Pages

Friday, February 23, 2024

Chuyện có thế mà thôi

Mấy hôm nay tôi cảm thấy như mình bị sỉ nhục, tổn thương tinh thần. Chuyện gì vậy? Tôi đã cố gắng giữ cho mình được thoải mái, được an nhiên, mỗi ngày tôi đều tập dưỡng sinh, tập Dịch cân kinh, ngồi thiền vào buổi sáng, tụng kinh vào buổi chiều, nhưng tinh thần có chút bất an.

 Nơi tôi sống hiện nay là thành phố Louisville thuộc tiểu bang Kentucky, nó là 1 trong 3 thành phố lớn ở tiểu bang nầy, từ khi tôi sang Mỹ năm 1991 đến nay tôi chỉ ở tại đây, còn nhiều người khác đến rồi bỏ đây đi sang Cali lập nghiệp.

Khi tôi đến đây thì một số anh thuộc diện HO hoặc một số gia đình thuộc diện có con lai hoặc vượt biên đã định cư tại đây.

Tôi không nhớ rõ lắm nhưng biết là khi tôi đến đây đã có Hội người Việt do ông bác sĩ thú y Minh làm Hội Trưởng, trước kia ông Minh từng làm Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Tế thời Việt Nam Cộng Hòa, nhưng lúc đó Hội nầy đã không còn hoạt động. Những người đến trước tôi có anh Đỗ Nam Kỳ vốn xưa kia là Quận Trưởng quận Núi Sập, tỉnh Long Xuyên, có anh Nguyễn Hữu Cương, có anh Nguyễn Thanh Tùng, anh Đỗ Ngọc Điệp …

Tôi không nhớ nguyên nhân vì sao chúng tôi những cựu tù nhân chánh trị họp lại rồi thành lập Hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị, gọi tắt là hội HO, anh Đỗ Nam Kỳ được bầu làm Hội Trưởng, anh Nguyễn Hữu Cương Phó Hội Trưởng, một người nữa Phó Hội Trưởng hình như anh Trần Ngọc Toản, sau anh Kỳ sức khỏe không tốt, nên anh Toản được bầu làm Hội Trưởng, từ khi thành lập hội, tôi được tín nhiệm làm Tổng Thư Ký.

Khi anh Toản đương nhiệm, tôi bị một số người không ưa, có những đả kích tôi không chống CSVN vì tôi đi về Việt Nam thăm gia đình. Tôi không muốn nội bộ xào xáo nên viết đơn từ chức, những người chống tôi nhờ một người theo công giáo viết bài gửi đến nhật báo Chánh Đạo ở Cali, nói xấu tôi, chủ yếu là theo CSVN. Báo Chánh Đạo in và phát hành vào dịp có đại Hội Phật Giáo ở Cali, trong Đại Hội đó có anh Phan Cảnh Tuân nguyên là Thiếu Tá thuộc Sư Đoàn 7 BB, anh tức tốc gửi tờ báo cho tôi và căn dặn tôi tuyệt đối im lặng.

Người ta thường so sánh rằng 1 người Việt sẽ hơn 1 người Nhật, 2 người Việt bằng 2 người Nhật, nhưng 3 người Việt sẽ thua 3 người Nhật. Có nghĩa là nhiều người Việt sẽ không có sự đoàn kết. Người Việt mình có tính tự tôn, không muốn ai bằng mình hoặc hơn mình, ai mà có tài hơn mình phải tìm cách hạ người đó.

Hôm trước Tết có anh bạn từ Florida sang, trước khi đi anh cho biết sẽ dự lễ thăng cấp Dũng của một anh đang sinh hoạt GĐPT tại chùa Từ Ân, anh ấy cho biết sẽ đến nhà thăm tôi vào buổi chiều, còn buổi sáng lễ thì anh được thăng cấp sẽ mời tôi.

Sáng hôm chủ nhật đó, tôi cũng muốn đến chùa dự lễ thăng cấp, nhưng do đêm trước trời đổ tuyết, sáng ra nhà tôi và con tôi khuyên không nên lái xe vì trên đường có tuyết trơn trợt, nên tôi không đến chùa dự lễ. Đến gần 12 giờ, tôi đến chùa để rước anh bạn, lúc ấy mọi người đang thọ trai, tôi được mời ngồi vào bàn, nhưng không thọ trai.

