Pages

Thursday, July 21, 2011

Tôi đi lính


Có người hỏi sao không thấy tôi viết về cuộc đời lính tráng của mình, có gì đáng đâu để viết, thoảng qua một năm tám tháng ba ngày, “một ngày lính, chin ngày tù”, tôi phải đền lại 2 năm 2 tháng 22 ngày trong tù cải tạo. Thôi thì cũng ghi lại để nhớ mình là quân nhân, “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Niềm đau nào hơn khi bị mất màu cờ sắc áo, người dân tưởng có Độc Lập nào ngờ nay mất hết Tự Do xin đừng trách người lính, đài BBC Luân Đôn sau 30 tháng 4 đã bình luận “Là một đạo binh hùng mạnh hàng thứ ba Đông Nam Á, sao lại phải thua Cộng sản?!!”.

Tôi đi lính, cấp bậc sau cùng đến Trung Úy, nhưng ở quê tôi cũng như những năm 70 tôi ở Sàigòn và ngay cả ở cái thị xã nhỏ bé Ban Mê Thuột, người ta đều không thấy tôi mặc bộ quân phục, mặc dù ở đâu tôi cũng mang nó theo bên mình, cho đến ngày miền Nam bị rơi vào tay Cộng sản, binh sĩ phải cỡi bỏ áo quần, rã ngũ, tôi cũng phải ném mấy bộ binh phục của mình, nào là dại lễ, nào là mặc ở văn phòng, nào là tác chiến. Tôi nghĩ mình đã, thôi nghiệp binh, “giã từ vũ khí” từ hôm “ba mươi tháng tư bảy lăm”.

Năm 1966, tôi đi dạy ở Trung Học Kỹ Thuật Ban Mê Thuột, năm 1967 vào kỳ hè tôi cùng với anh bạn đồng nghiệp Lê Văn Hớn đi vào Trung Tâm Nhập Ngũ Quan Trung, trình diện khóa 26 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.

Sau khi trình diện, họ chia thành đội ngũ rồi phát mỗi anh một cái màn và một chiếc chiếu, đó là vật tùy than, ngủ nghỉ thì mỗi anh một chiếc giường, nằm đâu tùy ý trong căn nhà gạch lợp fibro.

Sáng sớm có nhà thầu đem tới một thùng cà phê đen có đường và bánh mì chả lụa, có người đưa tay trái lấy một khúc bánh mì, đưa tay phải lấy thêm khúc khác, có người lấy cà phê đầy một ca nhựa lớn, vừa để uống vừa để đánh răng, trưa chiều ăn cơm ở nhà bàn, nhưng tôi không ăn bửa nào nên không biết, trong sân trại có con đường tráng nhựa cũ, dọc theo dường trồng những cây bả đậu cho có bóng mát, buổi trưa buồn Trịnh Công Sơn ra bóng mát, trải chiếu trên con đường tráng nhựa vừa đánh đàn vừa hát giải khuây, cũng có vài anh ngồi nghe, số khác có lẽ buồn quá cũng chẳng muốn nghe.

Ở đó, người ta đã cho hưởng chế độ của Sĩ Quan rồi, nghĩa là cứ ăn rồi rong rong đi chơi, còn việc dọp dẹp vệ sinh bắt mấy anh “Tân binh quân dịch” quét dọn, mấy anh này đi làm mà phải xách theo kè kè bên mình cái túi vải đựng vật dụng cá nhân, trông mà thương cho mấy anh dân quê, bị bắt đi quân dịch.

Thường thì Trung Tâm cho đi phép đôi ngày, lần đó tôi được đi phép đến 2 lần rồi cuối cùng cầm giấy hoãn dịch trở về xứ Buồn Muôn Thuở (Ban Mê Thuột cũng gọi là Bánh Mì Thịt, Bụi Mịt Trời) dạy học lại.

Cho đến ngày 10 tháng 1 năm 1968, hai chúng tôi lại được giấy đi trình diện lần nữa, lần này vào cũng quay quần lấy cà phê, bánh mì chả lụa. Nghe Trịnh Công Sơn hát, rồi cũng đi phép.

Vẫn nghĩ rằng cũng như lần trước, chiều ngày 12 hết phép vào trình diện, đến 4 giờ chiều ngày 13-1-1968, được lệnh tập họp, điểm danh rồi lên xe GMC, xe chạy rời khỏi Trung Tâm Nhập Ngũ Quan Trung thẳng tiến đến Thủ Đức.

Vào đến quân trường, xe dừng lại đổ anh em xuống, đã có những Sĩ quan đứng đợi sẵn, tôi trông thấy trong đám sĩ quan ấy có một người bạn học cũ của tôi là Trung Úy Thi Thái Thành, anh và tôi học chung Đệ ngũ D Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng,

Rồi họ gọi tên, chia thành từng nhóm, lựa lúc chia nhóm xong, anh Thành đến bên tôi nói:

- Tôi thấy trong danh sách có tên anh, tôi sợ chúng nó đưa anh vào Trung đội, gặp phải thằng cà chớn, cực thân anh, nên tôi bóc anh vào Trung đội tương đối đàng hoàng. Trước tôi ở Đại Đội này, nay tôi phục trách Câu lạc bộ, khi nào rãnh anh lên đó tìm tôi.

Tôi cám ơn Thành rồi theo người Sĩ quan dẫn đi lãnh quân trang quân dụng, xong dẫn về trại chỉ bên kia là khu Dân sinh, sang đó cắt tóc, tắm rữa mặc quân phục vào, tôi trở nên người lính từ ngày đó, thuộc Tiểu đội 1, Trung đội 39, Đại Đội 10, Tiểu Đoàn 3 khóa 27, Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ngay những ngày đầu đó, có một Huynh trưởng đàn anh thuộc khóa 26, hướng dẫn chúng tôi từng bước một, nào là xếp hàng, đếm số, bắt súng lên vai, bồng súng chào, chào tay, ăn, mặc, đi, đứng, trình diện với cấp trên phải xưng danh đọc số quân …..

Người bạn đồng nghiệp của tôi anh Lê Văn Hớn được phân sang Tiểu Đoàn 4, suốt thời gian huấn luyện Thủ Đức, anh và tôi không hề gặp nhau, vì hai Tiểu Đoàn ở hai khu riêng biệt.

Tôi nhớ Đại Đội tôi có 5 Sĩ quan, Đại Đội Trưởng Đại Úy Nghiêm, Trung đội trưởng Trung đội 37, Thiếu Úy Long, 38 Trung Úy Quang, 39 Trung úy Nguyễn Văn Thiệu, 40 chuẩn Úy Minh.

Đại Úy Nghiêm sau xin đi tác chiến, Đại Úy Cự đến thay thế, một thời gian sau thấy Đại Úy Nghiêm lại trở lại làm Đại Đội trưởng ở khóa sau. Các Trung đội Trưởng thì Thiếu úy Long còn trẻ hơi bốc đồng, Trung Úy Quang nghiêm khắc, Chuẩn Úy Minh cũng như Thiếu Úy Long, chỉ có Trung Úy Thiệu tánh điềm đạm, xuề xòa, bản tánh của người miền Nam, quê ông ở Cần Giuộc.

Khóa 27 Thủ Đức nhiều thầy giáo bị động viên khoá này, tôi còn nhớ có anh giáo sư Tòng dạy Trường Sư Phạm hay Tống Phước Hiệp ở Vĩnh Long, anh Còn với anh Nhân, giáo viên cùng quê với Trung Úy Thiệu, anh Nhi người dong dỏng cao, nước da ngâm ngâm và một anh nữa thấp người mặt rổ, giáo viên ở Chợ Mới, Long Xuyên, anh Nguyễn Văn Thi hình như giáo sư Đại Học Sàigòn, anh Vĩnh Đào trưởng ty Công chánh Đà Nẳng, trung đội này có nhiều anh thuộc hoàng phái ngoài Vĩnh Đào còn có Bửu Cầm, Biên, Vĩnh Cường, một số là Sinh viên học sinh bị động viên.

Trước Tết đại đội tôi được ra bãi thực tập bắn mỗi người mội viên đạn với sung trường Garant, rồi nghỉ Tết, mỗi Trung đội chia làm 2, phân nửa nghỉ trước Tết, phân nửa nghỉ từ 30 đến mồng 3 Tết, tôi thuộc về toán nghỉ sau.

