Pages

Monday, February 8, 2016

Ngày Tết lên chùa



Sáng nay, ngày mồng một tháng Giêng năm Bính thân, chúng tôi cùng hai con đi chùa lễ Phật đầu năm.

Là ngày Thứ Hai đầu tuần, con trai tôi lấy Vacation nghỉ để đi chùa, con gái tôi làm ca đêm nên tự do đi chùa, không bị trở ngại ngày làm việc.


Hôm nay, sáng sớm trời đã đỗ tuyết, những bông tuyết to, trắng xóa ngoài trời trông rất đẹp, con trai tôi gọi điện báo cho biết là sẽ chạy xe đến nhà, đón chúng tôi cùng đi chùa.



Trước tiên, chúng tôi đi chùa Từ Ân, đây là ngôi chùa đầu tiên của người Việt tại thành phố nầy.  Hơn hai mươi năm trước, tôi đã cùng với một số Phật tử thành lập Hội Phật giáo tại đây, rồi sau đó có cơ duyên tạo dựng nên ngôi chùa Từ Ân nầy, dần dần đến nay, tại thành phố nầy đã có thêm hai ngôi chùa khác là Phước Hậu và Phật Linh.

Giờ chúng tôi đi chùa rất sớm, đến chùa khoảng 10 giơ, tại Chánh điện chỉ có một đạo hữu, bày giá kinh để chuẩn bị tụng kinh Dược Sư và chỉ mới có một nữ Phật tử lớn tuổi đến chùa. 


Sau khi lễ Phật, chúng tôi chụp vài tấm ảnh lưu niệm ngày đầu năm đi chùa, tôi chúc Tết đạo hữu đang làm công quả rồi từ giả.

 
Ra sân chùa, đứng trước tượng đức Quán Thế Âm, tôi tự chụp một tấm ảnh để làm kỷ niệm.


Sau đó, chúng tôi đến chùa Phật Linh, không xa mấy ở đó để lễ Phật và thăm Sư Cô ở chùa. Sư cô đã là lão niên mới xuất gia, vốn là thân mẫu của thượng tọa viện chủ, với nhà tôi là họ hàng cùng đầu ông cố.

Sau khi lễ Phật, một vị Tăng trẻ và Sư Cô tiếp chúng tôi, mời dùng trà và mứt kẹo. Thay mặt cho vị Tăng trụ trì đang bận Phật sự nơi khác, vị Tăng trẻ chúc Tết và phát lộc cho chúng tôi.

Sau tuần trà, chúng tôi xin phép ra về.

Một ngày đầu năm, cả gia đình cùng lên chùa lễ Phật, để cầu nguyện cho: “Gia gia vô cơ cẩn chi niên, xứ xứ hưởng thái bình Nghiêu, Thuấn nhật.”

866412:4508022016


Chúc mừng năm mới

Chúc mừng năm mới
 


Kính chúc quý Độc giả và gia đình một năm Bính thân (2016):
An khang - Trường thọ - Hạnh phúc



866408022016



Khai bút



Hôm nay đón Tết, đón Giao thừa,
Thưởng thức trà ngon cùng bánh ngọt.
Nhớ nhà, nhớ nước, nhớ non xưa,
Nhớ chi, bỏ hết vui ngày Tết.
              
Xuân về xin chúc cho hạnh phúc,
Tết đến cầu mong được ấm no.

866400:3008022016







Sunday, February 7, 2016

Chiều 29 Tết



Hôm nay là ngày cuối tuần cũng là ngày cuối năm Ất Mùi. Theo tục lệ chiều cuối năm người Việt chúng ta thường nấu mâm cơm cúng gia tiên, gọi là “Rước ông bà” về với con cháu, xum vầy trong “Ba ngày Tết”. Nhân đó, sau khi cúng rước ông bà, nhà tôi muốn tổ chức bữa cơm gia đình, gồm con, dâu, rể, cháu nội và ngoại. Tuy không đầy đủ vì còn gia đình con gái lớn của chúng tôi ở Việt Nam.

 
 Gia đình con gái tôi từ Lexington về với hai đứa cháu ngoại. 

 
Gia đình con trai tôi ở gần kéo sang, gồm hai đứa cháu nội, trong đó có thằng cháu đích tôn. 

 
Đã cùng ăn bữa cơm tất niên, tuy không có cao lương mỹ vị, nhưng tạo được không khí ấm cúng gia đình.
 


