Pages

Sunday, April 8, 2018

Tìm hiểu về Cải Lương 2


Các Đoàn hát cải lương

Đi đầu trong việc xây dựng nên cải lương là những nhạc sĩ hay còn gọi là thầy đàn, đã đề cập ở phần trước như Phan Hiển Đạo, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Tường Bá, Lê Tài Khị, Cao Văn Lầu …

Kế đó là những gánh hát cải lương, nhờ có những gánh hát nầy, các soạn giả thuở trước gọi là thầy tuồng mới sáng tác những tuồng hát, lồng vào đó là những bài ca, tùy hoàn cảnh áp dụng bài ca với những bản vắn vui hay buồn, ăn khách nhất là bản ca vọng cổ, nó thường làm nên tên tuổi diễn viên với giọng ca điêu luyện, kèm thêm chút nhan sắc.

Chúng ta đã biết trước tiên vào dịp Tết năm 1917 “Cirque Jeune Annam et Ca ra bộ Sadec - amis” hay còn được gọi là "Gánh hát Thầy Thận”, được khai trương tại Sa Đéc.


Năm 1918, có “Gánh hát cải lương Châu Văn Tú” do Thầy Năm Tú thành lập ở Mỹ Tho. Thầy Năm Tú tên thật là Châu Văn Tú, cũng gọi Pierre Tú vì có du học ở Pháp và có Pháp tịch, sinh ở làng Vĩnh Kim, Mỹ Tho, nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông là người Việt đầu tiên mua xe hơi ở Nam Kỳ năm 1907. Trung và Bắc Kỳ có xe hơi chậm hơn vào năm 1913, hai nhà giàu mua xe kế tiếp là ông Nguyễn Văn Đương ở tỉnh Thanh Hóa và ông Bạch Thái Bưởi ở Hà Nội. 

Ông Châu Văn Tú

Thầy Năm Tú lập gánh với thầy tuồng là soạn giả, đạo diễn. Đó là ông Mạnh Tự Trương Duy Toản, một nhà Nho yêu nước, hoạt động trong phong trào Đông Du.

Đầu năm 1918 thầy Năm Tú xây rạp riêng cho gánh hát gần chợ Mỹ Tho. Đây là rạp cải lương đầu tiên của Việt Nam. Sân khấu rộng, cao, hai bên hông có nhiều lớp cánh gà. Trên sân khấu của gánh hát thầy Năm Tú, cảnh trí được bày vẽ, có phong màn như kịch nhà hát tây, y trang đẹp mắt, tuồng tích hẳn hòi, lối trình diễn khác hẵn với hát bội đương thời, nên lúc nào cũng được khán giả ái mộ đông đảo.

Gánh hát nầy khai trường và trình diễn lần đầu tiên tại rạp hát Châu Văn Tú ở Mỹ Tho.

Gánh hát cải lương Châu Văn Tú


Sau Gánh hát cải lương Châu Văn Tú, là gánh Đồng bào Nam của bà Tư Sự, ở Mỹ Tho ra đời giữa năm 1919, bảng hiệu “Gánh hát kim thời Đồng bào Nam Mỹ Tho”. Qua bảng hiệu ấy, cho thấy bà Tư Sự không dám sử dụng hai chữ cải lương do ông Năm Tú giữ bản quyền, bà phải sử dụng chữ “kim thời” là hát mới, diễn tuồng mới. Soạn giả là ông Trần Phong Sắc, soạn các vở: Tham phú phụ bần, Cô ba lưu lạc, Bội thê thiên xử… Có các diễn viên khá nổi tiếng sau này là trụ cột của sân khấu cải lương như: Tám Danh, Năm Phỉ, Hai Giỏi, Hai Nữ, Ba Du, Ba Thâu, Hai Thà, Năm Thiềng, Sáu Huề…

Tháng 6 năm 1919, Nam Đồng Ban của ông Hai Cu cũng ra đời ở Mỹ Tho. soạn giả Nguyễn Công Mạnh viết các vở: Ơn đền oán trả, Thiện ác hữu báo… Ban diễn được một năm ở các tỉnh đồng bằng Mỹ Tho, Hậu Giang, sang đến năm 1920 tan rã. Các diễn viên có Năm Phỉ, Hai Giỏi, Hai Quảng, Bảy Thăng, Mười Lùn, hề Năm Tỵ, Sáu Chánh, Tư Út, Hai Ngời, Hai Nữ, Ba Điều, Sáu Chức, Hai Thà, Sáu Đảnh, Hai Bông… Do tổ chức của Ban chưa ổn định thì xảy ra cái chết bất ngờ của kép chánh Hai Giỏi, thêm vào sự mất đoàn kết giữa các cổ đông, khiến cho ban hát tan rã.

Vào tháng 10 năm 1919, Tân Phước Nam ra đời tại Sóc Trăng biển hiệu “Gánh hát tân thời Tân Phước Nam”, gánh do ông thầy thuốc Trần-Văn-Minh, lương y sở tại. Ông Minh học thuốc ở Hà-Nội về, ông gốc gác ở Mỹ Tho. Về thầy tuồng của gánh hát có đến ba người: người lãnh vai đạo diễn là thầy Tư Quốc, làm y tá trên dưỡng đường tỉnh lỵ; ngoài ra có ông giáo Quyển và ông giáo Trần-Tấn-Chức sáng tác để các vở tuồng, cả hai cùng dạy trường tỉnh Sốc-Trăng, ông Quyển dạy lớp Tư, ông Chức dạy lớp Nhì, cả hai đều học vấn uyên thâm. Gánh hát trình diễn các vở: Bá di thúc tề, Châu mãi thần của Trần Tấn Chức. Diễn viên có: Tư Út - Phạm Thế Đẩu, Tư Kiều, Ba Nhàn, Hai Nhỏ, Ba Thẹo, Bảy Cừ, Năm Được…Tân Phước Nam diễn được sáu tháng thì tan rã tại Vĩnh Long.

Vào cuối năm 1919, ông Hai Hon ở Cần Thơ lập gánh Tân Hưng, soạn giả Trần Phong Sắc từ ban hát khác chuyển về. Tân Hưng Ban diễn lại những vở cũ của Trần Phong Sắc. Các diễn viên khá nổi như Tư Thạch, Kim Hui, Năm Phỉ, hề Năm Tỵ… Ban diễn được tám tháng tan rã tại Cần thơ.