Về nhà vào chiều 30 Tết, tối đó đi chợ Tết, ăn giao thừa ở nhà, người ta đốt pháo nổ đì đùng suốt đêm, sáng mồng một Tết pháo vẫn nổ ngoài đường phố, chừng 10 giờ đi vào Trường đua, đến ngã Sáu Lý Thái Tổ thấy thiên hạ hớt ha, hớt hải từ Chợ lớn chạy ra, hỏi mới biết Việt Cộng đột nhập, tấn công vào Sàigòn. Trận Tết Mậu Thân xảy ra như vậy.

Thế là tôi phải nằm nhà, chờ nghe Radio, cho đến mồng Năm mới nghe thông báo Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức trình diện tại Bộ Tổng Tham Mưu từ 10 giờ sáng ngày mồng 6 Tết. Từ Bộ Tổng Tham Mưu khoảng 3 giờ chiều, mấy chục chiếc GMC có thiết vận xa hộ tống, đưa Sinh viên Sĩ Quan đi phép vào Trường Bộ Binh, số các anh ở tỉnh mấy ngày sau mới về tới Trường.

Trường Bộ Binh cũng bị pháo kích, mấy anh khóa 26 thiệt mạng, từ đó đêm ngày chia nhau ra phòng tuyến nằm phòng thủ, việc học tạm gát lại một thời gian.

Chừng tháng sau mới ổn định học lại, khi thi bắn đỗ quân xuống bãi, mỗi người bắn 3 viên rồi hấp tấp lên xe về trại. Ngày gắn Alpha, hình như chỉ có 1 đại đội đại diện lên Hội trường làm lễ, Alpha gắn xong, anh em vẫn không được đi phép, chỉ được nghỉ 1 ngày ở Trại vì tình hình bên ngoài chưa ổn định.

Sau đó mấy lần, tối anh em đem giày da ra đánh láng o, nhìn thấy bóng, tối nghe đạn pháo của VC sáng ra được thông báo cúp phép, có hôm mặc quân phục vàng đi phép, thắt cà vạt đen, đầu đội két, với huy hiệu màu xanh nước biển, ngọn lửa đỏ, thanh kiếm và phương châm Cư An, Tư Nguy của Trường, mọi người lòng mừng hớn hở, vai sánh vai tiến bước ra quảng trường, chờ lên xe. Nhưng sĩ quan xé phép, tuyên bố hủy bỏ ngày phép, vì tình hình Thủ đô vẫn chưa được an ninh. Mọi người đều căm phẩn nguyền rủa VC, vì đã đốt cháy hy vọng được thăm gia đình, cha mẹ, vợ con, bạn bè và người yêu.

Thời gian đó, tôi có đứa con gái đầu lòng, tôi không được phép về thăm, lòng buồn vô hạn, thấy anh Tòng viết bài, gửi đăng báo Công Luận của ông Tôn Thất Đính chủ nhiệm, tôi cũng viết một bài Những viên đạn đồng nói lên tâm trạng mình, ước mơ hết chiến tranh, ước mong những viên đạn đồng trở thành những viên kẹo ngọt cho trẻ thơ, tôi không đọc được bài đăng, vài tháng sau đi phép, nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu chúc mừng tôi có con đầu lòng, tôi hỏi sao anh biết, anh trả lời, tôi mới biết anh có đọc bài của tôi trên báo Công Luận. Bài ấy cũng là đứa con tinh thần luân lạc vì chiến tranh cho đến nay tôi vẫn chưa biết mặt mũi nó ra sao cả !! Tôi mong có ngày sẽ tìm đọc lại.

Thời gian thụ huấn bị phạt Hít đất 100 cái cũng là chuyện nhẹ, nặng nhất là Dã Chiến. Một hôm tôi thấy anh Tòng và vài anh khác bị phạt Dã chiến, thấy mà thương, vì anh đã gầy, sức chịu đựng yếu hơn những người khác. Nhưng một hôm toàn Đại Đội bị kiểm tra, bốn Trung đội đều có người bị phạt Dã Chiến, nhìn lại đa số đều là thầy giáo trong đó có tôi. Đó là vào buổi tối, trước tiên mặc y phục tác chiến, mang hết đồ cá nhân, nào là “gà-men”, “bi-đông” đầy nước, “pông-sô”, giày, bàn chải đánh giày, xẻn cá, súng Garant, lên sân Đại Đội trình diện, sau đó trải “pong-sô” xuống đất, bày tất cả vật dụng lên đó, anh nào thiếu một món cũng bị hít đất vài chục cái, xong chạy về phòng lấy thêm cho đủ, xong lại bỏ vào “ba-lô”, vác lên vai, tay cầm súng chạy quanh sân trại mấy chục vòng, có anh mệt quá xỉu luôn. Xong màn này lại cho lệnh chạy về phòng trong vòng 3 phút, mặc đồng phục đi phép trình diện, thường ra những anh bị phạt đều có đồng đội giúp, có anh đứng sẵn nghe thay đổi cái chi, anh ta chạy nhanh về phòng báo cho bạn bè chuẩn bị, khi nghe mặc quần áo đi phép là anh em đã chuẩn bị sẵn, người bị phạt chạy về tới phòng là có vài anh xúm lại, người cởi giày, kẻ cởi áo người cỡi quần, rồi cũng xúm nhau mặc quần áo, mang giày, thắt cà vạt, lau mặt mũi, đội kết lên chạy đi trình diện cho kịp giờ. Bị phạt Dã chiến xong, nằm nghỉ một hai tiếng sau chưa hết mệt. Khóa sinh thấm nhuần lời trong bài hát quân hành: “… thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu ..” Lần đó cả Nhân và Còn bạn của Trung Úy Thiệu cũng bị phạt, hình như đó là chương trình giúp cho khóa sinh có sức chịu đựng, biết tinh thần đồng đội. Để sau này sống chết có nhau.

Tôi nhớ trong khóa trình học tập có sinh hoạt Chiến Tranh Chánh Trị, một lần kỷ niệm sinh nhật tập thể, lần khác bình bầu Chiến sĩ Gường mẫu, mỗi Trung Đội bầu lấy 1 Chiến sĩ gương mẫu, Trung đội 8 có anh Đơ được bầu, Trung đội 7, tôi được bầu, mỗi Chiến sĩ gương mẫu được trao tặng một cây bút Parker nguyên tử, cho đến nay tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm, trên thân bút có khắc 2 dòng chữ “Chiến Sĩ Gương Mẫu” và “Đ Đ 2/27”.

Hàng ngày mỗi Tiểu Đoàn có một Sinh Viên Sĩ Quan đại diện trong Ban Kiểm Thực, người này thuộc Trung đội Trực Tiểu Đoàn hôm đó, có bổn phận kiểm soát thực phẩm có đủ, đúng tiêu chuẩn, nấu nướng có vệ sinh không, dọn bàn ăn có đủ phần cho Sinh viên ở trong quân trường hay không. Trực Nhà Bàn này, sáng sớm phải theo xe GMC đi xuống chợ An Đông, kiểm tra nhà thầu giao thực phẩm tươi như thịt, rau, hành …., đi phải mang súng theo, lên xe thì Sinh viên Sĩ quan dàn xếp với nhau, chỉ cần 1 hay 2 anh theo xe, còn vài anh khác, xe dừng tại Công Trường Dân Chủ khoảng 10 giờ sáng, xuống xe về thăm nhà, đến đúng1 giờ trưa, xe sẽ rước tại ngã tư Phan Thanh GIản, Hai Bà Trưng. Anh nào theo xe, sẽ được ăn hủ tiếu, bánh bao xíu mại, uống cà phê khỏi tốn tiền. Một lần tôi được Trực Nhà Bàn, tôi không theo xe, về nhà ăn cơm gia đình.

Gia đình thân nhân được thăm khoá sinh, vào ngày chủ nhật. Thân nhân vào khu thăm viếng, đến Ban Tiếp Tân sẽ ghi tên và đơn vị, từ đây gọi điện thoại vào Trại, Trại báo cho Khóa sinh biết và cho phép ra khu Thăm viếng. Gia đình bên vợ tôi có họ hàng với Đại Úy Trần Văn Lộc, thuộc khối giảng huấn địa hình, có nhà trong khu gia binh, nên gia đình tôi có lên thăm, tôi được đến nhà Đại Úy Lộc.

Khóa 27 là một khóa rất đặc biệt vì nó chấm dứt sự tiếp nối từ khóa 1, nghĩa là không có khóa 28, các khóa sau lấy theo năm, nên khóa kế tiếp là khóa 1/68, tiếp theo nữa là 2/68.. Năm sau 1/69 … Thời gian học rút ngắn lại, và phải học cho hết khóa tốt nghiệp Chuẩn Úy mới đi ngành chuyên môn.

