Pages

Wednesday, April 24, 2024

Chút chuyện đã qua

Sáng nay 24-4-2024 tôi có được Academia báo trong điện thư, Academia có email cho tôi, thường tôi không đọc vì nhiều lần có lời nhắn đóng tiền, nhưng không hiểu hôm nay tôi lại đọc, có lẽ vì chỉ có 3 điện thư, không như những ngày khác có mươi, mười lăm hai chục điện thư, trong đó có điện thư của Ngu Yên báo cho biết có Thư mục nên lấy xuống để dành, cuối cùng có trang với tựa Cọp Sách, tôi đọc bài nầy, trong ấy có nhắc đến ông chủ nhà sách Khai Trí và có nhắc tới một cô thu ngân ở nhà sách tỉnh lẻ nào đó nơi Ngu Yên sống thời tuổi học trò.

Nói tới ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhà sách Khai Trí, từng là học sinh Trung học Kỹ Thuật Cao Thắng làm cho người ta có thể liên tưởng tới Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cựu Đề đốc Trần Văn Chơn, cựu Chủ Tịch Tôn Đức Thắng và cựu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước đây, gần nửa thế kỷ về trước người ta có chút tin rằng Hồ Chí Minh khi còn mang tên Nguyễn Tất Thành từng học ở Trường Kỹ Thuật Cao Thắng, vì những người học ở Cao Thắng thường là thủy thủ, từ đó đi sang Pháp dễ dàng. Theo tiểu sử Nguyễn Tất Thành từng là thủy thủ và đã đến Pháp sinh sống một thời gian hoạt động với Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh, nhưng sau 1975 người ta đến Trường nầy tra cứu hồ sơ cũ còn lưu trữ, không thấy có dấu vết chi, nên từ đó về sau người viết sử về Hồ Chí Minh không còn cho ông là cựu học sinh Trường Kỹ Thuật Cao Thắng nữa.

Về Nhà Sách Khai Trí, tôi có vài kỷ niệm. Thứ nhất là năm nào đó, anh tôi gửi về cho tôi bộ sách Technologie Industrial của Norbert trọn bộ có 2 tập, trước đó bộ có 3 tập, khi đi dạy về tôi ghé qua nhà sách Khai Trí, ôm luôn mấy cuốn sách vào khu sách kỹ thuật để xem giá sách ấy là bao nhiêu.

Khi tôi ra cửa bị một cậu thanh niên chận lại, yêu cầu tôi cho cậu ta kiểm tra. Tôi biết cậu ta nghi tôi ăn cắp sách, tôi yêu cầu mời người có trách nhiệm đến, tôi sẽ cho kiểm tra. Người phụ trách tổng quát nhà sách đến, tôi biết mặt anh ta, tôi nói với anh ta: “Tôi biết toàn bộ sách của nhà sách đều có đóng dấu, nếu sách trên tay tôi không có đóng dấu tức là không phải sách của nhà sách nầy”. Tôi để cho anh phụ trách và thanh niên ấy xem, đúng là sách tôi không có dấu vết chi. Việc chúng tôi làm, mặc dù ngay trước cửa nhà sách, nhưng hoàn toàn kín đáo, nên khách qua đường hoặc khách ra vào nhà sách đều không biết, làm vậy cốt tránh gây sự chú ý của mọi người, không gây sự quan tâm của khách hàng.


Thật ra thì trước đó, ông Khai Trí và tôi có biết nhau, tôi từng bán bản quyền vài quyền sách cho ông ta, đến ký bán và nhận tiền bản quyền, nơi ông ta làm việc tầng lầu trên nhà sách. Còn nữa cô thu ngân là cô Tâm, chúng tôi cũng có quen biết nhau vì cô Tâm có 2 người em là Nguyễn Hữu Lộc và Nguyền Thị Tuyết Mai đều là đoàn sinh của tôi, sinh hoạt trong GĐPT tại chùa Giác Minh thời đó.



Tôi không nhớ là năm nào, hình như do anh Tạ Quang Mùi, giáo sư dạy xưởng tại Trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ gìới thiệu tôi gia nhập Hội Cựu sinh viên các trường Kỹ thuật Việt Nam, như vậy là sau khi tôi đã thuyên chuyển về trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ năm 1970. Tôi có đi họp hàng năm vài lần, vào dịp cuối năm tại Câu Lạc Bộ Hải Quân, trên chiếc xà lan của Hải Quân đậu nơi bến Bạch Đằng, trong khu vực trước Bộ Tư Lệnh Hải Quân và Ba Son.

Mỗi lần họp mặt như vậy có nhiều giáo sư các nơi về dự, năm nào tôi cũng thấy có ông Khai Trí tham dự, mỗi lần như vậy ông đều có mang sách tới làm quà, hoặc tặng cho những vị khách hoặc làm phần thưởng lưu niệm.

