Pages

Monday, July 14, 2014

Nhà văn trẻ: Phạm Nguyễn Ca Dao



Phạm Nguyễn Ca Dao (1994-20  )

Nhà văn trẻ Phạm Nguyễn Ca Dao sinh ngày 26 tháng 2 năm 1994, tại Đà Nẵng.

Cựu học sinh trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng.

Phạm Nguyễn Ca Dao được các giải thưởng và thành tích:

Học sinh giỏi 12 năm liền.

Giải thưởng “Niềm hy vọng” dành cho các tài năng trẻ năm 2009

Giải Khuyến khích Học sinh giỏi Văn Tp.Đà Nẵng lớp 9 năm 2009

Giải Nhì Học sinh giỏi Văn Tp.Đà Nẵng lớp 10 năm 2010

Giải Nhất Học sinh giỏi Văn Tp. Đà Nẵng lớp 11 và 12 năm 2011 và 2012

Giải Nhì cuộc thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia Trung Học Phổ Thông môn Ngữ văn lớp 12 năm 2012

Là một trong 2 đại biểu của thành phố Đà Nẵng tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII từ 7 đến 11 tháng 9 năm 2011 tại Tuyên Quang.

Bốn năm liền từ năm 2007 đến 2010, tham gia Trại sáng tác Văn học dành cho thiếu nhi do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Tp.Đà Nẵng phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo Tp. Đà Nẵng tổ chức. Năm 2007, học lớp 7, Ca Dao đoạt giải Ba với tác phẩm truyện Những cơn Mưa; lớp 8 đoạt giải Nhất với tác phẩm Tiếng rừngVán chọi gà định mệnh; lớp 9 đoạt giải Nhất với tác phẩm Lỗ hổng. Trong đó, hai tác phẩm đoạt giải Nhất của Ca Dao được in trong tập Giao hưởng và đốm lửa của Hội Nhà Văn TP Đà Nẵng năm 2010.

Do thành tích đoạt Giải nhì môn Ngữ văn trong kỳ thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia Trung học phổ thông năm học 2011-2012, nên được tuyển thẳng vào trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn Tp.HCM khoa Báo chí - Truyền thông.

Có truyện ngắn, bài viết được đăng tải trên mạng và được giới thiệu trên báo Văn nghệ trẻ của Hội nhà văn Việt Nam, trang Văn hóa - Nghệ thuật của các báo Đà Nẵng, báo Công An Đà Nẵng

Hiện Phạm Nguyễn Ca Dao đang theo học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM và đang cộng tác viết bài cho một vài tờ báo ở Tp. HCM.

Trích văn:

Ván chọi gà định mệnh

Thoắt cái, mùa hạ đã đến mang đến cái nắng chói chang, gay gắt. Nắng nóng nhưng không sao! Mới ngày nào, tôi vẫn còn tung tăng đến trường với bọn trẻ trong xóm, vậy mà hôm nay tôi đã được tự do ở nhà vui đùa là thích lắm rồi! Chợ huyện, đó vẫn là địa điểm quen thuộc và ưa thích của tôi. Lao vào thú vui của mấy đứa nhỏ ở đó, tôi đã  thực sự bị cuốn hút bởi trò chọi gà. Nhìn những con gà lao vào cấu xé dữ dội, tôi đem lòng ham thích vô cùng. Về nhà, tôi cứ miên man suy nghĩ: Tại sao mình lại không tự mua một con gà chọi nhỉ? Nếu được thế, mình sẽ “tôi luyện” nó trở thành một con gà cực kì hung tợn, chiến thắng tất cả những con gà khác một cách dễ dàng. Lúc đó, mấy thằng nhóc trong xóm sẽ phải phục mình sát đất, mình đi đâu cũng nở mày nở mặt vì có một con gà vô địch. Giống như cái cách hồi bé mình rèn luyện mấy con dế trống, để rồi mình trở thành một tay đá dế cừ khôi, siêu hạng nhất trong xóm. Nghĩ sao làm vậy, về nhà tôi vét hết số tiền còn lại trong ống. Gộp luôn cả tiền bán ve chai. “Vậy là đã đủ tiền!”- Tôi vui lắm. Ba hôm sau, tôi quyết định lên huyện mua gà.

Mùa hạ. Chợ đông đúc hẳn lên. Cái nóng cứ đeo bám. Chen chúc mãi, tôi mới vào được chỗ bán gà. Xem xét kĩ càng, tôi chỉ ưng ý một con. Tôi với tay chỉ con gà đang được nhốt riêng trong một cái lồng khá lớn có lông đuôi sặc sỡ, cặp cựa nhọn hoắt  ra vẻ oai vệ, lực lưỡng lắm.