Sĩ Đồng Ban” của Ông Bảy Sô ở Long Xuyên và “Kỳ Lân Ban” của Bà Huyện Xây ở Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long được thành lập trong khoảng thời gian nầy.

Năm 1920, ông Trương Văn Thông còn gọi là Năm Thông, một nghiệp chủ có bề thế ở Tân Qui Đông, tỉnh Sa Đéc, mang tiền bạc lên Sàigòn lập Gánh hát cải lương Tân Thinh, có đôi câu đối do hai soạn giả Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Quốc Biểu nghĩ ra treo ở dưới bảng hiệu tại rạp Thành Xương đường Yersin, Quận 2, Sàigòn:

Cải cách hát ca theo tiến bộ,
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.

Đoàn có những diễn viên khá nổi danh như Hai Nhiễu, Hai Nữ, Bảy Nam, hề Chín Phót, Chín ích, Năm Phồi, Ba Ngưu, Hai Thành…

Sang năm 1921, cải lương phát triển mạnh, nhiều ban hát mới xuất hiện, có thanh thế. Văn Hí Ban do ông Huỳnh Kim Vui, còn được gọi là Thầy Mười Vui làm ở sở Cảnh Sát, thành lập Ban nầy ở Chợ Lớn,, tuyên ngôn diễn cải lương tuồng Tầu. Soạn giả Đào Trí Phú, viết các vở Kỳ duyên phố, Triệu Kinh Nương… Mấy vở công diễn hướng cải lương tuồng Tầu thành công vì sân khấu mới, đẹp sang trọng, diễn viên ca cải lương pha Tiều Quảng hấp dẫn.

Diễn viên Văn Hý Ban có Ba Mật, Chín Thêu, Tư Dầu, Hai Tỷ, Tư Thạnh, Tư Đề, Năm Phỉ, Mười Nhường, Kim Hui… Văn Hý ban trở thành ban lớn nhất Sàigòn - Chợ Lớn, làm nhiều ban cải lương khác ở các tỉnh, không dám lên diễn vì sợ thất thu, không hoành tráng, không lộng lẫy bằng.

Năm 1921 tại Th
ốt Nốt tỉnh Long Xuyên, ông Vương Có, con của chủ hảng rượu thành lập Tập Ích Ban. Ban nầy nổi tiếng do đào tạo diễn viên của riêng mình để chuyên diễn cải lương Tiều Quảng. Diễn viên có một số người Hoa, người Việt, nhiều diễn viên sau này khá nổi tiếng như Bảy Nhiêu, Tư Thới, Văn Chuông… Tập Ích Ban có lớp diễn viên trẻ đẹp như Năm Hỷ, Sáu Ty, Sáu Trâm, Hai Hiến, Ba Vinh, Kiều Loan, Song Hỷ, Lâm Sanh, Dương Hoa, Đại Hồng, Tần Văn, Kiều Mỵ…

Soạn giả của Tập Ích Ban là M
ộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, ông sáng tác các vở: Tây Sương Ký, Thế nhận oan ương, Lưu Hiền nữ, Tình phai phấn lạt, Châu Trần phải nghĩa… Tập Ích Ban là ban hát đầu tiên tổ chức chặt chẽ, có quy chế sinh hoạt, trả lương tháng cho diễn viên theo định mức tài năng. Nghệ thuật ca diễn, diễn vũ đạo trụ bộ gần giống tuồng cổ, ca cải lương pha Tiều Quảng, trang phục kim sa, kim tuyến lộng lẫy. Sân khấu cảnh trí tả thực, hoành tráng đẹp và hấp dẫn.

Năm 1926, ông Trần Đắc Nghĩa ở Cần Thơ, thành lập Đoàn cải lương Trần Đắc, diễn tuồng tâm lý xã hội, như Khúc oan vô lượng, Tội của ai nghệ sĩ có Phùng Há, Ba Liên, Kim Thoa, Từ Anh, Tư Chơi, Tư Út, Năm Châu…



Từ Anh, Năm Châu, Tư Út, Phùng Há, Ba Liên trong tuồng “Khúc Oan Vô Lượng”,
 gánh Trần Đắc (Cần Thơ) diễn trên sân khấu khoảng gi
ữa sau thập niên 1930.

Năm 1926, đoàn Phước Cương được thành lập, tên đoàn Phước Cương chính là tên ghép giữa các ông Lê Công Phước và Nguyễn Ngọc Cương khi hai người chung nhau lập gánh. Do trước kia du học ở Pháp cả hai cùng quen biết khi học về kịch nghệ, gánh nầy diễn tuồng cải lương tâm lý xã hội Việt Pháp hoạt động ở Sàigòn - Chợ Lớn và các tỉnh Nam B, chính ông Nguyễn Ngọc Cương rút các tuồng gay cấn của hát bội cải biên qua cải lương, điển hình nhứt là tuồng Xử án Bàng Quý Phi... lại khéo phỏng theo tuồng Pháp, đ diễn các tuồng xã hội như Tứ đổ tường, Tơ vương đến thác...

Ông Nguyễn Ngọc Cương ( -  1946)

Đoàn Phước Cương sau là gánh hát lớn, với nhiều đào kép nổi tiếng như Năm Nhỏ, Năm Phỉ, Bảy Nam, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Ba Du, Sáu Chương, Bảy Lựu, Tám Danh, Tư Huệ... soạn giả chính là Mười Giảng - Đặng Công Danh.


Trình diễn tại công viên Bois de Vincennes Paris năm 1931

Năm 1931, Đoàn cải lương Phước Cương được chọn đưa sang Pháp, trình diễn ở Hội Chợ Thuộc Địa tại Paris, có trình diễn nơi công viên Bois de Vincennes. Đoàn có Năm Nhỏ, Năm Phỉ, Bảy Nhiêu, Tám Danh… đã diễn tuồng xã hội Tứ đổ tường, diễn các trích đoạn tuồng Phụng Nghi Đình, Xử án Bàng Quý Phi... thu được thành công lớn, được Hoàng hậu Hà Lan mời sang hát tại hoàng cung 15 ngày đêm. Sau đó ông và đoàn tiếp tục lưu diễn tại các nhà hát Paris, thu được lợi nhuận cao. Sau gần một năm lưu diễn ở nước ngoài, đoàn trở về Bắc, đi lưu diễn từ Hà Nội cho đến Sàigòn.