Ngoài việc bầu cử Ban Chấp Hành của Hội, các hội viên còn mời TT Nguyễn Văn Thiệu làm Hội viên Danh dự, Đề Đốc Trần Văn Chơn làm Hội Trưởng Danh dự, tôi nhớ Hội trưởng năm sau cùng của Hội là Đại Tá Hải Quân Trần Văn Lịch, Giám Đốc Hải Quân Công Xưởng (Ba Son), Phó Hội Trưởng là ông Lý Kim Chân Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học vụ, Tổng Thư Ký là ông Phan Văn Mão Thanh Tra nha Kỹ thuật Học Vụ.

Ngoài chuyện ký hợp đồng bán bản quyền sách hoặc nhận tiền bản quyền, tôi không có gặp ông Khai Trí lần nào khác, bà Khai Trí thì dễ gặp vì thỉnh thoảng bà ngồi ở bàn thu ngân. Những người con ông Khai Trí, tôi chỉ gặp và biết cô con gái đầu lòng của ông, có lần tôi gặp cô ấy tại Viện Đại học Vạn Hạnh, chắc là cô ta đến đó chơi với bạn chớ không phải là sinh viên trường nầy. Khi ông Khai Trí bị đánh tư sản phải ở tù, nhà văn Nhất Giang cho tôi biết ông Khai Trí trong tù bị bệnh ngoài da hay mắt, sẵn trong nhà có một týp thuốc ngoại, tôi gửi Nhất Giang khi đi thăm chuyển cho ông ta dùm tôi.

Tôi cũng không nhớ năm nào, sau 1975, tôi có tới thăm ông Khai Trí tại 2 căn nhà liền kề nhau trên đường Điện Biên Phủ gần Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhưng lần đó tôi không gặp cả ông lẫn bà.

Ông Khai Trí có chủ trương một tạp chí thiếu nhi, giao cho nhà văn Nhật Tiến điều hành, sau khi bị tù đày, qua Mỹ rồi trở về Việt Nam có sưu tập và xuất bản tập thơ tình Việt Nam và Thế giới, tôi có biết nhưng rất tiếc chưa có tập thơ nầy. Ông là người học kỹ thuật nhưng đi theo con đường văn hóa và phát triển văn học nước nhà.

Ông đã tuyển chọn và biên soạn khoảng 15 cuốn sách:

     - Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc,
     - Quê em mến yêu,
     - Làm con nên nhớ,
     - Chánh tả cho người miền Nam,
     - Huế mến yêu,
     - Những bài thơ hay trong văn chương Việt Nam…

Chắc phải trích một bài viết của ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương cho đọc giả biết thêm về tâm tư của ông:

 Thân gởi các bạn trẻ

Tuyển tập THƠ TÌNH VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI là món quà dành riêng cho các bạn mà tôi rất yêu mến vì tuổi trẻ là tương lai của xứ sở. 

Người ta thường nói tuổi trẻ là tuổi của hy vọng và tuổi của yêu đương. Còn trẻ, các bạn hy vọng thực hiện những hoài bão mà các bạn đang ôm ấp trong lòng, các bạn hy vọng có được một đời sống tốt đẹp mà các bạn ước mơ. Còn trẻ, các bạn hy vọng tìm được người bạn đời lý tưởng, đem đến hạnh phúc cho các bạn, bạn yêu và được vêu lại. 

Thi sĩ Byron ví tình yêu của tuổi trẻ không khác nào một vườn hoa có nhiều bông hoa đang bừng nở trong mùa xuân. Ông Thomas Moore cho rằng chẳng có gì ngọt ngào bằng nửa sự ngọt ngào của giấc mộng tình yêu trong thời tuổi trẻ. 

Tuổi trẻ cũng là tuổi cửa sáng tạo, nhất là trong lãnh vực thi ca. Không ít nhà thơ đã nổi danh khi chưa đến hai mươi tuổi. NGUYỄN BÍNH làm thơ từ 13 tuổi, năm 1937 (18 tuổi) được giải thưởng về thơ của Tự Lực Văn Đoàn với tập Tâm Hồn Tôi. TẾ HANH năm 18 tuổi (1939) cũng đã được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn cho tập thơ Nghẹn Ngào. HUY THÔNG năm 17 tuổi (1933) đã xuất bản tập thơ Yêu Đương, năm 19 tuổi ( 1935) cho ra đời tập thơ dài Tiếng Địch Sông Ô. HUY CẬN làm thơ đăng ở báo Ngày Nay từ năm 1938 lúc 19 tuổi, năm 21 tuổi đã xuất bản tập thơ Lửa Thiêng. HÀN MẶC TỨ làm thơ khi mới 16 tuổi. Tập thơ Gái Quê in năm 1936 lúc 24 tuổi. Tập thơ Điêu Tàn xuất bản năm 1937 khi CHẾ LAN VIÊN mới 17 tuổi. Đỗ HUY NHIỆM in Khúc Ly Tao năm 1931 khi mới 16 tuổi. 

Những điều kể trên chỉ nói lên tuổi trẻ là tuổi đầy sáng tạo, chớ "Tình yêu không có tuổi và thơ tình hay càng không tính tuổi được bao giờ” như lời nhận xét của nhà thơ Huy Cận. Ông N. Karamzine từng nói: “Tinh yêu không có tuổi tác, chừng nào trái tim còn đập người ta còn yêu”. Người ta còn yêu là còn có thơ hay. 

