Pages

Sunday, April 15, 2018

Tìm hiểu về Cải Lương 3 (tiếp theo)


Soạn giả tuồng cải lương


Cùng thời với soạn giả tiền phong Mạnh Tự Trương Duy Toản, Trần Phong Sắc và Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, có các ông Giáo Quyển, Giáo Chức và ông Tư Quốc soạn giả của gánh hát Tân Phước Nam của ông thầy thuốc Minh ở Sóc Trăng, ông Mười Giảng Nguyễn Công Mạnh, ông Lâm Hoài Nghĩa, Nguyễn Quốc Biểu, ông Phạm Công Bình, Châu Hồng Đào, Trần Quang Hiển, Lê Quang Hộ, Ngô Văn Nghị, Đoàn Quan Tấn, ông Hồ Văn Trung tức nhà văn Hồ Biểu Chánh, ông Lê Quang Liêm tức đốc phủ Bảy, ông Trần Chánh Chiếu…

Các ông kể trên đều là những soạn giả đã viết những tuồng cải lương trong các năm từ 1918 đến 1924. Đó là những nhà trí thức học giả, có ông là giáo sư trường Chasseloup Laubat Saigon, có ông làm tới chức Đốc Phủ Sứ, có ông vừa là công chức của Ty Soái Phủ vừa là nhà văn hữu danh.

Các ông soạn những tuồng lịch sử Việt Nam như Gia Long Tầu Quốc, Pháp Việt Nhứt Gia, Giọt Máu Chung Tình tức Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà… , tuồng xã hội như Tham Phú Phụ Bần, Tối Độc Phụ Nhơn Tâm… tuồng Việt Nam theo các tích truyện xưa như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Thúy Kiều – Kim Trọng, Lâm Sanh Xuân Nương, Lưu Bình Dương Lễ… tuồng theo tích truyện Tàu : Phụng Nghi Đình, Châu Mãi Thần Ly Thê, Thái Sư Văn Trọng, Mổ Tim Tỷ Can, Thôi Tử Thí Tề Quân…


Cho nên soạn giả trước tiên được đề cập đến, không ai khác hơn là ông Mạnh Tự Trương Duy Toản, kế tiếp là Trần Phong Sắc và Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, sau đó sẽ đề cập tới các soạn giả nối tiếp Nguyễn Trọng Quyền, họ có những vở hát còn được nhắc nhở, lưu truyền cho đến ngày nay và mai sau, sẽ được ghi vào dòng lịch sử Cải lương.

Trương Duy Toản


Mạnh Tự - Trương Duy Toản (1885-1957)

Ông Trương Duy Toản sinh năm Ất Dậu (1885) tại huyện Tam Bình, nay thuộc xã Tân An Hội, huyện Mang Thít, Tỉnh Vĩnh Long. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán, sau chuyển sang học chữ Quốc ngữ và Pháp ngữ ở Sàigòn.

Năm 1905, ông ra trường làm Kinh lịch tại văn phòng tòa Khâm sứ Nam Vang, Campuchia.

Năm 1907, ông đổi về Sàigòn. Tại đây, ông tham gia Hội Minh Tân do Trần Chánh Chiếu đứng đầu.

Để cổ động mọi người hưởng ứng phong trào Minh Tân, đồng thời phản đối việc chính quyền thực dân truất phế vua Thành Thái, ông viết một bài ca theo điệu "tứ đại cảnh" rồi cho đăng trên báo Lục tỉnh tân văn số 24 ra ngày 30 tháng 4 năm 1908.

Sau đó, ông sang Nhật Bản hoạt động trong phong trào Đông Du, làm thư ký cho hai nhà cách mạng là Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để.

Tháng 9 năm 1908, để làm tan rã phong trào này, Pháp ký hiệp ước với Nhật Bản. Theo đó, Nhật Bản sẽ không cho các nhà cách mạng và lưu học sinh Việt Nam ở đất nước của họ nữa. Do đó, một số phải sang Trung Quốc, một số phải trở về nước, trong đó có Trương Duy Toản.

Năm 1910, ông cho xuất bản quyển tiểu thuyết Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân và gây được tiếng vang. Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, ông viết truyện này trong khoảng thời gian ông đang là một thành viên nồng cốt của Việt Nam Quang phục hội ở Nam Kỳ

Năm 1913, Trương Duy Toản bí mật đến Thượng Hải tìm gặp Cường Để. Gặp lúc nhà cách mạng này đang gấp rút khởi hành sang Châu Âu để vừa tránh bị cảnh sát Hương Cảng khủng bố, vừa để tìm gặp các nhà yêu nước ở bên ấy, Trương Duy Toản bèn đi theo để làm thông dịch viên.

Đến Paris, Trương Duy Toản nhận sứ mệnh gặp Phan Châu Trinh, nhờ đưa thư Cường Để lên chính phủ Pháp phê phán chính sách thuộc địa ở Đông Dương. Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, thì khi Trương Duy Toản ở đây, nhờ tiếp xúc với Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, vừa từ Sàigòn về Pháp để gặp Cường Để, mà biết được ý định của Pháp là muốn bắt giữ Cường Để, nên vị hoàng thân này đã kịp trốn về Trung Quốc, chỉ có ông Toản và Đỗ Văn Y thì bị Pháp bắt được, đưa đi quản thúc tại Pyrénées, rồi giam vào ngục Santé Prison de la Sant. Khoảng năm 1916, Trương Duy Toản bị trục xuất về nước, rồi bị nhà cầm quyền Nam Kỳ đưa xuống an trí ở làng Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ.

Trong những ngày bị quản chế, ông sáng tác các bài ca cho ban nhạc tài tử Ái Nghĩa để ca trong các thôn xóm. Nghe tiếng ông, nhóm Sa Đéc - Amis của ông bầu Trần Văn Thận, còn được gọi là André Thận, có nhờ ông soạn các bài liên ca như "Bùi Kiệm thi rớt trở về", "Kim Kiều hạnh ngộ" phổ theo điệu tứ đại oán để trình diễn. Đấy chính là các bài ca ra bộ, tức là lối kể chuyện bằng lời ca có kèm điệu bộ để minh hoạ nội dung, ra đời năm 1917.

Được người dân ưa thích, ông tiến thêm một bước nữa là soạn hẳn thành vở cải lương, đó là ba vở: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều (hồi 1) và Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu; trong đó "vở Kim Vân Kiều là vở ăn khách nhất của gánh thầy Năm Tú" lời của nghệ sĩ Ba Vân.

Thấy đối phương đã ít theo dõi mình, lại được sự giúp đỡ của Trần Chánh Chiếu và Nguyễn Văn Của, một ông chủ nhà in được nhà cầm quyền Pháp nể trọng, Trương Duy Toản bèn trở lại nghề báo.


Năm 1918, ông Châu Văn Tú thành lập "Gánh hát cải lương Châu Văn Tú", ông Trương Duy Toản được mời đảm nhiệm chức “Thầy Tuồng” tức soạn giả kiêm đạo diễn cho gánh hát nầy.

Năm 1919, Trương Duy Toản viết cho tờ Thời vụ báo ở Sàigòn. Năm 1924, ông làm chủ bút tờ Trung Lập (đồng thời giữ mục "Thiên hạ đồn" được nhiều người đọc) cho đến 1933.

Năm 1930, ông viết cho tờ Sài Thành. Sau khi tờ này bị đóng cửa, năm 1936, ông chủ trương tờ Dân quyền, do Cendsieux đứng tên xin thành lập, nhưng rồi bị tịch thu ngay từ số đầu vì có bài vận động cho Đông Dương đạị hội.

Những năm kháng chiến chống Pháp 1946 đến 1954, ông sống tại Sàigòn với nghề làm báo. Năm 1955, ông viết một hồi ký Phong trào cách mạng trong Nam Kỳ, đăng liên tiếp trên tuần báo Tiến thủ của Lê Văn Thử với bút hiệu Đổng Hổ. Đây là tác phẩm cuối cùng của ông.

Cuối đời, ông về an dưỡng ở khu Thanh Đa, Sàigòn. Năm 1957, Trương Duy Toản mất, thọ 72 tuổi, được đưa về an táng tại quê nhà Tam Bình, Vĩnh Long.

Tác phẩm:

Về văn, các tác phẩm chính của Trương Duy Toản, có:

- Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi, F.H.Schneider xuất bản, Sàigòn, 1910. Theo Nguyễn Huệ Chi thì cốt truyện ly kỳ nhưng cách kể quá vắn tắt, nhiều chỗ còn sáo và biền ngẫu.
- Truyện Đơn Hùng Tín An Nam tục kêu Ba Tính (truyện. Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1925). Theo Bằng Giang thì ở đây ông đã dựng lại chân dung của một đại ca phản phất hình ảnh của nhóm anh hùng Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử.
- Phong trào cách mạng trong Nam (hồi ký, 1956).

Về tuồng, có:

- Kim Vân Kiều.
- Lục Vân Tiên.
- Trang Châu mộng hồ điệp.
- Hạnh Nguyên cống Hồ.
- Trang Tử cổ bồn ca.
- Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu
(đã diễn, sau in thành sách năm 1930).

Trích bài ca:

Bản Tứ-Đại lớp đầu
Kiệm từ khi thi rớt trở về,
Bùi ông mắng nhiếc nhún trề:
Cũng tại mầy ham bề vui chơi,
Kiệm thưa: Tài bất thắng thời.
Con dễ nào không lo bề công danh,
Tuổi con còn xuân xanh.
Cái ơn mẹ cha, con chưa đáp đền, đó cha ôi!



Trần Phong Sắc



Trần Phong Sắc - Trần Đình Diệm (1873-1928)

Soạn giả Trần Phong Sắc tên thật là Trần Đình Diệm bút danh Đằng Huy tự Phong Sắc, sanh năm 1973 tại làng Bình Lập, Tân An. Ông sinh ra trong một gia đình thuộc dòng họ Trần có học vấn, gốc ở Gò Công. Lớn lên trong  buổi giao thời khi Nho học đang tàn lụi và Tây học mới hình thành ở miền Nam, ông chịu ảnh hưởng gia đình thông thạo cả chữ Hán và chữ quốc ngữ.

Ông là thầy giáo dạy môn luân lý ở Trưòng Sơ học tỉnh Tân An. Ông ăn chay trường, tu theo đạo Phật, soạn Kinh sách nhà Phật, ông viết sách, dịch truyện Tàu, tham gia cộng tác với báo Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn.

Tác phẩm dịch đầu tay của ông là Truyện Nhạc Phi cùng dịch với Phụng Hoàng San in năm 1905. Ông dịch khoảng trên 50 truyện Tàu.

Khi phong trào lập gánh hát nổi lên vào thập niên 1910, Trần Phong Sắc cùng với Mạnh Tự Trương Duy Toản và Nguyễn Trọng Quyền là ba soạn giả danh tiếng thời bấy giờ.

Khi gánh Đồng bào Nam của bà Tư Sự, ở Mỹ Tho ra đời giữa năm 1919, ông Trần Phong Sắc, được mời về làm Thầy tuồng, ông soạn các vở hát: Tham phú phụ bần, Cô ba lưu lạc, Bội thê thiên xử…

Vào cuối năm 1919, Tân Hưng Ban của ông Hai Hia ở Cần Thơ được thành lập, ông Trần Phong Sắc được mời về làm thầy tuồng cho Ban nầy.

Ông là soạn giả của những tuồng hát:

- Bội thê thiên xử.
- Cô ba lưu lạc.

- Hạng Võ biệt Ngu Cơ.

- Nguyệt Kiểu xuất gia.
-
Tham phú phụ bần…

Ông mất năm 1928, tương truyền rằng do một trận hỏa hoạn gây ra, phát sanh tại nhà ông. Ông thọ 55 tuổi.
 

Nguyễn Trọng Quyền

Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền (1876-1953)

Ông Nguyễn Trọng Quyền bút danh Mộc Quán, sinh năm Đinh Sửu (1876), tại làng Thạnh Hòa, xã Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên, nay thuộc tỉnh Cần Thơ, con của ông Nguyễn Văn Tường và bà Trương Thị Thạnh.

Lúc nhỏ, ông học hết chương trình Tiểu học, rồi ở nhà học chữ Nho với cha và tự học thêm Pháp văn. Ông làm thư ký cho hãng rượu nếp hiệu Phước Hiệp do ông Vương Thiệu (Năm Tiệm) làm chủ. Ông Quyền rất giỏi tiếng Tiều. Ông Vương Thiệu nguyên là một nghệ sĩ đoàn hát Tiều giải nghệ để kinh doanh nghề nấu rượu nên trong những cuộc tiệc nội bộ của hãng rượu Phước HIệp, ông Vương Thiệu rước đoàn hát Tiều về hát cho công nhân xem. Ông Nguyễn Trọng Quyền nhân các dịp đó, làm quen với các kép hát Tiều, học đờn cò và học hát.

Năm 1903, lúc ông được 27 tuổi, ông sáng tác thơ tuồng để dạy con cháu cách cư xử ở đời như thơ Thoại Bạch Viên (còn gọi là thơ Chệt Xuội), Trùng Ma Phụ Giám và Xử Hạnh Ca.

Năm 1916, ông Vương Có, con của chủ hãng rượu Phước Hiệp, nhân thấy nhiều chủ bầu các gánh hát ở Tiền Giang và Hậu Giang làm giàu mau lẹ nhờ gánh hát rất đông khách nên ông xin cha ông giúp vốn lập ra đoàn cải lương Tập Ích Ban. Ông Nguyễn Trọng Quyền, thơ ký của hãng rượu Phước Hiệp được mời làm thầy tuồng.

Gánh hát Tập Ích Ban (1921) được tổ chức rập khuôn theo một gánh hát Tiều, soạn giả Nguyễn Trọng Quyền lấy bút danh là Mộc Quán. Các nam nữ diễn viên đều được đặt cho nghệ danh theo tên người Hoa như nghệ sĩ Bảy Nhiêu thành tên Lâm Sinh, cô Sáu Trâm thành tên Ngọc Xoa, nghệ sĩ Tư Thới thành tên Dương Hòa, Hai Hiến thành tên Kiều Mị, Hai Hí thành tên Song Hỷ…

Suốt 7 năm làm thầy tuồng gánh hát Tập Ích Ban, ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền đã viết 27 tuồng dựa theo cốt truyện Tàu, dã sử Việt Nam và xã hội mà một số lớn các di cảo còn được nghệ sĩ Phùng Há gìn giữ như tuồng Châu Trần Tiết Nghĩa, Tây Sương Ký, Thố Nhận Oan Ương và tuồng Bội Phu Quả Báo , sáng tác phẩm của ông Phạm Công Bình năm 1923, được ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền nhuận sắc năm 1924.

Sau khi nghe Bảy Nhiêu ca bản Dạ cổ hoài lang của Sáu Lầu, Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền đã đưa bản Dạ cổ hoài lang vào vở “Bội phu quả báo”. Vở cải lương nói về cô Lý Ngọc Thơ tham giàu mà phụ nghĩa tào khang. Đoạn Lý Ngọc Thơ ân hận, tự trầm xuống suối, soạn giả Mộc Quán đã cho cô ca 20 câu theo bản “Dạ cổ hoài lang” với lời ca mới như sau:

1. Nhìn rày, kia khe đá
2. Phần số khiến có đau phiền
3. Vì xưa phối duyên Khôn – Tuyền
……………………..…
19. Tỉnh ngộ lấy lương tâm này
20. Khuyên khá đừng bội phu, bớ ai!

Nhờ có học hát Tiều và nghiên cứu lối hát Hí Khúc Trung Quốc, ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền đứng ra tập các tuồng Tàu của ông sáng tác, ông chỉ dạy cho các nghệ sĩ những lối múa theo tuồng Tàu, cách dâng rượu, múa thương, múa đao đến các nghi thức diễn các lớp vào triều, tư thế của tiểu thư, mệnh phụ hay các văn quan võ tướng. Lớp lang, điệu hát, điệu múa ăn khớp với lời ca, bài hát do ông soạn khiến cho các nghệ sĩ lãnh hội được một lối hát mới, thoát khỏi những gò bó khi còn trong thời kỳ Ca Ra Bộ.

Năm 1928, ông Nguyễn Trọng Quyền được ông Bầu Lê Phước Georges và nữ nghệ sĩ Phùng Há mời về làm thầy tuồng cho gánhn hát Huỳnh Kỳ. Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền đã viết 12 tuồng cho gánh hát Huỳnh Kỳ.

Năm 1929, ông được mời về làm thầy tuồng cho gánhn hát Hữu Thành của ông bầu Nguyễn Bá Phương ở Thốt Nốt. Ông đã viết 5 tuồng cho gánh hát Hữu Thành.

Năm 1935, ông Nguyễn Bữu ở Trà Vinh và cô Phùng Há lập ra gánh hát Phụng Hảo 3, mời ông Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng. Ông Quyền đã viết 7 tuồng cho gánh hát Phụng Hảo 3 mà hai vở tuồng San Hậu và Phụng Nghi Đình đến nay vẫn được nhiều đoàn hát khác đem ra sử dụng.

Năm 1937, gánh hát Hữu Thành tái sinh và gánh hát Kỳ Quan của ông Năm Hý ở Thốt Nốt thành lập. Hai gánh hát nầy mời ông Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng chung cho hai gánh hát. Thời gian này ông Quyền sáng tác 17 tuồng.

Năm 1939, ông Quyền làm thầy tuồng cho gánh hát Ngự Bình của Bầu Tư Thới, ông đã sáng tác 8 vở tuồng Tàu và dã sử cho đoàn hát Ngự Bình.

Năm 1952, ông Châu Văn Sáu tức Bầu Nhơn cùng với cô Phùng Há lập đoàn cải lương Phụng Hảo 4. Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền viết một vở tuồng, lấy nước Nhựt làm bối cảnh cho câu chuyện, tựa tuồng là Luống Cày Rướm Máu. Tuồng nầy được hát một tuần lễ tại rạp Nguyễn Văn Hảo, kế đó phải tạm ngưng vì ông bầu Châu Văn Sáu và cô Phùng Há được tin là ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền bị đứt mạch máu não, đưa vào nhà thương Châu Đốc và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21 tháng 9 năm Quý Tỵ (1953). Thọ 77 tuổi.

Cô Phùng Há, ông bầu Châu Văn Sáu, nghệ sĩ Năm Châu, Bảy Nhiêu, Năm Phỉ, Ba Vân, Từ Anh, Kim Cúc, Kim Lan về Thốt Nốt dự lễ an táng ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền tại xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt. Cô Phùng Há đứng ra xây một ngôi mộ cho ông tại ấp Phụng Thạnh 2, xã Trung Nhứt vì cô Phùng Há vừa là đệ tử, vừa là dưỡng nữ của ông Mộc Quán.

Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng được 50 năm, sáng tác được 85 vở tuồng cải lương nổi danh. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ và viết nhiều thể loại với các bút danh Mộc Quán, Thốc Sơn, Hưng Hoành, Cái Sơn Bô Lão.

Ngoài 85 tuồng cải lương, ông còn sáng tác 7 tập thơ tuồng, 12 tập sách dạy con cháu cách xử sự ở đời và trên 100 bài thơ các loại. Ngoài tác phẩm Trùng Ma Phụ Giám, ông còn viết Phu Thê Ngôn Luận và 113 câu hát đối đáp. Số sáng tác phẩm của ông vừa được kể ra, hiện nay đã được tái bản và lưu giữ nơi các cơ quan văn hóa của tỉnh Cần Thơ. Các tuồng có bút tích của ông Mộc Quán hiện được cô Phùng Há cất giữ.

Các nghệ sĩ cải lương hậu bối ngày nay đều tôn vinh cụ Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền là một vị Hậu Tổ của Cải Lương.

Nguyễn Tri Khương

Nguyễn Tri Khương (1890-1962)

Soạn giả Nguyễn Tri Khương sinh năm 1890, người làng Đông Hòa, tổng Thuận Bình, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông nội ông là danh thần Nguyễn Tri Phương. Thân phụ ông là ông Nguyễn Tri Túc, là một điền chủ của tỉnh Mỹ Tho, từng giữ chức Ủy viên hội đồng tỉnh, thích bắn súng hơi, chụp hình nghệ thuật, từng được bằng danh dự do Hội Nhiếp ảnh chuyên nghiệp bên Pháp trao tặng. Ông là con thứ 4 trong gia đình, vì vậy còn được gọi là Năm Khương theo thông lệ Nam Bộ.

Sinh thời, ông Hội đồng Nguyễn Tri Túc được dân gian xem là người hào hoa phong nhã, giúp đỡ người nghèo, khắp làng xã, ai ai cũng thương yêu, quý chuộng. Ông Hội đồng cũng thường tổ chức những buổi đờn ca tài tử tại nhà với sự tham gia của những nghệ sĩ tài tử nổi tiếng đến từ Cần Đước, Cần Thơ và nhiều tỉnh xa; nuôi nghệ sĩ tài tử trong nhà để truyền ngón, truyền nghề cho hai người con trai.

Ông là cậu ruột của Giáo sư Trần Văn Khê.

Do ảnh hưởng giáo dục của thân phụ, ông Năm Khương, vốn được đánh giá là thông minh đỉnh ngộ từ nhỏ, tiếp thu được cả Nho học và Tây học. Ông không chỉ được xem là văn hay chữ tốt, học võ cũng được thầy khen. Ngoài ra, ông cũng tinh thông về lễ nhạc truyền thống, đặc biệt là ngón thổi sáo được cho là thiên phú, có hơi thổi vừa dài, vừa mạnh.

Nhờ giáo dục cơ bản toàn diện, năm 20 tuổi, ông đi theo nghiệp giáo làng, dạy vỡ lòng cho các trẻ em trong vùng. Tương truyền năm 1920, khi em gái thứ 7 của ông, tục gọi là bà Tám Dành đang mang thai, ông đã sang nhà thông gia xin phép đưa em gái về để hàng ngày thổi sáo cho bào thai nghe. Đứa trẻ đó chính là giáo sư Trần Văn Khê nổi tiếng sau này.

Năm 1926, khi gánh hát Đồng Nữ Ban của bà Trần Ngọc Viện, tục gọi là cô Ba Viện, cựu giáo sư trường nữ sinh Áo Tím được thành lập, ông được mời viết vở tuồng mới chuyển thể quyển tiểu thuyết Giọt máu chung tình của nhà văn Nguyễn Hữu Ngởi, tức Tân Dân Tử, ra thành vở cải lương mang tên là Giọt lệ chung tình. Đồng thời ông được mời tham gia vào dàn nhạc của gánh cải lương vì chẳng những ông thổi sáo hay, ông lại còn biết sử dụng đờn cò, đờn kìm và kể cả đánh trống. Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều bài bản đờn ca tài tử mới như Yến tước tranh ngôn là chim én tranh luận với chim sẻ, theo hơi Bắc; Phong suy tịch liễu  là gió lay cành liễu rũ, theo hơi Xuân nữ, tiết tấu nhanh; Thất trĩ bi hùng là chim trĩ buồn lẻ bạn, theo hơi Ai.

Khoảng giữa năm 1928, lần đầu tiên gánh hát Đoàn Nữ Ban ra mắt khán giả vở Giọt lệ chung tình, diễn tại cầu Ba Lung, xã Vĩnh Kim, được nhân dân háo hức cổ vũ. Vở diễn khá dài, diễn trong khoảng 5 giờ đồng hồ mới kết thúc, do đó phải hát đến hai đêm. Dù gánh Ðồng Nữ Ban ngưng hoạt động từ lâu và soạn giả cũng đã thành người thiên cổ, bút tích kịch bản Giọt lệ chung tình vẫn được lưu lại cho đến ngày nay.

Tương truyền, thay cho thông lệ bấy giờ, mở đầu gánh hát là đào kép đứng hết trên sân khấu đồng ca bài La Madelon, sau khi hết tuồng các gánh hát khác phải đồng ca bài La Marseillaise. Riêng ở Đồng Nữ Ban, ông đặt một bài ca cảm ơn khán giả và hẹn gặp trong đêm sau, viết theo bản Long hổ hội. Tất cả lời đối thoại trong tuồng đều mang tính chất văn chương rõ rệt. Các câu nói lối Xuân, lối Ai đều viết theo lối văn biền ngẫu, nội dung nhiều đoạn rất mạnh, nói lên tâm tư của dân tộc Việt Nam lúc đó đang có tinh thần chống chính sách đô hộ thuộc địa.

Sau thành công của Giọt lệ chung tình, ông tiếp tục dàn dựng thêm hai vở mới là Hiệp tình quân tửBên nghĩa bên tình. Gánh Đồng Nữ Ban lưu diễn nhiều nơi như Mỹ Tho, Bến Tre, Cao Lãnh, Cần Thơ, Rạch Giá, Thủ Dầu Một, Sàigòn… Do thành viên lãnh đạo của gánh hát từng liên can đến hồ sơ quốc sự, cũng như nội dung mang tinh thần dân tộc rất rõ ràng, chính quyền thực dân tìm mọi cách ngăn cản và ra quyết định cấm gánh hát hoạt động.

Sau khi gánh hát tan rã, ông trở về làng Đông Hoà và lo trồng lúa trong vùng đồng phèn, trồng cây ăn trái trong khu vườn xung quanh nhà và tiếp tục dạy học cho trẻ em trong làng. Do uy tín của mình, ông được dân làng bầu vào ban Hội tề, lần lần được lên chức Hương sư rồi Hương cả. Vì vậy, cuối đời ông được người dân trong làng thường gọi là ông Cả Năm.