Sau khi thọ trai xong, mọi người ăn tráng miệng và trò chuyện, tôi không nhớ do đâu, tôi nói rằng tôi sang Mỹ theo diện HO, nhưng tôi đi học tập cải tạo có 2 năm, 2 tháng, 20 ngày. Anh vừa được thăng cấp Dũng ngồi tay trái bên cạnh tôi liền nói:

- Tôi biết anh không phải đi diện HO.

Tiếp theo một anh ở tiểu bang khác, đến dự lễ, anh ta đứng lên trang trọng nói:

- Tôi đi học tập cải tạo 8 năm, tôi biết ai không đủ 3 năm sẽ không được đi diện HO ….

Do đó tôi có viết bài: Tôi đi Mỹ theo diện HO. Để nói rõ việc nầy. Người cao niên thường nhớ nhớ quên quên, tôi lại bị tiểu đường, bệnh nầy dễ dẫn đến Alzheimer, cho nên mọi việc tôi cố nhớ lại, nhưng có khi nhớ được, có khi không.

Tại phi trường Tân Sơn Nhất ngày 2-4-1991

Khi tôi rời Việt Nam tại phi trường Tân Sơn Nhất ngày 2-4-1991 có thân nhân và bạn bè đưa tiển, sang thủ đô Bangkok trước tiên là ký giấy nợ đi máy bay, ngay tại bãi cỏ ngoài sân phi trường, sau đó họ đưa về nơi tạm trú, mỗi ngày ăn 3 bửa, mỗi bửa cơm trắng với 1 cái hột gà và có canh lỏng bỏng vài cọng rau xanh, những ngày nầy họ dạy để biết lối sống ở Mỹ, biết đồng dollar …

Đến ngày 9-4-1991, chúng tôi được đánh thức lúc 3 giờ sáng, sau đó họ đưa ra phi trường Bangkok, lên máy bay Thái Lan bay sang San Francisco, khoảng 8 giờ sáng phi cơ đáp xuống phi trường, làm thủ tục nhập cảnh, khoảng 11 giờ được lên phi cơ khác, ra phi đạo phi cơ bị trục trắc, tiếp viên dọn phần ăn trưa, họ cho biết sau khi ăn, ai muốn đi tới nơi sớm thì đi đến Minnesota, ngủ tại đó để sáng hôm sau đi tiếp về nơi mình định cư, còn ai chưa muốn đi sẽ được đưa về khách sạn ngủ qua đêm, ngày mai đi tiếp.

Gia đình tôi chọn đi sớm, nên đã đáp phi cơ đi Minnesota, hôm sau bay đến Missouri, từ đây bay tiếp về Louisville, có thân nhân đón tại phi trường, rồi về chung cư do chị tôi thuê sẵn cho chúng tôi cư ngụ.

Thân nhân đón gia đình tôi tại phi trường Standiford Field (SDF). Louisville ngày 10-4-1991

Trở lại việc anh bạn ngồi bên cạnh là người sống cùng tôi tại thành phố nầy, anh nói tôi không phải HO, khẳng định nầy dễ làm cho người ta đáng tin, vì anh ta đi theo diện HO lại sống ở gần tôi.

Chắc chắn vì điều nầy khiến cho tôi cảm thấy khó chịu, vì như vậy là tôi đặt điều nói dối. Là người Phật tử, đó là một trong 5 giới luôn phải tôn trọng.

Tôi muốn giữ cho tâm mình luôn thanh tịnh, tránh mọi buồn phiền. Đó cũng là cách sống tốt cho mọi người. Cuộc đời của mình, mình biết thì hơn. Mọi chuyện nên buông bỏ, sống với hiện tại.

866423022024






 

Monday, February 19, 2024

Tính tò mò

Tôi không biết chính xác kể từ lúc nào, tôi có chút tò mò, sáng vào lúc 7 giờ 15 xe School bus đón học sinh tới trường và trưa vào lúc 2 giờ 45 xe ấy sẽ chỡ học sinh về chỗ đã đón các em.

Đã lâu rồi nhưng hình như tôi vẫn còn nhớ, sáng vào lúc 8 giờ 20 học sinh sẽ vào lớp, khoảng 11 giờ ăn cơm trưa nửa tiếng rồi vào lớp học tiếp cho tới 2 giờ 20 thì tan trường.

