Pages

Thursday, November 28, 2013

Về Miền Tây



Hàng năm về Việt Nam, tôi kết hợp ngày giỗ mẫu thân, thăm thân nhân, dự lễ Họp mặt truyền thống cựu học sinh.

Năm nay, dù tôi đã về thăm ngôi nhà cũ, viếng mồ mả ông bà, đã thăm thân nhân và dự các cuộc họp mặt, nên tôi rất thong thả từ Sàigòn về quê, để dự lễ giỗ mẹ tôi.

Nhiều năm qua, tôi không đi xe đò, lần này muốn được đi xe đò tìm lại cảm giác xưa, cho nên tôi gọi điện thoại đặt chỗ trước hãng xe Phương Trang, vì nghe nói hãng xe đò này có uy tín, chạy đúng giờ, có nhiều tuyến đường từ miền Trung cho đến các tỉnh miền Nam, riêng đường Long Xuyên – Sàigòn cứ 30 phút xe chạy một chuyến.

Tôi đặt vé 8 giờ 15, hãng xe yêu cầu có mặt trước giờ xe chạy 30 phút, nhưng do tánh cẩn thận lúc 7 giờ 20 tôi đã có mặt tại phòng vé Bến xe Miền Tây. Giá vé 130.000 đồng, sau khi lấy vé xong, vì chưa tới giờ nên tôi vào phòng chờ đợi, ngồi chờ xe.


Phòng chờ đợi khá sạch sẻ, rộng rải, có nhiều hàng ghế dư chỗ cho khách ngồi, có nhà vệ sinh được nhân viên tạp dịch quét dọn tươm tất, có bình nước lọc, ly uống nước cho hành khách dùng trong khi chờ đợi. Tôi quan sát thấy ít nhất có một nam nhân viên trông nom phòng chờ đợi, thay chai nước lọc, ở gần cửa ra vào có hai nữ nhân viên trông nom các phòng vệ sinh và phòng chờ. Nói chung phòng chờ khang trang, dĩ nhiên không thể so sánh được với các phòng chờ ở nhà ga hàng không.


Xe rộng rải, ghế ngồi thoải mái, có lối đi ở giữa, mỗi bên có hai ghế. Tài xế và một nhân viên theo xe đều mặc đồng phục. Xe chạy đúng tốc độ quy định để bảo đảm an toàn cho hành khách. Xe bắt đầu chạy, mỗi hành khách được phát mội chai nước giải khát và một khăn lau ướt.


Xe chạy hết đường cao tốc Tp HCM, tới khoảng địa phận Cái bè, xe dừng tại điểm nghỉ 20 phút để cho khách ăn uống, giải khát, trạm nghỉ của Phương Trang khá rộng, có cửa hàng ăn uống, các quầy bán bánh, trái cây, có cả cửa hàng phục vụ thức ăn chay.


Xe tôi đi chạy tuyến đường qua cầu Mỹ Thuận, qua Sa Đéc, qua phà Vàm Cống mới về bến xe Bình Khánh ở thị xã Long Xuyên, tôi không nhớ, nhưng hình như trên 20 năm tôi mới đi lại lộ trình này, từ Sa Đéc những con rạch, con sông chạy cặp theo đường xe, xưa là những cánh đồng, nay nhà cửa san sát, xe chạy qua những địa danh quen thuộc như Nha Mân, Lai Vung, Lấp Vò những địa danh tôi từng biết đến khi dùng xe đò đi qua từ những năm cuối thập niên 1940, kỷ niệm sống dậy cả một thời học trò những năm 1950, những năm khốn khó, sau khi miền Nam được giải phóng, xe đò chạy than, mặt lộ đầy những ổ gà bằng thúng giê, chiếc đệm, đi xe đò về quê phải có giấy giới thiệu của “cơ quan nhà nước” phải đứng xếp hàng rồng rắng ở Bến xe miền Tây, bến xe mới ở Long Xuyên.

Mỗi lần nhớ đến “Trạm Tân Hương” là mỗi lần lòng tôi dâng trào cảm xúc, bởi vì có lần về quê thăm anh để xin tiền chi viện, về đến nhà đã tối, sáng hôm sau phải quay trở lại Sàigòn làm việc, không cách nào kịp xin “Giấy phép chở gạo”, không như ngày nay mọi người đều có điện thoại di động, có thể gọi đến mọi nơi, báo trước được mọi điều. Lần đó, anh tôi bảo mấy cháu, cho tôi “hai bao cát gạo”, anh nói với tôi: “Qua được trạm Tân Hương, đem về cho mấy cháu ăn”. Đến nơi, trên mui xe chừng trên 30 bao gạo của bạn hàng, mỗi bao chừng 50 kg đều qua trót lọt, còn 2 bao gạo của tôi, tổng cộng chừng 10 hay 15 kg bị tịch thu, lúc ấy tôi nhớ đến cảnh con mình phải “ăn độn bo bo” lòng đầy câm phẩn, chế độ đã tạo ra sự bất công, chà đạp tấm lòng anh tôi gửi cho mấy cháu. Trạm Tân Hương nay không còn dấu tích, nhưng trong lòng tôi cái Trạm Tân Hương ngày đó khó quên.