Một hôm vào buổi tối, ở khu Dân sinh, tôi gặp Khoa là sinh viên Đại học Vạn Hạnh trước kia, anh cho tôi biết chị Nhất Chi Mai đã tự thiêu ở chùa Từ Nghiêm để cầu nguyện cho Hòa Bình. Đó là lần đầu tiên tôi biết tin tức về Sinh viên Đại Học Vạn Hạnh, sau khi chúng tôi chia tay nhau tại quán chay Tịnh Tâm Trai và chị Mai đưa tôi về Ngã sáu Sàigòn.

Trong khi chúng tôi thụ huấn thì khóa 26 ra trường, Đơn vị chúng tôi thay đổi là Trung đội 7, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 1, khóa tiếp theo vào, họ đã học ở Quang Trung 3 tháng cơ bản quân sự, tôi đi làm Huynh Trưởng cho một Trung đội của khóa 1/68 và được gặp anh Nguyễn Đắc Thận kỷ sư cơ khí, anh cũng như Thi Thái Thành cùng tôi học chung lớp Ngũ D Cao Thắng, nhưng Thận và tôi cùng học chung tới Đệ nhị A năm 1962, vào giờ nghỉ, tôi đưa Thận xuống Câu Lạc Bộ thăm Thi Thái Thành.

Ngày 21-8-1968, cũng chỉ vài đơn vị đại diện ra Quảng Trường làm lễ mãn khóa, đặt vòng hoa ở Trung Nghĩa Đài, tưởng niệm những Sinh Viên Sĩ Quan khóa đàn anh, đã hy sinh vì chính nghĩa, cho Tổ Quốc Việt Nam, rồi tôi và anh Lê Văn Hớn cùng một số tân Sĩ quan khác được xe đón, đưa về Trường Quân Cụ ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp học hai khóa Quân Cụ Cơ Bản và Sửa Chữa Quân Xa.

Trường Quân Cụ lúc đó do Trung Tá Từ Nguyên Quang làm Chỉ huy trưởng, nghe nói bà Quang là bác sĩ Mai có phòng mạch trên đường Trần Quốc Toản, về sau ông lên Đại Tá làm Cục Trưởng Cục Quân Cụ, Thiếu Tá Đàn Chỉ huy phó, các khóa sinh đặt dưới sự điều khiển của một Liên Đoàn Trưởng khóa sinh, giữa khóa một Liên Đoàn Trưởng mới từ vùng IV về, đó là Thiếu Tá Vũ Văn Trung, năm sau ông và tôi trở thành bạn học, sau này ông có biệt danh là nhà phong thủy Cao Trung.

Trung Tá Quang và nhiều sĩ quan buổi trưa ăn cơm ở nhà bàn, buổi chiều họ về ăn cơm nhà. Các khóa sinh sĩ quan và sĩ quan Trường ngồi chung trong một nhà ăn, bàn ăn xếp hình chữ U, sĩ quan Trường ngồi ỡ dãi giữa, dãi 2 bên là sĩ quan khóa sinh, mỗi mâm 4 người, thức ăn như nhau, riêng mâm của Chỉ Huy trưởng, mỗi bửa ăn có một khóa sinh thay phiên nhau ngồi ăn với Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó, Liên đoàn trưởng, trong bửa ăn Chỉ huy trưởng thăm hỏi gia đình, tâm tư của khóa sinh.

Không như Trường Bộ Binh Thủ Đức có nhiều khóa sinh, nên những quân nhân từ Hạ Sĩ quan học lên Sĩ quan, Thủ Đức có những khóa Đặc Biệt và khóa sinh thuộc các Đại Đội Đặc Biệt viết tắc là ĐB, có nhiều anh gọi là Đầu Bò, còn ở đây những sĩ quan từ hạ sĩ quan lên muốn chuyển ngành, được học chung với các sĩ quan chúng tôi từ Thủ Đức sang, trong đó có Trung Úy Nguyễn Văn Châu, Chuẩn Úy Tiền… đặc biệt có Đại Úy Để nhà ở ngay trước cửa rạp Cao Đồng Hưng, cũng được gửi theo thụ huấn khóa này.

Những khóa sinh ngày học tập, đêm phải canh gác, riêng anh Long và anh Nhơn mỗi tuần 1 đêm, đi theo toán tuần tiểu hổn hợp, gồm có quân đội, cảnh sát và Quân cảnh. Tại Trường đêm Hạ sĩ quan hay binh sĩ phải canh gác ở các vọng gác chung quanh trường, sĩ quan chịu trách nhiệm tuần tra, cứ 2 giờ thay phiên một lần. Trường Quân cụ ở vào vị trí gần như tiền đồn của thành phố Sàigòn-Gia Định, nó gần với Xóm Mới, thông với An Phú Đông là một địa danh kháng Pháp, mới Tết Mậu Thân ở mấy vọng gác cũng bị Việt công tấn công, phá sập một vọng gác, hai bên đều có người tử trận, cho nên chúng tôi phải tuần tra, canh gác nghiêm nhặt.

Một đêm sau khi đi một vòng tuần tra các vọng gác trở về, tôi ngồi ở tam cấp phòng ngủ mặt hướng về phía trước đó là nhà ăn, giữa nhà ăn và dãi trại của chúng tôi là những bụi chuối, những cây và lá chuối che ánh trăng, tạo thành những bóng đen, đêm thật yên tĩnh làm cho nỗi thất vọng trong tôi tận cùng, tôi thất vọng về chuyện nhà, chuyện danh dự cá nhân tôi, tôi đã để cây sung Carbine giữa hai bắp chân, đế súng trên bậc cấp cuối cùng, mũi súng chỉa vào yết hầu, nhẹ tay mở chốt an toàn, tôi định kết liễu cuộc đời trong đêm đó, tôi chỉ cần đưa ngón trỏ vào bóp cò, một tràng trung liên sẽ nổ, phá tan cảnh tịch mịch đêm trường, hồn tôi thoát khỏi xác, sẽ nhẹ nhàng vào cõi hư vô.

Giữa sự sống chết bằng sợi tóc, tôi bỗng chợt nhớ đến kinh sách, nghiệp của mình, mình phải trả, nếu trốn tránh, kiếp sau cũng phải trả, hơn nữa mình tự bóp chết sự sống của mình, linh hồn sẽ không có xác thân nương tựa, sẽ vất vưỡng trầm luân còn chịu nhiều khổ ải hơn, người ta sinh ra để học những bài học ở trần gian, mỗi kiếp sẽ trải nghiệm để tiến hóa cao hơn. Nhờ nghĩ được vậy, tôi chấp nhận phải sống tiếp, vượt qua các thử thách của cuộc đời.

Mãn khóa vào trung tuần tháng 4 năm 1969. Đêm cuối cùng khóa sinh chúng tôi tổ chức Dạ vũ. Tôi không biết những khóa khác ra sao riêng khóa tôi có nhiều nhà giáo dạy phổ thông các Trường Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi … nào là anh Chương, anh Thái, Quang, Danh …, trong đó có anh Nguyễn Vân Chương nhà có xe du lịch, Kỹ thuật có anh Khoái, Long, Nhân, Lân, Hớn và Tôi, có 3 anh Không quân, có anh Long Không quân đẹp trai hơn cả, tánh hay đùa giỡn, miệng luôn luôn nở nụ cười, dễ gây cảm tình với người khác, còn anh Quang, khi tập lái Xe Tăng, huấn luyện viên bảo thắng, anh ta lính quýnh không kéo thắng ở hai tay mà đạp ga, xe phóng ngay cầu tiêu ủi tới, nhiều anh ngồi trên xe sợ quá nhảy xuống té bò càng! Kết quả sập hết hai cầu tiêu trong doanh trại, quân ta trầy sơ sịa. Trong số nhà giáo chúng tôi, có anh từng kinh nghiêm tổ chức, nên đêm Dạ vũ ấy có cô Phăng Si Lao, một vũ công chuyên nghiệp, có màn trình diễn đặc biệt thoát y vũ, tôi tưởng chỉ có phái đàn ông mới háo hức xem màn trình diễn thoát y, không ngờ các bà tới màn ấy kéo ghế ra ngồi sát sàn nhảy, để xem cho tận mắt hay các bà muốn che bớt, cho mấy ông không thấy hết những điệu nóng bỏng, khêu gợi đầy dục cảm. Cũng có vài ca sĩ trình diễn, Dạ vũ nguyên đêm, nhiều người cho là đáng đồng tiền bát gạo.

