Pages

Thursday, January 24, 2019

Triết Tây Phương



Trên thế giới người ta chia ra 2 khu vực Triết học: Triết Đông Phương và Triết Tây Phương. Hai danh từ Đông, Tây nầy mới xuất hiện khoảng vài ba thế kỷ gần đây. Đông chỉ phương mặt trời mọc, chỉ các nước Châu Á, chỉ các nền văn minh trên lưu vực ba con sông, đó là sông Nil dài 6853km ở Châu Phi, sông Hằng dài 2525km ở Ấn Độ và sông Hoàng Hà dài 5654km ở Trung Hoa. Như vậy, phương Đông, nói một cách giản lược nhưng căn bản, đó là Ai Cập, hiện nay chủ yếu là chỉ thế giới các nước Ả Rập, Ản Độ và Trung Hoa; còn phương Tây cũng không phải là tất cả các nước còn lại, mà chủ yếu chỉ các nước Tây Âu, như Anh, Pháp, Đức, Ý, Áo, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp và cả Mỹ...

Học thuyết tiêu biểu của phương Đông là Nho, Phật đều bắt đầu từ con người, nhân sinh quan rồi mới đến thế giới quan, từ quan niệm sống, cách sống, cách xử thế, đạo làm người. Nho giáo đi từ tu thân đến tề gia, rồi mới đến trị quốc, bình thiên hạ; Đạo Phật đi từ tu thân rồi mới cứu độ thế nhân. Ngược lại, triết học phương Tây bắt đầu từ thế giới quan rồi mới đến nhân sinh quan, từ học thuyết về vũ trụ, sau đó cụ thể hóa vào xã hội, con người. Như vậy, triết học phương Tây chủ yếu đi từ thế giới quan đến nhân sinh quan, từ rộng đến hẹp, từ chung đến riêng, từ trừu tượng đến cụ thể.

Triết học Đông Phương như Phật Giáo cho rằng vạn vật trong vũ trụ từ Không ra Có rồi cuối cùng trở về Không. Trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử, chương 40 có câu:  Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô (天下萬物生於有,有生於), có nghĩa là trong trời đất vạn vật sinh ra từ cái Có, Có sinh ra từ cái Không. Trong khi đó Triết học Tây Phương có đề cập đến từ Phusis là nguyên chất trường tồn và sơ bản là cái phát sinh và trở về của vạn vật, tức là từ cái Có phát sinh ra vạn vật rồi trở về cái Có đó, chớ không phải là không.

Do ý tưởng củaThales: Tất cả mọi sự vật là Nước. Aristote cho rằng Thalès là cha sinh ra Triết học. Từ đó Triết học đã được khai sinh, chấm dứt thời kỳ cổ đại Thần thoại đã giải thích về bản thể vũ trụ. Từ đây khai sinh ra thời kỳ Trung cổ của Triết học Tây phương.

Tưởng cũng nên hiểu ý nghĩa Triết học là gì ? Theo phương Tây, thuật ngữ triết học xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại φιλοσοφία (philosophia), có nghĩa là "tình yêu đối với sự thông thái". Sự ra đời của các thuật ngữ "triết học" và "triết gia" được gắn với nhà tư tưởng Hy Lạp Pythagoras. Một "nhà triết học" được hiểu theo nghĩa tương phản với một "kẻ ngụy biện" (σοφιστής). Những "kẻ ngụy biện" hay "những người nghĩ mình thông thái" có một vị trí quan trọng trong Hy Lạp cổ điển, được coi như những nhà giáo, thường đi khắp nơi thuyết giảng về triết lý, nghệ thuật hùng biện và các bộ môn khác cho những người có tiền, trong khi các "triết gia" là "những người yêu thích sự thông thái" và do đó không sử dụng sự thông thái của mình với mục đích chính là kiếm tiền.

Có người phát bểu: Triết học là một loại tri thức đặc biệt có tính minh triết. Nó đem đến cho ta minh triết về bản chất con người, về thế giới, về Thượng Đế, về đời sống tốt đẹp và xã hội tốt đẹp. Nó đem ra ánh sáng thắc mắc căn bản về yếu tính của vạn vật và cứu cánh cuộc đời. Do đó, nó đứng trên khoa học, cả về lý thuyết lẫn thực hành, vì khoa học chỉ đề cập đến những vấn đề bên ngoài và kém quan trọng hơn.”

Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về triết học, nhưng đều bao hàm những nội dung cơ bản giống nhau: Triết học nghiên cứu thế giới với tư cách là một chỉnh thể, tìm ra những quy luật chung nhất chi phối sự vận động của chỉnh thể đó nói chung, của xã hội loài người, của con người trong cuộc sống cộng đồng nói riêng và thể hiện nó một cách có hệ thống dưới dạng duy lý.

Khái quát lại, có thể hiểu: Triết học là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới; về vị trí, vai trò của con người trong thế giới ấy.

Các nhà triết học phương Tây chính yếu gồm có Thalès, Plato, Socrates, Aristotle, Epicurus, Sextus Empiricus, Augustine, Francis Bacon, René Descartes, Baruch Spinoza, Gottfried Leibniz, George Berkeley, John Locke, David Hume, Thomas Reid, Jean-Jacques Rousseau, Immanuel Kant, Georg Wilhelm Friedrich Hegel, Arthur Schopenhauer, Søren Kierkegaard, Friedrich Nietzsche, Karl Marx, Henri Bergson, Edmund Husserl, Bertrand Russell, Ludwig Wittgenstein, Martin Heidegger, Jean-Paul Sartre.

