Pages

Saturday, December 30, 2023

Lại một người bạn vừa mới ra đi

Tôi được điện thoại từ anh bạn Dương Quang Trọng gọi tới, thông thường tôi không bắt máy vì trong ngày 5 lần, 7 lượt điện thoại gọi tới để quảng cáo, quấy rầy vì làm mất thì giờ của chúng ta, không hiểu sao hôm đó tôi lại bắt máy mặc dù số lạ, do anh Trọng từ Los Angeles gọi tới.

Sau khi nghe anh Trọng báo là anh Nguyễn Công Mạnh đã mất rồi, trước tiên gợi nhớ tới những lần anh Mạnh về Việt Nam, lần nào cũng có đi thăm đồng môn và đồng đội là những học sinh Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng, khóa 1956-1963 và những đồng đội sĩ quan Công Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như Trần Xuân Minh, lần anh về Việt Nam gần nhất có lẽ là năm 2022, sau đó tôi về, anh em có nhắc chuyến về của anh Mạnh, anh em đã đi uống bia Đức trên đường Phạm Viết Chánh. Trong lần nầy anh kỷ niệm cho mỗi người 1 tờ giấy bạc US$2.00.

Lúc mới vào học Cao Thắng, tôi ở tỉnh lên Sàigòn, năm học chung với anh lớp Đệ Ngũ D, có lẽ là lớp tôi có nhiều kỷ niệm nào là với Thi Thái Thành, Nguyễn Đắc Thận, Nguyễn Hoàng Minh, Nguyễn Văn Thông, Trần Phước Châu, Phan Tùng, Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Phước Sơn, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Tá, Nguyễn Công Mạnh …, khi chúng tôi còn ăn chưa no, lo chưa tới thì anh Mạnh đã làm ra tiền, ban ngày anh đi học, chiều về cho đên tối anh đi bỏ báo tháng.

Khi tôi vào học trường THKT Cao Thắng, tôi dùng Thế vì khai sinh, giấy tờ tôi sinh năm 1943, nhưng người trẻ tuổi nhất như Trần Thanh Quang sinh năm 1945 và nhừng anh cao niên như anh Mạnh sinh năm 1939 hay anh Nguyễn Xuân Thới sinh năm 1938, năm nào đó đi đám tang thầy Giám Học Phan Văn Long, anh Nguyễn Xuân Thới nhìn vào Cáo Tang, thảng thốt: “Ủa thầy bằng tuổi tôi anh em ơi ! Thầy cùng sanh năm 1938 với tôi !”.

Cùng học có Trần Văn Hớn hay Trần Hưng Bang đều là học sinh tuổi trẻ tài cao. Hớn nghe nói anh sớm lên lon vì chiến công trong khi các đồng đội của anh còn đeo 2 hay 3 bông mai vàng thì anh đã 1 bông mai bạc, còn Trần Hưng Bang sớm bỏ đồng đội lên bàn thờ ngồi.

Tôi nhớ anh Mạnh kể, khi ở Việt Nam vợ anh đã qua đời cho nên khi anh vượt biên, anh đã mang theo hủ cốt của vợ anh và khi qua đến xứ tạm dung nầy anh tái hôn với người vợ trẻ, đẹp khác.

Nay được tin anh đã mãn phần. Thành tâm cầu nguyện cho: Nguyễn Công Mạnh pháp danh Thiện Nhẫn sớm về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.

Nam Mô A Di Đà Phật.


866430122023





Nhớ Về Thầy TUỆ SỸ

Tôi vẫn còn nghĩ rằng mình thiếu đức để được gặp Thầy Tuệ Sỹ trong những năm cuối đời của người. Do nơi Từ Hoài Tấn, tôi mới biết thầy Tuệ Sỹ từ Bảo Lộc về lại quán sách Hương Tích trên đường Nguyễn Thượng Hiền ở Quận Bình Thạnh để giảng dạy về môn học chi đó, nhưng rất tiếc khi chúng tôi đến thì thầy đang có lớp dạy, nên chúng tôi đành ra về không gặp được thầy, hôm sau đến thì thị giả Hạnh Viên không tiếp tôi, trên Bảo Lộc thì không biết thầy ở nơi nao để thăm viếng.

