Pages

Wednesday, August 21, 2013

Lẩm cẩm sự đời



Trong làng Bình Mỹ, thuộc huyện Châu Phú, tỉnh Châu Đốc có gia đình ông Phạm Phú Quý giàu có tột bực, nhà ông nằm bên Liên tỉnh lộ LT 10, là con đường Long Xuyên-Châu Đốc, nay là lộ 91, một địa giới của làng Bình Mỹ là xép Năng Gù, xép có nghĩa là con sông nhỏ, sông lớn như sông Tiền hay sông Hậu gọi là sông Cái.

Nhà Thầy Phó Quý, lúc tôi được biết vào những năm 1945 đến 1960, còn nhà của tôi là nhà ông bà để lại, nằm sát nền nhà xưa của ông Phủ Nguyễn Hà Thanh, trên đất cù lao Năng Gù, đối diện với nhà ông Thầy Phó, cách nhau cái xép Năng Gù.

Nhà ông Phủ khi xưa, nghe cô tôi nói lại nhà có lầu, đến lúc tôi biết chỉ còn nền xây gạch, lót gạch ngang trên hai mươi thước, sâu chừng mười bốn, mười lăm thước, cháu nội ông phủ cất lại một phần trên nền đất cũ, một căn nhà ba gian, cột gỗ vuông, vách bổ kho, lợp ngói âm dương, phần nền còn lại lớn hơn căn nhà đã cất, để làm cái sân phơi lúa hay củi. Nghe nói xưa nhà vẻn vang, sau người cháu nội gỡ từng cánh cửa nhà đem bán, lấy tiền hút á phiện.

Đất ông phủ chạy dọc theo xép Năng Gù dài chừng ba trăm thước, sâu đến Rạch Chanh, trong phần đất này, có một con mương đào thông từ Rạch Chanh ra xép, chiếu thẳng qua nhà Thầy Phó, mương cắt con đường nên có làm cầu gỗ, ngang gần ba thước, lót ván ngang, hai bên có lan can cao chừng một thưóc, chiều chiều mấy anh trai trẻ hay ngồi trên lan can cầu trò chuyện, hai bên đầu cầu có xây móng bằng đá núi. Cạnh nhà cửa cháu nội của ông, còn những căn nhà khác không có họ hàng gì với ông Phủ, ông cố tôi là con nuôi, nên được cất nhà bên cạnh nhà ông phủ. Ngoài nhà cửa ra, cuối phần đất phía trên là ngôi trường làng, tường xây, lợp ngói móc, có ba lớp học và một phòng nhỏ dành cho Trưởng giáo làm việc và ở. Phía sau Trường là vườn cây, sau đó một nghĩa địa nhỏ, dành để chôn cất những người không có đất, qua khỏi đó là ruộng chạy dài tới rạch Chanh chừng trăm thước, cũng ở mặt đường, cách Trường học chừng 50 hay 60 thưóc là một cái miễu bà, miễu xây tô lợp ngói âm dương bốn mái, ngang chừng 6 thước, sâu chừng 4 thước, bên trong chỉ có bàn thờ xây bằng gạch, có lư hương, bình hoa, chén cúng nước, không có tượng cốt, chuông trống chi cả. Trước miếu sát đường có xây bức bình phong, cách đó vài thước, bên cạnh đường đi vào miếu có một cây dương già cao lớn, bên kia đường, đối diện với cây dương là cây sung lâu năm, thân bị nằm nghiêng gần sát đất, nhánh gie ra sông, dưới gốc sung, người ta bỏ những bình vôi, cà ràng, ông táo. Phía sau miễu Bà chừng 10 thước là mộ của ông, bà phủ có xây nhà mồ, cột gỗ vuông, mái lợp ngói móc, quanh đó là mồ mả con cháu ông phủ, mả đều được xây tô gạch cát với vữa gồm có mật mía hoặc nhựa cây ô dước với vôi bột, ngày còn nhỏ, như trẻ con khác, tôi sợ cái miễu, sợ mồ mả, nên chưa từng đặt chân vào hai chỗ đó, chỉ đi ngang ngoài đường nhìn vào miễu hay đi ven cánh đồng nhìn đám mồ mả mà thôi.

Về nhà Thầy Phó Phạm Phú Quý, gọi là Thầy Phó tức là Phó Cai Tổng, tổ chức hành chánh thời Pháp thuộc, đơn vị hành chánh là làng, tổng, quận, tỉnh. Làng có Ban Hội Tề, gồm có 12 viên chức, có Nhà việc để làng làm việc, còn Tổng có Cai tổng, Phó Cai tổng và Biện lại, văn phòng họ làm việc ở đâu, tôi không nghe thấy sách vở đề cập tới nên không rõ. Quận thì có Quận đường, nơi làm việc của quan chủ quận. Tỉnh thì có Tòa bố, nơi làm việc của ông Chánh tức Chánh Tham Biện là quan chủ tỉnh.