Nhà học sinh nào cách xa trường sẽ được xe đưa đón tới trường và trở về nhà, thường ở Mỹ trường không xa nhà dân, nhà trong khu vực trường nào thì đi học trường đó, nhưng học sinh cũng có thể chọn trường xa nhà, trường hợp nầy học sinh phải đi một đoạn xe của trường khu vực nhà mình, rồi tới điểm chuyển tiếp, đổi xe để tới trường.

Học sinh cấp mẫu giáo cũng có xe đưa đón, nhưng cha hay mẹ phải đích thân đưa con tới điểm xe đón và khi tan trường cha mẹ phải có mặt đón con, nếu một em học sinh mẫu giáo không có phụ huynh đón tại chỗ xe đưa về, học sinh đó sẽ được đưa tới một địa điểm khác, phụ huynh đến đó đón về. Những xe đưa rước học sinh mẫu giáo, trên xe luôn có một bảo mẫu, tận tay đón, dắt em học sinh đưa lên xe, cũng như khi xuống xe, bảo mẫu phải dắt em đó trao tận tay cho phụ huynh.

Vì có những luật lệ khắt khe, nên các em nhỏ thường được gửi học ở trường tư thục đa số là các nhà thờ, phụ huynh sẽ tiện đưa đón con em mình thích hợp với việc đi làm của phụ huynh. Đó là lý do vì sao người Mỹ không thích có con nhỏ, dần dần lại thích không sinh con, từ đó dẫn đến thiếu nhân công, dẫn đến tình trạng khuyến khích nhập cư và nhập cư lậu.

Trở lại việc đưa rước học sinh ở Mỹ chỉ tới bậc Trung học, cũng như học sinh hoàn toàn được miễn phí từ mẫu gíao đến Trung học. Việc ăn trưa ở trường có chính sách lương của phụ huynh đến mức nào đó thì được miền đóng tiền, đến mức nào đó phải đóng tiền. Dù phải đóng tiền hay không phần ăn giống nhau và thức ăn do các em tự chọn cũng như ăn buffet ở nhà hàng vậy.

Bên cạnh nhà tôi là một ngã ba, nên mấy năm trước, ngay góc nhà tôi là điểm xe đưa đón học sinh, thỉnh thoảng tôi thấy có vài học sinh đợi xê đến đón vào lúc 7 giờ 15 và buổi trưa đưa các em về lúc 2 giờ 45. Do thời tiết vào mùa Đông có hôm trời lờ mờ đã thấy các em đón xe, nhưng trời mùa hè sáng rõ mới thấy các em đón xe.

Khi xe đưa đón học sinh chạy có đèn chớp tắt nhưng khi xe ngừng xe sẽ đưa ra cái bảng STOP mọi xe 2 chiều phải dừng lại, nếu xe nào vượt qua sẽ bị cảnh sát phạt nặng.

Về giờ thì chúng ta cũng nên nhớ vào mùa Đông giờ của Mỹ dung đúng, nhưng vào mùa Hè thì giờ của Mỹ kéo lên cho chạy sớm hơn 1 giờ. Cụ thể:

Đổi giờ ở Mỹ là sự kiện hằng năm của nước Mỹ diễn ra 2 lần, lần lượt vào tháng 3 và tháng 11. Mục đích của việc này chủ yếu để tiết kiệm nguồn năng lượng thắp sáng khổng lồ.

Quy ước thời gian đổi giờ là 2h sáng ngày chủ nhậtLần 1 là ngày chủ nhật thứ hai trong tháng 3. Lần 2 là ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 11.

Năm vừa rồi, địa đìểm đưa đón học sinh ở trước nhà tôi được đời đi tới ngã ba kia, cách nhà tôi chừng 200 thước. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy học sinh đón xe đi buổi sáng sớm có khi trời lờ mờ, phải nhờ ánh đèn xe mới thấy dạng các em.

Sáng nay khoảng trước 7 giờ 15, trời sáng rõ, tôi không thấy có em học sinh nào đứng đón xe, chờ một lúc cũng không thấy có xe đón học sinh, tôi nghĩ có phải hôm nay là ngày lễ không. lễ thì các em nghĩ học, mà ngày lễ gì ?

Tôi ngồi vào ghế, mở computer ra, hôm nay là ngày Thứ Hai 19 tháng 2 năm 2024, tôi gõ máy tìm:

Hôm nay 19 tháng 2 năm 2024 là lễ gì của nước Mỹ ?

