Pages

Friday, January 25, 2019

Triết học tự nhiên của trường phái Milet



Thalès theo tiếng Hy Lạp: Θαλῆς ὁ Μιλήσιος, ông sống khoảng 624 TCN – khoảng 546 TCN), ông sinh ra ở thành phố Miletus, một thành phố cổ trên bờ biển gần cửa sông Maeander (của Thổ Nhĩ Kỳ), Milet là tên một thị quốc phồn thịnh bậc nhất của Hy Lạp cổ đại, thuộc xứ Iôni, miền Tiểu Á. Thalès là một triết gia, một nhà toán học người Hy Lạp sống trước Socrates, là thầy của Pythagoras tác giả của định lý Pythagoras. Thalès người đứng đầu trong bảy nhà hiền triết của Hy Lạp. Ông cũng được xem là một nhà triết gia đầu tiên trong nền triết học Hy Lạp cổ đại, là "cha đẻ của khoa học". Tên của ông được dùng để đặt cho một định lý toán học do ông phát hiện ra. 

Bản đồ Hy lạp cổ đại

Tuổi thọ của Thalès không được biết một cách chính xác. Có hai nguồn: một nguồn cho là ông sống khoảng 90 tuổi, còn một nguồn khác cho là ông sống khoảng 80 tuổi. 

Thalès (840-546BC)

Trước Thalès, người Hy Lạp giải thích nguồn gốc tự nhiên của thế giới, vạn vật qua các câu truyện thần thoại của trời, của các vị thần và các anh hùng. Các hiện tượng như sấm, sét hay động đất được cho là do các vị thần trong tự nhiên làm ra.

Thalès là nhà triết học đầu tiên. Ông là người đứng đầu trường phái Milet. Theo đánh giá của Aristotle, Thales là người sáng lập ra triết học duy vật sơ khai.

Ông cho rằng toàn bộ thế giới của chúng ta được khởi nguồn từ nước. Nước là bản chất chung của tất cả mọi vật, mọi hiện tượng trong thế giới. Mọi cái trên thế gian đều khởi nguồn từ nước và khi bị phân hủy lại biến thành nước.

Đối với Thalès, thế giới này không gì khác hơn đó là những trạng thái khác nhau của nước. Bao bọc xung quanh chúng ta là các đại dương. Động đất chẳng qua chỉ là sự va chạm giữa trái đất và sóng biển trong bão.

Thalès cũng cho rằng, trái đất cũng chỉ là các đĩa khổng lồ đang trôi nổi trên nước

Với quan niệm nước là khởi nguyên của thế giới, của mọi sự vật, hiện tượng. Ông đã đưa yếu tố duy vật vào trong quan niệm triết học giải thích về thế giới. Thế giới được hình thành từ một dạng vật chất cụ thể là nước chứ không phải do trời hay các vị thần.

Xét về mặt bản thể luận, quan niệm của Thalès mặc dù còn mộc mạc thô sơ nhưng đã hàm chức những yếu tố của biện chứng tự phát. Nước đã trở thành một khái niệm triết học, là cái quy định sử chuyển biến từ dạng vật chất này sang dạng vật chất khác, là cái tạo nên sự thống nhất của thế giới, là cái gắn kết cái đơn và cái đa, là sự chứa đựng tiềm tàng giữa cái bản chất và hiện tượng.

Tuy nhiên, nước trong quan niệm của nhà triết học Thalès này vẫn còn mang tính thần thoại.

Thalès là người đầu tiên nghiên cứu về thiên văn học, hiểu biết về hiện tượng nhật thực diễn ra do mặt trăng che khuất mặt trời. Ông cũng nghĩ ra phương pháp đo chiều cao của các kim tự tháp Ai Cập căn cứ vào bóng của chúng. Ông tính được 1 năm có 365 ngày, dự đoán chính xác hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ xảy ra vào ngày 25 tháng 5 năm 585 TCN trên xứ Ionie vì vậy đã ngăn được cuộc chiến tương tàn giữa hai thành bang Lydiens và Medes. Thalès được coi là người đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu về sự sống ngoài Trái Đất.

Đại biểu thứ hai của trường phái Milet là Anaximandre tiếng Hy Lạp là  Ἀναξίμανδρος  (khoảng 610 - 546 TCN). Ông là người của đô thị Milet, con của Praciadès, là đồng hương và đồng nghiệp của Thalès. Theo Anaximandre: Nguyên lý (archè) của muôn vật là bất định (apeiron) và vạn vật trở về nguyên lý ở chỗ chúng đã phát xuất ra. Bản nguyên bây giờ không còn là nước, mà là cái có ý nghĩa phổ quát hơn, để truy tìm bản nguyên sâu xa nhất, nguyên nhân của các nguyên nhân, thì không thể dừng lại ở những hành chất cụ thể được. Nước, hay một cái gì khác cụ thể, không phải là nguyên nhân, mà là kết quả của một quá trình sinh thành trong vũ trụ. Cái xác định là kết quả của những gì chưa xác định mà thành. Nó vô cùng, vô tận, không chịu sự chi phối của những điều kiện không - thời gian, vĩnh viễn, và không xác định được; trong sự tự do đó nó hợp nhất mọi thứ để tạo nên những cái cụ thể mà ta biết, hoặc cảm nhận.

