Nguồn gốc Cải Lương.
Cải
lương được hoàn chỉnh như ngày hôm nay, đã trải qua một thời gian dài biến đổi,
tưởng cũng nên biết sơ qua về nguồn gốc cải lương.
Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam
Việt Nam, hình thành trên cơ sở dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế
lễ. chữ “cải lương” (改良) theo nghĩa Hán Việt là sửa đổi cho trở nên
tốt hơn.
Trong
cải lương có những bài bản cổ nhạc. Những bài bản này chắc chắn là được lưu
truyền từ kinh đô Huế bằng chứng trong thi ca còn ghi lại:
Lớp sau Thanh Giản tiếng đồn,
Là Phan Hiển Đạo với Tôn Thọ Tường
Ông thời nho nhã văn chương,
Ông thời thi phú tốt đường diệu công.
Ông về thác Vĩnh Kim Đông,
Ông ra giúp nước bụng đồng tương tri.
Một còn một mất trọn nghì,
Ngàn thu gương tạc Nam kỳ danh nho.
Thi rằng:
Nối dấu văn tinh rạng vẻ son,
Rủi ro thời thế tiếng không tròn;
Cõi bờ chủ mới lăm vun quén,
Cờ biển ân vua nghĩ héo don.
Tri kỷ mấy lời ghi bụng nhớ,
Dạ đài một giấc nín hơi ngon.
Khúc đờn lưu thủy trôi dòng bích,
Mà giọng kìm tranh điệu Huế còn.
(Trích Điếu Cổ Hạ Kim thi
tập - Nguyễn Liêng Phong)
Khi thụ nghiệp ở Huế, cả Phan Hiển Đạo và Tôn Thọ Tường đều có học
đàn, về Nam truyền lại cho người khác, ngoài ra còn có nhạc lễ đó là những nguồn
gốc âm nhạc truyền bá trong Nam, để từ đó lúc trà dư, tửu hậu, sau những ngày
nhọc mệt ở đồng áng, những tay đờn đã họp lại hòa đờn và những người biết ca,
cũng góp giọng ca của mình, để làm cho buổi hòa đờn thêm đậm nét văn nghệ.
Tôn Thọ Tường
(1825-1877)
Người bình dân, muốn tổ chức đàn ca, người ta chỉ cần mời một
hai người biết đàn tụ họp tại nhà của ai đó, rồi họ tổ chức đàn ca hoặc ngồi
lên chiếc chiếu, trải trên bộ ván trong nhà, hoặc trải chiếc đệm ngoài sân, những
người đàn, ca ngồi quanh chiếc đệm, giữa chiếc đệm hay trên bộ ván người ta để
bình trà với dĩa bánh, kẹo. Sau khi hòa đàn hoặc có người ca theo đàn, lúc ngừng
nghỉ, giải lao người ta ăn bánh kẹo, uống nước trà, cùng nhau góp ý về bản nhạc,
giọng ca, ngón đàn của người sử dụng.
Những nhà giàu, khi có tiệc tùng gã cưới, mừng thăng quan tiến chức, mừng nhà mới, mừng con cháu thôi nôi, đầy tháng, họ tổ chức tại nhà những buổi hòa đờn có ca hát, vô hình trung hình thành nhóm Đàn ca tài tử.
Những người khác đến nghe hoặc ngồi ké vào bộ ván hoặc chiếc đệm,
hoặc trên đôi guốc gỗ của mình, có khi tìm một khúc củi khô ngồi lên cho quần áo
khỏi dính bụi đất. Họ là những thính giả thưởng thức giọng ca tiếng đàn của Ban
nhạc đàn ca tài tử. Gọi là tài tử, theo quyển tự điển Đai
nam quốc âm tự vị (1895) của Huình Tịnh Paulus Của thì chữ tài tử có nghĩa
là kẻ có tài riêng, kẻ chuyên nghề cổ nhạc, nhạc công.
Trước thế kỷ 20, miền Nam đã
hình thành đàn ca tài tử. Do đó năm 1900, có Hội chợ quốc tế ở Pháp, một ban
đàn ca tài tử được đưa sang đó trình diễn tại nhà hát Đông Dương.