Năm 1928, Đồng Nữ Ban do cô Trần Ngọc Viện còn được gọi là cô Ba Viện thành lập tại Mỹ Tho, Ban nầy các diễn viên toàn là nữ, diễn những vở tuồng tích yêu nưóc, nên bị nhà cầm quyền buộc giải thể năm 1929. Soạn giả có ông Nguyễn Tri Khương (1884-1962) là cháu nội của Nguyễn Tri Phương, diễn vở Giọt máu chung tình rất được khán giả tán thưởng. Cô Ba Viện (1884-1944) là chị của Bảy Triều (1897-1931), cô ruột của Giáo sư Trần Văn Khê (1921-2015), nghệ sĩ Trần Văn Trạch (1924-1994).


Nữ Đồng Ban (1928-1029) Cô Trần Ngọc Vẹn (1884-1944) ngồi ở giữa

Đến giữa năm 1928, sau khi lấy nghệ sĩ Phùng Há làm vợ, Bạch Công tử tách ra và lập gánh Huỳnh Kỳ với sự tham gia của các nghệ sĩ: Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne... Danh tiếng của Huỳnh Kỳ nhờ vào cô đào nổi danh Phùng Há và là bầu gánh. Báo chí thời bấy giờ vinh danh George Phước và Phùng Há là cặp trai tài gái sắc.

Lê Công Phước (1901-1950)

Vở cải lương nổi tiếng của gánh hát Huỳnh Kỳ là Giọt máu chung tình, do soạn giả Nguyễn Công Mạnh dàn dựng.

Báo Trung Lập ra ngày 16 Septembre 1929 viết "Ban hát Huỳnh Kỳ là một ban hát không cần tô điểm ai cũng biết là một gánh hát vừa hay vừa đẹp từ đào kép cho tới mũ mão, từ cô Bảy Phùng Há tới chị đào quèn, từ anh Võ Đông Sơ đến vai hề diễn… đều tận lực thủ bổn cho nên xem thật xuất sắc thần tình"… Ngoài Giọt máu chung tình, gánh hát Huỳnh Kỳ còn diễn nhiều vở gây tiếng vang là: Anh hùng liệt nữ nước Nam, Mẫu tử tình thâm …

Ngoài việc lưu diễn khắp nơi, Bạch Công tử còn xây dựng rạp hát cũng với tên Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho (ngôi nhà được cất khoảng năm 1920, theo mô típ kiến trúc Tây) để làm nơi gánh hát biểu diễn thường xuyên.

Thời đó những gánh hát khác đều đi bằng ghe chèo thì Bạch Công tử lại sắm một lúc tới 3 chiếc ghe có gắn máy dùng để chở đào kép đi lưu diễn và được trang bị như là du thuyền. Theo mô tả thì chiếc đi đầu chở Bạch Công tử và Phùng Há, có lầu, phía trước có cột cờ và treo cờ vàng, biểu tượng của gánh Huỳnh Kỳ. Đào kép thì đi trên chiếc ghe thứ hai, được ngăn thành nhiều phòng, nhiều ô cửa sổ, có bếp ăn, chỗ vệ sinh... 

Chiếc thứ ba thì chở thầy đờn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng. Mỗi khi gánh hát đi tới đâu, Bạch Công tử cho đào kép lên bờ đứng xếp hàng và bắt tay xã giao với chính quyền sở tại. Sau đó thì hát bản Đoàn ca, cờ vàng được kéo lên và Bạch Công tử lấy súng lục ra đưa lên trời nổ liền mấy phát. Sau đó, trong lúc đào kép lo chuẩn bị cho đêm diễn thì đội bóng thi đấu giao hữu với đội bóng của địa phương, với mục đích thu hút khán giả tối đi xem hát. Và cho dù thắng hay thua, đội bạn cũng được chiêu đãi và mời xem hát. Khi gánh hát dời đi nơi khác, Bạch Công tử lại cho kéo cờ vàng, đốt pháo và rút súng lục ra bắn. Khán giả thì đứng chen trên bờ vẫy tay chào.

Nhờ lưu diễn bằng ghe nên thời đó dù ở những vùng chợ quê xa xôi như Vĩnh Kim, Ba Dừa, Cái Thia... đều có gánh hát tới.

Vở tuồng ăn khách nhất của gánh Huỳnh Kỳ là Giọt máu chung tình, do Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ và Phùng Há vai Bạch Thu Hà.

Khoảng năm 1932, do tác động của khủng hoảng kinh tế, nhiều gánh hát cải lương ở Nam bộ lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Gánh hát Huỳnh Kỳ của Bạch Công tử cũng không ngoại lệ.

Báo Trung Lập tường thuật vào đêm 5/4/1932, gánh Huỳnh Kỳ diễn tuồng Trái đạo tam cang. Đây là hát đêm chót ở Phú Nhuận, Bạch Công tử dự tính qua ngày 7 sẽ dời qua rạp Thành Xương, nhưng vợ chồng lại gây lộn một trận kịch liệt, sáng hôm sau cô Bảy Phùng Há dọn đồ rời gánh.

Qua hôm sau, Bạch Công tử kêu một người quen tên là Lương Văn Muồi ở Cái Bè lên Sài Gòn và tuyên bố "cho không" gánh hát cho người này. Ông Muồi gom đồ đạc của gánh Huỳnh Kỳ xuống ghe chở về Cái Bè, bỏ lại hơn 80 người, gồm diễn viên, thầy đờn, nhân viên phục vụ, bạn theo ghe của gánh, rồi sau đó mỗi người một ngả. Cô Bảy Phùng Há thì về mướn một căn phố trệt ở Mỹ Tho sống tạm.

