Pages

Sunday, January 28, 2018

Họp Mặt Tân Niên 2018



Hôm Thứ Hai đầu tuần, tôi đã gặp Trần Xuân Minh, Tư Trung, Đặng Vĩnh Bửu ở tại Nhà hang Biển Đông 5 & 6 để chuẩn bị cho ngày họp mặt Tất Niên các đồng môn Kỹ thuật Cao Thắng nhập học khóa 1956-1963 và 1957-1964, đã hẹn sẽ gặp lại trong ngày họp mặt Tân Niên, thiệp mời quý Thầy và các bạn đã gửi xong. Năm nay, thầy Lê Văn Kiệt đã qua đời mấy tháng trước, đã mời được thêm thầy Nguyễn Xuân Khai.

Sau khi chia tay với các bạn, trong trí tôi ghi nhận ngày họp mặt Tân Niên năm nay sẽ là ngày 11-2-2018, cho nên tôi yên chí đi Long Xuyên, Tân An, Mỹ Tho.

Sáng nay nghỉ rằng: Có một ngày thảnh thơi, nên tôi đi hớt tóc và thăm thầy Cù An Hưng ở khu cư xá Lữ Gia. Khi về tới nhà được điện thoại của con gái tôi, báo cho biết: “Chú Bửu ở Cao Thắng gọi cho cha. Cha gọi cho chú ấy ngay”. Tôi nghĩ chắc có chuyện cần, nên Bửu mới gọi. Tôi vội gọi cho Bửu. Bửu được điện thoại của tôi, nói ngay : “Bộ anh quên hôm nay rồi hả ?” Bộ óc tôi làm việc nhanh. Như ậy hôm nay là ngày họp mặt, những năm trước gọi là Tất Niên, nhưng năm nay được gọi là Tân Niên năm 2018. Bửu nói tiếp: “Anh đến ngay đi ! Anh em chưa ăn còn chờ anh đó thôi !”. Tôi biết Bửu nói để thúc giục, nhìn đồng hồ đã hơn 12 giờ, tôi đáp ngay: “Tôi sẽ đến ngay !”

Thế là tôi vội vàng lên đường, thấy chiếc  xe Grab, vẩy tay gọi, xe ngừng lại, tài xế hỏi tôi đi đâu ? Tôi đáp: “Ra chợ An Đông”. Tài xế xin lỗi bỏ đi, một chiếc xe ôm dừng lại, tôi đi ngay. Trên đường đi bắt chuyện hỏi anh ta trước kia làm nghề chi, anh ta cho biết là giáo viên Trường Mạc Đỉnh Chi, đi khóa 4/72, học tập cải tạo thiếu mấy ngày đủ 3 năm, do đó xin  đi HO bị từ chối, năm nay anh ta 67 tuổi, cho nên anh ta chầm chậm chạy, tôi không hối vì như vậy được an toàn.

Đến nơi, nhìn thấy chỉ có 3 bàn, có Thầy Cô Lê Văn Thống, Nguyễn Xuân Khai. Vắng thầy cựu Hiệu trưởng Lê Đình Viện, Phạm Văn Sửu.

Thầy Nguyễn Xuân Khai, Thầy Cô Lê Văn Thống, Đặng Ngọc Trác (đứng phía sau)

Về phía đồng môn có:


Tư Trung, Đặnh Vĩnh Bửu, Huỳnh Ái Tông, Huỳnh Văn Nỉ, Nguyễn Tấn Á

Huỳnh Ái Tông, Nguyễn Xuân Thới, Đặng Ngọc Lợi, Trần Bình Lượng


Hàng ngồi: Thới, Lợi, Lượng
Hàng đứng từ trái qua phải: Tính, Tông, Gồng, Tường, Phát


 
Hướng, Nhiều, Tông, Hưng, Thoại, Phát


Nguyễn Đức Lộc, Huỳnh Ái Tông

 Huỳnh Ái Tông, Đỗ Thọ Bình

Phó Bảo, Hướng, Hưng, Nhiều

Trong ảnh còn thiếu vài anh như Nguyễn Minh Chiếu, Nguyễn Văn Tính, Trần Xuân Minh …


Rất nhiều dồng môn đã vắng mặt như Lê Thanh Ánh, Hồ Ngọc Điển, Đặng Ngọc Hữu, Ngô Phước Tường, Lê Tuấn Anh, Lâm Văn Tấn … và có một số anh em vừa mới xa đồng môn vĩnh viễn như Nguyễn Đắc Thận, Huỳnh Hữu Lộc, Nguyễn Thanh Hoàng, Trần Ngọc Bộ.