- Anh ơi! Con đó bao nhiêu vậy ạ? - Tôi lễ phép hỏi.  

Người đàn ông cao lớn với bộ râu xồm xoàm, trơ mắt nhìn tôi rồi trả lời một cách khinh bỉ:

- Cái gì? Bộ chú em muốn mua con gà đó hả?

Ông ta tặc lưỡi, đầy vẻ tiếc nuối:

- Nhìn bộ dạng của chú em anh biết chú em không vừa sức đâu. Thôi, liệu mà kiếm con khác đi.

Nói rồi, hắn ta đưa tay chỉ mấy con gà nho nhỏ đằng kia. Cảm giác tiếc nuối đan xen một chút tự ái cứ nổi làm tôi bực tức. Tôi toan bước đi vì câu nói sỗ sàng của hắn ta nhưng bất ngờ lại thôi. Tôi quay lại chỗ đám gà choai đang ríu ra, ríu rít. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành chọn cho mình một con. Tôi lựa con có cặp chân to và đôi mắt dữ tợn nhất.

Mặc dầu con gà này chẳng ăn nhằm gì so với gà của bọn trẻ xóm bên nhưng tôi vẫn cảm nhận được một niềm vui  trong chính lòng mình. Niềm ước ao con gà này sẽ có một “tinh thần chiến đấu” quyết liệt để đem lại chiến thắng vẻ vang cho mình đã thôi thúc; tôi kiêu hãnh đặt cho con gà của mình một cái tên thật đanh thép: Anh Hùng.

Có lẽ, tinh thần quyết chiến đã khiến tôi  nâng niu, ân cần đối với con gà này lắm. Mấy ngày đầu, tôi cho nó vào một cái lồng sạch sẽ, rộng rãi. Ngoài việc chăm sóc con Anh Hùng thì tôi chẳng tài nào tập trung vào việc khác được. Mấy cái trò chọi dế, chọi cá ngày nào cũng chẳng còn hấp dẫn tôi tí nào nữa. Mặc cho mấy thằng bạn trong xóm có rủ rê, lôi kéo thế nào tôi cũng không. Cứ khoảng một giờ tôi lại thay nước hoặc cho nó ăn một lần. Tôi nói chuyện với nó thật nhỏ nhẹ. Nó trả lời tôi bằng cái nhìn trông đến ngộ nghĩnh.

Ngày lại ngày, dưới sự chăm sóc chu đáo của tôi, con gà dường như hiền lành hẳn. Rồi một hôm, tôi bắt gặp ánh mắt trìu mến đầy vẻ thèm thuồng. Có lẽ, nó khao khát được sống một cuộc sống tự do với những việc đón nhận những tia nắng rực rỡ, ấm nóng  của buổi bình minh hay đơn giản hơn chỉ là việc ngủ chung chuồng với lũ gà con xinh xắn.

Thấu hiểu tất cả những “tâm sự”qua cặp mắt đầy ưu tư của nó, tôi không còn ý định nhốt nó trong lồng nữa mà thả nó đi rông trong vườn. Nó vui vẻ đi kiếm ăn cùng lũ gà nhà nhỏ thó, yếu ớt. Tôi thấy lo lo điều gì đó nên chạy ngay sang nhà thằng bạn xóm bên:

- Thế là không được rồi!Mày đã mắc phải một sai lầm lớn khi tập cho nó quen với cái tính cách của bọn gà nhà. Cứ theo đà này thì chẳng mấy chốc nó sẽ bị lũ gà nhà “thuần hoá” mất thôi.

Nói rồi nó vắt tay lên trán ra vẻ nghĩ ngợi. Như vừa tìm ra được một bí quyết, nó ghé sát vào tai tôi thì thầm. Nghe xong cái kế hoạch “vĩ đại” của nó, tôi lại cảm thấy một điều gì đó bất an:

- Liệu cách đó có ổn lắm không? Tao thấy nó cứ thế nào ấy. . .

Thằng bạn vỗ vào vai tôi cái “Bốp!”, rồi cười khẩy:

- Sao là sao? Mày không tin thì cứ thử đi. Tao bảo đảm cách này an toàn một trăm phần trăm.

Nói vừa dứt câu, tôi cảm thấy vững tin hơn rất nhiều. Về nhà, tôi ứng dụng ngay cái cách mà tôi vừa học được. Tôi cho nó vào trong một cái lồng nhỏ, vây kín vải.