Báo Trung Lập số ra ngày 27 Avril 1932 đăng tường thuật về sự rã gánh Huỳnh Kỳ

Đoàn Hoa Sen năm 1951. Đoàn Hậu Tấn của ông bầu Phạm Minh Tấn đến cuối năm 1945 thì giải thể (không rõ vì nguyên nhân gì), chia đoàn ra làm hai, giao cho Bảy Cao và Năm Nghĩa mỗi người một nửa. Đó là năm ra đời của hai đoàn Hậu Tấn Bảy Cao và Hậu Tấn Năm Nghĩa.

Đoàn Hậu Tấn Bảy Cao khai trương với vở Cô gái Quảng Trị đã được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Dần dần theo sở thích của người xem, ông đã phát huy triệt để những vở kiếm hiệp, những vở mới thuộc loại hương xa của soạn giả Mộng Vân. Các vở Lưỡng Long đại hiệp, Hồng châu hiệp nữĐề Thám ... của Mộng Vân đã làm cho Bảy Cao nổi tiếng.

Đến năm 1951, Đoàn Hậu Tấn Bảy Cao, đổi tên là Hoa Sen, một thời gian mang tên Hồng Long, nhưng chỉ hai năm sau đổi lại là Hoa Sen.

Cũng giống như Năm Nghĩa, Bảy Cao vừa là diễn viên vừa điều hành đoàn hát nên không có thì giờ biên soạn kịch bản, vì vậy số lượng kịch bản của ông không nhiều, như: Đàn chim sắt, Mộng hòa bình, Nợ núi sông, Đêm lạnh trong tù, Tình trên đảo tuyết, Sanh dưỡng đạo đồng, Người mẹ Việt Nam.

Đến năm 1970, đoàn Hoa Sen ngưng hoạt động.

Đoàn Thanh Minh năm 1949. Cuối năm 1945, ông Phạm Minh Tấn chia đoàn ra làm hai, giao cho Bảy Cao và Năm Nghĩa mỗi người một nửa. Đó là năm ra đời của hai đoàn Hậu Tấn Năm Nghĩa. 

Đoàn Cải Lương Thanh Minh

Đến năm 1949, đoàn nầy cải danh thành đoàn Thanh Minh. Trong thập niên 1955 đến năm 1965, Đoàn Thanh Minh được kể là một đoàn hát mạnh nhứt vì đoàn tập trung được những diễn viên thượng thặng của sân khấu cải lương, đoàn cũng có nhiều soạn giả thường trực nên có nhiều tuồng hay tích lạ. Về diễn viên tài ba, bên kép có Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được,Việt Hùng, Hoàng Giang, Văn Ngà, Ba Xây, Minh Tấn, Minh Điển, Vinh Sang, Hề Châu Hí, Hề Kim Quang, Hề Núi, và có Năm Châu, Kim Cúc, Ba Vân, Phùng Há, Năm Sadec về cộng tác với Đoàn trong vài năm. Về phía đào, có Út Bạch Lan, Ngọc Nuôi, Thu Ba, Ngọc Giàu, Kim Giác, Thanh Nga, Hoàng Vân, Thanh Hiền, Thanh Lệ, Ngọc Chúng…
Bà Bầu Thơ - Nguyễn Thị Thơ (  - 1988) 

Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga năm 1960. Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga hoạt động trong thời gian 21 năm, có gần 70 nghệ sĩ và 27 soạn giả xuất sắc nhất của sân khấu cải lương miền Nam làm việc dưới quyền điều khiển của bầu Thơ. Đây là gánh hát duy nhất của miền Nam diễn thường trực tại rạp Quốc Thanh mà lúc nào cũng đông nghẹt khán giả.


Do từ biến cố Mậu Thân, kế đến phong trào phim chưởng Hồng Kông, sân khấu cải lương bị ế khách. Năm 1972 bà Bầu Thơ cho mướn xác gánh để đoàn đi tỉnh trình diễn. Đến tháng 8 năm 1975, bà Bầu Thơ mới điều hành lại Thanh Minh - Thanh Nga, trình diễn những vở Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga … đã vực dậy sân khấu cải lương, nhưng sau đó năm 1978, Thanh Nga bị ám sát chết, sang năm 1979 các đoàn hát cải lương bị sung vào tập thể, nhiều đoàn bị rã gánh. Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, không bị rã gánh lúc đó, nhưng về sau đổi thành bảng hiệu Thanh Nga, còn bà Bầu Thơ năm 1981 giao hẳn gánh hát cho nhà cầm quyền, lui về ẩn thân, rồi qua đời năm 1988.

Trên sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga đã trình diễn các tuồng sử và dã sử Việt Nam như Đồ Bàn di hận, Biên thùy nỗi sóng, Tình tráng sĩ, Núi Liễu sông Bằng, Nẽo tắt Hoành Sơn, Hồi trống Vân Lâu, Cầu gổ Hoàng Mai Thôn, Ngược dòng sông Lỗi, Chiếc lá giữa dòng, đường về Núi Lam, Cành đào Thăng Long, Sương gió Chiêm Thành, Nguyễn Trãi biệt đông Quan, Áo gấm khôi nguyên,Ngược sóng Phú Lương, Thiên Thần trên thiết mã, Nhan sắc phi tần, Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Vương Vân Nga tuồng xã hội Việt Nam như Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Tuyệt tình ca, Tần nương thất, Đêm vĩnh biệt, Mưa rừng, Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Bóng chim tăm cá, Người tình của biển, Hai hình ảnh một cuộc đời, Bọt biển, Chuyện ba trái tim, Chuyện xóm mình, Tiền rừng bạc biển, Chuyện tình 17, Tình xuân muôn tuổi, Bông hồng cài áo, Lỡ bước sang ngang, Hai chuyến xe hoa, Yêu trong hồng hơn, Thầy Cai Tổng Bồi, Đời hai mặt, Chén Cơm đô thành…

Bầu Thơ được tặng mỹ danh là “bầu của những ông, bà bầu” vì nhiều nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả từ Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga tách ra, đã học và áp dụng theo cách làm của bà Bầu Thơ để điều hành gánh hát của họ.