Những năm cuối đời, ông vẫn tiếp tục sáng tác những bài ca và những vở kịch nhỏ như những bài Túy tửu lạc ngôn là Say rượu nói bậy, Hồ điệp xuyên hoa là Con bướm vờn hoa, Non sông một chèo..., hầu hết mang nội dung truyền bá chữ quốc ngữ. Thậm chí, ông còn lên Sài Gòn đóng phim, thường là những vai nông dân già, hoặc tham gia thổi ống tiêu làm nhạc nền cho phim. Ông còn giúp người cháu ruột Trần Văn Khê hoàn thành luận án Tiến sĩ bằng cách cung cấp tư liệu sống động về lịch sử của âm nhạc tài tử miền Nam.

Ông qua đời tại quê nhà vào năm 1962. Thọ 72 tuổi. Ông là lớp soạn giả tiền phong, soạn những vở tuồng tích Việt Nam, làm nền tảng cho những vở tuồng xã hội sau nầy.

Năm Châu

Năm Châu - Nguyễn Thành Châu (1906-1978)

Ông Năm Châu, tên thật Nguyễn Thành Châu, sinh ngày 9 tháng 1 năm 1906, tại tổng Thuận Trị, làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Thân phụ của ông là một công chức Tòa Bố, tỉnh Mỹ Tho, vì làm mếch lòng Tỉnh trưởng nên bị thuyên chuyển ra làm việc ở đảo Phú Quốc, tỉnh Rạch Giá.

Lúc Năm Châu học năm thứ hai Ban Thành Chung trường Trung học Mỹ Tho, nhân dịp nghỉ hè, ông ra Phú Quốc thăm cha. Đến ngày tựu trường, vì bão tố, tàu bè không trở về đất liền kịp ngày nhập học, ông bị trễ nên bị cúp học bổng và bị đuổi. Gia đình định cho ông tiếp tục học ở trường Taberd, nhưng ông quyết định tự lập, theo nghiệp cầm ca, gia nhập gánh hát thầy Năm Tú năm 1922.

Từ năm 1922-1924, ông hát cho đoàn hát thầy Năm Tú, diễn các tuồng Bùi Kiệm Nguyệt Nga, Trang Tử thử vợ, Thúy Kiều – Kim Trọng, Lục Vân Tiên…

Từ năm 1925 -1928, nghệ sĩ Năm Châu tham gia đoàn hát Tái Đồng Ban của ông Bầu Hai Cu, chủ tiệm vàng ở Mỹ Tho.

Đại đa số đào kép mà ông bầu Hai Cu quy tụ dưới bảng hiệu Tái Đồng Ban là dân Mỹ Tho, trước đó là người đã cộng tác với gánh Nam Đồng Ban, cũng do ông làm bầu. Vì con trai của ông Hai Cu là kép chính Hai Giỏi chết, Hai Giỏi là người chồng đầu tiên của nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ. Khi Hai Giỏi bị bịnh mất, cô Năm Phỉ buồn quá, bỏ gánh hát mà đi nên ông Hai Cu cho rã gánh hát Nam Đồng Ban. Năm sau, ông lấy xác gánh Nam Đồng Ban, thành lập Tái Đồng Ban với thành phần đào kép như: Phùng Há, Ba Nhàn, Ba Liên, Ba Điều, Tư Nhỏ, Sáu Trâm, Sáu Tỵ, và Năm Châu, Tám Mẹo, Ba Du, Tư Út, Từ Anh, Hai Ngởi, Hai Bông, Bảy Nhiêu, Tư Thới. Tư Chơi - Huỳnh Thủ Trung gia nhập Tái Đồng Ban với tư cách là nhạc sĩ đàn đoản.

Cô Sáu Trâm là người Hoa lai Việt (Triều Châu), quê ở Thốt Nốt, Long Xuyên.

Sáu Trâm thủ vai Bạch Thu Hà và Năm Châu, vai Võ Đông Sơ tuồng Giọt máu chung tình là cặp đào kép ăn khách nhất lúc bấy giờ. Sáu Trâm ca, diễn theo lối hát Tiều, ảnh hưởng cũ của gánh Tập Ích Ban, nhiều động tác tượng trưng "tả ý" như lối hát bội. Năm Châu phải chỉ dẫn, tập luyện lại cho Sáu Trâm để khi ca, diễn chung, ăn ý, rặp ràng với nhau.

Khi Năm Châu và Sáu Trâm trở thành cặp đào kép diễn xuất ăn khách nhất thì mối tình đầu nảy nở, Năm Châu và chị Sáu Trâm trở thành cặp vợ chồng xứng lứa vừa đôi nhất trong giới nghệ sĩ cải lương lúc bấy giờ.

Lúc đó, trong Tái Đồng Ban, cô Phùng Há ca diễn và sắc vóc đẹp hơn cô Sáu Trâm nên vô tình đẩy cô Sáu Trâm xuống hàng “đào nhì”. Năm Châu lại tỏ ra quá quyến luyến, chỉ lo dạy cho cô Phùng Há nên cô Sáu Trâm ghen, buồn duyên tủi phận, âm thầm rời gánh hát đột ngột. Năm Châu và nhiều bạn bè của anh đổ xô đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng bặt mất dạng cô Sáu Trâm.

24 năm sau, có người gặp lại cô Sáu Trâm ở Thốt Nốt, cô tâm sự: “Lúc đó, tôi ghen quá, trở về quê nhà ở Long Xuyên, cũng có ý đợi “ảnh” xuống rước trở lên gánh hát. Nhưng rồi “ảnh” mê sân khấu hơn vợ nhà. “Ảnh” theo gánh hát miết. Tôi cũng không thể tự mình trở lại gánh hát, thành ra tôi ở với má tôi. Khi biết anh Năm Châu sống chung với cô Tư Sạng và có với nhau một đứa con, tôi trở lại nghề hát, trong lòng nuôi ý định là sẽ hát hay hơn chị Phùng Há hay cô Tư Sạng, đó là vì tự ái nghề nghiệp và cũng là cái ý ganh tỵ của một người đàn bà, muốn làm cho mình đẹp hơn, giỏi hơn tình địch của mình.

Tôi đi theo gánh hát Văn Hí Ban, rồi gia nhập lại gánh hát Tập Ích Ban 2, nhưng tôi càng ngày càng hiểu rõ là khi một người đàn ông đã bỏ vợ, có thêm một người vợ khác, đẹp hơn, giỏi hơn người vợ cũ thì người cũ khó bề giành lại được chồng mình. Nhất là trong nghề ca hát, nếu không có thầy tuồng nâng đỡ, dìu dắt, không có bạn đồng diễn đồng sắc, đồng tài thì diễn viên khó có thể thành công lớn. Nghĩ vậy nên tôi giải nghệ, không theo gánh hát nữa, tôi trở về Long Xuyên, giúp má tôi trong việc buôn bán”.

Tình cảm giữa đôi diễn viên trai tài gái sắc Năm Châu –Phùng Há vừa chớm nở thì ông thầy đờn kiêm soạn giả Tư Chơi đến trước một bước, ông sống chung với cô Phùng Há và có đứa con gái đầu lòng năm 1927, đặt tên là Bửu Chánh. Hai năm sau, cuộc tình duyên nầy tan rã, ông Tư Chơi rời gánh hát Tái Đồng Ban, cô Phùng Há về Hạc San bên Tàu thăm quê nội, gởi con gái Bửu Trân cho em ruột của cô là Trương Liên Hảo dưỡng nuôi. Chồng của Liên Hảo họ Lý, cải họ cho dưỡng nữ là Lý Bửu Trân.

Do Phùng Há gá nghĩa với Tư Chơi, nên năm 1928 Năm Châu sánh duyên cùng cô Tư Sạng, khi 2 người đang cùng hoạt động trong gánh hát Tái Đồng Ban, họ có 5 người con:

- Nguyễn Thành Văn (trưởng nam), chủ rạp hát bóng Tây Đô tỉnh Cần Thơ, trước 1975.
- Nguyễn Ngọc Bê đã đi tu.
- Nguyễn Trúc Thanh, tập kết ra Bắc, nay đã về hưu.
- Nguyễn Thanh Hương (1936-1974), tức nữ nghệ sĩ danh ca Thanh Hương, nổi tiếng qua bài vọng cổ Cô Bán Đèn Hoa Giấy, vợ của danh hề Văn Chung, sau s
ống chung với Hùng Minh. N ăm 1963, họ thành lập gánh cải lương Thanh Hương - Hùng Minh.
- Nguyễn Thanh Trúc tự Antoinne, thành viên đoàn Việt Kịch Năm Châu và đoàn cải lương Saigon 1, chồng của nữ diễn viên Kiều Trúc Phượng (đoàn cải lương Saigon 1).

Từ năm 1929 đến năm 1932, thời gian nghệ sĩ Năm Châu cộng tác với gánh hát Huỳnh Kỳ, anh đã sáng tác được các tuồng Tội của Ai, Ngọn Cờ Hiệp Sĩ, (1927), Tiếng Nói Trái Tim (1928 ), Bằng Hữu Binh Nhung (phóng tác tiểu thuyết Les trois mousquetaires của Alexandre Dumas fils), Hồn Chinh Phụ (1930), Mộng Hoàng Công Chúa, sau đổi tựa là Huyền Châu Nữ, hai vở nầy hợp soạn với soạn giả Tư Trang, Túy Hoa Vương Nữ, phóng tác theo truyện Marie Tudor của Victor Hugo,và hai vở kịch Tố Hoa Nương, Đêm Không Ngày. Vở Đêm Không Ngày sau viết thành tuồng cải lương Đêm Dài Vô Tận.

Năm 1932, Năm Châu gia nhập gánh hát Trần Đắc của ông Bầu kiêm đại điền chủ Trần Đắc Nghĩa ở Cần Thơ. Sau đó Phùng Há cùng gia nhập gánh hát nầy.

Trên sân khấu Trần Đắc, trong khi soạn giả Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi tiếp tục sáng tác những vở tuồng tình cảm xã hội như Khúc Oan Vô Lượng, Lở Tay Trót Đã nhúng chàm, Tôi Xin Chừa, Hai Mặt còn Trơ, Ai Là Bạn Chung Tình, Em Muốn Tự Do, thì soạn giả Nguyễn Thành Châu tức nghệ sĩ Năm Châu mở một hướng sáng tác mới. Anh tung ra một loạt tuồng phóng tác theo các tiểu thuyết nổi tiếng hay các vở kịch kinh điển của văn học Pháp như Giá Trị và danh dự (phóng tác Le Cid của Pierre Corneille), Bằng Hữu Binh Nhung (Les trois mousquetaires của Alexandre Dumas fils), Áo Người Quân Tử ( L’homme en habit), Túy Hoa Vương Nữ (Marie Tudor của Victor Hugo), Miếng Thịt Người (Le marchand de Venise), Gió Ngược Chiều (Ruy Blas), Tơ Vương Đến Thác (La dame aux camélias)…

Năm 1935, ông Ngô Văn Mạnh, tự Năm Mạnh thành lập hãng dĩa ASIA. Ông Năm Mạnh ký giao kèo độc quyền với cô Tư Sạng và đã tung ra thị trường bộ dĩa tròng kim nhũ chữ đen với nhan đề là Trảm Trịnh Ân, Đào Tam Xuân báo phu cừu do các danh ca Tư Xe và Tư Sạng ca. Năm 1937, cô Tư Sạng bỏ Năm Châu về với ông Năm Mạnh.
Tháng 3 năm 1946, nhóm nghệ sĩ chuyên nghiệp gồm Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Duy Lân, Tư Út, Từ Anh, Hai Tiền, Ba Thâu, Sáu Ngọc Sương lấy xác gánh Nam Phương để thành lập “Nhóm con Tằm”. “Nhóm con Tằm” thu hút thêm nhiều nghệ sĩ tài danh như Bảy Nhiêu, Năm Nở, Tư Chơi, Năm Phỉ, Bảy Nam, Kim Thoa, Kim Cúc, Kim Lan…

Người vợ thứ ba của Năm Châu là nữ nghệ sĩ Kim Cúc, con gái lớn của nghệ sĩ tiền phong Bảy Nhiêu , là người vợ cuối của Năm Châu từ năm 1948 cho đến ngày ông mãn phần năm 1978.

Nghệ sĩ Năm Châu và Kim Cúc có sáu người con:

- Nguyễn Thị Xuân Hợi (con gái đầu lòng) tốt nghiệp piano trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn.  
- Nguyễn Thị Nguyệt Thu, tốt nghiệp Violon, vợ thứ của soạn giả Hoa Phượng.
- Nguyễn Thị Kim Khánh.
- Nguyễn Thị Ngọc Thanh.
- Nguyễn Thị Hồng Dung, hiện giờ là đạo diễn cải lương, phụ trách sân khấu cải lương thể nghiệm ở 5B Võ Văn Tần, đường Trần Quý Cáp cũ.
- Nguyễn Thành Long.

Năm 1948, nghệ sĩ Năm Châu thành lập Ban Việt Kịch Năm Châu. Nữ nghệ sĩ Kim Cúc, dưới bàn tay phù thủy của đạo diễn Năm Châu, đã làm rung động trái tim của khán giả hâm mộ qua các vai: Nữ hoàng Túy Hoa trong tuồng Dân chúng trước pháp trường, vai cô Bê trong tuồng Khi người điên biết yêu, vai Hoàng hậu trong tuồng Gió ngược chiều, vai Tây Thi trong Tây Thi – Gái nước Việt, vai Hoàng hậu trong tuồng Hàm Lệ, Thái Tử nước Đan Mạch, vai vợ người chiến binh trong vở Người mặt cháy

Từ năm 1962, Năm Châu được mời làm giáo sư kịch nghệ của trường QuốcGia Âm Nhạc Sàigòn, sau đó Kim Cúc, anh Duy Lân, anh Năm Nở, chị Ngọc Ánh và nhạc sĩ Hai Khuê, Sáu Tửng, cũng được mời làm giáo sư giảng dạy tại trường nầy…

Đọc lại bài của soạn giả Nguyễn Phương viết về Sáu mươi năm mối tình dang dở của đôi nghệ s tài danh Phùng Há - Năm Châu:

“Ngày anh Năm Châu mất (5/1977), cô Bảy hay tin, chạy vào nhà thương, vấp té liên hồi. Chúng tôi phải chạy ra đỡ, dìu cô vô. Cô khóc, nắm vai anh Năm Châu lay gọi, như muốn vực anh Năm dậy: "Khoan, anh khoan đi. Anh có nghe không? Anh phải nghe tôi nói rồi mới yên lòng ra đi được. Tôi biết anh vẫn còn uất hận trong lòng. Sở dĩ tôi làm vậy... là vì anh, vì thương anh, thương vợ con anh. Giờ này... tới giờ phút này, tôi vẫn yêu anh".

Cô Bảy khóc ngất, nói như mê sảng với người tình xưa mà không nhớ là xung quanh cô lúc đó có rất nhiều người, có cả chị Kim Cúc là người vợ đương thời của anh Năm Châu. Chị Kim Cúc vỗ về cô Bảy: "Chị Bảy, trước khi xuôi tay nhắm mắt, ảnh còn gọi tên chị, hỏi chị ở đâu...". Kim Cúc không thể nói nhiều hơn nữa, vì cô Bảy đã ôm chị mà khóc ngất. Phải có những tâm hồn đồng điệu mới giữ được mối tình hàng nửa thế kỷ chưa phai. Phải có tâm hồn cao cả mới biết yêu và nén hờn ghen, chia sẻ nhau nỗi đau và an ủi cả người tình địch của mình như chị Kim Cúc đã làm.”

Nghệ sĩ Năm Châu mãn phần ngày 21 tháng 4 năm 1978, thọ 72 tuổi. An táng tại nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp, sau đó vài năm, các con của Năm Châu bốc mộ phần, cải táng tại xã Phú Kiết, tỉnh Tiền Giang.

Trần Hữu Trang

Tư Trang - Trần Hữu Trang (1906-1966)

Soạn giả Trần Hữu Trang SN 1906 tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Sinh trong một gia đình nông dân. Đây cũng là quê hương của bao nghệ sĩ cải lương có tên tuổi như Hai Giỏi, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Phùng Há, Năm Phỉ, Tư Chơi, Tư Anh, Hai Thông…Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung nông sa sút. Đời ông nội còn có căn nhà vào loại khá. Đến đời cha đã phải đi làm thuê. Bản thân ông đã phải làm thợ hớt tóc.

Sống ở Mỹ Tho, chiếc nôi của hoạt động văn hóa, nghệ thuật lúc bấy giờ, ông đã sớm bộc lộ một tinh thần yêu nước. Trong giai đoạn 1926-1928, ông “tham gia phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, dự các buổi diễn thuyết của Phan Châu Trinh” [5; tr.1788]. “Ông đã liên hệ với phong trào cộng sản ngay từ hồi 1930 – 1931” [3; tr.460]. Có lần, một chiến sĩ cách mạng bị mật thám bám riết, phải chạy vào hiệu hớt tóc của Trần Hữu Trang. Ông đã che giấu và còn tặng 20 đồng làm lộ phí [Theo 4; tr. 15]. Trong thời gian Trần Hữu Trang gắn bó với gánh hát Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há, chiến sĩ cộng sản Nguyễn Chí Diểu đã từng đến gặp ông để trao đổi về khuynh hướng sáng tác “tả thực xã hội” [Theo 4; tr. 22]. Một khuynh hướng sáng tác mà thời bấy giờ viết bất cứ vở cải lương ông đều tuân theo.

Ngay từ nhỏ ông đã say mê đàn hát. Lúc đầu ông đi theo các gánh hát làm thư kí chép vở, sau đó được Mười Giảng (tức Đặng Công Danh) hướng dẫn dạy dỗ.

Kịch bản đầu tay Lửa đỏ lòng son của ông sáng tác vào năm 1928, tiếp theo đó là vở Tâm hồn nghệ sĩ. Những sáng tác này tuy còn nhiều hạn chế nhưng đã có sự mới mẻ về hình thức lẫn nội dung, đặc biệt đã đưa cuộc sống đương thời vào trong sân khấu cải lương, làm cho sân khấu cải lương đậm chất tả thực xã hội. Những năm 1930, ông cho ra đời hàng loạt sáng tác: Tô Ánh Nguyệt năm 1934, Lan và Điệp năm 1936, Đời cô Lựu năm 1937. Ông cộng tác với các gánh hát Trần Đắc, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Năm Châu.

Thời kỳ thập niên 1930, tài năng nghệ thuật của ông đã đạt được nhiều thành tựu, đã làm cho tên tuổi của ông trở nên nổi tiếng. Những năm sau ông cộng tác với các gánh hát Trần Đắc, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Năm Châu. Những sáng tác sau đó gây tiếng vang như Tìm hạnh phúc, Mộng hoa vương, Chị chồng tôi, Tình lụy, Khi người điên biết yêu viết chung với Năm Châu, Lê Hoài Nở, đã tạo nhiều dấu ấn.

Những sáng tác của ông không chỉ thành công ăn khách mà còn là những sáng tác xuất sắc của sân khấu cải lương trước Cách mạng. Những sáng tác ấy xoáy sâu vào hiện thực xã hội, đã phơi bày số phận những người dân bất hạnh hay đề cập đến những bi kịch của tình yêu và hôn nhân trong hoàn cảnh xã hội đương thời. Các vở diễn của Trần Hữu Trang gợi lên giá trị tố cáo, vạch trần những tệ nạn và sự thối nát của xã hội, là khát vọng giải phóng con người thoát khỏi mọi dây trói của lễ giáo, hủ tục. Với gần 30 kịch bản mang nội dung tư tưởng tiến bộ và giá trị nhân văn sâu sắc, Trần Hữu Trang là một trong những soạn giả lớn của nghệ thuật cải lương Nam Bộ.

Ở Trần Hữu Trang ngoài tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống của dân tộc, ông còn là một cán bộ tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu khởi nghĩa. Ông đã có lúc tạm rời sân khấu để trực tiếp tham gia kháng chiến cứu nước trong cương vị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Phú Kiết quê hương. Năm 1947, ông vào Sài Gòn làm công tác vận động văn nghệ sĩ, trí thức trong vỏ bọc của một nghệ sĩ Đoàn cải lương “Con tằm”.

Phục vụ sân khấu cải lương, Tư Trang là một trong những người sáng lập Hội Nghệ sĩ Ái hữu và hoạt động trong Ban chấp hành. Sau Cách mạng tháng 8, do hoàn cảnh công việc nên ông không sáng tác nhiều. Năm 1946, ông cho ra vở Hậu chiến trường. Ðến 1960, phong trào Ðồng khởi nổi lên, ông vào khu và giữ chức chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. Hai mươi năm sau năm 1966, ông mới bắt tay viết kịch bản mới về người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Trỗi. Thế nhưng kịch bản đã không thể hoàn thành được. Năm 1966, lần đầu tiên máy bay B52 oanh kích vào Trung ương Cục miền Nam ở biên giới Việt Miên, Trần Hữu Trang thiệt mạng trong trận bom này, ông lìa đời vào ngày 20-11-1966, thọ 60 tuổi .

Trần Hữu Trang đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Thành đồng. Trong đợt 1 (1996) ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tên ông còn được đặt tên cho một con đường, một ngôi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn được đặt cho tên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Tranggiải thưởng Trần Hữu Trang, một giải thưởng lớn mà nhiều nghệ sĩ ước ao.

Những tác phẩm tiêu biểu của ông:

- Tô Ánh Nguyệt (1934)
- Lan và Điệp (1936)
- Đời cô Lựu (1937)
- Tìm hạnh phúc
- Mộng hoa vương
- Chị chồng tôi
- Tình lụy
- Khi người điên biết yêu (cùng với Năm Châu, Lê Hoài Nở)
- Hậu chiến trường (1946)

Với gần 30 vở cải lương Trần Hữu Trang đã miêu tả cái hiện thực xã hội mà ông sống cùng thời. Ông xoáy sâu trực diện vào hiện thực xã hội đó. Những sáng tác này đã phơi bày số phận những người dân bất hạnh hay đề cập đến những bi kịch của tình yêu và hôn nhân trong hoàn cảnh xã hội đương thời. Các vở diễn của ông có giá trị tố cáo, vạch trần những tệ nạn và sự thối nát của xã hội. Và các vở cải lương đó cũng là tiếng nói của khát vọng giải phóng con người. Chúng ta hiểu vì sao mà những vở diễn của ông, lại được đón nhận nồng nhiệt lúc đương thời và lưu lại cho đến ngày nay.

Huỳnh Thủ Trung

Tư Chơi - Huỳnh Thủ Trung (1907-1964)

Nghệ sĩ Tư Chơi sinh năm 1907 tại Bến Tre. Tư Chơi giỏi chữ Nho, biết tiếng Anh và làm thơ rất hay. Ông cũng là một nhạc sĩ tài danh, chuyên đờn đoản. Bài vọng cổ Tiếng nhạn kêu sương nhịp tư của nghệ sĩ Tư Chơi mở đầu cho bản Dạ cổ hoài lang của ông Sáu Lầu phát triển dần lên nhịp 8, nhịp 16, 32, 64..

Đây là bài vọng cổ nhịp tư, rút trong tuồng Khúc Oan Vô Lượng của soạn giả Huỳnh Thủ Trung tự Tư Chơi, do cô Phùng Há ca. Cô Phùng Há thủ vai Bích Vân than thở với con gái về việc chồng là Lê Gia Khanh do Năm Châu thủ diễn, bị hàm oan vì tội sát nhân và bị đày ra Côn Đảo. Tuồng Khúc Oan Vô Lượng hát trên sân khấu Huỳnh Kỳ, sau đó dược tái diễn trên sân khấu Trần Đắc.

1.     Đêm nào ngọn đèn khuya, mẹ đây chong trắng dĩa.
2.     Chàng ôi, nếu có gặp nhau họa chỉ trong giấc mộng huỳnh lương.
3.     Trời đất ôi! Vợ chồng tôi đang vui câu đầm ấm nơi cảnh gia đường,
4.     Vì ai gieo oan mà để cho thiếp phải cam dồn dập nơi khốn cảnh đoạn trường.
5.     Hơn bốn năm trường tựa nơi cánh cửa thiếp trông chờ.
6.     Đã biết rằng tuyệt vô hy vọng mà lòng mong thiếp những hoài mong.
7.     Con ôi! Có lẽ khi cha con bây giờ, vì nỗi cách xa vợ con, lìa nơi cố quán,
8.     Nên đã tóc rối với da chì, chịu hàm sầu nơi hải đảo, mòn mỏi mình ve.
9.     Lại còn lúc đêm khuya, mẹ vẳng nghe tiếng con hàn quyên kêu lẻ bạn,
  10.  Mẹ đây ngơ ngẩn tâm hồn, mẹ mở cửa trông ra kìa là muôn dặm trùng dương. 
  11.   Mờ mịt xa trông phù vân bích thủy, gió đưa cơn sóng dợn muôn đường. 
 12. Cái cánh buồm ai xa xa, khi ẩn khi hiện trên mặt bể, mẹ tưởng khi cha con về, nhưng nào đâu phải cha con về!

Năm 1926, Phùng Há cùng các nghệ sĩ Năm Châu và Tư Chơi, Ba Du gia nhập gánh hát Tái Đồng Ban của ông Hai Cu. Tư Chơi là nhạc sĩ chơi đàn đoản, tập cho Phùng Há ca hát rồi hai người đi đến hôn nhân. Nghệ sĩ Tư Chơi là người chồng đầu tiên của Phùng Há.