Nghe chị tôi nói lại, có lẽ chị tôi cũng được nghe ngưòi trong gia đình kể lại, trước kia ông Thầy Phó nghèo mướn bến sông của người ta chất chà - ở bến sông, người ta bỏ xuống đó những nhánh cây, dùng tre làm cọc cắm xung quanh không cho chà bị nước cuốn trôi, lục bình trôi trên sông bị chà ngăn giữ lại, như thế nơi đống chà xuồng ghe không thể qua lại, nước yên tịnh, cá sẽ đến đó sinh sống, đến ngày nào đó cá ở nhiều, xưa người ta dung “đăng”, nay dùng lưới bao cái chà lại, rồi di chuyển chà lên bờ, dời đăng hay lưới gom nhỏ lại để bắt cá - một đêm kia, ông ngồi giữ chà, tránh bị kẻ gian câu cá trộm, ông thấy có chiếc xuồng có ba người bơi, tới đống chà của ông, họ quan sát cẩn thận nhưng không thấy ông, vì ông ẩn mình trong bụi cây, họ đã để vật chi đó vào đống chà của ông rồi bơi xuồng đi, chờ cho ba người kia bơi đi xa, ông mới lội xuống đám chà của mình và lặn xuống nước, tìm được vật của những người lạ kia đã dấu, từ đó ông trở nên giàu có mua đất đai, cất nhà cửa thành dinh cơ đồ sộ. Ruộng đất của ông cò bay thẳng cánh, trong đất ông đào kinh dọc, kinh ngang và một con kinh đâm ngang kinh ông Quít rồi đào thông ra xép Năng Gù, đường kinh đâm thẳng qua trường học.

Dinh cơ của Thầy Phó là một tường rào song sắt dài chừng một trăm thước, ở phía dưới nền xây lên một thước, có cẩn một hàng gạch hoa nổi, tráng men, cứ cách chừng 3 thước có một trụ đứng cũng cẩn gạch hoa nổi, tráng men, có bốn cổng vào, mỗi cổng đều có hai cánh cửa gỗ có song sắt, hai cổng hai bên để cho xe hơi ra vào, hai cổng giữ là hai cái cổng ở trên có lầu vuông, mỗi cạnh chừng 3 thưóc, có nóc bánh ít lợp ngói móc, đi lên xuống lầu bằng cầu thang gỗ, thẳng góc với tường rào phía trước, hai bên cũng là tường rào xây tô, song sắt, nhưng không có cẩn gạch hoa nổi tráng men, mặt sau không có tường rào. Những gạch hoa nổi tráng men và song sắt đều đặt mua từ bên Pháp. Có thể nói hàng rào sắt của Dinh Độc Lập ở Sàigòn, chưa bằng phân nửa hàng rào nhà Thầy Phó, hàng rào dinh cơ của Chú Hỏa càng thua xa.

Cách tường rào phía trước chừng 10 thước, nằm giữa hai cổng lầu là một ngôi nhà nền đúc, tường xây, lợp ngóc móc, ba gian làm nơi thờ tự, gọi là phủ thờ.

Sau phủ thờ là nhà ở của Thầy Phó cũng là nền đúc, tường xây, lợp ngói, về sau con Thầy Phó cất thêm những căn nhà khác, bên tay phải là nhà của Hội đồng Thu - Hội đồng hàng tỉnh – nhà ba gian vách bổ kho, lợp ngói móc, vách và cửa đều sơn màu xanh đọt chuối, bên tay trái là nhà của Thầy Ba Nghệ, nhà nền đúc, tường xây lợp ngói. Trong khuôn viên đó ngoài 4 căn nhà lớn, còn có những lẫm lúa và những ngôi nhà phụ, tạo thành một quần thể khang trang, đồ sộ, nhưng nếu đem so với dinh cơ Chú Hỏa thì dinh ccơ Thầy Phó không có lầu, tuy rộng lớn nhưng không thể đem so với dinh cơ Chú Hỏa. Con Thầy Phó có xe du lịch di chuyển trên lộ, có ca nô đẹp di chuyển trên sông nước miền Tây, họ ăn chơi đúng bực.

Ông Thầy Phó có những người con như sau: Thứ hai tôi không biết, thứ ba gọi là Thầy Ba Nghệ, thứ tư Hội Đồng Thu, thứ năm cô gái tên Thảnh, thứ sáu làm Xã trưởng, gọi là Xã Thơi và thứ bảy tên Chuốc. Trong những người con có Xã Thơi du học ở Pháp, hình như không có bằng cấp về làng làm xã, trước 1975 có lập nhà máy xay lúa và đại lý phân bón.

Ruộng đất của Thầy Phó minh mông, sau khi ông mất đất cát chia cho các người con, thời gian loạn lạc 1945, những người con một hôm chạy bỏ của lấy người, trong phủ thờ họ không lấy chi hết, ngay cặp ngà voi vẫn còn để lại. Trong những căn nhà đó, bàn ghế, chén dĩa sứ hầu hết để lại, đất cát bỏ hoang. Sau, đến người cày có ruộng, bị truất hữu cho những người chiếm canh. Những căn nhà ở, về sau khoảng năm 1953, Lâm Thành Nguyên lấy làm trung tâm đào tạo sĩ quan Hòa hảo. Khoảng 1956, quân đội quốc gia đóng ở đó một thời gian rồi bỏ hoang, khoảng 1972, người Mỹ mở rộng đường, cổng rào phị phá bỏ. Sau 1975, có Thầy ba Nghệ trở về sau vài chục năm sinh sống ở Châu Đốc, khu nhà xưa trở nên tiêu điều hoang vắng, chỉ còn lại phủ thờ và một ngôi nhà rêu phong, cỏ mọc tràn cả lối đi.