Vũ điệu Khmer - Dàn
nhạc tài tử bên phải sân khấu tại Paris năm 1900
Mời nghe giọng
ca tài tử ở tại Sàigòn năm 1900:
Khoảng năm 1905, ở Cái Thia thuộc tỉnh Mỹ Tho có ban Đàn ca tài tử do ông Nguyễn Tống Triều, còn gọi là Tư Triều dựng nên, gồm có Tư Triều chơi đàn Kìm, Chín Quán chơi đàn Độc huyền, Mười Lý thổi ống tiêu, Bảy Vô chơi đàn Cò, cô Hai Nhiễu và cô Ba Đắc chơi đàn Tranh, cô Ba Đắc ca.
Nguyễn Tống
Triều ngồi trên tràng kỷ
Năm 1906, Ban Đàn ca tài tử nầy được chọn đi trình diễn ở cuộc
Triển lãm tại Marseille, Pháp quốc. Họ ở đây được 1 tháng, Ban tổ chức có để
cho họ trình diễn trên sân khấu, được đông đảo khán giả đến xem và tán thưởng.
Hình trên Ban
Đàn ca tài tử ở Marseille năm 1906, Tư Triều đứng giữa 2 người đàn Nhị
Trong hồi ký, ông Vương Hồng Sển có kể lại:
“Lúc bấy giờ, lối năm 1912, chúng tôi tòng học tại tỉnh lỵ Mỹ
Tho, có đến xem. Cách chưng dọn sân khấu còn đơn sơ. Cái màn bạc dùng làm tấm
phong (fond), kế đó có lót một bộ ván, trước bộ ván có để một cái bàn chưng
cheo. Hai bên sân khấu có để cây kiểng xem rậm đám và khán giả có cảm giác đứng
trước một cái phòng khách hạng trung lưu. Các tài tử ngồi trên bộ ván và mặc quốc
phục xem nghiêm trang. Cô Ba Đắc ca rất hay và biết đủ các bài cổ điển. Nhất là
cô ca bản Tứ Đại oán "Bùi Kiệm Nguyệt Nga" rất duyên dáng.
Cô
Ba Đắc
Bản Tứ Đại lớp đầu:
Kiệm từ khi thi rớt trở về,
Bùi ông mắng nhiếc nhún trề,
Cũng tại mầy ham bề vui chơi,
Kiệm thưa:- Tài bất thắng thời,
Con dễ nào không lo bề công danh.
Tuổi con còn xuân xanh.
Cái ơn mẹ cha, con chưa đáp đền đó cha ôi !
Đây là một bài ca đối thoại giữa Bùi Ông, Bùi Kiệm và Nguyệt
Nga. Nó khơi nguồn cho các soạn giả đặt những bài ca có đối đáp cho điệu Cải
lương sau này.”
Đàn ca tài tử của Tư Triều, mỗi
tối Thứ Bảy trình diễn tại Minh Tân khách sạn ở gần nhà ga xe lửa Mỹ Tho. Người
đến nghe loại nhạc tài tử này càng ngày càng đông. Thầy Hộ chủ rạp hát bóng Casino ở Mỹ Tho
thấy khách sạn Minh Tân đông khách, mới nghĩ đến việc đem ban nhạc này trình
diễn trước giờ chiếu phim. Bắt đầu từ đó mới có phụ diễn cổ nhạc trên sân khấu
hát bóng. Ca nhạc tài tử bước lên sân khấu đầu tiên là sân khấu chiếu bóng.
Đàn ca tài tử tại Minh Tân Khách Sạn và rạp chớp bóng Casino ở Mỹ Tho,
tại nhà hàng Cữu Long ở Sàigòn. Ca điệu Tứ đại oán của bài “Bùi Kiệm-Nguyệt
Nga” do Mạnh Tử Trương Duy Toản biên sọan ăn khách nhất lúc bấy giờ.
Trong thời kỳ ấy, Mỹ Tho là đầu mối xe lửa đi Sàigòn. Các du
khách ở Miền Tây, Nam Phần như Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá,
Long Xuyên… muốn đi Sàigòn đều phải ghé trạm Mỹ Tho. Có khi phải nghỉ lại một
đêm rồi sáng đáp xe lửa Mỹ Tho đi Sàigòn.