     Nhà thơ không có tuổi
     Tuổi nhà thơ trong thơ
     Đọc Kiều ai có hỏi
     Tuổi Nguyễn Du bao giờ.

               Hải Như

Tôi đã từng gặp các bạn trẻ, nhất là các bạn còn trong tuổi học trò, sao chép lại các bài thơ ưa thích tại các nhà sách hay thư viện. Tôi tuyển chọn THƠ TÌNH VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI là làm công việc sao chép giúp các bạn một số bài thơ mà các bạn ưa thích và giới thiệu với các bạn một số bài thơ tình hay khác mà các bạn chưa có dịp đọc. 

Nói đến hai câu thơ thích thú về tình yêu, trong văn chương Pháp, nhà thơ Lamartine có hai câu mà Nguyễn Tiến Lãng đã dịch: 

     Tình trường là cánh đồng hoa
     Đố ai qua đó không sa lệ sầu
     ...

Hạnh phúc tuyệt vời đối với người có tâm hồn cao đẹp, thật giản dị, chỉ có thế thôi. Hạnh phúc tuyệt vời cũng có thể đến với các bạn, khi các bạn đọc xong một bài thơ hay mà cảm thấy lòng mình rung động thích thú. 

Thân mến chào quí bạn.

NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG - Ông Khai Trí – (1926-2005)

Mặc dù đã xa Sàigòn khá lâu, nhưng tôi khó quên con đường Bonard nay là đại lộ Lê Lợi, gần góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là nhà sách Khai Trí, bên kia đường nào là rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi, nhà thương Sàigòn, bót Lê Văn Ken, dãi kios bán sách cũ bên vĩa hè, rất nhiều kỷ niệm thân thương một thời học sinh của tôi. Nhiều nữ sinh, mỹ nhân, mỹ nữ đã dạo phố trên đường nầy, nhưng riêng tôi khó quên hình ảnh một cô nữ sinh người Hoa, mặc đồng phục jupe trắng, mỗi buổi trưa đi ngang qua trường tôi, để ra chợ Bến Thành, thay phiên trông nom cửa hàng vải cho mẹ, trước cổng trường tôi, cả chục thanh niên đổ “xí ngầu lác”, ăn bánh kem, chỉ đứng nhìn người đẹp đi bên kia đường, lịch sự không thốt nên lời.

866424042024






Tuesday, April 23, 2024

Sống với tuổi già

Người già tùy hoàn cảnh của mỗi người mà có đời sống khác nhau, chúng ta ai cũng biết người có tiền của sống khác, người tiền của ít hoặc không tiền của sống khác, lại còn tùy vào nhận thức của mỗi người, có người có cuộc sống đơn giản, có người có cuộc sống xa hoa, khó mà nói được ai giống ai.

Theo nguyên tắc năm 66 tuổi tròn tôi về hưu, nhưng thực tế năm đó tôi đã 68, vì khi tuổi nhỏ do gia cảnh nên bị thất học, lúc thi vào trung học phải làm Giấy Thế Vì Khai Sanh, khai tuổi nhỏ 2 năm để được thi vào lới Đệ Thất, ngày nay gọi là lớp 7.

Tôi đi làm và phục vụ cho chính thể VNCH từ năm 1966 cho đến khi chế độ nầy cáo chung năm 1975, vị chi tôi có 9 năm phục vụ, trong đó có 1 năm 9 tháng trong quân ngũ. Dưới chế độ CHXHCN tôi phục vụ từ năm 1977 cho đến năm 1991, vị chi tôi có khoảng 13 năm 5 tháng tôi phục vụ dưới chế độ nầy và khi tôi đến Mỹ đi làm cho đến khi về hưu là 17 năm 7 tháng. Nhưng tiền hưu của tôi chỉ được hưởng trong những năm làm việc cho Mỹ, trong đó chỉ có 9 tháng làm việc trong cơ quan giáo dục của chính phủ Mỹ, thời gian còn lại đều làm cho các công ty tư nhân của Mỹ mà thôi.

Lúc tôi đến Mỹ, lương tối thiểu là US$4.25, tôi được hưởng lương phụ giáo $7.25/giờ. Lương chỉ tính mỗi ngày là 6 giờ 30 phút, một năm chừng 180 ngày làm việc, nên tính ra thì đồng lương rất thấp, nên tôi bỏ việc nầy đi tìm việc khác, lương có thấp hơn chút đỉnh, nhưng mỗi ngày làm 8 giờ hoặc nhiều hơn, nên tiền lãnh hàng tuần nhiều hơn. Sau đó tôi đi làm cho một Công ty cơ khí, có lúc làm ở xưởng, có lúc làm họa viên, thiết kế cơ phận trên máy vi tính, lương căn bản khi mới vào làm chừng $7.5/giờ, cho đến khi về hưu tôi không nhớ chính xác là bao nhiêu, khoảng chừng 18 đến $20.00/giờ. Nay tôi hưởng lương hưu chưa đến $1,100.00/tháng, sống theo phương châm: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Từ ngày về hưu, Tôi và nhà tôi cũng được đi du lịch ở Pháp 1 tháng, ở Úc và Tân Tây Lan 10 ngày, Chiêm bái Phật tích ở Ấn Độ 2 tuần. Canada đi vài lần.