Năm 1950, Đoàn Kim Chung thành lập ở Bắc có tên là Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt, chủ nhân là ông Trần Viết Long, một công tử con nhà giàu ở Hà Nội. Ông Long từng đi du học bên Pháp, bên Đức nhưng khi về nước đã không làm cho cơ quan nào, mà đi... làm cải lương. Do ông phải lòng cô đào tài sắc Kim Chung, rồi đứng ra thành lập đoàn Kim Chung - Tiếng chuông vàng Bắc Việt.

Ông Trần Viết Long (1922-2003)

Khi đình chiến Pháp – Việt năm 1954, theo làn sóng đồng bào di cư, ông Long mang đoàn Kim Chung vào Nam. Khi mới vào Nam đoàn Kim Chung phải đi lưu diễn như các gánh trong Nam. Thế nhưng, đoàn đã thất bại ngay trong đợt đầu tiên này, bởi tuy là cải lương đó, nhưng đồng bào ở đây lại không quen với lối ca hát của đào kép đất Bắc. Lại nữa lúc mới vào cũng không thông thạo đường đi nước bước. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa cũng không kinh nghiệm như các gánh trong Nam. Hơn nữa đoàn Bích Hợp mới ra đời thời gian ngắn đã chết, làm cho Kim Chung cũng phải bối rối. Ấy thế là Bầu Long phải đánh liều, thuê rạp Aristo để nằm hát thường trực. 

Rạp Aristo trên đường Lê Lai, Sàigòn

Nghe nói ông Bầu Long mướn rạp dài hạn để gánh Kim Chung hát thường trực thì giới cải lương đã mỉm cười, thậm chí có người còn nói rằng chỉ có ở Biên Hòa về mới làm như vậy ! Đó là câu nói mà thiên hạ dùng để nói người bị tâm thần, vì Biên Hòa là nơi có Bệnh Viện Dưỡng Trí, mà thông thường người ta gọi là “nhà thương điên”.

Rồi giờ đây một đoàn cải lương từ miền Bắc vào, lại thuê một rạp hát dài hạn, mà rạp đó lại là rạp Aristo, các gánh cải lương trong Nam không gánh nào muốn về rạp này, trừ trường hợp bị kẹt rạp. Bởi nếu như đem so sánh với những rạp hát khác ở Sài Gòn, thì rạp Aristo nằm ở địa điểm bất lợi, chỉ có một con đường phía trước rạp, không có đường chạy ngang thông ra nhiều hướng như rạp Thành Xương, và còn kém xa hơn nữa nếu so với rạp Nguyễn Văn Hảo rộng rãi, lại là địa điểm thuận lợi cho khán giả từ miền Lục Tỉnh lên đậu ghe ở bến sông Cầu Ông Lãnh, vừa mua bán, vừa đi coi hát giải trí. Do vậy mà hiếm đoàn hát muốn về đây, trừ trường hợp các rạp khác không còn trống, thì mới thuê mướn rạp Aristo này. Rạp Aristo là một rạp hát cải lương ở ngay trung tâm Sài Gòn mà giờ đây người ta không còn thấy nữa, có còn chăng là trong ký ức những người hâm mộ cải lương, họ sẽ hình dung được ngay, nếu như có ai nhắc tới. Rạp Aristo, còn có tên là Trung Ương Hí Viện, nằm trên con đường chạy dọc theo bờ tường rào nhà ga xe lửa, mà thời Pháp có tên là Colonel Grimaux, đường Lê Lai sau này. Có lẽ do yếu thế, ít đoàn hát thuê mướn, nên khi được đoàn Kim Chung thuê dài hạn, hợp đồng 5 năm và trả tiền từ năm một, thì chủ rạp đồng ý ngay, dù rằng giá thuê quá rẽ. Nghe nói khoảng một phần ba giá tiền cho các gánh nếu như thuê chỉ một tuần. Ông bầu Long có cái suy nghĩ nếu như giá thuê rạp rẻ thì dù ít khán giả vẫn không lỗ lã, vì không tốn kém di chuyển như hầu hết các gánh.

Thế nhưng, cái may mắn của đoàn Kim Chung là khi ký hợp đồng rồi thì đêm nào khán giả cũng đông chật rạp, là điều không ai ngờ được. Tuồng có sẵn ngoài Bắc mang hát lại hằng đêm, khán giả xem đông, không phải là khán giả của Sài Gòn, mà là khán giả thuộc đồng bào di cư miền Bắc, vào đây còn nằm tại Sài Gòn chưa được biết định cư đâu cả. Họ còn tiền bạc, họ đang nhớ đến quê hương miền Bắc, chợt có gánh hát ngoài Bắc vào, đương nhiên họ ủng hộ hết mình. Giai đoạn đầu của Kim Chung kiếm tiền dễ dàng, ăn bạc là vì thế.

Thế nhưng, đoàn cải lương Kim Chung không những trụ diễn lâu dài tại rạp Aristo mà còn gây kinh ngạc cho giới cải lương qua việc diễn nhiều ngày chỉ có một vở hát Trăng Giãi Đêm Sương được diễn liên tục trên 40 đêm. Có thể nói rằng, đây là vở cải lương được hát liên tục trên sân khấu lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn. Và từ đó, chuyện hát nhiều ngày một vở diễn bắt đầu được các đoàn cải lương khác áp dụng.

Có thể nói phần lớn tài danh sân khấu cải lương đã ở dưới trướng của Bầu Long. Các nghệ sĩ tên tuổi phục vụ cho Kim Chung người ta phải kể: Út Trà Ôn, Hùng Cường, Tấn Tài, Út Bạch Lan, Thanh Hải, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương...

Là bầu gánh hát từ ngoài Bắc vô Nam, làm ăn phát đạt nhờ cải lương, ông Bầu Long đã có cái nhìn của một nhà kinh doanh nghệ thuật, mà những đồng nghiệp khác đã khâm phục, chẳng hạn như chuyến đi Pháp, thay vì như đoàn Thanh Minh Thanh Nga cho đoàn trình diễn ở Paris trước, rồi sau đó mới đi tỉnh, bởi thủ đô nước Pháp là nơi tập trung đông đảo người Việt hơn ở những nơi khác, nhưng ông Bầu Long lại áp dụng đường lối khác, ông cho đoàn Kim Chung đi tới miền Nam nước Pháp trình diễn trước, và Paris là địa điểm sau cùng. Trước tiên đoàn diễn 5 đêm tại Nice, một thành phố có đông Việt kiều, và tiếp đó là các tỉnh cũng rất nhiều kiều bào ta. Cái đáng nể của ông Bầu Long là làm được cái việc mà trước đó đoàn Thanh Minh Thanh Nga đã phải chịu thua.