Mong rằng năm sau, anh em cố gắng tham dự đông đủ, mang lại cho nhau tình đồng môn ấm áp hơn.
866428012018




Thăm Thầy



Sáng nay ngày Chủ nhật 28-1-2018, tôi nghĩ có 1 ngày thong thả, do đó tôi đi cắt tóc ở khu Cư xá Lữ Gia và nhân tiện đi thăm thầy tôi Cù An Hưng ở đó, năm ngoái tôi đã đi thăm thầy nhưng do quên địa chỉ, tìm một lúc không nhận ra nhà nào là nhà thầy nên ra về, lần nầy trước khi đi, tôi ghi địa chỉ của thầy xuống tờ giấy nhỏ.

Khi đến tiệm hớt tóc, tôi đã nói sơ với anh Dũng, thợ hớt tóc tôi sẽ đi thăm thầy Cù An Hưng, vì chính anh thợ hớt tóc nầy, 5 hay 6 năm trước đã cho tôi địa chỉ của thầy. 
Tôi đến nhà thầy, bấm chuông có một phụ nữ ra mở cửa trạc tuổi 30, tôi hỏi cô ta là con hay dâu ? Cô ta trả lời là con gái của thầy. Cô ta mời tôi vào nhà, mời tôi ngồi, vào trong rót ly nước trà đem ra mời tôi dùng. Tôi phải đợi khá lâu mới thấy thầy Hưng từ nhà trong đi ra, bước đi rất chậm chứng tỏ chân thầy rất yếu.

Tôi chào thầy và xưng danh tánh, nhưng thầy không nhớ, mấy hôm trước điện thoại với thầy Khai, tôi xưng danh tánh, thầy Khai cho biết thầy có nhớ tôi, tôi hơi thắc mắc làm sao thầy nhớ mình, vì tôi không học giỏi, không nghịch ngợm, cho nên gặp lại thầy Vũ Mộng Hà vào năm 2015, hội ngộ CHS KTCT  Nam Cali, xưng danh tánh thầy vẫn không nhớ ra tôi, dưới mắt thầy tôi không phải là học sinh đáng nhớ, mặc dù thầy có dạy tôi ở KT Cao Thắng và Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, nay đã trên 50 năm rồi.

Khi trao đổi với anh thợ hớt tóc, tôi cho anh ta biết tôi nhỏ hơn thầy Hưng 1 tuổi, anh ta cho biết trông thầy Hưng còn khỏe hơn tôi nhiều, nay thấy thầy đi đứng chậm chạp mới biết nhận xét anh kia sai, có thể vài năm gần đây thầy không còn hớt tóc với anh thợ nầy.

Tôi thăm hỏi thầy về sức khỏe, thầy cho biết không có bệnh tật chi, chỉ có đôi chân hơi yếu. Mấy năm trước đi thăm, thầy vẫn còn dạy kèm tại nhà, nay hỏi, thầy cho biết đã nghỉ mấy năm nay. Thầy hỏi tôi về sách vở  ở Mỹ, về nhà xuất bản Đại Nam, hỏi tôi có đọc sách không ? Tôi cho thầy biết, tôi ở xa Cali, Texas, Virginia nên không có sách đọc, khi nào về đây mới mua sách.