Hàng ngày ở nhà tôi thường làm nhũng việc sau: Sáng thức dậy nấu nước cúng Phật, cúng ông bà, pha coffee với sữa bột, sửa soạn sẵn bữa ăn sáng chỉ là 1 chén Yến mạch (Oat), khi ăn thêm sữa tươi hoặc hạt hạnh nhân (Almont) ép ra nước và nho khô. Pha một bình trà, chuẩn bị xong uống vài hớp cà-phê sữa bột, một chung trà nóng.

Sau đó ngồi thiền, theo phương pháp của Thông Thiên Học, tôi là người quy y theo đạo Phật, tôi quy y và thọ ngũ giới với Hòa Thượng Thích Thanh Thạnh, thượng thủ của Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại Miền Nam vào dịp lễ Phật đản năm 1958 tại chùa Giác Minh số 578 đường Phan Thanh Giản Quận 3 Sàigòn, nay là số 716 đường Điện Biên Phủ, Phường 11, Quận 10 Tp. HCM. Tôi cũng có thọ Bồ Tát Giới tại Đại Giới Đàn ở chùa Vạn Phật Đảnh của Đại Đức Thích Hằng Đạt, gồm có đủ Tam sư Thất chứng.

Xin trở lại vấn đề tôi ngồi Thiền theo TTH vì giáo lý của TTH chỉ dạy người ta cách ngồi thiền, dạy cho người ta biết những luân xa trong cơ thể con người, mỗi luân xa đều có một quyền năng riêng, có thể tự học, tự mở được những quyền năng nầy, nhưng TTH cảnh báo rằng nếu không được có những bậc chân sư trực tiếp chỉ dạy, người nào tự học tự mở những luân xa nầy thường sẽ gặp những nguy hiểm hơn là có được những quyền năng, thường là bị bệnh suy yếu thân thể, dễ bị bệnh thần kinh.


Các luân xa trong cơ thể con người

 Giáo lý TTH căn bản dạy trong vũ trụ từ trong chân không vô tận từ từ lâu đời hình thành thể khí rồi thể lỏng như nước rồi tiến lên thể đặc như đất, cát, đá rồi cây cỏ, rồi tiến lên cầm thú, từ cầm thú tiến hóa lên thành con người, con người tiến hóa lên thành chơn sư, thành tiên, thành Phật. Con người từ giống da đen, tiến hóa lên da vàng, tiến hóa lên da trắng, còn tiến hóa lên hơn nữạ

Trong con người ta có 3 thể cơ bản là Xác thân để hoạt động, có thể Vía để bày tỏ cảm giác và thể Trí để có thể tư tưởng. Ngồi Thiền để luyện hay nói khác hơn là tu tập để cho thân nầy khỏe mạnh, tinh anh, hành động sáng suốt làm lợi ích cho muôn loài vạn vật, rèn luyện cho thể Vía được thanh tao, có những cảm giác cao quí, tránh xa những ham muốn nhục dục, trên hết rèn luyện cho tư tưởng được thanh cao, luôn tưởng nghĩ đến những điều tốt đẹp, không để cho cái trí chúng ta nghĩ đến nhừng điều xấu xa, tội lỗi. Khi những thể ấy tiến hóa tốt đẹp, tự nhiên sẽ có nhừng bậc chân sư đến dạy cho ta luyện tập cao hơn, để làm những điều tốt đẹp hơn cho xã hội.

Tôi có được một người kể cho tôi nghe, anh ta đã được chân sư một đấng vô hình hiện hình ra khi anh ta ngồi thiền, chân sư ấy hiện ra để dạy cho anh ta ngồi đúng cách và tập luyện như thế nào. Tôi cũng được một người dạy cho tôi, nếu ông ta ngồi Thiền đạt được một tiến hóa nào đó thí dụ như xuất vía, xuất hồn đi được, ông ta sẽ tuyệt đối không nói cho bất kỳ ai biết rằng ông ta đã đạt được kết quả đó. Vì sao ? Ông ta giải thích con người ai cũng có ham muốn nhiều hoặc ít, nếu người khác biết ông ta xuất vía được người ấy muốn được phép nầy bảo ông ta dạy cho hắn, nhưng người muốn học mà không có được công phu luyện tập lại muốn có kết quả, mà không có kết quả sẽ có thể thù oán, có thể giết ông ta. Trong TTH có bài dạy, có trường dạy nhưng nó không được phổ biến, rất ít người biết người trong hội TTH cũng không biết ai là người được chọn, được học trường nầy, vì họ được giáo huấn cơ bản là không được nói cho ai biết mình là học viên của trường đó. Nó có tên là Trường Bí Giáo (Esoteric School).

