Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những huyền thoại và truyền thuyết
của người Hy Lạp cổ đại liên quan đến các vị thần, các anh hùng, bản chất của
thế giới, và nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo
của họ. Chúng là một phần của tôn giáo Hy Lạp cổ đại và nay là một phần của một
tôn giáo hiện đại lưu hành ở Hy Lạp và trên thế giới gọi là Hellenismos.
Các học giả hiện đại tham khảo và nghiên cứu các truyện thần thoại này để rọi
sáng vào các thể chế tôn giáo, chính trị Hy Lạp cổ đại, nền văn minh của nó
cũng như để tìm hiểu về bản thân sự hình thành huyền thoại.
Thần thoại Hy Lạp được thể hiện rõ ràng trong tập hợp đồ sộ
những truyện kể, và trong các tác phẩm nghệ thuật tượng trưng Hy Lạp, chẳng hạn
các tranh vẽ trên bình gốm và các đồ tế lễ. Thần thoại Hy Lạp cố gắng giải
thích nguồn gốc của thế giới, và kể tỉ mỉ về cuộc đời và các cuộc phiêu lưu của
một tập hợp đa dạng những vị thần, nữ thần, anh hùng và những sinh vật thần
thoại. Những truyện kể này đầu tiên được truyền miệng bằng thơ ca; ngày nay các
thần thoại Hy Lạp chủ yếu được biết thông qua văn học Hy Lạp.
Những tư liệu văn học Hy Lạp lâu đời nhất được biết, hai anh
hùng ca Iliad và Odýsseia của Hómēros, tập trung vào các sự kiện liên quan tới
Cuộc chiến thành Troia. Hai trường ca của người gần như cùng thời với Hómēros
là Hēsíodos, Thần phả và Công việc và Ngày, chứa những ghi chép
về nguồn gốc của thế giới, sự kế tục quyền lực của các vị thần, các thế hệ loài
người, nguồn gốc các tai họa của con người cũng như gốc tích của các nghi lễ
hiến tế. Những truyện thần thoại cũng được bảo tồn trong các bài ca cùng thời
Hómēros (Homeric Hymns), các đoạn của "Tập Anh hùng ca" (Epikos
Kyklos) liên quan tới chiến tranh Troia, các vở bi kịch ở thế kỉ V trước
CN, các bài viết và thơ của các học giả thời Hy Lạp hóa và cả các tài liệu
trong thời đại đế quốc La Mã bởi các nhà văn như Plutarchus và Pausanias.
Các phát hiện khảo cổ học là một nguồn cung cấp nữa về các chi
tiết trong thần thoại Hy Lạp, với các thần và anh hùng được mô tả nổi bật trong
trang trí của nhiều đồ tạo tác. Các họa tiết trên đồ gốm của thế kỷ VIII trước
CN mô tả những cảnh trong cuộc chiến thành Troia cũng như các kỳ công của
Herakles, nhiều trong số đó có niên đại sớm hơn các tư liệu văn học trong cùng
chủ đề. Thần thoại Hy Lạp đã có một ảnh hưởng bao trùm trên văn hóa, văn học,
nghệ thuật phương Tây và vẫn duy trì như một phần của di sản và ngôn ngữ phương
Tây. Nhiều nhà thơ và nghệ sĩ từ các thời kỳ từ cổ đại tới hiện đại đã lấy cảm
hứng từ thần thoại Hy Lạp và khám phá những ý nghĩa và tính thích đáng đương
thời trong những chủ đề thần thoại này.
Thần thoại Hy Lạp thay đổi theo thời gian để phù hợp với sự biến
đổi của văn hóa Hy Lạp, khiến cho các huyền thoại, vừa công khai vừa trong
những giả định hiểu ngầm của nó, là bản ghi chép những biến đổi của thời đại.
Trong các hình thức văn học còn tồn tại đến nay của thần thoại Hy Lạp, hầu hết
được tìm thấy trong những biến động không ngừng, là có tính chính trị đậm nét,
như Cuthbertson đã chỉ ra.
Những người đến cư trú sớm ở bán đảo Balkan là những cư dân nông
nghiệp tin vào thuyết vật linh, gán một linh hồn cho mọi khía cạnh tự nhiên. Về sau, những
linh hồn mơ hồ này được mang hình dạng con người và tham dự vào thần thoại địa
phương như các vị thần. Khi các bộ lạc từ phương bắc bán đảo Balkan tới xâm
lược, họ đem tới một chư thần mới, dựa trên sự chinh phục, sức mạnh, anh dũng
trong cuộc chiến, và chủ nghĩa anh hùng bạo lực. Các vị thần cũ của thế giới
nông nghiệp hòa trộn với những vị thần của những kẻ xâm lược hùng mạnh hơn này
hoặc chìm vào quên lãng.
