Pages

Thursday, November 28, 2013

Về Miền Tây



Hàng năm về Việt Nam, tôi kết hợp ngày giỗ mẫu thân, thăm thân nhân, dự lễ Họp mặt truyền thống cựu học sinh.

Năm nay, dù tôi đã về thăm ngôi nhà cũ, viếng mồ mả ông bà, đã thăm thân nhân và dự các cuộc họp mặt, nên tôi rất thong thả từ Sàigòn về quê, để dự lễ giỗ mẹ tôi.

Nhiều năm qua, tôi không đi xe đò, lần này muốn được đi xe đò tìm lại cảm giác xưa, cho nên tôi gọi điện thoại đặt chỗ trước hãng xe Phương Trang, vì nghe nói hãng xe đò này có uy tín, chạy đúng giờ, có nhiều tuyến đường từ miền Trung cho đến các tỉnh miền Nam, riêng đường Long Xuyên – Sàigòn cứ 30 phút xe chạy một chuyến.

Tôi đặt vé 8 giờ 15, hãng xe yêu cầu có mặt trước giờ xe chạy 30 phút, nhưng do tánh cẩn thận lúc 7 giờ 20 tôi đã có mặt tại phòng vé Bến xe Miền Tây. Giá vé 130.000 đồng, sau khi lấy vé xong, vì chưa tới giờ nên tôi vào phòng chờ đợi, ngồi chờ xe.


Phòng chờ đợi khá sạch sẻ, rộng rải, có nhiều hàng ghế dư chỗ cho khách ngồi, có nhà vệ sinh được nhân viên tạp dịch quét dọn tươm tất, có bình nước lọc, ly uống nước cho hành khách dùng trong khi chờ đợi. Tôi quan sát thấy ít nhất có một nam nhân viên trông nom phòng chờ đợi, thay chai nước lọc, ở gần cửa ra vào có hai nữ nhân viên trông nom các phòng vệ sinh và phòng chờ. Nói chung phòng chờ khang trang, dĩ nhiên không thể so sánh được với các phòng chờ ở nhà ga hàng không.


Xe rộng rải, ghế ngồi thoải mái, có lối đi ở giữa, mỗi bên có hai ghế. Tài xế và một nhân viên theo xe đều mặc đồng phục. Xe chạy đúng tốc độ quy định để bảo đảm an toàn cho hành khách. Xe bắt đầu chạy, mỗi hành khách được phát mội chai nước giải khát và một khăn lau ướt.


Xe chạy hết đường cao tốc Tp HCM, tới khoảng địa phận Cái bè, xe dừng tại điểm nghỉ 20 phút để cho khách ăn uống, giải khát, trạm nghỉ của Phương Trang khá rộng, có cửa hàng ăn uống, các quầy bán bánh, trái cây, có cả cửa hàng phục vụ thức ăn chay.


Xe tôi đi chạy tuyến đường qua cầu Mỹ Thuận, qua Sa Đéc, qua phà Vàm Cống mới về bến xe Bình Khánh ở thị xã Long Xuyên, tôi không nhớ, nhưng hình như trên 20 năm tôi mới đi lại lộ trình này, từ Sa Đéc những con rạch, con sông chạy cặp theo đường xe, xưa là những cánh đồng, nay nhà cửa san sát, xe chạy qua những địa danh quen thuộc như Nha Mân, Lai Vung, Lấp Vò những địa danh tôi từng biết đến khi dùng xe đò đi qua từ những năm cuối thập niên 1940, kỷ niệm sống dậy cả một thời học trò những năm 1950, những năm khốn khó, sau khi miền Nam được giải phóng, xe đò chạy than, mặt lộ đầy những ổ gà bằng thúng giê, chiếc đệm, đi xe đò về quê phải có giấy giới thiệu của “cơ quan nhà nước” phải đứng xếp hàng rồng rắng ở Bến xe miền Tây, bến xe mới ở Long Xuyên.

Mỗi lần nhớ đến “Trạm Tân Hương” là mỗi lần lòng tôi dâng trào cảm xúc, bởi vì có lần về quê thăm anh để xin tiền chi viện, về đến nhà đã tối, sáng hôm sau phải quay trở lại Sàigòn làm việc, không cách nào kịp xin “Giấy phép chở gạo”, không như ngày nay mọi người đều có điện thoại di động, có thể gọi đến mọi nơi, báo trước được mọi điều. Lần đó, anh tôi bảo mấy cháu, cho tôi “hai bao cát gạo”, anh nói với tôi: “Qua được trạm Tân Hương, đem về cho mấy cháu ăn”. Đến nơi, trên mui xe chừng trên 30 bao gạo của bạn hàng, mỗi bao chừng 50 kg đều qua trót lọt, còn 2 bao gạo của tôi, tổng cộng chừng 10 hay 15 kg bị tịch thu, lúc ấy tôi nhớ đến cảnh con mình phải “ăn độn bo bo” lòng đầy câm phẩn, chế độ đã tạo ra sự bất công, chà đạp tấm lòng anh tôi gửi cho mấy cháu. Trạm Tân Hương nay không còn dấu tích, nhưng trong lòng tôi cái Trạm Tân Hương ngày đó khó quên.

