Pages

Wednesday, August 21, 2013

Lẩm cẩm sự đời



Trong làng Bình Mỹ, thuộc huyện Châu Phú, tỉnh Châu Đốc có gia đình ông Phạm Phú Quý giàu có tột bực, nhà ông nằm bên Liên tỉnh lộ LT 10, là con đường Long Xuyên-Châu Đốc, nay là lộ 91, một địa giới của làng Bình Mỹ là xép Năng Gù, xép có nghĩa là con sông nhỏ, sông lớn như sông Tiền hay sông Hậu gọi là sông Cái.

Nhà Thầy Phó Quý, lúc tôi được biết vào những năm 1945 đến 1960, còn nhà của tôi là nhà ông bà để lại, nằm sát nền nhà xưa của ông Phủ Nguyễn Hà Thanh, trên đất cù lao Năng Gù, đối diện với nhà ông Thầy Phó, cách nhau cái xép Năng Gù.

Nhà ông Phủ khi xưa, nghe cô tôi nói lại nhà có lầu, đến lúc tôi biết chỉ còn nền xây gạch, lót gạch ngang trên hai mươi thước, sâu chừng mười bốn, mười lăm thước, cháu nội ông phủ cất lại một phần trên nền đất cũ, một căn nhà ba gian, cột gỗ vuông, vách bổ kho, lợp ngói âm dương, phần nền còn lại lớn hơn căn nhà đã cất, để làm cái sân phơi lúa hay củi. Nghe nói xưa nhà vẻn vang, sau người cháu nội gỡ từng cánh cửa nhà đem bán, lấy tiền hút á phiện.

Đất ông phủ chạy dọc theo xép Năng Gù dài chừng ba trăm thước, sâu đến Rạch Chanh, trong phần đất này, có một con mương đào thông từ Rạch Chanh ra xép, chiếu thẳng qua nhà Thầy Phó, mương cắt con đường nên có làm cầu gỗ, ngang gần ba thước, lót ván ngang, hai bên có lan can cao chừng một thưóc, chiều chiều mấy anh trai trẻ hay ngồi trên lan can cầu trò chuyện, hai bên đầu cầu có xây móng bằng đá núi. Cạnh nhà cửa cháu nội của ông, còn những căn nhà khác không có họ hàng gì với ông Phủ, ông cố tôi là con nuôi, nên được cất nhà bên cạnh nhà ông phủ. Ngoài nhà cửa ra, cuối phần đất phía trên là ngôi trường làng, tường xây, lợp ngói móc, có ba lớp học và một phòng nhỏ dành cho Trưởng giáo làm việc và ở. Phía sau Trường là vườn cây, sau đó một nghĩa địa nhỏ, dành để chôn cất những người không có đất, qua khỏi đó là ruộng chạy dài tới rạch Chanh chừng trăm thước, cũng ở mặt đường, cách Trường học chừng 50 hay 60 thưóc là một cái miễu bà, miễu xây tô lợp ngói âm dương bốn mái, ngang chừng 6 thước, sâu chừng 4 thước, bên trong chỉ có bàn thờ xây bằng gạch, có lư hương, bình hoa, chén cúng nước, không có tượng cốt, chuông trống chi cả. Trước miếu sát đường có xây bức bình phong, cách đó vài thước, bên cạnh đường đi vào miếu có một cây dương già cao lớn, bên kia đường, đối diện với cây dương là cây sung lâu năm, thân bị nằm nghiêng gần sát đất, nhánh gie ra sông, dưới gốc sung, người ta bỏ những bình vôi, cà ràng, ông táo. Phía sau miễu Bà chừng 10 thước là mộ của ông, bà phủ có xây nhà mồ, cột gỗ vuông, mái lợp ngói móc, quanh đó là mồ mả con cháu ông phủ, mả đều được xây tô gạch cát với vữa gồm có mật mía hoặc nhựa cây ô dước với vôi bột, ngày còn nhỏ, như trẻ con khác, tôi sợ cái miễu, sợ mồ mả, nên chưa từng đặt chân vào hai chỗ đó, chỉ đi ngang ngoài đường nhìn vào miễu hay đi ven cánh đồng nhìn đám mồ mả mà thôi.