Sau giai đoạn trung kỳ Cổ đại, các huyền thoại về mối quan hệ
giữa các nam thần và nam anh hùng trở nên phổ biến hơn, chỉ ra sự phát triển
song song của thói đồng tính nam (eros paidikos, παιδικὸς ἔρως) ở Hy Lạp
cổ đại, được cho là xuất hiện khoảng năm 630 tr.CN. Cho đến cuối thế kỉ thứ năm
tr.CN, các nhà thơ đã gán ít nhất một eromenos, một thiếu niên làm bạn
tình, cho mỗi vị thần quan trọng (trừ Ares), cũng như nhiều nhân vật truyền
thuyết. Các huyền thoại tồn tại trước đó, như về Achilles và Patroclus cũng bị
khoác lên tính chất đồng tính luyến ái. Trước hết là các nhà thơ Alexandria,
sau phổ biến hơn các nhà ghi chép thần thoại văn học ở thời kì đầu Đế chế La
mã, thường sửa lại các truyện kể về các nhân vật thần thoại Hy Lạp theo phong
cách này.
Thành tựu của thơ ca sử thi là tạo ra các tập truyện và, kết quả
là, đã phát triển một ý nghĩa mới cho niên đại thần thoại. Do đó thần thoại Hy
Lạp mở ra như một chặng trong sự phát triển của thế giới và nhân loại. Trong
khi những mâu thuẫn trong các truyện kể này làm cho không thể lập một niên biểu
tuyệt đối cho chúng, một bảng niên đại gần đúng có thể nhận diện được.
"Lịch sử thế giới" thần thoại này có thể chia làm ba hay bốn thời kì
lớn:
1.- Thần thoại về nguồn gốc hay ‘'thời đại của các vị thần’’ (các Thần phả, "sự ra đời
các vị thần"): các huyền thoại về nguồn gốc của thế giới, các vị thần và
loài người.
2.- Thời đại thần và người sống hòa vào nhau một cách tự do: những truyện kể về những sự tương tác đầu
tiên giữa các thần, á thần và loài người.
3.- Thời đại của các anh hùng, khi mà hoạt động của thần thánh bị hạn chế hơn. Truyền thuyết
anh hùng cuối cùng và lớn nhất là cuộc chiến thành Troia và hậu chiến (được một
số nhà nghiên cứu tách ra thành thời đại thứ tư).
Các tác giả Hy Lạp trong thời Cổ đại (Archaic) và Cổ điển
(Classical) rõ ràng lại tỏ ra ưa thích thời đại của các anh hùng, lập ra
một bảng niên đại và ghi chép về những thành tựu của con người sau khi những
câu hỏi về thế giới xuất hiện được giải thích. Chẳng hạn, hai bản anh hùng ca Iliad
và Odýsseia vượt trội Thần phả và Các bài ca Hómēros - vốn
tập trung vào thần thánh - cả về quy mô lẫn tính đại chúng. Dưới ảnh hưởng của
Hómēros, "tín ngưỡng anh hùng" dẫn tới một sự tái cấu trúc trong đời
sống tinh thần, được thể thiện trong sự tách biệt của địa hạt thần thánh với
địa hạt của người chết (những anh hùng), giữa các thần đất (Chthonic)
với các vị thần trên Olympus. Trong Công việc và ngày, Hēsíodos đã sử
dụng phác họa về Bốn Thời Đại (hay Loài) Người: Vàng, Bạc, Đồng, và Sắt. Các
thời đại hay loài người này là các tạo vật tách biệt nhau của các vị thần, Thời
Đại Vàng thuộc về Triều đại Chronos, các Thời Đại tiếp theo là tạo vật của
Zeus. Nhà thơ xem thời đại cuối là tồi tệ nhất; sự hiện diện của quỷ dữ được
giải thích bằng huyền thoại về Pandora.