Vì ngày mồng một các cháu đều phải đi học, không thể có mặt để Mừng tuổi, chúc Tết ông bà, nên nhà tôi “lì xì” cho các cháu trong dịp nầy.


Sau khi ăn uống, trò chuyện chốc lát, các con tôi cũng phải trở về nhà để làm lễ “Rước ông bà”, vì đứa nào cũng có gia đình riêng, tôi khuyến khích các con từ những phong tục Cúng đưa Ông Táo, Rước ông bà, Giao thừa, Cúng đưa tiễn ông bà … Đừng bị mê tín, mỗi phong tục hay đều nên gìn giữ giềng mối gia phong lễ phép, có như vậy mới bảo tồn được nét Văn hóa của chúng ta.

Lúc các con tôi còn thơ ấu, tôi thường đưa đi chùa. Đêm Giao thừa, nhà ở Sàigòn gần chùa Giác Minh, chùa Xá Lợi, tôi thường đưa các cháu đi lễ chùa Giác Minh, cho chúng biết khi còn trẻ hàng tuần tôi đi chùa đó, rồi sau đó xem người ta đốt pháo ở dọc đường để đến lễ Phật ở chùa Xá Lợi, nơi tôi đã có sinh hoạt ở đó một thời gian và lễ Hằng Thuận trong dịp Thành hôn của chúng tôi đã tổ chức tại đây.


Ngày nay các con tôi đã lớn, thỉnh thoảng vẫn đi chùa, nhưng không thường xuyên vì còn bận đi làm, chăm lo cho các con học hành.

Thế hệ các con tôi đều có tín tâm đạo Phật và gìn giữ được phong tục. Nay tôi nghĩ tới thế hệ các cháu, mong chúng tôi có thể gieo vào chúng một ít lòng tin và biết đón nhận những tập tục hôm nay, nhờ đó có thể phát huy cho mai sau. Mong thay.

866407022016



Thursday, February 4, 2016

Trở về




Tôi giật mình chợt tỉnh vì bị ánh dèn pin rọi vào mặt, lại bị lắc vai. Khi tỉnh táo lại tôi mới biết mình ngồi tựa vào gốc cây, gần bên trái là đống tro tàn, bên tay phải có cái chai không nằm trong tay tôi. Tôi buông tay ra, cái chai ngã ra nền đất, nhìn lên thấy ông Quang và Thịnh đứng cạnh đó, bên trên đầu họ là mái che với vài tấm tôn, xung quang trống trải. Thịnh hỏi:

- Sao không vào nhà ông Quang, mà lại ngồi đây ngủ ? Không lạnh sao Khoa ?

Tôi không biết phải giải thích sao cho hai người tin, ậm ừ đáp:

- Cũng không lạnh lắm, nhờ có đống tro tàn, tôi muốn ngồi để nghe tiếng của rừng thông, rồi ngủ quên đi.

- Có thấy cô thôn nữ nào không ở cái mái che nầy?

Tôi chưa kịp trả lời thì ông Quang hối:

- Thôi chúng ta về nhà, còn ăn cơm kẻo nguội.

Tôi đứng lên đi theo ông Quang, Thịnh cầm đèn pin đi sau, theo con đường mòn đi về nhà ông Quang.

Vừa vào nhà thì có người trùm áo mưa, cũng đi theo vào nhà. Tại cửa có ánh sáng, anh ta đưa xâu chìa khóa cho Thịnh và nói:

- Xe anh không có hư chi hết, tại cọc bình long ra, không tiếp điện tốt, tôi đã siết chặt rồi, giờ thì bảo đảm.

Thịnh hỏi ngay:

- Anh tính bao nhiêu ?

- Dạ không có bao nhiêu ! Bác Quang đã cho trước rồi.

Thịnh móc túi đưa cho anh chàng một ít tiền lẻ nói:

- Trời mưa lạnh, anh cầm cái nầy uống cà-phê cho ấm. Cám ơn anh nhiều lắm nghe!

- Cám ơn anh.

Khi Thịnh và anh thợ sửa xe trao đổi với nhau, ông Quang vừa cởi chiếc áo khoác vừa nói với tôi:

- Anh lạnh lắm không ? Nếu không thì cởi áo ra cho thoải mái, chúng ta dùng cơm.