Về tới bến xe Long Xuyên, trong vòng 10 km, hãng dùng xe trung chuyển đưa khách về nhà, có xe đưa những người đi về Phú Hòa, lộ tẻ đi Tri Tôn và một xe đưa khách về nhà trong thị xã Long Xuyên. Có thể nói hãng xe Phương Trang phục vụ tốt và ân cần.

Vì về đến Long Xuyên khoảng hơn 12 giờ, nên sau khi dùng cơm ở quán ăn Hồng Phát số 242/4 đưòng Lương Văn Cù (ở mặt tiền đường lớn), tôi về lại Năng gù, thăm nhà viếng nghĩa trang gia đình để chụp thêm vài tấm ảnh và thăm lại vài người như thằng Cuộc, là bạn cùng tắm sông, lật đất cày bắt dế, đi ra sau vườn hái bông vò vẻ, hái trái cơm nguội, gặp lại nhau tại nhà hắn, hắn chẳng nhận ra tôi, khi tôi nhắc tên tôi cho hắn biết, hắn mừng vô hạn, thể hiện đầy đủ trên nét mặt người già nua, hắn với tôi cùng tuổi, năm nay đã bước qua “thất thập cổ lai hy” của ông Đỗ Phủ, hắn gọi tôi bằng “cậu” vì bà cố hắn với bà nội tôi là chị em bạn dì trong gánh họ Dương, là gánh họ có thanh thế nhất trong làng, chẳng những được tôn thờ trong Đình làng mà còn có Phủ thờ bề thế xây cất bên cạnh Đình làng, còn ông cố hắn với ông cố tôi là anh em ruột cùng mẹ, khác cha. 


Lần này tôi được “sở mục nhãn thị” Chợ Bình Thủy được xây cất gần đây phía sau Đình Làng, đây là ngôi chợ mới cất, làng Bình Thủy còn một ngôi chợ lâu đời, nằm ở vị trí gần đầu cù lao, dưới bến sông chợ có “bến đò Năng Gù”, từ địa danh đó phát sinh ra “bắc Năng Gù”.


Con Kênh Đình trước “cách mạng mùa Thu” năm 1945, Làng đào con kênh này để làm đường giao thông thủy từ Xép Năng Gù nối liền Sông Cái (sông Hậu Giang), nay đã bắt đầu dùng xáng thổi cát lấp kênh chừng 50 thước tới, và chiếc cầu sắt xây cất qua sông đã bắt được nhịp giữa, cầu này do tư nhân xây cất, nhịp cuối cầu đổ xuống gần cuối chợ.


Vì sao lấp kênh đã có trên 50 năm nay ? Được hỏi, có người cho biết địa phương chủ trương lấp kinh để có đất nền bán cho hộ dân. Xáng thổi lấp kênh, sẽ gây nên sạt lở làm cho nhà cửa không còn, có khi nguy hại tánh mạng của người dân, biết mà vẫn làm, phải chăng “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi” ?!!

Ngày 25 tháng 10, ngày giỗ mẹ tôi ở Phú Hòa, tôi ở Sàigòn về, chị tôi ở Bình Hòa xuống, các con trai của chị, con trai của em gái tôi, mấy con gái, con rể, cháu ngoại, cháu cố của anh tôi, trong họ chỉ có con gái của dì tôi, một cháu nội của dì khác tới dự. Hình như lần này, cháu rể tôi không mời họ hàng, hai dì tôi còn có con gái, con rể, con trai, con dâu không thấy mấy người đó, tôi cũng quên không hỏi mấy em, mấy cháu tôi có hay không mời họ.

Dọn cúng gồm một mâm trên bàn thờ, một mâm “trong nhà, trong cửa”, một mâm “đất đai viên trạch”. Anh tôi đã mất năm ngoái, tôi là con trai nên các cháu mời tôi đốt hương khấn vái. Rồi lần lượt chị tôi, em bạn dì của tôi, các cháu đều lễ bái các bàn có mâm cổ, nhang đèn, bánh trái, trà rượu.

Giỗ mẹ, làm cho tôi nhớ đến người, những năm tôi còn nhỏ về quê ngoại vào dịp tết hay các ngày giỗ, có khi cùng mẹ bơi xuồng, vài lần vào ban ngày trên sông Cái vắng vẻ, không thuyền bè xuôi ngược, mẹ tôi bảo: “Gọi to: Đua ông Nược !”, tôi nghe lời làm theo. Bỗng cách xa xuồng tôi chừng 10 thước, có một cột nước từ dưới mặt nước vọt lên cao chừng 2, 3 thước, cột nước ấy thay đổi vị trí theo hướng xuồng tôi bơi, vài lần rồi không có nữa.