Những năm 1954, học ở Châu đốc, đôi khi tôi có gặp Bác Hội đồng Thu, chơi billard ở mấy bàn billard đặt trong đầu chợ Châu Đốc, trước năm 1975, tôi và chú em con ông chú có ghé thăm Bác Sáu Thơi, nhà ở trong cư xá Lữ Gia, phòng khách bác có để bộ lư đồng cẩn bạc lơ thơ cành trúc. Sau 1975, anh tôi và tôi ghé chợ Trường gần khu nhà xưa của Thầy Phó, thấy bác Ba Nghệ mặc quần đùi, áo thung ba lỗ đi ngang, anh tôi mời bác dùng điểm tâm hủ tiếu, lần khác tôi chở cô tôi đến thăm cô Nam Thảnh ở nhà người con gái trên đường Nguyễn Trải xế cổng Trường Bác Ái, ở Sàigòn.

Tôi không rõ, gia đình tôi và gia đình ông Thầy Phó Quý có bà con chi không, nhưng ngày nhỏ, có lần theo cô tôi vào thăm bác nào đó trong nhà ông Thầy Phó, tôi nhớ mình ngồi ở tràng kỷ chạm trổ tinh vi, gỗ bóng màu nâu sậm, và lần nữa khi những người trong khu nhà đã chạy lên Châu Đốc sinh sống, thì thằng Uẩn, gọi tôi bằng cậu họ, nó lớn hơn tôi 5, 6 tuổi và thằng Chiêu, gọi tôi bằng chú họ, nó lớn hơn tôi 3 tuổi, dẫn tôi từ trường chúng tôi học gần đó, lén chui vào phủ thờ, ai đó đã phá hỏng một miếng gỗ ở cửa hông, đủ cho một người chui vào, chúng tôi vào thấy trên bàn thờ nào là bộ lư to, nào là cập ngà voi trắng dài chừng 5 tấc, nào bình hoa, dĩa sứ, nào là xe đạp con. Chúng tôi không lấy chi hết, chỉ đi tìm pháo chà, được pháo lại dẫn nhau ra trước đi thang lên lầu, lấy cây thước kẻ hàng bằng gỗ thông, dộng xuống cục pháo chà, pháo nổ, thước cũng bị tét ra đến chỗ tay nắm thước.

Thầy Phó giàu có nên đào kinh đâm ra đường lộ xe, vì vậy Thầy bỏ tiền ra xây chiếc cầu đúc, cầu đó khá đặc biệt, trên là mặt cầu cho xe chạy, hai bên bờ kinh là hai mang cá giữ không cho đất sụp, phía dưới đáy lại xây tô, nó là cái cầu nhưng chẳng khác nào cái cống lớn, xuồng hay ghe chở chừng 500 giạ lúa qua lại thông thả, tuy nhiên vào khoảng tháng 2, tháng 3, nước sông thấp, mực nước thấp hơn đáy cầu, lúc ấy xuồng không thể đi qua, muốn đi qua, người ta phải kéo hay khiêng chiếc xuồng. Cầu này gọi là cầu Thầy Phó.

Kinh Thầy Phó hướng ngay qua trường học nằm trong đất ông Phủ. Còn mương của đất ông Phủ hướng ngay qua phủ thờ nhà Thầy Phó, người ta cho rằng vì kinh Thầy Phó đâm qua đất ông Phủ, ông giỏi địa lý nên hiến đất cho nhà nước cất Trường học để hóa giải. Ngược lại ông đào con mương gần sát nhà ông, nhưng nó thẳng ngay qua nhà Thầy Phó để ăn miếng, trả miếng. Vì vậy sau này nhà lầu của ông không còn, cháu nội người có chức phận trong làng, người làm thầy giáo. Còn phía Thầy Phó, giàu chưa đủ ba họ. Con làm Hội đồng hàng tỉnh, du học bên Tây rồi về làng làm Xã trưởng, ngày nay ruộng vườn không còn. Người ta cho vì con kinh và cái mương đã thổi trôi cả sản nghiệp của hai người. Hoặc “bởi, tại” ông Phủ làm quan vô tình xử người oan ức, nên bị thất đức, mặc dù sau này ông phủ tu nhân, tích đức, sống rất thọ. Còn Thầy Phó phát giàu quá nhanh, của không phải “đổ mồ hôi, xót con mắt”, có đó rồi lại mất đó, vô thường như lời Phật dạy.

Tôi không rõ, gia đình tôi và gia đình Thầy Phó có họ hàng chi xa, anh chị tôi đều có qua nhà mấy bác – con Thầy Phó – chơi với mấy anh chị. Thầy Phó mua một cái nhà giàn để dành cho đám tang của mình, nhưng bà nội tôi mất trước, Thầy Phó cho mượn nhà giàn để đưa tang bà nội tôi, xem trong ảnh, thấy nhà giàn đó phải trên hai chục người khiêng. Còn ông Phủ là cha nuôi của ông cố tôi, tôi gọi tới bằng ông Sơ. Ít nhiều, ba nội tôi, cha tôi đều chịu ảnh hưởng giáo dục của ông nội, ông cố nuôi. Tôi làm sao tránh khỏi truyền thống của gia đình ?