Thầy hỏi tôi có đọc Võ Phiến không ? Có đọc Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, tôi trả lỡi có, nhn tiện giới thiệu với thầy tôi có soạn bộ sách Văn học Miền Nam 7 tập, mỗi tập dầy chừng 700 trang, bộ sách Hai mươi năm văn học miền Bắc gồm 5 tập và bộ Văn học Việt Nam cận và hiện đại gồm 7 tập.

Thầy hỏi tôi có đọc Trại súc vật của George Orwell, biết tôi chưa đọc, thầy đi vào trong nhà lấy đem cho tôi tập sách nầy.


Rồi thầy lại lấy tập truyện 1984 cũng của George Orwell đem ra cho tôi.


 Thầy hỏi tôi có thích đọc thơ không, tôi trả lời có đọc nhưng không nhiều, thầy cho biết thầy thích đọc thơ hơn văn vì nó xúc tích, cho nên thầy đã dịch nhiều bài Thơ Đường, việc nầy tôi có biết, có một trang nhà cuanhung.com, trên trang web nầy, tôi đọc được nhiều bài thơ Đường thầy đã dịch và còn có bản dịch Chinh phụ ngâm. Thầy lại vào trong, đem ra một xấp giấy photocopy, thầy đã sao chép thơ Đường của thầy dịch, thầy cho biết công trình dịch thơ của thầy từ năm 1996 cho đến nay, rồi thầy cũng cho tôi bản nầy, tiếc rằng nó không có chữ Hán.



Lần nầy tôi không có mang máy theo nên không chụp ảnh thầy, tôi có nhớ, nhưng ra về mà vẫn không chụp ảnh thầy cho các đồng môn xem, nên thấy tiếc vi  bỏ mất cơ hội.

Đối với tôi, đây là ngày đáng nhớ vì thầy đã cho tôi sách giá trị của nhà văn danh tiếng George Orwell, lại còn cho tôi một bản thảo của những bài thơ Đường, thầy đã bỏ công dịch trong hai mươi năm qua.
866428012018





Saturday, January 27, 2018

Tảo mộ



Nhà tôi gốc gác ở Tầm Vu, Long An hàng năm về Việt Nam, chúng tôi đều có đi Tân An để thăm viếng mộ nhạc mẫu của tôi ở Tầm Vu, ngày xưa chôn cất trong phần đất nhà, những năm tản cư 1945-1950, rồi “người cày có ruộng”, rồi “đổi đời” năm 1975, nay phần mộ nhạc mẫu tôi nằm trong vườn nhà người ta, mỗi lần thăm viếng mộ phải xin phép chủ nhà, đi vào nhà họ rồi mới ra sau vườn thăm viếng mộ.

Nhạc mẫu tôi là con gái của ông Đốc Kỉnh với cô giáo Nên dạy tại trường tỉnh Tân An, đi học ở trường Áo Tím, Sàigòn. Còn nhạc gia tôi là cháu ngoại của ông giáo ở Tầm Vu, nên được đi học ở Pétrus Ký, Sàigòn. Nhng ngày lễ, ngày nghỉ họ đi về quê bằng xe lửa đường Sàigòn-Mỹ Tho, nên họ đã quen biết nhau, tình yêu nảy nở từ thuở học trò, kết quả tốt đẹp với cuộc hôn nhân. Nhạc mẫu tôi sinh được 2 người con, nhà tôi và cậu em trai, nhưng nhạc mẫu tôi lâm trọng bệnh vào “cuộc cách mạng mùa Thu” nên đã qua đời, tuổi mới ngoài 20, được an táng trong đất nhà gần chợ Tầm Vu, còn đứa em trai chưa đầy thôi nôi cũng mất sau đó, vì thiếu sữa mẹ, bú mớm sữa dê bị “hàn” nên sinh bệnh rồi tử vong trong khi “tản cư”.

Trước khi đến Tầm Vu, chúng tôi ghé nhà bà con ở tại chợ Tân An, để rước người bà con nầy cũng ở Mỹ về, cùng đi Tầm Vu thăm lại “người xưa cảnh cũ”. Tân An mà tôi biết nay là Long An đường sá mở mang, nhà cửa sửa sang, cất mới, khoát lên bộ mặt tươi trẻ, đầy sức sống, khác hơn trước 1975, bộ mặt gìa nua cằn cỗi của một thành phố do người Pháp để lại và do chiến tranh gây nên, tạo ra sự bất ổn, không có “an cư lạc nghiệp”.

