Pages

Monday, October 24, 2011

Thoáng nhìn về quan niệm giáo dục của Người Mỹ



Tôi nhớ lâu lắm rồi, trước 1970 nhưng sau 1963, trên tờ báo Đuốc Nhà Nam có bài viết của một ký giả được đi tham quan ở Mỹ về, viết một bài ký sau chuyến đi, hình như tác giả là Sơn Điền Nuyễn Viết Khánh thì phải. cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ được hai bài học;

Một của nước Mỹ, về vấn đề giữ vệ sinh công cộng, tác giả ghi lại trong chuyến đi đường dài, khi ngồi trên xe lột cam ăn, vỏ cam bỏ vào trong cái túi, chờ xe chạy đến một chỗ ngừng nghỉ cách xa hàng mấy chục cây số, xe ngừng lại người ta mới đem cái túi rác liệng vào thùng rác. Như vậy, người ta giữ vệ sinh chung, không vất, ném, xả rác bừa bãi.

Thật ra, nhân vô thập toàn, người Mỹ vẫn ném rác xuống đường, vĩa hè. Thỉnh thoảng có những chỗ có bảng cấm xả rác, xả rác sẽ bị phạt 200 dollars, bảng cấm thì cấm, nhưng người ta xả rác thì cứ xả mặc dù số này rất hiếm, nhưng vẫn có.

Do vậy, trên những xa lộ người ta vẫn thấy có những toán người đi luợm rác, họ mang theo những cái bao nylon to, có thể chứa đến 30 – 40 gallons, những người đó lượm tất cả mọi thứ rác như ly nhựa, giấy, bao nylon, lon nhôm … thường họ đeo găng để lượm rác bằng tay, khi nào đầy bao họ cứ bỏ bên vệ đường, sau đó sẽ có xe truck chạy theo nhặt các bao ấy. Còn ơ trong thành phố, trước nhà ai, nhà ấy tự lượm bỏ vào thùng rác của mình.

Chúng ta thấy ở vĩa hè, ở những bãi đất trống đều trồng cỏ xanh um, có bất cứ một thứ giấy vụn, rác ruởi nào trên đám cỏ xanh, người ta đều thấy rõ nó là rác. Có những người sáng hay chiều họ dắt chó đi dạo, có người đi bộ tập dưỡng sinh ở vĩa hè, họ cầm theo cái bao nylon nhỏ, trên đường đi hể gặp rác là họ lượm, dĩ nhiên là rác không có nhiều, nhờ tinh thần tự nguyện tự giác ấy, cũng góp phần làm sạch thêm cho khu dân cư.

Trên tất cả xa lộ của Mỹ, cứ khoảng 60 miles chánh phủ cất một nhà vệ sinh công cộng, rất khang trang và sạch sẻ, trong nhà vệ sinh có để một quyển sổ, để cho khách ghé qua có thể ghi lời khen hay chê, sạch hay không để những người có trách nhiệm biết. Cạnh đó có thể có nhà khác có máy bán thức ăn, nước uống, ở trong nhà này cũng như bên ngoài có những chỗ để người ta ngồi nghỉ và ăn uống.

Còn ở trong thành phố, muốn đi vệ sinh có thể vào các cửa hàng bách hóa, các cửa hàng tổng hợp, các cửa hàng ăn nhanh như Mc Donal …

Bài học thứ hai mà tôi muốn nhắc tới bài viết của ký giả kia về cung cách phục vụ khách, khi ký giả ấy rời nước Mỹ, trong túi ông ta còn vài trăm dollars, là số tiền mà ông ta được cơ quan Mỹ đài thọ cho chuyến đi, gồm tiền vé máy bay, tiền ăn, tiền bỏ túi để xài vặt, mua quà. Ông ta định để dành dollars mang về Việt Nam.

Khi về tới Nhật, trong khi chờ chuyển máy bay, có thì giờ ông ta đi vào phố, đến xem một cửa hàng bán máy ảnh, mục đích là để xem cho biết, người bán thấy khách thì vồn vã mời, ông ta hỏi giá một chiếc máy ảnh, người bán hỏi ông ta có phiếu giảm giá không, nếu có cửa hàng bớt tới 30%, ông ta không có, người bán chở ông ta trở lại phi trường để lấy phiếu. Có phiếu giảm giá rồi, ông ta mua cái chi cũng được bớt 30%, thành thử ông ta mua nhiều thứ, cuối cùng chỉ còn vài dollars khi xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Ông ta kết luận, cách móc hết túi tiền khách du lịch của người Nhật thật là tuyệt vời.