Ngày 15-4-1969, anh Hớn và tôi trình diện tại Liên Đoàn 4 Quân Cụ ở Cần Thơ, bên vợ của giáo sư Lưu Khôn và anh Hớn cùng họ hàng nên anh Hớn và tôi trú ngụ tại nhà giáo sư Lưu Khôn. Trong khi chờ đợi phân bổ, chúng tôi được đi phép, tôi về Sàigòn, đến ngày trình diện, tôi đi đến Vĩnh Long trời đã về chiều, không còn xe chạy đi Cần Thơ, tôi đáp chuyến xe Lam cuối cùng, trên xe chỉ có tôi là quân nhân mặc quân phục, sau này mỗi lần nghĩ lại mới thấy mình “điếc không sợ sung”, bởi vì đường đi không an ninh. Từ Cần Thơ đi Sóc Trăng, Sóc Trăng đi Bạc Liêu, Bạc Liêu đi Cà Mau quân đội phải đi theo đoàn Convoy.

Lần sau này, tôi không ở nhà giáo sư Lưu Khôn, mà ở nhà ông Trưởng Ty Kiến Thiết Cần Thơ vì có họ hàng bên vợ tôi.

Khi được phân bổ, anh Hớn về kho đạn Bình Thủy, Cần Thơ, có một anh về ngay Đại Đội Quân Cụ 401 đóng ngay tại thị xã Cần Thơ, tôi về Đại Đội 21 Quân Cụ, đóng tại Thị xã Sóc Trăng là Đại Đội Yểm trợ Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn đặt tại Thị xã Bạc Liêu, do Tướng Vĩnh Nghi làm tư lệnh.

Khi đã phân bổ rồi, tôi ra chỗ tập trung xe, chờ đến hai ngày sau mới có đoàn Convoy đi từ Cần Thơ về Sóc Trăng, đó là xe của Đại Đội Quân Cụ 403 cũng đóng ở Sóc Trăng. Trưa đoàn xe khởi hành, chiều mới tới Sóc Trăng.

Tôi tìm được đơn vị, vừa mới trình diện với Đại Đội Trưởng Nguyễn Ngọc Sang thì có anh Trung sĩ đứng chờ sẵn mời tôi đi gặp bạn.

Bạn tôi đó là Chuẩn Úy Hồ Ngọc Thu, con của giáo sư Hồ Văn Vầy có dạy tôi ở Trường Cao Thắng, Thu và tôi cùng học chung lớp Đệ ngũ D, từ đó Thu đã kềm kẹp tôi uống rượu.

Đại Úy Đại Đội Trưởng Nguyễn Ngọc Sang, cũng học ở Kỹ Thuật Cao Thắng trước chúng tôi nhiều năm, là đàn anh, nên ông thông cảm với Thu và tôi, ông nói với tôi:

-  Chuẩn Úy Thu cũng như anh đều có đơn xin biệt phái, vậy anh cứ ở chơi cho vui vẻ rồi sẽ về !

Lúc đó là lúc đơn vị đang di chuyển sang chỗ trú mới, là một nơi huấn luyện địa phương quân, nó nằm ngoài châu thành, trên đường đi Bãi Xàu, cách đài phát thanh Ba xuyên chừng 2 cây số, cách thị xã chừng 1 cây số. Đây chắc là ngôi nhà giàu xưa, nhà lợp ngói móc, tường xây tô, nhà bếp, nhà kho cũng đều xây tô lợp ngói móc, đơn vị cũ xây thêm những dãi nhà tiền chế, sườn sắt, lợp phíp-brô, tường xi măng ống, chung quanh có giao thông hào, có mô đất phòng thủ, và hàng rào kẻm gai kiên cố, không sợ bị địch tấn công, chỉ sợ bị pháo kích mà thôi. Ở đó nhìn qua bãi xe phế thải bên kia đường, xa hơn một chút có vườn cây, thấy dơi đậu trên những cành cây ở Chùa Dơi.

Ngôi nhà lớn dành cho gia đình Trung Tá Điều ở, chúng tôi được ở trong nhà kho chỉ có một cửa ra vào và một cửa sổ, cách nhà lớn một lối đi chừng thước rưỡi, thiếu tiện nghi nhưng chúng tôi chỉ dùng chỗ đó để ngả lưng xuống ngủ mà thôi, về điểm này nó là chổ an toàn. Nói chung khu doanh trại của Tiểu Đoàn khá an ninh.

Trong những ngày chuyển trại, một buổi trưa tôi ra ngồi quán uống bia, cũng là cái quán đã uống hôm mới đặt chân đến, tôi gặp một người quen cũ, đó là chú Chín Hồ, chú mặt rổ lại nói ngọng, nhà chú trước kia sát cạnh nhà cũ của tôi, khi tôi lên 4, 5 tuổi, lúc đó chú theo chị của chú sinh sống ở quê tôi, chú thím có 2 đứa con gái, tôi chỉ nhớ đứa lớn tên Liễu, sau chú dọn về quê chú là đây. Chị của chú là vợ kế của một người ở xóm tôi, đó là một tiên ông, nên bà ta đã ăn nằm với ông thân tôi lúc còn trai trẻ, sanh ra một chị gái vẫn là con ông tiên. Chị ấy khá xinh, có chồng con rồi chết. Chú Chín Hồ nói với tôi:

- Ê! Bửa nào rảnh rổi mầy xuống tao chơi, thím mầy với mấy em chắc mừng lắm!

Khi chú đi rồi, anh Trung sĩ Liêm cười nói với tôi:

- Ông ấy quen với Thiếu Úy, nhưng dưới đó Việt cộng không đó! Không nên đi  nghe ông.

Sĩ quan Đại Đội còn có Đại Đội Phó Trung Úy Phương, Sĩ quan Văn Phòng Cơ Xưởng Trung Úy Tâm, Sĩ Quan Tiếp Liệu Trung Úy Long, Trung Úy Ráng trung Đội Sửa Chữa, Thiếu Úy Danh (lúc đó Danh đang chuẩn bị thuyên chuyển về Sàigòn), Chuẩn Úy Cành Trung Đội Trưởng Sửa Chữa ở Chương Thiện, Thiếu Úy Huệ Trung Đội Trưởng Sửa Chữa ở Bạc Liêu và Chuẩn Úy Thu. Chừng tháng sau hình thành Tiểu Đoàn Tiếp Vận, Trung Tá Ngô Văn Điều Tiểu Đoàn Trưởng, Thiếu Tá Đơn Tiểu Đoàn Phó, Trung Úy Châu Đội Đội Trưởng Đại Đội Công Vụ, ông này theo học cùng khóa Quân Cụ với tôi, Chuẩn Úy Lụa Sĩ Quan Quân Số, Thiếu Úy Vinh, Thiếu Úy Khanh Sĩ quan tài chánh, các đơn vị Truyền Tin, Quân Vận, Quân Nhu nhập vào có Thiếu Úy Tuấn ở Truyền Tin, Thiếu Úy Kỉnh Quân Vận, anh Kỉnh nguyên là giáo sư Trường Kỹ Thuật An Giang. Đại Đội 21 Quân Cụ trở thành Đại Đội Bảo Toàn thuộc Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận.

Các Thượng sĩ có Tường quê ngoại ở Năng Gù, Long Xuyên, Thượng sĩ Công, Thượng sĩ Nửa, Thượng sĩ Tôn Thất Thiện, Thượng sĩ Truyện, Thượng sĩ Thượt, Thượng sĩ Tiền, Trung sĩ như Trung sĩ Võ, Trung sĩ Liêm, Trung sĩ Tháo …

Trong đơn vị Truyền Tin, có anh Trung sĩ Kính, ở cùng quê với tôi, anh nhận biết tôi, tôi cũng nhận ra anh, tôi nhớ mang máng hình như có họ hàng xa từ đời ông Cố, anh Kính cho tôi biết có người cùng quê là Lao Công Đào Binh, hỏi kỷ ra nó là thằng Còn, gọi tôi bằng Cậu, mẹ nó với mẹ tôi là bà con họ hàng, tôi đi thăm nó trong trại tù, mua cho một ổ bánh mì thịt. Kính cho biết tôi có thể lãnh nó ra, nhưng thật tình bà con xa, tôi không có nhà cửa ở đó, vã lại lãnh nó ra tôi phải trông nom nó là tù, chẳng may nó trốn, tôi lãnh đủ. Thương nó, tôi chỉ biết thương và đi thăm mà thôi.

Trong thời gian này, một hôm hạ sĩ quan trực báo cho tôi biết:

- Thưa Thiếu Úy có Đại Úy Phương Quân Vận ở Cần Thơ báo cho biết vợ ông đã sanh con gái.

Lại một đứa con nữa sanh mà tôi không có nhà, tôi mới đơn vị, cũng chưa được phân công làm gì, tôi có thể xin đi phép, nhưng đường xá không an ninh, đi phải có Convoy về cũng phải Convoy. Thôi thì đành chờ lúc thuận tiện.