                                                Thích Nguyên Chứng - Tuệ Sỹ (1945-2023)

Tôi có tâm tình với vài người bạn, có người nào đó cho biết: “Có lẽ người ta muốn bảo vệ tôi, nên không muốn cho gặp thầy Tuệ Sỹ !? Năm rồi, về Việt Nam tôi có ý định đi đến chùa Phật Ân của Hòa Thượng Minh Tâm để viếng thăm chùa Phật Ân và HT Minh Tâm cùng thầy Tuệ Sỹ, nhân tiện thăm Hòa Thượng Kiến Tánh viện chủ chùa Bửu Lâm thuộc xã Long Đức huyện Long Thành. Nhưng rất tiếc tôi bị Covid-19 nên không thể đi được, còn thời gian trước đó, do nhà tôi phải làm hai hàm răng giả, nên không thể đi du lịch hoặc đi đâu, trừ đi về quê thăm mồ mã ông bà và cha mẹ.

Mấy hôm rồi, có điện thoại nói chuyện với anh bạn tù cải tạo Kà-tum, anh cho biết trước đây muốn thăm thầy Tuệ Sỹ phải do một anh, anh ấy ở Thành đoàn Tp HCM giới thiệu thì được gặp thầy ngay, tôi chua biết thực hư ra sao. Đọc một ít bài của Trần Bảo Trân không thấy anh nầy đề cập đến vấn đề nầy, anh ta đã gặp thầy Tuệ Sỹ ở Bệnh viện, ở chùa Phật Ân. Mỗi người mỗi duyên lành.

Có một điều tôi biết thầy Tuệ Sỹ rất giỏi bói dịch, lần đầu tiên Thiền sư Nhất Hạnh về Việt Nam, đến Thanh Minh Thiền Viện thăm thầy Quảng Độ. Thầy Quảng Độ không tiếp. Hôm sau Thiền sư Nhất Hạnh đến Quảng Hương Già Lam thăm thầy Tuệ Sỹ, thầy Tuệ Sỹ đã nhập thất từ sang sớm ngày hôm đó, nên Thiền sư Nhất Hạnh không thể gặp thầy Tuệ Sỹ, còn nếu thầy Tuệ Sỹ không nhập thất ngày hôm đó, lấy lý do chi để từ chối gặp Thiền Sư Nhất Hạnh, cách nào cũng thất lễ, cách tốt nhất là đã nhập thất, tránh được sự vô lễ của kẻ tiểu bối đối với bậc đại sư.

Nói chung thì tôi gặp thầy Tuệ Sỹ rất ít, nhiều lắm là đếm được trên đầu ngón của một bàn tay. Nếu tôi nhớ không lầm, một lần tại hậu tổ chùa Pháp Hội, một lần ngồi thọ trai tại Thiền viện Vạn Hạnh và đôi lần tại Thi Ngạn Am ở Quảng Hương Già Lam. Chỉ có nơi đây, thầy Tuệ Sỹ và tôi trò chuyện nhiều về Phật Pháp, hay nói đúng ra là về Nguyệt san Phật Học do tôi chủ trương, thời gian có giáo sư Nguyễn Văn Hai, nguyên phó Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, nguyên Phó Giám Đốc Trung tâm Văn hóa Phật Giáo Liễu Quán, Huế cộng tác. Lúc đó 2 vị mới biết nhau qua Nguyệt San Phật Học và rất tương kính nhau.

Hồng Dương Nguyễn Văn Hai (1927-2020)

Giáo sư Nguyễn Van Hai đã mất vào ngày Tết Nguyên Đán năm Canh Tý nhằm ngày 25-1-2020,  nay thầy Tuệ Sỹ đã viên tịch vào ngày 24 tháng 11 năm 2023, người thọ 93 , kẻ thọ 79. Họ đã an nhiền về cõi tịnh.

8664301223