Pages

Thursday, July 10, 2014

Những nhà văn dân tộc: Nhà thơ Bùi Tuyết Mai





Bùi Tuyết Mai - Bùi Thị Tuyết Mai (1971-20  )

Nhà thơ Bùi Tuyết Mai tên thật là Bùi Thị Tuyết Mai dân tộc Mường, sinh năm 1971, tại Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Bùi Thị Tuyết Mai có thời gian học trường cấp 3 Chu Văn An ở Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bùi Thị Tuyết Mai theo học Trường Cao đẳng Sư Phạm Thường Tín thuộc Hà Sơn Bình cũ. Trong thời gian này, Bùi Thị Tuyết Mai bắt đầu làm thơ, bài thơ đầu tiên ra đời Tâm tình người thiếu nữ, ghi lại nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ khi đi học ở nơi xa.

Năm 1991, tốt nghiệp Sư Phạm ra trường, Bùi Thị Tuyết Mai được phân công về Trường Đảng tỉnh Hòa Bình, sau đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh Hòa Bình. Trong thời gian này do yêu cầu công tác Bùi Thị Tuyết Mai phải đi đó, đi đây vùng sâu hẻo lánh, được nhìn xa thấy rộng, hồn thơ thúc bách ghi chép sáng tác thơ, kết quả là được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Hòa Bình và Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Đến năm 1998, tập thơ dầu tay Mưa trong nhà của Bùi Tuyết Mai mới ra đời.

Sau đó, Bùi Thị Tuyết Mai bảo vệ thành công luận văn, có bằng Thạc sĩ Kinh tế rồi chuyển công tác về Hà Nội, làm ở Cơ quan Đảng uỷ Khối các Cơ quan Trung ương.

Nhà thơ Bùi Tuyết Mai được các giải thưởng:

- Giải B của Hội VHNTCDTTSVN, với tác phẩm Mưa trong nhà
- Giải C của UBND tỉnh Hòa Bình tặng năm 2001, với tác phẩm Trầu đỏ môi ai.
- Giải C của Hội VHNT Hòa Bình năm 2001-2006, với tác phẩm Nơi cất rượu
- Giải A của Hội VHNT Hòa Bình năm 2001-2006, với tác phẩm Mường Trong

Mặc dù hiện nay nhà thơ Bùi Tuyết Mai làm việc ở Hà Nội, nhưng vẫn dệt vải và làm thơ.

Tác phẩm:

- Mưa trong nhà (thơ Văn hóa dân tộc, 1998)
- Mưa trong nhà (thơ)
- Trầu đỏ môi ai
(thơ)
- Nơi cất rượu
(thơ)
- Mường trong
(thơ)
- Binh Boong (thơ, Lao Động, 2008)

Trích thơ:
Tâm tình người thiếu nữ
Đêm khuya lắm em một mình im lặng
Nghe đâu đây tiếng gió tâm tình
Ôi không phải đâu đấy là con dế
Kêu ri ri như đang khóc một mình
Con gái mẹ có lần đi rất khẽ
Đến đằng sau ôm vai mẹ nói thầm
Bí mật lắm đừng có ai hỏi nhé
Chỉ được riêng mình mẹ biết thôi

Mường trong...

Người Mường trong leo núi như
mặt trời
Đeo kiếm lên nương như cây
núc nác.
Đổ khói đổ sương vành khăn piêu đung đưa trăng mùa lũ .
Bám độc mộc xuôi về như con ốc
con cua.
Mùa Mường trong cũng biết đếm
mương phai.
Cái gió con trăng biết đếm cây
gộc cụt .
Khói cũng nhuộm nâu người
như đất.
Con đường mòn biết đếm bước
lạ quen
 

Về Mường

Mường anh mường thắt eo mường
thổn thức men theo lời hát
Em mới vờ làm người Pú Nhung
đến đây bán cót
Giả làm người Mường muổi đến
nhà tập chăn trâu
Tập làm việc muờng cho quen tiếng
bén hơi
Cho gà vịt theo em như theo ngô lúa
Cho mùa tiếp mùa yêu nhau như
khăn áo quấn lấy người
Cho anh say em như say rượu
Cho anh dính em như khẩu tan*
* Loại cơm nếp thơm và dẻo của người Thái vùng Tây Bắc