Lúc đó tôi chỉ biết ông Nược là con cá, có người nói nó có vú, tôi chưa thấy hình dạng nó lần nào. Lớn lên mới biết nó là cá heo sống ở nước mặn, sao nó có thể sống ở vùng Long Xuyên nước ngọt quanh năm?

Một lần đi bộ từ Phú Hòa ra chợ Long Xuyên, đi khỏi cầu sắt Phú Hòa một đỗi chừng cây số, khúc ấy đường vắng tanh, hai bên không nhà cửa, má tôi kể cho nghe: “Khoảng năm 1945, có một thằng ăn cướp, bị người ta bắt được và chôn sống trên đường, tại khúc nầy !”

Mẹ tôi làm ruộng, làm bánh cho chị tôi bán, xay lúa hàng sáo, bệnh mấy tháng rồi mất trong đêm ở ngôi chùa Phật bên Bờ Ao, tuổi chưa trọn đời người. Thế cũng tròn một kiếp nhân sinh.

Cúng kiếng xong, dọn thành hai mâm, chỉ những người trong gia đình, cánh đàn ông một mâm và đàn bà một mâm. Trong ăn uống chuyện trò trong gia đình. Xong, tôi được đứa cháu đưa về thị xã lấy hành lý ra trạm xe Hùng Cường là xe đò có giường nằm.


Theo chương trình, tôi đã dặn chỗ xe Phương Trang, nhưng cháu gái tôi nói: “Chú đi thử xe có giường nằm cho biết ra sao, thế rồi cháu ấy gọi điện dặn chỗ, mua vé cho tôi, vé giường nằm của xe Hùng Cường từ Long Xuyên về Sàigòn là 140 ngàn đồng, xe chạy qua Phà An Hòa, đi ngang qua Phà Cao Lãnh rồi vào thị xã Sa Đéc, qua Nha Mân, rồi vào trạm nghỉ Tám Ri I gần cầu Mỹ Thuận.


Sau khi nghỉ 20 phút, xe lăn bánh tiếp tục, qua cầu Mỹ Thuận, chạy một lúc trời bắt đầu tối từ Cái Bè, qua Cai Lậy, Trung Lương rồi vào đường cao tốc TpHCM-Trung Lương, đến Sàigòn xe vào Bến Xe Miền Tây, cuối cùng dừng ở Bến trên đường Phó Cơ Điều, rất tiện cho nhừng ai đi thăm, khám bệnh ở Bệnh Viện Chợ Rẩy.


Những ai lên xe nằm ngủ được, những ai lên xe nằm để xem video ca nhạc, tấu hài, lại thêm những ai bệnh cần nằm nên đi xe giường nằm, nhưng xe giường nằm vì chỉ có một cửa lên xuống, giường nệm bằng chất dễ cháy nên rất nguy hiểm khi có người hút thuốc. 

Việt Nam đã chạm dân số 90 triệu vào lúc 2 giờ 45 phút ngày 1-11-2013 là bé gái Nguyễn Thị Thùy Dương tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ở Hà Nội.


Dân đông, nên nhà cửa nhiều do vậy ngày nay đi lại trên đường Sàigòn – Long Xuyên, nhiều đoạn đường quen thuộc xưa kia, nay trở thành xa lạ vì nhà cửa chen nhau mọc, cầu kỳ đua nhau xây, tuy nhiên nhiều xây cất không quy hoạch, nhà cửa lổn ngổn, nhà cao xen lẫn với nhà thấp, nhà nhỏ cạnh nhà to, nhà tân thời hoa văn, hoa hòe cổ điển trông đối chọi, nhức mắt.


Nhờ lần này đi về bằng xe đò, tôi được biết nhiều điều mới lạ, cầu Vàm Cống, cầu Sa Đéc đã khởi công xây, vài năm nữa từ Sàigòn đi về miền Tây không phải qua phà, ngưòi ta sẽ nhớ tới những chuyến phà Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống, những người ăn xin, bán hàng rong, vé số, con nước với lục bình trôi trên sông, cũng góp phần vào nỗi nhớ năm xưa.
Sg 28-11-2013

Saturday, November 23, 2013

Về thăm nhà năm 2013



Năm nào về Việt Nam, tôi cũng dành thời gian về viếng nghĩa trang gia đình, nơi đó đã chôn cất từ ông bà cố, cha mẹ, chú bác, cô và cả anh em tôi, thăm lại ngôi nhà cũ, ngày nay chỉ còn vài vật dụng ghi dấu tuổi thơ của tôi với chúng như chiếc tủ cẩn dùng để thờ tự ông bà, bộ ván gõ, chiếc bàn mặt lát gạch tráng men, tủ gõ mun dùng để cất giữ sách vở, khai sanh anh em chúng tôi… Mỗi vật vô tri đó đều gắn liền với tôi ít nhiều kỷ niệm.