Chỉ sau hai năm sống chung, cuộc hôn nhân giữa nghệ sĩ Tư Chơi và ngôi sao Phùng Há tan rã. Tư Chơi rời gánh hát Tái Đồng Ban, bà Phùng Há về thăm quê nội Trung Hoa, gửi con gái chung của hai người là Bửu Trân (1926 - 1959) cho người em ruột dưỡng nuôi. 

Ông mất vợ, xa con và con gái của ông cũng không mang họ của ông, lấy họ Lý của dưỡng phụ, vết thương lòng của ông sau khi chia tay với Phùng Há lớn hơn nhiều người nghĩ. 

Sau này khi lấy được nghệ sĩ Kim Thoa - một nghệ sĩ hát hay, xinh đẹp và tài danh, ông Tư Chơi không nguôi nhớ đến bà Phùng Há, thậm chí trong lúc ngủ và những lúc riêng tư vợ chồng, ông còn gọi tên bà. 


Tư Chơi – Kim Thoa và con trai, ảnh chụp năm 1939

Điều đó không khỏi gieo nỗi niềm cho bà Kim Thoa và góp phần dẫn đến sự chia tay dù hai người đã sống cùng nhau nhiều năm. Họ có một con trai là Huỳnh Thủ Hiếu.

Vì còn nặng tình với nghệ sĩ Phùng Há, sau khi chia tay và trở thành chồng của nghệ sĩ Kim Thoa, soạn giả Tư Chơi vừa viết nhiều vở tuồng “hương xa” cho đoàn Phụng Hảo của Phùng Há, vừa viết tuồng xã hội cho đoàn Kim Thoa của vợ mình. 

Soạn giả Tư Chơi sáng tác nhiều tuồng xã hội như Khúc oan vô lượng, Lỡ tay trót đã nhúng chàm, Tiếng nhạn kêu sương, Tôi xin chừa, Hai mặt còn trơ, Ai là bạn chung tình, Em muốn tự do... Các tuồng này đã làm mưa làm gió trên các sân khấu Huỳnh Kỳ, Trần Đắc từ Nam chí Bắc, với những ngôi sao sân khấu Phùng Há, Năm Châu, Tư Út, Kim Thoa, Kim Hui, Tư Thạch...

Soạn giả Tư Chơi cũng là người đầu tiên đưa nhạc Tây vào sân khấu cải lương. Thời đó các bản nhạc tình của Pháp rất thịnh hành ở Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố lớn ở Việt Nam như bài J’ai deux amours, Marinella, Ma Tikiki Ma Tonkinoise, Tant qu’il y aura des étoiles... do nam ca sĩ Tino Rossi và nữ ca sĩ Joséphine Baker ca.

Ông viết lời Việt nhạc Tây cho diễn viên ca trong tuồng của ông. Không chỉ dùng nhạc Tây, ông còn sáng tác nhiều bài tân nhạc cho tuồng cải lương ông soạn.

Đoàn cải lương Kim Thoa là gánh hát đại ban ăn khách nhất từ Saigon đến HàNội và tất cả các tỉnh thành trong toàn quốc. Gánh hát Kim Thoa cũng gặt hái thành công rực rở khi đi lưu diễn ở Nam Vang, ở Lao…Ông Bầu kiêm soạn giả Tư Chơi giàu quá sức giàu, có villa, nhà lầu, có cả tàu kéo, ghe chài, xe hơi và phố cho mướn, nhưng ông lại là một người vừa nghiện rượu vừa mê gái nên ông bị vợ nhà bỏ. Ông bèn bán hết ghe chài, tàu kéo, villa, phố xá, gởi hết số tiền bán gia sản đó cho các nhà hàng, quán rượu và đến đó uống rượu say mèm hằng ngày, say như một cái hủ chìm, uống rượu để trừ dần cho hết số bạc đã ký gởi.

Dần dà, ông chìm vào men rượu, hủy diệt cuộc đời. Hãy đọc một đoạn văn của Bửu Trân viết về cha mình, Huỳnh Thủ Trung được ký giả Trần Tấn Quốc cho đăng báo Tiếng Dội Kịch Trường năm 1960, nhân kỷ niệm một năm sau khi cô Bửu Trân mất vì bị bịnh ung thư máu tại nhà thương Grall. Chính cô Phùng Há đưa trang nhựt ký này nhờ Trần Tấn Quốc đăng, để kỷ niệm cô con gái thân thương và cũng để minh định lòng hiếu thảo của cô Bửu Trân đối với cha mình:

“Cha mình, nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung (nghệ danh Tư Chơi) là người chồng trước nhứt của má (Phùng Há), một nhạc sĩ điêu luyện mà người ta thường nói là tiếng đờn đoản như tiếng chim hót. Cha mình cũng là một tác giả lừng danh. Ngay như lần đầu tiên khi mình ở Hạc San về, mình gặp lại Cha ở sau rạp Nguyễn Văn Hảo thì má của mình đang diễn tuồng của Cha mình sáng tác. Cha mình là một con người tài hoa, Nho học cũng thông, tiếng Tây, tiếng Anh cũng giỏi. Những vở tuồng Cha dịch ra từ tiếng Pháp, tiếng Hoa, cho mãi tới bây giờ người ta vẫn đem ra trình diễn. Cha là nhà cách tân sân khấu. Những hình thức mới lạ của sân khấu Đông Tây cũng đều được Cha đưa ra thực hiện trên sân khấu cải lương. Nhưng Cha thất chí vì cái gì mình không biết mà trở thành con sâu rượu, sống bê tha, không cần biết tới ai nữa mà cũng chẳng cần ai biết tới mình. Nghĩ tới tình cảnh của Cha, mình buồn quá nhưng không biết làm sao cho Cha mình đừng buồn nữa…”

Rồi nhiều điều nảy sinh trong cuộc sống chung làm rạn nứt mối quan hệ giữa ông và nghệ sĩ Kim Thoa, dẫn đến cuộc chia tay khoảng thời gian trước năm 1954. Đến năm 1959, con gái Bửu Trân mất khiến ông suy sụp hẳn.

Theo như soạn giả Nguyễn Phương kể về Tư Chơi:

Tết năm 1954, gánh hát Thanh Minh hát tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Ông Bầu Ngjĩa tổ chức cho múa lân sau rạp hát và lân đi vòng quanh rạp từ đường Galliéni ( tức đường Hưng Đạo) vòng ngang vũ trường Tour D’ Ivoire rồi theo đường Bùi Viện vòng ra trước rạp. Tôi cũng theo đoàn múa lân vui với các bạn. Tới gần nhà của ông chủ hãng dĩa Tứ Hải, tôi thấy có một  người say rượu, lảo đảo bước đi. Người đó đi đến gần tôi, vổ vai tôi hỏi : "Chú em! Chú em có nhớ tôi không?"

Tôi vội trả lời: “Em nhớ anh Tư chớ…Anh là bậc thầy của sân khấu, là ngôi sao sân khấu, nghệ sĩ tụi em làm sao mà không nhớ, không biết anh chứ!”

– Thôi! Bỏ đi… Tao hỏi có một câu, mầy nổ một hơi như tụi nó đốt pháo kia kìa… Đi… Đi nhậu với anh Tư mầy…”.

Tôi nói: “Anh là ngôi sao sân khấu, dù có lúc bị mây che mờ, nhưng ngôi sao vẫn là ngôi sao. Tài năng của anh vẫn có thể dành lại cho anh một vị trí xứng đáng trên vòm trời nghệ thuật.”

Anh Tư Chơi lắc đầu: “Những nghệ sĩ khác… những ngôi sao kia dù có xa rời sân khấu nhưng vẫn còn hình dánh của những vì sao. Còn tôi bây giờ là một cái khối nát vụn chẳng còn hình thù gì rõ rệt của một vì sao. Thôi, dẹp cái chuyện buồn đó đi. Chú có thương tui thì uống với tui đêm nay.”

Đêm đó, anh TƯ làm một ly, tôi lỳ một lam, cứ chén thù chén tạc như vậy cho tới khuya. Con lân Thanh Minh đã dẹp trống, dẹp đồng lố, bọn họ đi ngủ hay đi ăn nhậu ở đâu đó rồi. Dàn đèn rọi chiếu phía sau rạp hát cũng đã tắt, trả lại cái bóng tối cố hữu của cái hẻm của tiên ông và tiên cô, chỉ còn một già một trẻ say ngất ngưởng bên chiếc bàn thấp lè tè của cái quán cóc bên vệ đường.

Vợ tôi thấy khuya quá mà tôi chưa về nhà, bèn ra rạp kiếm, thấy tôi nằm gục bên bàn rượu với anh Tư Chơi. Cô bán rượu cũng đi về đâu mất rồi, vợ tôi bèn kêu xe cyclo chở tôi về nhà và kêu mấy anh dàn cảnh khiêng anh Tư Chơi vô rạp để cho anh ngủ dưới hầm sân khấu.

Thật là một cái TẾT quá vui vì đó là cái Tết của năm hòa bình đầu tiên và cũng là một cái TẾt quá thắm thía cho tôi khi tôi nghĩ về Tư Chơi, một người không biết sẽ đi về ngỏ rẽ nào của cuộc đời. Sau cái Tết đó, không ai biết anh Tư Chơi đi đâu, ở đâu.

Soạn giả Tư Chơi mất ngày 06 tháng 07 năm 1964, an táng tại nghĩa trang nghệ sĩ, do HỘi Ái Hữu Nghệ Sĩ an táng và lập mộ.

Từng có một thời lừng lẫy, là một vì sao sáng chói nhất trên bầu trời nghệ thuật sân khấu cải lương các thập niên 1930, 1940, 1950, song nghệ sĩ Tư Chơi thỉnh thoảng được nhắc đến, chỉ vì ông là người chồng đầu tiên của nghệ sĩ tài danh Phùng Há trên sân khấu Cải lương.

Lê Hoài N

Năm Nở - Lê Hoài Nở (1909-2000)

Soạn giả Năm Nở tên thật là Lê Hoài Nở, sinh năm 1909, làng Tân Hưng, huyện Lai Vung, tỉnh Sadec. Thân phụ là Cai tổng Hoài, địa chủ, có mấy chục mẫu ruộng, vườn cam, quít và trại nuôi vịt bầy, vịt hãng, nên khi ông thi đậu bằng Tiểu Học (CEPCI) ở tỉnh Sadec, được cha ông cho lên Sàigòn học. Ông thi rớt bằng Thành Chung, về quê nhà, làm thầy giáo trong làng năm 1930.

Là công tử vườn, thầy giáo Năm Nở ngoài giờ dạy học, chơi đá banh, đá gà, đá cá và đờn ca tài tử. Ông sử dụng thành thạo đờn kìm, đờn cò. Tiếng đàn và giọng ca của ông mượt mà, sâu lắng, làm rung động biết bao con tim của các cô thôn nữ ở những nơi mà Ban đờn ca tài tử của ông đến diễn.

Ông Cai Tổng Hoài thất cử Hội đồng nhiều lần, thất chí, sanh bịnh rồi mất. Lúc đó ông mới biết cha ông vay nợ Chà Chetty, vung tiền mua phiếu tranh cử. Thất cử, tự ái, vay nợ tiếp để khóa sau tái tranh cử. Nợ Chà nặng lãi, tiền lời trả không nổi, chồng lên thành nợ mới, cứ vậy, nhiều năm sau, không trả nổi nên Chà Chetty kiện ra Tòa, tịch thu ruộng vườn và trại vịt.

Năm 1938. Lê Hoài Nở rời quê, lên Saigòn, gia nhập gánh hát Nam Hưng của ông bầu kiêm vua cờ bạc Sáu Ngọ. Nhờ biết đờn ca và có học thức, anh Năm Nở nhanh chóng trở thành kép chánh.

Năm 1940, Năm Nở hợp tác với Năm Châu và Tám Bang, chủ nhà hàng Bồng Lai – Saigon, lập gánh hát cải lương Năm Châu. Dịp này, Năm N dựng trên sân khấu Năm Châu nhiều tuồng của ông sáng tác  Những Kẻ Vứt đi!, Thử yêu chồng, Hội Yêu Chồng, Vó Ngựa Truy Phong, Khi Người Điên Biết Yêu. Soạn giả Năm Nở nổi danh là người chuyên sáng tác tuồng cải lương xã hội trào phúng. 

Năm 1948, Năm Nở và các nghệ sĩ tiền phong thành lập Hội Nghệ Sĩ Ái hữu Tương Tế, ông được bầu vô Ban Chấp Hành. Cũng trong năm 1948, ông lập gánh hát cải lương Sống Mới, có các diễn viên cải lương Sáu Nết, Sáu Ngọc Sương, Duy Lân, Duy Chức, Ba Thâu. Ông viết 6 kịch bản cho đoàn Sống Mới: Anh Chị Ăn Mày, Nỗi Lòng Chị bếp, Hăm Ba Đưa Ông Táo Về Trời, Ông Huyện Hàm…Hàm, Thử Làm Vợ Bé, Sở Chữa Lửa Đụng Hãng Xăng Dầu.

Đoàn hát Sống Mới lưu diễn, nhà chức trách tỉnh cấm hát vì cho là tuồng hát Ông Huyện Hàm …Hàm, Cưới Vợ Bé Ăn Tết… châm biếm các quan chức. Vì cứ bị cấm hát, đoàn hát thất thu, rã gánh.

Năm 1954, soạn giả Năm Nở về ở xóm Bàn Cờ, rồi đình Phú Thanh, mở quán nhậu với bảng hiệu Năm Nở Nhậu Chơi.

Năm 1962, các nghệ sĩ Năm Nở, Năm Châu, Duy Lân, Hoàng Trọng Miên, Phùng Há, Ngọc Ánh, nhạc sĩ Hai Khuê, Nguyễn Hữu Ba được mời làm Giáo sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Saigon do ông Nguyễn Phụng làm Giám Đốc. Học trò tốt nghiệp khóa đầu tiên, soạn giả Năm Nở đã góp phần đào tạo có: Tuyết Sĩ hiện ở Santa Ana, Mai Thành diễn viên kiêm giáo viên kịch nghệ trường Đại Học Sân Khấu Điện Ảnh Sàigòn, cô Phương Ánh, Hương Xuân, Đỗ Quyên, đào chánh các Đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Thủ Đô.

Năm 1967, con trai của ông du học ở Pháp, xin cho cha mẹ sang Pháp trị bịnh. Chiến cuộc Việt Nam ngày càng lan rộng, ông bà Năm Nở kéo dài thời gian trị bịnh ở Pháp. Để giải quyết vấn đề sinh sống, Năm Nở mở nhà hàng ở khu Montmartre, Restaurant Sào Nam. Sào Nam lấy ý từ “Chim Việt Cành Nam”.

Năm 1976, vợ chồng Năm Nở về Việt Nam thăm nhà rồi ở lại luôn. Lê Hoài Nở không ngờ gặp rắc rối với nhà cầm quyền đương thời. Họ bảo ông là Việt Kiều, là dân của nước Pháp nên khi quá thời hạn lưu trú ở Việt Nam thì họ trục xuất về Pháp. Năm Nở làm đơn khiếu nại, nói lúc ông rời Việt Nam là với lý do đi trị bịnh, ông không hề xin “Di Dân”, không phải “Vượt Biên”, không vô Quốc Tịch Pháp, chưa từ bỏ Quốc Tịch Việt Nam và cũng không có án tiết gì để bị truất quốc tịch Việt Nam, vậy tại sao ông không được ở Việt Nam? Ở Pháp, ông cũng chưa hề được công nhận là công dân của nước Pháp. Giấy thông hành do chánh phủ Cộng Hòa cấp năm 1974 vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Năm Nở quên cái ” thủ tục đầu tiên” - Tiền đâu?, nên đơn khiếu nại của ông không được cứu xét.

Trước nhứt, ông không có hộ khẩu ở Sàigòn hay bất cứ ở tỉnh, huyện nào của Việt Nam, thứ hai là ông không có quyền làm chủ căn nhà cũ của mình, ông không có thẻ căn cước do chánh quyền mới cấp, vậy nên ông ta không có quyền công dân. Dân Việt Nam “chánh cống” mà sống trên đất nước Việt Nam lại phải sống như một người ở “lậu”, đó là một chuyện nghịch lý khó tin!

Soạn giả Lê Hoài Nở chuyên viết tuồng cải lương trào phúng, đưa ra những chuyện nghịch lý ở đời để cười chơi, vậy mà khi chính cuộc đời của ông gặp chuyện nghịch lý, ông “cười” không nổi! Ông định chấm dứt câu chuyện “Thủ Tục Giấy Tờ ” nghịch lý đó bằng cách tự vận chết đi cho rồi, nhưng các bạn Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu hay được, vận động cho hai ông bà được ở lại Sài gòn, nhưng không có hộ khẩu. 

Ở lại Việt Nam, từ năm 1976 đến ngày mất, 25 tháng 5 năm 2000, qua 24 năm dài đăng đẳng, soạn giả tài danh Lê Hoài Nở không sáng tác được một tác phẩm nào, Sở VHTT không cho ông quyền tự do sáng tác, không thấy ông xuất hiện ở những nơi như rạp hát, Hội Sân Khấu, Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế. Lê Hoài Nở tâm sự:

“Không hộ khẩu, lo chạy mua gạo, mua nhu yếu phẩm, hầu hạ, chầu chực ở các hợp tác xã, mất không biết bao nhiêu là thời giờ, lại còn bị đuổi nhà, nhà bị giải tỏa, ở không yên, sống chật vật, làm sao mà có tâm trí nào để sáng tác tuồng tích? Viết gì đây? Dám phê phán ai, dám cười cợt ai? Viết rồi tuồng cũng không kiểm duyệt được, không có đoàn nào dám hát, vậy thì viết sao được mà viết? Bẻ cong ng̣òi bút, tôi không làm được. Viết theo mệnh lệnh, tôi cũng không làm được. Có một chuyện tôi làm được: “đó là làm thinh!”.

Ông quyết tâm trở về quê hương sau khi chiến tranh chấm dứt, lúc mới về thì mang nhiều hoài bão, nhưng càng ở lâu thì càng thắm thía, ngậm đắng nuốt cay, im hơi lặng tiếng cho tới ngày chết. Đó là cái kết quả mà ông phải nhận lấy khi quyết định trở về Việt Nam sau năm 1975.

Anh Lê Hoài Nở mất ngày 25 tháng 5 năm 2000, tức 24 tháng 4 âm lịch Canh Thìn, tại nhà ở bờ sông Nhiêu Lộc, tên cũ là sông Thị Nghè Saigon, thượng hưởng 92 tuổi.

Mộng Vân

Mộng Vân - Trần Tấn Trung (1910-1950)

Soạn giả Mộng Vân tên thật là Phan Long Trung, sau đổi lại Trần Tấn Trung, lấy bút hiệu là Mộng Vân – cái tên thơ mộng này được ông dùng làm nghệ danh trong cả cuộc đời. Lúc sinh thời Mộng Vân vốn là một nhà báo, một nhạc sĩ, cũng vừa là một soạn giả; mỗi lãnh vực ông đều nổi bật với nhiều ưu điểm lớn; tiếng tăm của ông vang dội khắp nơi, tác phẩm nghệ thuật của ông một thời được ái mộ nhất. Thế mà từ trước nay tài liệu nói về cuộc đời của ông rất hiếm hòi, ít ai biết nhiều về người nghệ sĩ tài hòa này, cả đến thân nhân và đệ tử của ông mỗi người cũng chỉ biết được một vài phương diện.

Theo lời vợ của ông là bà Phạm Ngọc Dung thì ông sinh năm Canh Tuất 1910, tại làng Vĩnh Lợi tổng Thạnh Hòa tỉnh Bạc Liêu, nơi sinh của ông hiện nay thuộc khu vực Trà Văn thị xã Bạc Liêu, thuở nhỏ ông học chữ Nho với ông Cả Tòng và có đến trường để học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, nhờ trời phú cho trí thông minh nên ông học rất giỏi. Nhưng ông là người có chí khí hơn người, nên sau khi rời khỏi ghế nhà trường ông không làm việc cho Pháp.

Ông sớm có ý thức về cách mạng, nhất là cách mạng văn hóa, nên khi được Trần Đình Tuệ mời ông cộng tác cho tờ báo La Cloche Fêlée (Cái chuông rè), ông thấy đây là phương tiện rất tốt để thực hành ý định của mình, nên đã viết một số bài báo để phản ảnh tình hình xã hội lúc bấy giờ, trong những bài viết ông luôn gói ghém ý nghĩa cải tạo xã hội và canh tân đất nước. Lúc đó ông chưa chính thức gia nhập tổ chức cách mạng nào, nhưng vẫn thường xuyên qua lại và trao đổi ý kiến với nhà cách mạng Nguyễn An Ninh nên bị mật thám Pháp theo dõi. Đến đầu năm 1928 ông mới chính thức tham gia Hội Kín - một tổ chức chống Pháp của Nguyễn An Ninh, nhưng đến cuối năm đó, trong một đêm họp mặt với Nguyễn An Ninh và nhiều chiến sĩ cách mạng khác, do tin tức bị lộ nên bị địch vây bắt; Nguyễn An Ninh và một số đồng chí bị tống giam còn ông và Trần Đình Tuệ trốn thoát, nhưng sau đó lại phải bỏ xứ sang Nam Vang để lánh mặt; cũng trong thời gian này ông phải sửa tên họ từ Phan Long Trung thành Trần Tấn Trung để tránh sự truy tầm của Pháp.

Trong thời thơ ấu khi còn là học sinh, Mộng Vân đã để ý đến cổ nhạc, lại may mắn được học nhạc với một bậc danh sư là Nhạc Khị nên tiến bộ rất nhanh; như trên đã nói ông vốn là cậu bé thông minh nên học chữ cũng mau mà học nhạc cũng giỏi, chỉ trong vài năm là Mộng Vân đã nắm bắt được gần như trọn vẹn sở đắc của thầy. Nhưng sau đó vì phải bận rộn trong nhiều công việc nên chưa phát huy cái khả năng về cổ nhạc. Mãi đến khi trốn chạy lên Nam Vang ông mới có thì giờ nghiên cứu lại mọi vấn đề về cổ nhạc mà ông đã học được.

Mặc dù Mộng Vân đờn rất giỏi, nhưng ông không chỉ siêng năng luyện tiếng đờn mà còn chú ý về mặt sáng tác. Một số đồng môn huynh đệ của Mộng Vân từng nói ông đã chịu ảnh hưởng về tư tưởng và việc làm của Trịnh Thiên Tư; điều này có lẽ đúng, vì các sáng tác phẩm của ông đa số đều mượn “cổ” nói “kim”, đa số đều có ý nghĩa canh tân trong đó.

Năm 1932, Mộng Vân đã viết xong một kịch bản lớn – đây là vở cải lương đầu tay của ông mang tên Quan Công hiển thánh, vở này đề cao tình bè bạn, lòng trung nghĩa và tính ngay thẳng của con người. Sau khi viết xong kịch bản, Mộng Vân trở về An Giang nhờ người mang tập bản thảo xuống Bạc Liêu trao cho soạn giả Trịnh Thiên Tư nhờ góp ý. Trịnh Thiên Tư sau khi xem xong nhận thấy nội dung của kịch bản rất hay, tình tiết nhân vật rất hấp dẫn thật phù hợp với hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, nên đã giới thiệu với ông Đốc Tùng. Lúc này ông Đốc Tùng đang quy tụ đào kép để lập đoàn Thái Dương may lại được một vở tuồng hay như thế nên ông đã chọn để khai trương cho đoàn hát của ông.

Trong đêm khai trương mặc dù là tuồng tích mới, diễn viên cũng mới, không sao tránh được những bỡ ngỡ lúc đầu nhưng với phục trang sặc sỡ, cảnh trí huy hoàng và giọng ca thật mùi của dàn đào kép Hai Nhuận, Chín Quy, Tư Luông, Năm Út, Ba Chương (Ba Vàm Lẻo), Năm Đặng… nên được khán giả ái mộ và hoan nghênh nhiệt liệt; các nhạc sĩ nổi tiếng vào bậc nhất ở Bạc Liêu Lúc bấy giờ như: Sáu Lầu, Ba Chột, Hai Tài, Bảy Cuội, Bảy Giáo, Mười Đờn đều có mặt trong ban nhạc của vở diễn, khiến cho đêm khai trương càng thêm long trọng .

Năm 1933, ở Bạc Liêu lại xuất hiện một đoàn hát mới đó là đoàn Huỳnh Vân của Ký Huỳnh và Tám Tắc Vân; soạn giả Mộng Vân đã viết vở Nghĩa nhẹ hơn tình cho đoàn này khai trương, cũng đuợc sự ủng hộ rất nhiệt tình của khán giả.

Trong ba năm từ 1934 đến 1936, ông đã viết tiếp các vở Gương Quốc Sĩ, Tráng sĩ Kinh Kha, Lưỡng Lonng đại hiệp, Hồng châu hiệp nữ cho các đoàn Tân Hí và Hề Lập. Mỗi vở trong bốn vở này đều có cái hay riêng, nhưng vở Tráng sĩ Kinh Kha được mọi người chú ý, kể như là vở tuồng ăn khách lúc bấy giờ; riêng hai vở Lưỡng Long đại hiệpHồng châu hiệp nữ, còn có tên Gìn nhiệm vụ đã làm cho Bảy Cao nổi tiếng.