Mùa em

Mùa Em
Mùa em xa Mường
Bước như chân con nai nhỏ
Mùa em xa Mường
Đêm cựa mình nhớ lời ru của Mẹ
Mùa em
Mùa bay lẻ
Nhớ vòng quay con nước
Vì em như con nai nhỏ hay ra bờ suối
Mùa em
Mùa thiếu nữ
Lần đầu biết nhớ
Vì em như cái ớp pu *
quanh năm ôm lưng Mẹ
Hà Nội, 30/08/2004

* giỏ nhỏ bằng mây đựng kim chỉ và trang sức, đeo ở lưng phụ nữ Mường
Buổi sáng

Chim Bẻ Chèm lảnh chói hóa thân vào điện thoại, ti vi
và bất cứ cái gì để đến lúc đó đánh thức mọi người
Dậy!
Dồn dập bước chân
Dồn dập xối nước
Dồn dập những đôi giày dép, những xe đạp, xe máy và ô tô suốt một đêm ngủ say
Giờ cồn cào khởi động

Những đôi mắt hướng về đồng hồ công cộng người lớn chỉ
Nhanh lên!
Các bà mẹ nựng con gấp gắp như kim giây: Ăn đi, ăn đi, nhanh lên con
Ăn nhanh lên cho mẹ!

Những quán ăn giờ này cao độ
Khó khăn lắm mới có được chỗ ngồi
Những cốm chanh vừa đợi xe bus vừa ăn xôi
Ngón tay cái tới tấp mổ bàn phím
Kỹ thuật số rồi
Mọi khái niệm trở nên năng động
Câu và từ đành phải mím môi

Những xe đạp tuổi lêm mười í ơi
Không cần ăn
Tiền bố mẹ cho mua quà sáng để trưa chát!
Dế mèn bây giờ phiêu lưu cũng khác

Những nẻo người cuồn cuôn phố như sông
Trảy hội bình minh lốc bụi
Xe và người cuốn vào đường cằm cụi
Áo khăn bạc tiền cơm gạo buồn vui

Vẫn còn những người
Thong dong
Thả tuổi lên bước rêu
Lắng trầm
Bình minh phố. 

Trên Phố

Một mùi hoa sữa thoảng qua
Tóc thơm xưa
Trên phố

Người thiếu nữ trong ngôi nhà cổ
Thăt lại chiếc nơ
Và qua đường

Bóng con chim xanh đi về ngoại ô
Tôi nhớ
Những bước son nho nhỏ
Làm dịu đi cái rét mùa đông

Còn đây chú mèo mun
Mặc áo nắng
Trầm tư cổng cũ

Giờ
Con đường cuồn cuộn chảy
Tôi như bóng chú mèo
Thì thầm gọi xa.

Nhật ký Hà Nội

Chiếc điện thoại di động của tôi gừ gừ
như con mèo bị người khác dọa lấy con chuột nó vừa vồ được
Máy vi tính của tôi đã lách cách nhiều giờ như tiếng thoi dệt của bà tôi
Hà Nội tôi ở Mường Trời tầng chín và đi cầu thang máy
Mèo và thoi lên xuống làm sao?
Giấc mơ mười bảy của tôi biết đội bông từ đâu?
Đầu tôi nhộn nhịp quạt trần quay
tiếng bầy ong của ông nội tôi đang vầy mật mùa hoa nhãn
Tôi bây giờ bận nhắn tin và mải mê trên bàn phím
Trong thế hệ “ngón tay cái” này
Quạt giấy và quạt mo biết vịn vào đâu?

Chẳng lẽ ngày hôm nay của tôi lại là một phần của bài hát cũ
Mỗi nhịp thở của tôi luôn ngân nga về
Tiếng của cụ ông, cụ bà, tiếng của cha mẹ tôi cồn cào
Rì rào
Thình thịch!