Số là trước đó nhà tiền đạo Nguyễn Văn Quận, quản lý của đoàn Thanh Minh Thanh Nga đã cố hết sức cũng không tìm mướn được rạp ở các tỉnh Lyon và Toulouse, đến đỗi đề nghị với đại diện Việt kiều ở đây tìm rạp tổ chức lấy, đoàn sẽ đến hát không lấy tiền, chỉ lấy tiền do khán giả tặng, nhưng đại diện ở đây cũng không tìm được rạp. Vậy mà ông Bầu Long đã thuê được rạp ở 2 tỉnh có đông Việt kiều này và dĩ nhiên thành công thích đáng. Còn tại thành phố Marseille thì Kim Chung hốt bạc suốt cả tuần. Địa điểm sau cùng trước khi về nước là thủ đô Paris, tuy đoàn không được Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa chiếu cố như Thanh Minh Thanh Nga, nhưng lại được ông Đại Sứ Nguyễn Quốc Định đại diện thường trực của phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa cạnh Unesco tiếp đón, và ông Nguyễn Đình Hưng phụ tá cũng có mặt, đồng thời đãi nghệ sĩ một bữa ăn trưa tại trụ sở Unesco.

Sau 1975, ông Bầu Long và đào Kim Chung cùng gia đình đi Pháp. Đến năm 1981 thì ông về nước mang theo dự tính xây dựng lại đoàn Kim Chung. Nhưng rồi đã không làm gì được vì lực bất tòng tâm. Lại thêm tuổi già sức yếu, ông đành ẩn thân cho đến năm 2003 thì về với Tổ nghiệp cải lương, thọ 81 tuổi. Và bà vợ của ông, cô đào Kim Chung mất sau ông 5 năm tại Tân Bình, thọ 85 tuổi.

Năm 1954, Út Trà Ôn cùng với Thanh Tao, Kim Chưởng, Thúy Nga thành lập đoàn Kim Thanh Út Trà Ôn. Đoàn gồm có “tứ trụ giám đốc” hai nam hai nữ, đã diễn khai trương vào ngày 4/1/1955 tại rạp Aristo - Trung Ương hí viện - ở đường Lê Lai.

Năm 1957, khi bộ tứ Bầu gánh Kim Thanh: Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thúy Nga, Thanh Tao rã phần hùng, giải tán đoàn cải lương Kim Thanh - Út Trà Ôn, nữ nghệ sĩ Thúy Nga quy tụ một số nghệ sĩ cũ của Kim Thanh, thành lập đoàn Thúy Nga - Phước Trọng, mời nghệ sĩ Thành Được làm kép chánh với contrat 150.000 đồng trong hai năm.

Vở tuồng khai trương của đoàn cải lương Thúy Nga - Phước Trọng là vở Ngưu Lang - Chức Nữ của soạn giả Kiên Giang, Thành Được thủ vai Ngưu Lang, nữ nghệ sĩ Bích Sơn vai Chức Nữ, vở tuồng chỉ đạt được sự thành công tương đối. Sau đó, đoàn Thúy Nga - Phước Trọng trình diễn vở cải lương hương xa (Nhựt Bổn) Khi Hoa Anh Đào Nở của Hà Triều - Hoa Phượng, với kép chánh Thành Được trong vai kiếm sĩ Tô Điền Sơn. Vở tuồng Khi Hoa Anh Đào Nở đã thành công lớn về mặt nghệ thuật lẩn tài chánh. Đoàn nầy diễn viên Thành Được, kiều nữ Bích Sơn, Thúy Nga, Kim Hoàng, Như Mai….

Năm 1957, gánh Kim Thanh giải tán, Kim Chưởng cùng Ngọc Hương gom đào kép thành lập đoàn Ngọc Hương – Kim Chưởng

Năm 1960, nghệ sĩ Kim Chưởng tách ra thành lập gánh hát riêng là gánh hát Kim Chưởng. Gánh hát hội tụ nhiều nghệ sĩ có tiếng thời bấy giờ như: Út Bạch Lan, Thành Được, Diệp Lang, Dũng Thanh Lâm, Ánh Hồng, Phương Quang, Phượng Liên, Thanh Nguyệt... 

Bầu Kim Chưởng - Cao Thị Chưởng (1926-2014)

Thời đó, gánh hát Kim Chưởng được xếp trong hàng ngũ những gánh hát nổi tiếng, ngang hàng với các gánh hát Kim Chung, Thanh Minh, Út Trà Ôn, Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương..

Sau 75 năm quản lý gánh hát Kim Chưởng, cho đến khi nhà nước có quyết định quốc hữu hóa bà đã xin nghỉ.

Năm 1962, Út Trà Ôn và người bạn thân là nghệ sĩ Hoàng Giang lập gánh Thống Nhứt. Thế là sau một thời gian đứng trong hàng ngũ cải lương, đoàn Thống Nhứt trong hoàn cảnh khó khăn càng về sau càng xuống dốc, Cậu Mười Út cố gắng chống cự với mọi khó khăn trở ngại, nhưng một con én không thể làm được Mùa Xuân. Trong giai đoạn chót, đoàn Thống Nhứt cũng cố tăng cường thêm ba ngôi sao tân nhạc là Phương Dung, Việt Ấn, Tùng Lâm. Có thêm ba cây xanh dờn bên tân nhạc tăng cường, ông bầu Út Trà Ôn còn phải ngất ngư thêm, vì mỗi đêm bán vé chưa tới 20 ngàn mà phải trả tiền cho 3 người tân nhạc này gồm có: Phương Dung 3.000; Tùng Lâm 2.000; Việt Ấn 1.500 đồng.
Đoàn Cải Lương Thống Nhứt

Kết quả sau một tuần lễ có thêm ba nghệ sĩ tân nhạc, ông bầu Út Trà Ôn phải tuyên bố rã gánh vào tháng 8 năm 1965, sau hơn 3 năm hoạt động, Đoàn Thống Nhứt rã! Xác gánh được đưa về trại ở đình Tân Kiển, Chợ Quán.