Triết học Tây Phương chia ra làm những thời kỳ như Thời Cổ đại, Thời Trung đại, Thời Phục hưng, Thời Cận và Hiện Đại.

Thời kỳ Cổ đại từ thế kỷ VIII TCN đến thế kỷ III: Thời kỳ nầy có sự phân chia và đối lập giữa các trường phái triết học, duy vật và duy tâm, biện chứng và siêu hình, vô thần và hữu thần là nét nổi bật của quá trình phát sinh, phát triển triết học.  Các hệ thống triết học Hy Lạp cổ đại nói chung đều có xu hướng đi sâu giải quyết các vấn đề về bản thể luận và nhận thức luận triết học - là những vấn đề của mối quan hệ giữa vật chất và ý thức.

Triết học Hy Lạp cổ đại, lại chia thành thời kỳ tiền Socrates, thời kỳ Socrates và thời kỳ hậu Socrates. Thời kỳ Socrates có đặc trưng là các suy đoán siêu hình học, thường dưới hình thức của các mệnh đề tổng quát có ý nghĩa bao hàm lớn, chẳng hạn "Tất cả đều là lửa", hay "Tất cả đều biến đổi". Các triết gia tiền Socrates quan trọng gồm có Thales, Anaximander, Anaximenes, Democritus, Parmenides và Heraclitus.

Thời kỳ Socrates được đặt tên để vinh danh nhân vật nổi bật nhất của triết học phương Tây, Socrates, người đã cùng với Plato, học trò của mình, cách mạng hóa triết học qua việc sử dụng phương pháp Socrates, nhờ đó đã phát triển những phương pháp rất tổng quát cho việc định nghĩa, phân tích và tổng hợp. Tuy bản thân Socrates không viết gì, nhưng ảnh hưởng của ông đã được truyền bá qua các tác phẩm của Plato. Các tác phẩm của Plato thường được xem là các tài liệu cơ bản của triết học, vì chúng đã định nghĩa các vấn đề nền tảng của triết học cho các thế hệ sau. Các vấn đề này và các vấn đề khác đã được Aristote tiếp thụ, ông là người đã học tại Hàn lâm viện (trường của Plato), ông thường bất đồng quan điểm với những gì Plato đã viết.

Thời kỳ hậu Socrates đã mở đầu bởi những triết gia như Euclid, Epicurus, Chrysippus, triết gia Yếm thế Hipparchia, Pyrrho và Sextus Empiricus.

Thời Trung cổ từ thế kỷ IV đến thế kỷ XV: Triết học Trung cổ bị chi phối mạnh do tư tưởng thần học và tôn giáo của thiên chúa giáo. Triết học thời kỳ này với đặc trưng bao trùm là triết học kinh viện, được nghiên cứu sáng tạo chủ yếu bởi các nhà triết học thần học trong các cơ sở giáo dục của cơ đốc giáo (tu viện, trường dòng), do đó nó xa rời thực tiễn của xã hội và con người. Đây là thời kỳ thụt lùi so với thời kỳ cổ đại.

Thời Phục hưng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI: Triết học thời kỳ này chưa thoát hết yếu tố duy tâm, các yếu tố duy tâm và duy vật xen kẽ nhau, nó mang yếu tố “phiếm thần luận”, hay “tự nhiên thần luận”.

Triết học chịu ảnh hưởng lớn của của khoa học tự nhiên tới mức khó xác định được gianh giới giữa chúng, nhà triết học đồng thời là nhà khoa học tự nhiên, họ sử dụng những thành quả của khoa học tự nhiên làm cơ sở phát triển chủ nghĩa duy vật, chống thế giới quan thần học và triết học kinh viện.

Thời Cận đại từ giữa thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII: Là thời kỳ giai cấp tư sản đã giành được thắng lợi chính trị (Cách mạng tư sản Hà Lan cuối thế kỷ XVI; Cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVII và Cách mạng tư sản Pháp thế kỷ XVIII). Trong số các cuộc Cách mạng tư sản Tây Âu, thì Cách mạng tư sản Pháp (1789 - 1794) là cuộc cách mạng triệt để nhất - nó xóa bỏ toàn bộ chế độ phong kiến trung cổ, xác lập nền cộng hòa tư sản Pháp.

Đây là thời kỳ chuyển từ nền “văn minh nông nghiệp” sang “văn minh công nghiệp”, là thời kỳ phát triển mạnh mẽ thị trường, tạo ra thị trường thống nhất toàn quốc và mở rộng thị trường quốc tế.

Về mặt Triết học. Đây là thời kỳ thắng lợi của chủ nghĩa duy vật đối với chủ nghĩa duy tâm, của những tư tưởng vô thần đối với hữu thần luận. Chủ nghĩa duy vật thời kỳ này mang hình thức của chủ nghĩa duy vật siêu hình, máy móc, là thời kỳ xuất hiện những quan điểm triết học tiến bộ về lĩnh vực xã hội, nhưng nhìn chung vẫn chưa thoát khỏi quan niệm duy tâm trong việc giải thích xã hội và lịch sử.

Thời Hiện đại từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX: Triết học thời kỳ này có ý đồ vượt lên trên sự đối lập giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm .Về tổng thể, triết học tư sản hiện đại xuất hiện với tư cách là hình thái ý thức của giai cấp tư sản, nhưng khuynh hướng chính trị của các trường phái lại có sự khác biệt nhất định.

Nguồn: Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


8664240119

No comments:

Post a Comment