Nói xong ông kéo ghế ra ngồi, tôi cởi áo móc vào cái giá móc áo treo ở cây cột gần đó. Người thợ sửa xe chào mọi người đi ra, Thịnh quay vào, cởi áo khoác, móc lên cái móc áo, rồi đến bàn ngồi cạnh tôi, đối diện với ông Quang, Thịnh hỏi ngay:

- Sao lại có cái chòi chỗ đó chú Quang !?

Ông Quang cầm đủa lên, hối thúc:

- Cầm đủa đi anh Khoa, chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện, bên ngoài trời sắp dứt cơn mưa, hai anh không ăn thì tôi làm sao ăn hết, nhà tôi phiền lắm đó nghe!

- Chú đừng lo, chúng tôi sẽ ăn hết thức ăn trên mâm nầy, ăn khỏi trả tiền mà, chỉ sợ thím phải nhịn miệng đài khách.

- Đừng lo! Đừng lo! Nhà tôi sẵn sàng và vui lòng, nhưng không bị đói đâu mà sợ, vì đã có nấu thêm cơm rồi.

Thịnh nhắc ông Quang:

- Còn chuyện cái chòi ?

Ông Quang như vả lả hay để gây cho chúng tôi thêm mong đợi:

- Chờ chút ! Tôi thấy thiếu chất ấm, cây nhà lá vườn đặc sản Đà Lạt, thiếu cái nầy là thiếu tất cả đó nghe.

Thấy ông Quang lấy từ trong tủ thờ ra chai rượu vang đỏ, Thịnh nói ngay:

- Đúng là đặc sản Đà Lạt.

Chúng tôi vừa ăn, ông Quang vừa kể chuyện:

- Còn chuyện cái chòi có chi đáng nói, như Thịnh vào đây chắc thỉnh thoảng có thấy một ông già người dân tộc tên là Y Niêng, ông ta ở Buônmêthuột lang bạt giang hồ, rồi trụ lại đây, giúp tôi làm vườn đã mấy năm, ông ta thích ở ngoài hơn là ở trong nhà, nên tôi che cái chòi cho ông ta ở tạm, cách nay bốn năm tháng, ông ta cho tôi biết, ông ta nhớ núi rừng muốn trở về bản làng. Rồi ông ta từ giả chúng tôi, từ đó không thấy trở lại, cái chòi tôi vẫn để đó chưa dẹp bỏ, để có khi buổi trưa ngồi nghỉ hút điếu thuốc, hoặc trời mưa vào đó ngồi trú mưa.

Tôi vội hỏi ngay thắc mắc của mình:

- Vậy trước và sau Y-Niêng không có ai ở đó ?

Ông Quang cầm ly rượu lên, mời mọi người uống:

- Nào chúng ta nâng ly !

Ông uống một hớp, Thịnh và tôi cũng cầm ly lên uống theo, với tôi rượu chát nầy không đến nổi tệ, cũng có vị ngọt, không nồng lắm. Ông Quang tiếp:

- Trước Y-Niêng chưa có cái chòi, sau Y-Niêng như đã nói, chỉ thỉnh thoảng có tôi mà thôi.

Ông Quang nhìn tôi đầy thắc mắc, tiếp:

- Chú Khoa đừng nói với tôi là có cô thôn nữ nào ở đó nghe! Chòi rỗng toát mà, có âm u gì đâu !

- Sao Khoa lại hỏi vậy ?

- Thịnh không thấy lúc tôi chợt tỉnh, tay còn cầm chai rượu sao ?

Thịnh trả lời ngay:

- Tôi lo nhìn mặt Khoa đang ngủ, mà không để ý tay chân.

Ông Quang nói:

- Tôi có thấy cái chai nằm cạnh chú Khoa mà không để ý, vì khi Y-Niêng ở đó, ông ta chắc thèm rượu cần, nên mua rượu đế đựng trong chai, thỉnh thoảng uống một tí trước mặt tôi và cũng có mời tôi, nhưng tôi chưa bao giờ uống, chẳng biết ngon hay dở, nhưng chắc là không ngon.

Tôi buột miệng nói, không suy nghĩ:

- Rượu đế ! Còn ông Thiện và khô Nai.

Thịnh như nghe không rõ, hỏi lại tôi:

- Khoa muốn ngự thiện khô Nai uống rượu chát phải không ?

Tôi không muốn cải chính, nghĩ là nên im lặng cho qua chuyện. Qua một đêm uống hai lần rượu. Người thì không, nhưng rượu chắc là thật.

866431012016