Cứ mỗi lần mở của, ánh sáng lại chiếu thẳng vào. Con gà nhẹ nhõm đón nhận tia nắng ấy ra vẻ thích thú lắm. Bỗng chốc, nó đưa đôi mắt thèm thuồng nhìn ra phía ngoài, cái vườn cỏ mà nó và bọn gà nhà thường chơi đùa những ngày trước.

Ăn xong. Cái bóng tối hung dữ lại bao trùm. Con gà cúi mặt xuống. Thất vọng. Nhìn nó ngày càng gầy gò đi trông thấy, một chút mủi lòng thoáng qua trong trí tôi nhưng bất chợt câu nói đanh thép của thằng Mít lại hiện ra đập tan bao ý nghĩ tội nghiệp của tôi.

- Mày không được tỏ ra thương hại đâu đấy, phải thật kiên quyết vào mới mong có ngày chiến thắng.

Bắt đầu từ hôm đó, tôi lạnh lùng mở lồng và cho vào đó gạo. Xong việc, tôi quay đi. Chẳng một tiếng nói. Chẳng một nụ cười. Tôi quay lưng vội vã như không hề biết vẫn có một con gà. Sở dĩ, tôi cố tình tỏ thái độ bất cần như thế để nó trở nên mạnh bạo hơn, hung dữ hơn để trở thành một con gà chọi xuất sắc đúng với mong mỏi của tôi khi quyết định mua nó.

Hôm nay, tôi nhìn kĩ nó khác hẳn mọi khi, con Anh Hùng không còn cái cảm giác sung sướng khi bắt gặp tia nắng đó nữa. Đến bây giờ tôi mới thực sự khâm phục “tài năng” của thằng bạn: nó đã trở nên hung dữ một cách bất ngờ. Nó nhìn tôi bằng một ánh mắt đầy ắp lòng căm phẫn. Tôi cho tay vào lồng đã bị con Anh Hùng bất ngờ mổ mạnh vào ngón tay trỏ. Đau thật nhưng tôi chẳng tức giận nó mà ngược lại còn thấy rất vui, nó đã hung dữ rất nhiều, đúng như ao ước của tôi. Tôi cười phá lên:

- Hay. . . Hay. . . Đúng là Anh Hùng!

Thằng Mít lại sang chơi và dạy tôi bài thứ hai:

- Bây giờ, mày phải bồi dưỡng cho nó.

- Món gì? Tôi gặng hỏi.

- Dế, cào cào và tranh thủ mẹ mày đi chợ về kiếm thêm cá thịt gì đó, nhưng nhớ là đồ tươi nghe không? Còn nữa, mày bắt đầu thả nó ra chừng chừng để nó đá đám gà kiến kia cho quen. Khi cho bọn kia ăn thì nhốt nó lại cho nó tức.

Không biết nó học lỏm ở đâu nhưng thật sự có hiệu quả.

Chiều nay, tôi quyết định đem nó đi đá thử. Quả nhiên, con gà rất sung sức. Vừa giáp mặt đối phương nó đã lao vào cắn như búa bổ. Sau một hồi giao tranh Anh Hùng đã giành chiến thắng, ngay từ lần thử sức đầu tiên. Tôi sung sướng ôm lấy nó lòng tràn ngập niềm sung sưóng và hãnh diện. Vài lần sau đó, nó liên tục chiến thắng những con gà khác một cách dễ dàng đến bất ngờ. Mấy đứa nhỏ trong xóm trịnh trọng gọi tôi bằng cái tên mang đầy uy lực: “Vua chọi”. Tôi huyênh hoang cười mỉa mai, khinh thường. Cho đến một ngày kia. . .

Cái nắng oi bức, khó chịu vẫn bao trùm nơi đây. Tôi ẵm con gà trên tay vừa sung sướng, vừa lo âu. Chiều nay tôi sẽ chọi gà với thắng nhóc xóm bên. Mấy hôm trước, nó chặn đường tôi bằng một khuôn mặt vênh váo, cao giọng:

- Ê! Thằng kia! Tao nghe đồn mày có con gà chọi cứng cựa lắm phải không?

Chẳng chút ngần ngại, tôi trả lời một cách kiêu ngạo:

- Thì sao? Mày có ngon thì đem gà qua đây đá. Tao đây chưa bao giờ biết thua là gì đâu nhé!Trước khi đi nhớ dặn mẹ mày chuẩn bị nước sôi!

- Bao giờ? - Hắn hất hàm hỏi.

- Chiều thứ năm, ba giờ ở đám ruộng gần đình.

Nói rồi, tôi quay đi trước biết bao lời thán phục của mấy thằng nhỏ cùng xóm.