Về tới bến xe Long Xuyên, trong vòng 10 km, hãng dùng xe trung chuyển đưa khách về nhà, có xe đưa những người đi về Phú Hòa, lộ tẻ đi Tri Tôn và một xe đưa khách về nhà trong thị xã Long Xuyên. Có thể nói hãng xe Phương Trang phục vụ tốt và ân cần.

Vì về đến Long Xuyên khoảng hơn 12 giờ, nên sau khi dùng cơm ở quán ăn Hồng Phát số 242/4 đưòng Lương Văn Cù (ở mặt tiền đường lớn), tôi về lại Năng gù, thăm nhà viếng nghĩa trang gia đình để chụp thêm vài tấm ảnh và thăm lại vài người như thằng Cuộc, là bạn cùng tắm sông, lật đất cày bắt dế, đi ra sau vườn hái bông vò vẻ, hái trái cơm nguội, gặp lại nhau tại nhà hắn, hắn chẳng nhận ra tôi, khi tôi nhắc tên tôi cho hắn biết, hắn mừng vô hạn, thể hiện đầy đủ trên nét mặt người già nua, hắn với tôi cùng tuổi, năm nay đã bước qua “thất thập cổ lai hy” của ông Đỗ Phủ, hắn gọi tôi bằng “cậu” vì bà cố hắn với bà nội tôi là chị em bạn dì trong gánh họ Dương, là gánh họ có thanh thế nhất trong làng, chẳng những được tôn thờ trong Đình làng mà còn có Phủ thờ bề thế xây cất bên cạnh Đình làng, còn ông cố hắn với ông cố tôi là anh em ruột cùng mẹ, khác cha. 


Lần này tôi được “sở mục nhãn thị” Chợ Bình Thủy được xây cất gần đây phía sau Đình Làng, đây là ngôi chợ mới cất, làng Bình Thủy còn một ngôi chợ lâu đời, nằm ở vị trí gần đầu cù lao, dưới bến sông chợ có “bến đò Năng Gù”, từ địa danh đó phát sinh ra “bắc Năng Gù”.


Con Kênh Đình trước “cách mạng mùa Thu” năm 1945, Làng đào con kênh này để làm đường giao thông thủy từ Xép Năng Gù nối liền Sông Cái (sông Hậu Giang), nay đã bắt đầu dùng xáng thổi cát lấp kênh chừng 50 thước tới, và chiếc cầu sắt xây cất qua sông đã bắt được nhịp giữa, cầu này do tư nhân xây cất, nhịp cuối cầu đổ xuống gần cuối chợ.


Vì sao lấp kênh đã có trên 50 năm nay ? Được hỏi, có người cho biết địa phương chủ trương lấp kinh để có đất nền bán cho hộ dân. Xáng thổi lấp kênh, sẽ gây nên sạt lở làm cho nhà cửa không còn, có khi nguy hại tánh mạng của người dân, biết mà vẫn làm, phải chăng “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi” ?!!

Ngày 25 tháng 10, ngày giỗ mẹ tôi ở Phú Hòa, tôi ở Sàigòn về, chị tôi ở Bình Hòa xuống, các con trai của chị, con trai của em gái tôi, mấy con gái, con rể, cháu ngoại, cháu cố của anh tôi, trong họ chỉ có con gái của dì tôi, một cháu nội của dì khác tới dự. Hình như lần này, cháu rể tôi không mời họ hàng, hai dì tôi còn có con gái, con rể, con trai, con dâu không thấy mấy người đó, tôi cũng quên không hỏi mấy em, mấy cháu tôi có hay không mời họ.

Dọn cúng gồm một mâm trên bàn thờ, một mâm “trong nhà, trong cửa”, một mâm “đất đai viên trạch”. Anh tôi đã mất năm ngoái, tôi là con trai nên các cháu mời tôi đốt hương khấn vái. Rồi lần lượt chị tôi, em bạn dì của tôi, các cháu đều lễ bái các bàn có mâm cổ, nhang đèn, bánh trái, trà rượu.