Năm 1963, Đoàn Dạ Lý Hương ra đời, là một đại ban vững mạnh. Giám đốc là Bầu Xuân, tên thật là Diệp Nam Thắng sanh năm 1927 tại Bình Trị Đông, Gia Đinh, phó giám đốc đoàn là ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc nghệ thuật là nghệ sĩ Ba Vân, đài trưởng là đạo diễn Hoàng Việt. Soạn giả thường trực: Thiếu Linh, Hà Triều, Hoa Phượng. Coi như mãi đến lần thứ ba thành lập đoàn hát Bầu Xuân mới thành công và đoàn Dạ Lý Hương trở thành một trong năm đoàn loại A thời bấy giờ.

Bầu Xuân - Diệp Nam Thắng (1927-   )

Năm 1964, Dạ Lý Hương cải tiến có mời thêm những nghệ sĩ về đoàn như Út Trà Ôn, Ngọc Bích, Hoàng Giang, Văn Chung, Bạch Tuyết, Hùng Cường. Sau này còn có Viễn Châu về làm soạn giả thường trực. Đoàn cho ra đời những kịch bản xã hội ăn khách như: Tuyết Tình Ca (ông cò Quận 9), Nỗi Buồn Con Gái, Thảm Kịch Tuổi Xanh, Trường Kịch 20 Năm, Lấy Chồng Xứ Lạ...

Đoàn Dạ Lý Hương oai trùm suốt thời gian gần 5 năm, thì bị cái Tết Mậu Thân, cải lương khủng hoảng, xuống dốc trầm trọng, nhiều đoàn hát rã gánh, đoàn nào còn sống cũng tình trạng ngất ngư, một đêm hát vài ba đêm nghỉ. Dĩ nhiên đoàn Dạ Lý Hương cũng không tránh khỏi tình trạng bấp bênh. Tuy vậy nhờ có vốn nhiều, đoàn cũng sống cầm chừng chớ không cho rã gánh.

Đến tháng 10-1974 đoàn Dạ Lý Hương diễn vở hát cuối cùng là “Người Thua Cuộc” của soạn giả Nguyên Thảo tại rạp Quốc Thanh có mặt nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Đêm ấy đoàn có 300 khán giả đến xem, Thanh Nga từ chối không lãnh lương. Cô nói vì “khán giả chỉ có 300 người, khán giả ít lắm, nghệ sĩ lãnh lương kỳ quá”... Sau đó đoàn Dạ Lý Hương giải thể sau 12 năm hoạt động.

Sau 30-4-1975 ông Bầu Xuân thành lập trở lại đoàn Dạ Lý Hương thuộc Tỉnh Sông Bé. Đến năm 1978, Bầu Xuân định dàn dựng vở “Kiều” trên sân khấu của ông và hỏi ý kiến nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu. Năm Châu đã khuyên Bầu Xuân không nên dựng diễn vở “Kiều” vì sẽ gặp chuyện không may, ông nêu trường hợp đoàn Bạch Tuyết - Hùng Cường diễn “Kiều” rồi liền sau đó đoàn hát này bi rã gánh. Bầu Xuân có vẻ không tin điều này. Sau này khi nghệ sĩ Năm Châu qua đời, giữa năm 1978, Bầu Xuân nhờ đạo diễn Hoàng Sa dựng vở “Kiều” diễn tại Miễu Quốc Công (Vĩnh Long) khán giả đầy rạp suốt một tuần lễ. Đến đêm chót tại đây, Bầu Xuân bị nạn, phải đi học tập nơi xa suốt thời gian 3 năm 9 tháng.

Giữa năm 1964 đôi vợ chồng soạn giả Thu An và đào Ngọc Hương thành lập Đoàn Hương Mùa Thu, đứng trong hàng đại ban, hát ở các rạp lớn Sài Gòn, coi như ngang hàng với các đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chung, Kim Chưởng. Có điều kiện gánh hát nhà nên cuộc đời nghệ thuật của Ngọc Hương ngày một đi lên, và tuồng nào có Ngọc Hương hát trên sân khấu thì sau đó người ta lại thấy tuồng được thu dĩa hát để phổ biến rộng rãi hơn.

Thu An - Nguyễn Văn Sáu (1923-2005)

Khi còn ở đoàn Thủ Ðô thì Ngọc Hương chuyên đóng các vai tiểu thơ đài các, vai công chúa như trong tuồng Cây Quạt Lụa Hồng, Ngọc Hương đóng vai công chúa Huyền Trân.

Tới lúc lập gánh Hương Mùa Thu, soạn giả Thu An lại viết tuồng dựng lên toàn bối cảnh nhà quê nghèo nàn, cho Ngọc Hương đóng vai cô gái quê nghèo. Cái đáng suy gẫm là trước ngày kỷ niệm đệ nhứt chu niên, ngày thành lập gánh Hương Mùa Thu, soạn giả Thu An đã ráo riết cho tập dượt vở hát Bà Chúa Ăn Mày, dựng lên một đám ăn mày, đồng thời cho bà xã Ngọc Hương thủ vai bà chúa ăn mày. Thiên hạ nói làm chúa ăn mày thì khá cái nỗi gì chớ, sớm muộn gì cũng nghèo! Tại sao Thu An lại không kiêng cữ gì hết?

Từ sau cái Tết Mậu Thân thì đoàn Hương Mùa Thu ngày một xuống dốc, không còn hát ở Ðô Thành mà phải lui về tỉnh lẻ để sống. Rồi cũng chẳng bao lâu thì bắt đầu xuống hát quận lỵ, bởi thời điểm này các rạp ở tỉnh lỵ, thị xã bị thuê hết để chiếu phim chưởng.

Ðại ban Hương Mùa Thu lúc mới khai trương bảng hiệu thì được liệt vào hạng “A”, nhưng sau một thời gian 4, 5 năm thì xuống hạng “B” rồi tới hạng “C” và tiếp tục xuống nữa, xuống nữa… Cặp vợ chồng Thu An, Ngọc Hương trôi nổi từ chợ này đến đình làng khác, cho đến một ngày nọ thì tấp vô Cù Lao Rồng. Rồi thì rã gánh luôn!