Nói vậy nhưng sao tôi cũng thấy lo lo. Ừ!Lo cũng đúng thôi. Vì thằng đó cũng là một tay vô địch của xóm bên mà. Hôm sau gặp lại tôi và nó còn thoả thuận: nếu tôi thua, tôi sẽ phải nhưòng cái danh hiệu “vua chọi” ấy cho nó.

Trưa hè, mọi vật đắm chìm trong sự yên ắng, tĩnh mịch. Ngay cả bụi tre trước nhà cũng chẳng buồn đong đưa. Tôi đi ra đi vào, dõi mắt ra đường, ngóng đợi. Nóng bức. Tôi ngồi thừ trước thềm nhà. Đang suy nghĩ mông lung thì bỗng chốc tôi nhận ra cái dáng gầy gò, nhỏ thó của thằng Thu ú đang nặng nhọc leo lên bờ tường. Nó nhoẻn cười rồi hươ hươ tay ra hiệu cho tôi ra cánh đồng. Từng cử chỉ, hành động của nó mang một vẻ gì đó gấp gáp lắm, có lẽ nó sợ bố tôi mắng. Tôi chợt giật mình vì tiếng nạt bằng giọng ồm ồm của bố:

- Thằng Sơn!Sao mày chưa ngủ đi? Còn ngồi đó làm gì vậy hả?

Ngưng một lát, bố tôi lại hằm hè:

- Mày chớ dại chạy ra đồng chọi gà đấy!Tao mà biết được thì liệu hồn. . .

Bố tôi chưa dứt câu, thằng Thu ú đã hoảng hốt, vội vàng leo xuống rồi chạy biến trong tiếng hét inh ỏi của mấy thằng khác. Ngồi một mình, tôi im lặng để nghe ngóng động tĩnh từ bố tôi. Sau một hồi ngăm nghe, bố tôi lại thiếp đi, thở khò khè. Sự háo hức  cùng khung cảnh náo nhiệt của bọn trẻ trong xóm đã thôi thúc tôi. Chộp ngay cơ hội, tôi bắt vội con gà rồi vụt chạy.

- Cánh đồng đây rồi!- Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Trước mắt tôi bây giờ là một hình ảnh một cánh đồng khô cằn vì cái nắng khắc nghiệt của mùa hạ. Mấy đứa nhỏ đuổi bắt nhau làm bụi tung mù mịt. Tiếng cười đùa ầm ĩ phá tan bầu không khí im lặng vốn có. Tôi hí ha hí hửng hoà vào cái không khí vui tươi, nhộn nhịp và cực kì ồn ào của bọn chúng.

- Thôi! Bắt đầu “sự nghiệp” đi chúng mày ơi! - Một đứa trong bọn lên tiếng.

Tôi vụt ngay đến “sân đấu”- một đám ruộng bé tí giữa đồng- nơi bọn đá gà thường tụ tập.

Mấy con gà trống trong thời kì rèn luyện được đưa vào bãi tập. Chúng lao vào cắn nhau dữ dội. Tiếng “quác. . . quác. . . ” cứ vang lên liên hồi khiến tôi lấy làm khoái chí. Sau một hồi giao tranh một con gà mệt lữ bỏ chạy. Thằng Lân cồ với một khuôn mặt ỉu xìu, thất vọng khe khẽ đón lấy một thân hình bầm tím tội nghiệp của con gà. Đang chăm chú theo dõi thì tiếng thằng bạn nhắc nhở khiến tôi giật thót.

Ba giờ. Không khí khó chịu của chiều hạ vẫn bao trùm. Thằng kia xuất hiện với một khuôn mặt láu lỉnh và đôi mắt tinh ranh. Tôi cười khinh miệt.

Cho gà vào xong, tôi lùi ra vài bước.