Trung Úy Tâm thuyên chuyển làm Đại Dội Trưởng 401 ở Cần Thơ, Trung Úy Ráng lên làm Sĩ Quan Văn Phòng Cơ Xưởng, Chuẩn Úy Thu Trung Đội Trưởng Hậu Cứ, tôi Trung Đội Trưởng Sửa Chữa yểm trợ Trung Đoàn 32 đóng tại Thị xã Cà Mau.

Tôi đi nhận bàn giao đơn vị phải quá giang đoàn Convoy của Trung Đoàn 32. Thượng sĩ Tôn Thất Thiện nghe đâu trước anh thuộc ngành an ninh quân đội, dính liếu vào biến động Miền Trung năm 1966 nên bị thuyên chuyển vào Nam, khi anh biết tôi sẽ thay anh, biết tôi là Phật tử anh tận tình hướng dẫn giúp dỡ tôi. Anh đưa tôi sang chào xã giao Trung Tá Chung Văn Bông, tôi đã được cho biết ông ta cũng như Thưọng sĩ Tường cùng ở Năng Gù, nhưng tôi nghĩ mình đâu có gì nhờ vả, nên trong lần gặp duy nhất nầy, tôi không nói gì về ông và tôi người đồng hương.

Anh Thiện có xin cho tôi một giấy chứng nhận huy chương tập thể Anh Dũng Bội Tinh của Trung Đoàn 32. Đó cũng là huy chương duy nhất tôi có trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Anh Thiện năm đó chừng 40, Thượng sĩ nhiều kinh nghiệm, nên sau khi bàn giao, anh ở lại chơi với tôi gần hai tuần mới trở về trình diện đơn vị.

Đơn vị tôi lấy cái sân quần vợt của Ty Tiểu Học đồn trú, gồm có một chiếc xe có dụng cụ để sửa chữa nhẹ, một xe Dodge và một Citerne để lấy và chứa nước, cạnh đó có một Mobile home của Mỹ, thỉnh thoảng tôi thấy có người dân quê vào ra lặng lẽ, anh Thiện nói với tôi, nơi đó mấy người nhà quê bán tin cho Mỹ.

Ngoài Thượng sĩ Truyện là Trung Đội Phó còn có mấy lính thợ như Nguyễn Văn Be, Trần Văn Bé, Nguyễn Văn Hòa, Lê Văn Nhơn, Trương Văn Nam và Nguyễn Văn Tiến. Be thường ngày đi sửa xe cho một garage nào đó, Hòa đôi khi lãnh sửa xe tại nhà của người ta, Bé có vợ, nhà cất bên bờ kinh, còn lại mấy tay khác chẳng làm chi, ngày tối ở trong trại lá ba gian, hai gian ngủ nghỉ, một gian làm bếp giao cho Nam quản lý, nấu ăn.

Có lần Bé mời chúng tôi đi ăn giỗ, hôm ấy có ông già vợ Bé và vài người khách khách, Thượng sĩ Truyện biết tôi yếu rượu đế, ông kề tai nói nhỏ:

- Thiếu Úy đừng từ chối, có tôi phụ cho!

Thế là ly tôi người ta rót ra tôi nhấp môi một chút, Thượng sĩ Truyện len lén uống hết.

Chuyện khác, mấy cậu lính tôi dặn dò:

- Thiếu Úy đừng có tìm gái Thái Bình nghe! Có huông cụt giò đó ông!

Một lần Thượng sĩ Truyện đi phép về thăm gia đình ở Sàigòn, có Chị Hai quen với Thượng sĩ Truyện, thường lui tới, chị ấy chuyên hút thuốc lá Rubby Queen, lính tôi gọi là bà Hai Rubby, hôm ấy tối chị ghé chơi, không biết chị có biết Thượng sĩ Truyện về Sàigòn hay không, tôi tin rằng chị biết, nhưng quen tạt ngang, mấy anh lính rũ chị ấy đánh bài tứ sắc, đến hơn 10 giờ, mọi người chán đi ngủ, chúng nói với chị:

- Giờ này bà Hai cũng không có xe về, ông Thượng sĩ không nhà, thôi bà ngủ tạm với ông Thiếu Úy vậy!

Chị tự nhiên vào nằm bên tôi, nó là cái giường nhỏ làm sao đủ hai người, tôi phải mở cửa xe vào trong ấy ngủ cho được rộng rải, xa vợ con, mèo nào tha mở, tôi lại nghĩ coi chừng chị ấy chê mình không phải đàn ông con trai, tôi được một đêm chìu chuộng.

Khi Thượng sĩ Truyện về, tôi nói với ông cho mọi người cùng nghe:

- Chị Hai Rubby tới, không có ông ở nhà, tôi thay thế ông tiếp đãi đàng hoàng đó nghe!

Thượng sĩ Truyện nghe xong cười vui vẻ ra mặt.

Tôi có quen với một anh Biên Tập Viên Cảnh Sát, anh làm Trưởng Phòng Hành Chánh, anh có lấy vợ người địa phương, anh xin cấp nhà ở trong Ty, mỗi lần đi thăm anh, thấy nhiều người tù tội nằm ngồi la liệt, trông thật đáng thương, nhiều khi muốn đi thăm anh, ngại nhìn thấy cảnh ấy lại thôi.

Ngoài chợ có một tiệm ăn điểm tâm Đông Viên, sáng có hủ tiếu, bánh bao, xíu mại, có một chú nhỏ chừng 13, 14 tuổi chạy bàn, không biết quen ai trong đám lính của tôi, cứ mỗi sáng thứ ba, chừng 10 giờ nó bưng vào một thau xíu quách, một chai xá xị pha đế, để cho lính tôi và nó cùng ăn uống.

Biết tôi chưa biết lái xe, Thượng sĩ Truyện sang Trung Đoàn mượn cho tôi mội chiếc Jeep lùn, cậu Hòa với Tiến lái ra phi trường lót ghi sắt rộng thênh thang, cho tôi tha hồ tập lái, nơi đó thỉnh thoảng có trực thăng lên xuống. Hòa dặn tôi: “Khi ông lái xe trên đường, gặp xe nhà binh Mỹ đừng tránh vội chờ nó tới gần hẳn tránh, ông tránh sớm nó cho là ông nhát gan, nó ép ông”. Tôi biết lái xe từ đó.

Tôi ở Cà Mau chưa đầy hai tháng thì một hôm Chuẩn Úy Thu đến đơn vị tôi với hai xe Jeep lùn, một Wrecker và một xe tải, gặp tôi anh ta nói:

- Ê! Tao thay mầy cầm Trung Đội này, mày về Hậu cứ.

Hai hôm sau, tôi đi chiếc Jeep lùn về với một tài xế, cho cậu Hòa quá giang về đơn vị điều chỉnh hồ sơ cá nhân.

Dọc đưòng khoảng giữa Cà Mau đến Bạc Liêu, xe chạy gần tói một cái cầu, đương nhiên là có lính địa phương quân giữ cầu, vậy mà bên tay phải con lộ phía sau một cái nhà vừa là quánm cạnh đó có con đường đê nhỏ, có một cây sào tre, trên đó nối một cán cờ, lá cờ màu xanh lá cây chữ trắng, cờ cũng lớn dài chừng một thước, ngang sáu bảy tất, vì không có gió, cờ không bay nên tôi không đọc được chữ gì, tài xế nhìn thấy trước nói to:

- Cờ Việt Cộng kìa!

Hoà hấp tấp nói nhanh:

- Ngừng lại! Ngừng lại !

Xe ngừng, Hòa nhảy xuống định đi lấy cờ, tôi nhìn vào quán thấy có mấy người chừng 50 đến 60 tuổi ngồi, điềm nhiên uống trà hay rượu. tôi ngại cờ ỏ đó nhưng có thể là có bẩy mìn, tôi bảo Hòa.

- Đừng vào đó Hòa!

Có một người, trong đám mấy người trong quán nghe, thấy thế nói ra:

- Mấy anh cứ để dó, một chút nữa chúng tôi sẽ hạ xuống.

Tôi bảo Hòa lên xe và ra lệnh cho tài xế chạy, tôi nghĩ chắc mấy ông đó cắm cờ chớ chẳng ai, cái Đồn địa phuơng quân cách xa ngọn cờ chừng 50 thước, tại sao Việt cộng cắm cờ được, tại sao từ sáng sớm Đồn Địa Phương Quân đã không dẹp nó đi ?