Về nhà Thầy Phó Phạm Phú Quý, gọi là Thầy Phó tức là Phó Cai Tổng, tổ chức hành chánh thời Pháp thuộc, đơn vị hành chánh là làng, tổng, quận, tỉnh. Làng có Ban Hội Tề, gồm có 12 viên chức, có Nhà việc để làng làm việc, còn Tổng có Cai tổng, Phó Cai tổng và Biện lại, văn phòng họ làm việc ở đâu, tôi không nghe thấy sách vở đề cập tới nên không rõ. Quận thì có Quận đường, nơi làm việc của quan chủ quận. Tỉnh thì có Tòa bố, nơi làm việc của ông Chánh tức Chánh Tham Biện là quan chủ tỉnh.

Nghe chị tôi nói lại, có lẽ chị tôi cũng được nghe ngưòi trong gia đình kể lại, trước kia ông Thầy Phó nghèo mướn bến sông của người ta chất chà - ở bến sông, người ta bỏ xuống đó những nhánh cây, dùng tre làm cọc cắm xung quanh không cho chà bị nước cuốn trôi, lục bình trôi trên sông bị chà ngăn giữ lại, như thế nơi đống chà xuồng ghe không thể qua lại, nước yên tịnh, cá sẽ đến đó sinh sống, đến ngày nào đó cá ở nhiều, xưa người ta dung “đăng”, nay dùng lưới bao cái chà lại, rồi di chuyển chà lên bờ, dời đăng hay lưới gom nhỏ lại để bắt cá - một đêm kia, ông ngồi giữ chà, tránh bị kẻ gian câu cá trộm, ông thấy có chiếc xuồng có ba người bơi, tới đống chà của ông, họ quan sát cẩn thận nhưng không thấy ông, vì ông ẩn mình trong bụi cây, họ đã để vật chi đó vào đống chà của ông rồi bơi xuồng đi, chờ cho ba người kia bơi đi xa, ông mới lội xuống đám chà của mình và lặn xuống nước, tìm được vật của những người lạ kia đã dấu, từ đó ông trở nên giàu có mua đất đai, cất nhà cửa thành dinh cơ đồ sộ. Ruộng đất của ông cò bay thẳng cánh, trong đất ông đào kinh dọc, kinh ngang và một con kinh đâm ngang kinh ông Quít rồi đào thông ra xép Năng Gù, đường kinh đâm thẳng qua trường học.

Dinh cơ của Thầy Phó là một tường rào song sắt dài chừng một trăm thước, ở phía dưới nền xây lên một thước, có cẩn một hàng gạch hoa nổi, tráng men, cứ cách chừng 3 thước có một trụ đứng cũng cẩn gạch hoa nổi, tráng men, có bốn cổng vào, mỗi cổng đều có hai cánh cửa gỗ có song sắt, hai cổng hai bên để cho xe hơi ra vào, hai cổng giữ là hai cái cổng ở trên có lầu vuông, mỗi cạnh chừng 3 thưóc, có nóc bánh ít lợp ngói móc, đi lên xuống lầu bằng cầu thang gỗ, thẳng góc với tường rào phía trước, hai bên cũng là tường rào xây tô, song sắt, nhưng không có cẩn gạch hoa nổi tráng men, mặt sau không có tường rào. Những gạch hoa nổi tráng men và song sắt đều đặt mua từ bên Pháp. Có thể nói hàng rào sắt của Dinh Độc Lập ở Sàigòn, chưa bằng phân nửa hàng rào nhà Thầy Phó, hàng rào dinh cơ của Chú Hỏa càng thua xa.

Cách tường rào phía trước chừng 10 thước, nằm giữa hai cổng lầu là một ngôi nhà nền đúc, tường xây, lợp ngóc móc, ba gian làm nơi thờ tự, gọi là phủ thờ.