Ga xe lửa
Mỹ Tho
Trong số du khách có ông Tống Hữu Định người làng Long Châu, làm phó
cai tổng Bình Long, tỉnh Vĩnh Long từng tham gia phong trào Duy Tân, ông thứ mười hai trong gia đình, nên được người dân tôn xưng là ông
Phó Mười Hai.
Ông có tính ham mê đờn ca, chiều chiều ông thường cho mời những người yêu thích
nhạc tài tử đến nhà chơi. Nhân khi dừng chân ở Mỹ
Tho ông nghe cô Ba Đắc ca bài Tứ đại với một giọng gần như có đối đáp, nhưng cô
không ra bộ. Sau về nhà ông nảy ra ý kiến cho người ca đứng trên ván vừa ca vừa
ra bộ, sau đó phân
vai, người ca đoạn Bùi Ông, kẻ ca đoạn Bùi Kiệm, người ca đoạn Nguyệt Nga, đối
đáp nhau vừa ca vừa ra bộ. Do nội dung bài ca có kịch tính lại được người biễu
diễn khá linh hoạt, nên lớp ca dễ được hoan nghênh, và ngày càng được phổ biến
rộng rãi.. Điệu ca ra bộ phát sinh từ đó, lối năm 1915 hay1916.
Từ đó, Ca ra bộ ngày càng được nhiều người mến mộ, trở nên thịnh hành. Có ông André Lê Văn Thận,
công tử quê ở Sa Đéc, sau khi ra trường Chasseloup Laubart, làm "cò
tàu", coi sóc một chiếc tàu Messageries Fluviales của chủ Tây, chạy từ Hậu
Giang lên Mỹ Tho, sau nghỉ làm, giao du với các thầy đờn và danh ca, đi từ nhà
các điền chủ ở tỉnh này qua tỉnh nọ tổ chức đàn ca, nhờ đó có kinh nghiệm giao
dịch. Nhơn lúc thấy gánh xiếc Huê-Kỳ Harmstrong-circus sang Sàigòn và các tỉnh
trình diễn, thấy gánh xiếc Huê-Kỳ hốt bạc, nên thầy Thận nảy ý bắt chước, tại
quê nhà ở Sa-Đéc, thầy Thận tụ hội anh em bày ra lập gánh xiếc, xen những màn ca nhạc
tài tử, ca ra bộ với những nghệ sĩ như: Tư Hương (vai Bùi Ông), Bảy Thông (đày
tớ của Bùi Kiệm), Tám Cang (Bùi Kiệm), cô Hai Cúc (Nguyệt Nga) ... Tết ta năm
1917, gánh hát của thầy Thận ra mắt mang tên “Cirque Jeune Annam et Ca ra bộ
Sadec – amis” hay còn được gọi là "Gánh hát Thầy Thận”.
Hình thức ca ra bộ xen kẽ vào các tiết mục xiếc, vừa có tác dụng
giải trí, vừa làm giãn thần kinh của khán giả nên rất được hoan nghênh.
Đêm 6-11-1918 tại nhà
hát Tây Sàigòn, nay là Nhà hát Thành phố, trình diễn vở tuồng “Pháp Việt nhất gia”, soạn giả viết toàn văn vần, loại biến
ngẫu gần như của hát bội, nhưng lại không có điệu Nam, Khách, Thán, Bạch, Ngâm
... gì hết. Đào kép chỉ nói lối, khi thì theo điệu Ai, khi lại trở Xuân, không
múa may gì, cũng không trống kèn inh ỏi. Trong hậu trường có dàn cổ nhạc nhưng
chỉ để hòa tấu bản Madelen lúc sân khấu mở màn và sự hiện diện của toàn bộ đào
kép khi đã hóa trang xong, đứng xếp hàng chào khán giả, gọi là táp-bơ-lô
vi-văng (tableau vivant), sau đó thì đệm theo từng điệu lối của đào kép. Khi
đó, nhà báo Lê Hoàng Hưu, trên báo chí Sàigòn ca ngợi lối hát này và gọi nó là
hát “bộ”, tức là một sự cải tiến của “hát bội”.