Ở Mỹ, khi chúng ta dẫn trẻ con vào cửa hàng, chúng lấy cái nọ, dời chỗ cái kia, người bán nhìn thấy chỉ cười, không hề rầy la dọa nạt - họ không được phép làm như vậy - những món hàng người mua không đồng ý, có quyền đem trả lại, vào dịp lễ người ta mua nhiều, trả nhiều, nhất là dịp lễ Giáng sinh, người ta mua quà cho nhau, ngày hôm sau người ta đứng xếp hàng trả lại, như lúc ở Việt Nam thời bao cấp đứng xếp hàng mua vé xe đò.

Thật ra ở Mỹ những người bán hàng đều không phải là chủ, họ chỉ là nhân viên, được huấn luyện phải làm “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, cho nên cung cách người bán hàng khác với nhũng ngưòi chủ bán hàng ở Việt Nam, phải thì bán không phải thì xua đuổi, chửi mắng người khách!! Ở Mỹ khách vào mua, khi đi ra người bán: “Cám ơn”, khách không mua đi ra, người bán cũng một dạ: “Cám ơn”.

Trở lại chuyện giáo dục ở Mỹ, tôi muốn nói tới sự giáo dục học sinh ở nhà trường, đối vói người Mỹ, họ để cho trẻ con phát triển tự nhiên, cha mẹ khuyến khích sự phát triển ấy, chớ không bắt ép, gò bó trẻ con.

Lúc trẻ còn nhỏ phải cho bú mớm, nhưng khi chúng biết ăn cha mẹ để thức ăn cho chúng tự bốc, tự dùng muỗng múc thức ăn, dĩ nhiên trước còn đổ tháo nhưng sau dần dần ăn uống sạch sẽ. Trẻ con tha hồ sử dụng tay trái hay tay mặt tùy khuynh hướng phát triển của chúng, thời tôi còn nhỏ, người ta khuyến khích, bắt buộc sử dụng tay mặt, vì cho rằng nhiều dụng cụ chỉ chế tạo cho người sử dụng tay mặt mà thôi, sau đó có những dụng cụ chế tạo cho người sử dụng tay trái, ngày nay hình như mọi thứ đều có thể dùng cả tay mặt lẫn tay trái.

Vào trường học, đến bửa ăn trưa, học sinh tự lấy dĩa chọn thức ăn, khi ăn xong phải tự bưng thức ăn của mình bỏ vào thùng rác. Trong phòng ăn, người ta để những thùng đựng rác khác khau, cái đựng thức ăn thùa kể cả khăn giấy, dĩa giấy, muỗng, nĩa nhựa, cái đựng lon nhôm, cái đựng chai nhựa, cái đựng các bao thức ăn bằng giấy tráng nhôm. Có thứ là rác bỏ đi, nhưng có thứ dùng để tái chế.

Không phải Mỹ thiếu nguyên liệu mà phải tái chế giấy, nhựa, nhôm nhưng chính yếu là để giải quyết việc khác, chẳng hạn như nhựa lâu lắm mới mục rã tiêu hủy, tái chế để nó không chiêm chỗ, nhôm tái chế để tránh độc hại khi nhôm bị oxýt hóa, rò rỉ vào nguồn nước.

Mỗi đứa trẻ ở Mỹ đều được giáo dục có tánh tự lập, tự do, nhờ vậy mà trong thời đại vi tính người ta mới nghe đến các danh nhân như Bill Gates, Steve Jobes không phải chỉ giàu có mà là những nhà sáng kiến vĩ đại của thế kỷ, cả hai đều không học hết đại học, thậm chí Steve Jobs mới vào College có một học kỳ đã bỏ học vì đam mê ngành vi tính.

Bill Gates thì từ bỏ Microsoft năm 2008 để chuyên tâm làm từ thiện, còn Steve Jobs bỏ cuộc năm 2011 vì căn bệnh hiểm nghèo, nghe tin Steve Jobs mất Bill Gates đã phát biểu:

“Người đồng sáng lập lên tập đoàn Steve Jobs có ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ người trên toàn thế giới”.

“Tôi và Steve gặp nhau lần đầu tiên cách đây 30 năm, kể từ đó cho đến nay, tôi và ông ấy là đồng nghiệp, đối thủ cạnh tranh cũng như bạn bè của nhau. Thời gian làm bạn cũng hơn nửa đời người…”

“Thế giới thật hiếm thấy có những người có ảnh hưởng lớn như Steve Jobs, nhiều thế hệ đã gắn liền với tên tuổi và sản phẩm của ông”

Nhờ quan niệm giáo dục tự do, khai phóng, nên Mỹ có những người xuất chúng, cống hiến cho nước Mỹ và toàn thể thế giới những tiến bộ trong các lãnh vực giáo dục, khoa học, kỷ thuật, giải trí …