Và đã tìm thấy:

Các ngày nghỉ lễ năm 2024

Tết Dương lịch

Thứ hai, ngày 1 tháng 1 năm

Ngày sinh của Martin Luther King, Jr.

Thứ hai, ngày 15 tháng 1

Ngày các Tổng thống

Thứ hai, ngày 19 tháng 2

Ngày César E. Chávez

Thứ hai, ngày 25 tháng 3

Lễ Chiến sĩ Trận vong

Thứ hai, ngày 27 tháng 5

Ngày Quốc khánh Juneteenth

Thứ tư, ngày 19 tháng 6

Lễ Độc lập

Thứ năm, ngày 4 tháng 7

Lễ Lao động

Thứ hai, ngày 2 tháng 9

Ngày Dân tộc Bản địa

Thứ hai, ngày 14 tháng 10

Ngày Cựu Chiến binh

Thứ hai, ngày 11 tháng 11

Đêm Lễ Tạ ơn

Thứ tư, ngày 27 tháng 11 (đóng cửa lúc 4 giờ chiều)

Lễ Tạ ơn

Thứ năm, ngày 28 tháng 11

Đêm Lễ Giáng sinh

Thứ ba, ngày 24 tháng 12 (đóng cửa lúc 4 giờ chiều)

Lễ Giáng sinh

Thứ tư, ngày 25 tháng 12

Tết Dương lịch

Thứ tư, ngày 1 tháng 1 năm 2025

Do hôm nay là ngày lễ Tổng Thống nước Mỹ là ngày sinh nhật của Tổng Thống George Washingyon, tưởng cũng nên ghi rõ sự kiện nầy:


George Washington (1732-1799)

Ngày 15 tháng 2 đã được quốc hội định ra là ngày lễ tổng thống Hoa Kỳ, thực ra đây là ngày lễ mừng sinh nhật của vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ là TT George Washington. Ngày lễ tổng thống này được chọn rơi vào ngày Thứ Hai tuần lễ thứ ba của tháng 2, vì vậy hàng năm, có ngày thứ hai không rơi vào ngày 15, miễn làm sao là phải thứ Hai của tuần thứ 3.  

Nguồn gốc của lễ tổng thống được truy về thập niên của 1880, khi TT thời đó chọn ngày sinh của TT George Washington làm ngày lễ quốc gia. George Washingon từng lãnh đạo quân đội trong cuộc cách mạng giành độc lập khỏi sự đô hộ của Anh Quốc vì vậy, với chiến thắng quan trọng nhất của nước Mỹ, tướng Washington được bầu làm TT và trở thành một trong những nhân vật vĩ đại nhất của Hoa Kỳ. 

866419022024






 

Saturday, February 10, 2024

Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024

Hôm nay ngày Mồng Một Tết Giáp Thìn, chúng tôi có hẹn nhau đi chùa. Con rễ thứ ba của tôi và cháu ngoại gái từ thành phố Lexington cách thành phố Louisville nơi nhà tôi lái xe chừng 1 giờ 15 phút, cùng với con trai thứ tư của tôi và con gái út hẹn nhau đi chùa.

Họp mặt đông đủ như đã hẹn, chúng tôi rời nhà hơn 9 giờ sáng, chừng 20 phút sau đến chùa. Có lẽ gia đình chúng tôi đến chùa sớm nhất vào ngày Tết Nguyên Đán năm nay.

Sau khi tôi lễ Phật ở Chánh điện xong, vào Hậu tổ lễ chư Tổ, khi trở ra Chánh điện mới thấy có 3 nữ Phật tử đến chùa lễ Phật.

Sau khi ni cô Phước Ngọc trao lộc Phật đầu năm cho chúng tôi, chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm rồi cáo từ ra về. Năm nào cũng vậy gia đình chúng tôi luôn đi lễ Phật ở chùa vào sáng sớm.

Ni cô Phước Ngọc cho biết đêm hôm qua nhiều Phật tử đến chùa đón Giao Thừa, cô làm tôi nhớ lúc còn ở Việt Nam vào thập niên 1970 và 1980, cứ đến Giao Thừa tôi cúng kiến gia tiên xong liền đưa các con cùng đi chùa Giác Minh rồi chùa Xá Lợi để lễ Phật đầu năm. Vì nhà chúng tôi ở Cư xá Đô Thành nằm phía sau Bệnh viện Bình Dân, vì nằm giữa hai ngôi chùa nầy, nên chúng tôi luôn đi bộ.

