Mấy tháng trước, Blog Bông Tràm có gửi Email chung đến tôi, gợi
ý viết bài cho Bông Tràm về nhà văn Mai Văn Tạo, tôi bận nên không viết được,
vì đang viết Văn Học Miền Nam 1954-1975, mặc dù nhà văn Mai Văn Tạo là đồng
hương, cũng là nhà văn ở trong thời kỳ đó.
Nay được điện thư của anh Hoàng Công Chương mời viết bài cho tập
kỷ yếu của Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức sau 50 năm hoạt động, tôi
nghĩ đó là nơi tôi đã học, tôi đã sinh hoạt ở đó trong những ngày đầu tiên, sau
khi ông Hiệu Trưởng Trường Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, tiếp nhận
Trường vào năm 1972, và sau đó, có lẽ là năm 1984 tôi có dạy
vài tháng cho sinh viên chính quy và bồi dưỡng, cho nên dù bận cũng muốn
đóng góp, hay dở xin độc giả lượng thứ cho, vì tôi hay viết chớ không phải viết
hay.
Khi tôi nhập học vào Trường, tên tôi ở vào hạng dự bị chót, năm
học đó 1964-1965, thi tuyển lấy chính thức 10 sinh viên và dự bị 2 sinh viên để
đào tạo Giáo sư Trung Học Kỹ Thuật Đệ Nhứt Cấp, học trình 2 năm.
Dù đậu dự bị nhưng có mấy sinh viên lại trúng tuyển vào trường Kỹ
sư Công Nghệ bỏ học, biết thế nên tôi xin vào học dự thính, trong lớp có 2 anh
cũng trúng tuyển vào Kỹ sư Công Nghệ nhưng chọn học Sư Phạm Kỹ Thuật, đó là anh
Nguyễn Văn Bài và anh Nguyễn Văn Hoạt, tổng cộng kể cả tôi chỉ có 7 sinh viên
theo học, chừng tháng sau, anh Hoạt bỏ học, lớp chỉ còn lại vỏn vẹn có 6 người,
gần đây tôi có liên lạc được, mới biết năm đó anh Hoạt được học bổng du học ở
Pháp, rồi anh ở luôn làm việc bên ấy cho đến khi về hưu, năm nay tôi đi nghỉ hè
ở Pháp, anh Hoạt có mời tới nhà anh ở thành phố Nante chơi vài hôm, nhưng rất
tiếc, tôi không tới thăm anh được.
Vào học, tìm hiểu tôi được biết Trường được thành lập từ năm
1962 dưới thời ông Nguyễn Được làm Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học Vụ, địa chỉ 48
đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), ông Trần Lưu Cung Phó Giám
Đốc Nha, kiêm Giám Đốc Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, Trường dùng tạm cơ sở của
Trường Bách Khoa Trung Cấp Phú Thọ cũng do ông Trần Lưu Cung làm Hiệu Trưởng,
nghe nói ông Trần Lưu Cung là kỷ sư télécom ở Pháp về cùng đợt với ông Nguyễn Được,
hình như vào năm 1959. Năm 1963 ông Nguyễn Được làm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, ông
Trần Lưu Công lên làm Giám Đốc Nha, vài tháng sau nội các Nguyễn Ngọc Thơ đổ,
ông Được bay luôn, sau năm 1975, vợ cũ ông Nguyễn Được người Pháp, bảo lãnh ông
sang Pháp định cư. Ông Trần Lưu Cung có lúc làm Thứ Trưởng Giáo Dục, nội các ấy
đổ, ông Trần Lưu Cung làm việc cho Unesco ở Côte d’Ivoire, sau này định cư ở
Virginia.