Giỗ mẹ, làm cho tôi nhớ đến người, những năm tôi còn nhỏ về quê ngoại vào dịp tết hay các ngày giỗ, có khi cùng mẹ bơi xuồng, vài lần vào ban ngày trên sông Cái vắng vẻ, không thuyền bè xuôi ngược, mẹ tôi bảo: “Gọi to: Đua ông Nược !”, tôi nghe lời làm theo. Bỗng cách xa xuồng tôi chừng 10 thước, có một cột nước từ dưới mặt nước vọt lên cao chừng 2, 3 thước, cột nước ấy thay đổi vị trí theo hướng xuồng tôi bơi, vài lần rồi không có nữa.

Lúc đó tôi chỉ biết ông Nược là con cá, có người nói nó có vú, tôi chưa thấy hình dạng nó lần nào. Lớn lên mới biết nó là cá heo sống ở nước mặn, sao nó có thể sống ở vùng Long Xuyên nước ngọt quanh năm?

Một lần đi bộ từ Phú Hòa ra chợ Long Xuyên, đi khỏi cầu sắt Phú Hòa một đỗi chừng cây số, khúc ấy đường vắng tanh, hai bên không nhà cửa, má tôi kể cho nghe: “Khoảng năm 1945, có một thằng ăn cướp, bị người ta bắt được và chôn sống trên đường, tại khúc nầy !”

Mẹ tôi làm ruộng, làm bánh cho chị tôi bán, xay lúa hàng sáo, bệnh mấy tháng rồi mất trong đêm ở ngôi chùa Phật bên Bờ Ao, tuổi chưa trọn đời người. Thế cũng tròn một kiếp nhân sinh.

Cúng kiếng xong, dọn thành hai mâm, chỉ những người trong gia đình, cánh đàn ông một mâm và đàn bà một mâm. Trong ăn uống chuyện trò trong gia đình. Xong, tôi được đứa cháu đưa về thị xã lấy hành lý ra trạm xe Hùng Cường là xe đò có giường nằm.


Theo chương trình, tôi đã dặn chỗ xe Phương Trang, nhưng cháu gái tôi nói: “Chú đi thử xe có giường nằm cho biết ra sao, thế rồi cháu ấy gọi điện dặn chỗ, mua vé cho tôi, vé giường nằm của xe Hùng Cường từ Long Xuyên về Sàigòn là 140 ngàn đồng, xe chạy qua Phà An Hòa, đi ngang qua Phà Cao Lãnh rồi vào thị xã Sa Đéc, qua Nha Mân, rồi vào trạm nghỉ Tám Ri I gần cầu Mỹ Thuận.


Sau khi nghỉ 20 phút, xe lăn bánh tiếp tục, qua cầu Mỹ Thuận, chạy một lúc trời bắt đầu tối từ Cái Bè, qua Cai Lậy, Trung Lương rồi vào đường cao tốc TpHCM-Trung Lương, đến Sàigòn xe vào Bến Xe Miền Tây, cuối cùng dừng ở Bến trên đường Phó Cơ Điều, rất tiện cho nhừng ai đi thăm, khám bệnh ở Bệnh Viện Chợ Rẩy.


Những ai lên xe nằm ngủ được, những ai lên xe nằm để xem video ca nhạc, tấu hài, lại thêm những ai bệnh cần nằm nên đi xe giường nằm, nhưng xe giường nằm vì chỉ có một cửa lên xuống, giường nệm bằng chất dễ cháy nên rất nguy hiểm khi có người hút thuốc. 

Việt Nam đã chạm dân số 90 triệu vào lúc 2 giờ 45 phút ngày 1-11-2013 là bé gái Nguyễn Thị Thùy Dương tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ở Hà Nội.


Dân đông, nên nhà cửa nhiều do vậy ngày nay đi lại trên đường Sàigòn – Long Xuyên, nhiều đoạn đường quen thuộc xưa kia, nay trở thành xa lạ vì nhà cửa chen nhau mọc, cầu kỳ đua nhau xây, tuy nhiên nhiều xây cất không quy hoạch, nhà cửa lổn ngổn, nhà cao xen lẫn với nhà thấp, nhà nhỏ cạnh nhà to, nhà tân thời hoa văn, hoa hòe cổ điển trông đối chọi, nhức mắt.


Nhờ lần này đi về bằng xe đò, tôi được biết nhiều điều mới lạ, cầu Vàm Cống, cầu Sa Đéc đã khởi công xây, vài năm nữa từ Sàigòn đi về miền Tây không phải qua phà, ngưòi ta sẽ nhớ tới những chuyến phà Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống, những người ăn xin, bán hàng rong, vé số, con nước với lục bình trôi trên sông, cũng góp phần vào nỗi nhớ năm xưa.
Sg 28-11-2013

No comments:

Post a Comment