Tôi ấp ủ từ lâu, nay quyết dành một chuyến đi tìm kiếm thăm họ hàng ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Ông Cố tôi xưa kia họ Tạ, ở Đình Cũ có ba anh em, ông là anh cả sang Năng Gù lập nghiệp cải sang họ Huỳnh, ông thứ ba vào Rạch Giá lập Nghiệp cải sang họ Lê, sau có con cháu sinh sống ở nhà máy nước thị xã Long Xuyên, nay đã di chuyển không còn liên lạc được và một người em Út vẫn ở Đình Cũ cải sang họ Nguyễn về sau gánh họ này dời về Tham Buôn sinh sống. Chúng tôi đã tìm được họ hàng, gồm các anh em và con cháu.


Tôi có dành một chuyến viếng thăm Núi Cấm, đây là lần đầu tiên tôi đến Vồ Bồ Hong, đỉnh cao nhất trong Thất Sơn 712 thước so với mặt nước biển, nơi đây khoảng thập niên 1930, cha tôi có khắc vào vồ đá chữ Đức Minh sáng tạo và một bài thơ chữ Hán. Đức Minh là hiệu của một nhà tu nơi đây.



Về Gia Đình Phật Tử, lần này tôi được dự lễ Hiệp Kỵ GĐPT Vĩnh Nghiêm, đưọc gặp lại nhiều anh chị em áo Lam Vĩnh Nghiêm.


Được dự lễ tấn phong cấp Dũng của Huynh Trưởng Lê Cao Phan, tác giả Phật Giáo ca, anh sáng tác năm 1951, nhân sự kiện thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam ở chùa Từ Đàm, Huế. 


Về bạn học, mỗi lần về tôi đều có liên lạc gặp gở những người đồng môn Cao Thắng, Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật riêng những đồng môn ở Đại học Vạn Hạnh, không còn liên lạc được ai còn ở lại Sàigòn.


Tôi được dự ngày Họp Mặt Cựu sinh viên Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức, dịp này gặp lại vài bạn cũ, có người từ khi ra trường năm 1966 đến nay mới gặp lại.


Tôi dự ngày Họp mặt truyền thống Cựu học sinh hai trường Nguyễn Trường Tộ, Phan Đình Phùng. Lần này, tôi gặp lại vài học sinh tôi muốn gặp từ lâu như Lê Văn Qua, Hà Trọng Dũng, Bùi Nghệ…, vẫn còn vài em chưa gặp như Nguyễn Công Minh, Phan Kim Dũng….


Lần này, tôi được mời dự Ngày Nhà Giáo Việt Nam tại Trường Cao Đẳng Nghề Nguyễn Trường Tộ, từ năm 1983 tôi rời khỏi Trường này, nay trở lại mới đó đã ba mươi năm rồi. Với tư cách được mời là Cựu Hiệu Trưởng năm 1975.


Vài hôm nữa, tôi sẽ về quê ngoại để dự ngày giỗ mẹ tôi, do con của anh trai tôi có nhà cửa trên phần đất của mẹ tôi, đãm trách việc cúng kiến. Tôi dự trưóc để nhớ ân nghĩa sanh thành của từ mẫu, sau để gặp lại chị, em và các cháu.

Hôm qua, tôi gặp mấy đồng môn Cao Thắng, họ cho biết năm nay làm “Tất Niên” sớm, đặc biệt dành ưu ái cho tôi, như năm nào các anh đã làm, tôi có lần dự mới đây cũng đã năm, sáu năm rồi.


Năm nay tôi về lâu hon các năm trước, tôi gặp lại nhiều anh em đồng môn, bạn bè, các em học sinh của tôi và dự mấy buổi lễ, những sự kiện ấy làm cho tôi cảm thấy tình cảm được gắn bó, đầy ý nghĩa.

Còn một việc nữa là lần này, tôi mua được nhiều sách mới, vừa rẻ tiền vừa có giá trị và nhất là có sách đáp ứng cho công việc khảo cứu, viết lách của tôi. Có nhiều tiểu thuyết tôi đã có, nay thấy ấn bản mới mua thêm, chẳng hạn như tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng...