Sau phủ thờ là nhà ở của Thầy Phó cũng là nền đúc, tường xây, lợp ngói, về sau con Thầy Phó cất thêm những căn nhà khác, bên tay phải là nhà của Hội đồng Thu - Hội đồng hàng tỉnh – nhà ba gian vách bổ kho, lợp ngói móc, vách và cửa đều sơn màu xanh đọt chuối, bên tay trái là nhà của Thầy Ba Nghệ, nhà nền đúc, tường xây lợp ngói. Trong khuôn viên đó ngoài 4 căn nhà lớn, còn có những lẫm lúa và những ngôi nhà phụ, tạo thành một quần thể khang trang, đồ sộ, nhưng nếu đem so với dinh cơ Chú Hỏa thì dinh ccơ Thầy Phó không có lầu, tuy rộng lớn nhưng không thể đem so với dinh cơ Chú Hỏa. Con Thầy Phó có xe du lịch di chuyển trên lộ, có ca nô đẹp di chuyển trên sông nước miền Tây, họ ăn chơi đúng bực.

Ông Thầy Phó có những người con như sau: Thứ hai tôi không biết, thứ ba gọi là Thầy Ba Nghệ, thứ tư Hội Đồng Thu, thứ năm cô gái tên Thảnh, thứ sáu làm Xã trưởng, gọi là Xã Thơi và thứ bảy tên Chuốc. Trong những người con có Xã Thơi du học ở Pháp, hình như không có bằng cấp về làng làm xã, trước 1975 có lập nhà máy xay lúa và đại lý phân bón.

Ruộng đất của Thầy Phó minh mông, sau khi ông mất đất cát chia cho các người con, thời gian loạn lạc 1945, những người con một hôm chạy bỏ của lấy người, trong phủ thờ họ không lấy chi hết, ngay cặp ngà voi vẫn còn để lại. Trong những căn nhà đó, bàn ghế, chén dĩa sứ hầu hết để lại, đất cát bỏ hoang. Sau, đến người cày có ruộng, bị truất hữu cho những người chiếm canh. Những căn nhà ở, về sau khoảng năm 1953, Lâm Thành Nguyên lấy làm trung tâm đào tạo sĩ quan Hòa hảo. Khoảng 1956, quân đội quốc gia đóng ở đó một thời gian rồi bỏ hoang, khoảng 1972, người Mỹ mở rộng đường, cổng rào phị phá bỏ. Sau 1975, có Thầy ba Nghệ trở về sau vài chục năm sinh sống ở Châu Đốc, khu nhà xưa trở nên tiêu điều hoang vắng, chỉ còn lại phủ thờ và một ngôi nhà rêu phong, cỏ mọc tràn cả lối đi.

Những năm 1954, học ở Châu đốc, đôi khi tôi có gặp Bác Hội đồng Thu, chơi billard ở mấy bàn billard đặt trong đầu chợ Châu Đốc, trước năm 1975, tôi và chú em con ông chú có ghé thăm Bác Sáu Thơi, nhà ở trong cư xá Lữ Gia, phòng khách bác có để bộ lư đồng cẩn bạc lơ thơ cành trúc. Sau 1975, anh tôi và tôi ghé chợ Trường gần khu nhà xưa của Thầy Phó, thấy bác Ba Nghệ mặc quần đùi, áo thung ba lỗ đi ngang, anh tôi mời bác dùng điểm tâm hủ tiếu, lần khác tôi chở cô tôi đến thăm cô Nam Thảnh ở nhà người con gái trên đường Nguyễn Trải xế cổng Trường Bác Ái, ở Sàigòn.