Trong mấy ngày nhàn rỗi, ở khách sạn Residence-Lexington, đưa thằng cháu ngoại nhập học khi chuyển trường, ghi lại chuyện xưa chuyện nay, chuyện mắt thấy tai nghe gọi là “lẩm cẩm sự đời”.

Lexington ngày 21-8-2013

Monday, August 19, 2013

Giấc mơ



Từ lâu, tôi ít nằm mơ, nói như thế hình như không đúng, có nghĩa là chúng ta vẫn nằm mơ, nhưng khi thức tĩnh chúng ta không nhớ chi cả, cho rằng mình không có nằm mơ. Có những giấc mơ khi thức tĩnh chúng ta nhớ lại thật rõ ràng từng chi tiết, nhưng có những giấc mơ chúng ta chỉ nhớ được lờ mờ, nhớ khúc nọ, quên đoạn kia.

Hồi còn đi học, trừ khi đi thi bằng Sơ Đẳng Tiểu Học năm 1950, tại Trường Tiểu học Long Xuyên, thời gian qua đã lâu quá đời người, tôi không còn nhớ mình đã làm bài như thế nào, hình như có bài toán cộng trừ nhân chia chi đó và một số câu hỏi. Ngày nghe kết quả, một ông Thầy giáo đứng lên trên cái bục, cho mọi người dễ thấy, ông ta dùng cái loa, vì ngày đó chưa có máy phóng thanh, giọng đọc rõ ràng, tôi chăm chú nghe, mỗi thí sinh thi đậu mới được đọc số báo danh, họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh. Ông ta đọc từ số ký danh nhỏ cho đến lớn, gần tới số ký danh của tôi, tôi chú ý hơn, nhưng ông không gọi số ký danh, tên của tôi mà gọi số sau đó và tên cua họ, thế là tôi rớt, nhưng chủ nhật sau, anh tôi từ tỉnh về quê, cho biết danh sách thí sinh thi đậu có tên tôi, gần năm sau cũng chính anh lãnh cái bằng ấy về cho tôi, còn những kỳ thi khác, tôi hoặc bị rớt, hoặc đậu nhưng là đậu vớt hay thứ hạng không cao.

Cay đắng nhất cho cuộc đời tôi là năm 1962, thi rớt luôn 4 keo Tú Tài 1, gồm có tú tài phổ thông thi kỳ 1, kỳ 2, kỹ thuật cũng kỳ 1, kỳ 2 rớt tuốt, vị chi 1 năm thi rớt 4 keo. Năm 1963, thi vào sĩ quan Không quân, chỉ có sát hạch Anh văn, tôi đưọc 12 điểm, đậu nhưng vào khám sức khỏe bị loại, nếu tôi qua được khám sức khỏe sẽ được du học ở Mỹ, ngày nay chưa chắc còn sống sót để ghi lại những dòng này. Năm 1964, trên đường đi tới trường thi vì chiếc xe gắn máy trục trặc tôi bỏ dở kỳ thi tuyển vào Kỷ sư Công Nghệ, Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, sau đó đậu dự khuyết hạng chót vào Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật.

Ở trong lớp tôi học không đến nổi tệ, nhưng đi thi lại lận đận nhiều phen, đến nổi đêm qua tôi nằm mơ, thấy mình đi thi tú tài mà lại thi rớt. Thi rớt, tôi vừa buồn vừa tức.

Buồn vì thi rớt, nhưng tức vì khi tôi đến chỗ xem kết quả, có anh bạn đang cầm danh sách ghi lại những người thi rớt, anh ta cho tôi biết, tôi rớt vì chỉ có 7 điểm, tôi hỏi mấy điểm mới đậu, có người cho biết phải 7.2 điểm. Anh cầm tờ giấy ghi còn cho tôi biết, ông giám khảo nào đó, chấm bài thi vẽ của tôi lại phê là vẽ yếu, ngay lúc ấy tôi nhớ ra mình là thầy dạy vẽ không thể nào bài vẽ lại yếu kém, cần phải đi khiếu nại, từ chỗ đứng cùng anh em, đi đến văn phòng để khiếu nại khá đông anh em học sinh, tôi thấy ông giáo sư dạy vẽ của tôi ỏ trường Sư Phạm cũng ở trong đám đó, tôi chào vị giáo sư và nói cho Thầy biết tôi đã bị rớt, Thầy nhìn tôi cười rạng rở.

Sáng thức dậy, nhớ lại giấc chiêm bao, cái nghiệp thi rớt đến nay đã năm mươi năm rồi vẫn còn ám ảnh, cái nghiệp Thầy giáo của tôi tuy dạy nhiều năm, nó chỉ hiện trong mơ một chút thôi, nhưng nó cho tôi thấy cái Thức đó rất quan trọng, chưa xóa hết nó sẽ còn theo tôi trong kiếp lai sanh như lời Phật dạy. 