Xe chạy rồi, Hòa vẫn còn ấm ức:

- Phải Thiếu Úy cho tôi lấy cờ, bán cho lính Mỹ có tiền xài chơi! Bọn Mỹ thích mua cờ, vũ khí của Việt cộng để làm kỷ niệm.

Đó là lần thứ hai tôi thấy cờ Việt cộng, lần thứ nhất vào năm 1964, chừng 10 giờ đêm tôi đi xe đò từ bắc Mỹ Thuận về Sàigòn, xe mới rời bến một lúc, còn trong địa phận Mỹ Đức Tây, thấy nửa đường bên trái bị đấp mô, giữa mô cắm một cây cờ cũng màu xanh lá mạ, chữ trắng, xe chạy ngang cờ không căng gió nên tôi không đọc được chữ gì.

Về lại đơn vị, tôi được phân công làm Trung Đội Trưởng Hậu Cứ, Thượng sĩ Công là Trung Đội Phó của tôi, có anh lính tên Lếnh người Miên thường trực nhận giao phiếu hệ, trình cho tôi ký các phiếu sửa chữa. Tôi được cấp một chiếc xe Jeep lùn mới toanh, một tài xế tên Linh và một can xăng mỗi tuần.

Một hôm, trong bàn nhậu, Trung sĩ Võ nói tôi chưa có bằng lái, có một anh nói: “Để em lo cho ông Thầy”, anh ta hỏi họ tên và số quân, tuần sau Trung sĩ Võ đưa cho tôi bằng lái Quân Đội do Quân Vận vùng 4 ký. Từ đó, hết giờ làm việc, tôi lái xe đi ăn cơm, đi ra phố mua sách báo.

Lần này tôi không ăn cơm ở Hỏa đầu vụ nữa, cùng Chuẩn Úy Lụa, Thiếu Úy Tuấn sang Đại Đội 401 ăn với Thiếu Úy Long, có người nấu ăn riêng bên ấy. Lần trước ăn ở Hỏa đầu vụ, thỉnh thoảng xuống trước bảo anh Trung sĩ xếp Hỏa đầu quân: “Hôm nay tôi muốn ăn cơm cháy”, anh ta lấy cho tôi miếng cơm cháy vàng lườm, trên rưới mở hành, ngon hết xẩy, tôi không hiểu tại sao người Hoa không ăn cơm cháy, nghe nói họ cho rằng “Ăn cơm cháy sẽ không được về Tàu”. Ông Cố tôi người Tàu, chắc không ăn cơm cháy, nhưng nào có được về Tàu đâu ?!

Một hôm ăn cơm chiều xong, Thiếu Úy Tuấn rũ tôi đi thăm một cô bạn, cô ta giáo sư Trường Nông Lâm Súc Sóc Trăng, đến căn nhà cô ấy ở trọ tôi mới biết bạn của Tuấn là Nghĩa, cháu gọi tôi bằng chú, Tuấn lấy làm lạ lúc ra về hỏi, tôi mới giải thích, đáng lẽ tôi lập gia đình với người dì ruột của cô ấy, nhưng không có duyên. Về sau không thấy Tuấn rũ tôi đi thăm Nghĩa mà cũng không nghe Tuấn nói tới Nghĩa nữa.

Một hôm vào sáng Chủ nhật, tôi đi ra chợ, tiện ghé qua chơi với Thiếu Úy Long, gặp tôi anh ta nói:

- Ê! Hôm nay mình đi Vũng Thơm chơi.

Tôi đi Mỹ Tú mấy lần, thấy có bảng chỉ đường đi Vũng Thơm, nhưng chưa tới lần nào, nghe Thiếu Úy Long rũ tôi bằng lòng ngay, Thiếu Úy Long nói thêm:

- Để tôi mời cô Cán bộ xã hội đi chơi luôn cho vui!

Thiếu Úy Long đi một chút quay lại nói:

- Chờ cô ta sửa soạn một chút !

Một chút đi qua, một cô mặc đồng phục Jupe xanh, áo sơ mi trắng, ra đi với chúng tôi, tôi lái xe, cô ta ngồi băng sau, Thiếu Úy Long ngồi băng trước, xe chạy qua cầu Bon, Thiếu Úy Long nói hấp tấp:

- Ngừng lại! Ngừng lại! Quên tôi phải ghé đây ngay bây giờ có chuyện quan trọng, thôi Chuẩn Úy Tông đi với cô Xuân nghe, tôi phải xuống đây !

Tôi ngừng xe lại, mời cô Xuân ra băng trước ngồi, tôi đạp ga cho xe chạy qua cầu rồi hướng về đường đi Cần Thơ, chạy một lúc có ngã ba bên tay phải đi Vũng Thơm, tôi bẻ lái theo mũi tên chỉ hướng tới Vũng Thơm, đường đi vắng vẻ, lại trống trải hai bên đường không có cây, tôi gợi chuyện:

- Cô Xuân đã đi Vũng Thơm lần nào chưa ?

Cô vui vẻ trả lời giọng ngọt ngào:

- Dạ em chưa đi, Thiếu Úy Long mời nên em đi ngay, vì ở đây buồn quá !

- Thì có Thiếu Úy Long và tôi cũng thấy có mấy cô khác nữa !

- Đâu phải ai cũng là bạn, tâm đầu ý hợp Chuẩn Úy !

Tôi dừng xe lại, hỏi:

- Bây giờ Thiếu Úy Long không đi, cả cô và tôi đều không biết Vũng Thơm vậy chúng ta có nên đi không ?

Cô Xuân trả lời:

- Tùy Chuẩn Úy.

Tôi không hiểu tại sao Thiếu Úy Long bỏ dở cuộc đi chơi do chính anh ta đề nghị, trên xe chỉ có cô Xuân và tôi, giữa chốn vắng vẻ hữu tình. Tôi nhìn sang Xuân, nàng làm như không để ý, mắt vẫn nhìn kính trước. Nhìn kỷ Xuân đẹp nét thùy mị, chiếc áo sơ mi trắng làm tăng thêm làn da mịn màng của đôi cánh tay, nhìn xuống, qua khỏi chiếc jupe, đôi chân thon đều, bỗng dưng Xuân quay sang tôi nở nụ cười.

Sáng hôm ấy chúng tôi không đi Vũng Thơm, nhưng cùng với người đẹp dường như đã tới.

Trong doanh trại ở Câu Lạc Bộ, một hôm chúng tôi được xem TV về Appolo 11 đã đáp xuống mặt trăng vào ngày 16-7-1969, mặt chị Hằng đã bị phi hành gia Neil Armstrong, ghi dấu chân đầu tiên. Đánh dấu một chặng đường lịch sử cuộc chạy đua chinh phục không gian giữa Liên Xô và Mỹ.

Hai phi hành gia tàu Apollo 11 - Neil Armstrong và Edwin E. Aldrin -
đang cắm quốc kỳ Mỹ lên bề mặt Mặt trăng ngày 20-7-1969 (Ảnh: NASA)


Một hôm chúng tôi đi thanh tra Trung Đoàn 31, đóng ngay tại Sóc Trăng và cũng hôm ấy thanh tra Trung Tâm Huấn Luyện ở Dầu Tho, đơn vị Trung Đoàn 31 vì tác chiến nên quân xa, vũ khí bảo quản không tốt bằng ở đơn vị huấn luyện, Thượng sĩ Tiền chỉ cho tôi thấy những chiếc xe của họ rửa sạch, đánh bong dầu mở láng cóng, mặc dù vùng đó sình lầy.

Có lần Trung Đội tôi phải đi theo một cuộc hành quân ở làng Hòa Tú, tôi nhớ ông nội tôi có người em thứ ba, ông ấy tha phương lập nghiệp ở Hòa Tú, có tham gia Ban Hội Tề về sau có người con trai là chú Thông theo gánh hát bội, gánh hát đến hát ở Đình làng, chú đến nhà bác gái là bà nội tôi, bà tôi khuyên chú ấy đừng theo nghề “xướng ca vô loại”, từ đó chú không ghé thăm nữa. Tôi muốn theo cuộc hành quân để tìm bà con. Mấy anh lính già khuyên tôi:

- Thiếu Úy không nên đi, mặc dù mình yểm trợ, ở sau tiền tuyến nhưng dân chúng tản lạc, ở đó nhiều Việt cộng mới hành quân, không có chút an ninh. Thôi để dịp khác đi ông.

Nghe họ khuyên có lý, tự an ủi thôi thì đành để dịp khác vậy.