Tôi không rõ, gia đình tôi và gia đình ông Thầy Phó Quý có bà con chi không, nhưng ngày nhỏ, có lần theo cô tôi vào thăm bác nào đó trong nhà ông Thầy Phó, tôi nhớ mình ngồi ở tràng kỷ chạm trổ tinh vi, gỗ bóng màu nâu sậm, và lần nữa khi những người trong khu nhà đã chạy lên Châu Đốc sinh sống, thì thằng Uẩn, gọi tôi bằng cậu họ, nó lớn hơn tôi 5, 6 tuổi và thằng Chiêu, gọi tôi bằng chú họ, nó lớn hơn tôi 3 tuổi, dẫn tôi từ trường chúng tôi học gần đó, lén chui vào phủ thờ, ai đó đã phá hỏng một miếng gỗ ở cửa hông, đủ cho một người chui vào, chúng tôi vào thấy trên bàn thờ nào là bộ lư to, nào là cập ngà voi trắng dài chừng 5 tấc, nào bình hoa, dĩa sứ, nào là xe đạp con. Chúng tôi không lấy chi hết, chỉ đi tìm pháo chà, được pháo lại dẫn nhau ra trước đi thang lên lầu, lấy cây thước kẻ hàng bằng gỗ thông, dộng xuống cục pháo chà, pháo nổ, thước cũng bị tét ra đến chỗ tay nắm thước.

Thầy Phó giàu có nên đào kinh đâm ra đường lộ xe, vì vậy Thầy bỏ tiền ra xây chiếc cầu đúc, cầu đó khá đặc biệt, trên là mặt cầu cho xe chạy, hai bên bờ kinh là hai mang cá giữ không cho đất sụp, phía dưới đáy lại xây tô, nó là cái cầu nhưng chẳng khác nào cái cống lớn, xuồng hay ghe chở chừng 500 giạ lúa qua lại thông thả, tuy nhiên vào khoảng tháng 2, tháng 3, nước sông thấp, mực nước thấp hơn đáy cầu, lúc ấy xuồng không thể đi qua, muốn đi qua, người ta phải kéo hay khiêng chiếc xuồng. Cầu này gọi là cầu Thầy Phó.

Kinh Thầy Phó hướng ngay qua trường học nằm trong đất ông Phủ. Còn mương của đất ông Phủ hướng ngay qua phủ thờ nhà Thầy Phó, người ta cho rằng vì kinh Thầy Phó đâm qua đất ông Phủ, ông giỏi địa lý nên hiến đất cho nhà nước cất Trường học để hóa giải. Ngược lại ông đào con mương gần sát nhà ông, nhưng nó thẳng ngay qua nhà Thầy Phó để ăn miếng, trả miếng. Vì vậy sau này nhà lầu của ông không còn, cháu nội người có chức phận trong làng, người làm thầy giáo. Còn phía Thầy Phó, giàu chưa đủ ba họ. Con làm Hội đồng hàng tỉnh, du học bên Tây rồi về làng làm Xã trưởng, ngày nay ruộng vườn không còn. Người ta cho vì con kinh và cái mương đã thổi trôi cả sản nghiệp của hai người. Hoặc “bởi, tại” ông Phủ làm quan vô tình xử người oan ức, nên bị thất đức, mặc dù sau này ông phủ tu nhân, tích đức, sống rất thọ. Còn Thầy Phó phát giàu quá nhanh, của không phải “đổ mồ hôi, xót con mắt”, có đó rồi lại mất đó, vô thường như lời Phật dạy.

Tôi không rõ, gia đình tôi và gia đình Thầy Phó có họ hàng chi xa, anh chị tôi đều có qua nhà mấy bác – con Thầy Phó – chơi với mấy anh chị. Thầy Phó mua một cái nhà giàn để dành cho đám tang của mình, nhưng bà nội tôi mất trước, Thầy Phó cho mượn nhà giàn để đưa tang bà nội tôi, xem trong ảnh, thấy nhà giàn đó phải trên hai chục người khiêng. Còn ông Phủ là cha nuôi của ông cố tôi, tôi gọi tới bằng ông Sơ. Ít nhiều, ba nội tôi, cha tôi đều chịu ảnh hưởng giáo dục của ông nội, ông cố nuôi. Tôi làm sao tránh khỏi truyền thống của gia đình ?

Trong mấy ngày nhàn rỗi, ở khách sạn Residence-Lexington, đưa thằng cháu ngoại nhập học khi chuyển trường, ghi lại chuyện xưa chuyện nay, chuyện mắt thấy tai nghe gọi là “lẩm cẩm sự đời”.

Lexington ngày 21-8-2013

No comments:

Post a Comment