Trước 1975, thời điểm giao thừa nhà nhà đốt pháo, tiếng pháo nổ dòn tan và khói bay mù mịt, sau 1975 không còn đốt pháo, nhưng có tệ nạn đi chùa hái lộc, nên những chậu quất, chậu vạn thọ chưng tết ở chùa bị xát xơ thảm hại, thêm nữa hình như một số người từ Bắc vào Nam, họ đi chùa đốt nguyên cả bó nhang, lại cắm nhang tứ tung, làm cho khói bay mù mịt từ trong chùa ra đến ngoài sân.

Ni cô Phước Ngọc định gọi Thầy trụ trì báo với Thầy có chúng tôi đi chùa lễ Phật, tôi biết tối qua Thầy thức khuya, nên yêu cầu cô đừng báo cho Thầy trụ trì. Rồi chúng tôi xin phép ra về. Ni cô biết nhà tôi không được khỏe nên không đi chùa lễ Phật đầu năm được, do đó ni cô hện sẽ cùng Thầy trụ trì đi thăm nhà tôi sau.

Khi chúng tôi lên xe, tôi thấy Thầy trụ trì đang lễ đức Quán Thế Âm, tôi liền xuống xe chào Thầy, chúc Tết thăm hỏi vài câu rồi xin phép ra về.

Về tới nhà chừng 20 phút sau, con gái thứ bà của tôi mới chỡ thằng cháu ngoại đến. Do cháu không dậy sớm được, vì hôm qua đi làm về trễ. Hai đứa cháu nội thì cũng vậy, ngoài giờ học tranh thủ đi làm thêm, kiếm tiền bỏ túi tiêu xài lặt vặt để biết giá trị của đồng tiền.

Chúng tôi đã chụp một tấm ảnh, kỷ niệm ngày đầu năm họp mặt. Nghe hai con gái tôi lập chương trình trong năm nay sẽ chụp một tấm ảnh chỉ có riêng cha mẹ và chị em chúng. Ước muốn đơn giản vậy mà gần 30 năm qua chúng tôi chưa thực hiện được. Năm nay thì chắc sẽ được.


866410022024

 

 

 

 

 


Friday, February 9, 2024

Cung Chúc Tân Xuân Giáp Thìn 2024


 

Ngày cuối năm Quý Mão 2023

Hôm nay là ngày cuối năm Quý Mão, còn vài tiếng đồng hồ nữa là Giao Thừa (chữ Hán: 交承) có nghĩa là "Cũ giao lại, mới tiếp lấy – Lúc năm cũ qua, năm mới đến. Người ta thường dùng danh từ đón Giao Thừa, tức là đón thời điểm năm cũ bước qua, năm mới bước đến.

Đêm cuối năm, tháng thiếu là 29 còn tháng đủ là 30 cũng gọi là Đêm trừ tịch. Trừ tịch (除夕) với "trừ" nghĩa là thay đổi, hoán đổi và "tịch" là đêm, "trừ tịchnghĩa là đêm của sự thay đổi, đêm của thời khắc giao thời.

Đương nhiên là chúng tôi đã nói đến năm tháng ngày giờ theo cách tính xưa, chính xác hơn là theo Trung Hoa. Người xưa tính thời gian theo Can, Chị. Gọi là Thiên Can và Địa Chị Can có Thập Can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý và Thập nhị Chi là Tý (con chuột), Sửu (con trâu), Dần (con cọp), Mão (con mèo hay con thỏ), Thìn (con rồng), Tỵ (con rắn), Ngọ (con ngựa), Mùi (con dê), Thân (con khỉ), Dậu (con gà), Tuất (con chó), Hợi (con heo). Người xưa ghép mỗi năm một Can đi với một Chi, như vậy giáp chu kỳ là 60 năm.

Như vậy chu kỳ về năm đầu tiên là Giáp Tý, còn tháng đầu tiên của mỗi năm là tháng Dần và người xưa tin rằng sự tuần hoàn trong vũ trụ về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh xảy ra cũng lập lại như sự tuần hoàn, vì vậy người xưa có Tử vi, bói dịch họ căn cứ vào sự tuần hoàn của vũ trụ ảnh hưởng đến vạn vật.