18-10-2011

Chợ Sách Cũ Ở Sàigòn


Tôi không thể nhớ đích xác, nhưng biết chắc là Chợ sách cũ được hình thành trên đường Lê Lợi, bên vĩa hè của khu Bộ Công Chánh từ đường De Lattre De Tassigny, cho đến đường Pasteur, đối diện với nhà sách Khai Trí, khoảng này có một nhà vệ sinh công cộng, khởi đầu người ta bán những thứ lặt vặt trong mùa Giáng sinh hay Tết, người ta bán ống sáo, bán bong bóng, bán tranh.
Rồi Chợ sách cũ hình thành chợ sách đơn sơ, người bán trải vài tờ giấy báo, hay trải một tấm vải nhựa xuống vĩa hè lát gạch ciment kẻ ô vuông, trên đó bày ra những quyển sách giáo khoa cũ, tiểu thuyết, truyện tàu, các bản nhạc…
Thỉnh thoảng cảnh sát thời bấy giờ cũng đuổi bắt người bán, vì họ bày bán trái phép, nhưng có người mua kẻ bán, cảnh sát không thể dẹp được, nên cho phép người ta bày bán với những kios, để cho vĩa hè khu ấy có được thẩm mỹ của bộ mặt thủ đô miền Nam, bởi vì nó là con đường mà khách du lịch thường đi từ đường Tự Do đến chợ Bến Thành hay ngược lại, vì trên đường này có nhiều cửa hàng tạp hóa, nhất là Thương xá Tax, Eden, các rạp Ciné Rex, Eden, Casino Sàigòn, Vĩnh Lợi, nhà hàng có khiêu vũ trường Kim Sơn, nhà hàng Thanh Bạch…
Về sau, chợ sách ấy phát triển thêm trên đường De Lattre De Tassigny một đoạn nối tiếp theo đường Lê Lợi từ góc đường vượt qua khỏi cổng vào ra của Bộ Công Chánh với hai ba kios nữa.
Tôi không rõ thành phần những người chủ kios này, nhưng trong đó tôi biết có ông Trần Công Lang, là giáo sư Trung Học Kỹ thuật Cao Thắng, về sau anh kinh doanh một kios bán máy Photo Copy trên đường Nguyễn Huệ, vốn một chiếc máy 120 ngàn, bán ra 600 ngàn, trước 1975 nhà có mấy chiếc xe hơi, sau 1975 xe Peugoeut 504 mới toanh của anh, gửi trong garage đi ngang không dám nhìn, để tránh khỏi bị “Đánh tư sản mại bản”.
Sau này, tôi quen biết với anh Nguyễn Văn Trung, chủ một kios ở gần cổng ra vào Bộ Công Chánh, anh thường bán những sách kỹ thuật cho sinh viên Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ.
Có hôm tôi đang xem sách cũ ở kios anh Trung, thấy có một ông khách tuổi khoảng 70, mặc áo ba túi sọc nhỏ màu xanh nhạt, tóc bạc để dài quá ót, cũng ghé kios anh Trung xem sách cũ, rồi hỏi mua quyển Quán Nãi của nhà văn Nguyên Hồng, ông ta nói với chủ kios:
- Sách này tôi đã có, muốn mua để tặng cho người khác. Anh để cho tôi giá phải chăng nghe!
Anh Trung, chủ kios đáp giọng tôn kính:
- Vâng! Cụ cho bao nhiêu cũng được.
Khi người khách đã đi khỏi, tôi hỏi người chủ kios:
- Ông ấy là ai vậy anh?
- Cụ Vương Hồng Sễn tác giả Sàigòn Năm Xưa đó! Vậy anh chưa từng gặp cụ ta à!?
- Văn kỳ thinh, bất kiến kỳ hình! Nay thì văn với kiến đầy đủ.
Thời gian từ 1970 cho tới 1975, tôi thường ra đây mua sách cũ, vào khoảng 10 giờ sáng, vì ở đây có một ông người Bắc, tuổi trên 50, thường dựng chiếc xe đạp vào tường của Bộ Công Chánh, khoảng trống không còn kios nào, ở khoảng giữa cổng Bộ Công Chánh tới đường Huỳnh Thúc Kháng, cũng là Trường Kỹ Thuật Cao Thắng bên kia đường. sách của ông chỉ 5, 10 quyển đặt trong giỏ trước xe đạp, tôi mua của ông ta được nhiều sách cũ, thành ra khách hàng quen, tôi mới biết tên ông ta là Liễu, nhà ở trên khu DaKao.
Về sau, tôi mới khám phá ra ông Liễu sáng sớm đến một cửa hàng thu mua ve chai, giấy báo cũ của một người Hoa, cửa hàng này nằm trên con đường nhỏ nằm song song với đường xe lửa, thông thương từ đường Trần Quý Cáp qua Phan Đình Phùng, ở đây người ta bán cân kí, cho nên sách ông mua một vốn bán năm bảy lời là ít. Sau 1975, tôi không thấy ông Liễu ở Chợ sách cũ nữa.