Sau khi ngồi thiền, tôi tập dưỡng sinh bằng phương pháp vẩy tay rồi tiếp theo là Dịch Cân Kinh. Sau đó tôi ăn sángvới 1 chén Oatmeal, rồi uống thuốc hàng ngày gồm có thuốc trị tiểu đường, mở trong máu, cao huyết áp cùng vài loại Vitamine để bổ sung cho thức ăn, tôi và gia đình ăn chay từ năm 1980, những đứa con lập gia đình đều không tiếp tục trường chay.

Sau đó tôi lên mạng xem Điện thư của bạn bè gửi đến, những tin tức hàng ngày, rồi đi bộ thể dục, hoặc ở trong Mall gần nhà, hoặc đi tới công viên.

Buổi chiều khoảng 3 giờ, tôi tụng một thời kinh, ngày tụng Kinh A Di Đà, ngày tụng kinh Phổ Môn.

Thì giờ rảnh tôi viết bài đăng trên Website của AHVNHN hay Blog của tôi, làm youtube cho kênh Chuyện Bên Ta Vlog hay Về Miền Tây Vlog hoặc xem Video Clip của những kênh như Tuấn Vỹ kết nối yêu thương, Nguyễn Tất Thắng và những Youtuber ở Hà Giang như Vàng Mí Hải, Pheng Pheng, A Dờ, Tày TV, Hòa Tv … cũng thích xem Fahoka, Ném Tv, Khoai lang thang.

Gần đây tôi thích xem những trích phim của kênh Say Phim hoặc Mộ Phim

Trong đó có Hoàng đế cải trang là thường dân đi xem sự tình trong dân gian mà trước kia chúng ta có xem truyện Càn Long du Giang Nam nay có phim truyện:

https://www.youtube.com/watch?v=W5GkOFWRBH0

Nhưng còn có phim khác, tôi không biết tên thật của phim là chi, được kênh SAY PHIM hay MỘ PHIM chiết ra thành nhiều tập, cho nên tôi tam đặt Mối tình của Hoàng đế nhà Thanh với kỷ nữ phương Nam.

Trong những trích đoạn phim nầy có những nhân vật có tên trong sử sách như vua Càn Long (1735-1796), tiến sĩ Hồng Thừa Trù (1593-1665), tướng quân Ngô Tam Quế (1812-1678), Phúc Lâm Thiệu Trị hoàng đế (1650-1664), Tải Thuận Đồng Trị hoàng đế (1861-1875), hai vị hoàng đế nầy băng hà khi còn trẻ vì bệnh đậu mùa, kỹ nữ giang Nam Đổng Tiểu Uyển (1821-1651)…

Trong truyện phim Hoàng đế nhà Thanh giả thường dân vi hành phương Nam để xem xét quan lại, dân tình. Tại Giang Nam hoàng đế đến thanh lâu xem một kỹ nữ hát múa  rất xinh đẹp, nàng bị con quan huyện sở tại thích muốn bắt về làm thiếp, ức hiếp nàng, nên kỹ nữ kia đến huyện đường gióng trống kêu oan, nhà vua cũng đến huyện đường để xem sự tình. Quan huyện chỉ nói qua loa cho yên chuyện, do đó nhà vua phải vào gặp huyện quan, cho huyện quan biết thân phận mình, nhưng cũng ra lệnh dấu kính để nhà vua còn vi hành xem xét sự tình.

Nàng kỹ nữ kia có người bạn thân ở xa gửi thư đến cho biết bị bệnh, nên nàng kỹ nữ phải đi thăm, trong lúc đó tên con quan đến thanh lâu tìm nàng kỹ nữ, không gặp được, lại biết nàng đã đi thăm bạn, nên quyết chí đi theo bắt nàng về, nàng cự tuyệt lúc ấy được hoàng công tử đến cứu nàng. Sau đó hoàng công tử đưa nàng đi thăm kinh thành, nói là để giao dịch làm ăn. Đến kinh thành rồi đưa nàng về cung, lúc đó nàng mới biết người mình hết dạ một lòng yêu thương là một vị hoàng đế Thanh triều, ngược lại hoàng đế cũng vậy, chẳng những nàng có sắc đẹp lại có tài cầm kỳ thi họa lại thuần hậu nhân từ.

Khi nhà vua còn nhỏ tuổi lên ngôi trong triều có Hội đồng Nghị chính nắm hết quyền, nắm giữ Lưỡng hoàng trị ấn, có giao ước đến ngày nào đó nhất định sẽ giao lại Lưỡng hoàng trị ấn cho nhà vua, lúc đó nhà vua mới có toàn quyền. Khi chưa có Lương hoàng trị ấn mọi phán quyết của nhà vua phải được Hội Đồng Nghị Chính đồng thuận.

Trên nhà vua còn có hoàng thái hậu là Hiếu Trang Thái hậu (孝莊太后), hay Chiêu Thánh Thái hậu (昭聖太后) hoặc Hiếu Trang Thái hoàng thái hậu (孝莊太皇太后).