Nói đến Miền Tây nước Việt cũng như Thất sơn huyền bí thì người ta căn cứ vào lời nhà Bác vật Lưu Văn Lang cũng như Sấm ký của Trạng Trình hoặc Sư vải bán khoại hoặc của Huỳnh giáo chủ, những youtubers ngày nay và tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tìn rằng sẽ có ngày Núi Cấm nổ, cung vàng điện ngọc sẽ hiện ra, một vị Phật sẽ xuất thế, vị Phật ấy không ai khác hơn là Phật Di Lặc, thế giới sẽ an vui, vạn vật thái bình.

Theo sấm ký đó, người ta tin rằng khi cung vàng điện ngọc lộ ra, sẽ có 18 nước đem quân đến để tranh giành, vàng bạc châu báu. Nên nhớ rằng đức Phật Thầy Tây An có sai đệ tử là đức Cố Quản Trần Văn Thành (  ? – 1873) cắm 4 cây thẻ ở 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc và cây thẻ trung ương, đức Phật Thầy khuyên mọi người không nên sinh sống trong vùng 4 cây thẻ đó, vì núi nổ ra, đá bay cát chạy sẽ giết hại con người.

Căn cứ vào sấm giảng của Huỳnh giáo chủ có những câu nhiều người đã biết:

Mèo kêu bá tánh lao-xao,
Đến chừng rồng rắn máu đào chỉn ghê.
Con ngựa lại đá con dê,
Khắp trong trần-hạ nhiều bề gian-lao.
Khỉ kia cũng bị xáo-xào,
Canh khuya Gà Gáy máu đào mới ngưng.
Nói ra nước mắt rưng-rưng,
Điên biểu dân đừng làm dữ làm hung.
Việc đời nói chẳng có cùng,
Đến sau mới biết Đây dùng kế hay.
Bây giờ mắc việc tà-tây,
Nên mới làm vầy cho khỏi ngại-nghi.
Thiên cơ số mạng biết tri,
Mà sao chẳng chịu chạy đi cho rồi?

Năm Mèo sắp qua, năm Rồng, năm Rắn sắp tới, cầu mong cho thiên hạ được an bình, nhà nhà an vui, người người ấm no, hạnh phúc.

866409022024







Thursday, February 1, 2024

Hối hận không nguôi

Vài năm nay, tôi có 2 chuyện lấy làm tiếc, nguyên nhân do mình nhớ nhầm hay không nhớ, người cao niên thường nhớ nhớ quên quên. Còn quên luôn chẳng hạn như đi lạc không biết đường về, ăn rồi mà quên tưởng mình chưa ăn hoặc như cựu Tổng Thống Ronald Reagal không nhớ rằng mình từng là Tổng Thống Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ, bệnh nầy có tên là Alzheimer.

Chuyện của tôi là 2, 3 năm trước, tôi gặp lại một em cựu học sinh của Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, tôi hỏi thăm về thân phụ của em ấy, em đã trả lời :

-         Thưa Thầy ! Ba con mất năm rồi.

-         Mất ở đâu ?

-         Dạ thưa thầy mất tại nhà ở Việt Nam.

-         Xin lỗi ! Vậy mà từ lâu nay tôi tưởng ba em và gia đình đã đi Mỹ, vì từ lâu tôi không gặp các em, nên tôi không rõ tin tức. 

Đó là lần tôi gặp lại Phạm Việt Mỹ trong buổi họp mặt Tri Ân Thầy Cô của Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ và Trung tâm Chuyên nghiệp Phan Đình Phùng, trong dịp Ngày Nhà Giáo Việt Nam, nên thầy trò có dịp gặp nhau.

Tôi ân hận vì từ năm 1995 tôi đã trở về thăm Việt nam và sau khi về hưu năm 2009 hàng năm tôi đều có về Việt Nam thăm thân nhân và bạn bè, vậy mà tôi không nhớ, không có một lần thăm anh Phạm Văn Sự nguyên Hội Trưởng Hội phu huynh và giáo sư Trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ.

Ngoài chức vụ Hội Trưởng đó, anh còn là Cựu học sinh Trường Kỹ Thuật Cao Thắng, là đàn anh của tôi trong ngành Quân Cụ.