Cũng ở đoạn này, có một cô gái tuổi độ đôi mươi, nói năng dịu dàng, người thùy mị, nhan sắc trung bình, tôi không biết tên cô ta, sách cô bày bán trên tấm nylon chừng 30 quyển, tôi nhớ có mua được sách cô vài quyển, trong đó có quyển Phi Lạc Sang Tàu, in lần đầu tiên, do nhà Sống Chung xuất bản, sách in khổ nhỏ, giấy xấu, bị kiểm duyệt rất nhiều đoạn, tiếc rằng nay tôi không còn giữ được. Cô gái này khoảng 1985 có kios bán sách cũ trên đường Trần Hưng Đạo, gần Sở Cứu Hỏa.
Trên đưòng Lê Văn Duyệt, bên cạnh trường Truờng Sơn, đối diện với nhà sách Đoàn Văn, có một hiệu sách cũ, tôi cũng có khi ghé đây mua được sách cũ, nhưng thường là sách không hiếm lắm.
Sau năm 1975, Chợ sách cũ trên đường Lê Lợi bị giải tán, tập trung ở đường Đặng Thị Nhu, chỉ là một khúc ngắn nằm song song với đường Trần Hưng Đạo, gần nhà hàng Văn Cảnh, trước chợ Bến Thành.
Chợ sách cũ này gặp lúc kinh tế khó khăn, tiểu thuyết, sách bị lên án là “Văn hóa đồi trụy”, bị cấm tàng trữ, những nhà nghiên cứu, giáo sư muốn giữ sách để có tài liệu nghiên cứu phải làm đơn xin phép nhà cầm quyền. Cho nên rất nhiều, rất nhiều quyển sách quý, hiếm được bày bán ở chợ sách này, giá không cao chỉ 5, 7 đồng nhưng ít người có tiền mua, lương kỷ sư bậc 1 chỉ có 63 đồng, nào tiền gạo, tiền củi, tiền nhu yếu phẩm, không đủ ăn, nào có dư để mua sách hiếm!
Nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn, nhảy ra làm chủ một sạp, bạn tôi nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, một thời cũng từng có sạp bán sách ở Chợ cũ này.
Dạo đó, tôi viết về Văn Học Miền Nam, ông Nguyễn Văn Y cũng nghiên cứu đề tài này, nên đôi lần có trao đổi với nhau về sách vở.
Ở chợ này, tôi mua được vài quyển sách như Nho Phong của Nhất Linh xuất bản lần đầu, quyển Người Bạn Gái của Thiếu Sơn, quyển Chuyện Vô Lý của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, quyển Tiểu Nhiên Mỵ Cơ của nhà văn Hoàng Ngọc Phách, Giấc Mộng Con của Tản Đà, Văn Học Khái Luận của Đặng Thái Mai, Người Ngàn Thu Cũ của Trần Huyền Trân….
Tôi cũng mua được những sách cũ của ông Đoàn Trung Còn, thấy có địa chỉ nhà xuất bản Phật Học Tùng Thơ ở 143 đường Đề Thám, Quận Nhất, tôi tới đây tìm mua được vài quyển kinh sách, và hân hạnh được gặp chính ông Đoàn Trung Còn, tuổi đã trên 70, người phốp phát, cận thị nặng, ông mặc nâu sòng, đang viết lách, ông phải dùng kính lúp để tra cứu sách.
Về sau, Chợ sách cũ này bị giải tán, dời vào vĩa hè đường Trần Hưng Đạo, gần sở Cứu hỏa, chỉ có ít kios, sách cũ không còn phong phú nữa.
Gần đây, không còn Chợ sách cũ nữa, nhưng có nhiều cửa hàng bán sách cũ nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, từ khoảng đường Cao Thắng cho đến Nguyễn Thiện Thuật, mỗi cửa hàng đều có nhiều sách cũ, nhưng sách quý, hiêm thì hiếm có, bởi vì người ta đã có thể giữ sách trong tủ sách gia đình.
Sách tôi mua những quyển quý, hiếm thường đem đia đóng bìa simili, mạ chữ vàng ở nhà đóng sách Nguyễn Văn Hai trên đường Trần Quốc Toản, khi tôi đi nước ngoài, nhạc gia tôi gìn giữ dùm, sau này con gái tôi lấy làm tủ sách riêng, một số sách chưa đóng bìa đã không được bảo quản, trở thành thức ăn cho mối, tuy tôi có tiếc nhưng nghĩ đến lý Vô Thường của đạo Phật. Cần phải xả, bỏ hết những cái của ta, và cả ta để một ngày kia thân tứ đại trả về cát bụi, tâm thức này không vướng bận chút trần ai.


16-10-2011