Đã là nghiệp thì Phật dạy phải tu để chuyển nghiệp. Cái chết vô thường, ngưòi phàm không ai hẹn được, vì thế tu mau kẻo trễ.
Residence Inn. Lexington 19-8-2013

Sunday, August 18, 2013

Tản mạn về cù lao Năng Gù



Trong bài viết Làng tôi năm 2007, sau đó có bài viết của Vĩnh Thông, Cần đính chính về tên gọi phà Năng Gù, đăng trên tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang số 79, tháng 10-2011. Tiếp theo Liêu Ngọc Ân có bài Vài suy nghĩ nhân đọc "Cần đính chính về tên gọi phà Năng Gù", đăng trên tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang số 83, tháng 02-2012. Để bảo vệ ý kiến của mình Vĩnh Thông viết thêm bài Tên gọi Năng Gù, nói lại cho rõ, đăng trên tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang số 84, tháng 03-2012. Tiếp theo Trần Hoàng Vũ viết bài Một số vấn đề địa lý - lịch sử của vùng đất Năng Gù, đăng trên tạp chí Văn hóa - Lịch sử An Giang số 91, tháng 10-2012.

Trong những bài viết này, tôi không có ý phản bác bất cứ điểm nào của các tác giả, tôi viết bài này chỉ là những suy nghĩ tản mạn, những suy nghĩ đó do bản thân tôi trải nghiệm, tai nghe, mắt thấy đời thường, không thuộc dạng khảo cứu.

Tôi rời cù lao Năng Gù từ năm 1954, đi học ở Châu đốc, cho tới năm 1956, lên Sàigòn học, lập nghiệp cho tới năm 1991, sau đó rời Việt Nam, thỉnh thoảng vài năm mới về lại Việt Nam đều có trở lại Năng Gù, Châu đốc thăm cảnh cũ, người xưa.

Những năm học ở Châu đốc, hàng tháng tôi đều trở về thăm nhà, những năm đi học ở Sàigòn mỗi năm ít ra là 3 lần về Năng Gù và Châu Đốc thăm nhà, vào các dịp lễ nghĩ như Tết, Hè, lễ Phục sinh, cho nên tôi có nhiều lần đi qua bến Bắc Năng Gù cũ và sau này bến Bắc Năng Gù mới, cả hai tôi đều chưa từng đi qua Bắc lần nào, xe chạy ngang qua, có khi ngừng lại cho khách lên xuống nên có dịp quan sát.

Trên con lộ 91 (Long Xuyên – Châu Đốc), xưa kia là đường Liên tỉnh lộ LT 10, bến Bắc cũ nằm ngay tại bến chợ Bình Mỹ, phía dưói bến Bắc mới, thủy trình nó chạy qua bên kia nằm gần hạ khẩu sông Vàm Nao, bến Bắc mới thủy trình bên kia là qua xã Bình Thạnh Đông, phía bên lộ 91 hai bến Bắc mới cũ, cách nhau không xa, nhưng phía bên kia, hai bến Bắc mới cũ cách rất xa, vì ngày nay ở bến Bắc mới nhìn từ bờ đi và đến có thể thấy rõ, còn ngày xưa ở bến Bắc cũ nhìn mút con mắt.

Ngày xưa, thật ra cũng không xưa lắm, khoảng 1947-1950, thuở xăng dầu khang hiếm, máy móc ít có, ở bến Bắc cũ có đò chèo từ đó sang Hòa Hảo và ngược lại, sau đó có thể khoảng 1950-1954 có đò máy cũng chạy với thủy trình đó.

Năm 1954, Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh, dẹp Bình Xuyên trước, rồi dẹp lực lượng giáo phái, nên ngày 1-1-1956 mở chiến dịch Nguyễn Huệ do Đại tá Dương Văn Minh chỉ huy, Tướng Trần Văn Soái tức Năm Lửa ở Cái Vồn Cần Thơ lập chiến khu ở Đồng Tháp Mười chống chánh phủ, nhưng đến 17-2-1956 mang quân ra quy thuận và Tướng Lâm Thành Nguyên ở Cái Dầu Châu Đốc, sau vài ngày giao tranh đã quy hàng chánh phủ khoảng tháng 2 năm 1956, riêng Tướng Lê Quanh Vinh tức Ba Cụt vẫn không hợp tác.
Về sau ông Nguyễn Ngọc Thơ và Tướng Lê Quang Vinh họp ở Đồng Tháp Mười để thương thảo tìm một giải pháp, trên đường dự hội trở về mật khu ở Miền Tây, trong thời gian và khu vực được thỏa thuận bảo đảm an ninh cho cả hai bên dự hội nghị. Lê Quang Vinh bị một đơn vị Bảo An đóng tại cầu Chắc Cà Dao bắt ông ngày 13-4-1956. Ông bị giải về Cần Thơ, bị tòa Sơ Thẩm 11-6-1956, tòa Thượng Thẩm 25-6-1956 và Tòa án Quân sự 3-7-1956 xử án tử hình và đã bị hành quyết bằng máy chém Gouillotine, do Đội Phước thực hiện ngày 13-7-1956 tại nghĩa địa, đường Hòa Bình Cần Thơ. 

