Pages

Monday, January 7, 2019

Hò Miền Nam 2 (tiếp theo)


II.- Luật thơ.

Đây là sự xếp đặt để cho giọng điệu của thơ khi cao khi thấp như làn sóng nước nhấp nhô, không phẳng lặng trở nên buồn chán. Có như vậy khi đọc hay ngâm hoặc hò hay hát mới êm tai.

Trong tiếng Việt chúng ta có 8 thanh, người ta chia thành 2 nhóm thanh Bằng và thanh Trắc. Thanh Bằng là những thanh không dấu (  ) hay dấu huyền ( ` ), thanh Trắc là những thanh có dấu sắc ( ‘ ), hỏi ( ? ), ngã ( ~ ), nặng ( . ).

Trong luật thơ người ta còn chi ly hơn. Thanh Bằng lại chia ra: Phù bình thanh (  ) và Trầm bình thanh ( ` ). Còn Thanh Bằnh có: Phù thượng thanh ( ~ ), Trầm thượng thanh ( ? ), Phù khứ thanh ( ‘ ), Trầm khứ thanh ( . ), Phù nhập thanh ( ‘ ), Trầm nhập thanh   ( . ). Riêng phù nhập thanh và Trầm nhập thanh chỉ cho các âm có chữ sau cùng là c, ch, p, t.


Theo tôi nghĩ trong Ca dao nguyên thủy không nhất thiết phải có luật về Thanh, trừ khi người ta dùng thể song thất, lục bát và song thất lục bát thì phải giữ luật. Còn Vần thì luôn luôn phải có để nó liên hệ chặt chẻ với nhau và nhất là khi hát, hò được êm tai.
Cho nên chúng tôi ghi ra Luật thanh âm của thơ song thất, lục bát và hổn hợp song thất lục bát.

Thể thơ Song thất:

Gió mùa Bắc, tay cầm nhan sắc           
Năm canh chầy, chồng Bắc vợ Nam    
T  B  T  B  B  B  T (v1)
B  B  B  B  T (v1) T  B (v2)

Ghi chú: v1: vần lưng, v2: vần cuối, để gieo vần tiếp câu kế. Những chữ T là Trắc, B là Bằng tô đậm T, B phải giữ đúng luật.   

Chim Chìa Vôi bay ngang đám thuốc   
Cá Bả Trầu lội tuốt mương trâu.
          

 B  B  B  B  B  T  T (v1)
 T  T  B  T  T (v1) B  B (v2)                                                        

Hoặc:

Trầu không vôi ắt là trầu lạt,               
Cau không hạt ắt là cau già.               

B  B  B  T  B  B  T (v1)
B  B  T (v1) T  B  B  B (v2)

Xét một bài thơ qua các yếu tố: Nhịp, thanh, vần, đối.

1.- Về nhịp: Có nhịp 3/2/2

Mồ côi cha/, mỗi điều/ mỗi thiệt,
Mồ côi mẹ/, mỗi việc/ mỗi hư.

2.- Về thanh: Các thanh theo luật nằm ở chữ thứ 3, 5 và 7 . Câu 1 không nhất thiết là x x T x B x T có khi là x x B x B x T, câu 2 cũng không nhất thiết là x x B x T x B, có khi là x x T x T x B, miễn là câu đầu chữ cuối cùng luôn luôn vần Trắc ( T ).

3.- Về vần: Như đã thấy câu 1, gieo vần Trắc ở cuối câu, vần Trắc nầy gieo vần lưng xuống câu 2, và câu 2 chữ cuối cùng là vần Bằng ( B ), để gieo vần cho câu cuối của câu Lục tiếp theo.

4.- Về đối: Hai cầu nầy thường có đối.

Con cá đối nằm trong cối đá,
Mèo đuôi cụt  nằm mút đuôi hèo.

Đó là những đặc điểm cấu tạo thể thơ Song thất của Việt Nam, làm cho nó khác với thể Thất ngôn của thơ Đường luật.

Song thất biến thể:

Vườn có chủ giữ gìn cây cỏ chạ, (có 8 chữ)
Hoa có rào ngăn đón bướm ong vô.
(có 8 chữ)

Về thơ Lục bát chính thể như:

Khôn ngoan giữa chốn ba bề,               
Đừng cho chúng lận, không hề lận ai
.  

B  B  T  T  B  B (v1)
B  B  T  T  B  B (v1) T  B (v2)                                                           

Hay

Đêm nằm héo ruột khô gan                       
Trông cho gặp mặt bạn vàng nhớ thương 

B  B  T  T  B  B (v1)
B  B  T  T  T  B (v1) T  B (v2)

Hay:

Còn cha nhiều kẻ yêu vì,               
Một mai cha thác, ai thì yêu con.  