Tư năm 1937 đến năm 1939, Mộng Vân đã biên soạn một loạt các vở: Huyết chiếu hận thù, Cõi lòng tan nát, Lửa lòng thiếu phụ, Hồng Long quái khách I, Hồng Long quái khách II , Hồng Long quái khách III , Hiệp khách xa trường, Lữ Thành Đồng, Độc Long lão hiệp, Mộ cô Hồng còn có tên Hiếu nặng hơn tìnhTình trong suối lệ), Thuyền về, Đảng Chiếc lá vàng I, Đảng Chiếc lá vàng II, Đêm kinh khủng, Trường xích đạo I, Trường xích đạo II, Trường xích đạo III, Tướng cướp Tuyệt Long Sơn vở này trước đó đã có hai tên: Tráng sĩ KíchTráng si Mách, Người ba mặt Hiệp Vân Long. Riêng ba thứ Hồng long quái khách thường được khán giả gọi nôm na là Con rồng đỏ nhưng sau đó lại đổi tên là Long hình quái khách; còn vở Đảng chiếc lá vàng sau đó cũng được sửa lại là Chiếc lá vàng.

Năm 1940, ông Trần Khâm Thành (Năm Thành) và vợ là bà Phạm Thị Điệp (Chín Điệp) lại lập đoàn Chấn Hưng ở Bạc Liêu, Mộng Vân đã đưa vở Trong khói lửa cho đoàn này khai trương. Từ đó đến năm 1943, ông tiếp tục biên soạn rất nhiều vở cho nhiều đoàn hát khác như: Bích Liên vương nữ, Ái tình và nghĩa vụ, Trái tim không máu I, Trái tim không máu II, Người cha tội ác, Xâu chuỗi ngọc I, Xâu chuỗi ngọc II, Xâu chuỗi ngọc III ba vở này lúc đầu có tên la Mặt nạ đỏ, Tuổi thanh niên trong hai quan niệm, Máu kẻ thù còn có tên Ông Ba đập đá, Giọt máu công nhân, sau đổi lại Bảo Nguyệt nươn), Giọt máu sông Hằng trước đó có tên là Cành hoa trước gió, sau đó được Nghệ sĩ Bảy Cao sửa lại chút ít và đổi tên là Hoàng Hà đẩm máu, Bên kia thành, Mối tình tan vỡ sau đổi là Hoàng tử lưng gù.

Năm 1944, Mộng Vân lập đoàn hát Mộng Vân, các nghệ sĩ nhờ kịch bản của ông mà nổi tiếng nên đã trở về gia nhập rất đông. Trong thời gian này Mộng Vân rất bận bịu, ông phải làm bầu, vừa làm soạn giả kiêm cả đạo diễn; ông đã viết các vở thật ăn khách cho đoàn của ông như : Đêm tơ vương, Lửa thù, Tố nữ, Thử lửa, Triều Tiên vong quốc sử I, Triều Tiên vong quốc sử II, Sự chiến thắng của trái tim. Cũng trong thời gian đó, nếu có đoàn hát nào yêu cầu về tuồng tích ông cũng sẵn sàng phục vụ; ví dụ như năm 1946, ông Tư Chức lập đoàn Oanh Vàng, Mộng Vân đã viết vở 714 cho ông Tư khai trương; tiếp theo là đoàn Tân Tiến ra đời, ông cũng viết luôn hai vCành vàng trong lửa đỏĐội quân tình nguyện; đến khi Tư Râu lập đoàn Sao Mai cũng sử dụng của ông hai vở Chuỗi hận ngày xuân va Bác sĩ Thần Phương; sau đó theo lời yêu cầu của ông Tư Long và cô Tư Len, Mộng Vân đã viết ba vở Trên hoang đảo, Ái tình và huyết nhục, Đề Thám cho đoàn Tân Xuân.

Trong thời gian đoàn Hậu Tấn Bảy Cao và Hậu Tấn Năm Nghĩa ra đời, Mộng Vân đã ủng hộ cho hai người đồng hương của mình bằng hai vở tuồng rất hấp dẫn: Bảy Cao với vở Cô gái Quảng Trị và Năm Nghĩa với vở Ngũ Tử Tư quá quan; sau đó ông còn viết thêm cho Năm Nghĩa các vở Phạm Lãi Tây Thi, Đôi Bạch Loan IĐôi Bạch Loan II.

Trong khoảng cuối của cuộc đời, Mộng Vân vẫn còn đủ sức để biên soạn một loạt kịch bản rất đặc sắc cho các đoàn Nhạn Trắng, Thanh Minh, Hoa Sen… đó là các vở Ba ngọn đèn xanh, Lưỡi bén hơn gươm, Bên chiến lũy, Hội nghị nhị cường, Ngày về của thương binh và vở cuối cùng là Đất nước lâm nguy đã viết xong vào đầu năm 1948. Năm đó cũng là thời điểm Mộng Vân lâm bệnh, bệnh của ông càng lúc càng nặng đến nỗi ông không thể sáng tác được nữa, tình trạng ấy kéo dài được hơn một năm thì ông từ giã cõi đời. Cái chết của ông kể như một mất mát lớn, không những cho giới cổ nhạc Bạc Liêu mà còn cho cả ngành Cải lương Việt Nam.

Trong cuộc Hội thảo khoa học về Hiện tượng Mộng Vân tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 29 tháng 03 năm 1991, nghệ sĩ Bảy Cao - Lê Văn Cao đã xác nhận Mộng Vân là người đầu tiên kéo dài bản Dạ cổ hoài lang từ nhịp 2 sang nhịp 4 mà điển hình là bài Bá Lý Hề, ông còn nói thêm : “Lúc đó nghệ sĩ Tư Chơi - Huỳnh Thủ Trung cũng có sáng tác một bài nhan đề là “Ác lặn non đoài” cũng theo thể điệu này”. Thực ra Mộng Vân không phải là người đầu tiên chuyển đổi bản Dạ cổ hoài lang từ nhịp 2 sang nhịp 4, nhưng đúng là người đầu tiên chuyển đổi bản Vọng cổ nhịp 8 thành bản Vọng cổ nhịp 16; chính nhạc sĩ Trần Tấn Hưng đã xác nhận “Sau khi bản Vọng cổ nhịp 8 của Năm Nghĩa ra đời tuy là một phát kiến lớn, nhưng Mộng Vân nói độ mùi chưa đủ nên sau đó ít lâu ông đã biên soạn nhạc bản Vọng cổ nhịp 16”; nhạc sĩ Trần Tấn Hưng còn nhấn mạnh “Chính tôi đã căn cứ vào bản này để chế tác ra bản Vọng cổ nhịp 32”. Như vậy, tuy Mộng Vân không phải là người đầu tiên chuyển đổi bản Dạ cổ hoài lang nhịp 2 sang nhịp 4, nhưng chính là người đầu tiên chuyển đổi bản Vọng cổ nhịp 8 thành nhịp 16; ông đã trực tiếp góp công bồi đắp cho bản Vọng cổ càng ngày càng phòng phú hơn .

Soạn giả Mộng Vân mất năm 1950, Đoàn cải lương Mộng Vân của ông do bầu Ba Tẹt cùng vợ là đào chánh Kim Anh tiếp tục điều khiển đoàn hát Mộng Vân cho đến 1952 thì rã gánh. Kim Anh về hát cho đoàn Thanh Minh của Năm Nghĩa.

Soạn giả Mộng Vân thật đúng là con người vượt bậc, chỉ riêng về phần sáng tác của ông trong 16 năm cuối đời đã biên soạn 68 kịch bản, chưa kể một số kịch bản chưa ghi nhận được và sáng tác hơn 30 nhạc khúc - một thời gian ngắn như thế mà hoàn thành được số lượng tác phẩm nghệ thuật lớn lao và giá trị như thế, quả thật ở Việt Nam khó có người thứ hai. Có thể nói Mộng Vân đã cống hiến gần như trọn vẹn cuộc đời của mình để bồi đắp cho nền cổ nhạc Nam bộ và đã mở ra một trường phái sân khấu cho Cải lương Việt Nam.

Duy Lân

Duy Lân - Trần Văn Lân (1910-1973)

Duy Lân tên thật là Trần Văn Lân, sinh năm 1910 ở Vĩnh Long. Con trai ông Trần Văn Thiệt, chủ rạp hát Cầu Lâu ở Vĩnh Long, một trong những người khai sinh ra lối hát ca ra bộ, nên từ khi còn đi học, Duy lân đã say mê sân khấu. Khi bị giam tại khám lớn Sài Gòn, Duy Lân đã cùng đôi bạn cùng soạn vở bằng gạch vụn viết lên nề xi-măng rồi tập dợt, để cho dịp lễ Tết ban kịch nhà tù đem trình diễn cho bạn tù xem và được hoan nghênh nhiệt liệt. Sau đó ông bị tên giám đốc Tây cho giam xuống ca-sô, cùm chặt hai chân suốt bốn ngày đêm.Sau khi ra tù , ông bắt đầu theo gánh hát,các gánh Phụng Hảo, Nam Phi, Con Tằm… và cùng nghệ sĩ Bảy Nam lập ra gánh Năm Lân.

Duy Lân đã đóng các vai như : Đông Bình Dương vở Mạnh Lệ Quân thoát hải), Kiều quốc sĩ vở Máu nhuộm Phụng hoàng cung, Hoàn Phủ Hòe vở Gánh cải Trạng Nguyên và một số vai trong các tuồng xã hội. Ngoài ra ông còn biên soạn một số vở cải lương: Máu nhuộm Phụng hoàng cung, Giai nhân và ác quỷ, Người ăn mày trên sông Luông, Nữ phiên vương , đoạn tuyệt…

Ông là tác giả của những vở tuồng cải lương nổi tiếng trước thập niên 1950: Nữ thiêng vương, Mỵ Ê Vương phi, Đế Thiên Đế Thích, Máu nhuộm phụng hoàng cung, Hai người điên giữa kinh thành, Vua mặt sắt, Người ăn mày trên sông Luông, Đoạn tuyệt, Gánh hàng hoa, Giai nhân và ác quỷ, phần nhiều những vở tuồng trên đã được trình diễn ở đoàn hát Năm Phỉ.

Năm 1948 , ông sang Pháp, được biểu diễn tại nhà Mutualité ở Paris, trước tổng hội sinh viện Việt kiều và sinh viên nước ngoài.

Về sau ông làm đạo diễn đoàn Kim Thoa. Đêm 19-12-1955, đoàn Kim Thoa diễn vở  Lấp sông Gianh  khi nghệ sĩ Ba Cương vừa nói dứt câu “ Lấp sông Gianh để nêu cao ngọn cờ thống nhất “ thì một quả lựu đạn do bọn tay sai Mỹ Ngụy ném đã phát nổ khiến hơn 50 người bị thương và 3 người tử vong trong đó có : nghệ sĩ Ba Cương , kí giả Nguyễn Mai, còn Duy Lân bị đứt phần dưới đầu gối chân trái.

Duy Lân còn là một giáo sư kịch nghệ của Trường quốc gia âm nhạc cùng thời với các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Bích Thuân, Hoàng Trọng Biên; là một trong những người đầu tiên góp công sáng lập Hội Nghệ sĩ ái hữu cùng thời với Trần Hữu Trang, Nguyễn Thành Châu, Ba Vân, Phùng Há, Ngọc Vân...; Trưởng ban tuyển chọn giải Thanh Tâm năm 1960, năm phát HCV cho hai nghệ sĩ Ngọc Giàu và Bích Sơn.

Duy lân mất ngày 18 tháng 4 năm 1973. Thọ 63 tuổi. An táng tại Nghĩa trang Nghệ sĩ, Hạnh Thông Tây Gò vấp, Tp. HCM.

Bảy Nam

Bảy Nam - Lê Thị Nam (1913-2004)

Nghệ sĩ Bảy Nam tên thật là Lê Thị Nam sinh năm 1913 tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Thân sinh ra bà là một kỹ sư cầu cống, họ Lê tên Công, vốn là người thích chữ nghĩa nên đã chọn câu “Công Thành Danh Toại, Phỉ Chí Nam Nhi, Bia Truyền Tạc Để” để đặt tên cho 11 người con của mình.

Sau khi thân phụ qua đời, năm 14 tuổi, nghệ sĩ Bảy Nam đã được nghệ sĩ Năm Phỉ - đào chánh của gánh Phước Cương - hướng dẫn nghề hát và nhanh chóng nổi tiếng qua các vai diễn.

Năm 19 tuổi, cô Bảy Nam, nhờ nguồn tài chánh của ông chồng đầu tiên giàu có, là vua cờ bạc vùng Chợ Lớn Sáu Ngọ, đã thành lập, điều khiển và kiêm cả vai trò đạo diễn cho gánh đại ban Nam Hưng vốn quy tụ được nhiều nghệ sĩ hàng đầu lúc bấy giờ.

Không chỉ làm bầu gánh, nghệ sĩ Bảy Nam hàng đêm còn đóng vai chánh cho những tuồng hát của gánh này nữa. Mặc dù trong nhiều năm nghệ sĩ Bảy Nam nổi tiếng và được nhiều mến mộ qua nhiều vai diễn, kể cả vai Điêu Thuyền trong các tuồng Điêu Thuyền Hí Lữ Bố, Điêu Thuyền Bái Nguyệt…, bà đặc biệt còn thành công trong các vai nam oai phong lẫm liệt như Quan Công, Lữ Bố, hay các vai ông lão như Vương Tư Đồ, Lý Nhu.

Không dừng lại ở tài nghệ diễn xuất và khả năng quán xuyến một gánh hát đại ban, nghệ sĩ Bảy Nam còn là nữ soạn giả cải lương đầu tiên của Việt Nam, từng biên soạn những vở ăn khách như Gươm Vàng Máu Đỏ, Lê Lợi Khởi Nghĩa, Nỗi Đau Lòng Mẹ, Người Đàn Bà Việt Nam, Tiêu Anh Phụng Loạn Trào

Nhưng gánh Nam Hưng phải giải tán vào năm 1935, vì bà Bảy Nam ôm đồm quá nhiều việc, nên khó tránh những sơ suất, thất thoát. Và gánh này được được sát nhập với gánh Phước Cương của người chị là Cô Năm Phỉ để trở thành gánh Đại Phước Cương.

Năm 1937, Cô Năm Phỉ ra đi và thành lập đoàn cải lương Năm Phỉ, sau khi chồng của cô – ông Nguyễn Ngọc Cương – chính thức lấy người em gái là Cô Bảy Nam làm vợ. Nghệ sĩ Kim Cương là một trong 3 người con của hai ông bà.

Khoảng cuối thập niên 1940, gánh Đại Phước Cương sa sút vào khi ông Nguyễn Ngọc Cương lâm trọng bệnh và qua đời khi gánh này đang trên đường lưu diễn ở Phan Thiết năm 1944. Chồng bà mất trên đường lưu diễn, tứ cố vô thân vào lúc gánh hát sa sút, bà không có tiền an táng người thân, phải nhờ sự giúp đỡ của các vị Mạnh Thường Quân ái mộ cải lương ở địa phương.

Khoảng 6 năm sau khi ông Nguyễn Ngọc Cương qua đời, soạn giả Duy Lân của đoàn hát Nam Phong, nơi bà Bảy Nam là một trong những nghệ sĩ nồng cốt, đã gá nghĩa vợ chồng với bà. Bầu gánh Nam Phong là cô chín Bia, em ruột bà Bảy Nam, và đào chánh của gánh lúc bấy giờ là nghệ sĩ Kim Cương.

Nghệ sĩ Bảy Nam không những nổi tiếng trong lãnh vực cải lương, mà còn được nhiều mến mộ trong lãnh vực kịch nghệ, điện ảnh. Theo soạn giả Nguyễn Phương thì bà là nữ nghệ sĩ đầu tiên ở Saigòn được công ty điện ảnh Intermondial mời đóng với các diễn viên như Daniel Gélin, Anne Méchard trong phim Mort en Fraude của đạo diễn Marcel Camus.

Và bà từng tham gia trong các bộ phim Việt Nam như Hoa Lục Bình, Ngọn Cỏ Gió Đùa, Về Nguồn, Một Thoáng Đam Mê…

Có lẽ khó có ai thay thế nghệ sĩ Bảy Nam qua các vai diễn xuất sắc của bà trong những vở kịch như Bông Hồng Cài Áo, Vực Thẳm Chiều Cao… Và nhất là, khán giả khó mà cầm được nước mắt khi xem vở Lá Sầu Riêng, với hình ảnh Bà Bảy Nam qua vai người mẹ quê, nghèo khổ trong chiếc áo dài sờn vai, lắm chỗ vá, đầu đội chiếc nón lá bung vành, tai mang cái giỏ đệm xác xơ, đã phải nén đau thương, uất nghẹn, lê những bước chân ngập ngừng tới nhà xui gia bất đắc dĩ vốn là cường hào ác bá để thăm người con gái

Bà Bảy Nam qua đời lúc 12g50 ngày 18-8-2004, tại nhà riêng số 9 Hoàng Diệu, Q. Phú Nhuận, an táng tại nghĩa trang Tp.HCM. Thọ 91 tuổi.

Nghệ sĩ tài danh Bảy Nam mất đi, để lại cho đời 20 tuồng, kịch và một cuốn hồi ký về cuộc đời sân khấu của bà.

Điêu Huyền
Điêu Huyền - Phạm Văn Điều (1915-1983)

Soạn giả Điêu Huyền tên thật là Phạm Văn Điều sinh năm 1915, tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ, nay là Thành phố Cần Thơ. Ông, là người con thứ chín trong một gia đình 11 anh em, thường được gọi thân mật là Chín Điều.

Lúc học Collège de Cantho, sau cải danh là Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, Điêu Huyền là 1 trong số 3 người được cấp học bổng. Ngoài ra, Điêu Huyền còn giỏi ở nhiều lĩnh vực khác. Ông có “hoa tay”, viết chữ rất đẹp, kể cả viết chữ Hán. Với tài hoa đó, ông tự tay thiết kế cảnh trí, phông màn cho vở cải lương Mười năm gian khổ do Đoàn cải lương Lam Sơn biểu diễn. Tài hoa này thể hiện ở chỗ ông còn là soạn giả vở diễn vừa nêu. Cái máu đờn ca tài tử có trong ông ngay từ khi còn nhỏ. Trước năm 1930, ở Nhơn Nghĩa có nhóm đờn ca tài tử Ái Nghĩa, tên cũ của Nhơn Nghĩa với 12 anh em tham gia, là một trong vài ban đờn ca tài tử sớm nhất ở Cần Thơ. Trong ban đờn ca tài tử Ái Nghĩa có ông anh thứ năm của Điêu Huyền là Phạm Văn Cận đờn cò rất giỏi. Nhờ đó, Điêu Huyền theo nhóm, mon men viết tuồng. Khi theo học Collège de Cantho, ông gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Lưu Hữu Phước chơi mandolin, Điêu Huyền chơi đờn tranh. Họ thành bạn thân từ đó.

Khoảng năm 1952-1954, Điêu Huyền làm ở Ty Thông tin Cần Thơ. Đây là giai đoạn ông viết nhiều vở cải lương. Địa chí Cần Thơ  trang 565 viết: “Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đoàn tuyên truyền lưu động tỉnh được thành lập, vừa tuyên truyền, vừa diễn kịch Thiếu nhi thời loạn của soạn giả Điêu Huyền, tiêu biểu cho giai đoạn này .... Cũng vào khoảng giữa năm 1952, Đoàn cải lương Lam Sơn thuộc Ty Thông tin tỉnh Cần Thơ ra đời, do soạn giả Điêu Huyền làm trưởng đoàn, vở cải lương Mười năm gian khổ do ông soạn đã trở thành vở diễn chính của đoàn”.

Cũng nổi tiếng là vở Chim Việt cành Nam, nhưng Mười năm gian khổ còn có tên Chén cháo Chí Linh là vở cải lương nổi tiếng nhất của ông trong giai đoạn này, diễn rộng rãi ở miền Tây Nam bộ. Đáng chú ý là vở Nợ máu trả bằng máu khi diễn sơ khảo rất được nhân dân yêu thích, nhưng không được công diễn vì Tỉnh ủy phê là “tả khuynh”...

Sau năm 1945, Điêu Huyền lập đoàn văn nghệ tại ấp nhà, diễn viên chủ yếu là con cháu và người trong dòng họ. Vở tuồng nổi tiếng nhất là Thiếu sinh thời loạn, phản ánh tình yêu nước của lớp trẻ.

Năm 1954, ông lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai với việc sáng tác tuồng cải lương. Những tác phẩm trong thời kỳ này của ông phần lớn thuộc loại dã sử, nói về người Việt cùng đồng bào dân tộc ít người đâu lưng chung cật chống xâm lăng. Đáng chú ý là vở Ánh lửa rừng khuya, sáng tác khoảng năm 1980-1981, với bối cảnh là cuộc chiến biên giới Tây Nam đánh quân Polpot. Tác phẩm cuối cùng của Điêu Huyền là vở Gió bụi biên thùy khoảng năm 1982-1983. Khi đoàn cải lương diễn vở này ngoài Bắc trở về, đưa số tiền nhuận bút, Điêu Huyền nói cả đời ông không bao giờ mơ thấy được.

Năm 1983. Một bữa ăn cơm xong, đi rửa chén, Điêu Huyền kêu nhức đầu, triệu chứng cao huyết áp, ngã ngang, đụng đầu vào lavabo, qua đời ở nhà riêng tại Tp. HCM. Thọ 68 tuổi.

Soạn giả Điêu Huyền qua đời đã lâu nhưng người hâm mộ cải lương vẫn luôn nhớ đến các vở Khách sạn Hào Hoa, Tìm lại cuộc đời, Cây sầu riêng trổ bông, Kiếp chồng chung... nhưng “đình đám” nhất vẫn là vở Tiếng hò sông Hậu. Xem vở này, ai cũng ghét thậm tệ nhân vật Hội đồng Dư. Tiếng hò sông Hậu thành công vì gây dựng được niềm tin trong lòng khán giả  về luật nhân quả nhãn tiền: kẻ xấu, kẻ ác bị trừng phạt hoặc họ sẽ hồi tâm quay về nẻo chính.

Ngoài tài nghề sáng tác, soạn giả Điêu Thuyền còn là giám đốc kỹ thuật cho nhiều đại ban Cải lương trước 1975, riêng trong đó có gánh Cải lương Kiên Giang mà NSND Bạch Tuyết không thể nào quên. Đó là gánh Cải lương đầu tiên chị Bạch Tuyết khởi nghiệp và được soạn giả Điêu Thuyền giới thiệu và nhận chị làm con nuôi từ đó.

Có thể nói, soạn giả Điêu Huyền là một trong những nhân cách nghệ thuật lớn đầy tài hoa bên cạnh các ngòn bút cả đời theo nghiệp Tổ như: Hà Triều - Hoa Phượng, Thu An, Hoàng Khâm, Nhị Kiều, Quy Sắc… ông là cung đàn trỗi lên những nốt nhạc mùa xuân vĩnh cửu trong lòng yêu mến của biết bao thế hệ nghệ sĩ, khán giả yêu sân khấu kịch hát dân tộc.

Nhị Kiều

Nhị Kiều - Quản Thị Minh Nguyệt (1921-20  )

Soạn giả Nhị Kiều tên là Quản Thị Minh Nguyệt, sanh năm 1921, tại làng An Thạnh, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre. Cô viết tuồng lúc khởi đầu thì ký tên là Cô Nguyệt, rồi Hoàng Thị Nguyệt và sau cùng chị đổi bút danh là soạn giả Nhị Kiều.

Năm 1954, Đoàn hát Việt Kịch Năm Châu xuống tỉnh Bến Tre biểu diễn, lúc đó cô đã 33 tuổi. Đem lòng ái mộ NS Tám Vân, người đóng vai Duy Bạt trong tuồng Gió ngược chiều, cô quyết định sánh duyên cùng ông, theo ông trên khắp nẻo đường lưu diễn.
 
Yêu chồng và đam mê sân khấu, cô học cách soạn tuồng, học viết và học ca cổ.
 
Văn chương của soạn giả Nhị Kiều nhiều nữ tính, nhẹ nhàng, ngay trong những đoạn gay cấn thì lời văn của cô vẫn mộc mạc, chân chất. Chuyện tuồng phần lớn được xây dụng một mạch có đầu có kết, như thể loại kể chuyện, ảnh hưởng nhiều từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh.

Cô Nguyệt nói về tên soạn giả Nhị Kiều như sau: “Tôi bị rất nhiều người ganh ghét và họ thường nói là muốn gặp bà bầu Thơ, chủ gánh Thanh Minh Thanh Nga , phải qua “hai cái cầu.” Họ nghĩ Nhị Kiều là hai cái cầu nhưng thực sự ý nghĩa của nó không phải vậy.

Tôi có người chị ruột tên là Quản Thị Trúc Mai (tức Hoàng Trúc Mai), giỏi làm thơ viết văn. Do đó tôi mượn một câu thơ của Tào Tháo: “Đồng Tước Chung Thân Tỏa Nhị Kiều “tự đặt bút danh Nhị Kiều để kỷ niệm gia đình tôi có hai người con gái theo nghiệp văn chương ” .

Từ 1963 đến năm 1972, Nhị Kiều đứng tên hợp soạn với các soạn giả sau đây:

- Với thi sĩ Anh Tuyến, tuồng Hương Lúa Tình Quê, Trăng Rụng Bến Từ Châu, Kim Hồ Điệp, Lỗi Tình Cố Nhân.
– Với soạn giả Hà Triều Hoa Phượng tuồng Khói Sóng Tiêu Tương.
– Với soạn giả Thanh Cao, tuồng Những Đứa Con Lai.
– Với soạn giả Nguyễn Đạt, tuồng Mùa Sen Trắng Nở, Mạnh Lệ Quân, Thạch Phá Thiên, Đường Về Vạn Kiếp.
– Với nhóm Bông Lan (soạn giả Hoàng Lan) tuồng Bao Công Xử Án Trần Thế Mỹ, Sở Vân, Đường Nào Lên Thiên Thai.
– Với soạn giả Thế Châu: tuồng Qua Cầu Đắng Cay, Tâm Sự Cha Tôi, Thanh Xà Bạch Xà, Anh Bảy Chà, Mùa Thu Lá Bay, Cánh Chim Bạt Gió.