Sg. 23-11-2013

Có những bài viết trong chuyến về Việt Nam năm nầy:

   - Thoang thoảng hương cau
   - Về Miền Tây
   - Thăm người quen cũ
   - Gặp lại Lưu Nhơn Nghĩa
   - Chuyến bay về
   - Nhớ về Sàigòn





Wednesday, November 6, 2013

Lương Tâm của kẻ nắm sinh mệnh và cầm cân nảy mực



Tôi rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất trong tâm trạng không được vui, vì công an cửa khẩu đã cầm giữ tôi mất nửa giờ, do nghi ngờ vấn đề có tánh cách chánh trị, nhưng tôi không có liên can.

Trên đường về, người nhà cho biết Việt Nam đang xôn xao vì một ông Bác sĩ thẩm mỹ viện tư, sau khi làm thẩm mỹ, nạn nhân chết và ông ta đã vứt xác xuống sông để phi tang, sau đó báo chí đăng tin người ta đang tìm xác nạn nhân, đăng ảnh bác sĩ hung thủ được công an đưa tới hiện trường đã thực hiện vụ án.


Hung thủ được đưa đi, bên cạnh là hai nhân viên công lực, ông ta vẫn giữ được nét mặt thản nhiên, cũng có thể nói là rất vô tư. Tôi đọc báo được biết đến ba, bốn ngày sau vẫn chưa tìm ra xác nạn nhân, hung thủ đã bị câu lưu và tìm thấy một bài trên trang mạng xã hội www.x-cafevn.org. Có tựa bài: Tình trạng lương y như phù thủy, bệnh viện như lò sát sanh ở xứ thiên đường. Trong đó có bài liên quan đến vụ án:

Bác sĩ thẩm mỹ thú tội vứt xác nữ bệnh nhân

Sau khi hút mỡ bụng, phát hiện bệnh nhân tử vong, bác sĩ ngoại khoa Nguyễn Mạnh Tường, chủ thẩm mỹ viện Cát Tường đã cùng một nhân viên bảo vệ khiêng xác nạn nhân ra ôtô chở tới sông Hồng phi tang.

Nghi án thẩm mỹ viện vứt xác khách phi tang

Chiều nay, Đại tá Dương Văn Giáp (Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hà Nội) cho biết cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp Nguyễn Mạnh Tường, 40 tuổi và nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh để điều tra hành vi giết người. 10 nhân viên của Cát Tường bị triệu tập để làm rõ mức độ liên quan.

Nghi can Tường khai là bác sĩ Khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai. 6 tháng trước, ông khai trương Thẩm mỹ viện Cát Tường tại số 45 đường Giải Phóng, gần đối diện bệnh viện, trong khi chưa được Sở Y tế cấp phép.

Theo lời khai, giữa tháng 10, chị Lê Thị Thanh Huyền đến Cát Tường đặt cọc 50 triệu đồng để phẫu thuật hút mỡ bụng và nâng ngực. 10h ngày 19/10, ông Tường trực tiếp gây mê, hút 11 ống mỡ ở vùng bụng của chị Huyền. Sau đó, ông Tường bơm số mỡ này vào vùng ngực của chị.

Cuộc phẫu thuật kéo dài đến 16h thì kết thúc. 30 phút sau, chị Huyền sùi bọt mép, chóng mặt và được ông Tường tiêm, cấp cứu. Ông Tường rời Cát Tường không lâu thì nhân viên thông báo chị Huyền tím tái, sùi bọt mép. Ông Tường quay lại truyền dịch, chống sốc nhưng phát hiện chị Huyền đã chết.

Để ỉm chuyện này, ông Tường lập tức cho một số nhân viên đi về, chỉ đạo mang sổ sách, thiết bị đi tẩu tán. Trực tiếp ông Tường cùng nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh mang xác chị Huyền ra ôtô. Ông Tường lái xe đi trước, Khánh đi xe máy của chị Huyền bám theo sau.

Đến khu vực đường Cổ Linh, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Khánh để xe máy ở bên đường, lên xe của ông Tường. Sau khi chạy lòng vòng, đến khoảng 23h cùng ngày, giữa cầu Thanh Trì, hai người bê xác nạn nhân vứt xuống sông.

Đêm hôm đó, một thanh niên phát hiện xe Lead của chị Huyền, kiểm tra trong túi xách phát hiện hai chiếc điện thoại, chứng minh thư. Thấy trong điện thoại có nhiều cuộc gọi nhỡ, anh này gọi lại và thông báo về chiếc xe. Người nhận tin là anh Nguyễn Hữu Huy (40 tuổi, chồng chị Huyền).

Trình báo cảnh sát, anh cho biết vợ ra khỏi nhà lúc 8h45 ngày 19/10. Sau đó, gia đình có tổ chức đi nhiều nơi tìm kiếm nhưng không thấy. Phát hiện tờ biên nhận của Cát Tường tại nhà, anh báo cảnh sát và hướng điều tra tập trung theo hướng này.