B  B  B  T  B  B (v1)
T  B  B  T  B  B (v1)  B  B (v2)

Về thơ Song thất lục bát chính thể như:

    Đèn nhà lầu hết dầu đèn tắt,
    Lửa nhà máy hết cháy thành than.
      Lấy chồng lựa chỗ giàu sang
Lấy chi thằng điếm dọn bàn Tây ăn ?

    B  B  B  T  B  B  T (v1)
             T  B  T  T  T (v1)  B  B (v2)
                         T  B  T  T  B  B (v2)
                         T  B  T  T  T  B (2)  B  B

Hay:

    Gai trong bụi ai vót mà nhọn,
    Đạo vợ chồng ai chọn mà cân.
      Trên trời đã định xây vần,
Xây cho gấp gấp trong lần năm nay

Hoặc

    Lan huệ sầu ai lan huệ héo,
   Cành hồng lắt léo cành hồng tươi
      Cơ chi tạo được bóng người
Đêm khuya thanh vắng trững cười giải khuây.

Song thất Lục bát biến thể như:

    Lan huệ sầu ai cho nên lan khô huệ héo,
    Lan huệ sầu chồng cho nên trong héo ngoài tươi.
      Em lên non đốn củi, nhưng đụng chỗ đốn rồi,
Xuống sông gánh nước, đụng chỗ cát bồi khe sông.

Hay:

Đèn nhà lầu hết dầu thì đèn tắt,
    Lửa nhà máy hết cháy thành than.
      Lấy chồng em lựa chỗ giàu sang
Lấy chi thằng điếm nó dọn bàn cho Tây ăn ?

Thể hổn hợp:

Sớm mai anh đi chợ Bà Chiểu,
    Mua một xắp nhiễu.
Đem về cho con Hai nó cắt,
        Con Ba nó may,
        Con Tư nó đột,
        Con Năm nó viền,
        Con Sáu đơm nút,
        Con Bảy vắt khuy,
     Anh bước cẳng ra đi.
  Con Tám nó níu, con Chín nó trì,
Ớ Mười ơi ! Sao em để vậy, còn gì áo anh ?

Hay:

        Tay cầm viết đỏ
        Gõ xuống nghiên vàng,
        Vẽ phụng, vẽ loan,
        Vẽ chàng nho sĩ,
       Vẽ bông hoa lý,
       Sợi chỉ điều hường.
Kẻ đi qua trông ngắm thư chương,
Người đi lại xem tường văn võ,
   Trách ai ngăn mây đón gió,
        Chặn ngõ đón truông.
        Anh buồn dạ ngọc,
Cũng ở hết lòng lao nhọc cùng em.

Trong Ca dao cũng có khi người ta lấy Thơ Đường Luật đưa vào, tưởng cũng cần xem qua cho biết, nhất là những Thể Ngũ ngôn hay Thất ngôn.

Ngũ ngôn bát cú (5 lời, tám câu)

Luật Bằng vần Bằng

Câu 1: B  B  T  T  B  (v)
   -   2: T  T  T  B  B  (v)  
   -   3: T  T  B  B  T          
   -   4: B  B  T  T  B (v)   
   -   5: B  B  B  T  T         
   -   6: T  T  T  B  B (v)   
   -   7: T  T  B  B  T         
   -   8: B  B  T  T  B (v)   

Tự trào

Phong lưu tính đã quen,
Thằng tôi há chịu hèn
Bạc mở vung tấn tấn
Rượu đánh tít cù đèn
Trên trời đứt dây xuống
Dưới đất chật nẻ lên
Ao ước còn toan những
Có tiền dễ mua tiên

Khuyết danh

Luật Bằng vần Trắc

Câu 1: B  B  B  T  T (v) 
   -   2: T  T  B  B  T (v)   
   -   3: T  T  T  B  B         
   -   4: B  B  B  T  T (v)   
   -   5: B  B  T  T  B         
   -   6: T  T  B  B  T (v)   
   -   7: T  T  T  B  B         
   -   8: B  B  B  T  T (v)   

Mùa Hạ

Tháng tư đầu mùa Hạ
Tiết trời thực oi ả
Tiếng dế kêu thiết tha
Đàn muỗi bay tơi tả
Nỗi ấy biết cùng ai
Cảnh nầy buồn cả dạ
Biếng nhắp năm canh chầy
Gà đà sớm giục giả.