Nhị Kiều cũng phóng tác theo tiểu thuyết của Ngọc Linh thành tuồng Nắng Sớm Mưa Chiều, và phóng tác tiểu thuyết của Trang Thề Hy thành tuồng Vầng Trăng Bên Kia Sông.

Kịch bản Mùa thu lá bayTruyền thuyết tình yêu là hai tác phẩm nổi tiếng của Nhị Kiều, đưa tên tuổi nghệ sĩ Bạch Tuyết vai Hàn Ni, cố nghệ sĩ Minh Phụng vai Văn Lâu, nghệ sĩ Vũ Linh Phi Cát, nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm, nghệ sĩ Kiều Phượng Loan, Thanh Hằng vai nữ vương lên đỉnh cao nghệ thuật ca diễn.

Sau năm 1975, soạn giả Nhị Kiều có tuồng thu vidéo: Hoa Cẩm Chướng, Huyền Thoại Một Chuyện Tình, Giọt Mưa Thu, Lỡ Chuyến Đò Thương, Vết Thương Kỷ Niệm, Vị Đắng Lá Sầu Đâu, Trăng Nước Lạc Dương Thành, Người Khách Thương Hồ, Nửa Đêm Chợt Tỉnh, Lòng Người Bạc Đen…

Từ năm 1995 đến nay, nữ soạn giả Nhị Kiều và nghệ sĩ Tám Vân về sống cùng các con ở xã Bình Nhâm, quận Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Một khu vườn yên tịnh bao quanh ngôi nhà nhỏ, cạnh ngôi nhà được cất thêm một chái nhà tranh. Đây là nơi đôi vợ chồng nghệ sĩ Tám Vân - Nhị Kiều sống an hưởng tuổi già.

Nữ soạn giả Nhị Kiều đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng lúc 5 giờ 30 sáng ngày 5-11-2010. Thọ 90 tuổi.

Hơn bốn mươi năm theo chồng lang thang theo nhiều đoàn hát, nữ soạn giả Nhị Kiều hợp soạn với nhiều soạn giả nổi danh của những thập niên 60, 70, chị cũng phóng tác theo các tiểu thuyết của các nhà văn nhà báo, và khi phong trào thu vidéo cải lương phát triển rộn rịp thì chị cũng có mặt trong hàng ngũ của những soạn giả được đặt hàng nhiều nhất, nữ soạn giả Nhị Kiều được kể là một soạn giả viết nhiều nhất, viết nhanh nhất và cũng là một soạn giả già nhất còn minh mẩn, còn nhớ trước nhớ sau và sáng tạo ra chuyện tuồng được.

Nguyễn Phương

Nguyễn Phương - Nguyễn Văn Hòa (1922-20  )

Soạn giả Nguyễn Phương tên thật là Nguyễn Văn Hoà, sanh ngày 1 tháng 7, 1922, tại làng Điều Hòa , Mỹ Tho. Ông có theo học Trung học Mỹ Tho, rồi theo học và tốt nghiệp trường Bách nghệ Sài Gòn năm 1940 , sau đó ông đi học tiếp ở Hà Nội, trường Kỹ Thuật Chuyên Nghiệp 2 năm.

Năm 1943, ông được bổ nhiệm làm ở Ph òng kỹ thuật thuộc Sở Bưu Điện ở Sài Gòn. Nhà ông ở đường hẻm Cá Hấp, gần rạp hát Thành Xương với đường Cầu Quang, nên ông thường tới coi hát cho nên tôi quen được với nhiều nghệ sĩ.

Đến năm 1948, có người bạn tôi rủ theo Gánh hát Tiếng Chuông của Bầu Căn.

Từ năm 1948 cho tới năm 1989, ông bỏ luôn nhiệm sở theo gánh hát liên tục hơn 40 năm, ông học hỏi với các soạn giả viết tuồng rồi tôi trở thành soạn giả.

Ông cọng tác với các đòan như đoàn Tiếng Chuông Bầu Căn, Đoàn Ánh Sàng bầu Tập. Đoàn Diễn Kịch Năm Châu, Đoàn Kim Thoa, Đoàn Thanh Minh của bầu Nghĩa, Đoàn Thanh Minh Thanh Nga của Bầu Thơ, Đoàn Dạ Lý Hương của Bầu Xuân. Đồng thời lúc đó ông cũng là Trưởng Ban Cải Luơng Phát Thanh Phương Nam, của Đài Phát Thanh Sàigòn, rồi trưởng ban Kịch Phương Nam, đài Truyền hình Sàigòn.

Soạn giả Nguyễn Phương đã viết hơn 100 vỡ tuồng cải lương: Đôi Mắt Người Xưa, Ngã Rẽ Tâm Tình, Bọt Biển, Tình Xuân Muôn Tuổi, Hoa Đồng Cỏ Nội, Người Tình Của Biển, Chuyện Tình 17, Tiền Rừng Bạc Biển, Chén Trà Của Quỹ, Bóng Chim Tăm Cá

Ông cũng viết kịch thường xuyên, cộng tác với kịch Sống của Túy Hồng, với ban kịch của Kim Cương, với ban kịch của Thẩm Thúy Hằng với Chương Trình Lúc Không Giờ của Đài Truyền Hình do đạo diễn Lê Hòang Hoa phụ trách .

Về phim thì ông là tác giả của các truyện phim Triệu Phú Bất Đắc Dĩ, của Mỹ Vân phim. Sống Đời Tôi với Lệnh Bà Xã của Mỹ Ảnh phim, Chàng Ngốc Gặp Hên của Trùng Dương phim, Con Ma Nhà Họ Hứa của Dạ Lý Hương phim.

Sau năm 1975, ông là chuyên viên kỹ thuật sân khấu của các đoàn hát Thanh Nga, rồi Sàigòn 3, đoàn Phước Chung, đoàn Hương Nam, đoàn Sàigòn 2.

Từ năm 1989, ông định cư ở Canada, năm 2006 soạn giả Nguyễn Phương phụ trách chương trình Cổ nhạc của Ban Việt Ngữ Đài ACTD (RFA).

Nguyễn Phương là tác giả của quyển Ngũ Đại Gia Của Sân Khấu Cải Lương được xuất bản ở Montreal, Canada vào năm 2000. Ông lại cho xuất bản thêm một tác phẩm khác mang tên Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ, ấn hành năm 2005.

Nguyễn Phương là soạn giả đa năng, ông vừa sáng tác tuồng cải lương, viết kịch, viết phim truyện lại viết văn, ông đã thố lộ tâm tình:

“Viết hồi ký Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ, tôi ghi lại những kỷ niệm của một thời mà tôi lang thang trên bước đường nghệ thuật sân khấu. Trong những kỷ niệm đó, “tôi”, “cái tôi” chỉ là một phần cá thể rất nhỏ của tôi, hoà nhập với cả một tập thể nghệ sĩ để cùng làm chứng nhân của một thời điểm mà xã hội Việt Nam còn có ý khinh bạc đối với người nghệ sĩ, xem họ như những kẻ xướng ca vô loại.”

Thanh Cao

Thanh Cao – Nguyễn Văn Cao (1923-20  )

Soạn giả Thanh Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, còn được gọi là Tám Cao, sanh năm 1923 tại làng Cổ Cò, Cái Bè. Anh học trường Tiểu Học Cái Bè, lúc đó các xã Cổ Cò, Mỹ Thiện, Cái Thia, Giòng Dứa có phong trào đờn ca tài tử nên anh Tám Cao theo chú bác trong thôn xóm học đờn ca. Anh biết đờn kìm, biết ca đầy đủ các bản ba Nam, sáu Bắc, Bảy bài và vọng cổ, giọng hát rất trong, giọng ca khỏe khoắn, hơi ngân dài và êm dịu nên nổi tiếng là danh ca Tám Cao trong ban đàn ca tài tử của quận Cái Bè.

Năm 1939, Bà Giáo Chuẩn bầu gánh hát Tiếng Chuông, trong dịp hát ở rạp Thầy Năm Tú, nghe tiếng danh ca Tám Cao ở Cổ Cò, phái quản lý mời anh đến ký giao kèo về hát cho gánh hát Tiếng Chuông và đặt cho anh nghệ danh Thanh Cao vì giọng ca vọng cổ của anh cao vút và ngân vang như giọng ca của danh ca Thanh Tao.

Nghệ sĩ Thanh Cao, 16 tuổi trở thành kép chánh của gánh hát Tiếng chuông nhờ có sắc vóc đẹp trai, cao ráo, nước da trắng, ca vọng cổ mùi và hát rất hay các bài bản ngắn của soạn giả Mộng Vân. Anh đã hát qua các tuồng Trộm Mắt Phật, Cánh Bườm Đen, Chiếc Lá Vàng, Kích Tôn Sơn Bá Tước,… Lúc đó, kép Thanh Cao được khán giả ái mộ nồng nhiệt nên được các bầu gánh hát tranh nhau mời anh ký giao kèo. Nghệ sĩ Thanh Cao đã hát qua các gánh hát Mộng Vân, Tỷ Phượng. Đây là hai gánh hát tiêu biểu của dòng sân khấu kiếm hiệp thời đó.

Năm 1947, nghệ sĩ Thanh Cao sáng tác vở tuồng cải lương đầu tiên, mang tựa đề Phi Vân Kiếm Khách, được dàn dựng trên sân khấu Tỷ Phượng. Vở tuồng Phi Vân Kiếm Khách rất ăn khách, vì tuy mới sáng tác một vở đầu tay nhưng nghệ sĩ Thanh Cao từng hát nhiều tuồng loại kiếm hiệp của soạn giả bậc thầy Mộng Vân nên anh biết chọn cốt chuyện có nhiều tình tiết sôi động để tạo điều kiện cho diễn viên phô trương những màn ca diễn hấp dẫn đậm chất cải lương. Nghệ sĩ Thanh Cao thủ vai kép chánh trong tuồng, có nhiều lớp ca vọng cổ hớp hồn khán giả, do đó danh tiếng của Thanh Cao càng nổi bật.

Trong thập niên 40, miền Nam có rất ít soạn giả cải lương. Các soạn giả kỳ cựu như Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Mạnh Tư Trương Duy Toản, các ông Nguyễn Công Mạnh, Nguyễn Thành Châu, Tư Chơi, Năm Nở đều là những người có trình độ cao về Nho học hoặc Tây học; có các soạn giả học ít hơn nhưng có trình độ ca, diễn cao, được gọi là danh ca thường trở thành bầu gánh hát như Bảy Cao, bầu gánh Hậu Tấn - Bảy Cao, Năm Nghĩa, bầu gánh Hậu Tấn – Năm Nghĩa, soạn giả Vân Sinh kiêm bầu gánh Tân Hương Hoa. Soạn giả trẻ tuổi kiêm danh ca Thanh Cao có tác phẩm ăn khách được giới ái mộ sân khấu cải lương đánh giá là một hiện tượng đặc biệt nên có người hào phú xuất tiền lập gánh hát để anh đứng tên coi như là một phần hùn để cùng người đó lèo lái gánh hát nhưng nghệ sĩ Thanh Cao thích hát hơn là làm bầu gánh. Đó là gánh hát Đuốc Việt của bầu Hơn, chồng của cô đào chánh Ngọc An. Soạn giả Thanh Cao tuy không nhận phần hùn làm bầu với cái tên đang ăn khách của anh nhưng Thanh Cao vẫn tận tình giúp bầu Hơn.

Chính trong việc giúp bầu Hơn điều khiển đoàn hát, soạn giả Thanh Cao bộc lộ khả năng quản lý đoàn hát, khả năng ca diễn và đào tạo các nghệ sĩ trẻ, đồng thời nghệ sĩ Thanh Cao biểu lộ cái tâm cái đức của một nghệ sĩ đàn anh đối với các nghệ sĩ đàn em và các công nhân sân khấu. Những khi số thu của đoàn yếu kém thì anh yêu cầu chủ nhân vẫn phát lương đủ cho các anh công nhân sân khấu, các anh chị em đào kép phụ và vệ sĩ. Anh là kép chánh nhưng anh nhận lương đờ mi hay ít hơn, đồng thời vận động với các nghệ sĩ đào kép chánh khác cũng tình nguyện chia cơm xẻ áo với các em vệ sĩ, công nhân sân khấu trong những lúc đoàn hát gặp khó khăn.

Soạn giả Thanh Cao đã cộng tác với đoàn hát Tiếng Chuông Bầu Cang, đoàn Đuốc Việt bầu Hơn, đoàn Bích Sơn - Ngọc An và anh làm soạn giả thường trực đoàn Kim Chung của bầu Long.

Các soạn phẩm nổi tiếng của soạn giả Thanh Cao trước năm 1975 có các vở Người Nhạn Trắng, Phạm Công Cúc Hoa, Ngai Vàng Hay Ghế Gổ, Hai Dòng Sửa Mẹ, Tôi không làm Hoàng Hậu, Người Việt Trên Đất Khách, Huyền Trân Công Chúa,…

Sau năm 1975, anh chuyển thể hai kịch bản Tô Hiến Thành Xử ÁnNhiếp Chính Ỷ Lan của Soạn giả Bùi Trọng Nghĩa và Hoàng Yến. Anh cũng có sáng tác vở Vụ Án Lệ Chi Viên.

Nghệ sĩ Thanh Cao là một thành viên tích cực hoạt động trong Ban chấp hành Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế trong nhiều khóa kể từ năm thành lập Hội 1948 cho đến nay. Có thể kể các nghệ sĩ lão thành làm việc cho Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu không biết mỏi mệt có Bà Phùng Há, Bà Kim Chưởng, và ba soạn giả Ngọc Văn, Thanh Cao, Kiên Giang.

Trong thập niên 80, sau khi nghệ sĩ Minh Tơ mất, soạn giả Thanh Cao được đề cử làm trưởng đoàn cải lương Minh Tơ. Thời gian này nghệ sĩ Thanh Cao góp phần đào tạo nhiều nghệ sĩ kế thừa.

Về gia đình thì nghệ sĩ Thanh Cao có vợ là nữ nghệ sĩ Lệ Thơ. Nữ nghệ sĩ Lệ Thơ là đào lẳng độc, cùng cộng tác chung một đoàn với chồng là nghệ sĩ Thanh Cao trong nhiều đoàn hát. Hai anh chị có được ba người con trai. Các con không theo nghề hát của cha mẹ. Sau đó nữ nghệ sĩ Lệ Thơ bị bệnh tâm thần và mất đã lâu.

Nay Thanh Cao, tuy đã nghỉ sáng tác hay không hoạt động sân khấu nữa nhưng tâm tình của anh vẫn gắn bó với bạn đồng nghiệp và các nghệ sĩ trẻ. Khi nhắc đến thời hoàng kim cải lương, đôi mắt anh sáng rở, miệng luôn mỉm cười và nhắc lại nhiều kỷ niệm đẹp với các đoàn hát và nghệ sĩ mà anh có dịp cùng làm việc khi xưa.

Nhắc lại cơn suy thoái của sân khấu cải lương, anh nói: … Cải lương xuống dốc vì… chúng ta không biết khán giả yêu gì, ghét gì, thích gì và thị hiếu của họ phát triển ra sao? Chất cải lương bị tàn phá dữ dội cũng vì nhiều kịch bản, nhiều đạo diễn thiếu hiểu biết về đặc trưng của nó. Người ta luôn lầm tưởng nó là Kịch Hát. Cải lương không phải là kịch hát vì cái chủ của nó vốn là bài bản, giai điệu cải lương và cái dòng phát triển của nó là dòng của một câu chuyện kể…

Thu An

Thu An – Nguyễn Văn Sáu (1923-2005)

Soạn giả Thu An tên thật là Nguyễn Văn Sáu, sinh ngày 3-10-1923 tại Hương Khánh Trung, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Soạn giả Thu An nguyên là nhạc sĩ đờn cò ở Bến Tre, tham gia kháng chiến từ những năm 1946-1947. Sau đó lại về thành và được ông Ba Bản đem lên Sài Gòn làm việc ở hãng dĩa hát Hoành Sơn với nhiệm vụ trưởng phòng thu thanh. Nói cho oai chứ thực chất là người giữ chìa khóa mở cửa cho nghệ sĩ đến thu dĩa hát.

Cái may mắn của Thu An là nhờ làm việc và cư ngụ tại hãng dĩa hát Hoành Sơn, rồi tập sự viết tuồng loại ngắn để thu dĩa hát. Lúc ấy Út Trà Ôn đến thu dĩa đã khuyến khích Thu An nên viết tuồng cải lương sân khấu có ăn hơn, hễ có hát là có tiền bản quyền, chớ không như thu dĩa chỉ lãnh tiền một lần rồi thôi.

Nghe theo lời đệ nhứt danh ca, Thu An kêu soạn giả Hoàng Khâm cùng với mình viết tuồng và chẳng bao lâu thì vở hát Lỡ Bước Sang Ngang ra đời đề tên soạn giả Thu An-Hoàng Khâm, trình diễn trên sân khấu Thanh Minh năm 1959. Thời điểm này bảng hiệu đoàn Thanh Minh chưa có chữ Thanh Nga, dù rằng cô đã 17 tuổi đóng vai chánh Cẩm Nhung trong tuồng. Và Út Trà Ôn với vai trò Chú Ba Mỏ Lết cũng khá nổi trong vở hát này.

Vở hát Lỡ Bước Sang Ngang coi như thành công, hát nhiều đêm vẫn còn đông đảo khán giả. Thu An thừa thắng xông lên tiếp tục viết tuồng, và thời vận may đưa đến: Ông Ba Bản thành lập đoàn Thủ Ðô đã sử dụng vở tuồng Tiếng Trống Sang Canh của Thu An để khai lương bảng hiệu. Ðồng thời Thu An được ông Ba Bản tin cậy giao cho chức giám đốc kỹ thuật kiêm soạn giả thường trực.

Với vị thế khá nặng ký này, Thu An đã chiếm được trái tim cô đào chánh trẻ đẹp Ngọc Hương và sự nghiệp lên hương. Hằng đêm Thu An vừa lãnh tiền bản quyền soạn giả là 6 phần trăm trên tổng số thu, lại vừa lãnh tiền làm giám đốc kỹ thuật sân khấu. Còn đào Ngọc Hương thì lãnh lương đào chánh cao hơn bất cứ đoàn nào.

Tiền vô như nước, không đầy hai năm cặp vợ chồng này đã mua xe hơi, tậu biệt thự ở Phú Nhuận, gần hãng dĩa hát Hoành Sơn.

Thế nhưng, dù được ưu đãi thế mấy đi nữa cũng chẳng vừa lòng, cặp Thu An, Ngọc Hương rời bỏ đoàn Thủ Ðô đi sang đoàn Kim Chưởng, Thu An vẫn được giữ địa vị giám đốc kỹ thuật kiêm soạn giả, và Ngọc Hương thì lãnh vai đào chánh thay thế Út Bạch Lan vừa rời đoàn.

Ðến 1964 thì vợ chồng Thu An, Ngọc Hương nhảy ra lập gánh với bảng hiệu Hương Mùa Thu, đứng trong hàng đại ban, hát ở các rạp lớn Sài Gòn, coi như ngang hàng với các đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chung, Kim Chưởng. Có điều kiện gánh hát nhà nên cuộc đời nghệ thuật của Ngọc Hương ngày một đi lên, và tuồng nào có Ngọc Hương hát trên sân khấu thì sau đó người ta lại thấy tuồng được thu dĩa hát để phổ biến rộng rãi hơn.

Lúc bấy giờ có người nói rằng khi còn ở đoàn Thủ Ðô thì Ngọc Hương chuyên đóng các vai tiểu thơ đài các, vai công chúa như trong tuồng Cây Quạt Lụa Hồng, đào Ngọc Hương đóng vai công chúa Huyền Trân. Tới lúc lập gánh Hương Mùa Thu thì không hiểu sao Thu An lại viết tuồng dựng lên toàn bối cảnh nhà quê nghèo nàn, cho Ngọc Hương đóng vai cô gái quê nghèo. Cái đáng suy gẫm là trước ngày kỷ niệm đệ nhứt chu niên ngày thành lập gánh Hương Mùa Thu, soạn giả Thu An đã ráo riết cho tập dượt vở hát Bà Chúa Ăn Mày, dựng lên một đám ăn mày, đồng thời cho bà xã Ngọc Hương thủ vai bà chúa ăn mày. Thiên hạ nói làm chúa ăn mày thì khá cái nỗi gì chớ, sớm muộn gì cũng nghèo! Tại sao Thu An lại không kiêng cữ gì hết?

Từ sau cái Tết Mậu Thân thì đoàn Hương Mùa Thu ngày một xuống dốc, không còn hát ở Ðô Thành mà phải lui về tỉnh lẻ để sống. Rồi cũng chẳng bao lâu thì bắt đầu xuống hát quận lỵ, bởi thời điểm này các rạp ở tỉnh lỵ, thị xã bị Tàu thuê hết để chiếu phim chưởng.

Ðại ban Hương Mùa Thu lúc mới khai trương bảng hiệu thì được liệt vào hạng “A”, nhưng sau một thời gian 4, 5 năm thì xuống hạng “B” rồi tới hạng “C” và tiếp tục xuống nữa, xuống nữa… Cặp vợ chồng Thu An, Ngọc Hương trôi nổi từ chợ này đến đình làng khác, cho đến một ngày nọ thì tấp vô Cù Lao Rồng. Rồi thì rã gánh luôn!

Những năm tháng hoạt động sân khấu, sáng tác, soạn giả Thu An đã viết trên 300 tuồng cải lương, bài ca cổ… Trong đó, có nhiều vở tuồng, bài ca cổ được nhiều thế hệ công chúng mến mộ như: Tiếng trống sang canh, Chiếc áo ân tình, Hai chiều ly biệt, Cô gái sông Đà, Ảo ảnh Châu Bích Lệ, Người anh khác mẹ, Con cò trắng, Gánh cỏ sông Hàn, Lá của rừng xanh, Tỉnh mộng, Một ánh sao rơi, Nhặt cánh mai vàng, Tiếng hát đền Bá Lạc...

Trước năm 1975, soạn giả Thu An được giới nghệ sĩ sân khấu đánh giá là một trong năm soạn giả viết kịch bản cải lương hay nhất ở Sài Gòn, cùng thời với các soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng, Thiếu Linh, Hoàng Khâm.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, soạn giả Thu An đã qua đời lúc 2 giờ ngày 10 -10-2005, tại Tp. HCM, thọ 83 tuổi.

Quy Sắc

Quy Sắc - Nguyễn Phú Quý (1924-2010)

Soạn giả Quy Sắc tên thật là Nguyễn Phú Quý, sinh năm 1924 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương.Ông. Nghệ danh Quy Sắc là cách chơi chữ đánh vần tên của ông.

Ông đỗ Thành chung vào thời Pháp thuộc và là thầy giáo dạy Việt văn lúc còn trẻ.
Soạn giả Quy Sắc sau khi thành công bài vọng cổ “Cô Bán Ðèn Hoa Giấy,” ông tiếp tục tiến xa hơn vào nghiệp cầm ca. Ông đã tự học viết tuồng và tuồng cải lương đầu tiên của ông là Nghiệp giáo.

Nghiệp soạn giả đến với ông khi ông gặp soạn giả Nguyễn Phương và soạn giả Kiên Giang khi ông làm gia sư cho nghệ sĩ Thanh Nga. Ông và soạn giả Kiên Giang đã hợp tác cho ra đời tuồng cải lương nổi tiếng Người vợ không bao giờ cưới (Sơn nữ Phà Ca).

Năm 1972, ông viết ba tuồng cải lương cho gánh Bạch Tuyết-Hùng Cường.

Ông cũng viết tuồng cải lương cung cấp cho đài phát thanh Sàigòn với các vở tuồng ngắn, thường là hát một giờ đồng hồ là hết tuồng, có nghĩa là chỉ phát một lần. Nếu như tuồng nào bắt buộc kéo dài quá, thì cũng chỉ phát thanh hai đêm, mỗi đêm một giờ.

Viết cho đài phát thanh tiền thù lao tuy ít nhưng chắc ăn, mỗi tháng đài tổng kết là lãnh tiền. Soạn giả Quy Sắc, và soạn giả Ðiêu Huyền thường xuyên có tuồng mới phục vụ cho chương trình cải lương ngắn này.

Nhận thấy nghề viết tuồng, viết bài ca cuộc sống khá vững vàng, Quy Sắc bỏ hẳn nghề dạy học, để tập trung tim óc vào viết tuồng, viết bài ca. Thời gian sau thì đài phát thanh Sài Gòn thu nhận thêm nhiều ban văn nghệ, kể cả các ban kịch nói, đã chia nhau giờ thu thanh và dĩ nhiên mỗi ban họ có kịch bản riêng, đã ảnh hưởng nhiều đến tinh thần, đời sống của các soạn giả yêu nghề đang cộng tác với đài.