Chiêu thánh thái hậu (1613-1688)

Nàng kỹ nữ kia có người cho đó là Đổng Tiểu Uyển ( - ) Dong Xiaowan (董小宛) Đổng Tiểu Uyển (tiếng Trung董小宛bính âmDong Xiaowan; (1623 - 1651), tên là Bạch (), biểu tự Tiểu Uyển, hiệu Thanh Liên nữ sử (青蓮女史), là một kỹ nữ tài hoa sống vào cuối đời nhà Minh, đầu đời nhà Thanh.

Nàng được mệnh danh Tần Hoài bát diễm hay còn gọi là Kim Lăng bát diễm (金陵八艷) thời Minh mạt, gồm có: Mã Tương LanBiện Ngọc KinhLý Hương QuânLiễu Như Thị, Đổng Tiểu Uyển, Cố Hoành BaKhấu Bạch Môn và Trần Viên Viên.

Đổng Tiểu Uyển là người Tô Châu, xuất thân từ Đổng gia tú trang (董家绣庄), một nhà thêu thùa gấm Tô Châu có chút danh tiếng ở Tô Châu. Có một người phụ nữ Bạch thị, là con gái một lão tú tài, nhưng lão tú tài bình sinh thất bại, đành phải đem đầy bụng kinh luân truyền cho con gái, Bạch thị về sau gả vào nhà họ Đổng, sinh ra Đổng Tiểu Uyển.

Hai vợ chồng phu thê tình cảm nồng hậu, đặt tên con gái là Bạch, lấy tên của thi nhân thời Đương là Lý Bạch, còn đặt tiểu tự là Tiểu Uyển. Đổng Tiểu Uyển lớn lên chẳng những khuê môn nữ tú, đầu óc còn thập phần nhanh nhạy, cha mẹ coi như chí bảo, dốc lòng dạy nàng thi văn thi họa, kim chỉ nữ hồng, một lòng dạy dỗ ra một vị cô nương tài đức vẹn toàn. Về sau, cha nàng mất, mẹ nàng không muốn ở lại để nhìn vật nhớ người, bèn đem Tiểu Uyển đi ở ẩn, sinh sống đạm bạc, mở một cái tiệm bán đồ thêu nho nhỏ như vậy.

Năm Sùng Trinh thứ 9 (1636), tiệm thêu phá sản vì chưởng quản ăn hối lộ, gia cảnh nợ nần, mẹ nàng là Bạch thị ngã bệnh. Đổng Tiểu Uyển từ một cô gái cao ngạo đành phải làm mọi việc để cứu gia cảnh khó khăn, dần dần nàng đến bờ sông Tần Hoài ở Nam Kinh múa hát bán nghệ, cải danh Đổng Tiểu Uyển.

Đổng Tiểu Uyển mạo tú lệ, khí chất siêu trần thoát tục khiến nàng ở Tần Hoài trở nên cực kỳ nổi tiếng. Vì sinh hoạt bức bách, nàng không thể không khuất ý bán rẻ tiếng cười, nhưng nàng sẵn tính cao quý, thập phần cao ngạo khiến nàng đắc tội nhiều khách hàng, song khí chất của nàng lại rất được các giới sĩ phu văn học tán dương. Nàng cô phương tự thưởng, quyết không chịu mặc cho khách nhân bài bố, kể từ đó ảnh hưởng tú bà làm ăn, tú bà tự nhiên đối với nàng châm chọc mỉa mai. Đổng Tiểu Uyển tức giận, giậm chân rời đi Nam Kinh, về tới Tô Châu. Nhưng trong nhà mẫu thân vẫn như cũ nằm ở trên giường bệnh, một ít chủ nợ nghe nói Đổng Tiểu Uyển trở về nhà, cũng sôi nổi tới cửa thúc giục nợ, Đổng Tiểu Uyển không thể ứng phó, đành phải làm lại nghề cũ, đơn giản đem chính mình bán được nửa đường kỹ viện, bán rẻ tiếng cười, bồi rượu, tiếp khách.

Năm Sùng Trinh thứ 11 (1638), Đổng Tiểu Uyển 16 tuổi, làm quen với Mạo Tích Cương (冒辟疆). Hai năm sau, Mạo Tích Cương có ý với Trần Viên Viên, bảo người này là dục tiên dục tử (欲仙欲死), không xa cách như Tiểu Uyển. Năm tiếp theo, Trần Viên Viên bị Lý Tự Thành bắt đi, Mạo Tích Cương chính thức nạp Đổng Tiểu Uyển, lúc này 19 tuổi, làm thiếp, gọi Tiểu Uyển là khước quản huyền, tẩy tận duyên hoa, tinh học nữ hồng (卻管弦,洗盡鉛華,精學女紅). Nàng và vợ cả của Tích Cương đã sống rất hòa hợp, yên bình suốt nửa đời còn lại bên chồng chung.