Các "huyền thoại khởi thủy" hay "huyền thoại sáng
tạo" thể hiện một nỗ lực nhằm làm cho vũ trụ trở nên có thể hiểu được theo
ngôn ngữ con người và giải thích nguồn gốc thế giới. Phiên bản được chấp nhận
rộng rãi hơn cả trước nay, dù không phải là một ghi chép triết lý về sự bắt đầu
của tạo vật, được thuật lại bởi Hēsíodos, trong Thần phả (Theogonía)
của ông. Ông mở đầu với Chaos, một thứ hư vô. Từ thứ trống rỗng này sinh ra
Gaia (Trái Đất) và vài tạo vật thần thánh sơ khai khác: Eros (Tình Yêu), Abyss (tức Tartarus), và Erebus.
Không có sự trợ giúp của phái nam nào, Gaia cho ra đời Uranus
(Bầu Trời) mà về sau thụ thai với bà. Từ sự kết hợp này mà sinh ra trước hết
các Titan - 6 nam: Coeus, Crius, Cronus, Hyperion, Iapetus, và Oceanus; và 6
nữ: Mnemosyne, Phoebe, Rhea, Theia, Themis, và Tethys. Sau khi Cronus được sinh
ra, Gaia và Uranus quyết định không sinh thêm Titan nào nữa. Thế hệ con tiếp
theo của Gaia-Uranus là các quỷ khổng lồ một mắt Cyclops và Hecatonchires hay
những Kẻ-Trăm-Tay, tất cả chúng bị ném vào Địa ngục Tartarus bởi Uranus. Điều
này làm Gaia giận dữ. Cronus ("kẻ xảo quyệt, trẻ trung và tàn bạo nhất
trong số những đứa con của Gaia"), bị Gaia thuyết phục thiến cha mình. Ông
làm điều này và trở thành người cai trị các Titan, rồi lấy Rhea, tức chị gái,
làm vợ và các Titan khác trở thành triều đình của ông ta.
Sau đó, Gaia đã nói với Cronus rằng: "Con trai của con sẽ
lật đổ con như con đã lật đổ cha mình". Điều đó làm Cronus hoảng sợ và khi
Rhea sinh con, ông lập tức nuốt đứa con đó vào bụng. Rhea ghét điều này và lừa
ông bằng cách giấu Zeus và quấn một hòn đá trong chiếc khăn tã, thứ mà Cronus
nuốt. Khi Zeus đủ lớn, ông cho Cronus uống một thứ thuốc mê khiến ông ta nôn
mửa, tuôn những đứa trẻ khác của Rhea ra ngoài cùng với hòn đá, vốn nằm trong
dạ dày Cronus bấy lâu. Zeus sau đó đương đầu với Cronus trong một cuộc chiến
kéo dài mười năm tranh ngôi chúa tể các vị thần, thường được gọi là cuộc chiến
với các Titan (Τιτανομαχία, Titanomachía) do phần lớn các Titan tham chiến ở
phe Cronus. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của các Cyclops (mà Zeus giải phóng từ
Tartarus), Zeus và các anh chị em đã chiến thắng, trong khi Cronus và các Titan
bị quẳng xuống giam ở Tartarus. Zeus lấy chị gái của mình là Hera và 6 anh chị
em chia nhau cai quản thế giới. Ai cũng cho mình là có công lớn nhất nên đều
muốn được cai trị bầu trời (đỉnh Olympia), Zeus bèn chọn cách rút thăm và có
sau đó: Poseidon cai quản biển cả, Zeus là bầu trời, không may cho Hades, ông phải
cai quản địa ngục.
Mười hai vị thần trên
đỉnh Olympus gồm có: Zeus,
Hera, Poseidon, Demeter, Athena, Hestia, Apollo, Artemis, Ares, Aphrodite,
Hephaestus và Hermes và sau này là Dionysus thế chỗ của Hestia. Bên cạnh các
thần Olympia, người Hy Lạp còn tôn thờ rất nhiều các vị thần đồng nội, thần satyr
Pan, các Nymph (các linh hồn của sông ngòi), các Naiad (sống ở các khe suối),
các Dryad (linh hồn cây), các Nereid (cư ngụ ở biển), các thần sông, các Satyr,
và nhiều vị khác. Thêm vào đó, có các thế lực bóng tối ở âm phủ, như các
Erinyes (hay Cuồng nộ), được cho là luôn truy đuổi những người phạm trọng tội
với người có quan hệ máu mủ.
Zeus cũng có một nỗi lo tương tự và, sau một lời sấm rằng:
"Nếu Metis, cho ra đời 1 đứa con trai thì nó sẽ trở thành một vị thần
"vĩ đại hơn chính ông" và lật đổ ông" — Zeus đã nuốt bà. Nhưng
khi đó bà đã mang thai Athena. Khi ở bên trong cơ thể Zeus, Metis đã chuẩn bị
mọi thứ cần thiết cho con mình và nữ thần trẻ này vụt thoát ra từ đầu Zeus - đã
hoàn toàn trưởng thành và vận trang phục chiến tranh.