Phạm Văn Sự - Huỳnh Ái Tông

Nhưng tôi có kỷ niệm sâu đậm hơn hết với anh là vào tháng 4 năm 1975, có thể là vào ngày 20 hay 24 anh và tôi chỉ có 2 người ngôi bên nhau tại quán bia trên đường Nguyễn Du, trước cổng vườn Tao Đàn, lần đó anh đã cho tôi biết đon vị Quân cụ của anh yểm trợ tất cả các đơn vị thuộc biệt khu Thủ đô, chỉ có thể cung cấp đạn dược cho Pháo binh bắn trong vòng 30 phút. Như vậy theo anh việc cung cấp đạn dược rất căng để bảo vệ thủ đô Sàigòn. Theo anh, nhừng đơn vị khác chắc còn tệ hơn!

Tôi còn nhớ sau 30 tháng 4 năm 1975, tôi còn đến nhà thăm anh ở đường Võ Di Nguy Phú Nhuận, anh đang trông nom ngôi trường Tiểu học tư thục của anh.

Rồi tôi đi học tập cải tạo, lúc trở về mãi lo cơm áo gạo tiền, tôi không nhớ để thăm anh và cũng không ai nhắc đến anh, nên tôi quên anh luôn cho đến khi gặp lại Phạm Việt Mỹ con của anh, tôi thật sự ân hận và hối tiếc mình đã quên một bậc đàn anh đáng mến, trong những giờ phút nước sắp mất nhà sắp tan vẫn còn ngồi bên nhau tâm tình về vận nước nổi trôi. Vậy mà tôi đã quên anh Phạm Văn Sự Cựu Hội Trưởng Hội Phụ huynh và giáo sư Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, Thiếu Tá Chỉ huy phó Đơn vị Quân Cụ Yểm trợ Quân khu Thủ đô. Đáng trách và tôi đáng tiếc không có một lần thăm lại anh. Anh có 2 con trai học tại Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ là Phạm Việt Hùng và Phạm Việt Mỹ.

Lại một chuyện khác, xảy ra chừng 10 năm trở lại đây, thỉnh thoảng về Việt Nam, tôi đi thăm giáo sư Trần Phác Lạc, anh Lạc tốt nghiệp Sư Phạm Kỹ Thuật Ban Kỹ Nghệ Họa khóa 1, tôi khóa 3. Trước 1975, thời đi dạy học, lúc cùng dự hội thảo, lúc cùng dự Hội đồng Giám Thị, khi cùng dự Hội đồng Giám khảo nên thỉnh thoảng gặp nhau, hoặc cùng nhau họp mặt ở nhà hàng ăn uống, trở nên thân tình.

Có lần anh mời tôi tới nhà anh dùng bữa cơm thân mật, anh cho biết có thêm giáo sư Trần Công Lan cùng với anh dạy ở Kỹ thuật Cao Thắng. Xin nhắc thêm, chị Triệu Thị Chơi giáo sư Nữ công Gia Chánh cũng tốt nghiệp Sư Phạm Kỹ Thuật cùng khóa với tôi, là phu nhân của anh Lạc.

Trong bữa ăn anh Lan kể cho tôi nghe chuyện anh được thời, làm giàu khi buôn bán Dollar ở Kios trên đường Nguyễn Huệ, anh có nhiều cây vàng cất giữ trên trần kios, có xe Peugeot 504. Sau 1975, xe gửi người ta đi ngang không dám nhìn nó, đúc mới nấp cống bể để cho bà con đi lại được an toàn, nhưng thật ra giấu vàng cây trong đó, để tránh bị đánh “Tư sản mại bản”.

Vậy mà năm sau và vài năm sau đó, anh và tôi đuợc mời tới dự Họp mặt Tri ân Thầy Cô của Trường KT Cao Thắng, gặp anh tôi không nhớ tên anh, đành lãng tránh để khỏi tiếp chuyện với anh Lan. Cũng là một chuyện đáng trách vì cái bệnh hay quên! Có thể anh giáo sư Lan sẽ nghĩ thầm: “Cái thằng cha vô tình, gặp lại mình mà không chào hỏi nhau, làm như chưa từng quen biết vậy !”. Sự thật không phải vậy đâu nghe anh Lan.  

Cựu Hiệu Trưởng Lê Đình Viện phát biểu

Không biết rồi đây còn những chuyện quên quên nhớ nhớ nào, sẽ gây buồn phiền cho những bậc thầy, đàn anh. Mong được sự thông cảm và tha thứ vì chứng bệnh của ngưiờ già gây ra.  

866402012024