Khuyết danh

Luật Trắc vần Bằng

Câu 1: T  T  T  B  B (v)
   -   2: B  B  T  T  B (v)
   -   3: B  B  B  T T
   -   4:T  T  T  B  B (v)
   -   5: T  T  B  B  T
   -   6: B  B T  T  B (v)
   -   7: B  B  B  T  T
   -   8: T  T  T  B  B (v)

Thu Giang

Một thức nước in trời
Đò ai chiếc lá khơi
Non xanh cao chót vót
Dòng nước chảy đầy vơi
Mảng khúc Thương lang hát
Ưa tình lữ khách chơi
Mong cho yên sóng gió
Qua lại mặc người đời

Khuyết danh

Luật Trắc vần Trắc:

Câu 1: T  T  B  B  T (v)
   -   2: B  B  B  T  T (v)
   -   3: B  B  T  T  B
   -   4: T  T  B  B  T (v)
   -   5: T  T  T  B  B
   -   6: B  B  B  T  T (v)
   -   7: B  B  T  T  B
   -   8: T  T  B  B  T (v)

Ngày Tết

Nhớ tưởng vào ngày Tết
Cứ ăn cử nói chết
Cơm canh dọn đủ đầy
Bánh trái chưng không hết
Cha mẹ hân hoan nhiều
Cháu con làm chết mệt
Vui vầy bày cuộc chơi
Pháo chuột nổ xì xẹt

Khuyết danh

Thất ngôn bát cú (Bảy lời tám câu).

Luật Bằng Vần Bằng:

Câu 1: B  B  T  T  T  B  B (v)
   -   2: T  T  B  B  T  T  B (v)
   -   3: T  T  B  B  B  T  T
   -   4: B  B  T  T  T  B  B (v)
   -   5: B  B  T  T  B  B  T
   -   6: T  T  B  B  T  T  B (v)
   -   7: T  T  B  B  B  T  T
   -   8: B  B  T  T  T  B  B (v)

Thu điếu

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ dưa vèo.
Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt.
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Tam Nguyên Yên Đỗ - Nguyễn Khuyến

Luật Bằng Vần Trắc

Câu 1: B  B  T  T  B  B  T (v)
   -   2: T  T  B  B  B  T  T (v)
   -   3: T  T  B  B  T  T  B
   -   4: B  B  T  T  B  B  T (v)
   -   5: B  B  T  T  T  B  B
   -   6: T  T  B  B  B  T  T (v)
   -   7: T  T  B  B  T  T  B
   -   8: B  B  T  T  B  B  T (v)

Thơ tạ hương đảng

Vành mâm xôi đề tên Thằng Lạc,
Nghĩ mình ti tiểu không đài các.
Văn chương chẳng phải bọn mèo quào,
Danh phận không ra cái cóc rác.
Bởi rứa bơ thờ thẹn núi sông,
Dám đâu vúc vắc ngạo cô bác.
Việc nầy dầu có thấu lòng chăng,
Trong có ông thần ngoài cập hạc.

Học Lạc - Nguyễn Văn Lạc

Luật Trắc vần Bằng:

Câu 1: T  T  B  B  T  T  B (v)
   -   2: B  B  T  T  T  B  B (v)
   -   3: B  B  T  T  B  B  T
   -   4: T  T  B  B  T  T  B (v)
   -   5: T  T  B  B  B  T  T
   -   6: B  B  T  T  T  B  B (v)
   -   7: B  B  T  T  B  B  T
   -   8: T  T  B  B  T  T  B (v)

Qua đèo Ngang

Bước tới đèo ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

Bà Huyện Thanh Quan

Luật Trắc vần Trắc:

Câu 1: T  T  B  B  B  T  T (v)
   -   2: B  B  T  T  B  B  T (v)
   -   3: B  B  T  T  T  B  B
   -   4: T  T  B  B  B  T  T (v)
   -   5: T  T  B  B  T  T  B
   -   6: B  B  T  T  B  B  T (v)
   -   7: B  B  T  T  T  B  B
   -   8: T  T  B  B  B  T  T (v)

Đến làng Tam Chế (1)

Bóng ác non đoài ban xế xế,
Bỗng đâu đã tới miền Tam Chế.
Mênh mang khóm nước nhuộm màu lam,
Chận ngắt đỉnh non lồng bóng quế.
Chợ họp bên sông gẫm có chiều,
Thuyền bày trên đất xem nhiều thế.
Cảnh vật bằng đây họa có hai,
Vì dân khoan giản bên tô thuế.