Một lần, em của Trung Úy Đại Đội Phó Phương tử trận, anh nhờ tôi về Sàigòn, lên Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa chôn cất người em, tôi đi với một Trung sĩ và một tài xế, ở Sàigòn, tôi mượn xe rờ-mọt của Đại Đội Quân Cụ ở Gò Vấp lên Thủ Đức mua đá, cát, xi măng. Đến Nghĩa trang lãnh quan tài ra, chúng tôi trộn hồ với đá, cát, xi-măng, trải ở dưới huyệt một lớp chừng 1 tấc, để cái hòm xuống lại đổ hồ xung quanh, rồi ở trên cùng một lớp hồ nữa, sau cùng mới lấp đất và đấp nấm mồ, tôi nghĩ xác thân anh ấy sẽ bị lớp hồ bao bọc kín như bưng. Đó là lần nhân đi chôn cất, tôi được về thăm nhà ở Sàigòn.

Một lần tôi đi phép về quê, lúc lấy giấy phép ở văn phòng, thấy tôi ăn mặc sơ-vinh Đại Đội Trưởng ngạc nhiên hỏi:

- Ủa! Tôi tưởng anh lấy xe đi.

Tôi đáp:

- Dạ không! Đi xe đò cho tiện.

Lần đó, tôi về Long Xuyên khoảng tháng 7 hay 8 năm 1969, người em con chú tôi làm Trung Đội Trưởng Địa Phương Quân, chịu trách nhiệm gác ở khách sạn Kim Tinh, hắn lấy một phòng cho tôi nghỉ, tối đó anh em đi uống bia, lại thêm người em rể. Trong khi uống, người em rể hỏi tôi:

- Anh có biết anh Hoài chủ nhà thuốc Bình Sanh không? Tôi có cơ sở đang làm nước mắm trong đất anh ta.

Nhớ ra anh Hoài cùng anh lớn của tôi, năm 1946 hay 1947 lấy trường làng mở lớp học tư, dạy vở lòng và tập đọc, thấy anh ấy đang uống bia, tôi cầm ly sang bàn của anh, tự giới thiệu rồi mời anh cùng cạn ly để nhớ những năm ly loạn trước.

Chuẩn Úy Thu đi xuống đơn vị ở Cà Mau chừng ba tuần sau lại quay về Hậu cứ, một hôm thân phụ anh từ Sàigòn xuống thăm, hỏi thăm được biết anh đi chơi ở Mỹ Tú, tôi phải lái xe đi tìm, khi tôi lái xe lên dốc chiếc cầu đúc nhỏ, tôi thấy một chiếc xe truck Mỹ đang chở cột điện chạy ngược chiều, nhớ lời Hòa dặn tôi khi tập lái ở Cà Mau, tôi không lách trước, chờ xe tới gần tôi mới lách vào lề, chiếc xe truck nhanh chóng lướt tới, tôi nghe bên tai một cái “vù”, tai nạn đã tránh tôi trong đường tơ kẻ tóc! Nhớ lại cũng khoảng đường đó, Chuẩn Úy Thu đã bị lật xe do chính anh cầm tay lái, xe jeep của anh bẹp, anh không sao tôi ngại không hỏi chuyện gì đã xảy ra.

Tìm gặp Thu chở về doanh trại, rồi chở Thầy Hồ Văn Vầy, Thu đi ra bờ sông, đêm ấy cả ba ngồi uống hết chai Johnny Walker đỏ. Thầy Vầy nói chí tình:

- Ba má thấy con lâu không về, nên dục Ba đi thăm, tiện thể xách theo “Ông già đi bộ”, uống cho ấm lòng.

Sáng tôi theo Thu cùng Thầy ra quán Chú Sáu Cây Dương, ăn bánh bao, uống cà phê rồi đưa Thầy ra bến xe về Sàigòn.

Ở Sóc Trăng có rạp chiếu bóng Hòa An, có một anh người Hoa tên Nô, trông coi kỹ thuật máy chiếu phim, anh thường giao cho đệ tử túc trực, còn anh thì theo chúng tôi đi nhậu, lúc ở Bãi Xàu, lúc ở quán chú Sáu Cây Dương, Nô là bạn cột chèo với Thiếu Úy Vinh.

Một hôm vào buổi tối, chúng tôi chất đầy một xe đi chơi, Thiếu Úy Vinh lái, bên cạnh là Thiếu Úy Khanh, Thu, Nô và tôi, chạy ra bến xe rồi lái vào con đường đi vào một Tinh Xá, hai bên đường là hai hàng dương rợp bóng mát nên có nhiều người đi hóng gió, Vinh nói đùa:

- Mình đi vào đây bắt bò lạc nghe.

Nhưng hôm ấy chẳng có ai lai vãng, nên Vinh lái xe đi ra, bỗng Khanh thấy có con rùa bò ngang đường, Khanh nói:

- Ngừng lại! Ngừng lại! Mình vào đây bắt bò lạc mà không có, vậy bắt con rùa về nấu cháu ăn khuya.

Nô nói:

- Phải đó! Đã mười giờ bụng cũng đói rồi, ăn cháu chí lý!

Xe dừng lại, Khanh xuống xe bắt con rùa chừng bằng cái tô bỏ xuống sàn xe, rồi xe trực chỉ chạy xuống Bãi Xàu là nhà bên vợ của Vinh và Nô. Chúng tôi ngồi phòng khách xem TV, còn Nô và người nhà nấu ăn.

Khi nấu cháo xong, Nô dọn lên bàn, cười bí mật:

- Xin mời các anh “húp cháo rùa”!

Chúng tôi ngồi vào bàn, xì xụp húp cháo. Bấy giờ mọi người mới hiểu “Húp Cháo Rùa”, có nghĩa cháo là cháo, thịt rùa là thịt rùa, không như cháo gà, cháu vịt hay cháo cá. Cũng là bài học.

Tướng Vĩnh Nghi Tư Lệnh Sư Đoàn 21, xin được xác một Rờ-mọt của Mỹ, nhưng chỉ có khung trên mà không có cầu xe, ông muốn biến nó thành Mobile-home, giao cho Quân Nhu, cải tiến trang bị bên trong thành 4 phòng: Vệ sinh, nhà bếp, phòng khách, phòng ngủ. Giao cho Quân cụ làm cầu xe, để di chuyển.

Tôi được chỉ định làm phần này, tôi phải đi đến tư dinh Tư Lệnh để đo đạc, về nghiên cứu thấy sườn của Rờ-mọt khoảng cách bề ngang lớn hơn xe GMC, lớn hơn xe Dodge, lớn hơn rờ-mọt thường, do vậy không dùng các cầu xe này được, Trên xe hơi, ở cầu xe có bộ phận phân tốc (boite differentiale), bên nây quay nhanh, bên kia phải quay chậm, nếu không cả hai bánh chạy cùng như nhau sẽ không thể quẹo cua, cũng phải có hệ thống thắng, để khi xe kéo thắng thì Rờ-mọt phải thắng theo mới an toàn, đề nghị cho đi Long Bình săn nhặt.

Tôi không hiểu ra sao, tuần sau tôi được lệnh theo Đại Đội Trưởng xuống Bạc Liêu thuyết trình cho ông Tướng nghe, để cho được việc, chúng tôi đi trước ngủ khách sạn một đêm, hôm sau tôi một mình vào gặp Chánh Văn Phòng, ông ấy không chịu, bắt buộc chính Đại Đội Trưởng vào, tôi cũng không được tháp tùng theo. Sau này tôi mới biết, Đại Úy Đại Đội Trưởng của tôi hình như có “Phốt” nên né tránh gặp mặt Tư Lệnh.

Khi ra về, Đại Đội Trưởng bảo tôi lái xe, tôi cho ông biết:

- Thưa Đại Úy, hôm trước tôi bị xe “Lô-Bồi” của Mỹ ép, suýt bị tai nạn, nên từ đó tôi nhát lái đường trường, đi đâu tài xế Linh lái cho tôi đi.

- Anh cũng phải tập lái đường trường cho quen chớ!

Nói xong ông bảo tài xế Thành ra sau, ông lái, tôi ngồi bên cạnh.

Xác xe để trong sân tư dinh Tư lệnh, có lần tôi đến để ráp mấy cái giá đỡ và nhíp xe, Tướng Vĩnh Nghi đi ra xem tôi và mấy anh lính làm việc. Khi ông vào rồi, lát sau tôi lại gặp Chuẩn Úy Lân đi ngang qua đó, anh cũng không ngờ là tôi, tôi gọi anh lại, mới biết anh là “quản gia” của ông Tướng, tôi nghĩ chắc có họ hàng, vì Lân cùng khóa Quân Cụ với tôi, anh cũng là giáo sư Trường Kỹ Thuật Bình Dương.