Mộ của nhạc mẫu tôi là ngôi mộ cải táng trong phần đất nay thuộc chủ quyền người khác, nên xây cất khiêm nhường.
 


Sau khi viếng mộ ở Tầm Vu, chúng tôi đi Mỹ Tho cho người bà con và nhà tôi thăm người bà con khác ở góc đường Lê Lợi và Ngô Quyền tại Thành phố Mỹ Tho. Gặp ngày cúng cho đứa cháu nội của chủ nhà được 12 tuổi, nên người bà con cầm chân ở lại dùng cơm trưa. Hơn nữa lâu ngày mới gặp lại, nên họ ân cần hỏi thăm về sức khỏe, về gia cảnh của người nọ, người kia trong họ hàng, thân tộc. 


Sau khi dùng cơm xong, chúng tồi quay lại chợ Tân An để đưa người bà con về nhà, rồi chúng tôi đi thẳng lên Nghĩa Trang Vĩnh Nghiêm  Hóc Môn để viếng mộ ông bà nội, thân phụ và kế mẫu của nhà tôi.



Do từ thập niên 1950, tôi đi sinh hoạt  GĐPT Giác Minh, Đại Đức Tm Giác và Thanh Kiểm sau khi du học ở Nhật Bản về, đã có thời gian trú ngụ tại chùa Giác Minh, nên Đại Đức Thanh Kiểm biết tôi, khi ngài xuất bản sách Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ và Lịch s Phật Giáo Trung Quốc, ngài đã nhờ tôi tìm người trình bày bìa 2 quyển sách nầy, khi ngài chủ trương Tạp chí Đuốc Tuệ, tôi có cộng tác, nên năm 1979 nội tổ của nhà tôi mất, tôi đã mua một phần đất chôn cất nội tổ của nhà tôi hình như giá là 60 đồng, sau đó nhà tôi mua thêm 2 lot huyệt, để chôn cất thân phụ và kế mẫu.


Trong nghĩa trang nầy, tôi còn mua 2 lots huyệt chôn cất ông bà Bùi Văn Dương, nguyên Thanh tra Tiểu Học tỉnh Bến Tre, ông bà bị cướp giết chết ở khu Cư xá Sĩ Quan Chí Hòa vào thập niên 1980, để lấy tiền vượt biên. Ông Dương là em ruột của nội tổ nhà tôi.


Cũng trong nghĩa trang nầy, mỗi lần đến tôi đều đi viếng mộ phần của ông Nguyễn Đức Lợi, nguyên là Gia Trưởng GĐPT Giác Minh, tôi đã cộng tác mật thiết với bác nhiều năm trong các thập niên 1950, 1960, 1970. Bác cũng giúp đỡ tôi khi còn đi học, trong lễ thành hôn.


Trong nghĩa trang nầy, con gái của Bác cũng được chôn cất gần đó.


Bên cạnh nghĩa trang đang xây cất Tu viện Vĩnh Nghiêm bề thế, có lẽ 2 năm nữa mới hoàn thành, nào là Chánh Điện, Đông Lang, Tây Lang, nhà trù, tháp chuông, tam quan mỗi công trình đang xây dựng dở dang, cho thấy sẽ là tu viện lớn. Sau nầy, người ta sẽ nhớ đến công đức của Hòa Thượng Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm đã tạo dựng nên bước đầu.


Đó là một ngày chúng tôi đi thăm viếng và tảo mộ thân nhân của nhà tôi ở Long An, Mỹ Tho cũng như ở Hóc Môn. Người đã mất, nhưng “cây có cội, nước có nguồn”, chúng ta là con cháu phải có bổn phận thăm viếng mồ mả ông bà, người ta thường nói “sống có nhà, thác có mồ”.

866428012017