Lê Thánh Tôn

 ( 1 ) Tác giả làm bài nầy khi đi đánh Chiêm Thành dừng thuyền ở làng Tam Chế, nay thuộc Hà Tĩnh.

Chúng ta biết thêm trong thể thơ thất ngôn có câu thiệu là: Nhất, tam, ngũ bất luật. Nhì, tứ, lục phân minh nghĩa là chữ thứ nhất, ba, năm không cần giữ đúng, còn chữ thứ hai, tư, sáu phải giữ đúng luật Bằng, Trắc.

Trong bài thơ Thất ngôn bát cú chia ra như sau: Hai câu đầu gọi là Đề, câu 1 là Phá đề tức mở ra và câu 2 là Thừa đề nghĩa là nối kết vào bài. Câu 3 và 4 là cặp: Thực hay Trạng là giải thích bài. Câu 5 và 6 là cặp: Luận tức bàn ra cho rõ nghìa. Câu 7 và 8 là Kết tức nhiên là để kết thúc bài thơ.

Trong bài thơ có sự liên kết các câu với nhau về luật gọi là Niêm, Câu 1 với 8, câu 2 với 3, câu 4 với 5 và câu 6 với 7 niêm với nhau.

Trong bài thơ trừ 2 câu đầu và 2 câu cuối không có Đối. Còn lại câu 3 đối với câu 4 và câu 5 đối với câu 6. Phép đối nầy Ý đối với ý và Thanh đối với thanh. Ví dụ:

Kẻ yêu nên ít bề cao hạ
Người ghét nên nhiều tiếng thị phi.

(trong bài Than thân của Nguyễn Hữu Chỉnh)

Hay:

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.

(trong bài Khóc Thị Bằng của vua Tự Đức)

Chúng ta thấy rằng luật thơ Ngũ ngôn cũng giống như Thất ngôn, nếu thơ Thất ngôn mỗi câu chúng ta bỏ bớt ra 2 chữ ở đầu, thì nó trở thành Ngũ ngôn.

Thơ Tứ tuyệt là người ta bỏ bớt 4 câu của Thất ngôn bát cú hay Ngũ ngôn bát cú như sau:

Bài nguyên thủy Thằng ăn mày Lê Thánh Tôn:

Chẳng phải ăn đong, chẳng phải vay
Khắp hòa thiên hạ đến ăn mày
Hạt châu chúa cất trao ngang miệng
Bệ ngọc tôi từng đứng chấp tay
Nam bắc đông tây đều đến cửa
Trẻ già trai gái cũng kiêng thầy
Đến đâu sẵn có lâu đài đấy
Bốn bể thu về một túi đầy.

1.- Lấy 4 câu đầu, bỏ 4 câu sau.

Chẳng phải ăn đong, chẳng phải vay
Khắp hòa thiên hạ đến ăn mày
Hạt châu chúa cất trao ngang miệng
Bệ ngọc tôi từng đứng chấp tay

2.- Lấy 4 câu sau, bỏ 4 câu đầu

Nam bắc đông tây đều đến cửa
Trẻ già trai gái cũng kiêng thầy
Đến đâu sẵn có lâu đài đấy
Bốn bể thu về một túi đầy.

3.- Lấy 4 câu giữa, bỏ 2 câu đầu và 2 câu sau.

Hạt châu chúa cất trao ngang miệng
Bệ ngọc tôi từng đứng chấp tay
Nam bắc đông tây đều đến cửa
Trẻ già trai gái cũng kiêng thầy

4.- Lấy 2 câu đầu và 2 câu 5 với 6.

Chẳng phải ăn đong, chẳng phải vay
Khắp hòa thiên hạ đến ăn mày
Nam bắc đông tây đều đến cửa
Trẻ già trai gái cũng kiêng thầy

5.- Lấy câu 3, 4 và 7, 8.

Hạt châu chúa cất trao ngang miệng
Bệ ngọc tôi từng đứng chấp tay
Đến đâu sẵn có lâu đài đấy
Bốn bể thu về một túi đầy.

Về thơ Ngũ ngôn tứ cú cũng áp dụng như vậy. Trong bài Tự trào, ngắt 4 câu sau hay ngắt 4 câu đầu …

Tự trào 1

Phong lưu tính đã quen,
Thằng tôi há chịu hèn
Bạc mở vung tấn tấn
Rượu đánh tít cù đèn.

Tự trào 2

Trên trời đứt dây xuống
Dưới đất chật nẻ lên
Ao ước còn toan những
Có tiền dễ mua tiên


8664070118





No comments:

Post a Comment