Năm Thuận Trị thứ hai (1645), Dự thân vương Đa Đạc của nhà Thanh công phá Nam Kinh. Mạo Tích Cương đổ bệnh, Đổng Tiểu Uyển cũng ngã bệnh. Năm Thuận Trị thứ tám (1651), Đổng Tiểu Uyển qua đời tại Mạo phủ ở tuổi 28.


Đổng Tiểu Uyển 董小宛 (1623-1651)

Có nhiều người tin rằng Đổng Tiểu Uyển chính là Đổng Ngạc phi mà Thuận Trị vô cùng sủng ái, sau khi Đổng Tiểu Uyển chết Thuận Trị cũng không thiết làm vua nữa, bỏ đi tu, nhưng điều này là không có cơ sở. Đổng Tiểu Uyển mất năm 28 tuổi, khi đó Thuận Trị mới chỉ 14 tuổi. Tiểu Uyển và Tích Cương được người đời kính trọng vì khí tiết, thà chết chứ không đầu hàng quân Thanh.

Tiểu Uyển vốn ghét sinh hoạt xa xỉ chốn cung đình, hơn nữa người Mãn và người Hán không được phép thông hôn. Vì chưa từng bước chân vào cung, nên việc Đổng Tiểu Uyển được sủng ái là vô lý. Người mà Thuận Trị yêu dấu là Đổng Ngạc phi, con gái của võ thần Ngạc Thạc người Mãn Châu.

Đổng Ngạc thị (栋鄂氏) xuất thân Mãn Châu Chính Bạch kỳ, quê quán ở Bát Đạo GiangLiêu Ninh. Tằng tổ phụ của bà tên gọi là Lỗ Khắc Tố (魯克素), sinh Tịch Hán (席漢) cùng Tịch Nhĩ Thái (席爾泰). Tổ phụ Tịch Hán, sinh ra Ngạc Thạc (鄂碩) - là thân phụ của Đổng Ngạc thị, từng giữ chức Nội thị đại thần trong triều đình nhà Thanh. Không rõ thân mẫu của bà là ai, chỉ biết mẹ kế là Ái Tân Giác La thị, con gái của Bối tử Mục Nhĩ Hỗ và là huyền tôn nữ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Ngoài ra, Tịch Nhĩ Thái sinh ra Ba Độ (巴度), thân sinh của Trinh phi Đổng Ngạc thị, cũng là một phi tần của Thuận Trị Đế.

Những năm Thuận Trị, Ngạc Thạc vâng mệnh Nam chinh, thường đóng quân ở Tô ChâuHàng ChâuHồ Châu, Đổng Ngạc thị có lẽ được sinh ra tại đây. Lớn lên ở vùng Giang Nam, dường như Đổng Ngạc thị chịu không ít ảnh hưởng văn hóa và tư duy ở nơi này, do vậy bà rất rành chữ Hán. Em trai bà, Đại tướng quân Phí Dương Cổ (费扬古) cũng rất am hiểu Hán học.

Đổng Ngạc phi xuất thân danh môn khuê tú, từ nhỏ chịu sự giáo dục chặt chẽ của gia đình, do vậy am tường văn chương, đọc sách sử đã gặp qua là không quên được. Nhiều câu chuyện ghi lại, Đổng Ngạc phi thiên chân từ ái, rất thích Phật giáo, đều thường giảng cho Thuận Trị Đế cùng nghe. Mỗi lần Thuận Trị Đế xem tấu chương, qua loa xem rồi vứt, Đổng Ngạc phi thường xuyên nhắc nhở Hoàng đế phải xem cho kĩ, không thể bỏ qua. Mỗi khi Thuận Trị Đế hạ triều, bà luôn tự mình an bài ẩm thực, rót rượu khuyên cơm, thăm hỏi ân cần; mỗi khi Thuận Trị Đế phê duyệt tấu chương đến nửa đêm, bà luôn phụng dưỡng canh trà.

Năm Thuận Trị thứ 14 (1657), ngày 7 tháng 10 (tức ngày 12 tháng 11 dương lịch), Hoàng quý phi Đổng Ngạc thị hạ sinh Hoàng tứ tử.

Thuận Trị Đế vui mừng vì sự ra đời của con trai, lập tức ra chỉ dụ tế cáo thiên địa, tông miếu, lại còn lệnh các quan dâng biểu chúc mừng. Do vậy, từ các Thân vương, Quận vương, Bối lặc, Bối tử đến các Thủ phụ Đại thần đều lấy ngựa tốt, lụa quý dâng lên chúc mừng Hoàng tứ tử sinh ra. Ông ra chỉ chiếu thư chúc mừng, không khác gì đối đãi với Hoàng đích tử, lại còn ra lệnh đại xá thiên hạ.

Chiếu thư năm đó dành cho Hoàng tứ tử:

Phụng thiên thừa vận Hoàng đế chiếu viết: Tự cổ đế vương kế thống lập cực, phủ hữu tứ hải, tất vĩnh miên lịch tộ, thùy dụ vô cương. Thị dĩ diễn khánh phát tường, duật long dận tự. Trẫm dĩ lương đức toản thừa đại bảo, thập hữu tứ niên. Tư hà Hoàng thiên quyến hữu, tổ khảo di hưu, vu thập nguyệt sơ thất nhật, đệ nhất tử sinh, hệ Hoàng quý phi xuất. Thượng phó Thánh mẫu từ dục chi tâm, hạ úy thần dân ái đái chi khổn, đặc ban tứ xá, dụng quảng nhân ân.