Để trấn an dư luận, để chứng tỏ chánh phủ quan tâm với sự tự do tôn giáo, những ngày lễ lớn như Tết, Quốc Khánh, Ngô Đình Diệm mở những cuộc tiếp tân, mời các nhân sĩ thân hào tới dự ở Dinh Tổng Thống, thân sinh của giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, ông Huỳnh Công Bộ luôn luôn được mời tham dự. Mỗi khi đức ông Huỳnh Công Bộ đi dự, ông đi bằng xe nhà hiệu Dodge sơn màu vàng sẩm, đi từ tư gia đức ông ở làng Hòa Hảo lên Sàigòn, nên những người trong giáo phái Hòa Hảo đóng một chiếc Bắc để chở xe đức Ông từ bến đò bên Hòa Hảo sang bến đò tại chợ Bình Mỹ, từ đó tên Bắc Năng Gù được khai sanh, theo tôi do các anh lơ xe đường Long Xuyên Châu Đốc đặt tên như vậy để phân biệt với bến đò Năng Gù ngay tại chợ Bình Thủy cách bến Bắc này không quá 500 thước.

Chiếc Bắc đó, chỉ là chiếc ghe lớn đủ chở chiếc xe nhà, vận chuyển nó do chiếc đò máy chạy cặp bên hông, khi không có chở xe đức Ông thì chiếc Bắc nằm yên trên bến sông, còn chiếc đò máy chạy bình thường để chở khách.

Thuở đó đường LT 10 (Long Xuyên - Châu Đốc), chỉ có xe đò Long Xuyên – Châu Đốc mỗi ngày chừng 10 chuyến, Châu Đốc- Sàigòn chừng 2 chuyến mỗi ngày. Ở Hòa Hảo lúc đó chưa có xe hơi, xe Lam, chỉ có xe lôi đạp, và chắc chỉ có vài xe găn máy là mobilette, đường lộ không có trải nhựa, mưa xuống đường đất mềm, bám vào bánh xe khó chạy. Cho nên chiếc phà ấy chỉ chở xe đức Ông mà thôi, nếu phà ấy có chuyên chở xe hơi khác, thì sớm nhất phải từ thập niên 1970 trở đi mà thôi.

Ở bến đò bên Hòa Hảo, năm 1953 tôi có đi dự lễ 18 tháng 5 nên biết, tại đó có 2 con đò khác nhau, một con đò đưa người đi từ Hòa Hảo qua Bình Mỹ và ngược lại và một con đò đưa người đi từ Hòa Hảo sang cù lao Năng Gù và nguợc lại, con đò này cập bến cù lao Năng Gù ở bên phía sông Hậu. Ai muốn đi từ Năng Gù qua Bình Mỹ và ngược lại đã có con đò Năng Gù, như đã nói cách Bắc Năng Gù chỉ có vài trăm thước.

Tôi cho rằng tên Bắc Năng Gù là do các anh lơ xe đường Long Xuyên - Châu Đốc đặt tên để phân biệt với bến đò Năng Gù có người không tin, chuyện đã trên 50, 60 năm ai muốn tin thì tin, không tin không ai ép được, nhưng muốn kiểm chứng, có thể hỏi những người dân địa phưong tuổi từ 70 trở đi, chắc họ nhớ và biết rõ.

Theo sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: An Giang của tác giả Nguyễn Đình Đầu cho biết:

“Bình Lâm thôn, ở hai xứ Rạch Cát, Rạch Chanh.
Bình Lâm thôn, sau này Pháp đổi thành làng Bình Thủy, trong làng có 2 con rạch Rạch Cát và Rạch Chanh ngoài ra cũng còn mấy con rạch khác có tên nhưng ít thông dụng vì nó ngắn và nối liền vào Rạch Chanh. Rạch Cát thông ra đầu cù lao, nên lưu thông với sông Hậu Giang, phù sa chảy vào, nên có cát trong con rạch, vì thế có tên là Rạch Cát, còn Rạch Chanh là con rạch phát xuất từ trong cù lao với nhiều nhánh phụ cũng phát xuất từ trong cù lao, ngày xưa do đất đai chưa khai phá, nước bị phèn, vị chua nên gọi là Rạch Chanh, miền Nam nhiều nơi ó rạch mang cùng tên là Rạch Chanh, nhiều người không rõ nguồn gốc, đặt câu hỏi trong vùng không thấy trồng chanh, sao lại có tên là Rạch Chanh, cỏ tranh có thể có ở vùng đất gò nhưng tranh người miền Nam không bao giờ phát âm ra Chanh.
Tên địa danh cù lao Năng Gù, có người căn cứ vào sách vở cho là do chữ Long Cù biến ra Năng Gù, tôi thì cứ cho Năng Gù là địa danh của người Khmer là Sneing-ku (Neng-gù: sừng trâu), địa danh đó như Mặc Cần Dưng, Chắc Cà Đao, tại cù lao Năng Gù không có Sóc người Khmer, nhưng làng Bình Mỹ, tại kinh đình Bình Mỹ bên kia sông Năng Gù ngày nay vẫn còn có Sóc người Khmer, tôi không rõ dân số nhiều ít là bao nhiêu nhưng có. Ở những nơi có Sóc người Khmer thì địa danh Khmer được lưu truyền theo âm tiếng Việt. 
Sông Năng Gù, thật ra nó còn có tên là Xép Năng Gù, Xép là từ ngữ xưa, ngày nay ít ai dùng, trong từ điển của Huỳnh Tịnh Của có giải nghĩa từ Xép này là con sông nhỏ, người địa phương ở trên cù lao ở bên phía sông Hậu Giang, vẫn dùng từ Xép khi nói: “Đi qua bên Xép”. Cũng như người từ bên Xép đi qua bên kia thì nói: “Đi qua bên Hồ.”, thật ra trên cù lao, phía đó không có cái hồ nào cả, đến nay tôi vẫn không hiểu danh từ “hồ” ấy để chỉ cho cái chi, nhưng nói ra, ai cũng biết “hồ” là để chỉ cho phần đất cù lao chạy dọc theo bờ sông Hậu.
Cũng trong sách trên: “Bình Mỹ thôn, ở hai xứ Năng Gù, Trác Thượng Vật”. Tôi không hiểu Trác Thưọng Vật là địa danh nào, theo ông Trần Hoàng Vũ giải thích Trác Thượng Vật là bãi sình lầy ngập nước. Tôi nghĩ giải thích này đúng, là chạy dọc lộ 91 làng Bình Mỹ có một cánh đồng cò bay thẳng cánh, trong cánh đồng này đương nhiên sình lầy, như thế làng Bình Mỹ nằm giữa xép Năng Gù và Trác Thượng Vật (bãi sình lầy, đầm lầy). Như vậy, làng Bình Mỹ có cái giới hạn Xép Năng Gù, cho chúng ta thấy rõ Xép ấy được đặt tên theo tên cù lao Năng Gù, như Kinh Vĩnh Tế là con kinh mang tên của bà Châu Thị Vĩnh Tế là chánh thất của Thống soái Thoại Ngọc Hầu. Cho nên làng Bình Mỹ không có tên Năng Gù. Nguyên thủy chỉ có tên Cù lao Năng Gù và Xép Năng Gù, sau đó là nhà thờ Năng Gù.
Còn nhà thờ Năng Gù, là một nhà thờ lớn và quan trọng toàn tỉnh Long Xuyên cho nên năm 1920, nó được nâng lên là nhà thờ giáo xứ, cai quản các họ đạo: Chắc Cà Đao, Cần Xây, Ba Bần, Long Xuyên, Đồng Súc, Cái Dầu, Thị Đam.
Về lịch sử theo tài liệu về nhà thờ Năng Gù, do giáo dân đầu tiên là Jacob Lê Phước Ngãi, người gốc Trung Hoa, quê ở Đồng Nai, quan cựu trào nhà Nguyễn, lánh nạn cấm đạo Thiên chúa từ thời Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883) Qua những sắc dụ cấm đạo ban hành vào những năm 1848, 1851, 1855, 1857, 1859 và nhất là sắc dụ năm 1861, nhà Nguyễn đã quyết tâm dẹp đạo Thiên chúa.
Chúng ta biết rằng miền Nam thuộc về chúa Nguyễn từ năm 1759, khi Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long để tạ ơn chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Cư Trinh và Trương Phúc Du đem dinh Long Hồ về xứ Tầm Bào (thị xã Vĩnh Long ngày nay), đặt ra 3 đạo là Đông Khẩu Đạo (Sa Đéc), Tân Châu Đạo (Tân Châu) và Châu Đốc Đạo (Châu Đốc)
Ông Dương Văn Hóa là người khai hoang lập ấp đầu tiên trên cù lao Năng Gù, qui tụ dân cư lập thành thôn xóm, được nhà cầm quyền đặt tên là Thôn Bình Lâm.
Theo như tài liệu trên Jacob Lê Phước Ngãi lánh nạn cấm đạo, như vậy ông và một số người khác phải ẩn lánh nơi vắng vẻ để cử hành các thánh lễ, theo tài liệu về Giáo xứ Năng Gù thì: Lúc ban đầu các bí tích được cử hành chui ở vùng Kinh Ông Quýt, sau đó tại Rạch Gộc. Nhà thờ đầu tiên cất sau núi Đức Mẹ bây giờ, có thể là trước năm 1859: trước bằng gỗ nền đất, mái lá; sau lợp ngói xây tường, lót gạch tàu, trải đệm, không bàn ghế, có lầu hát. Chuông có từ năm 1892. Theo tôi, nhà thờ được cất phải từ sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ năm 1863. Sớm nhất cũng phải vào thời gian 1870.