Hiện, theo lời khai của ông Tường, Công an Hà Nội đang cùng Công an các tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng tìm kiếm xác nạn nhân dọc trên sông.

Theo một nguồn tin từ Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Tường thuộc biên chế khoa Ngoại, là bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa, được đánh giá "nhân thân tốt". Trả lời câu hỏi của phóng viên VnExpress về phòng khám tư của bác sĩ Tường, một cán bộ của bệnh viện Bạch Mai cho hay, không quản lý bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân sau giờ hành chính.

Việt Dũng

Rồi trong những ngày gần đây, báo chí đăng tin Nguyễn Thanh Chấn bị oan sai ngồi tù 10 năm rất đáng thương tâm cho tình cảnh của nạn nhân có mẹ già 78 tuổi vợ và các con.

Chấn động vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn gánh án oan chung thân về tội giết người

Ngày 4/11/2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 01/QĐKNTT-VKSTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn (bị kết án tù chung thân về tội danh giết người); cùng ngày, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể đã ký Quyết định số 04/QĐTĐC-THA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.


Theo thông tin từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Cách đây hơn mười năm, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan.

Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp dẫn đến tử vong.


Ông Nguyễn Thanh Chấn tại phiên tòa mà ông bị tuyên phạt án chung thân. Ảnh: Nguyễn Quyết - Báo Người Lao động

Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự để tiến hành điều tra.

Từ một số thông tin ban đầu, ngày 30/8/2003, Cơ quan điều tra đã mời ông Nguyễn Thanh Chấn (trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đến trụ sở để làm việc và lấy lời khai. Căn cứ tài liệu điều tra ban đầu, ngày 28/9/2003, Cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ đối với ông Nguyễn Thanh Chấn; tiếp đó, ngày 29/9/2003, đã ra Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thanh Chấn về tội danh giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Ngày 3/12/2003, Cơ quan điều tra đã ra bản Kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người.

Ngày 10/2/2004, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ra bản Cáo trạng - quyết định truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người theo quy định tại điểm n, khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Đến ngày 26/3/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án chung thân; bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo.

Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm. Trong quá trình điều tra bị cáo có khai nhận hành vi giết người, nhưng tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo không nhận tội. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật; phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã và đang chấp hành hình phạt tù chung thân.


Ông Nguyễn Thanh Chấn cùng người thân rơi nước mắt trong ngày đoàn tụ sau 10 năm tù oan tức. Ảnh: Nguyễn Quyết - Báo Người Lao động

Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan, Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao xem xét. Bà Nguyễn Thị Chiến là vợ của phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn cũng có đơn kêu oan cho chồng. Nội dung đơn cho rằng, thủ phạm gây ra vụ án giết người vào đêm 15/8/2003, là Lý Nguyễn Chung (cùng trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) chứ không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn.

Từ đó, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương triển khai các biện pháp điều tra, xác minh kết hợp với kiên trì vận động đối tượng ra tự thú. Ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối 15/8/2003 để cướp tài sản.

Theo quy định của pháp luật, sau khi có quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao sẽ xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm do xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất của vụ án và đó sẽ là căn cứ để mở ra trình tự thủ tục tố tụng tiếp theo đối với vụ án.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xét xử tái thẩm, tại phiên tòa xét xử ngày 6/11/2013.

Có chứng cứ ngoại phạm

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 22 giờ ngày 15-8-2003, chị Nguyễn Thị H. (trú tại thôn Me) bị giết chết. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan điều tra vào cuộc, 42 ngày sau có kết luận ông Nguyễn Thanh Chấn là nghi can. Theo kết quả điều tra, nạn  nhân bị giết vào thời điểm từ 19g05-19g25. Các cơ quan tố tụng cho rằng vào thời điểm này, ông Chấn vào nhà nạn nhân với mục đích cưỡng dâm nhưng không được, sau đó giết chết nạn nhân. Vụ án xảy ra ngày 15-8-2003 nhưng đến ngày 30-8-2003 ông Chấn mới bị gọi lên làm việc. Trong nhiều lần làm việc ông Chấn khẳng định mình không liên quan đến vụ án. Tới ngày 28-9-2003, ông Chấn có bản tự thú thừa nhận hành vi cưỡng dâm và giết người của mình. Tuy nhiên tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Chấn luôn cho mình bị ép cung.

Tại các phiên tòa xét xử vụ án, ông Chấn khai vào thời điểm xảy ra vụ án, ông có đi lấy nước cho vợ. Tòa cho rằng sau khi lấy nước thì chậm nhất vào khoảng 19g15 ông Chấn phải có mặt tại nhà, do ông Chấn không chứng minh được chính xác thời gian của mình có mặt ở nhà nên tòa quy kết thời điểm này chính là thời điểm ông Chấn giết chết nạn nhân. Do đó, phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang và phiên phúc thẩm của TAND tối cao đều tuyên phạt ông Chấn mức án tù chung thân.