Trước mỗi tuần đều có thu thanh, sau cả tháng cũng chưa tới phiên. Do đó mà Quy Sắc trở lại viết bài ca vọng cổ và tuồng cải lương ngắn cung cấp cho hãng dĩa hát. Tuồng ngắn của Quy Sắc được vô dĩa như: Tình Cô Gái Huế, Duyên Ai Nấy Gặp, Cành Hoa Trước Gió… Về bài vọng cổ sáu câu thì có:  Anh Nữ Trước Pháp Trường doLệ Thủy ca, Duyên Nợ do Thành Ðược ca, Cây Trứng Cá Sau Vườn do Minh Cảnh ca…

Ðồng thời Quy Sắc cũng viết tuồng cải lương dài ba tiếng đồng hồ hát trên sân khấu, vở hát đầu tiên của ông mang tên Nghiệp Giáo diễn trên sân khấu Thanh Minh, kế đó là tuồng Hối Hận, tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, viết chung với Kiên Giang. Quy Sắc cũng viết tuồng Mễ Tây Cơ, tuồng Nhật, tuồng Tàu…

May mắn của ông là được trưởng thành trong lòng một sân khấu cải lương đang hồi cực thịnh, và những tác phẩm của ông đã góp phần làm phong phú thêm cho bộ mặt sân khấu. Tóm lại từ một nhà giáo bước vào địa hạt cải lương, Quy Sắc được kể như thành công và tiếp tục đeo đuổi sự nghiệp sân khấu.

Viết tuồng cho các gánh hát một thời gian thì Quy Sắc được làm giám đốc đoàn Sao Ngàn Phương kiêm soạn giả, tức dưới quyền có trên 30 người. Nhưng càng cao danh vọng càng nhiều gian nan!

Số là soạn giả Quy Sắc, giám đốc đoàn Sao Ngàn Phương, nhưng đoàn bị lủng củng từ khi mới ra đời, càng ngày càng lục đục trầm trọng. Họ chẳng giải quyết gì cả, trái lại mâu thuẫn, mờ ám đầy dẫy, nên việc gì đã đến phải đến.

Khi đoàn này trình diễn lại rạp Quốc Thanh, thì bà Lê Thị Chi, chủ nhân đoàn Sao Ngàn Phương, có nhờ thừa phát lại tống đạt cho soạn giả Quy Sắc một văn thơ chấm dứt nhiệm vụ giám đốc của ông tại đoàn này. Ðồng thời bà yêu cầu Quy Sắc thanh toán tất cả tiền bạc, sổ sách giấy tờ… và bà sẽ giành quyền truy tố Quy Sắc ra trước pháp luật.

Vậy là đôi bên đã căng thẳng, sự việc nổ bùng, không thể hàn gắn vì đã đến lúc họ giải quyết với nhau bằng luật pháp.

Quy Sắc bắt đầu chán ngán nghiệp cải lương, thời gian sau thì gặp biến cố Tết Mậu Thân, cải lương xuống dốc thậm tệ, nên mặc dù đang được Thanh Minh Thanh Nga mời làm giám đốc kỹ thuật, Quy Sắc cũng cương quyết không nhận lãnh.

Cùng lúc đó, ông chạy lo giấy phép mở trường trung học để quy tụ các nhà giáo anh em giáo dục cho lớp trẻ. Quy Sắc bảo, dù gì mở trường học có thất bại cũng còn hay hơn làm cải lương nhiều!

Soạn giả Quy Sắc qua đời ngày 07 tháng 01 năm 2010, tại nhà riêng C16 cư xá Vĩnh Hội, phường 5, Quận 4, Tp. HCM. Thọ 86 tuổi.

Viễn Châu

Viễn Châu - Huỳnh Trí Bá (1924-2016)

Soạn giả Viễn Châu tên thật Huỳnh Trí Bá, sinh năm 1924, tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ông xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả, là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá là danh cầm đàn tranh

Thuở nhỏ, ông học quốc văn ở trường làng và học Hán văn với những bậc túc nho ở tại nhà. Ngoài ra, khi còn học ở trường, ông đã mê đờn ca, cả tân lẫn cổ, thường có mặt trong các buổi đờn ca tài tử, hoặc cùng bạn bè tổ chức đờn ca. Ông mày mò những ngón đờn học lỏm qua đĩa hát nhựa cũng như các nhóm đờn ca tài tử ở làng quê. Đến năm 19 tuổi, ông đàn thạo các loại đàn tranh, vĩ cầm, guitar và được nhiều người khen ngợi.

Năm 1942, ông tham gia Ban cổ nhạc Ðài Phát thanh Pháp Á Sàigòn. Tuy nhiên, dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của ông là truyện ngắn đầu tay Chàng trẻ tuổi được đăng trên báo Dân Mới và bài thơ Thời mộng được đăng trên báo Tổng xã mới trong năm đó.

Cuối năm 1943, ông theo đoàn Tố Như lưu diễn. Hai tháng sau, ông tham gia gánh ca kịch của Năm Châu ra Hà Nội lưu diễn. Trên bước đường nghệ thuật của mình, ông có cơ hội tiếp xúc với các nghệ sĩ tài danh bấy giờ như Năm Châu, Lê Hoài Nở, Trần Hữu Trang, Duy Lân,... và học hỏi được nhiều kỹ năng về tư duy sáng tác.

Tuy nhiên, "chuyến lưu diễn" của ông nhanh chóng kết thúc khi đoàn vừa về tới Sàigòn thì người anh kế của ông là Huỳnh Thanh Tòng bắt ông về quê, không cho theo đoàn hát nữa.

Cuối năm 1945, Pháp nổ súng tái chiếm Đông Dương. Bấy giờ, ông đã viết vở cải lương đầu tay Hồn chiến sĩ, với nội dung cổ vũ cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Vở tuồng đã được Ủy ban Kháng chiến hành chánh quận Trà Cú, lúc bấy giờ là quận Trần Chí Nam, tổ chức biểu diễn bán vé để góp quỹ kháng chiến.

Năm 1946, quân Pháp kiểm soát phần lớn vùng Trà Vinh. Người anh Huỳnh Thanh Tòng của ông bị quân Pháp bắt và bị bức tử ở đồn Long Toàn, Trà Vinh. Để tránh bắt bớ do từng cầm súng chống Pháp, ông bỏ xứ Đôn Châu lên Vĩnh Long tá túc trong nhà một người bạn rồi sau đó phiêu bạt lên Sàigòn, tìm đến đoàn Năm Châu, lúc này đổi tên là đoàn Con Tằm, để nương nhờ và theo nghiệp nghệ thuật cải lương từ đó.

Tại Sàigòn, ông bí mật hoạt động cho Ban công tác thành ở Sàigòn. Không lâu sau, ông bị người Pháp bắt giữ cùng với 4 người khác để khai thác. Mặc dù không đủ bằng chứng kết tội, ông vẫn bị giam giữ mà không xét xử, sau đó bị đày đi an trí ở Cẩm Giang, Tây Ninh.

Mãi đến cuối năm 1949, ông mới được trả tự do. Ông mới trốn thoát và trở lại Sàigòn, lại tìm đến đoàn Con Tằm với cái tên mới Trương Văn Bảy. Năm 1950, ông viết vở cải lương Nát cánh hoa rừng với bút danh Viễn Châu, phóng tác từ truyện đường rừng của Khái Hưng. Đây là vở cải lương đầu tiên của ông được đoàn Việt kịch Năm Châu trình diễn trên sân khấu đại ban tại Sài Gòn cũng trong năm 1950, được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt.

Từ đó, tên tuổi Viễn Châu bắt đầu được giới mộ điệu chú ý. Các tác phẩm biểu diễn đàn tranh của ông được nhiều hãng đĩa thu thanh và phát hành liên tục. Đương thời, ngón đờn tranh Bảy Bá được xem là một trong 3 ngón đờn cổ nhạc đã được giới mộ điệu đánh giá cao và coi như bậc thầy là Năm Cơ (đàn sến) – Bảy Bá (đàn tranh) – Văn Vỹ (guitar phím lõm). Ngoài đoàn Việt kịch Năm Châu, ông còn cộng tác với các đoàn hát: Kim Thanh Út Trà Ôn năm 1955, Thanh Tao  năm 1958, Thanh Nga năm 1962, Dạ Lý Hương năm 1969, Tân Hoa Lan năm 1969. Đồng thời, ông còn cộng tác với các hãng đĩa Việt Nam năm 1950, Kim Long năm 1951, Việt Hải năm 1953, Thăng Long năm 1954, Sống Mới năm 1968, Nhạc ngày xanh năm 1969, Hồn nước năm 1973, của Ngọc Chánh sản xuất băng từ,…

Sau năm 1975, ông cộng tác với Đoàn Văn công năm 1975, hãng băng Sài Gòn Audio năm 1978 và nhiều đoàn hát ở các tỉnh. Năm 1984, ông cùng đoàn nghệ thuật 284 lưu diễn ở các nước Tây Âu như: Đức, Bỉ, Pháp, Ý.

Cả cuộc đời ông từ năm 1950 trở đi toàn tâm ý dồn hết cho nghệ thuật cải lương. Mặc dù tuổi cao và bệnh trọng, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác.

Các vtuồng cải lương do Viễn Châu sáng tác có:

- Nát cánh hoa rừng, Lá trầu xanh. Cô gái bán sầu riêng, Tình mẫu tử, Đời cô Nga, Sau bức màn nhung, Bông ô môi, Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Chuyện tình Lan và Điệp, Quân vương và thiếp, Qua cơn ác mộng, Nợ tình, Hoa Mộc Lan, Con gái Hoa Mộc Lan, Hai nụ cười xuân, Ai điên ai tỉnh….

Ông cũng viết hồi ký về cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Ông được mệnh danh là "vua của các vị vua cải lương", "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài Hòn vọng phu, Út Trà Ôn với Tình anh bán chiếu,... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...

Soạn giả Viễn Châu mất ngày 1 tháng 2 năm 2016 tại nhà riêng, sau đó hỏa thiêu tại Bình Hưng Hòa, Tp. HCM. Thọ 86 tuổi.

Trần Hà

Trần Hà - Nguyễn Văn Thiệt (1928-2016)

Soạn giả Trần Hà tên thật là Nguyễn Văn Thiệt sinh năm 1928, tại làng Nhâm Lăng, Châu Thành, Sóc Trăng.

Ông học phổ thông ở quê nhà Sóc Trăng lúc nhỏ cho đến năm 1947, sau khi mẹ ông qua đời. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông tham gia trong ngành công an Sóc Trăng 9 năm. Sau đó ông được phân công làm việc ở Ban Binh vận liên tỉnh miền Đông.

Sự nghiêp sáng tác của ông bắt nguồn từ thời gian làm công tác binh vận và năng khiếu sáng tác văn thơ. Tác phẩm đầu tay của ông là Mê Linh nữ kiệt.

Sau năm 1954, ông ở lại miền Nam, đến năm 1958, ông cho ra đời hai tác phẩm gây tiếng vang là Mái tóc người vợ trẻNửa mảnh tim.

Ông gắn bó với các Đoàn cải lương: Kim Chung, Thủ Đô, Kim Chưởng, Thúy Nga, Dạ Lý Hương,... trong những năm 1958 đến năm 1975. Ngoài ra ông còn hỗ trợ xây dựng thương hiệu của Đoàn cải lương Thăng Long Huỳnh Thái.

Ông là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Sân khấu Tp. HCM. khóa 1, cán bộ của Sở Văn hóa Thông tin Tp. HCM. từ năm 1976 đến 1993. Ông tiếp tục công tác cho đến năm 1997 thì về hưu.

Soạn phẩm cải lương của ông gồm có:

- Khách sạn Hào Hoa, Liễu Chương Đài, Mê Linh nữ kiệt, Nửa mảnh tim, Mái tóc ngày vợ trẻ, Bóng hồng sa mạc, Nữ chúa một đêm, Nạn con rơi, Chấp cánh chim bằng (viết cùng với Thế Châu).

Ông có viết hồi ký Khi bức màn nhung khép lại.

Tác phẩm mang lại danh tiếng của soạn giả Trần HàKhách sạn Hào Hoa.

Ông qua đời ngày 21 tháng 1 năm 2016 tại Bệnh viện nhân dân Gia Định. Thọ 88 tuổi.

Kiên Giang

Kiên Giang - Trương Khương Trinh (1929-2014)

Soạn giả Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17 tháng 2 năm 1929, nhưng chính xác ngày sinh của ông theo gia đình cho biết là năm 1927, tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay thuộc tỉnh Kiên Giang, là đồng hương của nhà văn Sơn Nam. Năm 1943, ông theo học trường tư Lê Bá Cang tại Sàigòn.

Ngoài làm thơ, bài thơ nổi tiếng của ông Hoa trắng thôi cài trên áo tím sáng tác tại Bến Tre ngày 14-11-1957, Kiên Giang – với nghệ danh là Hà Huy Hà – còn là soạn giả cải lương rất nổi tiếng cùng với Năm Châu, Viễn Châu, Quy Sắc,... Ông được xem là thầy của hai soạn giả nổi tiếng khác là Hà Triều – Hoa Phượng. Các tác phẩm cải lương của ông có thể kể đến Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, trong đó, Người vợ không bao giờ cưới đã giúp cho nghệ sĩ Thanh Nga đạt giải Thanh Tâm và trở thành một ngôi sao trong giới cải lương.

Trước 1975, Kiên Giang còn làm ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo lớn của Sàigòn như Tiếng chuông, Tiếng dội, Lập trường, Điện tín, Tia sáng,... Ông từng tham gia phong trào ký giả đi ăn mày và dẫn đầu đoàn biểu tình chống lại những quy chế khắt khe do chính quyền Việt Nam Cộng hòa áp đặt lên giới báo chí. Vì hành động này mà Kiên Giang phải vào tù.

Sau 1975, Kiên Giang làm Phó Đoàn cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ Phòng nghệ thuật sân khấu. Ông từng làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu Tp. HCM. qua 3 nhiệm kỳ.

Các vở tuồng cải lương do Kiên Giang soạn có:

- Người đẹp bán tơ (1956) Con đò Thủ Thiêm (1957), Người vợ không bao giờ cưới (1958 – với Phúc - Nguyên). Ngưu Lang Chức Nữ, Áo cưới trước cổng chùa, Phấn lá men rừng, Từ trường học đến trường làng, Dòng nước ngược, Chia đều hạnh phúc, Trương Chi Mỵ Nương, Mây chiều xuyên nguyệt thôn, Sương phủ nửa chừng xuân, Chén cơm sông núi, Hồi trống trường làng, Lưu Bình - Dương Lễ…

Nhà văn Sơn Nam (1926-2008)  khi còn sống, đã nói về nhà thơ Kiên Giang như sau:

Kiên Giang là một thi sĩ thành công, một soạn giả đã đưa thi ca vào sân khấu, để lại cho đời những vở tuồng mang đậm chất thơ như Áo cưới trước cổng chùa, Người đẹp bán tơ, Ngưu Lang Chức Nữ, Sơn nữ Phà Ca… Còn trong thơ ca, Kiên Giang đã viết những câu thơ mà nhiều nhà nghiên cứu cứ ngỡ là ca dao: “Ong bầu vờn đọt mù u / Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn”. Thơ Kiên Giang cũng như thơ Nguyễn Bính có nét chung bình dị, mộc mạc, nhưng một bên là chân quê Nam Bộ, còn một bên là chân quê Bắc Bộ.

Nhà thơ, soạn giả Kiên Giang qua đời lúc 18 giờ ngày 31 tháng 10 năm 2014, tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Tp. HCM. Hưởng thọ 86 tuổi. Ông được an táng tại Nghĩa trang Bình Dương, phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Hà Triều

Hà Triều - Đặng Nguơn Chúc (1931-2003)

Soạn giả Hà Triều tên thật là Đặng Ngươn Chúc, sinh năm 1931 tại xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá, nay là tỉnh Kiên Giang.

Thuở nhỏ, do có điều kiện, ngoài việc học văn hóa, ông còn được học cơ bản về nhạc lý. Năm 14 tuổi, ông tham gia và trở thành nhạc công duy nhất chơi đàn banjoline và mandoline, đệm đàn trong các buổi biểu diễn Đoàn văn nghệ Thiếu nhi Cứu quốc Khu 9, do Trương Khương Trinh làm trưởng đoàn. Năm 17 tuổi, ông được cử theo học Trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố, đến năm 19 tuổi được phân bổ vào ngành công an.

Năm 1954, ông không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam sống công khai. Do chưa tìm được việc làm, ông lên Sài Gòn tìm đến nhà người trưởng đoàn cũ, bấy giờ là ký giả kịch trường Hà Huy Hà ở xóm sau nhà thờ Chợ Quán, nay là đường Phan Văn Trị, quận 5, nhờ giúp đỡ kế sinh nhai. Nhờ có nét chữ tốt, ông được giao công việc chép thơ và bản thảo kịch bản cải lương. Sẵn có máu văn nghệ, số vốn kiến thức nghệ thuật, chính trị ở trường Nguyễn Văn Tố, ông cũng tập viết bài ca lẻ (ba Nam, sáu Bắc) với đề tài có tính lịch sử cho nhạc sĩ Bảy Quới ở Đài Phát thanh Sàigòn, và một số bài phê bình sân khấu đăng trên trang Điện ảnh kịch trường của Báo Công nhân.

Năm 1955, ông gặp lại một người bạn cũ thời kháng chiến là Lương Kế Nghiệp, lúc này cũng đang lưu lạc lên Sàigòn tìm kế sinh nhai. Năm 1956, ông giới thiệu bạn mình với Hà Huy Hà và được gợi ý 2 ông cùng hợp tác viết kịch bản cải lương. Ông bèn lấy nhuận bút mấy bài báo mời Lương Kế Nghiệp đi xem vở Tình tráng sĩ của đoàn Thanh Minh để tham khảo. Cả hai soạn nội dung rồi chia nhau viết, chỉ một tuần là xong, đem đưa nhà thơ Kiên Giang tên cũ là Hà Huy Hà - Trương Khương Trinh xem. Ông gật đầu đem đi dựng trên sân khấu Minh Chí - Việt Hùng.

Ban đầu, tên vở được giám đốc kỹ thuật hãng đĩa ASIA - Thái Thụy đặt là Tình quê hương vì có nội dung chống quân nhà Minh, sau được đổi lại là Vì quê hương. Nhưng đến gần ngày khai trương vẫn chưa có tên soạn giả, bị hối thúc, Đặng Ngươn Chúc lấy tên mấy người em của mình ghép lại thành Hà Triều, còn Lương Kế Nghiệp đặt bút danh là Hoa Phượng cho ướt át. Với kịch bản đầu tay của 2 người, bút danh Hà Triều - Hoa Phượng ra đời.

Hai vở diễn đầu tay Vì quê hươngSau cơn gió lốc chẳng mấy thành công. Năm 1957, soạn giả Kiên Giang được nghệ sĩ Thúy Nga mời về làm chỉ đạo nghệ thuật và lo việc tuồng tích cho đoàn. Vì thế, ông đã đặt hàng Hà Triều - Hoa Phượng viết vở khai trương. Ban đầu, kịch bản mang tên Lối vào cung cấm, nhưng được soạn giả Kiên Giang đề nghị đổi sang dạng tình cảm kiếm hiệp Phù Tang với tên mới Khi hoa anh đào nở, với thiết kế mỹ thuật, phác thảo mô hình tranh cảnh, âm nhạc mang âm hưởng Nhật Bản. Vở diễn được công diễn liên tục trong 4 tuần, thu được thành công rực rỡ.

Trong 10 năm từ năm1955 đến năm 1965, liên danh Hà Triều - Hoa Phượng đã viết chung khoảng 50 vở hát. Kể từ thành công của vở Khi hoa anh đào nở, nhiều vở được khán giả hoan nghênh như Tấm lòng của biển, Cô gái Đồ Long, Nửa đời hương phấn, Nỗi buồn con gái, còn gọi là Tần nương thất, Thái hậu Dương Vân Nga, Bóng hồng sa mạc, Khói sóng tiêu tương... nhưng thành công lớn nhất là những tuồng xã hội. Từ những kịch bản đó, nhiều nghệ sĩ đã thành danh như Thành Được, Tấn Tài, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thanh Tuấn, Lệ Thủy, Minh Vương, Hồng Nga, Thanh Nguyệt, Kim Ngọc… Ngoài ra, hai ông còn viết 1 vở kịch cho đoàn Thẩm Thúy Hằng là vở Sông dài và cũng được hoan nghênh nhiệt liệt, sau này còn được chuyển thể thành phim điện ảnh và cải lương. Ông còn viết sách: Cải lương - Tính dân tộc.

Sự hợp tác còn mang lại kết quả bất ngờ, một cô gái nhà bên nơi 2 người ở trọ, vì mến mộ tài năng mà theo về làm vợ soạn giả Hoa Phượng. Con họ sinh ra đặt tên theo phong thái cải lương như Nhứt Nương, Nhị Lang, Tam Lang... và gọi Hà Triều là "Ba Hai".

Hai ông cộng tác với đoàn Thanh Minh - Thanh Nga từ đầu năm 1960. Đến năm 1964, đoàn hát Dạ Lý Hương của bầu Xuân ra đời. Hà Triều - Hoa Phượng được mời về cộng tác. Trên sân khấu mới này, cặp Hà Triều - Hoa Phượng lại nổi danh thêm với một loạt tuồng "chưởng": Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Lệnh xé xác viết chung với Tuấn Khanh, Thiên hà lang quân... Đến năm 1965, đoàn Dạ Lý Hương diễn vở xã hội Nỗi buồn con gái hay Tần nương thất của Hà Triều - Hoa Phượng, vở hát này được Ban tuyển chọn giải Thanh Tâm bình chọn là tuồng cải lương hay nhất trong năm với số điểm vượt xa các vở hát khác để phát giải "Vở hát đoạt giải hay nhất".

Bất ngờ, sau khi diễn xong tuồng Nỗi buồn con gái, liên danh Hà Triều - Hoa Phượng lặng lẽ chia tay - gây nhiều thắc mắc và tiếc rẻ trong giới nghệ sĩ và khán giả mến mộ.
Nguyên nhân của sự chia tay bí ẩn này mãi đến 40 năm sau mới được soạn giả Kiên Giang tiết lộ:

"Hai đứa nó không có mâu thuẫn giận hờn gì, nhưng buộc phải chia tay nhau vì bị bọn "mật vụ" phát hiện cả hai đứa nó còn là "một liên danh" từng hoạt động chung cho cách mạng từ thời Việt Minh. Sau ngày chia tay với Hà Triều, Hoa Phượng còn trong tuổi "quân dịch" nên bằng mọi cách nó phải tránh né để yên thân, nên từ năm 1966 Hoa Phượng phải bỏ Sàigòn ra miền Trung sống lây lất với các đoàn hát nhỏ trong nhiều năm, nhưng vẫn không yên với bọn mật vụ tay sai chế độ cũ, và anh đã nhiều lần bị bắt vì chúng nghi anh "nằm vùng"..."

Những lý giải của soạn giả Kiên Giang nói trên là ý kiến riêng của ông và điều này ngoài soạn giả Kiên Giang chưa có ai xác nhận. Tính xác thực của những lý giải đó còn được bàn luận và do đó không rõ mức độ chính xác. Tuy nhiên, điều nhận thấy là mối quan hệ thân tình giữa hai người vẫn được duy trì và tiếp nối bởi con cháu Hoa Phượng với Hà Triều cho đến tận ngày ông qua đời.

Sau khi liên danh tan rã, cũng như Hoa Phượng, Hà Triều lưu lạc khắp miền Nam, viết các kịch bản cho các đoàn diễn địa phương. Ngoài ra, ông còn chuyển thể vở kịch nói Lá sầu riêng của soạn giả kịch nói Hoàng Dũng, bút danh của nghệ sĩ kịch nói Kim Cương, với phần nhạc cải lương của Thế Châu. Vở cải lương này được dàn dựng nhiều lần, gần nhất là vào năm 2006 do Trung tâm Thúy Nga sản xuất, với ca sĩ Hương Lan trong vai chính.

Tuy vẫn tiếp tục viết nhiều kịch cho đến ngày qua đời, nhưng ông không ghi được nhiều dấu ấn như lúc còn liên danh với Hoa Phượng, một phần cũng do sự thoái trào của sân khấu cải lương. Trong cuộc sống riêng tư, mãi đến hơn 60 tuổi, Hà Triều mới gặp một người vợ cùng tá túc trong căn phòng nhỏ hẹp cạnh rạp Hưng Đạo, nhưng không bao lâu thì người vợ cũng âm thầm bỏ đi. Ông tiếp tục sống cô độc dù vẫn luôn được nhiều người quan tâm ưu ái cho đến khi qua đời.

Hà Triều sáng tác:

- Lá sầu riêng (chuyển thể từ vở kịch nói)

Đồng tác giả với Hoa Phượng:

- Khi hoa anh đào nở (1957), Nửa đời hương phấn, Tấm lòng của biển, Mưa rừng (1961), Thái hậu Dương Vân Nga, Bóng hồng sa mạc, Khói sóng tiêu tương, Rồi 30 năm sau, Đêm vĩnh biệt, Sông dài (kịch nói), Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Lệnh xé xác (chung với Tuấn Khanh), Thiên hà lang quân, Tần nương thất hay Nỗi buồn con gái (1965)…

Ông qua đời ngày 13 tháng 5 năm 2003 tại Thành phố Hồ Chí Minh và được chôn cất tại nghĩa trang Chùa Nghệ sĩ.

Hoa Phượng

Hoa Phượng – Lương Kế Nghiệp (1933-1984)

Soạn giả Hoa Phượng tên thật là Lương Kế Nghiệp; sinh tại Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang. Năm 1947, ông tham gia kháng chiến và từng làm thơ ký tại Ty công an Long Châu Hà.

