Pages

Saturday, January 12, 2019

Hò Miền Nam 9



IX.- Tổng kết:

Một câu Ca dao hay một câu Hò, lời lẽ có khác nhau đôi chút cho phù hợp với địa phương, với hoàn cảnh, đó cũng là sự đóng góp của người xưa, nhờ đó Ca dao hay Hò càng thêm xúc tích, càng phong phú hơn. Chẳng hạn như câu:

Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Gió nào độc bằng gió Gò Công.
Thổi ngọn gió Đông lạc vợ xa chồng,
Nằm đêm nghĩ lại giọt lệ hồng tuôn rơi.

Câu trên được sửa đổi lại:

Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Đ
ất nào dốc bằng đất Nam Vang
Một tiếng anh than hai hàng lụy nhỏ,
Có cha mẹ già biết bỏ cho ai?

Hay:

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu
Anh thương em chẳng ngại sang giàu
Thương vì cái nết trước sau chung tình.

Câu trên được sửa đổi lại:

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân
Bước lên xe đầu đội khăn rằn
Nói năng đúng điệu, tảo tần bán buôn

Mỗi thời đại văn hóa, xã hội có thay đổi khác nhau, có những câu Ca dao ngày nay không còn đúng như xưa. Chẳng hạn như câu:

Phụ mẫu sở sanh để cho phụ mẫu định,
Chuyện vợ chồng đâu dám cãi lịnh mẹ cha.

Miền Nam cũng như nước ta trước kia là nước chuyên sống về nông nghiệp, nhứt là Miền Nam làm ruộng tùy thuộc vào mưa, nắng, nhất là tùy thuộc vào mùa nước nổi để trồng lúa nước.

Ngày nay nước ta thay đổi chuyển dần sang công nghiệp, việc làm ruộng cũng dùng máy móc thay cho sức người và trâu bò. Người ta dùng đê ngăn nước không cho mùa nước nổi tràn đồng, để làm lúa ba vụ trong năm thay vì một vụ như ngày xưa. Các câu Ca dao về thời tiết không còn giá trị nhiều như xưa.

Người ta vẫn hát Ru em nằm trên võng ở nhà quê, nhưng ở thành thị trẻ con được gửi vào Nhà trẻ, không còn được ru như xưa.

Người ta không còn xay lúa, giã gạo, không còn chèo ghe, bơi xuồng như xưa. Cho nên câu hò không còn được sử dụng, không còn lưu truyền. Có chăng chỉ được trình diễn trên Sân khấu hay trên các chương trình truyền hình, để gợi nhớ một thời đã qua, Câu hò Miền Nam góp phần vào sinh hoạt văn hóa trong dân gian.

Tuy ngày nay Câu hò không còn được dùng giải trí sinh động như xưa, nhưng nó đã để lại những câu trữ tình rất đậm đà trong độ tuổi thanh xuân.

Chữ rằng “Chi tử vu quy”,
Làm thân con gái phải đi theo chồng.
Đi đâu thiếp cũng theo cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.

Hay:

Bí lên ba lá
Trách ba với má,
Không ngắt ngọn làm giàn.
Để bí bò lang,
Trách hường nhan,
Vô doan bạc phận,
Duyên nợ ở gần không đặng xứng đôi.

Hoặc:

Ra vào vò vỏ,
Ngọn cỏ phất phơ
Nhớ anh nay đợi mai chờ,
Đôi ta duyên nợ hững hờ.
Trách thay Nguyệt Lão xe tơ lạc đường.

Hay:

Gió thổi hiu hiu,
Chín chìu ruột thắt.
Nhìn sao biển Bắc,
Nước mắt chảy bên Đông.
Ai xui cho vợ vợ chồng chồng,
Không biết đây với đó, dây tơ hồng có xe.

Dẫu cho có nhiều người mến mộ điệu hò, nhưng nó đã đi qua, làm tròn chức năng của nó. Tuy nhiên câu Hò ở Miền Nam vẫn còn giá trị ở những nhà sưu tầm, để gìn giữ nét đẹp của văn hóa Miền Nam.


Tài liệu tham khảo:

- Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu xuất bản. In lần thứ mười. Sàigòn. 1968.
- Thuần Phong, Ca dao giảng luận. Nhà xuất bản Á Châu. Sàigòn. 1958.
- Phi Vân, Đồng Quê. Xuất bản Bốn Phương. Xuất bản lần thứ ba. Sàigòn. 1951.
- Nguyễn Bá Thời, Câu Hát Đối Đáp. Phạm Văn Cường xuất bản. Chợ Lớn. 1959.
- Đinh Thái Sơn, Câu Hát Huê Tình. Nhà buôn Thuận Hòa. Chợ Lớn. 1966
Trần Trung Viên, Văn Đàn Bảo Giám. Cơ sở xuất bản Đại Nam. California. USA.
- Nguyễn Xuân Kính – Phan Đăng Nhật, Kho tàng Ca dao người Việt. Nhà xuấn bản Văn Hóa. Hà Nội. 1995
- Sơn Nam, Nhận xét về Ca dao Hậu Giang. Web: e-cadao.com. Việt Nam.
- Nguyễn Thị Kim Thu, Thăm Lục Tỉnh Qua Ca Dao. Web: namkyluctinh.com. 2010

8664100118


 

No comments:

Post a Comment