Vào năm 1918, ông Năm
Tú, trương biển hiệu “Ban hát cải lương Châu Văn Tú”, ông coi đó là một phát
minh thương hiệu của riêng mình, nghiêm cấm các ban hát khác không được lấy tên
là: “cải lương…”. Ông Năm Tú lấy hai chữ cải lương là thuật ngữ của các nhà
báo, dịch giả đã sử dụng, nhờ có ông lấy hai chữ “cải lương”, nó đã trở thành
tên gọi, cho một loại hình sân khấu đặc sắc của miền Nam.
Châu Văn Tú
Vở cải lương đầu tiên là “Kim Vân Kiều” do soạn giả Trương Duy Toản
sáng tác, do Ban hát cải lương Châu Văn Tú trình diễn lần đầu tiên đêm 13-11-1918
tại Rạp hát thầy Năm Tú ở Mỹ Tho.
Trương Duy Toản (1885-1957)
Đến năm 1920, khi gánh Tân Thinh của ông Trương Văn Thông khai
trương, hai ông Nguyễn Quốc Biểu và Lâm Hoài Nghĩa viết thành hai câu đối treo
trước cửa rạp hát trên đường Yersin, Sàigòn:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
Danh từ cải lương có
lẽ rút từ câu :
Cải
biến kỳ sự,
Sử ích tự thiên lương
Sử ích tự thiên lương
Người ta kêu gánh hát Tân Thinh là gánh hát cải lương, và từ
đó các gánh hát khác,
người ta cũng kêu là gánh hát cải lương.
Như vậy từ cải lương chỉ cho
loại hình nghệ thuật diễn tuồng có ca nhạc phát xuất từ “Ban hát cải lương Châu Văn Tú”, cũng từ 2 chữ đầu câu liễn vừa rồi. Có tài liệu cho
rằng Ban hay Đoàn cải lương là tên bảng hiệu, còn Gánh là do trước kia, sơ khởi
những đoàn hát bội khi di chuyển phải gánh theo ít dụng cụ như áo
mão, bàn ghế …, nên được
gọi là gánh hát bội, theo đó cũng gọi là gánh hát cải lương.
Vào năm 1922, gánh hát của Thầy Thận có tên là “Cirquee Jeune
Annam” lên Sàigon trình diễn tại rạp Modern đường d’Espagne, nay là đường Lê
Thánh Tôn. Sau đó, gánh thầy Thận rã, Thầy Năm Tú, mua lại xác gánh nầy, rủ hết
các tài-tử và chuộc luôn tuồng tập của thầy Thận xáp nhập vào gánh của mình. Ngay
sau đó, Thầy Năm Tú đem gánh hát lên diễn tại Sàigòn, ngày đầu trình diễn là
12-11-1922, đào kép hầu hết là của gánh hát Thầy Thận cũ.
Tại Bạc Liêu, có nhạc sĩ Sáu Lầu sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang,
đêm nghe tiếng trống sang canh nhớ chàng. Nhạc sĩ Sáu Lầu tên thật là Cao Văn Lầu
sinh ngày 22-12-1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, sau nhập với làng Thuận Mỹ
thành xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An, năm 1901, ông theo gia đình đến
lập nghiệp tại Bạc Liêu. Thuở nhỏ có học chữ Nho rồi học lớp Nhì năm thứ hai
(Cours moyen 2è année), tức lớp Bốn ngày nay, sau đó quy y đầu Phật tại chùa
Vĩnh Phước, Bạc Liêu. Sau rời cửa Phật trở về nhà, lập gia đình. Ông có học nhạc
với nhạc sư Lê Tài Khị.
Lê Tài Khị, được gọi là Nhạc Khị, ông sinh vào khoảng
tháng 3 năm Canh Ngọ (1870) tại thôn Láng Giài thuộc tổng Thạnh Hòa, lúc đó
thuộc phủ Ba Xuyên, nay là ấp Láng Giài thuộc huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, sống
trọn đời ở đây cho đến khi mãn phần vào cuối năm Mậu Tý (1948), có vợ là bà Lê
Thị Hai cũng là người cùng xóm, hai vợ chồng ông chỉ có hai con gồm một gái một
trai tên Lê Thị Sang và Lê Văn Túc tức Ba Chột, cũng là nhạc
sĩ nổi tiếng cùng thời với Cao Văn Lầu.