Chiếc nôi đầy bồ hóng vẫn còn kia
Từng đong đưa từ khi đất còn pạc lạc, nước còn pời lời
Bài hát cũ cứ ngày ngày qua lại trong tôi như những đường cày
Và đêm đêm hiện về những ngôi sao mang hình dấu hỏi
Tôi rồi sẽ ra sao?

Nghe như nhà có khách
Tiếng gõ cửa lốc cốc từ thuở chăn trâu dội vào
Không nghe được tiếng gáo dừa dội nước
Người ta tháo giày và đi tất vào nhà
Không có ai đi chân đất đến nhà tôi chơi cả!

Với chiếc nậm bầu khô đựng rượu
Tay tôi chạm vào khoảng trống
Chẳng lẽ tôi đã đánh mất lá bùa khiến người say tôi?
Ngày gió
Như chiếc bánh ngọt kề môi
Người rơi rụng
Tôi nhận được mùi hương của con đường cỏ khô
Tháng năm này đã khác
Nguời gieo
Rồi người không gặt
Bỏ lại tôi thương nhớ cồn cào
Văng vẳng chuông chiều
Thầm thì sương sớm
Âm âm gió
Âm ấm mây
Bước chân người gieo hạt
Thêm một mùa gom nỗi nhớ mang đi.
Bùa lá
Này tên vợ
Này tên chồng
Này tên con
Ta lấy máu của trái tim mình viết vào lá trầu
Bùa lá
Ta cầu thần linh
Ta cầu thượng đế
Ta viết đủ ngày sinh tháng đẻ
Nhập vào mọi nẻo âm dương
Hỡi lửa thiêng, cha hiền, hãy nung nóng tim chàng!
Hỡi dòng nước mạnh, mẹ của muôn loài, hãy vỗ về con!
Hỡi không khí, căn nhà hãy ấm lên!
Ta lấy không khí làm thuyền, lấy lửa thiêng làm mái chèo
Cuộn vào dòng nước mạnh
Tìm người yêu ta về. 
(Tháng 3/2002)
Chơi núi
Tựa lưng núi
Chợt nghe tôi cười
Nhặt nắm đất đồi
Mặt ướt
Tôi quay quắt tìm tôi
Tựa lưng núi
Cúi xuống đồi
Cây đau hay vấp lốc
Người đau thương nhớ lâu
Tôi còn đây hay tôi nơi đâu
Núi cười
Đồi khóc
Tôi nhọc khó tìm tôi.
(Tam Đảo, 9-10-2002)
Gió kể
Lao xao
            Lao xao
Thương nhau
                   Thương nhau
Đừng như cái áo
Đừng như cái áo
Lao xao
            Lao xao
Nhớ nhau
              Nhớ nhau
Đừng như cái áo
Đừng như cái áo
...Yêu nhau
                   Rồi quên nhau
                                         Rồi xa nhau
...đợi lâu
                  Chợ tình đợi lâu
Nhìn nhau
Nhìn rất lâu
Nhớ nhau mỗi năm mỗi sâu
Chợ vắng người đợi đã lâu
Một mình...
                     Lắm thương nhớ đau.
Trong bài: Nhà thơ Bùi Tuyết Mai: Tôi sinh ra giữa vũ trụ Mường, tác giả Nguyên Bình có nhận định:

“Thơ của chị đậm chất Mường. Một chất Mường vừa nguyên sơ vừa hiện đại. Chất Mường ấy thể hiện ở mọi phương diện, từ thi liệu tới giọng điệu, từ hình ảnh đến lối cảm, lối nghĩ... Có ý kiến từng nhận xét: thơ của chị rất lạ; lạ vì trong trẻo; lạ vì cái chất sống hồn nhiên, tuy phải va chạm với thành thị; và lạ vì có một không khí núi đồi nương rẫy phủ lên ngôn từ thi ca.”

Tài liệu tham khảo:

- Bùi Tuyết Mai Web: daidoanket.vn
- Tâm tình người thiếu nữ Web: daidoanket.vn

No comments:

Post a Comment