Nhà thờ có tên là Năng Gù, vì nhà thờ đó nằm trên ấp Bình An thuộc thôn Bình Lâm, mà thôn Bình Lâm nằm trên cù lao Năng Gù, địa danh Năng Gù được nhiều người biết hơn là thôn Bình Lâm. Còn vì sao ấp Bình An ở sát làng Bình Hòa (Mặc Cần Dưng) ở sát làng Bình Mỹ, tại sao ấp này không thuộc một trong hai làng đó mà thuộc thôn Bình Lâm nằm trên cù lao Năng Gù, cách nhau cái Xép (sông) Năng Gù. Chỉ có thể giải thích rằng, ngày xưa “đất rộng, ngưòi thưa”, ông Jacob Lê Phước Ngãi cùng một số ngưòi theo đạo muốn ở nơi vắng vẻ, ít người lui tới để hành đạo, cho nên sau khi khai phá, sang cù lao Năng Gù xin gia nhập làm dân của thôn Bình Lâm này, do vậy dân ở đây là dân của thôn Bình Lâm, đất của người dân Bình Lâm là đất của làng Bình Lâm, nên nó được mang tên ấp Bình An thuộc thôn Bình Lâm, sau này người Pháp đổi tên thôn Bình Lâm là làng Bình Thủy thuộc tổng Định Thành, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên gồm có bốn ấp: Bình Phú, Bình Thới, Bình Hòa và Bình An.
Vì sao làng Bình Thủy thuộc quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên, đến ngày 23-8-1979, xã  Bình Thủy bị chia ra, các ấp trên cù lao Năng Gù thuộc huyện Châu Phú, còn ấp Bình An có nhà thờ Năng Gù nhập với ấp An Hòa của xã Bình Hòa thành xã An Hòa thuộc huyện Châu thành, theo Quyết đnh s 181-CP ngày 25 tháng 4 năm 1979 ca Hi đng Chính ph.
Theo chỗ tôi biết, trong làng có Hương sư Lâm Văn Nguyện, ông có ba cô con gái, người con gái thứ hai mất sớm, người con gái thứ ba tên Lâm Thị Chuông, người con gái thứ tư tên Lâm Thị Hương và một người con nuôi, con trai, người Khmer tên Phách. Hương sư Nguyện nhà gia thế trong làng, thuở nhỏ Lâm Thị Chuông học thêu thùa, thêu những con thỏ ngậm củ cải, con nai vàng ngơ ngác bên suối, mắt những con vật ấy đặt mua từ Pháp gửi sang, Đình làng có bình phong đấp nổi, mặt trước hình như con rồng, mặt sau con cọp và nai, mắt cọp và nai vốn của Lâm Thị Chuông cho, chị này lớn lên lấy chồng là Chín Nghiệp, người ở làng Bình Long, hai gia đình môn đăng hộ đối.
Lâm Thị Chuông lấy chồng, về nhà chồng ở. Đến cách mạng mùa Thu 1945, Chín Nghiệp theo cách mạng hoạt động, đến khi Pháp trở lại, Lâm Thị Chuông trở về nhà cha mẹ sinh sống, để tránh liên lụy. Nhưng vợ chồng vẫn thầm kín gặp nhau, nên vài ba năm, chị ta vẫn sinh con, hàng xóm biết nhưng chẳng ai tố cáo với chánh quyền sở tại.
Dưới thời Ngô Đình Diệm, Chín Nghiệp hồi chánh, về sinh sống bên vợ một thời gian, rồi vào bưng hoạt động trở lại, có thể vào khoảng Tết Mậu Thân.
Lâm Thị Hương học trường tỉnh Long Xuyên, sau lập gia đình rồi định cư ở Sàigòn, làm cô giáo Trường Tiểu học Bàn Cờ, cho đến sau 1975 chuyển về quê, làm cô giáo dạy ở trường làng, gần nhà.
Sau 1975, ba tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên gộp lại thành tỉnh Long Châu Hà, Chín Nghiệp là cán bộ của tỉnh Long Châu Hà, khi Long Xuyên – Châu Đốc xáp nhập thành tỉnh An Giang và đưa huyện lỵ Châu Phú từ Mỹ Đức về Thị trấn Cái Dầu, tách cù lao Năng Gù từ huyện Châu Thành nhập vào huyện Châu Phú, có lẽ Chín Nghiệp có đóng góp vào việc cải tổ này, để xã Bình Long quê của anh và xã Bình Thủy quê của vợ cùng nằm trong huyện nhà Châu Phú. Như vậy Chín Nghiệp dễ che chở bảo vệ cho gia đình dưới chế độ mới, dưới quyền hạn của anh. Đây là sự lý giải theo thiển nghĩ của tôi.
Chín Nghiệp có con trai trưởng tên Phúc tự Paul, khoảng tuổi Tân Tỵ, thuở nhỏ học Trường làng, sau học trường tỉnh rồi lên Sàigòn học Trường Bưu Điện, tốt nghiệp ngạch Cán sự, bị đi Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, được biệt phái. Paul lấy vợ tên Liên Hoa người Vĩnh Long, cựu học sinh Gia Long, có bằng Dược sĩ, chồng về làm ở Ty Bưu Điện Long Xuyên, vợ có nhà thuốc Tây ở Thị x ã Long Xuyên, khoảng thập niên 1980 Paul mất, lúc đó tôi và nhà tôi về quê, nghe tin cả hai chúng tôi chồng bạn của chồng, vợ bạn của vợ. Paul vai cháu nên tôi đến nhà tưởng niệm thắp nén nhang, mẹ Paul giới thiệu Chín Nghiệp cho tôi : “Đây anh ba của em !”, lần đó tôi mới nhìn rõ Chín Nghiệp, thân hình cao ráo dáng vẻ người cách mạng có học thức, không như nhiều năm trước, đôi khi tôi thấy anh lom khom cuốc xới đất trước sân nhà, con người bất phùng thời trở thành nông dân.
Năng Gù trong tôi vẫn còn cánh đồng xanh ngát, mấy cái bông sen đỏ lẻ loi mọc ở ngọn Rạch Sen, mấy cây bằng lăng bông tím như bông lục bình trôi trên sông, ngôi trường làng mái đỏ, tường vôi trắng vọp lỡ, đều là những kỷ niệm êm đềm thơ ấu mỗi khi quay về thời dĩ vãng.