Lê Tài Khị (1870-1948)
Sáu Lầu sử dụng rành đàn tranh, cò, kìm và trống lễ. Khoảng năm
1918, do hoàn cảnh gia đình gây cho ông xúc cảm sáng tác bài Dạ Cổ
Hoài Lang.
“…Hồi đó chú sáu Lầu bị cha mẹ ruột buộc ông phải để vợ, vì chú sáu cưới thiếm sáu về ba năm rồi không có sanh con. Người xưa có câu “Tam niên vô tử bất thành thê”. Ba năm vợ chồng ăn ở với nhau mà không con thì không còn vợ chồng nữa. Thêm vào đó quan niệm “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” Tội không có con là tội bất hiếu lớn nhứt. Chú Sáu Lầu vì chữ hiếu, phải xa vợ, nhưng chú cũng yêu thương vợ, đâu có thể nói bỏ là bỏ được. Bởi vậy chú gởi thiếm sáu ở đậu trong chái nhà của ba tôi. Rồi chú lén cha mẹ về thăm thiếm Sáu ở lại trong đêm. Chái nhà của ba tôi trở thành điểm hẹn hò, kết nối mối tình dang dở của chú Sáu Lầu. Mỗi ngày má tôi nấu cơm cho hai vợ chồng chú Sáu, tôi dọn cơm và thu dọn chén dĩa sau đó. Tôi thấy chú thiếm nói chuyện với nhau, thiếm khóc thì chú lấy cây đờn kìm đờn, thiếm nghe một hồi thì im không khóc nữa. Tôi nghe đờn, tôi lẩn quẩn đứng đó, chú Sáu thấy vậy, mới hỏi tôi: Mầy muốn học ca học đờn không? Tôi mừng quýnh, nói chú dạy tôi học liền. Vì việc dạy tôi học đờn, học ca, chú Sáu Lầu tới nhà tôi thường hơn, không sợ lời người dị nghị nên có khi ở lại hai ba ngày. Thiếm Sáu cũng biết dán đồ mã, nên giúp việc cho ba tôi. Có lẽ Trời thương không nỡ bắt hai vợ chồng Chú Sáu chia ly hoài nên chú Sáu nhiều lần đến thăm vợ như thăm bẩy, thì Thiếm Sáu ốm nghén. Vợ chồng chú Sáu cho ba má tôi hay tin nầy. Ba tôi nói: Được rồi, để tao đi nói với ba má mầy, rước vợ mầy về bên nhà như hồi mới cưới. Chú thiếm sáu mừng như đang khát nước gặp mưa rào”.
Ông bầu Gánh Hoa Sen,
tức nghệ sĩ Bảy Cao thuật lại chuyện cảnh tình gia đình của ông Sáu Lầu như
sau:
“…Hồi đó chú sáu Lầu bị cha mẹ ruột buộc ông phải để vợ, vì chú sáu cưới thiếm sáu về ba năm rồi không có sanh con. Người xưa có câu “Tam niên vô tử bất thành thê”. Ba năm vợ chồng ăn ở với nhau mà không con thì không còn vợ chồng nữa. Thêm vào đó quan niệm “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” Tội không có con là tội bất hiếu lớn nhứt. Chú Sáu Lầu vì chữ hiếu, phải xa vợ, nhưng chú cũng yêu thương vợ, đâu có thể nói bỏ là bỏ được. Bởi vậy chú gởi thiếm sáu ở đậu trong chái nhà của ba tôi. Rồi chú lén cha mẹ về thăm thiếm Sáu ở lại trong đêm. Chái nhà của ba tôi trở thành điểm hẹn hò, kết nối mối tình dang dở của chú Sáu Lầu. Mỗi ngày má tôi nấu cơm cho hai vợ chồng chú Sáu, tôi dọn cơm và thu dọn chén dĩa sau đó. Tôi thấy chú thiếm nói chuyện với nhau, thiếm khóc thì chú lấy cây đờn kìm đờn, thiếm nghe một hồi thì im không khóc nữa. Tôi nghe đờn, tôi lẩn quẩn đứng đó, chú Sáu thấy vậy, mới hỏi tôi: Mầy muốn học ca học đờn không? Tôi mừng quýnh, nói chú dạy tôi học liền. Vì việc dạy tôi học đờn, học ca, chú Sáu Lầu tới nhà tôi thường hơn, không sợ lời người dị nghị nên có khi ở lại hai ba ngày. Thiếm Sáu cũng biết dán đồ mã, nên giúp việc cho ba tôi. Có lẽ Trời thương không nỡ bắt hai vợ chồng Chú Sáu chia ly hoài nên chú Sáu nhiều lần đến thăm vợ như thăm bẩy, thì Thiếm Sáu ốm nghén. Vợ chồng chú Sáu cho ba má tôi hay tin nầy. Ba tôi nói: Được rồi, để tao đi nói với ba má mầy, rước vợ mầy về bên nhà như hồi mới cưới. Chú thiếm sáu mừng như đang khát nước gặp mưa rào”.
