì, tôi nhìn vào đống quần áo mà em vừa lôi ra. Có một cái áo con gái, hình như đã rất lâu rồi.

“Đó là cái áo của em hồi em học  tiểu học anh ạ. Cái con thỏ ngay vai áo là chính tay má khâu cho em vì trong một lần đùa với các bạn, em bị rách áo. Bao nhiêu năm rồi mà má vẫn giữ cái áo này. Em cứ tưởng má đã bỏ đi lâu rồi chứ. Em thật sự rất tệ!”.

Tôi sực nhớ đến lá thư. Tôi mở ví và đưa cho em. Quá xúc động, em nhờ tôi đọc nó.

Hân của má!

Trước hết má muốn con biết rằng má yêu thương con hơn mọi thứ trên đời này và không gì có thể làm cho má hết yêu thương con cho dù con có giận má hay nói những lời làm má đau lòng.

Con đã có lần nói cái giọng của má nghe chát ngắt và rất dở nên má đừng nói to. Má đã rất buồn nhưng má hiểu vì con được đi đây, đi đó, con giao tiếp với nhiều người và họ luôn nói với con những lời hay, những lời êm ái. Má thì không được như vậy. Chất giọng của má không hay nhưng đó là tiếng mẹ đẻ của má, là quê hương của má và là một phần máu thịt trong con. Lời má nói không hay nhưng nó xuất phát từ trái tim của má và má cam đoan đó chính là những lời chân thành nhất mà chỉ có con và anh chị em con mới được nghe.

Con cũng đã có lần nói má độc đoán vì muốn con làm cái này cái kia mà không nghĩ đến cảm xúc của con. Má xin lỗi vì má đã ích kỷ khi bắt con phải làm theo ý má. Nhưng ba con mất sớm, một mình má phải chèo chống với cuộc đời này để nuôi các con. Bởi vậy lúc nào má cũng mong các con thành đạt để các con có thể ngẩng cao mặt mà nhìn đời. Hồi ba con mất, má đã chịu biết bao nhiêu tủi cực, người ta thương hại, người ta khinh rẻ gia đình mình, đất đai cũng bị họ lấn chiếm. Má là phụ nữ, không thể hơn thua với họ - những người đàn ông đội trời đạp đất. Thế nên má cắn răng chịu đựng và nuôi các con ăn học. Má luôn hi vọng các con sẽ thành công và những con người đó họ sẽ không còn khinh rẻ và hiếp đáp gia đình mình nữa.

Con hay cằn nhằn má vì sao cứ luôn miệng la con không biết dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn không ngon. Lúc nào con làm gì má cũng theo sát rồi dặn dò. Má biết con khó chịu lắm nhưng má phải làm như vậy. Hân của má rồi cũng phải đến lúc theo chồng. Má muốn con về nhà chồng khi mọi thứ đều vẹn tròn. Con thông minh, xinh đẹp, có học thức  nhưng điều đó chưa đủ nếu như con chưa đủ vắn khéo để thu vén việc gia đình. Má muốn Hân của má được bên nhà chồng thương yêu vì nếu lỡ má có chết đi thì má vẫn yên tâm vì con còn có một người mẹ yêu thương con như má đã yêu con. Sau này khi có con, con mới hiều được tình yêu mà má dành cho con. 

Khi con bước ra khỏi nhà, má đã nuốt nước mắt nhìn con đi. Má cũng muốn giữ con lại nhưng nếu má làm vậy chỉ càng làm con muốn thoát khỏi vòng tay má và con sẽ luôn nghĩ rằng mình là nhất, mình có làm gì má cũng bỏ qua. Má đã nói cho con về lòng vị tha nhưng má không thể thay con ngộ ra điều ấy. Tất cả phải để con tự nhận ra.

Hân thương!

Những lời má viết ra đây dù không hay nhưng đó là những lời chân thành nhất, là ruột gan của má. Có thể sau khi đọc nó, con sẽ không về nhà nhưng má luôn đợi tiếng con gọi “Má ơi”. Bởi con biết đó, khi má đã ngáy khò khò nhưng nghe tiếng con ho bên phòng má đã bật dậy để nhắc con uống thuốc. Hân à, dù má có ngủ say, chỉ cần nghe tiếng con gọi là má sẽ thức dậy để mở cửa cho con.
…. 

Khi tôi đọc xong lá thư, đôi mắt Hân đã sưng húp và mắt tôi cũng nhòe đi. Hân xếp vội quần áo rồi bảo tôi chở em đến bệnh viện. Ngồi sau lưng tôi, em nói “Anh nhanh lên một tí được không? Em muốn gọi má ơi!”. Và tất nhiên, làm sao tôi có thể từ chối người phụ nữ thân yêu của tôi khi lúc này đây em đang hướng về người phụ nữ thân yêu nhất của cuộc đời em?.  