Năm 1955, ông gặp lại một người bạn cũ thời kháng chiến là Đặng Ngươn Chúc, lúc này cũng đang lưu lạc lên Sàigòn tìm kế sinh nhai. Cả hai cùng hợp tác soạn nội dung tuồng cải lương rồi chia nhau viết, chỉ một tuần là xong, đem đưa nhà thơ kiêm soạn giả Kiên Giang xem. Thấy hay, soạn giả Kiên Giang đem đi dựng trên sân khấu Minh Chí - Việt Hùng. Ban đầu, tên vở được giám đốc kỹ thuật hãng đĩa ASIA - Thái Thụy đặt là Tình quê hương vì có nội dung chống quân Minh, sau được đổi lại là Vì quê hương. Về tên soạn giả, Đặng Ngươn Chúc đã lấy bút hiệu Hà Triều; còn Lương Kế Nghiệp đặt bút danh là Hoa Phượng, để ghi nhớ tuổi học trò.

Hai vở diễn đầu tay Vì quê hươngSau cơn gió lốc chẳng mấy thành công. Năm 1957, soạn giả Kiên Giang được nghệ sĩ Thúy Nga mời về làm chỉ đạo nghệ thuật và lo việc tuồng tích cho đoàn. Vì thế, ông đã đặt hàng Hà Triều - Hoa Phượng viết vở khai trương. Ban đầu, kịch bản mang tên Lối vào cung cấm, nhưng được soạn giả Kiên Giang đề nghị đổi sang dạng tình cảm kiếm hiệp Phù Tang với tên mới Khi hoa anh đào nở, với thiết kế mỹ thuật, phác thảo mô hình tranh cảnh, âm nhạc mang âm hưởng Nhật Bản... Vở diễn được công diễn liên tục trong 4 tuần, thu được thành công rực rỡ.

Ngoài Khi hoa anh đào nở, hai soạn giả còn soạn nhiều vở tuồng nữa, mà trong đó có Nửa đời hương phấn cũng rất thành công và được gánh hát Thanh Minh biểu diễn. Những vở tuồng của hai ông thường có nội dung xã hội với lời ca thông thường, hợp với người bình dân và đi thẳng vào thực tế ngoài đời. Ngoài ra, hai ông còn viết 1 vở kịch cho đoàn Thẩm Thúy Hằng là vở Sông dài và cũng được hoan nghênh nhiệt liệt, sau này còn được chuyển thể thành phim điện ảnh và cải lương. Ông còn viết sách: 7 bước viết kịch bản sân khấu.

Đến năm 1965, đoàn Dạ Lý Hương diễn vở xã hội Nỗi buồn con gái hay Tần nương thất của Hà Triều - Hoa Phượng, vở hát này được Ban tuyển chọn giải Thanh Tâm bình chọn là tuồng cải lương hay nhất trong năm với số điểm vượt xa các vở hát khác để phát giải "Vở hát đoạt giải hay nhất".

Sau đó, Hoa Phượng tách riêng ra và tự viết tuồng riêng, trong đó có cộng tác với Ngọc Điệp viết tuồng Tuyệt tình ca, tức là Ông Cò Quận 9 cũng rất thành công.

Hoa Phượng có những soạn phẩm cải lương sau đây:

- Luật giang hồ, Giữa chốn bụi hồng, Đi biển một mình, Đời phụ anh hung, Trường tương tư, Hòn đảo thần Vệ Nữ (chuyển thể), Bóng tối và ánh sáng (viết chung với Ngọc Linh), Quán rượu Nam Hưng, Trận tuyến thầm lặng, Hạt bụi non cao, Lý mùa xuân. Anh Hai Thìn...

Cùng viết chung với Hà Triều:

- Khi hoa anh đào nở (1957), Nửa đời hương phấn, Tấm lòng của biển, Mưa rừng (1961), Thái hậu Dương Vân Nga, Bóng hồng sa mạc, Khói sóng tiêu tương, Rồi 30 năm sau, Đêm vĩnh biệt, Sông dài (kịch nói), Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Lệnh xé xác (chung với Tuấn Khanh), Thiên hà lang quân, Tần nương thất hay Nỗi buồn con gái (1965) Đường gươm Nguyên Bá

Ngoài ra Hoa Phượng còn có các vở cải lương, viết chung với các soạn giả khác:

- Tuyệt tình ca hay Ông Cò quận 9 viết chung với Ngọc Điệp, Mây bốn phương trời viết chung với Yến Linh, Trương Chi - Mỵ Nương viết chung với Kiên Giang, Bóng tối và ánh sáng viết chung với Ngọc Linh.

Nhìn chung, Hoa Phượng được đánh giá là "bậc thầy, người anh, người đồng nghiệp thân thiết và tri âm của nhiều nghệ sĩ sân khấu; đồng thời còn là một soạn giả quen thuộc đối với những ai yêu mến bộ môn nghệ thuật cải lương của Việt Nam".

Hoa Phượng qua đời ngày 22 tháng 10 năm 1984. Sau này, bạn bè và người thân của hai ông đã quyết định chọn ngày 22 tháng 10 hàng năm làm ngày giỗ chung cho đôi bạn tri kỷ trong làng cải lương.

Thế Châu

Thế Châu - Ngô Văn Long (1936-2005)

Thế Châu tên thật là Ngô Văn Long, SN 1936, lớn lên ở miền quê nổi tiếng trái cây Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương. Thập niên 60 của thế kỷ trước, ông đã là thầy giáo làng khi tròn 18 tuổi. Tuy bộ môn nghệ thuật cải lương đã ra đời nhưng còn nhiều hạn chế, ở thôn quê ít có dịp xem, vì nhu cầu giải trí thưởng thức nghệ thuật ca cổ, cải lương thầy giáo Long đã tích lũy đồng tiền lương dạy học ít ỏi để mua một máy hát đĩa, loại quay dây thiều, dùng vào việc giải trí sau một ngày dạy học. Cứ mỗi khi mặt trời lặn là sân nhà ông đầy người ngồi chờ nghe ông mở đĩa hát ca cổ, cải lương… Thế rồi ca cổ, cải lương cứ ngấm dần vào tâm hồn ông giáo.

Mùa hè 1964, Ty Giáo dục Bình Dương tổ chức hội thi văn nghệ cho các trường trong tỉnh, trường Tiểu học Lái Thiêu đăng ký dự thi vở cải lương “Lê Lai cứu chúa” do thầy giáo Long sáng tác. Với bút danh Thái Châu lần hội thi ấy trường ông được giải nhất tỉnh. Lúc sáng tác vở Lê Lai cứu chúa dựa theo lịch sử ông chuyển thể cải lương với dạng nghiệp dư cho chương trình văn nghệ địa phương, không ngờ được giải thưởng nhất tỉnh. Trong lần liên hoan văn nghệ ấy soạn giả Loan Thảo đã xem và biết được nên tìm đến gặp Thế Châu trao đổi kết bạn và hợp tác sáng tác, từ đó Thế Châu được nhiều tác giả nổi tiếng lúc bây giờ biết và hợp tác sáng tác như: Nhị Kiều, Hoa Phượng, Loan Phượng cùng soạn thảo một số vở cải lương chuyên nghiệp với ông.

Từ 1965-1975, thầy giáo Long vẫn dạy và viết nhiều vở được dàn dựng trên sân khấu Cải lương Đại ban như: Dạ Lý Hương, Kim Chung, Tân Thủ Đô… Ông đã soạn chung với soạn giả Nhị Kiều như: Qua cầu đắng cay, Tâm sự cha tôi, Vợ tạm chồng hờ… Viết chung với soạn giả Hoa Phượng, Loan Thảo như: Bến tương tư, An Lộc Sơn, Hành khất Đại Hiệp…. Ông cũng tự viết một mình các vở: Thủ cung xa, Sao trời lại xanh…

Sau 1975, tiếp tục viết chung rất nhiều vở, ông được sân khấu Đoàn Cải lương Thanh Minh Thanh Nga mời cộng tác, ông sáng tác riêng những vở của mình cho đoàn như: Bên cầu dệt lụa, Hoa tím bằng lăng, Tấm Cám, Mùa gió chướng… Đây là thời điểm vàng son rực rỡ trong cuộc đời theo nghiệp tổ sáng giá đời ông mà vở Bên cầu dệt lụa là đỉnh cao để lại trong lòng khán giả mộ điệu khó quên với tâm lý nhân vật “Trần Minh, Nhuận Điền” là những hình ảnh cao đẹp của tình bằng hữu, mà nhất là Huỳnh Nga trọn đạo phu thê, phẩm hạnh đáng được trân trọng.

Năm 1976, vở diễn Bên cầu dệt lụa ra đời thành công, soạn giả Thế Châu xác định cải lương là cái nghiệp của mình, nên ông đã rời bục giảng.

Năm 1981, ông cùng hợp tác sáng tác với soạn giả Trần Hà vở Theo dấu chân hồng và được dàn dựng cho Đoàn Cải lương Sài Gòn II.

Năm 1983, ông thôi luôn nghề nhà giáo và rời luôn nghiệp cải lương chuyển sang lĩnh vực kinh doanh củi, gỗ. Sau 3 năm lăn lộn chốn thương trường cơ chế thị trường bất ổn! Việc mua bán củi, gỗ lỗ lã, vốn liếng hụt hẩng ông phải bán cả ngôi nhà đang ở nhưng cũng không thu được đồng lời, như vậy cả vốn lẫn tài sản đều tiêu tan nên việc kinh doanh của ông đi vào bế tắc!

Phải chăng nghiệp tổ còn nặng nợ vương mang? Nên đầu năm 1987, soạn giả Thế Châu trở lại với sân khấu cải lương. Ông cùng soạn giả Trần Hà tiếp tục nghiệp văn chương, hợp tác sáng tác 2 vở: Chắp cánh chim bằng, Quang Trung hoàng đế của tình yêu cho Đoàn Cải lương Sài Gòn III.

Sau 1 năm cộng tác với soạn giả Trần Hà và Đoàn Cải lương Sài Gòn III, năm 1988, ông về cộng tác với Đoàn 2-84, Tp. HCM.

Năm 1990, ông hợp tác cùng soạn giả Lê Duy Hạnh sáng tác vở Lời ru của biển cho Hội thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Vở được huy chương vàng hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Kể từ đó soạn giả Thế Châu cũng tạm dừng viết kịch bản cho sân khấu cải lương.

Thế Châu là người ít nói, hay cười và nhạy cảm nên rất dễ hòa nhập cùng cảm xúc của soạn giả khác, chính vì sự đồng cảm ấy mà ông đã viết được nhiều loại tuồng: Hương xa, màu sắc, tâm lý xã hội… Sau năm 1975, Thế Châu viết hàng loạt và trong đó có tuồng “Bên Cầu Dệt Lụa” được coi như nổi tiếng nhứt.

Trường hợp tuồng Bên Cầu Dệt Lụa bị đạo tuồng nhiều đến nỗi người ta gán cho nó là một “vở quốc tế của dân hát chui” và Thế Châu nỗi tiếng chứ không có miếng, Thế Châu muốn yên thân nên cũng không đi kiện cáo vì biết trước là phe ta sẽ binh vực phe ta.

Ngoài cái thời kể trên, Bên Cầu Dệt Lụa còn được cái Thế là có nhiều nghệ sĩ tài danh thủ diễn các vai tuồng như: Thanh Nga trong vai Quỳnh Nga, Xuân Lan vai Công Chúa, Thanh Sang vai Trần Minh, Ngọc Nuôi vai Trần Mẫu, Hoàng Giang trong vai quan Huyện, Thanh Tú trong vai Nhuận Điền, Văn Ngà trong vai Vua.

Sau năm 1975, có nhiều thay đổi lớn trong tâm hồn của người dân miền Nam, có những trường hợp Ông trở thành Thằng, Thằng trở thành Ông, người ta hy vọng và nuôi mộng tưởng về giá trị thủy chung giữa vợ chồng, về tình mẹ con, về tình bạn chân thành.

Vở tuồng Bên Cầu Dệt Lụa của Thế Châu đã đem lại cho khán giả một niềm vui khi được nhắc nhở về đạo đức thủy chung của người Việt Nam.

Soạn giả Thế Châu mãn phần tại Saigon ngày 1 tháng 2 năm 2005. Thọ 69 tuổi.

Yên Lang


Yên Lang - Nguyễn Ngọc Thanh (1940-2016)

Nguyễn Ngọc Thanh sinh năm 1940 tại Giồng Me, Cầu Kè, Bạc Liêu, nay thuộc phường 2, thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu, Việt Nam.

Năm 1955 ông rời quê lên Sàigòn. Khi đang học tại Trường Trung học Tân Thịnh ở Sài Gòn, ông đã gặp nhà thơ Hoài Ngọc và ký giả Phong Vân, những người được cho là đã khuyến khích ông dấn thân vào công việc sáng tác cải lương sau này, dù ông từng rất đam mê thơ văn và từng mong muốn trở thành một nhà thơ. Ông từng tham gia làng văn nghệ Sàigòn với tư cách là một người làm thơ. Với bút danh Huyền Thanh Huyền, Yên Lang đã từng viết văn, làm thơ cho tuần báo Tầm Nguyên và báo Nhân Loại.

Theo một số nguồn, khi học trung học, Yên Lang đã sáng tác vở kịch nói Đường lên ải Bắc trong niên học đầu tiên, khiến ông được chọn làm học sinh giỏi và đã được tham dự trại hè Đà Lạt cùng với hai học sinh khác.

Năm 1960, vở tuồng đầu tiên của ông viết chung với soạn giả Nguyễn Liêu mang tên Nắng chiều lên cổ tháp ra đời và được dàn dựng bởi đoàn Song Kiều. Vở thứ hai của ông là vở Bếp lửa chiều ly biệt do đoàn Bạch Vân dàn dựng, cũng viết chung với Nguyễn Liêu. Vở thứ ba của ông là vở Đường về quê ngoại do ông tự sáng tác, được đoàn Song Kiều biểu diễn, đã gây ra tiếng vang lớn. Yên Lang cho rằng ông đã bắt đầu sự nghiệp từ năm 1960.

Năm 1963, khi bị tuồng cải lương Đường về quê ngoại cuốn hút, ông bầu Long của đoàn Kim Chung đã chú ý đến Yên Lang và đã hẹn gặp ông tại văn phòng Kim Chung ở Sài Gòn để bàn việc cộng tác khi hai đoàn hát đang cùng diễn tại Tuy Hòa, Phú Yên, đoàn Kim Chung hát ở rạp Diên Hồng và đoàn Song Kiều, tức đoàn Yên Lang đang làm việc, lúc đó hát ở rạp Nhạn Tháp. Tháng 6 năm 1963 đoàn Song Kiều về hát tại rạp Biên Hùng, Biên Hòa, Yên Lang trở về Sàigòn thăm cô mình và đã đến văn phòng Kim Chung để gặp ông bầu Long, tại đây Yên Lang được ông bầu thuyết phục và đã đồng ý làm soạn giả thường trực của đoàn. Chỉ sau đó vài tháng thì đoàn Song Kiều tan rã. Tuồng Đường về quê ngoại được ông đổi thành Manh áo quê nghèo sau khi làm soạn giả thường trực cho đoàn cải lương Kim Chung, và vở tuồng này đã được khán giả yêu cầu đoàn Kim Chung diễn lại nhiều lần. Đây cũng là kịch bản cải lương đầu tiên của ông được diễn trên sân khấu Kim Chung và đã được trình diễn liên tục trong một tháng tại rạp Olympic ở đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Yên Lang đã là soạn giả thường trực cho đoàn Kim Chung từ năm 1963 đến cuối tháng 4 năm 1975.

Năm 1963, ông bắt đầu nổi tiếng với những tuồng cải lương thuộc thể loại "kiếm hiệp kỳ tình", là thể loại rất được yêu thích tại Việt Nam trong những năm 1960, 1970. Ông từng là soạn giả của các đoàn Song Kiều, Bạch Vân, Việt Nam Minh Vương, Kim Chung, Dạ Lý Hương, Việt Nam, Du Sĩ Ca Quốc Trầm… và lâu nhất là với đoàn Kim Chung. Nhiều nghệ sĩ cải lương đã nổi tiếng vì những vở tuồng của ông.

Ngoài sáng tác, ông còn đào tạo cho nhiều người khác, như soạn giả Nguyên Thảo là em ruột của ông, tác giả của Kiếp nào có yêu nhau, và Lam Tuyền, người  chuyển thể Lá sầu riêng, là con trai ông.

Ông kết hôn với Kiều Oanh, là đào chánh và là con gái của ông bầu đoàn Song Kiều là Năm Thành và bà Chín Điệp trong thời gian làm soạn giả cho đoàn Song Kiều. Đám cưới của hai ông bà được tổ chức tại rạp Chung Bá, nay là rạp Cao Văn Lầu, rước dâu rồi về nhà tại Giồng Me, Cầu Kè, Bạc Liêu. Theo một nguồn thì nghệ sĩ Kiều Oanh, tên thật là Trần Thị Kiều Oanh, là con ruột của ông bầu gánh Chấn Hưng, nhưng từ khi còn nhỏ bà đã được ông bầu đoàn Song Kiều nhận làm con nuôi, khiến Yên Lang trở thành rể của hai ông bầu của hai gánh hát nổi tiếng đương thời.

Vốn là sĩ quan trong ngành Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, Yên Lang đã bị đưa đi cải tạo trong 6 năm, năm 1995 cả gia đình ông đến định cư ở Hoa Kỳ diện HO, theo báo Thanh Niên thì ông phải xuất ngoại "vì manh áo chén cơm". Ban đầu ông định cư ở Atlanta, Georgia, sau lại chuyển về San Diego, California. Khi được Tường Dũ, Tô Kiều Phương, Nhật Hồng... khuyến khích, ông cùng với vợ đã chuyển về sống tại Sài Gòn Nhỏ.

Ông đã sáng tác nhiều kịch bản cải lương nổi tiếng như:

- Bão biển, Bão cát, Băng Tuyền nữ chúa, Bếp lửa chiều ly biệt, Cuối mùa lá rụng, Đêm lạnh chùa hoang, Đường về quê ngoại, sau là Manh áo quê nghèo, Hỏa Sơn thần nữ, Khi trời lạnh sương khuya, Máu nhuộm sân chùa hay Pháo hồng tiễn bước em đi, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Nắng chiều lên cổ tháp (1960), Nắng thu về ngõ trúc, Người phu khiêng kiệu cưới, Ngựa hoang về núi, Nhất kiếm bá vương, Thủ lĩnh Cốc Sơn, Tình bằng hữu, Tình hận trên băng hồ, Tây Thi.

Sáng tác sau năm 1975:

- Khi rừng thu thay lá, Kỷ niệm thời con gái,Một chuyện tình buồn.

Sáng tác chung với các soạn giả khác:

- Bẻ kiếm bên trời (viết chung với Thiên Lý)
- Quán khuya sầu viễn khách (viết chung với Hồng Điệp)
- Tâm sự loài chim biển hay Áo Vũ Cơ Hàn (viết chung với Nguyên Thảo)
- Thằng điên vùng Bến Hạ (viết chung với Nguyên Thảo)

Các tuồng cải lương do ông sáng tác được đánh giá là có cốt truyện "hấp dẫn", bố cục gọn gàng và hợp lý. Các kịch bản của ông thường dùng những từ ngữ bình dân và dễ hiểu, không cầu kỳ, dễ hát và dễ thuộc. Đa số các kịch bản của Yên Lang đều thuộc thể loại kiếm hiệp, hương xa.

Do ruột bị biến chứng và suy thận, Yên Lang đã qua đời tại Bệnh viện Garden Grove, California vào lúc 8 giờ 55 phút ngày 5 tháng 6 năm 2017, sau một thời gian hôn mê sâu. Thọ 77 tuổi. Tang lễ của ông được tổ chức tại nhà quàn Peek Funeral Home, khu Bolsa, thành phố Wesminster, California rồi hỏa táng.

Yên Ba

Yên Ba - Nguyễn Hữu Giác (1941-2001)

Soạn giả Yên Ba tên thật là Nguyễn Hữu Giác, sinh năm 1941. quê quán tỉnh Bình Thuận. Anh sinh ra trong một gia đình dân dã, cha mất sớm, mẹ vào chùa qui y. Năm 13 tuổi, Hữu Giác vào Sàigòn làm nghề đánh giày, để kiếm tiền vào học ở các trường bán công. Nhưng rồi cũng bế tắt việc học, nên anh theo đoàn Cải Lương để có chỗ gởi thân chứ chẳng có chuyên môn gì cả.

Ban đầu Hữu Giác chỉ làm nhiệm vụ kéo mản ở sân khấu, kéo màn được một thời gian thì một hôm, do đầu óc đang nghĩ đâu đâu, anh quên cả kéo màn để chuyển cảnh. Ông bầu đuổi anh xuống hậu đài. Do nhỏ con, ốm yếu, làm hậu đài cũng không xong, cuối cùng anh bị chủ đuổi việc.

Túng quá, Giác xin chạy bàn cho một nhà hàng. Thấy anh thật thà, đẹp trai, thông minh, lại gặp hoàn cảnh khó khăn nên bà chủ nhà hàng thương và nhận anh làm con nuôi. Thế là Giác lại được tiếp tục đi học. Anh học tới Đệ nhị, tức hết lớp 11 ngày nay, thì nhà hàng bị đóng cửa. Gia đình má nuôi về Quy Nhơn làm ăn, còn Nguyễn Hữu Giác thì theo một người thợ nấu của nhà hàng về đất Gò Công.

Ở Gò Công, Nguyễn Hữu Giác về Gò Nổi, bên phà Mỹ Lợi để tìm việc, nhưng chẳng có việc gì làm được lâu. Anh lại nhờ người thợ nấu đi xin việc khác, cuối cùng anh được làm thư ký cho làng Tân Quy. Một lần đi làm thẻ căn cước, loại chứng minh nhân dân ngày nay, anh gặp người con gái xinh đẹp, đó là Phạm Thị Hạnh, một người buôn bán ở chợ Hòa Đồng, nay gọi là chợ Vĩnh Bình, thị trấn của huyện Gò Công Tây, hai người cảm mến và đi đến hôn nhân. Ở Vĩnh Bình, anh bị bắt đi lính. Làm lính văn phòng được vài tháng thì anh bỏ trốn, về lại Sài Gòn kiếm sống. Ở Sàigòn, anh quyết định phải “tầm sư học đạo” để gắn bó với sân khấu cải lương. Và rồi anh tìm đến Hà Triều và Hoa Phượng, hai soạn giả có tiếng ở Sàigòn trong thập niên 60 của thế kỷ 20. Từ đây, cánh cửa đang mở ra với đời anh. Anh lấy những tháng năm lận đận của đời mình để cùng Hoa Phượng xây dựng một cốt truyện. Thế là thầy và trò: Soạn giả Hoa Phượng và anh chỉ mất vài tuần là có ngay kịch bản Chuyến xe hôn lễ. Kịch bản này được dàn dựng và ra mắt trên sân khấu Thủ Đô II, do Minh Phụng đóng vai chánh. Công chúng từng biết tên soạn giả Hoa Phượng, bây giờ biết thêm một soạn giả mới: Yên Ba, bút danh của Nguyễn Hữu Giác.

Năm 1965, sau thắng lợi của “Chuyến xe hôn lễ”, Yên Ba  chuẩn bị cho một kịch bản mới. Lần này anh hợp soạn với  Loan Thảo để cho ra đời Tiếng hạc trong trăng. Câu chuyện cảm động về chàng Bình Thiếu Quân dẫn em gái mù Xuyên Lan đi tìm Lý Bình Thanh để đưa thơ, nhưng khi đến thì gặp bọn cướp, may nhờ có hiệp sĩ Tô Điền giải cứu. Kịch bản này được các nghệ sĩ Thành Được, Thanh Nga, Thanh Sang, Hoàng Giang, Kim Giác, Tám Vân... thực hiện, đoạt giải Thanh Tâm (1966). Danh tiếng soạn giả Yên Ba nổi lên từ đó.

Nhận ra mình đã ở trong “làng sân khấu cải lương” vào thời điểm cực thịnh của miền Nam, Yên Ba dồn tất cả sức lực cho các kịch bản cải lương. Liên tiếp các kịch bản được hợp soạn, hoặc của riêng Yên Ba được ra đời. Vở Cho trọn cuộc tình của Yên Ba được diễn trên sân khấu Dạ Lý Hương do nghệ sĩ Hùng Cường và Bạch Tuyết thủ vai chính, đã lay động mạnh trái tim khán giả hồi đó. Nội dung kể về bi kịch của gia đình Dũng - một võ sĩ quyền anh nổi tiếng đã “gác găng” phải sống ly thân với người vợ xinh đẹp và giàu có là Yến Lan. Khi Dũng không còn nổi tiếng, Yến Lan đi theo tiếng gọi của một tên “Sở Khanh”. Còn Dũng  thì yêu thương cô bé Thúy An - một cô gái sinh ra trong một gia đình bất hạnh, phải ở viện mồ côi, trong lúc con riêng của Yến Lan là Thành từng yêu đơn phương Thúy An. Sau khi bị tên “Sở Khanh” lường gạt, xúi bán biệt thự mà Dũng tạo ra, Yến Lan muốn trở lại với Dũng. Nhưng đã muộn. Dũng tìm cách xa Thúy An cho Thúy An và Thành được yêu nhau. Một ngày nọ, Yến Lan trở về, thấy cây súng của tên “Sở Khanh” trong nhà, bà bắn tên Sở Khanh và bắn luôn cả Dũng khi Dũng ngăn bà lại. Tỉnh lại, bà đau đớn biết mình đã giết chồng. Bên cạnh, Thúy An và Thành đang khóc lóc xót thương cho Dũng. Vở này đã tạo ra sóng gió trên sân khấu cải lương Sàigòn. Năm 1971, vở đoạt được giải Kim Khánh. Năm 1972, được khán giả bình chọn là kịch bản hay nhất do báo Sân khấu kịch trường tổ chức. Sau năm 1975, được Sàigòn video sản xuất thành phim cải lương.