Khi chúng tôi nhập học vào đầu niên khóa, thì khóa đầu tiên vừa
mới ra trường, tôi không biết các anh là ai, nhưng sau này là đồng nghiệp, nhất
là trong 2 lần Hội thảo Hè năm 1966 và năm1967, để định chương trình Kỹ Nghệ
Họa cho các Trường Kỹ Thuật từ lớp 8 đếp lớp 12, qua đó chúng tôi quen biết
nhau, tôi được biết, khóa này có 8 anh:
1) Anh Bùi Duy Trầm sau làm Hiệu Trưởng Trung Học Kỹ Thuật Vĩnh
Long thay ông Lý Kim Chân về Nha Kỹ Thuật Học Vụ làm Phó Giám Đốc. 2) Anh
Nguyễn Văn Hoa, giáo sư Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, sau làm Hiệu Trưởng Trung
Học Kỹ Thuật Kiến Hòa, năm 1970 anh đi du học ở Mỹ lấy bằng Master, về dạy ở Sư
Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức. nay định cư ở Úc. 3) Anh Nguyễn Văn Huệ, giáo sư Trung
Học Kỹ Thuật Y-ÚT tại Banmêthuột, sau làm Hiệu Trưởng Trường này từ năm 1969
đến năm 1974, sau anh từ chức, là Hội Viên Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục, nay định
cư ở Washington State. 4) Anh Nguyễn Đức Lưu có lúc làm Giám Học Trung Tâm
Chuyên Nghiệp Phan Đình Phùng, sau 1975 anh dạy Vẽ Kỹ Thuật tại Trường Đại Học
Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức. 5) Anh Lương Sương Khen, giáo sư Trung học Kỹ Thuật
Đà Nẳng, sau chuyển về Trường Cao Thắng, nay anh đã mất. 6) Anh Trần Phát Lạc
tôi không nhớ đầu tiên anh dạy trường nào, sau đổi về dạy ở Cao Thắng cùng lượt
với anh Lương Sương Khen. 7) Anh Phạm Minh Phước trước tôi không rõ anh dạy
trường nào, sau anh chuyển về Trường Nguyễn Trường Tộ dạy cho đến khi về hưu
gần đây. 8) Anh Lưu Đức Phương tôi không nhớ anh dạy trường nào, nhưng qua đời
sau khi anh đi dạy vài năm.
Khóa 2 nhập học niên khóa 1963-1964, khóa này hầu hết đều học chung
với tôi từ đệ Thất đến Đệ nhị, sau đó tôi thi rớt Tú Tài I, nên các anh vào
trước tôi một năm, khóa này có 2 anh Phạm Văn Tài và Lê Văn Mạnh đặc biệt năm
Đệ Tam Kỹ Thuật, hai anh đỗ Tú Tài I phổ thông, nên được học Đệ nhất Kỹ thuật,
đỗ Tú Tài II Kỹ thuật rồi thi vào Sư Phạm Kỹ Thuật, khóa này có mấy anh học 2
năm, còn lại hầu hết học 4 năm.
Trong những anh học 2 năm có anh Nguyễn Hữu Chính sau làm Hiệu
Trưởng Trường Kỹ Thuật Sa Đéc, nay định cư ở Úc. Các anh học 4 năm sau khi tốt
nghiệp, có anh Phạm Văn Tài, Lê Văn Mạnh được phân bổ về dạy ngay tại Trường Kỹ
Thuật Cao Thắng, anh Lý Thất dạy trường Bách Khoa Trung Cấp còn số khác phân bổ
về các trường xa thủ đô Sàigòn. Về sau anh Phạm Văn Tài làm Hiệu Trưởng Trường
Nguyễn Trường Tộ, rồi thăng Chủ Sự Phòng Vật Tư, Nha Học Chánh Sàigon, anh định
cư ở Oregon rồi mất ở đó năm 1999, sau khi tới Mỹ vài năm. Anh Lý Thất làm Hiệu
Trưởng Trường Kỹ Thuật An Giang (Long Xuyên), anh mất tại đây trên 10 năm rồi,
anh Lê Kim Nghĩa làm Hiệu trưởng Trường Kỹ Thuật Kiến Phong (Cao Lãnh).
Khóa tôi là khóa 3, chỉ có 6 sinh viên, học mãn khóa 2 năm thì
có 2 anh được giữ lại để học 4 năm, đó là anh Nguyễn Đức Lộc sau khi ra trường
dạy ở Trường Kỹ Thuật Việt Đức, anh Nguyễn Văn Đước hình như ra Trường dạy ở
Phước Tuy, sau làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Tây Ninh, anh đã mất vài năm
trước đây tại quê anh ở Phước Tuy.
Bốn chúng tôi ra Giáo sư Đệ Nhất Cấp: 1) Anh Nguyễn Văn Bài chọn
Trường Kỹ Thuật An Giang vì vợ sắp cưới của anh là Y tá ở Bệnh viện Long Xuyện
2) Anh Lương Văn Nhơn về Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, năm 1970 làm Hiệu Trưởng
Trường Kỹ Thuật Kiến Hòa thay anh Nguyễn Văn Hoa đi du học, nay anh Nhơn định
cư ở Ohio. 3) Anh Trịnh Như Tích đi dạy ở Trường Kỹ Thuật Đà Nẵng sau chuyển về
Trường Kỹ Thuật Gia Định, làm Giám Học Trường này, đặc biệt anh Trịnh Như Tích
là thí sinh phổ thông lại trúng tuyển vào Ban Kỹ Nghệ Họa Sư Phạm Kỹ Thuật,
theo tôi biết, từ ngày thành lập trường cho đến năm 1975 chưa hề có ai có thể
trúng tuyển như ạnh. Thật là một kỳ tích, nay anh định cư ở San José,
California. 4) Là tôi, chọn nhiệm sở Trường Kỹ Thuật Y-ÚT Banmêthuột, năm 1974
làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, thay anh Phạm Văn Tài.
Sau khi tôi ra Trường, các khóa về sau tôi không được rõ lắm,
chỉ biết năm 1974 khi làm Hiệu trưởng, tôi có nhận anh Nguyễn Văn Quyền, giáo
sư Trường Việt Đức vào dạy giờ, từ đó anh với tôi quen nhau, sau này Trường
Việt Đức sáp nhập vào Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức, nghe nói anh đã về hưu,
nhưng vẫn còn dạy hay làm việc ở Trường cho đến nay.
Cho đến trước năm 1975, không hẹn mà chúng tôi tự nhiên soạn đủ
một bộ sách dạy Kỹ Nghệ Họa cho học sinh Kỹ Thuật từ lớp 8 tới lớp 12.
- Lớp 8 Kỹ Thuật Toán và Chuyên Nghiệp soạn giả Lương Sương Khen
và Nguyễn Đức Lưu.
- Lớp 9 Kỹ Thuật Toán và Chuyên Nghiệp soạn giả Huỳnh Ái Tông
- Lớp 10 Kỹ Thuật Toán soạn giả Nguyễn Đình Lâm
- Lớp 11 Kỹ Thuật Toán soạn giả Nguyễn Đình Lâm
- Lớp 12 Kỹ Thuật Toán soạn giả Phạm Văn Tài và Lý Thất.
Trước 1975, Ban Kỹ Nghệ Họa của Trường Sư Phạm Kỹ Thuật có ít
nhất 10 anh làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật, trong đó có 1 anh dạy Đại Học
(Nguyễn Văn Hoa), 4 anh làm Hiệu Trưởng Trường Đệ Nhị Cấp (Bùi Duy Trầm, Phạm
Văn Tài, Lý Thất, Huỳnh Ái Tông). 5 anh làm Hiệu Trưởng Trường Đệ Nhất Cấp
(Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Hữu Chính, Lê Kim Nghĩa, Lương Văn Nhơn, Nguyễn Văn Đước).
Sở dĩ ban Kỹ Nghệ Họa được đề cử giữ chức Hiệu Trưởng vì có trình độ Tú Tài
toàn phần, hầu hết đều đã học qua các ngành chuyên môn như: Nguội, Gò, Rèn,
Hàn, Cơ Khí Ô-tô, Điện, Kỹ Nghệ Gỗ, Máy Dụng cụ cho nên dễ điều hành Trường từ
giáo sư dạy các môn phổ thông cho đến hoạt động các xưởng.
Về Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật hiện tại, khi nhà thầu hoàn
tất bàn giao cho Bộ Giáo Dục, ông Bộ Trưởng giao chìa khóa Trường cho ông Phan
Kim Báu Hiệu Trưởng Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, đang có chương trình
sẽ sáp nhập chung với Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật thành Trung tâm Giáo Dục Kỹ
Thuật Nguyễn Trường Tộ, lúc đó đang là mùa Hè, ban ngày có gác-dan trông nom
Trường, ban đêm chúng tôi gồm giáo sư Trường Nguyễn Trường Tộ và Sư Phạm Kỹ
Thuật có xe Trường chiều rước lên ngủ giữ Trường, sáng xe đưa về.
Thời gian đó, trong toán của chúng tôi có anh Lê Bá Thanh Trưởng
phòng Hành chánh, trưởng toán, Hà Mộng Giao, Nguyễn Tấn Lợi, tôi và hai vị
thuộc Sư Phạm Kỹ Thuật nay tôi không nhớ được, ở đó rất buồn tẻ vì Trường sở
rộng thênh thang, mấy dãy lớp học, ký túc xá, xưởng, nhà kho, nhà Hiệu Trưởng …
chỉ có mấy anh em mà thôi, chúng tôi buồn nên thả bộ ra trước Trường, con lộ chạy
từ Xa lộ vào chợ Thủ Đức, có một cái quán Chiều Tím, không có tiếp viên, chị
chủ là một quả phụ, có đứa con học nội trú ở Trường Kỹ Thuật Nghĩa Tử, nên tiếp
đãi chúng tôi ân cần hoặc khi uống cà phê, hoặc khi uống bia.
Một đêm, sau khi ổn định chỗ nằm – tôi nằm ở ngoài hành lang,
bên cạnh anh Thanh, anh Lợi nằm trong lớp Kỹ Nghệ Họa – anh Lợi và tôi ra quán
Chiều Tím, mỗi người uống một chai bia “con cọp” rồi vào Trường đi ngủ, sở dĩ
anh Nguyễn Tấn Lợi đi với tôi vì anh là người Long An nhưng “chuột sa hủ nếp”,
anh không kể rõ, tôi chỉ biết anh được gia đình giàu có họ Phạm ở Long Xuyên
cho anh đi du học ở Pháp, sau khi anh về nước, anh cưới con gái nhà họ Phạm đó,
nhưng vì lý do gì tôi không rõ, khi tôi thuyên chuyển về Trường Nguyễn Trường
Tộ năm 1970, hai vợ chồng anh Lợi đã ly thân, ban ngày anh dạy học, ăn cơm
quán, tối ngủ tại Trường, anh có thằng con trai đang học trong Trường. Biết tôi
là người Long Xuyên, đồng hương của vợ anh, nên anh mến tôi, có đêm tôi đã ngủ
tại Trường, anh đánh thức tôi bằng được, đưa cho một gói giấy, trong đó có con
cua biển luộc và một chai bia “con cọp”, anh bảo tôi: “Uống đi! Tôi chỉ mang về
cho chú mầy thôi !”. Tôi đành phải ăn con cua luộc lạnh tanh, nhưng hớp bia vào
cũng đỡ. Tình anh với tôi lạt hay nồng ấm ở chỗ đó.
Đêm ấy khoảng nửa khuya, tôi bị anh quấy rầy không ngủ được, nằm
trong mùng tôi nhìn thấy anh mặc quần đùi đen, đi tới đi lui quanh quẩn chỗ
chúng tôi ngủ, giọng tức bực chửi:
- Đ.M. Giờ này không cho người ta ngủ! Phá quá vậy ! …..
Tôi sợ anh làm mất giấc ngủ của người khác, mai họ còn phải đi
dạy đi làm, tôi chui ra khỏi mùng hỏi anh:
- Anh Lợi! Khuya rồi sao anh không ngủ đi, uống có một chai mà !
- Ừ ! Vậy mới nói, tôi tỉnh chớ có say sưa gì đâu !
- Vậy thì chuyện gì xảy ra, anh kể cho tôi nghe đi!
- Nó kéo tôi xuống.
Tôi bắt đầu hiểu mơ hồ, nên nói với anh:
- Nói rõ đầu đuôi dùm đi, anh nói không đầu không đuôi ai mà
hiểu.
- Tôi nằm ngủ, bổng thấy có cô gái mặc nguyên bộ quần áo trắng,
tóc xỏa dài, kéo chân tôi, từ trên bàn, thân
tôi thiếu điều rớt xuống đất, tôi phải bỏ chạy ra đậy
- Vậy bây giờ anh tính sao ?
- Còn sao nữa, vào lấy quần áo ra đi chỗ khác ngủ.
- Vậy là anh không dám trở vô phòng chớ gì ? Đi với tôi.
Tôi đi trước, anh Lợi theo sau, phòng anh ngủ là lớp đầu tiên
nằm bên tay phải, anh đã mở tất cả 72 ngọn néon một thước hai, đèn sáng choang,
bốn cây quạt máy trên trần quay vù vù. Tôi thật không ngờ anh từng đi học khóa
sình lầy ở Mã Lai, vậy mà chạy bỏ quần, bỏ áo cũng lạ !
Vài năm sau, tôi mới biết chuyện ấy chẳng có gì lạ, lạ là tại vì
tôi không biết chuyện gì hết. Tôi chỉ biết Trường cất trên một nghĩa địa cũ,
còn chuyệm tiêp theo tôi không hề biết là: Trường do hãng thầu của Nam Hàn cất,
họ có trách nhiệm di dời các ngôi mồ vô chủ, san bằng tất cả cây cối ở trong
khu vực xây cất của Trường, việc tiến hành sắp hoàn tất, chỉ còn một cây cuối
cùng, họ đem máy cưa tay đến cắt, máy cưa bị đứt xích, họ dùng một xe ủi cơ giới
chạy tới để ủi cho cây ngã, trên đường chạy tới gốc cây, xe ủi bổng bị lọt tỏm
xuống hầm, hầm đó vốn là ngôi mộ cũ đã bốc, rồi họ đi xin thuốc nổ TNT, sau khi
mồi lửa vào dây cháy chậm, dây chỉ cháy một đoạn mà không cháy tới ngòi nổ, nên
thuốc nổ TNT không nổ.
Ông Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học vụ Lý Kim Chân, chủ công trình
thấy chuyện cũng lạ, trong bữa cơm chiều ở nhà, ông kể chuyện cho gia đình
nghe, bà thân ông có ý kiến:
- Con à ! Con là người chủ công trình, nếu con có toàn quyền,
con không nên đốn cây ấy, bởi vì có những điềm không nên đốn, nếu đốn có khi có
hại cho con.
Ông Lý Kim Chân nghe lời mẹ khuyên, nên quyết định chừa lại, cho
nên Trường cất xong, toàn khu vực Trường có một cái cây còn lại bên cạnh dãy
lớp, không phải ở sân trước mà cũng chẳng phải ở sân sau.
Anh Phan Kim Minh, con ông Phan Kim Báu, giáo sư ở Trường Kỹ
Thuật Vĩnh Long, nghĩ Hè ở nhà, nghe chuyện lạ về cái cây, một đêm kia anh theo
xe Trường với chiếc áo mưa, trọn đêm nằm ngủ dưới gốc cây ấy. Khi tôi biết
chuyện này, chưa gặp anh Minh để hỏi anh về chuyện một đêm nằm sương bên gốc
cây kia.
Anh Nguyễn Tấn Lợi còn kể nhiều chuyện tiếu lâm, tôi được nghe
cũng khá thú vị. Nhưng chỉ có thể kể về chuyện một hàn nho tả cảnh nghèo của
gia cảnh mình, nghèo quá nghèo, không có chi để ăn trong bữa ăn, cũng chẳng có
gạo để nấu:
Chó
đứng chực xương rơi nước mắt,
Chuột
nhìn hủ gạo rụng lông nheo.
Sau mấy tháng tối đi sáng về, anh em mới ngộ ra, từ Sàigòn lên
Thủ Đức xa 12 cây số, nhưng ngày nào kẹt dạy chỉ có 2 giờ mà phải sang sớm đi
theo xe Trường, chiều tối mới về, mất cả một ngày, ai cũng có giờ dạy tư ở
Sàigòn và Trường đẹp sẽ là Trường Sư Phạm Kỹ Thuật chớ không phải của Trung Học
Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, nên Hội Đồng Giáo Sư Trường họp lại quyết định
nhường hẳn ngôi Trường mới là ngôi Trường do Tòa Đại Sứ Mỹ lấy cơ sở Trường tại
số 25 bis Hồng Thập Tự nay cất Trường mới đền bù, và tự nguyện xin ở lại trong
khuôn viên của Nha. Nha chấp thuận nguyện vọng của Trường, cũng chấp nhận cho
ai muốn chuyển lên Trường mới, cho nên chỉ có mỗi mình anh Vũ Đình Lệ giáo sư
Kỹ Nghệ Gỗ xin chuyển mà thôi.
Năm 1983 hay 1984, tôi làm việc ở Công Ty Trang Bị Kỹ Thuật
thuộc sở Công Nghiệp ở cư xá Brink nay là khách sạn Hyatt, Trường đại Học Sư
Phạm Kỹ Thuật Thử Đức có gửi toàn bộ sinh viên mônVẽ Kỹ Thuật, để anh em chúng
tôi hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp, chúng tôi có anh Đỗ Võ Quang
Master ở Mỹ, anh Trần Quang Thành, Nguyễn Văn Hòa, Kỷ sư Công nghệ Phú Thọ và
tôi.
Sau đó, tôi được mời giảng môn Vẽ Kỹ Thuật cho một lớp chính quy
và một lớp bồi dưỡng giáo viên dạy Vẽ Kỹ Thuật. Thời gian đi dạy này sáng đi xe
Trường, chiều theo xe Trường về, tôi gặp lại giáo sư Khai, giáo sư Duyên những
vị Thầy xưa kia dạy ở Cao Thắng và gặp lại các bạn Tô Ngọc Trí, Bùi Văn Thanh
Tâm cùng học Sư Phạm Kỹ Thuật. Lúc đó tôi là Trưởng Phòng Công nghệ, đang có
công tác lắp ráp máy ép dầu của xí nghiệp công tư hợp doanh Trương Văn Bền bán
cho xí nghiệp 1 tháng 5 ở Bến Tre, đây là một máy ép dầu của Mỹ, công suất lớn,
tôi phải đi đi, về về, ngày đó đi xe đò phải có Giấy Giới Thiệu, phải xếp hàng
rồng rắn, tôi phải bỏ dạy Sư Phạm Kỹ Thuật, không lời từ giã với anh Nguyễn Đức
Lưu, khi ấy anh đang dạy ở đó.
Ngày tôi vào Ban Sư Phạm Kỹ Thuật đến năm nay đã 48 năm. Ngày
xưa một Sinh viên vào học Sư Phạm mỗi tháng đều có học bổng một ngàn đồng, sau
khi ra Trường phải làm việc trả lại 10 năm, tính ra tôi ra Trường năm 1966, đến
năm 1975 không còn dạy học nữa, vậy là tôi còn món nợ 1 năm. Năm 1981, ông Lê
Thành Phụng Giám Đốc Sở Công nghiệp Thành phố HCM, chỉ định tôi trở về trường cũ
đảm nhận chức vụ Hiệu Phó chuyên môn Trường Kỹ thuật Nghiệp vụ Thành phố HCM,
nhờ vậy tôi trả đủ món nợ năm xưa.
Bao nhiêu năm, cầm phấn trắng vẽ trên bảng đen, giảng dạy cho
các em, tôi chỉ mong các em phải vượt qua, vượt qua tôi, mấy năm gần đây Ngày
Nhà Giáo các em học sinh cũ tổ chức ở nhà hàng mời tôi tới dự, tôi tới không
phải để nghe các em bày tỏ chân thành lời cám ơn, hay nhận một lẵng hoa, một
món quà tình nghìa, mà tôi tới dự để tìm hiểu các em đã thành công thế nào, được biết có học sinh cũ
nay là bác sĩ, là kỷ sư, là Giám đốc là Phó Tổng Giám Đốc, có một học sinh cũ
vừa mới liên lạc với tôi, tôi được biết em này có bằng PhD của Trường Stanford,
ở California, em ấy là một trong vài người đã viết Software WinVNKey, để gõ chữ
Việt, Hán, Nôm, hiện tôi đang dùng để gõ bài này. Cũng là một niềm vui nhìn
thấy kết quả của mười năm nghề giáo của mình.
Đôi lần tôi được về thăm Trường xưa, nhìn Giảng Đường, lớp học,
ký túc xá, cái cây năm nọ chạnh nhớ tới anh Lê Bá Thanh, đã nằm xuống ở San
Jose, anh Nguyễn Tấn Lợi định cư ở Pháp, còn hay mất không nghe ai nhắc tới.
Tôi có được vào các xưởng mới cất thêm do chánh phủ Đức, Áo cũng
như vài Công ty kỹ nghệ ngoại quốc tặng máy móc cho Trường, do đó Trường xây cất
thêm, kiến tạo nên bộ mặt mới với hàng ngàn sinh viên, nhìn thấy họ tràn đầy sức
sống, nghĩ lại mình đã gần nửa thế kỷ trôi qua.
No comments:
Post a Comment