Có lần lính của Trung đội tôi uống rượu say bỏ gác, bị phạt nhốt chuồng cọp (nhốt trong cái lồng kẽm gai, phơi nắng), hôm sau anh ta cạo đầu trọc lóc. Thấy thế, tôi bảo Lếnh gọi anh ta vào trình diện với tôi. Sau khi anh ta trình diện rồi, tôi hỏi:

- Ai cho phép anh cạo trọc đầu ?

- Dạ ! Thưa Thiếu Úy em đâu muốn bỏ gác, tại mấy thằng đó ép em uống quá chén, say không biết gì cả, nên bị phạt, em muốn cạo đầu để xả xui.

- Anh phải biết giữ quân phong, quân kỷ, tóc không được để dài mà cũng không được cạo trọc. Chủ nhật này tôi trực, phạt anh đi làm vệ sinh doanh trại buổi sáng.

- Tuân lệnh!

Anh lính dập chân nghiêm, chào tay rồi đi ra. Tôi nhớ trong quân đội, khi còn là Sinh viên Sĩ quan, lúc đi phép Sĩ quan trực nhắc nhở, người Sĩ quan không được bế con, không được xách giỏ cho vợ khi đi chợ, sau này lấy vợ phải xin phép, hình như giấy tờ phải chạy đến Bộ Tổng Tham Mưu.

Theo tổ chức, ở Văn Phòng Cơ Xưởng, giám định quân xa vũ khí hư hỏng cần sửa chữa, nơi đây lập lệnh sửa chữa kèm theo phiếu lãnh vật liệu để sửa chữa, khi sửa chữa xong, tôi phải ký để xuất xưởng, do vậy hàng ngày tôi phải ký một chồng phiếu, do Lếnh kiểm tra trước, ngoài ra còn có những giấy tờ lặt vặt khác như đơn xin nghỉ phép ….

Một hôm vào buổi trưa, tôi đang làm việc tại văn phòng, thì Chuẩn Úy Thu mặc lầm lầm lỳ lỳ có hơi men, anh ta đến gần, hỏi tôi:

- Đi uống rượu với tao không?

Tôi cũng hơi bực mình vì giờ làm việc, anh ta lại rũ đi uống rượu, đi cũng được nhưng công việc nhiều, tôi phải xem sơ qua để ký cho xong, nên trả lời:

- Phiếu sửa chữa nhiều quá, tao bận nên không đi !

- Mầy không đi tao bắn!

Tôi nghĩ Chuẩn Úy Thu dọa cho vui, nên đáp:

- Bắn thì cứ bắn!

Anh ta móc súng ra bắn liền, tiếng nổ cái “rầm”, đạn bay “véo” lủng mái nhà, may mà ngay trước văn phòng tôi có chiếc máy đèn đang chạy, nên mấy người ở gần mới được nghe, họ chạy lại xem chuyện gì xảy ra. Trước mắt họ thấy tôi đang cặp vai cùng Chuẩn Úy Thu, bước ra cửa văn phòng, đi dọc theo hành lang ra xe. Chuyện như không có gì ! Bốn chục năm sau gặp lại, Thu hỏi tôi trước mặt học trò cũ của chúng tôi: “- Ê! Mầy còn nhớ hồi ở đơn vị, tao bắn mầy không? Mầy mà chết tao nào có yên thân!”

Những lần chúng tôi đi uống bia, cứ hể trong quán có Mỹ là Thu tới bên mời cụng ly vui vẻ, có đêm lính Mỹ đi rồi, thấy còn bỏ sót mấy cái két, biết của họ, chúng tôi chạy vào phi trường tìm trả lại, MP Mỹ gác ở cổng phi trường cho biết, bọn phi công vào ra như đi chợ, biết của thằng nào là thằng nào, đưa cho chúng, chúng OK nhận xong, lại ném ngay vào thùng rác bên cạnh.

Lại có hôm một anh Mỹ cố vấn cho đơn vị đồn trú ở Sóc Trăng, có vợ Việt, anh ta mời Thu và tôi tới nhà uống bia, chị vợ chịu khó nấu nướng mấy món, khi đã ăn no, uống say, Thu cao hứng hát nhạc Trịnh Công Sơn: “ … Người con gái Việt Nam da vàng, yêu đô-la hơn yêu nòi giống…”. Người vợ anh cố vấn nói từ trong phòng vọng ra:

- Mấy anh ơi! Thời buổi chiến tranh, ai cũng mưu tìm cái sống, ai có phận nấy, thương nhau không hết, cay đắng làm gì! Xin cứ dùng bửa, mượn rượu làm vui cho qua ngày, đoạn tháng đi mấy anh!

Ở sát đơn vị có quán thằng Cường, có vợ chưa con, vợ Cường không đẹp nhưng cô Vân em vợ thì da trắng, khuôn mặt trái xoan, mắt bồ câu, mũi dọc dừa, hàm răng trắng và đều, miệng cười có duyên. Tôi có vợ rồi, nên nghĩ Thu trồng cây si ở đó cũng được, ngặt nổi cứ sáng Chủ Nhật thì Thiếu Tá Đơn đón nàng đi lễ nhà thờ, chúng tôi vẫn ăn nhậu và chẳng ngại ngùng chi mà chẳng “à-la-ghi” ở quán đó.

Khi tôi có giấy tờ biệt phái, Đại Úy Sang thân mật vỗ vai tôi nói:

- Chú ở lại chơi với anh em vài ngày, khi chú rời đây tôi sẽ ký cho chú mười ngày phép ở nhà, hết phép sẽ đi trình diện ở Trung Tâm 3 Quản Trị Saigòn.

Vài ngày đó tôi phải ở lại gần hai tuần, chỉ để sáng trưa chiều tối đi ăn uống với anh em binh sĩ, hạ sĩ quan, và mấy ông quan cùng lứa cá mè như tôi.

Có nhiều hôm, ngủ dậy thấy mà sợ rượu, bụng đói ra hàng bánh canh gọi hai tô, Thu một, tôi một chỉ gắp vài đủa rồi húp nước chớ không thể ăn bánh canh, vậy mà rồi cũng nễ tình anh em mời, đi uống tiếp.

Món ăn mà tôi thích là vịt nấu chao, nhưng món đặc biệt nhất phải nói, đó là Rùa nấu thuốc bắc.

Mấy anh vừa nói đùa vừa nói thật:

- Món đặc sản này, ông về rồi chắc gì được ăn lại, mà có được ăn thì chắc gì ngon như tụi tôi nấu!

Thật như vậy! Sau khi tôi rời khỏi đơn vị cả hai món kia, tôi chưa hề được nếm trở lại, thêm vào đó, từ năm 1980 tôi đã ăn chay.

Những ngày sắp rời đơn vị, người ta sợ nhất, nhiều sự rủi ro xảy ra, như bị pháo kích, tai nạn trên đường vê` … tôi cũng sợ, cũng lo nhưng phải chấp hành lệnh của Đại Đội Trưởng, xuất phát từ tấm lòng tốt của ông ta.

Đến ngày ra về, tôi lãnh lương ra mua vé Hàng Không Việt Nam đi từ Sóc Trăng về Sàigòn cho cho chắc ăn, dành một phần tiền uống với anh em bửa nhậu sau cùng, phần còn lại thanh toán cho quán thằng Cường. Chuẩn Úy Thu đề nghị tiền quán thằng Cường giao cho anh ta vì anh ta hết tiền rồi, nhưng muốn đãi tôi một bửa cho ra trò, phần nợ của tôi anh ta sẽ trả cho thằng Cường sau. “Tiền lính tính liền” là vậy.

Hôm về ngày 15-9-1969, tôi chào Đại Đội Trưởng, trở lại văn phòng nhìn nó lần chót, bắt tay từ giã Thượng sĩ Công với thằng Lếnh, ra vọng gác, anh lính gác tự dưng bồng súng chào, tôi chào lại rồi nặng nề bước lên xe, tài xế Linh đưa tôi ra trạm Hàng Không Việt Nam ở ngoài chợ.

Trên đường đi nhìn hai bên đường hàng quán quen thuộc, tôi nghĩ từ nay “vắng mợ thì chợ cũng đông”. Thật là trái ngược, mấy ngày trước mong ngày tháng qua mau để về với gia đình, nay thì muốn thời gian chậm lại để được ở thêm với anh em đồng đội.

Tôi đi lính, không tham dự trận chiến nào, không làm được cái chi hết, nhưng mà cũng là những ngày lính. Cho nên trong màu cờ, sắc áo của quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn có tôi, đã bị đầu hàng rã ngũ tức tưởi, dưới sự đổi chác của những thế lực cường quốc, và chủ nghĩa Cộng sản phi nhân, dối dân hại nước.

Ngày 20-7-2011