Thời đại mà các anh hùng sống được biết đến dưới tên Thời đại
Anh hùng (tiếng Anh: heroic age). Thơ ca sử thi và phổ hệ tạo nên những
tập truyện tập hợp xung quanh những anh hùng hoặc sự kiện đặc biệt vào hình
thành mối quan hệ dòng tộc giữa các anh hùng của các truyện kể khác nhau; do đó
chúng sắp xếp các truyện kể thành một chuỗi liên tục.
Trái với thời đại các vị thần, trong thời đại anh hùng việc xếp
thứ bậc các anh hùng chưa bao giờ là chung cuộc và cố định; các vị thần vĩ đại
không được sinh ra nữa, nhưng các anh hùng mới luôn có thể xuất hiện từ những
người đã mất. Một khác biệt quan trọng nữa giữa việc tôn thờ anh hùng với việc
tôn thờ thần thánh đó là người anh hùng đã trở thành trung tâm của đặc trưng
nhóm địa phương.
Các kỳ công của Heracles được xem như bình minh của thời đại các
anh hùng. Ba sự kiện vĩ đại cũng được quy cho thời đại này: cuộc viễn chinh của
những thủy thủ tàu Argo, các huyền thoại nhiều đời về thành Thebes và cuộc
chiến thành Troia.
Hầu hết các vị thần liên hệ với những khía cạnh riêng của đời
sống. Chẳng hạn, Aphrodite là nữ thần của tình yêu và vẻ đẹp, Ares là thần
chiến tranh, Hades - thần của âm phủ, và Athena - nữ thần của trí tuệ và dũng cảm.
Một vài vị thần, chẳng hạn Apollo và Dionysus, bộc lộ cá tính phức tạp và trộn
lẫn nhiều chức năng, trong khi những người khác, chẳng hạn như Hestia (nghĩa
đen là "lò sưởi") hay Helios (nghĩa đen là "mặt trời"), có
ít hiện thân hơn. Các đền thờ Hy Lạp quan trọng nhất thường dành cho một số
lượng giới hạn các thần, là tâm điểm của các lễ tế của toàn thể Hy Lạp. Tuy
nhiên xảy ra phổ biến việc các khu vực và ngôi làng riêng biệt có những tín
ngưỡng của riêng họ cho các vị thần nhỏ hơn. Mặt khác, nhiều thành phố cũng
vinh danh các vị thần nổi tiếng bằng các những lễ tế đặc biệt của địa phương
liên hệ những huyền thoại dị thường không được biết đến ở nơi khác. Trong kỉ
nguyên anh hùng, tín ngưỡng anh hùng (hoặc bán thần) bổ sung thêm vào các tín
ngưỡng thờ thần thánh.
Các câu chuyện về tình ái thường bao gồm sự loạn luân, hay sự
quyến rũ hoặc cưỡng bức một người đàn bà trần thế bởi một nam thần, cho ra đời
những anh hùng. Các câu chuyện thông thường cho rằng mối quan hệ giữa các vị
thần và con người là điều gì đó nên tránh; ngay cả những mối quan hệ được cả
hai ưng thuận cũng hiếm khi kết thúc có hậu. Trong một vài trường hợp, một nữ
thần ân ái với một đàn ông trần tục, như trong ‘’Bài ca Hómēros về Aphrodite’’,
khi nữ thần này ăn nằm với Anchises để sinh ra Aeneas.
Loại thứ hai (các sự tích về sự trừng phạt) bao gồm sự chiếm
đoạt hoặc phát minh ra những vật phẩm văn hóa quan trọng nào đó, như khi
Prometheus đánh cắp lửa từ các vị thần, hoặc Tantalus cắp thức ăn từ bàn ăn của
Zeus để đem cho thần dân của riêng ông.
Ngày nay về Thần thoại Hy Lạp, người ta thường nhắc đến các tác
giả Hómēros và Hēsíodos.
Tóm lại thần thoại Hy Lạp ảnh hưởng rất lớn đến nền văn minh của thế giới,
trong đó có phần nhằm giải thích về nguồn gốc của vũ trụ, góp phần vào Triết học
sau nầy.
Nguồn: Theo Bách khoa toàn thư mở
Wikipedia
8664230119
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete