Pages

Sunday, September 30, 2012

Người đã ra đi



Mấy lúc gần đây, tôi bận hay nói đúng hơn đang mãi mê tìm tài liệu viết Văn Học Miền Nam 1954-1975, tôi đang viết đến tập thứ 5, đang tìm bài viết về Lưu Trung Khảo, quanh co lại vào Trang nhà Thất Sơn Châu Đốc, thú thật cũng nhiều tháng qua tôi không có bài mới cho Trang nhà của mình, thậm chí Blog của tôi, một hai năm qua cũng vậy. Lần nào vào Thất Sơn Châu Đốc, tôi cũng lướt qua xem mục Bài Mới, rồi xem qua mục Chia buồn, lần này tôi gặp Chia buồn cùng gia đình Quách Văn Tri, phút giây ngỡ ngàng dĩ vãng sống dậy trong tôi.

Năm học 1955-1956, tôi học lớp Nhứt Trường Nam Tiểu Học Châu Đốc đến nay đã trên 50 năm rồi, Quách Văn Tri với tôi ngồi cạnh nhau ở dãi bàn cuối cùng, trong dãi lớp tường xây, ngói móc, song song với đường Nguyễn Đình Chiểu.

Quách Văn Tri đứng hàng sau cùng (ở vị trí 12 giờ 05 phút)

Lớp học ấy, ngày nay tôi vẫn còn tấm ảnh, nhìn vào ảnh nhận ra được nhiều người, nhưng không nhìn ảnh, tôi chỉ có thể nhớ Quách Văn Tri, Quách Văn Phú em Tri, Châu Minh Quyền con thầy Châu Văn Tính, Quan em của Tỉnh Trưởng, Huỳnh Bảo Toàn con chú tôi, Trần Tái Xuân chủ nhân hiệu Bún Bò An Nam ở San Jose, Đổng cháu bà chủ lò bún ở đường rầy xe lửa, Lê Văn Khá con Thầy vở lòng Lê Văn Thọ của tôi, Tiên ở bên Cồn Tiên, Nhân, Thạnh, Dễ, Trần Văn Bé là anh chàng đậu Thủ khoa vào Trường Thủ Khoa Nghĩa niên học 1956-1957…

Năm 1994, Huỳnh Bảo Toàn cùng gia đình đi định cư ở Mỹ, khi đến phi trường Tân Sơn Nhất, Toàn và Tri mới gặp lại nhau, mới biết cùng đi Mỹ định cư, nhưng Quách Văn Tri được Hội Phật Giáo Hòa Hảo bảo lãnh bước đầu, nên định cư tại Maryland, còn Toàn thì bay tiếp về với tôi, trên phi cơ, Tri viết gửi cho Toàn chuyển đến tôi một lá thư mấy dòng thăm hỏi, Không có địa chỉ để tôi hồi âm,

Nhớ lại khoảng năm 1970 hay 1972, một hôm tôi dừng xe Honda ở ngã ba trên đường Trần Quốc Toản và Cao Thắng Sàigòn, trên chiếc xe jeep nhà binh bên cạnh tôi, Trung úy Quân Cảnh Quách Văn Tri và tôi nhận ra nhau sau gần 20 năm xa cách từ ngày rời khỏi mái Trường Nam Tiểu học. Chúng tôi trao đổi địa chỉ với nhau, tôi biết đơn vị Quân Cảnh của Tri nằm gần Trường Đua, trên đường Lãnh Binh Thăng.

Khi chúng tôi còn học chung với nhau, vài lần ngày Chủ nhật, tôi đạp xe từ nhà chú tôi ở tại chợ châu đốc, chạy xuống nhà Tri ở Mỹ Đức, thuở đó Mỹ Đức còn danh tiếng về nhãn và trầu, sau đó cứ mỗi lần đi xe từ Châu đốc lên Sàigòn mỗi năm mấy lượt, xe chạy xuống dưới đình Mỹ Đức ngừng lại ở một chỗ, nơi dó có lẽ là chủ vựa, họ đưa hàng 5, 7 giỏ cần xé trầu lên mui xe chở đi Sàigòn.

Đường xuống nhà Tri là con đường bắt đầu từ phía dưới bến Bắc đi Châu Giang, đường lộ đất chạy dọc theo sông Hậu, hai bên là nhà, vườn nọ liền vườn kia là những cột trầu, lá vàng ươm. chạy qua khỏi Đình Ông Bổn mấy căn là tới nhà Tri, nhà nằm phía bờ sông, trước khi vào nhà đi qua cái sân cũng trồng rất nhiều nọc trầu.

Mặc dù Tri, Phú và tôi học chung, nhưng hai anh em của Tri cách nhau khoảng chừng ba tuổi, nên Tri và tôi chơi với nhau, hồi đó tôi không thắc mắc sao Tri học trễ vậy ? Chúng tôi đi tắm ở sông, bên kia sông Tri nói là làng Khánh Hậu, hình như đó quê của Cải lương chi bảo Bạch Tuyết, cũng là quê của Trang chủ Thất Sơn Châu Đốc.

Sau này con gái Toàn lập gia đình, sinh sống ở Maryland, Toàn cho biết Tri bị tai biến, rồi Tri đi lại được, nhưng mấy năm trước Toàn trở lại thăm thì Tri đã dọn nhà đi nơi khác, mặc dù Toàn có nhiều bạn cùng quê Châu Đốc đang ở Virginia hay Maryland, nhưng họ không phải là bạn của Tri nên không biết Tri đã dọn đi đâu. Năm trước, tôi sang Virginia, muốn nhưng đành chịu không biết Tri ở đâu để thăm người bạn cùng lớp ngày xưa.

Nay được tin Tri đã qua đời, tuổi già càng ngày càng chồng chất, bạn càng lúc càng ít đi, tin Tri mất, tôi tự trách mình chưa quan tâm bạn đúng mức.

Năm nay, đối với tôi người thân Huỳnh Hữu Chí, bạn Quách Văn Tri đều là dân Châu Đốc đã vĩnh viễn ra đi, Chí tôi đã thăm năm ngoái đang chữa bệnh ở Sàigòn, anh em còn ngồi nói chuyện, Chí đã yếu nói chậm rải bên cạnh bàn nhiều chai lọ thuốc men, còn Tri hơn 40 năm chưa gặp lại, giờ thì vĩnh viễn. nguyện cầu cho cả hai sớm an nhiên nơi đất Phật

Louisvillẹ KY. Cuối tháng 9 năm 2012

Tuesday, September 4, 2012

Một chuyến đi Paris



Ngày 16-5-2012, ra phi trường lúc 11 giờ 30 đến 2 giờ 15 phi cơ cất cánh, lúc 3 giờ 50 tới phi trường Foster Dulles ở Virginia.
5 giờ 45 lên phi cơ  đến phi trường Charles De Gaulle lúc 7 giờ sáng ngày 17-5-2012. Có Cô Ba và Cô Năm của nhà tôi đi đón, đưa về nhà Cô Dượng Ba. Buổi chiều ra Park trước cửa nhà chơi. Có con lớn cô Ba là Chí Minh với vợ là Natalie và con nuôi Mayna gốc người Việt Nam tới chơi. Chí Minh và gia đình về, con kế là Chí Cường và vợ tới ăn cơm tối.
Ngày  Thứ Sáu 18-5-2012, sáng anh tôi gọi điện tới hỏi thăm, sau đó đi chợ Tàu Tang Frères ở quận 13, chủ nhân chợ Tang Frères là một người Tàu ở Lào, sau khi cộng sản lấy nước Lào năm 1975, ông ta chạy sang Pháp, mua lại cái Parking ngầm khu người Pháp không làm ăn được, sau đó ông ta cất bên trên làm chợ, rồi có những người Hoa, người Việt tị nạn chạy sang Paris, mua nhà phố quanh đó buôn bán, trở nên khu phố Tàu sầm uất ngày nay ở đường Choisy quận 13 nội thành Paris.
Chúng tôi có vào cửa hàng sách Khai Trí, vào cửa hàng bán băng Thúy Nga Paris.
Buổi trưa  điện thoại cho anh Đỗ Văn Bình, nguyên Hiệu trưởng Trung Tâm Chuyên Nghiệp Phan Đình Phùng và anh Nguyễn Mai Ninh nguyên giáo sư Trung Học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, cả hai đều là đồng nghiệp của tôi.
Buổi chiều lúc 4 giờ, anh tôi tới thăm rồi cùng anh đi bộ từ nhà Cô Dượng Ba, gần toà hành chánh quận Gentilly đến gần tòa hành chánh quận Ivry Sur Seine, để tới chung cư của anh, anh đưa về lúc 9 giờ đêm bằng Métro.
Ngày Thứ Bảy 19-5-2012 dùng xe bus 57 đi thăm tháp Effeil, uống café Le Champ des Mars trên đường phố gần tháp, rồi đi bộ dọc theo sông Seine đến công trường Concorde, vào vườn hoa Teuilleries Garden. Chuyến về đi Métro, chuyển xe một lần ở ga chính.
Ngày chủ nhật 20-5-2012 Buổi sáng đi mua bánh mì, đi quanh một vòng trở lộn về nhà, chưa tìm ra hiệu bánh, lại đi trở lui, mới mua được 3 ổ bánh mì bagette. Bánh mì bagette của Pháp ăn rất ngon, có thể nhờ bột mì, mỗi hiệu bán bánh mì cũng là lò nướng bánh. Buổi chiều chú Sáu đến với vợ là Annice, với đứa con trai và con gái. Ăn uống ở nhà.
Thứ hai 21-5-2012, trời mưa nên ở nhà nghỉ.
Thứ ba 22-5-2012, nhà tôi đi đưa Cô Năm ra phi trường trở về Cali. Tôi theo anh Ninh đi thăm viếng Notre Dame de Paris, Khải hoàn môn, khu Montmarte, Moulin Rouge, ăn mì xào ở quán China Town về đến nhà khoảng 11 giờ.
Thứ tư 23-5-2012, chúng tôi  đi với cô Ba và chú Sáu thăm các lâu đài Chambord, Amboise,Chenonceaux cách xa Paris chừng 200 cây số.
Thứ năm 24-5-2012, đi với cô Ba, chú Sáu, Annice viếng Mésume d’histoire Naturelle Galeaves des Paleontologie & d’Anatomie compare.
Thứ sáu 25-5-2012. đi với Cô Ba, Dượng Ba viếng Lâu đài Vincennes, Parc Floral de Paris, Temple Bouddhist nhưng do không có hẹn trước nên không vào được chùa nơi đây, là cơ sở Phật giáo quốc tế tại Pháp, do chư tăng Tây Tạng trụ trì.
Nghe nói nơi đây xưa kia hoàng tử Cảnh đã ở. Sau này có một người Pháp từng làm nhà băng ở Hà Nội, khi trở về Pháp đã lập nơi đây thành trung tâm Phật giáo.
Thứ Bảy 26-5-2012, Cô Dượng Ba đưa đi chùa Khánh Anh 14 Avenue Henri Barbusse 92220 Baigneux France và đi tham quan Château de Sceaux.
Château này đang sửa chữa nên chỉ đi xem phong cảnh bên ngoài, có một cuộc triển lãm hình chụp về sinh hoạt ở Paris hiện nay như nhà hát, một khu vườn nhà ai bỏ hoang, một người già đi dạo trên cầu nhỏ, sưu tập ba thế hệ máy sưởi trong nhà ở ... Toàn bộ khu rừng, vườn cảnh của Château rộng đến 200 mẫu tây.
Chủ nhật 27-5-2012, nghỉ ở nhà.
Thứ hai 28-5-2012, hôm nay ngày lễ, ở nhà đến trưa đi cùng vợ chồng Chí Minh đi ra Parc Montsouris nằm trên Đại lộ JOURDAN đối diện với khu Cité International Universitaire.
Thứ ba 29-5-2012, đi đến cửa hàng Lafayette và Printemps cả hai đều là cửa hàng có nhiều gian hàng, chủ nhân riêng như các Mall bên Mỹ, giá khá đắt, vào cửa hàng Lacoste, áo thung có đủ 24 màu, giá chót 105 Euro.
Trên đường về, ghé Notre Dame de Paris chụp ảnh ở điểm Zero của Paris, điểm này nằm ngay trước sân Notre Dame de Paris.
Thứ Tư 30-5-2012, sáng liên lạc với anh Lại Văn Bằng, chiều 2 giờ anh Bằng đưa về nhà ăn bánh kem, uống café, đi đến Trúc Lâm Thiền viện gặp Hòa Thượng Phước Điền, viếng tháp của HT. Thiện Châu, leo 108 bậc thang để lên đãnh lễ tượng Phật tổ lộ thiên, đến chùa Khuôn Việt gặp Thượng Tọa Thiện Quang, Tịnh Niệm. Được anh Bằng cho biết thêm là chùa Quan Âm do Hòa Thượng Chân Thường (thuộc Miền Vĩnh Nghiêm), từ Lào sang dựng chùa trước tiên tại Paris.
Thứ Năm 31-5-2012, đi với cô Ba Dượng Ba ra nhà thuốc của Chí Minh, đi ngang qua nhà ga xe lửa Lyon.
Buổi trưa cùng nhau dắt ra Jardin de l’Arsenal, xem những chiếc tàu đậu trên một nhánh sông đào thông với sông Seine, nhìn thấy một cột tháp kỷ niệm cuộc cách mạng Pháp năm 1879 tại khám Bastille, ăn cơm trưa tại Jardin de l’Arsenal, về nhà gói bánh tét.
Thứ sáu 1-6-2012, sáng anh Bình gọi điện thoại, hẹn mai đi chơi, vào nhà chú Sáu ăn cơm, có gặp Hoang Phong nói chuyện về kinh sách … ăn cơm rồi về nhà Hoang Phong xem vườn hoa, hái trái cherry, ăn dưa hấu.
Buổi tối đi ăn ở nhà hàng Phú Đô 201 Ave Choisy 94213, lần đầu tiên tự đi xe Bus từ Gentilly ra Place d’Italy. Ăn cơm tối với vợ chồng Bs Phan Khắc Tường, Bs Nguyễn Ngọc Quang, Bs Losez Trần Ngọc Liễu do vợ chồng Bs Tường mời. Bs Quang đưa về.
Thứ Bảy 2-6-2012, đi tham quan Paris với anh Đỗ Văn Bình, anh mua một cái vé ở Porte d’Italy, vé đi suốt ngày ngược xuôi, dùng chung cho Métro, Train, Bus giá 9.5 Euro. Trước tiên đi Métro đến Arc de Triomphe chụp ảnh, rồi thả bộ dọc đại lộ Champs Élysées, ghé vào xem triển lãm của Daniel Buren ở Grand Palais, ăn trưa ở vườn cây, ra đầu cầu Alexandre III, lấy Bus đi về nhà ga Saint Lazare lấy Métro đi Bibliothèque Fr. Mitterand, lấy xe lửa đi chùa Linh Sơn rồi đi xe bus 125 về nhà, đi hết các loại xe chỉ dùng có 1 cái vé.
Chủ Nhật 3-6-2012, hôm nay dự định đi Bảo tàng viện Louvre, mỗi tháng bảo tàng viện có 1 ngày vào cửa tự do, nhưng thời tiết xấu nên không đi, ở nhà. Sáng vợ chồng Minh đến chơi, ăn cơm, trưa dùng Yahoo Messenger nói chuyện với Bé May ở Jackson của Tennessee, chiều Cường và vợ tới ăn cơm.
Thứ Hai 4-6-2012, cùng Cô Dượng Ba đi Colmars cách Paris khoảng 800 cây số về hướng đông nam, nơi đó cách Nice chừng 160 cây số. Trên đường đi phải đi qua Lyon, một tỉnh phía Nam, cách Paris chừng 400 cây số. Ở Pháp Lyon đứng hàng thứ nhì chỉ sau Paris.
Qua khỏi Lyon và rời khỏi Autoroute 7A, có một nơi có bảng chỉ đường đi Avignon và một hướng đi Nion, chúng tôi đi hướng Nion rồi Gap rồi chuyển sang hướng khác, có một ngã ba chỉ đi Nice 101 cây số, chúng tôi đi về hướng chỉ Colmars, có đi ngang qua khách sạn nơi Napoleon đã từ đảo Corse cùng tùy tùng từ Ý sang đây ngủ qua đêm, khách sạn gắn bảng để thu hút du khách đến nghỉ nơi này. Pháp cũng như các nước Châu Âu họ rất chú trọng đến những di tích lịch sử, họ bảo tồn để khai thác ngành du lịch.
Colmars là một thung lũng núi non bao bọc chung quanh, là một làng nhỏ, dân cư chừng 200, nó cách xa biên giới với Ý có 30 cây số đường chim bay, ngày xưa thường bị quân Ý tấn công xâm chiếm, nên có 2 thành pháo thủ để bảo vệ. Hai thành này cách nhau chừng 300 thước, một ở dưới thung lũng một ở trên đồi. Cái dưới thung lũng có nhà dân sinh sống, cái trên đồi nhỏ hơn, hình như không có nhà dân.
Thứ ba 5-6-2012, đi dạo phố ở Colmars, vào thành pháo thủ xưa xem nơi nhốt tù, nhà thờ, Bưu Điện có tòa Mairie, một số nhà dân chúng ở và một số buôn bán. Đây gọi là thành pháo thủ mang tên La Porte de France xây năm 1648 đến năm 1846 lại xây cao thêm một tầng tháp, nơi đây có đồng hồ mặt trời, còn thành pháo thủ kia mang tên là La Porte de Savoire. Chúng tôi đi chợ phiên ở đây bán Thứ Ba và Thứ Sáu từ 9 giờ sáng tới 1 giờ trưa, mua cây cải ở chợ, bánh mì ở hiệu bánh rồi về.
Buổi chiều tiếp Dượng Ba cắt cỏ trong vườn chung quanh nhà.
Thứ Tư 6-6-2012, theo Cô Dượng ba đi Allos, đây là địa điểm vào mùa Đông người ta lên núi để trượt tuyết, có cáp treo chở du khách lên núi, rồi đi vào thị trấn Casttilane, đi chợ phiên ở đây, cô Ba Dượng Ba quen biết những người bán chợ phiên, cho đến những người có cửa hàng trong phố, vì trước đó Cô Dượng có cửa hàng bán trong phố này, mua vài trái cam, một chai dầu Olive 75 cl, vì quen nên người bán cho thêm một chai 25 cl, mua vài trái cam, fromage. Xong đi dạo phố, ở đây đường phố nhỏ hẹp. Cô Dượng gặp lại nhiều người quen, sau đó đi tìm bãi cỏ bên dòng sông Verdon ăn trưa.
Ăn xong đi đến hồ Casttillon, hồ rộng chứa nước để làm thủy điện, sau đó theo La Route de Crête để đi đến chỗ có nhiều chim đại bàng, nhưng hôm nay chỉ gặp 1 con mà thôi, nơi đây núi cao, sông Verdon ở dưới thật thấp, điểm cao 1280 mét so với mực nước biển.
Đây là vùng núi non, hôm nay đi rất hiểm trở, một bên là núi, một bên là sông Verdon, nhiều chổ xe chạy sát vách núi, lề bên kia là vực thẳm, đường xe chạy quanh co khúc khuỷu, cảnh núi non hai bên đường rất đẹp, có những nơi đá dựng thẳng tắp như bức tường của tòa Building cao, có nơi có cánh đồng với những ngôi nhà mái đỏ, mái lợp ngói ống, cũng có nơi lợp tôn, trông rất thanh bình. Đây là khu được đánh giá là có phong cảnh đẹp nhất Châu Âu chớ chẳng riêng gì nước Pháp.
Sau đó đi vòng về vì đường một chiều, rồi cũng trở lại đập chứa nước Casttillon, rồi đến làng Saint Andre có một bải tắm lý tưởng, vì trời còn lạnh nên chưa có người tắm, chúng tôi chỉ xuống bãi chụp ảnh, Cô Ba ghé sở thuế nhưng nơi đây đóng cửa, đến nhà ga Saint André để hỏi giờ giấc, chuyến tàu đi Nice, nhưng không có ai làm việc vì chưa đến thời điểm phục vụ khách du lịch. Từ đây chỉ còn 30 phút lái xe về nhà.
Một ngày đi chơi rất quý giá, được xem cảnh núi non hùng vĩ, cảnh đẹp và không khí rất trong lành vì có nơi còn hoang sơ, có nơi không người ở, chỗ có người ở là những làng nhỏ chỉ chừng 200 dân mà thôi, đa số họ sống nhờ vào khách du lịch.
Thứ Năm 7-6-2012, hôm nay buổi sáng ở nhà cắt cỏ trong vườn nhà Cô Dượng Ba, buổi trưa đi theo dòng sông La Lance. Có nhiều hoa dại rất đẹp, hoa màu vàng và hoa tím, cũng có một ít Bồ Công Anh. Sông La Lance phát nguyên trên nguồn cách không xa, mưa hay tuyết trên núi tan thì sông có nhiều nước, có khi gây nên lũ lụt, có năm cuồng lũ trôi cả nhà cửa cất ven sông, mùa này nước cạn bày cả sỏi đá ở lòng sông,
Cảnh núi non hai bên rất hùng vĩ, rừng được bảo vệ còn rất hoang vu, đến một đoạn có dòng thác từ trên cao nước đổ xuống cái hồ rất đẹp.
Buổi chiều khoảng hơn 4 giờ lại đi đến làng Thorame - Haut uống bia ở quán Bistrot de Pays, bia Đức Kronenbourg rất ngon, người bán quán trước có nhà và khách sạn gần nhà Cô Dượng Ba, sau làm ăn vở nợ, nhà bán, khách sạn cũng bán luôn để trả nợ, nay đi làm công cho người mợ. Do là hàng xóm nên hắn ta không tính tiền.
Sau đó đi tham quan hồ Thorame, hồ rộng cở hồ Xuân Hương ở Đà Lạt, chung quanh có một ngôi nhà 2 tầng, nay không có người ở, cảnh rất đẹp, hồ rất sạch, có hai người câu cá ở hồ.
Một ngày đi thăm thác Lance, hồ Thorame cả hai đẹp và hoang sơ rất đáng tham quan.
Ngày Thứ Sáu 8-6-2012, đi Nice vì xe lửa không có chạy tới Saint André, nên sáng sớm vào 7 giờ ra khỏi nhà, Dượng Ba lái xe đến nhà ga Annot, đi đường đèo quanh co khúc khuỷu, nhỏ hẹp có đoạn dài xe chỉ chạy một chiều, sau hơn 1 giờ lái xe, chúng tôi đến nhà ga Annot. Nhà ga chỉ có một nhân viên làm việc, anh ta vừa bán vé, vừa cầm bảng hiệu lệnh cho xe chạy hay dừng.
Chúng tôi là những người đầu tiên đến nhà ga, mua vé rồi ra sân ga dạo chơi, lâu lắm mới có khách lần lượt vài người tới.
Chờ đến 9 giờ 15 mới có chuyến xe từ Digne đến, lên xe này chạy tới Nice 11 giờ, rời nhà ga, đi đến chợ trái cây mua nho, cam, chuối bánh mì, fromage để mang theo ăn trưa ở vườn hoa.
Ra vườn hoa Albert 1er ngay sát bên bờ biển ngồi nghỉ và ăn trưa, chung quanh có nhiều học sinh tiểu học cũng đi tham quan, ăn trưa ở vườn hoa, chúng ngồi khắp bãi cỏ, ăn uống, đùa giởn dưới sự giám sát của thầy cô giáo và vài phụ huynh.
Sau khi ăn xong, Dượng Ba và tôi đi xem triển lãm sách của các nhà sách nhà xuất bản tại Nice, có một gian bán sách cũ, có hai cuốn sách bìa in hình có liên quan đến Việt Nam, tôi quên ghi tên tác giả và tựa sách, một bìa in hai phụ nữ gánh hàng, nền là Vịnh Hạ Long, bìa sách kia in hình một phụ nữ tóc vấn mặc áo dài đeo kiềng ở cổ và chiếc vòng ở tay.
Rồi chúng tôi ra bờ biển tham quan, xem phố phường và người ta ở bờ biển, nhiều người phơi nắng hơn là tắm có lẽ vì biển còn lạnh, nhìn ra xa có tàu lớn chở khách và cả xe hơi đi đảo Corse.
Sau đó chúng tôi đi dọc bờ biển, xem người ta phơi nắng và cảnh phố ven bờ, chúng tôi len lỏi vào khu phố cũ của Nice, đường xá hẹp, chỉ có đi bộ, nhiều cửa hàng bán đồ Gift và quán ăn.
Chúng tôi theo những bậc thang để lên lộ lớn, vào hiệu Subway uống café, tiện thể đi vệ sinh.
Sau đó chúng tôi đi len lỏi qua các khu phố, đi ngang qua Trung học Messana, là một Trường chuyên luyên thi để vào các trường lớn như Pont Chaude … rồi đi lần lần trở ra đường phố chính Jean Médecin để trở về nhà ga, trên phố này có những cửa hàng Mỹ như KFC, Mc Donal và cửa hàng Trung Quốc China Fast Food.
5 giờ 15, xe chúng tôi đi chuyển bánh, về đến Annot hơn 7 giờ 30, lấy xe hơi dùng đường khác chạy về cho an toàn hơn. Đến khoảng 9 gìờ mới về tới nhà. Một ngày đáng nhớ.
Thứ bảy 9-6-2012, sáng sớm định về Paris, nhưng là ngày nắng đẹp nên tất cả quyết định ở lại thêm một ngày, vì ở Paris trời đang mưa. Một ngày không dạo chơi, bửa trưa ăn ngoài trời, thật là một ngày thảnh thơi đáng hưởng nhàn đầy ý nghĩa.
Chủ nhật 10-6-2012, theo dự định hôm nay trở về Paris, sáng sớm đi dạo ở con đường chung quanh thành pháo thủ, nhưng một góc thành phía Bắc giáp với con sông Duran, nên không thể đi tiếp, phải đi vào trong thành, đây là lần thứ hai vào trong này, đường lát đá đẽo và đá cuội to với ciment, hai bên cao, giữa đường thấp cho nước chảy, đường hẹp chừng 3 thước bề ngang, nhà nhà ba bốn tầng, cử đóng then cài vì sáng tinh mơ, có nhiều nhà chủ ở Paris hay nơi khác, vào mùa Hè tháng 7 hay 8 họ mới đến đây nghỉ Hè.
Trong thành pháo thủ cũng như nhiều nơi ở vùng này, có những fontaine nước, nước chảy liên tục suốt ngày đêm, vì nước lấy từ mạch nước không mất tiền.
Tôi đi mua bánh mì về ăn sáng, trước khi lên đường nhà tôi muốn chụp bức ảnh kỷ niệm bức tượng đồng, người mẹ đang đùa với con đặt trong vườn hoa trước nhà Cô Dượng. ngày cuối cùng chúng tôi ở đây, phút giây rời chốn này làm cho chúng tôi bịn rịn ở cái làng nhỏ Colmars đáng yêu này.
Trước 9 giờ một chút, xe rời khỏi làng, đi qua Saint André, Thorame dần dần vào những làng lạ hơn những làng mấy ngày chúng tôi đã tới lui, cảnh quang rất đẹp, những cụm hoa hồng trước cửa nhà, những hoa Coquo Rico đỏ thắm sẽ luôn luôn ghi lại trong tâm tôi, vùng quê miền Nam nước Pháp.
Đến khoảng 11 giờ, chúng tôi dừng lại chỗ nghỉ ngơi bên đường, nơi đây có bàn đá granite, băng gỗ ngồi, chúng tôi lấy thức ăn ra ăn, ăn xong lại tiếp tục lên đường, đến một đoạn khác, có quán tạm bên đường, bày bán mứt, kẹo Nugar, trái cherry, nước Abricot Cô Ba dừng xe lại mua mấy trái Abricot, cherry để ăn chơi dọc đường.
Cho đến khi vào Autoroute A7 mới ghé vào cửa hàng Mc Donal, mua café uống và đi vệ sinh, rồi tiếp tục lên đường, khi đến Lyon, xe phải chui vào đường hầm dài khoảng 2 cây số để qua sông Rhône vào Autoroute A6 về Paris, đây là một đoạn xe chạy dưới cơn mưa tầm tả, tầm nhìn không quá 50 thước, chạy khoảng 1 giờ mới ra khỏi đoạn đường mưa.