Năm 1971, sau khi rời khỏi Đoàn Dạ Lý Hương của ông Bầu Xuân một thời gian, Hùng cường và Bạch Tuyết thành lập Đoàn cải lương Hùng Cường - Bạch Tuyết. Loạt vở để đời như Yêu người điên, Yêu người say, Tiền rừng bạc biển, Tuyệt tình ca, rồi Trăng thề vườn thúy, Má hồng phận bạc, Cho trọn cuộc tình… của cặp đôi này khiến khán giả ầm ầm đến rạp như sóng thần. Từ đó, Hùng Cường – Bạch Tuyết được xưng tụng là cặp đôi “Sóng thần”. Tên và hình ảnh của hai người xuất hiện đầy rẫy trên mặt báo, pano quảng cáo hay khắp các nẻo đường Sài Gòn.

 
Cặp đôi Hùng Cường – Bạch Tuyết toàn vẹn đến mức ca, diễn đều hay; hát tân nhạc, cổ nhạc đều tốt. Đến khi gặp nhau, họ mới hiểu vì sao đối phương toàn gây nên những sự kiện chấn động như vậy. Hùng Cường từ trước vở Mộng đẹp đêm trăng, quả thực chưa từng hát cải lương nhưng vốn rất mê cổ nhạc, lại có nền tảng nhạc lý vững chắc. Ông tự bỏ công sức nghiên cứu, lại vừa thuê nhạc sĩ đến nhà khổ luyện ngày đêm.

Đoàn cải lương Hùng Cường Bạch Tuyết được rất đông người hâm mộ, tuy nhiên, do không biết cách quản lý, sau một thời gian đã ngưng hoạt động.

Chúng ta đã biết cải lương sơ khởi từ năm 1917, trải qua các thời kỳ, phát triển rực rở vào các năm 1955 đến 1963, rồi do những cuộc biến động ở thành thị, chiến tranh ở thôn quê, giới nghiêm vào ban đêm đã là những nhân tố cản trở cải lương, nhất là sau trận Tết Mậu Thân, tình hình an ninh khắp miền Nam ngày càng tồi tệ, khán giả ít đi xem hát, cải lương sống lây lất qua ngày.

Thời vàng son của Cải Lương vào thập niên 1960, có 5 đại ban: Thanh Minh – Thanh Nga, Kim Chung, Kim Chưởng, Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương với các bầu gánh là Bầu Thơ, Bầu Long, Bầu Kim Chưởng, Bầu Thu An và Bầu Xuân. Trong số đó có bà Bầu Thơ là danh tiếng hơn cả do:

Soạn giả cộng tác với đoàn Thanh Minh Thanh Nga có Năm Châu, Tư Trang, Duy Lân, Năm Nở, Điêu Huyền, Quang Phục, Bảo Quốc (tức soạn giả Năm Nghĩa), Lê Khanh, Nguyễn Phương, Kiên Giang, Hà Huy Hà, Hà Triều - Hoa Phượng, Thiếu Linh, Hoàng Khâm, Hoàng Việt, Thành Phát, Thu An, Yên Ba, Ngọc Huyền Lan, Viễn Châu, Mộc Linh, Tám Vân - Nhị Kiều, Hoài Ngọc, Phương Ngọc, Thái Thụy Phong, Quy Sắc, Nguyễn Liêu, Thế Châu…

Cũng là Bầu của nhiều nam diễn viên danh tiếng như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Việt Hùng, Hoàng Giang, Văn Ngà, Ba Xây, Minh Tấn, Minh Điển, Vinh Sang, Hề Châu Hí, Hề Kim Quang, Hề Núi.

Nữ diễn viên có Kim Anh, Kim Chưởng, Thúy Nga, Bà Năm Sadec, Ba Thanh Loan, Phùng Há, Kim Cúc, Ngọc Chúng, Mai Búp, Hoàng Vân, Thu Ba, Kim Giác, Ngọc Nuôi, Bích Sơn, Ngọc Giàu, Bảy Quát, Ut Bạch Lan, Bạch Tuyết, Thanh Hương, Thanh Nga, Thanh Thanh Hoa, Diệu Hiền, Mộng Tuyền, Hương Lan, Mai Lan, Hồng Nga, Trang Bích Liểu, Phương nh, Kim Hoa, Thúy Lan, Bo Bo Hoàng, Kim Hương, Hà Mỹ Xuân, Mỹ Hiền.

Bà Bầu Thơ còn khuyến khích các soạn giả sáng tác và cho trình diễn những vở tuồng xã hội  trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga như các tuồng Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của Biển, Tuyệt Tình Ca, Tần Nương Thất, đêm Vĩnh Biệt, Mưa rừng, Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Bóng chim tăm cá, Người tình của Biển, Hai hình ảnh một cuộc đời, Bọt Biển, Chuyện Ba trái tim, Chuyện Xóm mình, Tiền rừng bạc biển, Chuyện tình 17, Tình xuân muôn tuổi, Bông hồng cài áo, Lỡ bước sang ngang, Hai chuyến xe hoa, Yêu trong hồng hơn, Thầy Cai Tổng Bồi, Đời hai mặt, Chén Cơm đô thành…

Cho đến biến cố 1975, nhà cầm quyền cộng sản kiểm sát, điều hành các đoàn hát, dùng nó làm phương tiện tuyên truyền, nên dần dần xa rời thị hiếu của người dân, cải lương đi vào ngỏ cụt.

Gần đây, người ta vực dậy bằng cách trở lại xưa, tổ chức từng nhóm nhỏ Đàn ca tài tử, có nơi để giải trí, có nơi phục vụ khách du lịch. Viễn ảnh cho thấy Cải lương khó phục hoạt như xưa.


Tài liệu tham khảo:

- Vương Hồng Sển Lịch sử hình thành Cải lương Web: http://diendan.cailuongso.com
-
Nguyễn Đức Hiệp Tuyển tập Nguyễn Đức Hiệp. Web: Nam Kỳ Lục Tỉnh

866408042018




No comments:

Post a Comment