Trong khi đó, những nhân chứng và tài liệu do phía ông Chấn và người nhà đưa ra để chứng minh ông Chấn vô tội lại không được xem xét. Cụ thể bà Phạm Thị Nhâm (trú tại thôn Me) có giấy xác nhận “19g20 tối hôm đó tôi ra quán tôi ra quán nhà anh Chấn để mua kẹo thì gặp anh Thục vào gọi điện và chính anh Chấn là người bấm máy cho anh Thục gọi, lúc đó có ông Quyền mua mắm cũng biết”. Bảng kê điện tử tự động thanh toán tiền điện thoại của nhà ông Chấn cũng thể hiện cuộc gọi đi số 566075 của anh Thục ngày 15-8 gọi từ 19g19ph51gy đến 19g20ph31gy. Điều này chứng tỏ ông Chấn có mặt tại nhà vào thời điểm xảy ra vụ án.

Tháng 10-2013, vụ án xuất hiện tình tiết mới, nghi phạm gây án ra đầu thụ Nghi phạm này là người cùng thôn Me với ông Chấn. Tại cơ quan điều tra, nghi phạm khai nhận hành vi phạm tội của mình. Cơ quan điều tra, Viện KSND tối cao cũng xác định những lời khai của nghi phạm này khớp với nội dung vụ án. Theo đó, tối 15-8-2003, nghi phạm Lý Nguyên Chung có đến nhà nạn nhân mua hàng. Nghi phạm thấy chị H. có tiền nên nảy lòng tham, dung vũ lực cướp tài sản nạn nhân. Do bị chống cự nên Chung cầm do đâm chết nạn nhân rồi bỏ trốn vào một tỉnh tại tây nguyên sinh sống cho đến khi ra đầu thú. Đây là cơ sở để Viện KSND tối cao kháng nghị hai bản án đối với ông Chấn.

Ông Chấn có mẹ già là bà Phạm Thị Vì (vợ liệt sĩ), năm nay đã 78 tuổi. Vợ là Nguyễn Thị Chiến từ khi chồng bị án, chị gửi đơn khiếu nại nhiều nơi để minh oan cho chồng, bốn con của anh Chấn phải bỏ học, trong đó có người con gái Nguyễn Thị Quyên phải đi lao động nước ngoài để lấy tiền chăm lo cho gia đình.

Luật sư Nguyễn Đức Biền cho biết:

"Được chỉ định bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Chấn từ phiên tòa sơ thẩm, sau khi đọc hồ sơ và tham gia thẩm vấn phiên tòa, tôi thấy chứng cứ buộc tội ông Chấn quá lỏng lẻo, không thuyết phục.

Tôi nhớ rõ vụ án thế này: cáo trạng thể hiện hôm ấy ông Nguyễn Thanh Chấn đi múc nước, trên đường về thì nảy sinh ý định sàm sỡ chị H., nhưng chị không đồng ý. Lúc đó ông Chấn nảy sinh ý định giết chị H., ông Chấn về nhà và mang chuôi dao đi vứt. Đọc hồ sơ tôi thấy có mấy chứng cứ buộc tội ông Chấn đều lỏng lẻo. Tại phiên tòa, tôi đã bày tỏ quan điểm với từng chứng cứ, thứ nhất là chứng cứ về thời gian. Thời gian ông Chấn đi múc nước là áng chừng, không chính xác và không thuyết phục. Chứng cứ thứ hai cơ quan điều tra buộc bị cáo mô tả đồ vật trong nhà bị hại thì bị cáo làm rất thành thục, tôi đã nêu rõ vì nhà bị cáo và bị hại rất gần nhau, ngày nào cũng sang nhà nhau chơi thì mô tả đồ vật trong nhà không có gì khó. Chứng cứ thứ ba là vết bàn chân để lại hiện trường vừa với chân ông Chấn cng không thuyết phục. Quan trọng nhất ông Chấn có chứng cứ ngoại phạm là khi vụ án xảy ra, ông Chấn đang gọi điện thoại, bưu điện có in danh sách cuộc gọi này. Lúc tranh tụng với viện kiểm sát, tôi bày tỏ quan điểm lời khai của bị cáo phải phù hợp với chứng cứ và phải có viện dẫn cụ thể nhưng viện kiểm sát phản bác và giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo tội giết người".

Chủ tịch nước yêu cầu khẩn trương minh oan, đền bù

Ngày 4-11, văn phòng chủ tịch nước đã có văn bản gửi bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng Viện KSND tối cao, chánh án TAND tối cao thông báo ý kiến của Chủ tịch nước về vụ án này. Theo thông báo, Chủ tịch nước có ý kiến yêu cầu bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng viện KSND tối cao, chánh án TAND tối cao chỉ đạo giải quyết đúng theo qui định của pháp luật, khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp của những người bị oan, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh người phạm tội và những sai phạm của các tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn và báo cáo Chủ tịch nước kết quả giải quyết.