Hơn 4 giờ chiều, chúng tôi lại ghé vào một cửa hàng để đi vệ sinh, rồi sau đó tiếp tục về Paris, trời không còn mưa nữa, nhưng nhìn về hướng Paris thấy mây đen vần vũ, khoảng 7 giờ hơn lại bị một cơn mưa khi chỉ còn cách xa Paris 50 cây số, về càng gần Paris xe càng đông, có một lúc phải ngừng hẳn vì giao thông bị trở ngại, có thể tai nạn đã xảy ra. Xe cứ bò chầm chậm chừng 5, 7 phút sau xe mới chạy bình thường.
Trời vừa mưa vừa tối, xe không thể chạy nhanh, về đến nhà khoảng 9 giờ, như vậy chúng tôi đã đi qua khoảng 800 cây số, mất chừng 12 giờ, khoảng làng mạc núi non có những vườn nhỏ, trồng cây Olive, bôm, nho, trên xa lộ A6 những mảnh vườn trồng nho để làm rượu, được mang danh hiệu là Côte de Rhône, có những cánh đồng lúa mì mênh mông.
Năm đêm chúng tôi đã ngủ ở Colmars, ngày thăm viếng nhiều cảnh đẹp núi non hùng vĩ, đi cho biết đó biết đây, được dịp ôn nhớ những bài học cũ và có thêm kiến thức về đất nước, con người văn minh. Học đến già vẫn còn cần phải học để mở mang kiến thức, tốt nhứt là nên truyền lại cho người đi sau những kinh nghiệm, đã mắt thấy tai nghe tại xứ người.
Thứ hai 11-6-2012, hôm nay anh Tường và chị Sương mời Cô Dượng Ba và vợ chồng chúng tôi đến nhà ăn trưa, khởi hành từ 11 giờ, nhưng do việc đi tìm đường khó khăn, lạc đường nên hơn 1 giờ trưa mới đến nơi.
Bước vào nhà thì trong nhà đã có nhiều người chờ đợi, sau khi được giới thiệu chúng tôi mới biết có vợ chồng bác sĩ Trần Ngọc Quang, vợ chồng bác sĩ Lợi, bs Khải, anh nha sĩ bạn bs Tường và con trai ở Việt Nam sang chơi đã gặp ở nhà hang Phú Đô. Bửa ăn chị Sương chịu khó nấu mấy món ăn chay cho chúng tôi, còn những người ăn mặn có bánh bèo, gỏi đu đủ trộn khô bò, hủ tiếu Nam Vang.
Suốt bửa ăn, các anh chị nhắc lại những chuyện khi rời khỏi Việt Nam, những ngày đầu ở Pháp phải đi học lại, thi lại làm cho không khí vui vẻ, thân mật đầy tình người trên xứ tạm dung.
Buổi ăn kéo dài cho đến khoảng 4 giờ, anh chị Tường phải đi rước cháu, nên chúng tôi chia tay, hẹn ngày gặp lại.
Thứ Ba 12-6-2012, hôm nay tôi đi sang nhà anh tôi để chào anh ra về, nhà tôi vì yếu sẵn nên không thể cùng đi, anh tôi cẩn thận gửi cho tôi bản đồ qua internet, nhưng nhà Dượng Ba không có máy in, tôi phải vẽ lại mấy nét chánh rồi đi Bus 125, Bus chạy thẳng từ Mairie de Gentilly đến Mairy d’Ivry, rồi đi bộ, hỏi thăm người đi đường, khi đi tới giao điểm mấy con đường, tôi biết đã đến con đường mình đi, tìm xem bảng tên đường không thấy đâu cả, hỏi một anh sửa điện thoại bên đường, anh chỉ bảng tên đường họ in hay vẽ ngay trên tường và trên cao do đó tôi không nhận ra.
Gặp anh tôi, hai anh em trao đổi nhau chuyện gia đình, chuyện máy vi tính, anh cho tôi quần áo, nhưng tôi không nhận vì có nhiều rồi, nay không chỗ mang về, tuy vậy cũng nhận cho anh vui mấy cái áo veston cho tôi và một áo lạnh da cho nhà tôi. 
Khi tôi ra về, anh cùng đi với tôi ra chợ phiên ở xung quanh toà hành chánh quận Ivry, anh đưa tôi vào chợ mua thêm cái túi kéo để đựng hành lý, anh và tôi chia tay ở chợ, anh đi chợ mua trái cây về ăn, còn tôi đi đến bến xe bus ra về, tôi đợi khá lâu, anh tôi lại mò tới bến xe bus hoặc anh sợ tôi đi lạc, hoặc anh muốn đưa tôi lên xe bus, khi tôi lên xe rồi, xe vẫn đậu lại lâu, tôi nhìn xuống đường anh vẫn đứng đó, nhìn anh một người già trên 80 đứng ở ga để tiễn em mình, lòng tôi rất buồn, khi xe lăn bánh hai anh em cùng vẫy tay chào nhau.
Thứ Tư 13-6-2012, Cô Dượng Ba đưa chúng tôi ra về, sáng dậy sớm, ăn điểm tâm qua loa rồi cùng nhau kéo valise ra ga xe lửa, từ nhà Dượng phải đi lên một dốc cao, qua khỏi đó là ngã tư đường, ga cách đó không xa.
Cô đưa cho mỗi người một vé, vé ghi giá 8.52 Euro dùng đi xe lửa RER, là xe lửa chạy nhanh trong vùng Paris, phải đi xuống nhiều bậc thang mới xuống tới ga, chờ một chút xe tới, chúng tôi lên xe, trên xe đông người, họ ăn mặc lịch sự, đó là những người đi làm, sinh viên đi học, vào Paris kẻ lên nguời xuống, nhưng xe không còn đông như ở ngoại ô đi vào. Xe tiếp tục chạy thêm, chúng tôi đếp phi trường Charle de Gaulle hơn 9 giờ. Có 2 trạm đỗ ở phi trường, trạm 1, 2 chung và trạm 3, chúng tôi xuống trạm chung rồi lấy xe điện đi trong khu phi trường để đến trạm 1 là khu vực của phi cơ United Airline.
Hôm tôi đến, nhìn thấy nhà ga nhỏ, nhưng hôm nay về, vào nhà ga mới biết nó cũng mênh mông, ngồi đợi từ 10 giờ tới 12 giờ 30 mới lên phi cơ, đây là chiếc Boeing 767-300, trừ First class, hạng Business hay Economic đều có ba dãi ghế, dãi hai bên cánh có 2 chỗ ngồi, ở giữa 3 chỗ ngồi, chỗ chúng tôi ngồi là Economic Plus nên cũng rộng rải. Từ Paris bay đến phi trường Dulles mất 8 giờ 10 phút, khi về đến phi trường Dulles đồng hồ chỉ 3 giờ 30 chiều.
Nhà tôi không ăn hộp thức ăn Lunch của phi cơ, lấy bỏ trong xách tay, về phi trường bị chó ngửi mùi, do đó hành lý bị xét, khi họ khui một valse toàn bánh, kẹo, Fromage đầu bò, beurre Bretaigne và họ lục tìm gói thức ăn của phi cơ trong túi xách tay, lấy gói xúc-xíc liệng đi, còn valise thức ăn kia họ chỉ cười vui vì chẳng có gì đáng xem xét cả.
Đáng lẽ chúng tôi lên phi cơ lúc 7 giờ, nhưng do phi cơ từ nơi khác đến trễ, hơn 8 giờ mới lên phi cơ, gần 10 giờ mới về tới phi trường Louisville, về tới nhà hơn 10 giờ 30 đêm.
Bốn tuần trôi qua nhanh, những ngày ở Paris được người thân và bạn bè đón tiếp, đưa đi viếng chùa lễ Phật, tham quan chỗ nọ chỗ kia, đều là những nơi đáng tham quan để hiểu văn hóa văn minh xứ người.
Paris, từ ngoại ô đến trung tâm thành phố, khắp các con đường đều có người đi bộ vì đường xá nhỏ hẹp, xe cộ đông đúc, chạy xe đã khó mà tìm cho được chỗ đậu xe còn khó hơn, nên người ta dùng phương tiện công cộng như xe bus, xe điện (train), xe điện ngầm (métro), có những bãi cho mướn xe đạp, xe hơi chạy điện có 4 chỗ ngồi (autolib).
Đó là những phương tiện chánh phủ khuyến khích dân chúng sử dụng, để tránh kẹt xe, tránh ô nhiểm.
Paris vì chật hẹp, nên đường phố đều tráng xi măng trên vĩa hè, ai dẫn chó đi dạo phải có túi nylon để hốt phân khi chó làm bậy, vì vậy trên vĩa hè sạch sẽ.
 Rất nhiều chỗ có nhà vệ sinh công cộng, những nhà vệ sinh này tự động rửa, nên rất vệ sinh cho người sử dụng, tuy nhiên tôi vẫn thấy ở Paris cũng như ở Nice có người tiểu bậy, thật ra để giải quyết việc đi vệ sinh ở ngoài đường phố, chúng ta chỉ cần vào quán cà phê, gọi ly cà phê để thưởng thức hương vị cà phê ngon ở Paris giá chừng 1,2 dến 3 Euro, tiện thể đi vệ sinh.
Ở Paris, giá ghi bao gồm cả thuế và cả tiền típ (pourboire), lịch sự chúng ta có thể cho thêm tiền lẻ thối lại vài chục xu.
Trên xa lộ, khoảng 15, 20 cây số có nhà vệ sinh, hoặc những quán ăn như Mc Donal, để người đi đường xa giải quyết vấn đề vệ sinh, nhưng ở những nơi thôn quê, không có nhà vệ sinh ở dọc đường, muốn giải quyết chúng ta cần phải "chui vô bụng".
Người ta cho biết ở Paris dễ bị móc túi, dĩ nhiên thường xảy ra ở chỗ đông người, nhất là trên những chuyến Métro đông khách vào những giờ cao điểm, khách chen chúc khi lên xuống. Để phòng ngừa, người ta thường đeo túi nhỏ trước bụng đựng giấy tờ, tiền bạc, hoặc có người bỏ các giấy tờ cần thiết, tiền bạc vào một túi vải nhỏ, cột miệng túi lại, móc vào xâu chìa khóa có dây móc vào con đĩa thắt lưng, xâu chìa khóa và túi vải bỏ vào túi quần.
Người ta thường nói cách ăn mặc lịch sự đúng “mode” của người Paris, Luân Đôn, Nữu Ước. Thật ra, người ta muốn nói tới những người giàu có, thượng lưu, những người đi làm trong văn phòng, những chỗ giao dịch, còn ở ngoài đường phố, mọi người ăn mặc cũng bình thường, còn khách du lịch thì càng ăn mặc giản dị hơn.
Chấm dứt chuyến đi này, tôi không thể không cám ơn thân nhân của chúng tôi, và nhất là những người bạn dành cho nhiều cảm tình, một chuyên đi rất đáng ghi nhớ vì được học nhiều, hiểu rộng thêm. Tình cảm gắn bó, ai cũng hẹn sẽ gặp lại - xin để tùy duyên.
Louisville, 15-6-2012