Trận đấu bắt đầu. Hai con gà đăm đăm nhìn vào mắt nhau, rồi bỗng chốc con Anh Hùng mổ mạnh vào sống lưng của con kia. Tôi phá lên cười một cách sung sướng, nháy mắt ra hiệu với lũ bạn. Nó đi quanh đối thủ dò xét rồi bất ngờ tung ra một cú song phi khiến con gà kia lảo đảo. Cái nắng chói chang rọi thẳng vào gương mặt sắt đá của thằng chủ. Tôi thoáng nhận ra nét bối rối hiện rõ trong cặp mắt đen lay láy của nó. Thật lạ!Thấy nó buồn bao nhiêu thì tôi lại càng vui bấy nhiêu. Nó đăm chiêu nhìn con gà của tôi, ánh mắt toát lên một ngọn lửa hừng hực, cháy bỏng. Tôi lấy làm vui sướng lắm khi đoán ra được cái chức “vua chọi” vẫn thuộc về mình. Mọi ánh mắt đang dồn về hai con gà trên sân đấu. Hai con cứ choàng cổ nhau rồi lại bất ngờ lùi ra và tung ra những cú sấm sét vào đối phương. Tiếng la hét của bọn nhỏ hai phe ngày một to hơn. Tinh thần đồng đội cũng bừng tỉnh. Mấy hôm trước vài đứa trong xóm chẳng ưa gì tôi thế mà bây giờ cũng nhảy lên khi thấy con Anh Hùng ra đòn. Tôi đang bay bổng trong cái cảm giác lâng lâng, nhẹ nhõm của một người ngồi trên chiến thắng thì tiếng “quác. . . ”của con gà của tôi vang lên. Con Anh Hùng đã bị thương khi bị con kia lật cánh sau một phút lơ đãng. Liên tục sau nó, con gà kia tiếp tục tấn công dữ dội hơn lúc nào hết.

- Trời ơi!Tôi buộc miệng kêu lên.

Trong lúc loay hoay con Anh Hùng đã bất ngờ bị mổ ngay vào cạnh mắt, tiếng “quác. . . quác. . . ”kèm theo những bước chân lảo đảo, vội vã của nó khiến tôi cũng không giữ nỗi mình.

Máu tươm ra từ lưng con gà của tôi, thằng kia có vẻ sung sướng lắm. Thế trận từ chủ động chuyển sang bị động. Sau một hồi bị tấn công, con Anh Hùng bỏ chạy. Trận đấu kết thúc. Nhanh chóng đến ngờ vực.

Thất vọng. Tôi ôm con gà trên tay. Chẳng còn tiếng reo hò cổ vũ. Chẳng còn những giọng nói đầy vẻ thán phục của bọn trẻ trong xóm. Tất cả đổ dồn cả về phía sau, nơi thằng kia đang ăn mừng vui vẻ. Lòng tôi nặng trĩu. Đến nhà, tôi đặt con gà sau vườn. Nó vẫn còn sống nhưng mình mẩy lại bê bết máu. Chưa một lần nào trong đời tôi chịu thất bại thảm hại thế này. Nhớ đến ánh mắt khinh thường của thằng kia, tôi không sao kìm lòng được. Tức tối. Tôi đá mạnh vào con gà khiến nó văng ra một đoạn. Quằn quại trên đất. Mắt đờ đẫn. Tôi  bước vào nhà trong sự bực dọc đến ghê người. Tưỏng chừng việc chơi đùa với con chó sẽ khiến tôi vơi đi phần nào nỗi bực tức, thế nhưng. . . Ý nghĩ của một kẻ thất bại cứ bám víu lấy tôi. Sợ đám bạn lại đến, tôi xin phép mẹ rồi về nhà ngoại chơi.

Sáng hôm sau, khi vừa về đến nhà tôi đi nhanh ra sau vườn. Con gà đã đi đâu mất, nhìn theo vết dưới đất biết nó đã khó nhọc lắm mới lê đi được. Chắc là nó tìm nước uống. Thường sau một trận đấu nó uống rất nhiều nước. Thế mà, hôm qua có được uống gì đâu, nó đã bị thương còn bị tôi hành hạ nữa chứ!

Cuối cùng tôi đã tìm thấy nó bên bụi chuối. Mắt nhắm nghiền. Toàn thân cứng đờ. Lũ kiến đang tranh nhau cắn vào da thịt, vào mắt. Tôi chẳng biết làm gì trong cái giây phút ấy. . . Chỉ biết đứng nhìn. Con gà đã chết vì sự kiêu ngạo, vì sự háo thắng của tôi.

Một tiếng cười vang lên.

Không phải tiếng cười đùa của tụi bạn. Chẳng phải tiếng cười chiến thắng của thằng kia mà là của chính tôi. Tôi lại cười nhưng lần này không thành tiếng, dưới chân, ánh nắng sớm nhạt nhòa.

(Trại sáng tác hè 2008)

Chủ tịch Hội Nhà Văn Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Nho Khiêm đã từng nhận xét về Phạm Nguyễn Ca Dao: “Trong gần 5 năm tổ chức trại sáng tác gần đây, Phạm Nguyễn Ca Dao là một trường hợp hiếm gặp. Em đã khẳng định bút lực của mình từ rất sớm với những trang văn đầy ấn tượng”.

Tài liệu tham khảo:

- Phạm Nguyễn Ca Dao Web: kenh14.vn
- Ván chọi gà  định mệnh Web: vanvn.net

No comments:

Post a Comment