Trích thơ:

Vết thương phố xá

Tôi quên mình sinh ra từ núi
Để bây giờ chợt  nhớ mang mang…
Tôi làm kẻ lang thang
Qua từng con phố
Nhà cao tầng điện đèn xanh đỏ
Chợt thương quá nhà rông
Tôi chạm vào hư không
Thấy tim mình hoang vắng
Nghe xập xình nhạc quán
Nhớ về từng nhịp chiêng ngân...
Bao năm mải mê giữa lòng đô thị
Ngủ những giấc chập chờn mộng mị
Tôi quên mất tiếng chiêng
Quên gõ tơ-rưng, quên vỗ đàn klông-pút
Tay quen cầm cây bút
Quên rồi con suốt con thoi
Quên giọt mồ hôi
Đồng bào mình vất vả…
Ơi, những hương rừng tiếng núi xa xôi…
Đời tất bật xô tôi
Trôi giòng hối hả
Để chiều nay vấp ngã
Ơ kìa,
Núi vẫn đứng trông tôi!

Ngày không đến

Có một ngày không đến
Đó là ngày người ấy đi xa
Ngày không đến
Tôi một mình
Nhuộm nỗi nhớ xanh xao
Cánh chim trời chênh chao
Hiên nhà xao xác gió
Tình yêu tôi còn đó
Người bây giờ phương nao?
Tôi nhớ ai?
Cồn cào!
Thương ai?
Đau khúc ruột!
Ngày
Nắng hóa chơi vơi
Đêm
Sao là thương nhớ
Viết gì cho ngày không đến?
Chẳng có gì ngoài nỗi nhớ người ơi! 

Dốc đời ngược gió
thương tặng Mẹ

Chạy ngược cơn gió
Thả mình giữa mênh mông
Trời xanh lắm và tôi nghe hồn vỡ
Những kỉ niệm trong bộn bề quên nhớ
Giờ ùa về
Rất khẽ…
Rất lung linh!
Những chiều gió và mẹ nắm tay tôi
Nép vào nhau: ấm áp – yên bình!
Mẹ dắt tôi đi ngược gió
Lặng thinh!
Gió lùa tóc
Quất vào người : Bỏng rát!
Chợt thấy mình hoang dại giữa thiên nhiên
Hạnh phúc giản đơn và cũng thật hiền
Quanh tôi là bao la gió thở
Mẹ ở bên: ấm áp – dịu hiền
Niềm hạnh phúc rất riêng
Theo tôi mãi  những ngày bé dại
Hạnh phúc dịu dàng nhưng thời gian thì ngược lại
Cái nắm tay ngày nào của mẹ bỗng nghe đau
Trộm nhìn lên,
Tóc mẹ đã ngả màu
Bàn tay ấm ngày nào giờ gầy rộc
Lưng của mẹ cong cong tựa con dốc
Dốc đỡ bước chân người
Lưng mẹ cõng đời tôi
Chiều nay,
Thôi ngược gió: tôi trôi
Và thầm ước giá như được bé lại
Quay về sống những ngày thơ dại
Có mẹ nắm tay,
Và ngược gió…
Lao đi.

Vọng tiếng rừng xa
Thương tặng Ba yêu thương của con

Một chiều mưa em chia tay cổ tích
Đất nhận vào lòng giọt nước mắt tuổi thơ
Tám tuổi, cuộc sống hết là mơ
Cuộc sống cũng không còn là những nhịp chiêng ngân êm ái
Dòng nước lũ cuốn cha về miền xa ngái
Em! Mắt veo tròn nhòa nước mắt!
Tay ôm vào lòng tấm ảnh của cha.
Tám tuổi...
Môi tắt tiếng gọi cha
Chiều thôi đứng cổng trường đợi cha đến
Ngày em ra đời sẽ không còn cha cùng thổi nến
Mùa thu đến trường cũng không còn nhận những lời nhắn nhủ yêu thương
Em thương cha giờ chỉ có thể thắp một nén hương
Mẹ thương cha giờ chỉ có thể rũ rượi bên quan tài và khóc
Đứa em nhỏ ngây thơ đòi đi học
Chị tựa đầu vào các bạn - câm lặng nỗi đau!
Đưa cha về đất, em nghẹn ngào rồi gục ngã
Mẹ giờ sẽ muôn phần vất vả
Các em bỗng chốc phận mồ côi!
Chiều nay - có ngọn gió thổi về phía xa xôi
Gió mang theo khúc hát của đại ngàn một thuở
“Vì rừng đã mất nên Giàng đưa lũ về trách quở”
Thinh lặng em ngồi nghe vọng tiếng rừng xa.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ viết về Y Việt Sa:

“… Để chia vui với cô “bạn đồng nghiệp” be bé này, xin đưa ra đây… khoe luôn! Và cũng nhân tiện, làm luôn cái “phụ lục” sau bài phỏng vấn để giới thiệu bài thơ mới nhất của Y Việt Sa cũng vừa in trên tạp chí Văn nghệ Kon Tum số 71 ra tháng 5-2011, nói lên nỗi trăn trở đáng quý của thế hệ trẻ dân tộc thiểu số miền núi giữa truyền thống và đổi mới trong guồng quay biến đổi đến chóng mặt của xã hội đang “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” từng ngày. Bạn đọc “tham khảo” thêm.”

Tài liệu tham khảo:

- Y Việt Sa Web: http: tavansy.vnweblogs.com
- Quan tòa bất đắc dĩ Web: facebook.com/pages/Trang-van-Y-Việt-Sa/132260316939583

No comments:

Post a Comment