Sang năm sau (1658), ngày 24 tháng 1 (tức ngày 25 tháng 2 dương lịch), Hoàng tứ tử qua đời, khi chưa được 5 tháng tuổi. Thuận Trị Đế truy phong làm Hòa Thạc Vinh Thân vương (和碩荣親王). Theo Mãn văn, chữ "Vinh" này có âm Mãn là wesihun”, ý là “Cao quý”, “Cao thượng”. Tang lễ của Hoàng tử được cử hành rất long trọng, lại còn do Thuận Trị Đế đích thân làm "Hoàng Thanh Hòa Thạc Vinh Thân vương khoáng chí" (皇清和硕荣親王圹志), còn kinh hô nói Hoàng tứ tử là “Trẫm chi đệ nhất tử” 朕之第一子, sự thiên vị và đau xót của Thuận Trị Đế dành cho Hoàng tứ tử đã vượt mức bình thường cả tình và lý. Đứa con chết yểu này đã tác động sâu sắc đến Hoàng quý phi Đổng Ngạc thị, sức khỏe của bà giảm sút đáng kể.

Năm Thuận Trị thứ 17 (1660), ngày 19 tháng 8 (âm lịch), sau một thời gian dài gắng gượng, Hoàng quý phi Đổng Ngạc thị qua đời khi chỉ vừa 21 tuổi.

Cái chết của vị ái phi ấy là một đả kích rất lớn đối với Thuận Trị đế. Vị Hoàng đế này đau lòng tới nỗi ngừng thiết triều trong 4 tháng để để tang cho Đổng Ngạc thị, cho các Vương phi cùng Mệnh phụ vào cung khóc tang. Thậm chí lúc bấy giờ, Thanh cung còn phải cắt cử người trông chừng Thuận Trị cả ngày lẫn đêm nhằm đề phòng Hoàng đế tự vẫn vì quá đau lòng. Ngày 21 tháng 8 năm ấy, Thuận Trị Đế lấy ý chỉ của mẹ mình là Chiêu Thánh Hoàng thái hậu, ra chỉ dụ truy phong Hoàng quý phi Đổng Ngạc thị làm Hoàng hậu.

Như thế Đổng Ngạc thị không phải là Đổng Tiểu Uyển. Cả Đổng Tiểu Uyển (1623-1651) và Đổng Ngạc thị (1639-1660) đều mất trước khi Thuận Trị hoàng đế (1638-1661) băng hà.

Rất tiếc tôi không tìm được phim nầy có tên là chi, nhưng là bộ phim đáng xem, hình ảnh đẹp, được xem cung cấm trong triều đình nhà Thanh hay nói khác hơn là của Trung Quốc, nhiều trích đoạn làm rung động lòng người phải rơi lệ vì những tình tiết trung hiếu, nhưng cũng thấy được những âm mưu thâm độc trong cung cấm. Từ trước tôi nghĩ lãnh cung là nơi lạnh lẻo, vắng vẻ chỉ là bốn bức tường vôi, nay mới biết không phải vậy. Vì nơi đó không ai lui tới, vắng bóng người, không bầu bạn. Một phim đáng xem chứa nhiều đạo lý tình người.

Phim nầy dứt khoát không phải vua Càn Long, trong phim có đoạn Thái hậu gọi Hoàng đế là Phúc Lâm, chứng tỏ vị Hoàng đế ấy là Phúc Lâm Thuận Trị hoàng đế. Phim được khởi quay từ năm 2013 và được phát sóng ở Trung Quốc trên kênh Chiết Giang TV từ ngày 21 tháng 9 năm 2015 đến ngày 20 tháng 10 năm 2015.

Đoạn phim khởi đầu:

https://www.youtube.com/watch?v=TXaHSPl8FUk&t=123s

Đoạn phim kết thúc:

https://www.youtube.com/watch?v=zTLksqR8pWw

Cuối cùng tôi tìm thấy bộ phim nầy có tên là Đa Tình Giang Sơn
多情江山 do đạo diễn Lý Huệ Dân và Bạch Vân Mặc chỉ đạo diễn xuất, tác phẩm có sự tham gia của các diễn viên như Cao Vân Tường vai hoàng đế, Hầu Mộng Dao vai Đổng Tiểu Uyển, Viên Vinh Nghi, Trần Tây Bối...

 

  


có thể xem tại:

https://www.youtube.com/playlist?list=PLt0ArZ108Rbj7-E5Dn2ieHhzh3nnOCiL8

 

Thuận Trị Hoàng đế và Hiếu Hiến Trang Hoà Chí Đức Tuyên Nhân Ôn Huệ Đoan Kính Hoàng hậu


866423042024