“Trách nhiệm là của Quốc hội, của tòa án tối cao …”

Ngày 4-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Năng (chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn năm2004) nói: “Tôi quên phiên xử đó rồi. Có gì nhà báo cứ xem bản án. Giờ tôi không trả lời gì được đâu. Hồi xưa xét xử thì dựa vào chứng cứ, tài liệu vụ án, chứ giờ vụ án đã lâu không nhớ nổi. Giờ bị cáo bị oan sai thì trách nhiệm là do Quốc hội chứ biết sao được, tốt nhất là nhà báo đừng hỏi nữa”. Theo ông Thân Quốc Hùng (chánh ăn phòng TAND tỉnh Bắc Giang), ông Năm bị tai nạn giao thông năm 2010, bị ảnh hưởng đến não và giờ đang chữa bệnh.

Còn ông Trần Văn Duyên (69 tuổi, nguyên thẩm phán TAND tỉnh Bắc Giang, thẩm phán phiên xét xử sơ thẩm năm năm 2004, đã nghỉ hưu từ năm 2006) nói: “Đã có sự phân cấp rồi, chúng tôi xử sơ thẩm mà cấp phúc thẩm y án thì chứng tỏ có đủ căn cứ kết tội bị cáo về tội giết người. Cấp phúc thẩm tuyên y án thì có nghĩa chúng tôi xử đúng rồi và chúng tôi cũng không có trách nhiệm gì, giờ vụ án có sai thì trách nhiệm thuộc về cấp phúc thẩm của tòa tối cao”.

Chúng ta đã biết vụ án được sáng tỏ nhờ kẻ gây án mạng Lý Nguyên Chung ra đầu thú, đưa ra ánh sáng vụ án oan sai. Bà Lê Thị Nga phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng từ năm 2003 đến 2013, gia đình nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn đã kêu oan liên tục mà không được xem xét thấu đáo qua thủ tục phúc thẩm và giám đốc thẩm.

Văn phòng chủ tịch nước gửi văn thư đến Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưỏng Viện KSND, Chánh án TAND tối cao để yêu cầu xét xử minh oan cho người vô tội, điều tra xử lý những người có trách nhiệm gây ra oan sai cho nạn nhân.

Chúng ta thấy vụ án oan sai đã rõ, nhưng chủ tọa cũng như thẩm phán phiên tòa đều vô tư, phủi tay lại gán trách nhiệm cho Quốc hội, TAND tối cao. Lương tâm của người cầm cân nảy mực ở đâu ? Đã bị đánh rơi lúc nào, chỗ nào ? Trong khi ngoài xã hội người ta đang đốt đuốc, gào thét giữa bãi sa mạc không người để tìm công lý, đánh động lương tâm đã ngủ yên, vắng mặt từ lâu của những người có chức quyền. Những câu chuyện, tin tức trên báo hàng ngày, làm cho tôi liên tưởng đến những vụ án mà Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng một thẩm phán chế độ cũ viết trong tập truyện Hé Lòng.

Tôi cũng nhớ tới một truyện hình như đăng trong tạp chí Kiến thức Ngày Nay trước năm 1975, đại loại truyện ấy như sau:

Ở Pháp có xảy ra một vụ án mạng cha giết con, người cha nhận tội, bị tòa kết án tử hình.

Đến gần hai mươi năm sau, một đứa con gái khác của người bị án tử hình, ra trước tòa án địa phương tự thú rằng, khi còn nhỏ vì thấy cha thương yêu đứa em gái, con của người vợ kế của cha mình, cô ta ganh tị nên giết em, sau khi đã giết em rồi đem dấu xác sau nhà, khi bị nhà chức trách phát hiện, người cha có nhìn thấy vết máu trong tay áo con gái mình, nhưng người cha đã nhận tội để thay thế cho con.

Tòa có đủ chứng cớ rõ ràng, người con gái lớn giết chết em khác mẹ của mình vì ganh tị, tòa trước kia đã kết án sai, giết chết oan một người dân vô tội. Ông chánh án quyết định phục hồi danh dự cho người chết bằng cách, ông cầm một lá cờ trắng đi đầu, theo sau là những viên chức của tòa, cùng đi đến mộ người thụ án tử hình kia, cắm xuống đó lá cờ trắng, tượng trưng cho sự trong sạch của người chết, tưởng nó cũng tượng trưng cho sự bất lực của công lý, vì không thể nào đền bồi được sinh mạng của một người bị oan sai, để cứu mạng cho con gái của mình.

Sg 6-11-2013