Anaximandre (610-546 BC)

Cái không xác định của Anaximandre là Apeiron, nỗ lực vươn đến quan điểm thực thể về bản nguyên: vượt qua cái cụ thể cảm tính để suy tưởng về một căn nguyên có tính trừu tượng. Tất cả các đặc tính của Apeiron được quy về một đặc tính chủ yếu là vận động. Sự vận động của thực thể Apeiron quyết định quá trình hình thành của vũ trụ và con người. Khi vận động theo vòng xoáy lốc, Apeiron tạo nên những cực đối kháng - ẩm và khô, lạnh và nóng. Kết hợp theo từng cặp những tính chất ấy sẽ dẫn đến hình thành đất (khô và lạnh), nước (ẩm và lạnh), khí (ẩm và nóng) và lửa (khô và nóng). Từ trung tâm, những kết cấu vật chất dần dần được xác định. Dưới tác động của lửa một phần nước bốc hơi, còn đất thì tụ lại giữa đại dương. 

Trái đất đã hình thành như vậy. Bầu trời phân chia ra ba vòng, do khí bao quanh, tương tự như ba vành bánh xe rỗng, được bơm đầy lửa. Vành dưới nhiều lỗ hổng, chứa lửa, là các vì sao. Vành giữa một lỗ hổng, là Mặt trăng. Vành trên cùng một lỗ hổng, là Mặt trời.

Theo Anaximandre, sự sống hình thành trước tiên ở đại dương, sau đó tiến dần lên cạn. Con người có thể chất yếu đuối nên sinh ra và phát triển trong bụng một loài cá khổng lồ. Chỉ khi trưởng thành loài người mới lên đất liền và sống độc lập. Đó là quan niệm ngây thơ về nguồn gốc sự sống, song trong cái vẻ nghèo nàn, trừu tượng này đã thể hiện những đột phá táo bạo về thế giới quan,: lần đầu tiên trong triết học cổ đại Hy Lạp Anaximandre đã cố gắng giải thích thế giới từ nguyên nhân tự thân, gạt bỏ yếu tố vật linh thuyết, vật hoạt luận, đưa ra tư tưởng biện chứng tự phát về tính phổ biến của vận động, biến đổi, sự thống nhất các mặt đối lập, về quá trình thành sự sống từ thế giới vô cơ, con người từ loài vật.

Nhân vật thứ ba của trường phái Milet là
Anaximène (588 - 525 TCN), ông là con của Eucrystratos, đồng nghiệp của Anaximandre. Hình như ông có sáng tác một quyển sách, trong sách nầy, ông tìm cách dung hòa hai bậc tiền bối, nhưng bác bỏ sự lựa chọn của họ. Anaximène cho rằng Bản nguyên thế giới phải là xác định (apeiros), chứ không phải là bất định (apeiron), bởi lẽ tòa lâu đài vũ trụ không thể tự nhiên mà sinh thành với toàn bộ diện mạo của nó. Tuy nhiên với tính cách là cơ sở của mọi sự sinh thành, phát triển, diệt vong, của mọi trạng thái sự vật, bản nguyên phải là cái năng động và biến hóa, cái ta không thấy, mà cảm nhận sự hiện hữu khắp nơi của nó, đóng vai trò hàng đầu của sự sống, như nước, mà biến hóa hơn nước. Đó là apeiros, tạm hiểu là “khí”, mà theo Anaximène, còn tỏ ra bao quát hơn cả Apeiron, cái chỉ đáng xem như thuộc tính của nó.

Anaximène (588-525 BC)

Chính ở apeiros diễn ra quá trình “tán” và “tụ” thường xuyên, để có được một thế giới sống động và hài hòa. Khi tán khí hóa thành lửa, rồi sau thành cái vầng sáng tinh khiết nhất - ête (aither); lúc tụ apeiros biến thành gió, mây, nước, đất và đá, tùy thuộc vào mức độ tụ của nó. Sự tán gắn với quá trình đốt nóng, sự tụ - quá trình lạnh đi. Không chỉ là bản nguyên thế giới, khí còn là nguồn gốc sự sống và các hiện tượng tâm lý. Linh hồn là sự thở, khí của linh hồn và khí của thế giới vật chất thống nhất với nhau. Thần linh cũng xuất hiện từ khí. Như vậy khí của Anaximène vừa là yếu tố vật lý (không khí), vừa là yếu tố tâm linh (sinh khí). 

Cả Thalès, Anaximandre và Anaximène đều là những nhà “vật lý”, vì họ xác định nhiệm vụ chủ yếu là tìm hiểu những vấn đề của vũ trụ, tự nhiên. Bên cạnh đó, họ còn đưa vào triết học của mình những yếu tố của huyền học, một phần kế thừa từ thế giới quan huyền thoại trước đó, phần khác du nhập từ các nước phương Đông láng giềng. Nước được nâng lên cấp độ “nước thần”, là biểu tượng của sự nhất trí và hòa hợp; apeiron là nguyên lý sinh hóa của vạn vật; apeiros không chỉ là yếu tố vật lý, mà còn biểu thị sức sống năng động của vũ trụ và con người.

Đó là điều bình thường trong điều kiện tư duy triết học vừa thoát ra khỏi thế giới quan huyền thoại, cần sử dụng những yếu tố của quá khứ, nhưng đang còn phổ biến trong ý thức đại chúng, như giá đỡ cho sự thể hiện cái mới, cái hiện là cá biệt, song với thời gian sẽ chuyển hóa thành cái phổ biến. 

Nguồn: Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


8664240119





No comments:

Post a Comment