Cao Văn Lầu (1892-1976)
Tập Ích Ban của Vương Có thành lập tại Thốt Nốt Long Xuyên năm
1920, đến năm 1922 trình diễn ở Bạc Liêu, trong Ban nầy có nghệ sĩ Bảy Nhiêu, nghe được bản Dạ Cổ Hoài Lang của
nhạc sĩ Sáu Lầu, ông học ca rồi cùng soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền đưa
điệu ca này vào tuồng hát, được khán giả nhiệt liệt tán thưởng, từ đó bản Vọng
cổ không ngừng cải tiến và sân khấu cải lương nhờ bản vọng cổ càng ngày càng được
khán giả ưa chuộng. Bản Dạ Cổ Hoài Lang chép theo bản do nghệ sĩ Hương Lan ca:
Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau.
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau.
Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Em luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trong tin chàng
Sao nỡ phủ phàng
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Em luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trong tin chàng
Sao nỡ phủ phàng
Chàng là chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm lạt phai
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm lạt phai
Là nguyện cho chàng
Hai chữ an bình an
Trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi.
Hai chữ an bình an
Trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi.
Mời
nghe bản Dạ cổ hoài lang do danh ca Hương Lan trình bày:
Nhạc sĩ Sáu Lầu mất năm 1976, thọ 84 tuổi.
Dẫu sao thì Hát Bội cũng là một nhân tố quan trọng, nếu không muốn
cho đó là nhân tố chính, cùng với Đàn ca tài tử, Ca ra bộ hình thành nên Cải lương,
mặc dù khởi đầu nhờ phụ diễn vào Xiếc, vào Chiếu bóng.
Gánh hát
bội xưa vào cuối thế kỷ 19
Nơi sản sinh ra Cải lương là Mỹ Tho, nhưng nơi cái nôi nuôi dưỡng
cho Cải lương chắp cánh bay cao, bay xa là dãi đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu,
nào là Cao Văn Lầu, Lư Hòa Nghĩa, Bảy Cao, Út Trà Ôn, Thành Được, Hùng Cường, Bà
Năm Sa Đéc, Cô Ba Trà Vinh, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Hương Thủy.
Tóm lại Cải lương là một loại hình nghệ thuật trình
diễn, phát xuất từ nhạc lễ, nhạc cung đình rồi hình thành đàn ca tài tử vào cuối
thế kỷ 19, dần dần biến cải sang Ca ra bộ vào khoảng năm 1915, cuối cùng là cải
lương năm 1918, nhưng được hoàn chỉnh vào năm 1922 sau khi có bản Dạ cổ hoài
lang của Sáu Lầu được soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền và nghệ sĩ Bảy Nhiêu
đưa lên sân khấu Tấn Ích Ban trình diễn.
Tài liệu tham khảo:
- Vương Hồng Sển Lịch sử
hình thành Cải lương Web: http://diendan.cailuongso.com
- Nguyễn Đức Hiệp Tuyển tập Nguyễn Đức Hiệp. Blog: Nam Kỳ Lục Tỉnh
- Nguyễn Đức Hiệp Tuyển tập Nguyễn Đức Hiệp. Blog: Nam Kỳ Lục Tỉnh
866406042018
Bài viết rất mạch lạc và có nhiều thông tin quý giá, xin cảm ơn và xin chia sẻ về để nhiều người cùng được đọc ạ <3
ReplyDeletenhững hình ảnh nói về sự phát triển của cải lương những năm trước. Ngày nay thì cảm giác có sự mai một lớn, nhiều nghệ sĩ đi đóng phim thay vì hát
ReplyDelete