Sau ngày miền Nam giải phóng 30/4/1975, soạn giả Yên Ba tiếp tục làm việc cho đoàn cải lương Phước Chung do nghệ sĩ ưu tú Thanh Hùng làm trưởng đoàn. Cuối năm 1980, anh xin nghỉ việc về quê vợ Gò Công Tây sinh sống.  Anh mang theo chiếc xe tải nhỏ- vốn liếng hàng chục năm lao động nghệ thuật của mình - về chợ Vĩnh Bình, thị trấn huyện Gò Công Tây, định chở hàng ở chợ để kiếm sống hàng ngày. Nhưng giữa thời bao cấp, chẳng mấy ai thuê chở bằng xe hơi mà chỉ thuê xe ba bánh, vì thế mà anh đành bán xe, phụ vợ buôn bán và làm vườn tại vùng ven thị trấn. Anh sinh hoạt trong Chi hội Sân khấu của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang. Tại đây, năm 1981, anh đã gặp soạn giả Châu Thanh đang công tác tại Sở Văn hóa Thông tin - người đã có nhiều bài ca cổ nổi tiếng từ trong chiến tranh. Hai người tài gặp nhau, tâm đầu hợp ý, cùng nhau hợp soạn vở Tiên sa Gành Ráng. Vở này trở thành kịch mục ăn khách của các đoàn cải lương tại Tiền Giang. Năm 1982, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thu hình và phát sóng nhiều lần. Những năm đầu sau giải phóng, có được một vở thu hình, phát sóng thật không dễ dàng.

Năm 1984, người vợ hiền của anh qua đời do bị bệnh, anh phải chịu cảnh “gà trống nuôi con” khi 3 đứa con trai còn ít tuổi. Thương cảnh ngộ của người anh rể, em gái vợ - chị Phạm Thị Bạch Tuyết tự nguyện thay chị để chăm sóc các con anh. Năm sau, hai người đi đến hôn nhân. Mối lương duyên thật đẹp. Chị có với anh 2 trai. Anh lại yên tâm để ngồi sáng tác. Năm 1990, anh lại cùng soạn giả Châu Thanh hợp soạn vở “Đừng quên kỷ niệm”, được đạo diễn Trần Ngọc Giàu dàn dựng cho đoàn cải lương Sông Tiền. Vở cải lương này dự Liên hoan Sân khấu toàn quốc được đánh giá cao, với 3 Huy chương vàng, 4 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng cho các cá nhân.

Những vở tuồng cải lương do Yên Ba biên soạn:

- Cho trọn cuộc tình, Trác Văn Quân, La Thành thọ tiễn, Trả thù đời, Bụi Đời, Lủa Tình, Tình kỹ nữ, Tình một thuở còn vương…

Yên Ba cùng với những soạn giả khác đã biên soạn các vở tuồng cải lương khác như:

- Đồng soạn giả với Hoa Phượng: Chuyến xe hôn lễ.
- Đ
ồng soạn giả với Loan Thảo v Tiếng hạc trong trăng.
- Đồng soạn giả với Trần Hà v
Nguyên soái bán vợ.
- Đồng soạn giả với An Dạ Thảo vở Tôn Tẫn giả điên.
- Đồng soạn giả với Châu Thanh v
Tiên sa Gành Ráng Đừng quên kỷ niệm.

Sau năm 1990, soạn giả Yên Ba về ở ẩn tại ấp Hạ, vùng ven thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Giữa khu vườn rộng khoảng 3 công của gia đình vợ, trong ngôi nhà đơn sơ, anh cho ra đời nhiều tác phẩm góp phần với phong trào văn nghệ tại địa phương và nhiều tấu hài cho Sài Gòn video.

Năm 2001, soạn giả Yên Ba trút hơi thở cuối cùng trong ngôi nhà mà anh ở ẩn tại ấp Hạ, thị trấn Vĩnh Bình. Thọ 60 tuổi. Ngôi mộ được vợ con anh xây dựng trong khu vườn này. Anh đã về cõi vĩnh hằng, nhưng cuộc đời đầy thăng trầm, sóng gió của anh, người ta thấy cứ thấp thoáng đâu đó trong các kịch bản mà anh để lại cho nhân thế.

Loan Thảo

Loan Thảo - Lê Tấn Vị (1942-1982)

Soạn giả Loan Thảo tên thật là Lê Tấn Vị sinh năm 1942, tại Bạc Liêu. Ngoài bút danh Loan Thảo, ông còn bút danh khác là Quế Anh, Quế Chi, Anh Vị, Dạ Thảo, Hoàng-Loan (Hoàng Việt – Loan Thảo). Là con của một vị lương y thuốc Nam khá giả, có tâm ở địa phương, ảnh hưởng từ sự dưỡng dục của gia đình, cộng với tâm hồn nghệ sĩ, cùng năng khiếu văn chương, trí thông minh của mình Loan Thảo đã là một cây viết báo tường có tiếng ngay còn ờ dưới mái trường.

Loan Thảo có một giọng ca hay, từng đi thi một cuộc thi cải lương nhỏ nhưng về sau một cơn bệnh đã lấy đi giọng ca nên anh đi học đàn cổ nhạc, vững về nhịp nhàng cũng như xứ lý tình huống bài bản vắn trong cải lương, trong anh đã hội tụ đủ những tiêu thức để trở thành một soạn giả lớn ở độ tuổi rất trẻ.

Khi mới 20 tuổi, năm 1962 soạn giả Loan Thảo đã nổi danh trên bầu trời đầy sao với những tên tuổi lớn như Hà Triều, Hoa Phượng, Yên Lang, Quy Sắc, Kiên Giang, Nguyễn Phương, Thu An... với vở tuồng Khi rừng mới sang Thu trên sân khấu Thành Được - Út Bạch Lan, một vở tuồng chủ lực của đoàn mới thành lập. cùng hợp soạn với soạn giả đàn anh, đàn thy Quy Sắc. Được biết những soạn giả mới vào nghề thường phải đứng liên doanh hay đứng sau một soạn giả tên tuổi thường trực nào đó, và một vở tuồng hay thường có sự tham gia ít nhất hai soạn giả, người viết cốt truyện, tạo nhân vật, người viết lời ca, tạo tâm lý nhân vật và mổi cảnh, mỗi hoàn cảnh cần những người viết khác nhau, chỉ có một ít số tuồng chỉ có một soạn giả.Với tên tuổi của mình, ông đã giới thiệu nghệ sĩ Nguyên Hạnh đi hát ở Ban cải lương Vân Kiều trên Đài truyền hình Sàigòn, Loan Thảo là một con người hoa đồng, cỏ nội và hay giao du, giao lưu với các thầy đàn cổ nhạc, ông có mối quan hệ khá rộng ngay từ mới bước vào nghề.

Năm 1963, soạn giả Loan Thảo thành công với tuồng ăn khách trên sân khấu Thủ Đô cùng với soạn giả trẻ cùng trang lứa Hoàng Việt với vở tuồng Bóng Hồng Sa Mạc. Sau đó ông cùng với soạn giả Hoàng Việt có những vở tuồng nổi tiếng như Sở Vân Cứu Giá, Sở Vân Cưới Vợ,Tiêu anh Phụng,Con Gái Vua Trần Nhân Tông, Đường Lên Thiên Thai...

Năm 1964, ông có công phát hiện và dìu đắt một soạn giả tên tuối khác từ dưới mái trường, đó là soạn giả Thế Châu, người nổi tiếng nhất qua vở Bên Cầu Dệt Lụa, Trái Sầu Riêng... trong khi soạn giả Thế Châu chỉ là một thầy giáo ở Lái Thiêu, Bình Dương. Tiếng lành đồn xa, có một ông thầy giáo sáng tác cải lương rất hay, mới đoạt giải cấp trường nên với cái tâm yêu quí cải lương, biết trọng người tài hiếm thấy, soạn giả Loan Thảo đã tìm đến và nhận Thế Châu làm đệ tử. Sau này soạn giả Thế Châu muốn truyền nghề lại cho con trai Loan Thảo, Quế Thanh đề đền ơn, ông nói " Cả đời tao không nhận ai làm đệ tử nhưng nhớ ơn ba mày nhận tao làm đệ tử nên tao muốn nhận mày làm đệ tử", nhưng có lẽ duyên nhà nghề đã hết, nên Quế Thanh từ chối với lý do mẹ không thích con theo nghề của cha nữa. Loan Thảo và Thế Châu có những vở tuồng chung như Bao Công Xử án Trần Thế Mỹ, Bạch Viên Tôn Cát, Lưu Minh Châu, Ru Em Vào Mộng, Mười Năm Không Nói, Chung Vô Diệm, Đào Tam Xuân... dường như ông có nghiệp duyên với nghề giáo ở vùng đất Bình Dương, người hp soạn đầu tiên của ông là một thầy giáo ở Bình Dương, soạn giả Qui Sắc thì người đệ tử, cộng tác thâm tình với ông lâu nhất là soạn giả Thế Châu cũng là một thầy giáo ở Bình Dương.

Năm 1965, năm 1966 ông khẳng định tên tui mình trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga, thay soạn giả Hà Triều Hoa Phượng về đoàn Dạ Lý Hương với các vở tuồng Tiếng hạc trong trăng, Bức ngôn đồ Đại Việt, Trăng lên đỉnh núi...Đặc biệt tuồng Tiếng hạc trong trăng cùng hợp soan với một soạn giả trẻ khác, lớn hơn ông chỉ một tuổi đó lá soạn giả Yên Ba, đã đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật của Tổng thống Việt Nam Công Hoa, và đoạt giải Thanh Tâm năm 1966, và nghệ sĩ Thành Được đoạt giải Thanh Tâm xuất sắc cùng năm với vai tướng cướp Thi Đằng của vở này.

Hai soạn giả Yên Ba, Loan Thảo sau Tiếng hạc trong trăng năm 1966, hai ông tách ra mỗi người một ngã. Loan Thảo về nắm kỹ thuật cho Hãng dĩa Việt Nam, chỉ thấy ông viết một số tuồng ngắn và những bản tân cổ giao duyên để thâu băng của chủ hãng đĩa cô Sáu Liên. Thấy được tài năng của một soạn giả trẻ và sức cạnh tranh các hãng đĩa khác nên cô Sáu Liên đã mời soạn giả Loan Thảo về làm biên tập, đạo diễn cải lương và cây bút chủ lực cho hãng. Nhóm soạn giả trẻ Loan Thảo, Thế Châu, Yên Ba, Hoàng Việt đã đưa tên tuổi hãng đĩa Việt Nam hùng mạnh nhất, còn vang tiếng cho đến ngày nay và các soạn giả này có đời sống thoải mái, giàu sang hơn bao giờ hết. Nhiều nghệ sĩ trẻ muốn thành danh và làm giàu thời buổi bấy giờ phải thành công qua các hãng đĩa, đặc biệt là hãng đĩa có sự cộng tác, tham gia của nhiều soạn giả tài năng như hãng đĩa Việt Nam, nên soạn giả Loan Thảo là soạn giả có quyền lực nh
t trong thập niên 60, những tuồng cải lương kinh điển còn đến bây giờ đều qua bộ óc biên tập của ông..

Song song với công việc thường trực ở hãng đĩa Việt Nam, soạn giả Loan Thảo còn viết tuồng cho các đại bang xã hội kiếm hiệp như Dạ Lý Hương, Kim Chung...cuộc đời ông cũng như nhiều nghệ sĩ, soạn giả tài danh khác xuôi ngược trên các sân khấu lớn của miền nam thời hoàng kim..Chỗ nào thích, sống tốt, thì cộng tác...với tài năng ở nhiều lĩnh vưc khác nhau như tân cổ giao duyên, tuồng hương xa, kiếm hiệp, xã hội...Loan Thảo có thể thành danh và sống trên bất kỳ sân khấu nào. Ông còn cộng tác với nhiều soạn giả khác như Yên Lang, môt soạn giả thường trực của đoàn Kim Chung mạnh về các tuồng kiếm hiệp, qua các vở tuồng như Xin một lần yêu nhau, Tây Thi (1973), Hành khất đại hiệp.

Ngoài ra ông còn hợp tác với soạn giả Nhị Kiều tuồng Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, ông có biệt tài đo ni đóng giày ngay cả trong bài tân cổ giao duyên, hầu hết các giọng ca thập niên 60. 70 thế kỷ hai mươi đều thành công, sáng thêm tên tuổi khi ca ít nhiều các bài và diễn tuồng của ông, các tuồng của nhiều soạn giả khác khi thu lại tại hãng đĩa Việt Nam đều có công biên tập, chỉnh sữa, đạo diễn của ông đê lưu danh đến ngày nay. Ông có một quyền lưc rất lớn trong giới nghệ thuật nhưng chưa nghe một câu phàn nàn từ bất kỳ một nghệ sĩ nào về ông.

Năm 1972, ông cùng soạn giả Yên Lang về làm soạn giả thường trưc cho đoàn Viêt Nam - Minh Vương với vở cải lương Nắng Thu về ngõ trúc với số giao kèo gấp đôi mà Bầu Long đoàn Kim Chung trả, một năm sau đó ông lại hợp tác với soạn giả Yên lang trên sân khấu Kim Chung tuồng Tây Thi.

Cũng năm 1972, tác giả Loan Thảo cùng với soạn giả Hoàng Việt của hãng đĩa Việt Nam, đã đưa tên tuổi hai tài danh Thanh Kim Huệ và Chí Tâm lên danh sách hàng sao thượng thặng của cải lương miền Nam, qua vở tuồng ăn khách nhất, tuồng Lan và Điệp, không biết Lan và Điệp quê ở đâu mà có lá bàng, ngọn mẹ Tây, có hàng Điệp soi mình bóng nước, có mái nhà tranh, con đường đất đất đỏ, chiếc cầu tre gẩy nhịp, nơi mà con gái phải lo cho cha tách nước, hầu mẹ miếng trầu, tuổi ấu thơ thì có thể tắm song, hái ổi...cảnh trí trong vở cải lương Lan và Điệp của Loan Thảo như một cảnh đâu đó ở một tình miền Đông Nam Bộ, khác với cái làng quê chợ Gỏ trong tác phẩm gốc Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan, người quê Thái Bình cho biết Điệp lên Hà Nội tiếp tục đường học vấn công danh nên Lan và Điệp quê ở tận ngoài Bắc...  

Cải lương thịnh hành ở miền Nam, nên khi chuyển thể cải lương, soạn giả Loan Thảo tài tình biến cô Lan miền Bắc thành người miền Nam để tạo cảm giác gần gũi cho khán giả miền Nam, chuyển thể một tác phẩm, viết một bài vọng cổ giao duyên từ một bài nhạc, soạn lại một tuồng nổi tiếng trước đây làm cho tác phẩm, bài nhạc, tuồng đó nổi hơn, hay hơn, mở rộng hơn đó là điều chúng ta nên nghiên cứu học hỏi từ soạn giả Loan Thảo.

Sự nghiệp của ông bị ảnh hưởng rất nhiều của cuộc chiến Mậu Thân năm 1968, tình hình giới nghiêm do cuộc chiến kéo dài năm 1975, và phong trào phim Hồng Kông kiếm hiệp lấn át, nhưng không vì thế mà ông buông bỏ, ông tận dụng thế mạnh của phim, tâm lý khán giả để chuyển thể nhiều bộ phim hay thành tuồng cải lương hấp dẫn, lôi kéo khán giả đến rạp trong điều kiện như thế, như Trăng lên đỉnh núi, Sở Vân, Tiêu Anh Phụng, Hoa Mộc Lan...

Soạn giả Loan Thảo gắn bó với hãng đĩa Việt Nam đến ngày 30-4-1975, nhiều bài hát của ông chưa kịp phát hành, và nhiều bài ca đã thâu nhưng chưa kịp xuất bản qua các giọng ca Bích Hạnh, Hà Mỹ Xuân....sinh thời ộng cũng không ưa thích chụp hình, nên trận hỏa hoạn tại nhà năm 1982, trước khi ông mất đã cướp đi hết những tin tức, tài liệu hình ảnh về cải lương nói chung và về Loan Thảo nói riêng, những người thân trong gia đình cũng không có tấm hình nào để làm đám tang, phài dùng hình phát hoạ từ hội sân khấu cho soạn giả Loan Thảo. Hai tấm ảnh duy nhất ngày nay về tác giả Loan Thảo là bức chụp hình đoạt giải Thanh Tâm năm 1966 và một tấm trên mộ bia.

Sau năm 1975, ông không bị đi tù cải tạo hay bị cấm hành nghệ như những soạn giả Ngọc Điệp, Mộc Linh, Yên Lang, Hương Sắc... nên ông tham gia viết một số bài tân cổ giao duyên cách mạng như Bà Mẹ miền Nam, Cô gái Sàigòn đi tải đạn, Tình đất đỏ miền đông, Đàn sáo Hậu Giang, Chiếc xuồng mới, Chiếc áo bà ba...với một bút danh mới Anh Vị (có tên con trai ông) còn tuồng tích thì hoàn toàn không có s áng tác thêm.

Sau năm 1975, các hãng đĩa bị kiểm duyệt, đánh tư sản nên ông lâm vào thế ngặt nghèo, thiếu cả gạo ăn, và nghe nói đâu ông nghiện hút chích, nên qua đời sớm ở tuổi 40, và bạn ăn ý hợp soạn với ông soạn giả Hoàng Việt cũng cùng chung số phận.

Các vở cải lương do Loan Thảo biên soạn:

- Lan và Điệp (1972), Bức ngôn đồ Đại Việt, Trăng lên đỉnh núi, Dạ Xoa Hoàng Hậu, Tái sanh  duyên, Bao công phò nhị tẩu, Lương Sơn Bá II, Thanh xà bạch xà (Đoàn Út Bạch Lan), Tiếu ngạo giang hồ. Tô Đắc Kỷ, Trương chi My Nương, Giọt lệ cung phi, Mạnh Lệ Quân thoát hài, Hạnh Nguyên cống Hồ, Trúng độc đắc, Mạnh Lệ Quân, Cây gậy thần, Nhị Độ Mai …

Loan Thảo cùng hợp soạn những vở cải lương với các soạn giả khác:

- Đồng soạn giả với Thế Châu vở Bạch Viên Tôn Cát, Mười năm không nói, Giọt lệ cung phi, Bao Công xử án Trần Thế Mỹ, Đào Tam Xuân, Chung Vô Diệm, Lưu Minh Châu, Tiếng hạt trong trăng (và Yên Ba), Hành khất đại hiệp hay Ru em vào mộng (và Yên Lang).
- Đồng soạn giả với Hoàng Việt vở Bóng hồng sa mạc (1964 do Hà Trần Quang, đạo diễn), Đường nào lên Thiên Thai, Con gái vua Trần Nhân Tông, Sở Vân cưới vợ, Sở Vân cứu giá.
- Đồng soạn giả với Hoàng Lan vở Tiêu anh Phụng, Hoa Mộc Lan.
- Đồng soạn giả với Hoa Phượng vở Đường gươm Nguyên Bá.
- Đồng soạn giả với Yên Lang vở Tây Thi (1973), Xin một lần yêu nhau.
- Đồng soạn giả với Nhị Kiều vở Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu.
- Đồng soạn giả với Quy Sắc vở Khi rừng mới sang Thu (1962)
- Đồng soạn giả với Lê Văn Dương vở Phàn Lê Huê.

Soạn giả Loan Thảo mất năm 1982. Thọ 40 tuổi. An táng tai Nghĩa trang nghệ sĩ trong một ngôi mộ đá hoa cương do vợ con lập. Ông để lại một người vợ khả ai hiện sống ở Mỹ, và một con gái Quế Chi sinh năm 1971, một con trai Quế Thanh sinh năm 1973. Các con ông thỉnh thoảng vẫn được mời lên các chương trinh liveshow cải lương đễ vinh danh cha mình. Bà Quế Anh bây giờ đã làm bà ngoại nhưng không khuyến khích con cái theo cái nghề lắm vinh quang cũng lắm tủi nhục này, nhất là những chuyến lưu diễn dài xa mái ấm gia đình, xa người thân yêu.

Chỉ còn là dĩ vãng ...

Thời hoàng kim của Cải lương đã qua lâu lắm rồi, nhưng các soạn giả cải lương danh tiếng vẫn còn được giới mộ điệu nhắc đến, như Năm Châu, Trần Hữu Trang, Kiên Giang ,Viễn Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, Quy Sắc, Yên Lang, Yên Ba, Thế Châu, Loan Thảo ...

Họ đã để lại cho đời một số vở cải lương nổi tiếng như:

- Lan và Điệp (Trần Hữu Trang)
- Tô Ánh Nguyệt (Trần Hữu Trang)
- Đời cô Lựu (Trần Hữu Trang)
- Khi hoa Anh Đào n(Hà Triều – Hoa Phượng) 
- Sân khấu về khuya (Nguyễn Thành Châu)
- Người phu khiêng kiệu cưới (Yên Lang, Nguyên Thảo)
- Khi rừng mới sang thu (Quy Sắc, Loan Thảo)
- Tuyệt tình ca (Hoa Phượng, Ngọc Diệp)
- Mưa rừng (Hà Triều – Hoa Phượng)
- Người vợ không bao giờ cưới (Kiên Giang – Quy Sắc)
- Lá sầu riêng (Kịch bản: Hoàng Dũng; chuyển thể: Thế Châu)
- Nửa đời hương phấn (Hà Triều – Hoa Phượng)
- Tiếng hạc trong trăng (Loan Thảo – Yên Ba)
- Bên cầu dệt lụa (Thế Châu)
- Tiếng trống Mê Linh (Vĩnh Điền)
- Tấm lòng của biển (Hà Triều – Hoa Phượng)
- Thái hậu Dương Vân Nga (Tác giả: Trúc Đường; chuyển thể: Hoa Phượng, Chi Lăng, Hoàng Việt, Thể Hà Vân)
- Con gái chị H
ằng (Hà Triều – Hoa Phượng)
- Hoa đ
ồng cỏ nội (Nhị Kiều)
- Đôi mắt người xưa (Nguyễn Phương)


Tài liệu tham khảo:

- Trương Duy Toản. Web: Wikipedia
- Nguyễn Phương.
Soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Hậu Tổ Cải Lương Web: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ScreenWriterMocQuanNguyenTrongQuyenPostAncestorCailuong_NPhuong-20070915.html
- Nguyễn Tri Khương. Web: Wikipedia

- Nguy
ễn Phương. Năm Châu: Cuộc đời như sân khấu Web: http://www.honvietquochoc.com.vn/bai-viet/2161-nam-chau-cuoc-doi-nhu-san-khau-ky-1.aspx
- Tr
ần Hữu Trang Web: Wikipedia.
- Nguy
ễn Phương. Soạn giả Tư Chơi, mảnh vụn của một vì sao. Web:
https://cailuongviet.com/soan-gia-tu-choi.html
- Nguy
ễn Phương. Soạn giả Lê Hoài Nở - người chuyên viết tuồng trào phúng. Web: cailuongvietnam.com
- Trần Phước Thuận. Soạn giả Mộng Vân Web: http://www.phatgiaobaclieu.com/content/view/2103/1/
- Huy Sương. Vĩnh Long một vườn ươm nghệ thuật. Web:http://trangvangnguoicaotuoi.vn/vinh-long-mot-vuon-uom-nghe-thuat.html
- Thanh Quang. Tưởng nhớ cố nghệ sĩ tài danh Bảy Nam. Web: RFA.
- Phương Kiều. Soạn giả Điêu Huyền - người vẽ hào quang cho nghệ sĩ. Web: cailuongvietnam.com
- Thanh Hiệp. Vĩnh biệt nữ soạn giả Nhị Kiều Web: nld.com.vn
- Phạm Điền. Soạn giả Nguyễn Phương, người soạn tuồng nổi tiếng của Việt Nam. Web: RFA.
- Ngành Ma
i. Soạn giả Thu An lập gánh hát Hương Mùa Thu. Web: nguoi-viet.com
- Ngành Mai. Soạn giả Quy Sắc – nhà giáo bước vào cải lương Web: nguoi-viet.com
- Vi
ễn Châu Web: Wikipedia
- Tr
ần Hà Web: Wikipedia
- Kiên Giang Web: Wikipedia
- Hà Triều Web: Wikipedia
- Hoa Phượng Web: Wikipedia
- Thi Nhân Soạn Giả Th
ế Châu Web: thuvienbinhduong.org.vn
- Yên Lang Web: Wikipedia
- Đỗ Dũng. Nhớ soạn giả Yên Ba. Web: diendan.cailuongso.com
- Thiện Giả.
Người xưa - Chuyện cũ: Soạn giả Loan Thảo - Một bậc kỳ tài bạc mệnh. Web: sankhau.com.vn
866414042018



2 comments:

  1. cCải lương bây h rất đáng trân trọng và cần dược lưu giữ. Cảm ơn những thông tin chia sẻ của bạn

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete